Con Ðường Ðầy Sen Búp
Bài thuyết pháp tại Chùa Dược Sư
Giác Thanh Ghi
--o0o--
 
Hôm nay là ngày 11 tháng 04 năm 2003
Bài pháp chúng tôi muốn giới thiệu đến đại chúng hôm nay là: Con Đường Đầy Sen Bụp
Pháp môn Nhị Lực hay Pháp Môn Thiền Tọa, Niệm Phật, và Kinh Hành là một Pháp Môn tuy đơn giản nhưng có hàm ý thâu nhiếp năm giáo Ðức Phật nói, có khả năng làm lợi ích ba hạng người:
- Thượng Căn
- Trung Căn
- Hạ Căn
Có thể nói đây là một thời giáo rất rộng rất lớn, là pháp rất đơn giản dễ dàng. Do vậy mà chúng ta không ngạc nhiên khi thấy trong các Kinh, Luận, nơi nào cũng có ca ngợi tụng, tuyên dương, và chư Phật trong mười phương tuy là khác miệng, nhưng đồng âm xưng tán và khuyên bảo mọi người phải tin tưởng. Trong hiện đời được chư liệt vị Cao Tăng, Ðại Ðức xưa nay nhất tâm hoằng dương. Bởi vì Pháp Môn Nhị Lực nầy ngoài việc tự chúng ta hành trì còn gồm có cả Phật lực hổ trợ, cho nên nếu có hành trì dốc lòng Niệm Phật, Thiền Tọa  và Kinh Hành thì chắc chắn sẽ được vãng sanh về một trong chín phẩm liên hoa. Cho nên trong Kinh Ðại Tập đức Phật chỉ dạy đại chúng:
- Trong thời đại đạo đức luân lý không được coi trọng, tuy có nhiều người tu hành, nếu có người đắc đạo, thì đó là người đã nương nơi Niệm Phật, Thiền Tọa và Kinh Hành, sẽ được qua khỏi sinh tử.
Bậc cổ đức cũng có nói rằng:
- Học Ðạo nếu thực tập theo các pháp môn khác, thì chẳng khác nào như con kiến lên ở núi cao; trong khi đó Niệm Phật, Thiền Tọa và Kinh Hành thì được vãng sanh giống như ghe buồm đi thuận gió.
Như vậy trong Kinh Phật cũng dạy, và lời chư Tổ cũng thường khuyên nhắc Niệm Phật, Thiền Tọa và Kinh Hành, chúng ta là đàn hậu học nếu là kính Phật trọng Tăng thì phải nên cố gắng nghe lời khuyên dạy để sanh tín tâm, phát nguyện Niệm Phật, Thiền Tọa và Kinh Hành đề cầu sanh về thế giới Cực Lạc. Từ xưa đến nay những người tu trì Pháp Môn trì danh Niệm Phật, Thiền Tọa và Kinh Hành được thành tựu rất nhiều. Lý do như có lần chúng tôi nói, đó là Pháp Môn tuy giản dị, nhưng rất là thù thắng, có thể vượt bực, không cần trải từng giai đọan để từ phàm phu sanh thẳng về Tây Phương Cực Lạc. Vì đây là phương pháp rất đơn giản, khiến mọi người không dám tin, nhưng với những thành tích mà Chư Tổ đi qua, đã lưu lại cho hậu thế như chúng ta đã thấy thì không thể không tin. Ðể trợ duyên cho những ai có tín tâm, và trên đường đi vào Phật đạo đầy hoa sen búp, chúng ta cần phải chỉnh đốn lại oai nghi, và cách hành xử của chúng ta, mà theo thuật ngữ thế gian gọi là tu hành:
A- Khép Mình Trong Khuôn Mẫu
01- Hành Vi Hằng Ngày
Trong cuộc sống hằng ngày hành vi sinh hoạt của chúng ta khó mà tránh khỏi những sai lầm, chúng ta biết như vậy thì sửa cho chính lại những hành vi sai lầm, gọi là tu hành. Như vậy tu hành là sửa những hành vi sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày. Nên nhận thức rằng năm trần:
- Sắc,
- Thinh,
- Hương,
- Vị,
- Xúc
Tất cả điều là hư giả cho nên chúng ta không nên thọ dùng, không thể để ái nhiểm làm hoen ố, lại càng không được chấp trước.
