Thực Hành Lợi Tha
Hiếu Nghĩa
--o0o--
 
Trong một dịp đến nhà một người bạn để thăm, vừa mở cửa từ trong có một con chó nhỏ chạy ra vẩy đuôi rồi ríu rít chạy chung quanh, với một cử chỉ hết sức nồng nàn. Tôi đoán dường như con chó nhỏ đó nó cũng biết chào khách.
Tôi đã từng nghe nhiều người nó về chó. Chó là một loài vật khi nói đến tình cảm của loài vật nầy trong xã hội loài người không ai là không biết. Theo tinh thần người Mỹ họ rất thích nuôi chó, vì loài vật nầy nó có một phương pháp thu phục tình cảm con người hết sức là khôn ngoan, vì thế mà cả hoàn cầu không ai không thương mến nó.
Quả thực như vậy. Tôi thì không thích nuôi chó, nhưng khi thấy con chó nhỏ tung tăng như thế, tôi cúi xuống vuốt ve nó thì nó chồm lên và tỏ ra trăm vẻ thương yêu. Theo tôi, tôi thấy trong sự nồng nàn đó không có một mảy may vụ lợi, vì nó chẳng cần chúng ta mua giúp một vài món hàng ế nào, mà cũng chẳng ham gì kết duyên với chúng ta.
            Có bao giờ quý vị ngừng lại suy nghĩ rằng trên vũ trụ nầy, chỉ có một con chó là không cần làm việc mà cũng sống môt cách ung dung? Chúng ta nuôi gà, vì gà cho ta trứng, chúng ta nuôi bò vì bò cho chúng ta sửa, và chúng ta nuôi loài chó chỉ vì cái lý do độc nhất là nó cho chúng ta cái êm đềm dễ thương.
            Thực sự loài vật nầy chúng nó chưa hề học, hoặc đọc một trang sách tâm lý nào hết, nó không cần đọc, không cần phải dạy cho nó một nghệ thuật làm đẹp lòng người, nhưng nó có một phương pháp hoàn toàn để làm mọi người yêu nó, đó là:
- Là chính nó, nó yêu mọi người. Lòng yêu thương đó tự nhiên và chân thành tới nỗi tôi không thể không mếm nó.
            Chúng ta cũng vậy. Nếu chúng ta muốn gây thiện cảm với mọi người, hãy thực tập hạnh:
- Quên mình và thương người.
            Nếu chúng ta sốt sắn quan tâm đến mọi người, thì chỉ trong vòng hai tháng sẽ có rất nhiều bạn thân hơn là hai năm kiếm đủ cách làm cho người ta phải quan tâm tới mình. Tôi xin nhắc lại:
- Nếu các bạn sốt sắn thành thật quan tâm tới người khác, thì chỉ trong hai tháng sẽ có nhiều bạn thân hơn là hai năm gắng công bắt người khác quan tâm tới quý vị.
            Vậy mà biết bao nhiêu người không biết định luật đó. Họ nhất định muốn người khác phải chú ý tới họ. Công dã tràng ... Thiên hạ không ai nghĩ tới quý vị đâu. Họ nghĩ tới họ từ sáng, chiều và tối. Hơi có vẻ tò mò một chút trong một câu chuyện, quý vị cứ để ý thử coi, chúng ta xử dũng bao nhiêu lần tiếng tôi. Nếu không dùng tiếng tôi thì lại dùng những từ ngữ khác như: Anh, em hoặc ông, bà, chú, bác... Nhưng dầu cho từ ngữ nào cũng chỉ muốn đưa cái tôi của mình lên hàng đầu
            Xin hỏi, khi quý vị coi tấm hình trong đó có quý vị chụp chung với những người khác, thì người thứ nhất quý vị ngó đó là ai?
Tại sao chúng ta muốn người khác quan tâm tới chúng ta, trong khi đó chúng ta không biết quan tâm đến người ta trước?
            Nếu chúng ta chỉ gắng sức bằng mọi cách làm cho mọi người chú ý tới chúng ta, thì không bao giờ chúng ta chân thành, và đó không phải là cách gây được tình tri kỷ.
            Có một triết gia nổi tiếng, viết một cuốn sách rất hay tên là Chân Nghĩa Của Cuộc đời, trong đó ông nói:
- Người nào không quan tâm tới người khác, chẳng những sẽ gặp nhiều sự khó khăn nhất trong đời, mà còn là người có hại nhất cho xã hội. Hết thảy những kẻ thất bại đều thuộc hạng người đó.
            Có rất nhiều sách về tâm lý, nhưng không kiếm được một lời vừa đúng vừa nhiều nghĩa như câu nói đó.
