Tính Sổ Cuối Năm
Trí Toàn
--o0o--
 
Một năm dài rồi cũng đi qua, bốn mùa thi nhau nối tiếp, Xuân, Hạ, Thu, Ðông, mùa nào cũng đều có những hương sắc của nó. Cứ mỗi mùa đổi thay thì cũng tạo cho tâm lý con người chúng ta trưởng thành thay đổi:
- Trong đó có vui buồn lẫn lộn,
Bây giờ đây chúng ta ngồi lại để tính sổ cuối năm coi thử buồn nhiều hơn vui, hay vui nhiều hơn buồn!
Chúng tôi muốn mượn ý nghĩa của bốn mùa để nói lên tiến trình tu học của chúng ta qua bốn giai đoạn.
- Giai Đoạn Đầu:
Ở giai đoạn đầu được coi như Mùa Xuân, mặc dầu vẫn có những bông hoa tươi thắm của mùa Xuân, nhưng phần nhiều với cây cối trơ vơ, giúp cho chúng ta thấy được vô thường, khổ não, vì thế đây là lý do giúp chúng ta tu tập để xa lánh được những phiền não.
- Giai Đoạn Hai:
Ở giai đoạn thứ hai được coi như mùa Hạ, cây cối đâm chồi nẩy lộc trưởng thành, giúp cho chúng ta thấy được sự sanh diệt của các hiện tượng, từ đó chúng ta sẽ cảm nhận được sự hanh phúc của sự định tâm.
- Giai Đoạn Ba:
Ở giai đoạn thứ ba coi như là Mùa Thu, với những bộng hoa, cây cối bắt đầu thay đổi giúp chúng ta có đươc tuệ giác về sinh diệt chúng ta hạnh phúc của sự an lạc thoả mái.
- Giai Đoạn Bốn
Ở giai đoạn thứ tư coi như mùa Ðông, khi thấy sự thay đổi toàn diện mà tuệ giác đến độ trưởng thành nên không vui, không buồn, không yêu, không ghét thì sự quân bình có cơ hội hiển bày. Cuối cùng chúng ta sẽ cãm nhận được hạnh phúc của trí tuệ.
Trong sự vận hành của bốn mùa, và sự đổi thay trong tâm thức, theo chúng tôi nghĩ, cũng là con người, nhưng nếu là một người có hướng đi, có chí nguyện lợi tha chắc hẳn phải có phong thái khác hơn người không có huớng đi, không có chí nguyện lợi tha. Ðiều nầy chúng ta có thể thấy rõ qua những quá trình sinh hoạt hằng ngày trong cuộc sống. Một con người biết hướng thượng hướng thiện trong quá trình sinh hoạt hằng ngày sẽ trưởng dưỡng hai khía cạnh:
- Chu toàn cho cuộc sống hiện thực
- Bồi dưỡng cuộc sống tâm linh
Nói thì dường như là hai yếu tố nầy riêng biệt, nhưng kỳ thực vẫn là một, bởi vì con người biết hướng thượng, hướng thiện sẽ có một kết hợp hòa hài giữa cuộc sống tâm linh và hiện thực. Nghĩa là biết lấy cuộc sống hiện thực làm môi trường thực tập cho cuộc sống tâm linh, và biết đem cuộc sống tâm linh để điều hòa cuộc sống hiện thực. Do vậy mà tâm tư chúng ta trưởng thành, thuần thục của tuệ giác thấy được sự sanh diệt cho nên chúng ta sẽ không còn phiền muộn lo âu.
Hết phiền muộn lo âu thì niềm an vui xuất hiện, và rồi trong tâm của chúng ta sẽ có những an lạc thoãi mái. Càng đắm mình trong sự tu tập niềm vui phấn chấn ban đầu từ từ rồi cũng được thay thế bằng một cảm giác bình an nhẹ nhàng, thoải mái, và cuối cùng dẫn chúng ta đến trạng thái xả bỏ tất. Khi tâm không vui, không buồn, không thoải mái và cũng không khó chịu, thì lúc đó, tâm buông bỏ phát sanh. Tâm buông bỏ có một sức mạnh kỳ diệu phi thường để quân bình tâm. Trong sự quân bình nầy, tâm trở nên hoàn toàn thanh tịnh, vắng lặng, chính xác và sắc bén. Tâm có thể thấy rõ những khía cạnh rất vi tế của các hiện tượng. Ðây là chuyện khó tin nhưng hoàn toàn có thật.
Thật ra thì đặc tính của buông bỏ lúc nào chúng ta cũng có, nhưng ở vào những ngày tháng đầu khi bước chân vào đạo, và thực tập pháp, tâm chúng ta bị che khuất bởi những tập khí đã huân tập bao nhiêu đời kiếp trước, cho nên chúng ta không thể ghi nhận được, giống như mặt trăng xuất hiện giữa ban ngày thì không thể sánh với ánh sáng mặt trời được. Như vậy theo tiến trình tu tập cho chúng ta thấy:
- Giai đoạn đầu, khi mới bước chân vào đạo, từ nơi giáo lý vi diệu giúp cho chúng ta thấy được vô thường, khổ não, và sự quân bình trong tâm chưa được hoàn toàn phát triển. Ở giai đoạn nầy, sự hướng tâm và sự tin tưởng vào giáo pháp chưa được hoàn hảo mà còn nhiều sự suy nghĩ.