02- Lập Trường Dứt Khoát
Là một người học Phật, trước nhất chúng ta cần phải có một lập trường dứt khoát, và có cái nhìn cho rõ ràng. Nghĩa là tin Phật là tin Phật, mà tu hành học Phật là tu hành học Phật.
a- Tin Phật
Là đọc một vài quyển kinh, lạy một vài hiệu Phật, hoặc niệm một vài tiếng Phật, ngồi tỉnh tọa giử năm giới, làm chút việc thiện, đời sau sinh lên cõi trời hoặc nhà giàu có. Cầu giàu có, cầu bình an, cầu gia hộ... Dính mắc nặng nề cuộc sống vật chất, hưởng năm dục của nhân gian, ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, tận tình ăn uống vui chơi, tất cả là những nhân không lành mạnh cần phải chỉnh đốn lại.
b- Tu hành học Phật.
Là cần phải nương theo lời dạy, như Pháp mà tin thọ chịu làm, ngoài vấn đề trì giới, bố thí, còn cần phải tự thanh tịnh ý, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, thọ trì một phương pháp nào đó, tức là phương pháp đó cần phải chuyên tâm nhất ý. Có chuyên tâm nhất ý thì mới ra khỏi luân hồi ba cõi, sáu đường từ bỏ khổ đau, được vui tươi hạnh phúc cho đến lúc thành Phật.
03- Người Học Phật Cần Có Chánh Tín
Vì Chánh tín rất là trọng yếu. Có chánh tín thì con đường đi vào Ðạo sẽ nở đầy sen búp, sẽ vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Không chánh tín mà niệm Phật, tu phước, thì đời sau giàu có, giàu có thì sinh cuộc sống hưởng thụ. Tâm phàm phu mà sống đời hưởng thụ thì dể làm ác, tạo các nhân xấu, có thể đời này niệm Phật, đời sau hưởng phước, nhưng đến đời thứ ba phước hết thì rơi rớt vào ba đường ác. Nếu có gặp phải hoàn cảnh nầy thì gọi là làm oán ba đời. Bởi vậy chúng ta là người học Phật thì nên sanh tín tâm chân chánh.
04- Không Ðam Mê
Là người học Phật cũng không nên đam mê ở nơi nhiều kiểu dáng, nhiều trạng thái của hiện tượng vật chất, mà quên bẵng đi cội nguồn sinh mạng là ở nơi cõi tinh thần. Vì thế trong Kinh Phật thường nói:
- Chúng sinh bội giác hiệp trần.
Nghĩa là:
- Chúng sanh thích quay lưng lại với sự giác ngộ, để đi tìm trần lao khổ lụy.
Vì thế mà buông bỏ sự giải thoát để đi tìm cầu sự phú quí vinh hoa. Cũng vậy, người tu hành nếu không đánh thức Phật tánh ở bên trong, cũng chỉ là ưa thích cái xấu tệ hại, cạn cợt trọn đời của Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp ở bên ngoài. Ðó là lý do vì sao danh vọng, sự nghiệp, cơ  đồ, hiển hách, cũng có một ngày rơi rớt lụn bại và vì sao quyến thuộc ân ái thân mật cũng có lúc phân ly.
