-
Ứng Dụng Mười Hai Nhân Duyên
-
Trúc Giao
-
--o0o--
-
-
Để tiện việc ứng dụng giáo lý Mười Hai Nhân Duyên trong cuộc
sống, chúng tôi xin được nhắc sơ lại về phần căn bản. Mười hai
nhân duyên, hay Triết Lý Duyên Khởi, là một giáo lý rất đặc
thù, nói về con người và nói cho đối tượng nghe là con người.
Vì con người bị vướng nặng vào vô minh, ái và chấp thủ cho nên
Đức Phật đặc biệt nhấn mạnh đến các chi phần này khi hướng dẫn
con người tu tập với mục đích giải thoát, giác ngộ. Đây cũng
là điểm xác định sự khác biệt giữa Phật giáo với các tôn giáo
khác. Nó là cốt lõi của nhân sinh quan Phật giáo, được đề cập
nhất quán trong tất cả các kinh điển. Nhận thức rõ về giáo lý
mười hai nhân duyên sẽ giúp cho chúng ta hiểu cặn kẽ hơn về
các vấn đề khác như nghiệp, luân hồi tái sinh, nhân quả...
đồng thời gợi mở một hướng sống tích cực có ý nghĩa cho mỗi cá
nhân trong hiện tại.
-
Nhân duyên trong Mười Hai Nhân Duyên được Đức Phật xác định
theo hai chiều hướng:
-
01- Chiều Hướng Sinh Khởi:
-
Căn cứ theo kinh Tương Ưng Bộ II, Đức Phật đã thuyết minh về
mười hai nhân duyên như sau:
-
- Do vô minh, có hành sinh; do hành, có thức sinh; do thức, có
danh sắc sinh; do danh sắc, có lục nhập sinh; do lục nhập, có
xúc sinh; do xúc, có ái sinh; do ái, có thủ sinh; do thủ, có
hữu sinh; do hữu, có sinh sinh; do sinh sinh, có lão tử, sầu,
bi, khổ, ưu, não sinh, hay toàn bộ khổ uẩn sinh. Đây gọi là
Duyên khởi.
-
02- Chiều Hướng Duyên Diệt:
-
Do đoạn diệt tham ái, vô minh một cách hoàn toàn, hành diệt;
do hành diệt nên thức diệt; do thức diệt nên danh sắc diệt
... do sinh diệt nên lão tử, sầu bi, khổ, ưu, não diệt. Như
vậy là toàn bộ khổ uẩn đoạn diệt.
-
Từ nơi hai chiều hướng nầy cho chúng ta một dạng thức tổng
quát về Mười Hai Nhân Duyên đó là:
-
- Do cái này có mặt, cái kia có mặt; do cái này không có mặt,
cái kia không có mặt; do cái này sinh, cái kia sinh; do cái
này diệt, cái kia diệt.
-
Như có lần chúng tôi đã trình bày, triết lý Duyên khởi, là một
giáo lý nói về con người và nói cho đối tượng nghe là con
người, cho nên khi mười hai nhân duyên được thành lập, có
nghĩa là năm uẩn cũng bắt đầu có, và đây là chiều hướng duyên
sinh, nhưng cũng là chiều hướng của khổ đau, của luân hồi sanh
tử. Khi một trong mười hai mắc xích này bị phá vỡ thì cấu trúc
năm uẩn cũng tan rã, và đây là chiều hướng duyên diệt, là con
đường của an lạc, giải thoát. Năm uẩn chính là cấu trúc của
con người và cuộc đời. Sự hiện hữu của con người tự nó nói lên
mười hai nhân duyên đang vận hành theo chiều sinh khởi. Dạng
thức này là cách trình bày khái quát, tóm tắt và đơn giản nhất
do chính Đức Phật nói. Nó được xem như là một nguyên lý cho
mọi hiện hữu trong thế giới hiện tượng.
-
Thông qua ý nghĩa của các chi phần mười hai nhân duyên, đặc
biệt là chi phần lục nhập, một lần nữa khẳng định rằng, dạng
thức duyên khởi này là giáo lý nói về con người, bởi vì chỉ ở
con người mới có đầy đủ sáu cơ quan tri giác. Do vậy, khi nói
về sự vận hành của mười hai nhân duyên, cũng chính là nói về
sự vận hành con người. Tuy nhiên vì không nhận biết sự hiện
hữu của con người trên thế giới là do nhân duyên hòa hợp mà
sinh khởi, luôn biến dịch và không có một tự thể thường hằng,
nên con người luôn luôn có ảo tưởng về một tự ngã, rằng là:
-
- Ðây là cái tôi và đây là cái của tôi.