            Như thế muốn cho người khác thích chúng ta, thì chúng ta phải biết, nếu không biết thì phải thực tập yêu thích mọi người. Muốn cho mọi người chú ý đến chúng ta, thì chúng ta phải biết, nếu không biết thì phải tập chú ý đến mọi người. Chân lý đó đúng khi chúng ta mở một cái hiệu tiệm cần khách hàng đến. Chân lý đó đúng hơn nữa khi chúng ta trực tiếp nói chuyện với người khác.
            Howard Thurston ông vua ảo thuật, trong 40 năm trời đem tài bịt mắt thiên hạ làm cho cả thế giới ngạc nhiên và thán phục, kiếm được gần hai triệu đồng, tiết lộ:
            - Hồi ông còn nhỏ, đã phải xa cha mẹ đi lang thang, ăn xin hết nhà nầy đến nhà khác, và nhờ ngó những quảng cáo hai bên đường xe lửa mà biết đọc. Về nghề ảo thuật, thiếu gì những người biết nhiều hơn ông, nhưng họ không thành công và không có địa vị như ông vì ông có hai đức tính mà những người khác không có:
            01- Thấu rõ tâm lý loài người và khi lên sân khấu ông có sức quyến rũ và gây sự hào hứng. Mỗi cử chỉ của ông, mỗi lần ông chuyển giọng nói, mỗi nết cau mày là cả một công trình luyện tập. Mà hết thảy công trình đó chỉ có mục đích làm cho khán giả say mê và thấy thì giờ chóng qua.
            02- Các nhà ảo thuật khác trên sân khấu, ngó xuống dưới trừng trừng như có vẻ nói:
- Tất cả mọi người đều là mắt thịt, ta sẽ bịp dễ như chơi.
Trong khi đó Ông Thurston thành thật chú ý đến khán giả, và Phương pháp của ông khác hẳn. Mỗi lần sắp ra sân khấu, ông tự nói:
- Tôi mang ơn tất cả mọi người đã tới đây coi tôi diễn trò. Nhờ quý vị mà tôi sống được phong lưu. Vì vậy tôi phải trổ hết tài làm cho quý vị vừa lòng.
Rồi ông tự nhủ thầm:
- Tôi yêu khán giả của tôi, tôi yêu khán giả của tôi, vừa nói vừa tiến ra sân khấu.
Có thể chúng ta thấy đó là một sự lố bịch, là vô lý, chúng ta có quyền nghĩ như vậy, nhưng đó là nguyên nhân của sự thành công của một trong những nhà ảo thuật danh tiếng nhất từ xưa đến nay.
Tổng Thổng Théodore Roosevelt thu được nhân tâm một cách lạ lùng cũng nhờ bí quyết đó. Cho đến những người ở với ông cũng sùng bái ông nữa. Người da đen làm bồi phòng cho ông có viết một cuốn sách nói về đời tư của ông, trong đó có đoạn:
- Một hôm, nhà tôi hỏi Tổng Thống về loài chim đa đa mà nó chưa từng thấy bao giờ. Ngài tả tỉ mỉ loài chim đó cho nó nghe. Một lát sau, có người gọi điện thoại, nhà tôi chạy lại trả lời, thì ra Ngài Tổng Thống kêu nó, cho nó hay rằng hiện có một con chim đa đa đậu trong sân cỏ, và nếu nó muốn coi thì ngó ra sẽ thấy.
Chỉ có những việc nhỏ như vậy cũng đủ diễn tả tánh tình của ngài, và những việc đó Ngài rất thường làm.
Mỗi khi Ngài đi dạo gần tới nhà riêng của chúng tôi, dù cho chúng tôi có đứng khuất thì cũng kêu chúng tôi ra chào lớn tiếng.
Một ông chủ như vậy, thì người làm công nào mà không yêu kính. Bất cứ ai mà không yêu kính.
Một hôm ông tới tòa Bạch ốc, nhằm lúc Tổng Thống Talf và phu nhân đi vắng, ông kêu lên từng người đầy tớ cũ và nồng nàn hỏi thăm họ, cả đến chị bếp cũng được hân hạnh đó khi gặp chị bếp, ông hỏi chị còn làm bánh bột bắp không? Chị ta đáp còn làm, nhưng chỉ có đầy tớ ăn, còn trên bà chủ không ai dùng tới.
Ông cười lớn:
- Tại các Ngài không sành ăn. Khi nào gặp Ngài Tổng Thống tôi sẽ chê Ngài chỗ đó.
Chị đó dâng một miếng bánh mì bột bắp. Ông vừa đi về phòng giấy vừa ăn, gặp người làm vườn nào, người ở nào ông cũng kêu tên mà chào như hồi ông còn làm Tổng Thống. Một chú làm công già rưng rưng nước mắt nói:
- Ngày hôm đó là ngày sung sướng nhất của chú từ hai năm nay. Và đổi ngày đó lấy một tấm giấy 100, chú cũng không đổi.