05- Hoằng dương Phật Pháp
Theo quan niệm xưa, Hoằng dương Phật Pháp là việc của chúng xuất gia, trong khi đó chúng tại gia chỉ tin Phật trồng nhân thiện, được phước báo trời người, đời sau hưởng phước. Tuy nhiên theo quan niệm ngày nay, chúng tại gia cũng có thể tham gia vào công việc hoằng dương Phật Pháp bằng cách hành trì rất mực nghiêm minh thì cũng thành tựu được đạo nghiệp. Có nghĩa là phải dứt khoát trần duyên, tinh tấn học Phật, hành trì thì sẽ được vãng sanh thế giới Cực Lạc, có được như vậy thì gọi là:
- Thân đó tại gia, nhưng Tâm thì đã xuất gia.
Ngược lại nếu thân đã xuất gia mà còn muốn về nhà, trong tâm tu còn lo cho con cháu, đứa này chưa dựng vợ, đứa kia chưa gã chồng, thì gọi là:
- Thân thì đã xuất gia mà tâm thì còn tại gia.
Trong trường hợp đi tu mà cứ nhớ nhung việc gia dình, việc trên xã hội, dục lạc hưởng thụ, thì chúng ta nên cần phải cố gắng dụng công nhiều hơn nữa mới có thể chế ngự được tâm. Do đó việc tu hành, hay sứ mạng hoằng dương chánh pháp không phải là phân biệt trên hình thức xuất gia hay tại gia, mà là phân biệt trên tâm địa. Người tại gia mà có thể xã bỏ sự suy nghĩ và công việc thế tục như: Phú quí, vinh hoa... các dục vọng, thì cùng với người xuất gia như nhau. Người xuất gia nếu không xã bỏ suy nghĩ và công việc thế tục, vẫn như người tại gia. Nên biết rằng tu hành cần ở trên tâm địa, không phải ở trên hình thức, do đó chúng ta không lạ gì khi thấy nhiều vị được coi như là bậc cao nhân biện tài vô ngại, ngồi yên tham thiền đã đạt đến Tam Thiền, Tứ Thiền, luôn luôn tay nắm tràng hạt niệm Phật, mà ra không khỏi ba cõi, không được vãng sanh thế giới Cực Lạc. Tức là miệng nói tu hành, nhưng chưa đem tâm tin Phật để tu hành; thành ra trong tâm tư không có tiếng niệm Phật bù lại có lo bận rộn với những sự:
- So tính hơn thua
- Bận rộn những sự việc gia đình,
- Bận rộn những việc trên xã hội, ủng hộ. người nầy đả đảo người kia,
-Bận rộn chuyện ăn uống vui chơi, dục vọng rất là nhiều, rồi vọng giữ lấy, vọng sử dụng.
Nghĩa là trong tâm cứ bị hai cảnh thuận nghịch động chuyển, bị tình thức bủa vây, bị ái chấp trói buột, không thấy rõ tình đời, buông không được muôn duyên việc tục, lúc mạng chung tâm sinh điên đảo, thì như vậy làm sao ra được ba cõi sinh tử để vãng sanh thế giới Cực Lạc! Ngay cái thiện rốt cuộc cũng khó đạt được.
Ðược gọi là cái thiện, là những gì chúng ta hợp ý thuận theo với nhu cầu của chúng ta như:
a- Gặp được việc tốt, thấy được việc tốt, nghe được việc tốt, tức là cảnh thuận. Gặp việc xấu, thấy việc xấu, nghe việc xấu, tức là cảnh nghịch.? Cảnh thuận thì hớn hở vui cười, ở cảnh nghịch thì u sầu khổ sở; tức là bị hai cảnh thuận và nghịch chuyển. Nếu có thể ở cảnh thuận không vui vẻ, ở cảnh nghịch không phiền toái, thuận nghịch điều không khỏi tâm động niệm; vì ngay nơi khởi tâm động niệm thì lập tức bị hai việc thuận, nghịch lay chuyển.
b- Vui giận, ưa ghét, ham muốn, đều là một chữ tình. Nếu làm được những việc như:
- Người có vi phạm mình cũng không tra xét,
- Bị xúc phạm không giận đời,
- Bị người làm tổn thương không oán hận...