-
Chính ảo tưởng và sự bất giác này quấy động tâm thức, làm sinh
khởi lòng tham ái, chấp thủ... Và đó cũng là động cơ chính cho
các hành động của thân, lời và ý sanh khởi. Mỗi khi ý niệm về
một tự ngã sinh khởi thì Thức có mặt. Sự hiện hữu của Thức tất
yếu đòi hỏi sự có mặt của chủ thể nhận thức và đối tượng nhận
thức đó là Danh sắc, Lục Nhập. Khi căn, trần và thức gặp gỡ
nhau, thì Xúc sinh khởi. Cảm thọ có mặt ngay khi căn, trần và
thức giao thoa nhau; cảm thọ sẽ tuôn chảy như một dòng thác mà
không một năng lượng nào có thể ngăn cản được, vì bản chất của
cảm thọ là như vậy. Thọ bao gồm những phản ứng tâm lý trước
đối tượng như là buồn, vui, yêu, ghét, trung tính... Nếu cảm
thọ dễ chịu sẽ làm phát sinh luyến ái. Trong Ái đã bao hàm
chấp thủ và nó được biểu hiện dưới nhiều hình thức tương ứng
với các cảnh giới của tâm thức đó chính là sự có mặt của hữu.
Hữu tạo ra Sinh, và mỗi khi đã có Sinh, thì tiến tình suy yếu,
tan rã, mất đi sẽ vận hành như một hậu quả đương nhiên. Nghĩa
là lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não; hay khổ đau có mặt. Đó là sự
vận hành của mười hai nhân duyên theo chiều sinh khởi. Chiều
vận hành này có động lực là vô minh, tham ái và chấp thủ. Nói
khác đi, đây là con đường của khổ đau, luân hồi được dẫn dắt
và chi phối bởi vô minh.
-
Theo cách trình bày trên, mới nhìn qua chúng ta thấy vô minh
được xem như là căn nguyên, nguồn cội, cốt lõi của mười hai
nhân duyên. Tuy nhiên, không nên hiểu nhầm vô minh là nguyên
nhân đầu tiên của chuổi liên kết đó. Bởi vì, vô minh cũng do
nhân duyên sinh, là duyên khởi. Khi có nhân duyên thì vô minh
cũng sẽ chuyển hóa thành trí tuệ; đây là ý nghĩa vô minh diệt,
minh sinh. Do đó, để cho trung thực, chúng ta nên trở lại nhìn
vào sự sinh họat của đời sống, nơi đó chúng ta sẽ có nhận định
rõ ràng hơn. Nơi đó chúng ta thấy con người từ vô thủy chúng
ta bị trói buộc, dính mắc trong vòng lẩn quẩn của Mười Hai
Nhân Duyên. Nếu chúng ta cứ để nó trôi chảy theo dòng diễn
tiến tự nhiên mà không có sự cố gắng để khắc phục và vượt
thoát ra khỏi, thì dưới sự chi phối của tham ái, sân hận và si
mê cố hữu của con người, nó sẽ lôi cuốn chúng ta mãi triền
miên vô cùng tận. Do đó chúng ta phải tiêu diệt cái nhân và
chấm dứt vòng luân hồi. Câu hỏi được nêu lên là: Phải thoát ra
ở giai đoạn nào ở mười hai vòng khoen?
-
Như chúng ta đã biết:
-
- Hai vòng khoen đầu là Vô Minh và Hành, nằm trong thời quá
khứ, mà quá khứ đã qua, và nghiệp cũng đã được tạo, chúng ta
không thể đi ngược dòng thời gian để sửa sai. Vậy, không thể
làm gì.
-
- Hai vòng khoen cuối cùng là Sanh và Lão Tử, thuộc về tương
lai. Tương lai thì chưa đến, vì vậy chúng ta cũng không thể đi
trước thời gian để sắp xếp mọi sự, mọi vật.
-
- Tám vòng khoen còn lại nằm trong thời hiện tại. Năm trong
tám vòng ấy: Thức, Danh sắc, Lục Căn, Xúc, Thọ là quả, được
sanh trong hiện tại do nghiệp đã tạo ở quá khứ, là kết quả của
Vô Minh và Hành. Nhân đã gieo trong quá khứ, chắc chắn quả dĩ
nhiên phải có, do đó chúng ta cũng không thể sửa đổi. Cũng
không thể làm gì.