            - Giai đoạn thứ hai, khi chúng ta thấy được sự sanh diệt của các hiện tượng, sự kích thích phấn chấn, say mê vẫn còn che lấp tâm xả.
- Giai đoạn thứ ba chúng ta vẫn ở trong tuệ sinh diệt nhưng tuệ giác nầy mạnh mẻ hơn, có một sự an lạc, thoải mái, hạnh phúc ngọt ngào tuyệt diệu vô biên hơn, cho nên tâm xả cũng chưa có điều kiện để hé lộ.
            - Giai đoạn thứ tư khi mà sự an lạc thoải mái dễ chịu dần dần tan biến và nhường chỗ cho cảm giác không vui, không buồn, không yêu, không ghét thì sự quân bình có cơ hội hiển bày.
            Ðến giai đọan nầy, việc tu tập, hành thiền đã lên đến mức độ thâm sâu, lúc bấy giờ, chúng ta sẽ thấy rõ mọi diễn biến của các hiện tượng diễn ra một cách nhẹ nhàng, êm ái. Tâm chúng ta bây giờ rất tinh nhạy, nó có thể di động một cách nhanh chóng và dễ dàng để chụp lấy đối tượng trước khi tâm bị quấy nhiểu do sự vui, buồn yêu ghét. Bởi thế, ái dục và sân hận không có cơ hội đầu độc tâm. Những đối tượng thông thường rất khó chịu, hay những đối tượng gây cảm giác kích thích cũng không ảnh hưởng gì đến tâm bởi vì cả sáu căn đều có sự quân bình xả thọ tốt đẹp nên gọi là lục căn xả thọ.
            Vì không còn ý niệm về căn, thân và không nhận ra được các hiện tượng của cơ thể, nên bệnh hoạn và đau nhức cũng mất. Cả sự ngứa ngáy và nhột nhạt cũng không còn. Bấy giờ chỉ còn lại thân ghi nhận sự biến mất của thân, và lúc bấy giờ chúng ta hãy lấy tâm ghi nhận nầy làm đề mục để tu tập. Vào lúc đó, tâm rất sáng suốt và cực kỳ nhạy bén. Tâm mở trạng thái cực kỳ quân bình nầy được xem như tâm của một vị Bồ Tát, là tâm an nhiên tự tại không rung động khi tiếp xúc với các hiện tượng hiện ra vào trong tâm của chúng ta. Tuy nhiên dù chúng ta có đạt được trạng thái nầy trong khi hành thiền, chúng ta cũng chưa phải là một vị Bồ Tát đâu, bởi vì ở ngay trạng thái đó và ngay giây phút chánh niệm đó chúng mới có tâm giống như tâm của một vị Bồ Tát mà thôi.
Như vậy ở mỗi giai đoạn tiến bộ của tâm thức đều có những loại hạnh phúc khác nhau:
- Ở giai đoạn đầu, khi mới bước chân vào đạo, từ nơi giáo lý vi diệu giúp cho chúng ta thấy được vô thường, khổ não, và mặt dầu sự quân bình trong tâm chưa được hoàn toàn phát triển, sự hướng tâm và sự tin tưởng vào giáo pháp chưa được trọn vẹn, còn nhiều sự suy nghĩ, nhưng chúng ta cảm thấy nhận được hạnh phúc, vì chúng ta đã xa lánh được những phiền não. Chúng ta được an lạc là Tâm của chúng ta an trú vào một nơi an toàn, khỏi mọi chướng ngại và phiền não.
- Ở giai đoạn thứ hai, khi chúng ta thấy được sự sanh diệt của các hiện tượng, sự kích thích phấn chấn, say mê vẫn còn, và tâm buông bỏ của chúng ta chưa có, nhưng chúng ta sẽ cảm nhận được sự hanh phúc của sự định tâm, sự tập trung tâm ý tốt đẹp đem lại hoan hỷ và an lạc.
- Ở giai đoạn thứ ba chúng ta vẫn ở trong tuệ sinh diệt nhưng tuệ giác nầy mạnh mẻ hơn, có một sự an lạc, thoải mái, hạnh phúc ngọt ngào tuyệt diệu vô biên hơn, mặt dầu tâm buông bỏ cũng chưa có điều kiện để hé lộ, nhưng chúng ta hạnh phúc của sự an lạc thoải mái.