Mà phải coi tất cả những việc đó như không, nếu có thể ngộ được lý này thì tâm thường thanh tịnh, như Tịnh Ðộ vậy.
c- Cha mẹ, con cái, công danh, tiền bạc giàu có, văn chương nghệ thuật, ngọc ngà châu báu... điều là những loại làm người đời yêu thích. Nếu làm được việc có nó cũng như không có nó, không nghĩ tưởng về nó. Ngược lại, trong tâm phải ý thức rằng một khi ái còn tồn tại, thì lúc lâm chung bị cái ái nầy dắt dẫn, theo những việc ái nhiễm mà đọa vào luân hồi sáu nẻo. Do đây có thể biết một chử Ái chính là cội rể của sinh tử, là một trở ngại lớn cho việc vãng sanh.
B- Cách Nhìn Phóng Khoáng
Sau khi nhận chân được những gì mà người học Phật chúng ta cần làm, thì chúng ta phải tập nhìn với cái nhìn phóng khoáng. Bởi vì theo tinh thần của người học Phật, thì chơn nghĩa của Phật pháp cùng với cách nhìn của người đời không đúng, nhận biết cũng chẳng đồng. Có những cái người đời cho là quí báu, nhưng Phật Pháp lại cho là tầm thường, như là:
- Châu báu ngọc ngà v.v...
Người đời tham ưa, nhưng Phật pháp lại xã bỏ như là:
- Tiền bạc, giàu có, danh vọng, nam nữ...
Ở trong con đường tu trì chúng ta cần phải biết rõ cái để tu trì đó là Tâm, cho nên muốn tu trì thì chúng ta phải biết dùng cái tâm thế nào để tu. Nếu là tâm phàm thì chỉ có thể tự cứu lấy mình, nhưng nếu là tâm đạo, thì chúng ta cần phải tiếp nhận kiểm tra cái đạo, cái đức, cái tâm của vô tình đó.
Cần phải biết rằng tâm con người tức là một cái Ðạo Tràng nhỏ. Nếu phân biệt chánh tà, thiện ác, tật xấu, làm và không làm, tất cả đều là ở nơi Tâm. Nếu chúng ta lặng yên suy nghĩ một chút, thì có thể biết tâm chúng ta muốn cái gì. Phải biết rằng sự khoái lạc của đời người là việc ngắn ngủi tạm thời, thế giới Cực Lạc mải là niềm vui vĩnh hằng. Mục đích của tu hành là cần giải thoát, vượt ra ba cõi, vãng sanh Cực Lạc; con người điều có sinh, già, bệnh, chết, có những phiền não, mê hoặc các việc, mà ngay lúc chúng ta giải quyết những phiền não, mê hoặc của chúng ta thì gọi là giải thoát, giải thoát những vấn đề trói buột, vây quanh, khổ đau, mê muội, những vấn đề này điều là việc mà người tu hành cần phải nổ lực.
Tu hành là giải quyết những chướng ngại và vấn đề trên tâm linh, cần phải để cho con đường đạo của nội tâm được thông suốt. Tu hành không phải chỉ chú trọng công đức ở bên ngoài, mà sơ sài, lơ là công đức bên trong. Công đức bên ngoài là Trì Giới, Bố Thí... v...v... Công đức bên trong là Tâm Thanh Tịnh, Bình Ðẳng. Nếu có nghĩ đông nghĩ tây, kiểu này cũng tốt, kiểu kia cũng cần, dục vọng càng nhiều, thì tâm lại không thanh tịnh. Bởi vì khi mà phiền não nổi dậy thì chúng ta không thể nào nói đến đức hạnh. Ngay cả lời nói, hành vi, một cử chỉ biểu hiện ra cũng không có sự tự nhiên bình tỉnh, thì huống nữa là lúc họ giận dữ thì lời nói chắc chắn không thể nào nhu hòa được.  Như vậy, đối với tu hành, công đức bên ngoài cần phải làm, và công đức bên trong càng cần phải Tu đó là:
- Tu Huệ là tu bên trong nghĩa là chúng ta cần: Niệm Phật, ngồi yên Tham Thiền, Tụng Kinh, Trì Chú.. v..v...