-
- Còn lại ba chi là Ái, Thủ, Hữu.
-
Ðây là phản ứng của chúng ta đối với những kết quả ấy. Phản
ứng này rất quan trọng vì sẽ làm nhân tạo quả trong tương lai.
Ðó là yếu tố then chốt dẫn chúng ta đi trên con đường đau khổ
tuyệt vọng. Nơi đây chúng ta có thể bị lôi cuốn mãi mãi trong
vòng luân hồi, mà cũng tại nơi đây chúng ta có thể mở con
đường vượt thoát ra khỏi vòng luân hồi.
-
Chúng ta biết rằng, nếu trong khi thọ, chúng ta sanh tâm luyến
ái, ưa thích hay ghét bỏ cũng được coi là có luyến ái, bám
chặt vào đó, có bám chặc vào đó thì đó là trạng thái chấp thủ,
do chấp thủ nên chúng ta bị tiếp nối trong vòng quanh quẩn.
Ngược lại, nếu chúng ta hiểu biết bản chất thật sự của thọ là
vô thường, khổ, vô ngã thì chúng ta sẽ không chấp thủ mà còn
buông bỏ. Khi chúng ta buông bỏ tức nhiên không có ái. Không
có ái tức không có thủ. Không có thủ thì không có hữu và như
vậy chúng ta đã đập nát cái nhân, và chấm dứt luân hồi. Nếu
nhận định ở trên đúng thì chúng ta tìm thử coi Ái là cái gì mà
có khả năng làm cho chúng ta cứ mãi mãi kẹt trong những cây
căm của vòng bánh xe luân hồi ghê gớm như vây.
-
- Ái dục bao gồm tất cả những hình thức thèm khát, tham ái,
khát vọng, ước mong, dục vong, ham muốn, nóng lòng, bám níu,
luyến ái. Ái dục luôn luôn bao hàm một ý niệm ích kỷ. Con
người thường ưa chấp giả làm thiệt, khư khư bám vào năm uẩn vô
thường mà cho đó là Ta, một cái Ta trường tồn không biến đổi,
rồi ham muốn, khát khao.. v.v... lấy cái ta làm trung tâm của
mọi sự vật, và cố đem vào càng nhiều càng tốt, và bám lấy càng
chặt càng hay. Vì lẽ đó khi chuyển ngữ chữ Ái Dục thành ra
nghĩa ham muốn, ước mong, ..v.v...thì chúng ta nên hiểu rằng
ái dục chỉ nằm trong phần xấu của những danh từ này mà thôi.
-
Thí dụ: Như ham muốn.
-
Chúng ta cũng có thể ham muốn những điều xấu xa mà cũng có thể
ham muốn những việc tốt đẹp. Ham muốn những điều tốt đẹp là
điều đáng ngợi khen và khuyến khích, như muốn phục vụ, muốn bố
thí, muốn có đời sống đạo đức .. v...v... Tuy nhiên, nói cho
cùng dầu có muốn như thế nào đi nữa, thì chữ Ái Dục ở đây cũng
chỉ diễn đạt phần ích kỷ, xấu xa của sự ham muốn, sự khát
khao, lòng ước muốn cho chính mình, sự luyến ái, sự bám níu
giữ cho cái Ta mà thôi. Y cứ theo năm dục trần, thì có hai
loại ái dục:
-
1- Ái dục y theo những khoái lạc vật chất, có liên quan đến
chủ trương thường kiến. Có nghĩa là trong lúc thọ hưởng dục
lạc nghĩ rằng vạn vật là trường tồn vĩnh cửu và chấp chặc cảm
giác khoái lạc này sẽ mãi mãi tồn tại không bao giờ thay đổi.
-
2- Ái dục y theo những khoái lạc vật chất có liên quan đến chủ
trương đoạn kiến. Trong lúc thọ hưởng, nghĩ rằng tất cả đều
tiêu diệt sau khi chết. Chết là hết.
-
Bàn thêm về Ái Dục, người xưa có những nhận định như thế nầy:
-
- Kẻ thù của toàn thể nhân loại là ái dục, ham muốn, luyến ái,
bám níu, khát vọng và xuyên qua đó, tất cả những điều bất hạnh
đến với chúng sanh. Ðây không phải chỉ lòng ham muốn hay luyến
ái duyên theo nhục dục năm trần: Tiền của, tài sản và tham
vọng đánh bại, lấn lướt kẻ khác hay xâm lăng những quốc gia
khác, mà cũng là sự cố chấp, khư khư dính mắc trong những lý
tưởng, ý niệm, quan kiến và tín ngưỡng thường dẫn đến phỉ báng
và hoại diệt và đem lại đau khổ không thể tả đến toàn thể quốc
gia, hay trong thực tế, toàn thể thế gian.