- Ở giai đoạn thứ tư khi mà sự an lạc thoải mái dễ chịu dần dần tan biến và nhường chỗ cho cảm giác không vui, không buồn, không yêu, không ghét thì sự quân bình có cơ hội hiển bày. Cuối cùng chúng ta sẽ cãm nhận được hạnh phúc của trí tuệ.
Dĩ nhiên giai đoạn nầy là giai đoạn có hạnh phúc tốt đẹp và cao tột nhất. Tuy nhiên cũng như các giai đoạn đầu, hạnh phúc vẫn còn nằm trong thế giới của nhân duyên, thế giới của điều kiện. Chỉ khi nào chúng ta vượt qua thế giới điều kiện nầy. Lúc ấy chúng ta mới đạt được chân an bình, hạnh phúc. Hạnh phúc nầy là loại hạnh phúc tịch tịnh chỉ đến khi đối tượng của chúng ta và các hiện tượng của danh sắc cũng như tâm ghi nhận đều hoàn toàn dừng lại. Ðó là trạng thái mà theo thuật ngữ Phật Giáo gọi đó là Niết Bàn. Nói về Niết Bàn đã có nhiều quan niệm khác nhau, trong đó có:
- Một số cho rằng sau khi thân tâm bị hủy diệt hoàn toàn, cái gì còn lại sau đó là những cốt tủy tinh túy của một hạnh phúc miên viễn. Ðiều nầy không đúng. Niến Bàn là chân đế, và được xếp loại là hiện tượng bên ngoài danh sắc chớ không phải là hiện tượng bên trong danh sắc. Như vậy không có gì tồn tại trong cơ thể sau khi thân tâm bị hủy diệt.
- Nhiều người đầy dẫy nghi ngờ khi bàn về Niết Bàn, và cho rằng nếu Niết Bàn là sự hủy diệt của danh sắc hay thân tâm thì lấy cái gì để cảm nhận Niết Bàn?
Ðiều nầy cũng không đúng, bởi vì Niết Bàn không thể kinh nghiệm qua các giác quan. Không thể dùng mắt thấy dùng tai để nghe.... Niết Bàn không phải là đối tượng của giác quan, vì thế cho nên không thể ghép vào một trong những lạc thú do giác quan đem lại, dầu cho lạc thú nầy có đặc biệt đến đâu chăng nữa. Niết Bàn là một hạnh phúc không liên quan gì đến năm căn, năm trần.
Ðiều nầy kể ra cũng khó mà hiểu được về một hạnh phúc đi ra ngoài sự hiểu biết của giác quan. Nghĩa là cái hạnh phúc mà chúng ta không thể thấy được, không thể nghe được, không thể nếm được, không thể sờ mó được, không thể nghĩ bàn được. Ðây là chuyện không thể suy nghĩ, và bàn cãi được. Những người không có kinh nghiệm về những hạnh phúc trong việc tu tập, hành thiền thì không thể nào hiểu được.
            Thậy vậy, chỉ những người nào tự thân thưởng thức được hương vị của Niết Bàn mới có thể nói đến Niết Bàn một cách xác tín. Tuy nhiên cũng có những cách suy đoán, diễn dịch về vấn đề Niết Bàn một cách rõ ràng, đối với những người đã đạt được nhiều kinh nghiệm sâu xa trong việc hành thiền, và đang vững tiến trên con đường đi đến Niết Bàn.
Ngay từ thời đức Phật đã có nhiều bàn cãi về bản chất của Niết Bàn. Một lần nọ một vị trưởng lão bàn cãi về hạnh phúc của Niết Bàn  với một số Tỳ Kheo khác trong chùa. Một Thầy Tỳ Kheo đứng dậy thưa:
- Bạch Hoà Thượng, nếu Niết Bàn không thể dùng ngũ quan để nhận biết thì có gì là hạnh phúc?
Vị Trưởng Lão đáp:
- Chính vì không có cảm giác trong Niết Bàn cho nên nó mới là hạnh phúc thật sự.
Nói tóm lại, qua một tiến trình vận chuyển trong vũ trụ như thế nào thì trong tâm thức của chúng ta cũng như thế đó. Biết thưởng thức cây cảnh bốn mùa như thế nào thì hạnh phúc của chúng ta cũng tương tự như vậy. Từ một con người đầy dẫy tham sân chấp ngã chúng ta có can đảm dấn thân đắm mình trong suối nguồn vi diệu Phật Pháp, chúng ta sẽ gột rửa những tham sân bụi trần, thời gian qua nhanh đến khi tính sổ cuối năm thì chúng ta thấy lời hay không có lời? Xin mượn câu nói của một Thiền Sư để kết thúc bài pháp hôm nay:
- Kinh điển lưu truyền tám vạn tư
Tu hành không thiếu cũng không dư
Ðến nay tính sổ chừng quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chữ như
 
Tài Liệu Tham Khảo:
- Con Ðường Chuyển Hoá
- Bước Ðầu Học Phật
- Vô Ngã Là Niết Bàn
- Phật Học Phổ Thông
-- o0o --