Tuệ Giác Tư Duy
Thông Nghĩa
--o0o--
 
Cứ mỗi lần quán niệm là mỗi lần chúng ta có cơ hội ngồi chung để chia xẻ những kinh nghiệm tu tập, nhất là phương diện thực tập chánh niệm. Chánh niệm càng bền vững, chính xác, thâm sâu, rõ ràng và liên tục từ sát na nầy sang sát na khác thì chúng ta sẽ thấy rõ ràng toàn thể tiến trình tập trung tư tưởng từ điểm khởi đầu đến điểm giữa, rồi đến điểm cuối mà không có sự gián đoạn nào.
Như thế thực tập thiền quán là một cơ hội tốt để chúng ta quán sát một cách trực tiếp về thân và tâm.. Ðầu tiên chúng ta có thể phân biệt từ thô đến vi tế cả một tiến trình đem tâm về chánh niệm. Mới đầu chúng ta có thể ghi nhận những tiến trình của thân khác hẳn với tiến trình của tâm ghi nhận. Tuy nhiên khi quán sát một cách thận trọng hơn thì chúng ta sẽ bắt đầu nhận thấy sự hổ tương tùy thuộc vào thân tâm của chúng ta.
Một ý định trong tâm tạo nên sự chuyển động liên tục của thân. Chúng ta sẽ bắt đầu thấy rõ tiến trình của thân và tâm sinh ra rồi diệt và càng ngày chúng ta càng thấy tiến trình sinh diệt nầy rõ ràng hơn. Với kinh nghiệm thực hành nầy chúng ta sẽ ghi nhận và chấp nhận mọi đối tượng mà chúng ta nhận biết đều có sinh và có diệt. Ðâu đâu chúng ta cũng thấy được sự sinh và diệt. Âm thanh đến rồi đi, cảm giác có thể phát sinh rồi biến mất, không có gì tồn tại. Khi chúng ta ghi nhận được như vậy thì trí tuệ nội quán bắt đầu phát sinh. Trí tuệ nội quán là trí tuệ liên quan đến sự thấy rõ ba đặc tính của mọi hiện tượng tâm vật lý, đó là:
- Không Thường Còn,
- Không Toại Nguyện và
- Không Thực Thể.
            a- Không Thường Còn:
            Nếu có lúc những nhà khoa học nhìn vào kính hiển vi có thể thấy rõ tất cả các sinh vật nhỏ li ti như thế nào, thì dưới con mắt của người thực tập chánh niệm cũng như thế. Nghĩa là tất cả mọi sự mọi vật sự thực vẫn còn đó, nhưng một khi tâm của chúng ta bằng cái nhìn quán chiếu sự đến và đi của các đối tượng, thì chúng ta sẽ thấy rõ đặc tính tạm thời của chúng, Không Thường Còn. Trí tuệ ghi nhận nầy sự kiện nầy là trí tuệ trực tiếp. Chúng ta sẽ thấy rõ đặc tính nầy bất cứ ở chỗ nào và bất cứ lúc nào. Nghĩa là chỗ nào chúng ta để tâm đến, chúng ta đều thấy rõ là không thường còn. Khi tâm vừa tiếp xúc với đối tượng, chúng ta đã thấy đối tượng tan rã, như chúng ta nhìn vào nước đá tan dần trong không khí.
            Có tính cách thực nghiệm hơn, chúng ta nhìn vào bản thân, chúng ta sẽ thấy toàn cơ thể của chúng ta cũng không thường còn. Càng thực tập, càng quán chiếu chúng ta sẽ thấy mọi hiện tượng khởi lên qua sáu căn đều không thường còn. Và ngay cả các hiện tượng của thân và tâm đều là không thường còn. Không có vật gì trên thế gian nầy không mang đặc tính không thường còn.
            Tóm lại tất cả mọi vật trên thế gian nầy đều mang đặc tính vô thường. Nhờ tinh tấn tu tập ta có được trực giác hay trí tuệ thấy được không thường còn, thấy rõ sự diệt mất của các hiện tượng. Một điểm quan trọng cần lưu ý ở đây là tuệ giác thấy rõ vô thường không thể có được nhờ đọc sách hay nghe thiền sư giảng giải, hoặc do sự suy nghĩ, lý luận. Tuệ giác nầy chỉ có được khi chúng ta quán sát một cách thuần túy sự biến mất của các hiện tượng trong hiện tại mà không qua sự suy nghĩ hay lý luận.