-
Chúng ta hãy nhìn vào mười hai vòng khoen của Mười Hai Nhân
Duyên. Do vô minh và ái dục ngủ ngầm bên trong cho nên nó thúc
đẩy chúng ta hành động, tức chúng ta tạo nghiệp, nghiệp có thể
thiện hay không thiện. Nghiệp quá khứ đưa đến quả hiện tại là
thức, danh sắc, lục căn, xúc, thọ. Ðại khái kết quả có năm
lọai cảm thọ:
-
- Thọ vô ký,
-
- Không vui sướng,
-
- Hạnh phúc,
-
- Không đau đớn,
-
- Ưu phiền
-
Trong thực tế chúng ta thấy khi tinh thần được hạnh phúc thì
vật chất cũng vui thích; và trái lại, khi thể xác được thích
thú thì tinh thần cũng khoan khoái. Để cho tiện việc sắp xếp,
chúng ta có thể gom hai cảm giác vui thích tinh thần và vật
chất làm một, gọi chung là sung sướng. Cũng tương tự như vậy,
chúng ta gom hai cảm giác đau khổ tinh thần và vật chất, làm
một và gọi chung là đau khổ. Ðến đây thọ, hay cảm giác có ba:
-
1- Cảm giác vui thích tinh thần và vật chất.
-
2- Đau khổ tinh thần và vật chất và
-
3- Cảm giác vô ký.
-
Trong ba cảm giác này thì cảm giác vô ký, tức là không sung
sướng, không đau khổ rất yếu ớt, hầu như không có. Còn lại hai
loại thọ: Thọ Lạc và Thọ Khổ.
-
Do thọ, cho nên ái phát sanh vì vô minh vẫn luôn luôn tiềm
tàng ngủ ngầm. Ái ở đây có thể là ưa thích hay ghét bỏ, vì
ghét chỉ là hình thức tiêu cực của ưa thích, là ưa thích ở một
mức độ nào. Khi ta nói tôi ghét tiếng ồn có nghĩa là tôi ưa
không có tiếng ồn. Do ái phát sanh thủ, do thủ phát sanh hữu
và do hữu có sanh, lão, bệnh, tử, ưu phiền, sầu muộn .. v..
v... Vòng lẩn quẩn cứ thế trở đi trở lại triền miên, mãi mãi,
từ vô lượng kiếp. Trong bài kinh Chuyển Pháp Luân, khi bắt đầu
giảng Tứ Diệu Ðế tức là giáo lý chỉ rõ cho chúng sanh thấy
được nguyên nhân của đau khổ, và chỉ cho chúng sanh thấy được
phương pháp diệt khổ, Ðức Phật dạy rằng:
-
- Sanh là Khổ.
-
Đức Phật dạy như vậy, không phải thông thường chỉ nghĩ đến
cảnh mang nặng đẻ đau của bà mẹ và cảnh bị nhốt nằm trong cái
bọc của đứa bé, mà sâu xa hơn, thâm diệu hơn nữa, đức Phật
muốn chỉ cho chúng ta có cái nhận thức rằng chính cái sanh là
đầu dây mối nhợ, là khởi duyên tạo cho đau khổ bám vào. Nếu
không sanh tức không có sống. Không sống tức không có khổ. Vì
lẽ ấy mục tiêu cứu cánh của người Phật tử là thoát ra khỏi
vòng sanh tử triền miên tiếp diễn. Nhưng, bản chất của chúng
sanh là cố bám vào sự sống. Ái dục trong hình thức ham sống,
là một năng lực vô cùng hùng mạnh, luôn luôn tiềm tàng ngủ
ngầm bên trong mỗi người. Ái dục là nguyên nhân sanh đau khổ
và sanh là cơ hội tạo duyên cho đau khổ phát khởi. Có sanh tức
có già, có bệnh .. v.. v... có đau khổ. Ái Dục, sự tự tạo, một
thành phần tinh thần luôn luôn ngủ ngầm bên trong tất cả mọi
người. Như vậy, ái dục trong quá khứ làm nguyên nhân đưa đẩy
chúng ta đến đây. Nếu chúng ta vẫn còn lơ đễnh để cho cuộc
sống buông lung lôi cuốn, để rồi chúng ta chạy theo ái dục
trong hiện tại, thì lúc đó sẽ là nguyên nhân đưa đẩy chúng ta
vào một cuộc sống mới, với những đau khổ mới, những trầm luân
mới. Nhưng trong hiện tại, và chỉ trong hiện tại của cuộc đời
nầy, chúng ta có thể khắc phục ái dục để thoát ra khỏi những
hình thức đau khổ của những kiếp sanh tồn này.