Hết thảy chúng ta, từ người đồ tể, người bán bánh, đến vua chúa trên ngai vàng, hết thảy đều quý mến những người ngưỡng mộ chúng ta. Như Hoàng Ðế nước Ðức Guillaume đệ nhị chẳng hạn, sau đại chiến, cả thế giới ghét cay ghét đắng ông. Chính dân tộc của ông cũng chống lại ông nữa. Ông phải trốn qua Hoà Lan để khỏi mất đầu. Cả triệu người đòi thiêu sống hoặc phân thây ông. Vậy mà trong đám lửa giận bùng bùng của cả nhân loại đó, lại có một đứa nhỏ viết cho ông một bức thơ giản dị và chân thành, chứa chan tình quý mến và ngưỡng mộ. Ðứa nhỏ nói:
- Ai nghĩ sao mặc ai, riêng Hoàng Ðế Guillaume bao giờ cũng là chúa của nó, hoàng đế của nó.
Hoàng Ðế cảm động vì bức thơ đó lắm nên mời nó qua Hòa Lan thăm ông. Ðứa nhỏ đi, có má nó theo. Ðứa nhỏ bẩm tính đã biết làm đẹp lòng người không cần phải học khoa tâm lý gì cả.
Muốn được người khác yêu chúng ta, chúng ta phải vì họ, đừng quản công, đừng sợ mất thì giờ, phải suy nghĩ, gắng sức và quên mình nữa.
Chúng ta muốn gây thiện cảm với mọi người thì phải biết, nếu không biết thì thực tập cách niềm nở và sốt sắng tiếp đón mọi người. Trên điện thoại cũng vậy, khi trả lời hello chúng ta phải cố lấy cái giọng vui vẻ, êm ái để người nghe thấy rằng bạn thích được nói chuyện với họ lắm.
Ðiều đó chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy các Công Ty điện thoại dạy các cô phân phối điện thoại nói với một giọng nói êm dịu ngọt ngào.
Sau khi đọc bài viết nầy rồi, khi gặp mọi người hoặc khi kêu điện thoại, xin quý vị hãy nghĩ đến điều đó.
Thuật đó trong những giao thiệp về thương mại có kết quả có đáng tin cậy không?
Xin đơn cử cho đại chúng vài kinh nghiệm đã được ghi trong sách vở:
- Ông C. R Walters làm việc tại một ngân hàng, được lệnh trên phải điều tra kín, xem một hãng kia có đáng được ngân hàng tín nhiệm không. Ông bèn lại thăm ông giám đốc một công ty kỷ nghệ lớn, để xin ông giúp cho ít tài liệu về hãng nọ. Ông giám đốc kỷ nghệ đó trả lời một cách mơ hồ, rụt rè, như người không muốn bị liên lụy. Cuộc gặp gở đó vô ích.
Ông Walter thất vọng không biết làm sao. Bỗng ông sực nhớ khi sắp vô phòng giấy nhà kỷ nghệ đó, có nghe một cô thư ký nói với ông nầy rằng hôm nay không có con tem nào mới cho ông ta hết. Thì ra nhà kỷ nghệ gia đó sưu tập những con tem cho con trai của ông.
Ông Walters lại nhớ sở ông nhận được nhiều thư ở ngoại quốc gởi lại. Thế là ông đã kiếm cách thoát được cơn bí rồi. Chiều hôm sau, ông trở lại thăm nhà kỷ nghệ, viết trên giấy nhỏ rằng có những con tem lạ đem lại biếu con ông, rồi bảo người đưa vào. Lần nầy ông Walter được tiếp đón niềm nở, nhà kỷ nghệ siết tay như một nhà ứng cử viên ra siết tay một cử tri vậy. Nhà kỷ nghệ đó tươi như hoa, vừa lật đi lật lại những con tem vừa nhắc đi nhắc lại:
- Thằng George của tôi sẽ mê con tem nầy. Còn con tem kia nữa cũng thật vô giá.
Ông Walter kể rằng:
- Trong nửa giờ đồng hồ, chúng tôi chỉ nói chuyện tem, và nhìn tấm ảnh cậu George. Rồi không đợi tôi hỏi, nhà kỷ nghệ quan trọng đó bỏ ra một giờ đồng hồ nữa cho tôi biết hết thảy những tài liệu mà tôi muốn có, không có điều gì ông biết mà không cho tôi hay, rồi lại kêu những người giúp việc để hỏi thêm nữa. Lại gọi điện thoại trước mặt tôi để thăm thêm những nơi ông quen biết. Ông đưa cho tôi một chồng báo cáo, thư từ, có đủ những con số. Một sự thành công chưa từng thấy.