- Tu phước là tu bên ngoài: Một chút việc ác cũng không nên làm, còn việc thiện nên làm nhiều, thanh tịnh tự tâm, nhẫn nhục, ăn toàn đồ chay.
Người học Phật chúng ta cần nên tu cả hai Phước và Huệ. Chỉ tu Phước mà không tu Huệ, hoặc chỉ tu Huệ mà không tu Phước, thì chúng ta sẽ không ra khỏi ba cõi, vãng sanh thế giới Cực Lạc không được! Phước và Huệ cũng như hai cánh của một con chim, nếu thiếu một thì không thể bay lên, Bởi vì Bố Thí, Trì Giới, sinh phước Trời; Cũng như bắn mũi tên lên hư không, hết lực rồi tên lại rơi xuống; Chuốt lấy đời sau không như ý. Giả sử cầu được phước báo Trời Người, hưởng tột cùng phú quí vinh hoa, cũng chỉ là Phước trong cõi đời năm trược, một ngày kia hưởng hết rồi, lại không còn gì hết. Cái họa hoạn của tâm là: Tham, Sân, Si... Và chổ thọ là năm dục: Tiền Tài, Sắc Ðẹp, Danh Lợi, Ăn Uống, Ngũ Nghĩ.
Như thế chính thật là nhân khổ. Trong kinh dạy rằng:
- Năm dục là gốc địa ngục, nếu năm dục không tiêu trừ thì trần lao không ra khỏi.
Người tu hành tỉnh nghiệp tâm ham muốn riêng tư chẳng nên quá nhiều, nếu như thân, miệng, ý không thanh tịnh thì sớm hay muộn cũng chuốt lấy cái nhân họa. Cho nên nói rằng:
- Không vì tật bệnh đau khổ mà phát tâm
- Không vì cầu họ giúp nhà cửa của tiền mà phát tâm,
- Không vì để tăng thêm phước thọ mà phát tâm;
- Không vì báo đáp tình thân mà khởi niệm phát tâm.
Mà trái lại phải vô tâm ở nơi muôn vật, thì chúng ta không sợ những vật chất chướng ngại vây quanh. Phàm phu có các món ác duyên trói buộc, cho nên tu tập rất khó. Chổ nói đến của Phật Pháp là Tâm Pháp, tâm không an thì có sự trở ngại, không thể tu hành, cho nên chư Phật chư Tổ bảo chúng ta phải buông bỏ hết tất cả các duyên.
Phàm phu do kiến chấp về Ngã sâu dày, phiền não nhiều đời thô nặng, nên chướng ngại về cái biết. Kế đến là chấp người chấp ta, chấp pháp chấp ta. Như thế hai chướng: Phiền Não Chướng, Sở Tri Chướng và hai chấp, lại thêm tham dục, sân nhuế, si mê, nhân đó mà tạo nghiêp, trôi trong sinh tử, dập vùi nơi biển khổ. Cho nên cần phải có cái biết đúng đắn chân chánh và cái nhìn thấy chân chánh. Hai tâm ghét và yêu đều là bất tịnh. Như nghịch duyên, oán duyên, kết oán với người, cho nên khi nhìn kẻ thù địch muốn đánh muốn dìm; còn thuận duyên, thân duyên, xem như thân thuộc sinh tâm yêu mến; Riêng có không oán không thân, xã thọ không khổ không vui. Có như vậy mới chuyển yêu thành ghét, chuyển ghét thành yêu. Như vậy xưa nay mọi cảnh điều không thật, nhưng có là do yêu ghét khởi nơi tâm, cho nên đừng nên tin tâm mình. Chúng ta mang thân nghiệp báo, nên hãy thản nhiên chịu đựng tất cả giày vò, và nên khởi tâm niệm Phật, hết báo thân này, lại sanh vào nhà Pháp Vương. Còn nếu cứ đắm mình vào việc so tính, con cái, giàu có tiền bạc, hay danh vọng, sự nghiệp... trên xã hội, các việc khổ não, nhiều trở ngại cho tâm, thì phiền não theo đó mà sinh khởi, tâm không được an ổn.