-
Nói đến ái dục là nói đến một tâm tình ích kỷ, chính yếu tố
ích kỷ trong ái dục, đã gây biết bao nhiêu tai hại cho con
người. Ái dục không bao giờ được hoàn toàn thỏa mãn. Như chúng
ta đã biết, khi có một điều mong muốn được thành tựu, thì lại
có ước vọng mới. Con người luôn luôn chạy theo những thích thú
tạm bợ mới, cố rượt theo để bám lấy những ảo ảnh, để chụp cho
được cái mà thật sự chỉ là những hình bóng ảo huyền, và như
thế con người luôn luôn châm nhiên liệu, luôn luôn dưỡng nuôi
và bảo trì ngọn lửa đau khổ của kiếp sinh tồn. Chính lòng tham
muốn ích kỷ, tâm luyến ái vô độ lượng, vô trật tự và sự bám
níu đam mê vào những sự vật trên thế gian đã lôi cuốn và đẩy
đưa con người trôi giạt đó đây trong đại dương của đời sống.
Ðó là tác động của ái dục ở trong con người dưỡng nuôi nó. Còn
nếu tác động của ái dục ở bên ngoài người ôm ấp nó, ở người
khác thì cũng rất nguy hiểm. Quả thật như vậy, do
ái dục mà nước
này gây chiến với nước
kia, cá nhân
tranh đấu với
cá nhân, tu
sĩ bôi bác
với tu sĩ, dân chúng tranh giành ảnh hưởng
với dân chúng,
mẹ gây gỗ với con, con gây với
mẹ, cha cãi vã với con, con
cãi cha, anh chị với em, em với anh chị, bạn bè với bạn bè.
Ái dục là một thúc đẩy hùng mạnh, một thúc đẩy nguy hiểm, và
tai hại. Ái dục là nguyên nhân hầu hết những tệ hại trên đời.
Hầu hết những xáo trộn chính trị trong nhiều quốc gia, những
vấn đề xã hội và kinh tế rất phiền phức, những hiện tượng nầy
chỉ có thể giải thích được bằng vào sự ảnh hưởng nguy hại của
ái dục. Như vậy, Ái dục vị kỷ là động cơ chính yếu đưa đến hầu
hết những cuộc tranh chấp, và thúc đẩy mọi cố gắng của con
ngươi đi vào con đường mê muội. Ðôi khi trong ái dục, sự biểu
hiện của lòng vị kỷ có phần lộ liễu, hiển nhiên, đôi khi cũng
rất tế nhị. Tình thương theo nghĩa của thế gian luôn luôn đượm
nhuần tính chất ích kỷ. Ðó là một thứ tình thương thiết tha
mong muốn được nhận ra, và đòi hỏi được đáp lại. Tóm lại, đó
là thứ tình thương tự thương mình, là tình thương của mình đối
với mình. Trong phần lớn các trường hợp, chúng ta thương người
kia là để tự thương mình nhiều hơn. Lý do dễ hiểu, bởi vì
chúng ta thiết tha mong muốn tự cho chúng ta cái vui, được
thương người, và cái vui được người thương chúng ta trở lại.
Như vậy, tiềm tàng dính liền theo tình thương người, chúng ta
có một ẩn ý tự thỏa mãn và tình thương kẻ khác chỉ là tình
thương mà chúng ta trá hình.
-
Ái dục cũng
sanh ra sự
sầu muộn. Ái dục cũng
sanh ra sự lo sợ. Cho nên
những ai đã trọn vẹn dập
tắt ái dục thì người ấy
không còn sầu muộn, không
còn sầu muộn, thì chúng ta
càng ít lo sợ. Ðể
khuyên dạy một vị Tỳ Khưu mặc dầu thông suốt Giáo Pháp nhưng
lòng còn chứa đầy ái dục, và kiêu mạn khinh rẻ các vị khác.