            Khi quán sát hơi thở, chúng ta có thể nhận sự luân lưu, chuyển động ..v..v... Nếu chúng ta theo dõi được tiến trình nầy một cách liên tục từ đầu chí cuối, thì chúng ta sẽ thấy rõ tất cả mọi cảm giác diễn tiến xảy ra trong khi thấy nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ, mọi cảm giác của cơ thể nóng lạnh, cứng mềm, đau nhức, ngứa, nhột, và tất cả những hoạt động như: Co duỗi, quay cúi, khom, hắt hơi ... đều là vô thường.
Nếu chúng ta có thể thấy được sự biến mất của của bất kỳ một đối tượng nào đã kể trên đều bao gồm trong tuệ giác thấy không thường còn. Khi có tuệ giác thấy rõ tất cả đều không thường còn thì chúng ta mất hẳn ảo tưởng về sự thường còn. Lúc bấy giờ, ngã mạn, cũng sẽ không còn nữa.
            b- Bất Toại Nguyện:
            Trong khi quán sát không thường còn, tự nhiên yếu tố không tọai nguyện cũng bắt đầu rõ ràng trước mắt chúng ta. Khi thấy các hiện tượng sinh rồi diệt, chúng ta sẽ ghi nhận ra rằng không có cái gì vững bền, để mà chúng ta nắm giữ. Mọi chuyện đều ở trong trạng thái biến đổi không ngừng, cho nên chúng ta không nắm giữ được gì cả. Vì không nắm giữ được gì, cho nên chúng ta không vừa lòng, không toại nguyện và khổ. Bởi vì mọi vật đều biến đổi nhưng chúng ta không muốn nó biến đổi. Chúng ta muốn mọi vật vững bền mà nó không vững bền. Mọi vật diễn ra không đúng ý mình, không đúng nguyện vọng của mình khiến ta không hài lòng, không toại nguyện mà bất toại nguyên tức là khổ.
            Trên thế gian nầy không đem đến cho chúng ta một sự nương tựa nào cả.( chồng nương tựa vợ... ) Thật ra, khổ tự nó là không thường còn. Cái gì không thường còn thì cái đó là khổ. Hiểu rõ chân lý nầy thì chúng ta sẽ có thể chấp nhận mọi hoàn cảnh trong cuộc đời, và ngay cả các cảm giác đau nhức xảy đến với ta một cách thích thú. Lúc bấy giờ ta sẽ thấy rõ bản chất bất toại nguyện của mọi cảm giác. Chúng ta có thế quán sát chúng một cách khách quan mà không bị ảnh hưởng bởi chúng và không phản ứng lại chúng. Chúng ta sẽ thấy cảm giác đau nhức nầy là một cái gì đó không vững bền, và nó không thể tồn tại quá hơn một cái chớp mắt. Lúc đó chúng ta không còn có ảo tưởng về một sự trường tồn nào nữa.
            Chẳng hạn như có một cảm giác đau nhức nơi lưng. Nếu chăm chú quán sát nó thì chúng ta sẽ thấy nó nóng bỏng của chỗ đau biến thành sức ép, rồi biến thành sự đập mạnh thình thịch. Sự đập mạnh nầy thay đổi cường độ, hình dáng và cách thức một cách liên tục. Cuối cùng khi sự biến đổi lên đến cực điểm thì tâm của chúng sẽ thấy được sự vỡ vụn, sự phân tán cái đau, và chúng ta không bị đau nhức hành hạ nữa.
            Khi đau nhức không còn hành hạ nữa, tâm chúng ta sẽ tràn đầy sự an vui. Thân cũng trở nên mát mẻ, yên tĩnh, thoải mái và lẽ tất nhiên chúng ta sẽ thấy rõ cơ thể nầy chỉ là khối đau khổ và bất toại nguyện nó nhảy múa và không ngừng biến đổi.
            Tuệ giác thấy rõ sự đau khổ cũng xuất hiện lúc ta quán sát các hiện tượng sinh và diệt, nhưng nó có một khía cạnh khác hẳn với tuệ giác thấy rõ vô thường. Chẳng hạn như đột nhiên ta có một sự hiểu biết sâu xa rằng không có một sự vật gì ta có thể nương tựa vào được cả, không có gì chúng ta có thể cậy nhờ được chúng đều là nhưng vật đáng sợ.