Và đây một chứng cớ khác:
- Ông Knaple mời một xí nghiệp lớn có nhiều chi nhánh mua than cho hãng mà ông thay mặt. Mời hãng nầy mấy năm mà không có kết quả chi hết. Xí nghiệp đó cứ tiếp tục mua than của một hãng ở ngoại ô châu thành mà than đó lại do cam nhông chở ngang qua hãng ông.
Ông nầy giận lắm và trong một buổi diễn thuyết ông Knaple đã tỏ ra uất hận bằng cách ông nặng lời chỉ trích những xí nghiệp liên hiệp, tố cáo rằng đó là cái ung thư của nên kinh tế quốc gia.
Nhận thấy lối chỉ trích vô ích ông liền thử dùng một chiến thuật khác thay vì chỉ trích. Ông Knaple tính tổ chức một cuộc bàn cãi đầu đề như vầy:
- Những xí nghiệp liên hiệp có hại cho cho nền kinh tế một nước không?
Trong khi bàn cãi, đừng chỉ trích mà trái lại bệnh vực cho liên hiệp đó. Sau đó ông Knaple đi lại thăm ngay người chỉ huy xí nghiệp mà ông ghét cay đắng đắng đó và nói:
- Thưa ông, hôm nay tôi đến đây không phải để thuyết phục bán than cho ông đâu, mà tôi đến đây để xin vài lời chỉ bảo của ông.
Rồi ông Knaple giảng giải đầu đề cuộc bàn cãi cho ông kia nghe và kết luận:
- Thưa ông, chỉ có ông là người giúp tôi được, ngoài ông ra khó có người hướng dẫn cho tôi những điều cần biết.
Tôi quyết thắng trong cuộc tranh luận đó và cần được ông quan tâm giúp đỡ, tôi sẽ mang ơn ông nhiều lắm.
Theo lời ông Knaple, kết quả như vầy:
- Tôi chỉ xin ông ấy tiếp tôi một phút thôi, mà ông ấy cũng chỉ bằng lòng tiếp tôi một phút thôi. Vậy mà sau khi nghe tôi nói rồi, ông mời tôi ngồi và nói chuyện với tôi đúng 1 giờ 47 phút. Ông cho gọi một người chỉ huy khác đã viết một cuốn sách về các xí nghiệp liên hiệp giúp ý cho tôi.
Ông viết thư cho Tổng Hội các xí nghiệp đó để xin cho tôi một bản sao tờ biên bản một cuộc bàn cãi về vấn đề liên hiệp các xí nghiệp. Rồi thao thao bất tuyệt, mắt ông long lanh, ông hăng hái ca tụng những lợi ích vô cùng của chế độ đó với nhân loại. Ông nói, ông lấy làm vinh hạnh đã giúp đỡ cho cả trăm công ty nghèo nhờ chính sách liên hiệp đó mà trở nên thịnh vượng.
Cũng theo lời ông Knaple nói:
- Tôi phải thú nhận rằng những lý luận xác đáng của ông đã mở mắt cho tôi nhận chân được những sự thực, mà trước kia tôi không hề suy nghĩ tới. Ông đã phá tan các thành kiến của tôi. Khi tôi từ biệt ông, ông tiễn tôi ra đến cửa, quàng vai tôi, chúc tôi thành công, mời tôi trở lại thăm ông cho biết kết quả cuộc tranh biện ra sao.
Sau cùng nhà quản lý xí nghiệp kia nói:
Qua Xuân mời ông trở lại thăm tôi. Tôi muốn mua than tại hãng ông.
Kết quả đó thật là một kỳ tích đối với tôi. Tôi không mời mà được người mua. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, tôi chú ý, quan tâm tới công việc của ông mà được kết quả nhiều hơn là luôn hai năm gắng sức chỉ tìm cách làm cho ông ấy để ý đến tôi và than của tôi.
Kết Luận:
Nói tóm lại, trong xã hội loài người, từ con người cho đến các loài động vật khác, và ngay cả đến những cây cỏ thảo mộc vô tình, từ các giới thượng lưu trí thức cho đến những người ăn xin ngoài đầu đường xó chợ, ai cũng muốn mọi người chú ý tới cá nhân của ta hơn là ta chú ý tới mọi người. Người lớn càng được người chú ý đến thì tình thân càng sâu đậm. Trẻ nít được có người săn sóc thì cũng mau khôn lớn trưởng thành. Con vật được người ta chú săn sóc đến thì nó càng tỏ thêm tình trìu mếm. Cây cỏ được người săn sóc thì cành lá của nó càng trở nên xanh tươi.
Vậy muốn gây được tình thân của những người khác, và tạo nên một không khí an bình cho bản thân và những người và cảnh vật chung quang thì xin đề nghị đại chúng cố gắng thực tập: Thành thực chú trọng tới mọi người, mà theo thuật ngữ Phật dạy gọi là:
- Thực Tập Hạnh Lợi Tha
-- o0o --