Ðức Phật dạy:
-
- Trên thế gian này sầu muộn của người bị khát vọng và đê hèn
tràn ngập, sẽ sinh sôi nẩy nở như cỏ cú
được tưới nước đầy đủ. Sầu muộn sẽ tách rời người đã khắc phục
ái dục bất trị và đê hèn ấy như giọt nước rời lá sen. Ðiều
này, Như Lai dạy các con: May mắn thay cho tất cả các con,
những người tụ họp tại đây! Hãy đào xới ái dục tận gốc rễ như
người ta đào lấy rễ ngọt của cỏ cú.
Chớ để Ma Vương mãi mãi đè bẹp các con như trận lụt làm rạp
đám lát.
-
Tương
tự như vậy, như cái cây
mà rễ còn vững chắc và không bị động đến mặc dầu bị đốn ngã,
nhưng vẫn còn
đâm chồi nở tược được một cách dễ dàng. Cũng vậy,
bao giờ lòng ái dục tiềm ẩn chưa bị tận diệt, thì
sầu muộn của
chúng ta vẫn còn phát
sanh trở đi trở lại triền miên.
-
Từ xa xôi trong quá khứ chúng ta bị màn vô minh che lấp, và
đám mây mù si mê bao phủ, làm cho tâm chúng ta không thấy được
Chân Lý của vạn pháp. Vì thế cứ mỗi khi thấy bóng thì chúng ta
tưởng hình, thấy ảo cảnh chúng ta cứ tưởng thực, thấy những
giọt nước kế tiếp trôi chảy mà chúng ta gọi đó là con sông,
thấy những hột cát chồng chất trải dài lên nhau mà chúng ta cứ
cho đó, và xem đó là bãi biển. Một thực thể đơn thuần nguyên
vẹn, thấy những tế bào, những nguyên tử, những điện tử giả hợp
mà chúng ta cho đó là con người, người nam hay người nữ, anh,
chị hay tôi, rồi chấp thủ vào cái Tôi đó. Đây là những hiện
tượng thường xảy chúng ta không tránh khỏi. Tuy nhiên đối với
người Phật tử có tu tập, biết quán chiếu, chúng ta sẽ quán
chiếu bản thân mình một cách sâu sắc và rốt ráo, thì chắc hẳn
chúng ta sẽ nhận thức rằng con người của chúng ta là sự cấu
hợp của hai thành phần, vật chất và tâm linh, sắc và danh.
Phần vật chất, thân hay sắc, không phải là một thực thể đơn
thuần, nguyên vẹn, không biến đổi mà là một tiến trình luôn
luôn tiếp diễn, luôn luôn trở thành một cái gì khác. Phần tâm
linh bao gồm thọ, tưởng, hành, thức, chuyển biến càng mau lẹ
hơn.
-
Bốn loại hiện tượng tâm linh: Thọ, tưởng, hành, thức, hợp với
một hiện tượng vật lý: sắc là sự kết hợp vô cùng phức tạp của
năm thành phần: Sắc, Thọ Tưởng, Hành, Thức cấu tạo chúng sanh.
Mỗi cá nhân đều do năm uẩn cấu thành. Trong khi những thành
phần của năm uẩn ấy luôn luôn biến đổi thì chúng ta có cách
nào tạo sự tổng hợp của năm uẩn, tức con người lại không cho
nó biến đổi từng khoảnh khắc. Chúng ta phải biết rằng trong
hai khoảnh khắc kế tiếp không thể có một người nguyên vẹn
không đổi thay, bởi vì trong người ấy có thành phần vật chất
lẫn thành phần tâm linh đều không ngừng biến đổi. Từ đây chúng
ta có thể nói, chỉ trong hai khỏanh khắc không thể nói tuyệt
đối là một người, cũng không hẳn là hai người hoàn toàn khác
biệt, vì cả hai đều nằm trong một tiến trình sống, một dòng
sinh tồn. Chỉ có một luồng sống, một diễn tiến của đời sống
hay một sự liên tục. Tuy nhiên, sự liên tục đổi thay này đã
xảy ra nhanh chóng đến độ chúng ta không thể phân biệt một
cách hiển nhiên. Chính hai yếu tố liên tục và nhanh chóng đó
đã làm cho chúng ta lầm tưởng có một thực thể đơn thuần không
biến đổi. Tương tự như vậy, vì sự biến đổi liên tục của những
thành phần năm uẩn nhanh chóng, cho nên chúng ta có cảm tưởng
như có những thực thể đơn thuần, nguyên vẹn, không biến đổi,
gọi là người, là anh, là tôi, là chú... v.v... Thực ra toàn
thể tiến trình của những hiện tượng tâm vật lý ấy luôn luôn
hình thành rồi tan rã, sanh rồi diệt. Không thể có cái gì bền
vững thường còn mà chúng ta có thể gọi là Ta hay Của Ta, hay
một linh hồn trừơng cửu, một bản ngã vĩnh tồn. Cho nên Ðức
Phật dạy:
-
- Như có người kia không phải mù lòa, đi dài theo sông Hằng,
trông thấy bong bóng nước trên mặt sông, nhìn lại kỹ và quan
sát tận tường. Sau khi quan sát tận tường người ấy thấy rằng
bên trong bong bóng thật trống rỗng, không có thực chất, không
có thể chất vững bền. Cũng dường thế ấy vị Tỳ Khưu trông thấy
sắc, thọ, tưởng, hành, thức trong quá khứ, trong hiện tại hay
ở vị lai, bên trong hay ở ngoài, thô kệch hay vi tế, cao
thượng hay thấp hèn, xa hay gần, và vị Tỳ khưu nhìn lại kỹ
càng và quan sát tường tận ngũ uẩn. Sau khi quan sát ngũ uẩn
một cách tận tường vị tỳ khưu thấy nó rỗng không, không thực,
không có thực chất vững bền...