            Khi có cảm giác đó tức là chúng ta đã có được tuệ giác thấy rõ khổ não. Tuệ giác thấy được khổ não chỉ xuất hiện khi tâm thuần quán sát sự sinh diệt của các sự vật và hiểu rằng sự vật vô thường của các hiên tượng là đáng sợ, chẳng có gì thích thú.
            Tuệ giác thấy rõ sự khổ trong mọi hiện tượng có năng lực mạnh mẽ vì nó có thể loại trừ sự hiểu biết sai lầm, cho rằng sự vật đều tốt dẹp đáng yêu, bền vững. Khi các ảo tưởng sai lầm nầy biến mất thì tham ái cũng không có lý do hiện khởi.
            c- Không Thực Thể
            Khi tuệ giác thấy được không thường còn, không toại nguyên thì tự nhiên chúng ta sẽ thấy được không thực thể, nghĩa là không có ai đàng sau mọi tiến trình. Từ sát na nầy đến sát na khác, các hiện tượng xuất hiện. Ðây là một tiến trình tự nhiên, không do ai thúc đẩy hay điều khiển. Trí tuệ nầy là sự hiểu được rằng sự vật không có cái thực thể bên trong.
Ðặc tính của không thực thể là thấy được sự sinh và diệt không diễn ra theo đúng ý muốn của chúng ta. Mọi hiện tượng danh và sắc diệt diễn ra đến rồi đi một cách tự động, theo một sự tự nhiên của nó, ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Chẳng hạn như chúng ta đâu muốn bệnh, nhưng bệnh cứ tới, chúng ta không muốn buồn phiền, nhưng buồn phiền vẫn đeo đuổi ....
            Chúng ta có thể thấy điều nầy một cách tổng quát bằng cách quán sát thời tiết. Có lúc trời nóng như thiêu đốt. Có lúc trở lạnh đến đông đá, khi mưa dầm, lúc nắng ráo. Thời tiết thay đổi bất thường, không làm sao lường được. Chúng ta không thể nào bảo thời tiết diễn ra theo đúng ý chúng ta. Thời tiết bị chi phối bởi luật tự nhiên. Những yếu tố tạo nên thân và tâm của chúng ta cũng bị chi phối bởi những định luật tự nhiên tương tự như vậy.     
Khi quán sát kỷ càng sự sinh và diệt của các hiện tượng thân tâm, chúng ta sẽ hiểu rõ ràng là không có ai kiểm soát các tiến trình nầy cả. Sự hiểu biết hay trí tuệ đến một cách tự nhiên. Trí tuệ nầy không hề bị ảnh hưởng hay bị điểu khiển hoặc bị tác động bởi một nguyên nhân nào bên ngoài. Trí tuệ nầy không đến từ sự suy nghĩ mà phát sinh ngay từ lúc ta quán sát sự sinh diệt của các hiện tượng. Trí tuệ nầy là trí tuệ thấy rõ mọi vật, mọi sự Không Thực Thể.
            Khi chúng ta không thấy được sự sinh và diệt của mọi hiện tượng thân và tâm thì chúng ta dễ có tư tưởng lầm lạc rằng có một cái thực thể, một cá nhân hay một cái tôi nào đó trường tồn vĩnh cửu đứng phía sau thân hay tâm nầy. Bằng sự hiểu biết rõ ràng, các quan niệm sai lầm sẽ được tạm thời loại bỏ.
Khi chúng ta có tri kiến rõ ràng, nhất là khi chúng ta ghi nhận được sự sanh diệt của các hiện tượng, thì chúng ta sẽ có trực giác về Không Thường Còn, Không Tọai Nguyện và Không Thực Thể.
Trực giác hiểu biết về ba yếu tố nầy gọi là tuệ tư duy. Người có tuệ giác nầy hiểu bằng kinh nghiệm của chính mình khi quán sát sự sanh diệt của các hiện tượng.
            Trí giác nầy tái xuất hiện nhiều lần thì tâm sẽ có sự phản ứng hay hiểu biết rằng không thường còn, không toại nguyên, không thực thể không phải chỉ có trong hiện tại mà đã từng có trong quá khứ và sẽ còn xảy ra trong tương lai. Tất cả mọi chúng sanh và moi sự vật mang cùng các yếu tố như chúng ta thì cũng đều bị luật vô thường, khổ và vô ngã chi phối. Hiểu biết nầy gọi là Tuệ Giác Tư Duy.
           
            Tài Liệu Tham Khảo
            - Thiền Trong Ðời Thường
            - Con Ðường Chuyển Hóa
            - Vô Ngã Là Niết Bàn
-- o0o --