Người đời đều có tâm, có tâm thì chắc chắn phải có niệm, khởi niệm thì chắc chắn phải có ô nhiễm và tịnh. Nhiễm thì chạy theo: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Tịnh nghĩa là không nắm lấy sáu trần. Quán sát lúc ban đầu do tâm niệm của chúng sinh mà sinh ra, cho nên Ðức Phật nói:
- Ba cõi chỉ nơi tâm, muôn pháp chỉ nơi thức.
Vì thế cho nên phải cẩn thận nơi niệm ban đầu, chế ngự tâm nhiễm, nếu giữ sáu trần tức là không có nghiệp, từ đó mà được vô tướng, cho nên một niệm không sinh thì sáu đường: Trời, Người,  A Tu La, Ðịa Ngục, Ngạ Quỉ, Súc Sinh đều tiêu mất, cắt đứt luân hồi. Hạt giống nghiệp lại dứt mà ra khỏi ba cõi vậy.
C- Lợi Ích Của Việc Học Phật
Có thể nói từ hai phương diện:
a- Phương Diện Chính Mình:
Người đã học Phật, có thể nương theo lý Phật mà chiếu xét tư tưởng và hành vi của mình, như có việc bất chánh thì đưa nó vào chánh, không qui củ đưa vào qui củ, tu dưỡng đối với thân tâm của mình, rất có ích lợi, là triết học cần thiết cho việc xử thế.
b- Phương Diện Người Khác:
Học Phật có thể đem nhân sinh quan riêng tư vì ta mà cải đổi làm vô ngã đại bi, nhân sinh quan hy sinh vì người, để cuối cùng mình và người cả hai đều lợi, làm tiêu chuẩn tối cao về đạo đức của nhân loại, chỉ có người học Phật mới có thể hoàn thành được việc nầy.
Nhân vì chúng tại gia có nhà, có nhà rồi thì có thân bằng quyến thuộc, bởi vậy mệt nhọc suy nghĩ. Lại có việc đời, cho nên bởi vậy phân tán nguồn tâm. Có danh lợi, bởi vậy biến động nơi ý.  Có thăng trầm vinh nhục nên mới có lo buồn ở chí, cho nên thân và tâm không dể gì yên tịnh được. Việc mặc, không được đẹp đẽ, không được hợp thời trang thì lại buồn buồn không vui. Việc ăn, mà có chút ít không ngon miệng, không hợp ý thì cho là không ngon, ăn không được. Ở phòng bình thường đi không có xe tốt thay vì đi bộ lại nói là không sang trọng, mất thể diện. Còn vướng vào những vấn đề này tức là không tự tại. Ở chỗ thuận thì mặt mày hớn hở, ở chổ nghịch mặt ủ mày chau, đây tức là nhìn không rõ. Tham ái dính mắc nơi tiền bạc giàu có, danh vọng, quyền thế, con cái, nam nữ ... v...v... Ðây tức là buông không rời. Không tự tại, buông không rời, nhìn không rõ, đều là việc ngăn trở con đường ra khỏi ba cõi. Vấn đề nhà ở. Không có nhà thì không biết lấy đây mà ở, nhưng nhà, thực tại là nhân duyên của phiền não! Có nhà rồi lại nên xả bỏ việc thế tục mà tu hành, thực tế thì cũng không phải là mổi người đều có thể làm được hết. Chúng tại gia có nhà, nếu có thể dùng không nhà để nhìn, thì nhà không thể là cái trói buột, xét ngược lại thì rất nhiều phiền não! Nếu là người không gánh vát sinh kế của gia đình, bỏ việc đời, không khổ nhọc nặng, bỏ việc kinh doanh lo lợi, có thể chuyên tâm tu hành rất tốt!