-
Quả
thật như vậy, Sắc giống
như một khối bọt, thọ như bong bóng nước, tưởng
như một ảo cảnh, hành mỏng manh như tàu lá chuối, thức như trò
ảo thuật. Nhưng chúng ta vì mãi bị màn vô minh che
lấp, cho nên chúng ta cứ xem đó là Ta, là tự ngã của ta. Chúng
ta mãi mãi ở trong ảo mộng mà cho đó là thực tế. Chúng ta sống
với những quy ước và những khái niệm và quả quyết rằng đây là
Ta, kia là cha, là mẹ, là anh, chị cô, bác, họ hàng thân thuộc
của Ta, nhà cửa của Ta, xe cộ của Ta... v.v... trong khi
chính thân này còn không phải
là của ta thì con cái nào là của ta, sự nghiệp nào là của ta?
-
Từ những nguyên lý căn bản trên, muốn chấm dứt khổ đau, luân
hồi sanh tử, chúng phải sớm nhận thức và ứng dụng triết lý
Nhân Duyên vào cuộc sống để chúng ta có thể chấm dứt khổ đau
và sống an vui trong cuộc đời sinh diệt nầy. Quả thật muốn
chấm dứt khổ đau thì phải nhận thức được tiến trình của Lý
Duyên Khởi để tận diệt những chuổi liên hệ của nó thì không
khó, tuy nhiên biết thì như vậy nhưng trung gian vẫn còn tùy
thuộc vào sự hiểu biết của mỗi người, do vậy nếu đối với:
-
a- Người Không Thông Giáo Pháp
-
Đối với một người như chúng ta không có học Giáo Pháp, thì khi
gặp hoàn cảnh đau khổ, cũng kinh nghiệm thọ lạc, kinh nghiệm
thọ khổ và kinh nghiệm thọ vô ký, nhưng chắc chắn sẽ đau đớn,
nhức nhối, lo âu và phiền muộn. Chúng ta sẽ ta thán, đấm ngực
khóc than và thất vọng. Như thế trong trường hợp nầy chúng ta
đang thọ khổ ở thân và thọ ưu ở tâm. Tình trạng xảy ra như vậy
tượng tự như chúng ta đã bị một mũi tên rồi lại bị một mũi tên
thứ nhì, chúng ta đau khổ cả thân xác lẫn tâm hồn. Vì bị
thương đau nhức, cho nên chúng ta phẫn uất, bất mãn và có
khuynh hướng tìm cách khỏa lấp. Trong sự đau khổ như vậy, rất
có thể chúng ta đi tìm lạc thú ở đời. Lý do là chúng ta không
học giáo pháp, không biết phải làm thế nào để thoát ra khỏi sự
đau khổ của mình, ngoại trừ tìm cách hưởng thụ dục lạc để khỏa
lấp. Bên trong con người chúng ta một khi thích thú hưởng thọ
dục lạc, thì chúng ta có khuynh hướng khát khao nhục dục, năm
trần ngày càng sâu đậm. Vì chúng ta không biết đúng sự thật
bản chất sanh diệt của thọ, không biết hậu quả tai hại của
lòng ham muốn thỏa mãn dục vọng, mà cũng không biết làm cách
nào để thoát ra. Vì chúng ta kém hiểu biết như thế cho nên
khuynh hướng si mê đối với thọ vô ký càng sâu đậm. Khi thọ
lạc, thọ khổ hay thọ vô ký thì chính chúng ta tự trói buộc,
xiết chặt mình vào đời sống, như thế chúng ta bị dính mắc và
mãi mãi lăn trôi trong vòng sanh, lão, bệnh, tử, lo âu, sầu
muộn, ta thán, khổ đau và tuyệt vọng.