Tinh tấn tu học thì khi mạng chung sẽ vãng sanh thế giới Cực Lạc, do đó biết rằng cuộc đời không thể thiếu vật chất, nhưng thật tế nên chú trọng đến cuộc sống tinh thần, ít ham muốn và biết đủ thì sẽ dẫn tới sự đầy đủ, cuộc sống đạm bạc giản dị, sẽ đầy đủ đối với các hiện tượng và tình huống, tùy nghi với những gì mình gặp mà được bình an. Như vậy, trên không hổ thẹn với trời, dưới không dối gạt với đất, không tranh, không cầu, không vọng lấy, không vọng dùng, tự nhiên tự tại, yên ổn vui vẻ. Nếu tu hành học Phật mà còn dính nặng nơi cuộc sống vật chất nhiều quá thì khó mà ra khỏi căn nhà danh lợi. Như vậy tu tập là phương pháp xem xét những sự đúng sai mà chúng ta đối với nhân sinh vũ trụ; pháp suy tư, pháp nói, pháp làm, cũng vậy, cần nên sửa đổi cho chân chính lại. Nghĩa là bao hàm sự kiểm thảo điều chỉnh, đối kháng chính chúng ta, khống chế dục vọng để cân bằng thân tâm. Do đó chúng ta cũng nên chấp nhận những nghi thức hành vi bên ngoài, để tạo điều kiện thuận lợi huân tập chủng tử thiện duyên bên trong. Vì thế những lúc hành trì công khóa sớm tối, làm cho tâm chúng ta an định. Ðây là một thứ giới điều, một loại hình thức giới luật đáng làm. Kỳ thật giới luật là phạm vi ngăn ngừa cần thiết sự làm ác của chúng ta, giới luật giúp đở chúng ta giải thoát. Giả như người nào đó cảm thấy rằng giới luật là một vấn đề trói buộc, như thế thì phải biết người đó còn muốn làm việc xấu, đây là hình thức bên ngoài có công năng nhất định để cho chúng ta đo lường tâm của con người và tùy theo đó mà hành xử cho tốt đẹp.
Nói tóm lại, tu hành là cần tự tại, nhìn cho rõ, buông cho hết, mới có được lợi ích. Phú quí, vinh hoa, ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, ăn uống vui chơi tận tình, những việc này là chỗ vui ưa tìm cầu của người đời, người tu hành cần nên bỏ, lìa những cái này đi, bởi vì phú quí vinh hoa... những cái đó làm ngăn ngại sự an bình và yên tỉnh của thân tâm người tu hành, nó làm cho chúng ta không được tự tại và giải thoát. Trong vấn đề học tập Phật pháp, cải tiến chính mình từ trong cuộc sống thường ngày, khiến cho chúng ta và những thành viên trong gia đình dể dàng thông cảm, cùng với con người trên xã hội có được sự quan hệ càng hài hòa. Ngược lại, cái hiểu biết về Phật Pháp và sự tu hành của chúng ta không ăn khớp với nhau, thì cũng như đang đói mà ăn bánh vẽ thì chắc chắn không bao giờ no được
Như vậy không luận là tại gia hay xuất gia, mà mục đích rất chủ yếu là mong cầu tu hành được chuyển mê khai ngộ, ra khỏi ba cõi, lìa khổ được vui... cho đến thành Phật. Cả hai giới xuất gia và tại gia, nếu ai làm được như vậy là chúng ta đã và đang đi trên con đường sen búp, là con đường dẫn đến Thánh Ðạo.
-- o0o --