-
b- Người Thông Hiểu Giáo Pháp
-
Trong trường hợp tương tự như vậy, nếu chúng ta là một người
đệ tử thông suốt giáo pháp, thì khi gặp hòan cảnh đau khổ,
cũng kinh nghiệm thọ lạc, kinh nghiệm thọ khổ và kinh nghiệm
thọ vô ký, cũng bị đau đơn nhức nhối, tuy nhiên chúng ta không
lo âu, không phiền muộn và ta thán, không đấm ngực khóc than
và thất vọng. Như vậy chúng ta chỉ kinh nghiệm một loại thọ,
đau đớn về thể xác, nhưng tâm hồn vẫn bình thản. Cũng giống
như người bị mũi tên, không bị mũi tên thứ nhì. Bị thương đau
nhức như vậy, chúng ta không phẫn uất bất mãn, do đó không có
khuynh hướng tìm cách kháng cự. Trong sự đau khổ chúng ta
không tìm thọ hưởng lạc thú trần gian để khỏa lấp. Lý do đơn
giản là vì chúng ta đã thông suốt giáo pháp cho nên chúng ta
hiểu biết làm thế nào để thoát khổ, ngoài phương cách thỏa mãn
dục vọng. Bên trong chúng ta không tìm thỏa mãn dục vọng,
không còn khuynh hướng đi tìm thích thú trong dục lac. Vì
chúng ta thấu đạt chân chánh bản chất sanh diệt của thọ, mối
hiểm họa của lòng ham muốn dục lạc, và cũng hiểu biết con
đường thoát ra khỏi những thọ cảm ấy. Bên trong chúng ta hiểu
biết như thế, cho nên không còn khuynh hướng si mê đối với
thọ, và vô ký, cho nên thọ lạc, thọ khổ hay thọ vô ký chúng ta
cũng không bị trói buộc. Khi chúng ta cố rèn luyện cho chính
mình đạt đến giai đọan nầy thì chúng ta đã là người thông suốt
giáo pháp, là người không tự trói buộc mình, và không lăn trôi
theo vòng sanh, lão, bệnh, tử, lo âu, sầu muộn, ta thán, khổ
đau và thất vọng.
-
Một cách chính xác, chính khi thọ cảm giác một đối tượng, khi
đối tượng ấy tiếp xúc với sáu căn. Thọ cảm nhận quả lành hay
quả dữ của những hành động trong hiện tại hay trong quá khứ.
Chính tâm sở tác ý, tức ý nằm bên trong hành động, là người
gieo nghiệp và tâm sở thọ là người gặt hái quả. Ngoài hai tâm
sở tác ý và thọ không có một linh hồn hay một bản ngã, một cái
Ta nào tạo nghiệp hay thọ quả. Do vì nhận thức những nguy hiểm
của Ái Dục cho nên khi chúng ta là người biết ứng dụng triết
lý mười hai nhân duyên vào trong cuộc sống, chúng ta biết khi
thấy một hình sắc, nghe một âm thanh, ngửi một mùi, nếm một
vị, sờ chạm một vật, hay nảy sanh một ý nghĩ thì ngay tức khắc
chúng ta có một cảm giác, một loại thọ, là đau khổ hay an lạc
ngay tức khắc. Nhưng đối với mọi người, chúng ta không thể nói
rằng tất cả mọi chúng sanh đều cảm một loại thọ giống nhau
trước một đối tượng giống nhau. Bởi vì tuy cũng một đối tượng,
có thể tạo thọ lạc cho người này, nhưng lại gây thọ khổ cho
người kia, và thọ vô ký cho một người khác nữa, vì khuynh
hướng tâm tánh, nghiệp duyên của mỗi người mỗi khác. Tương tự
như vậy, một ly rượu mạnh có thể là nguồn khoái lạc cho một
người, và là độc dược cho người khác. Xa hơn nữa chúng ta còn
phải hiểu, cùng một người cùng một đối tượng, nhưng ở hai thời
kỳ khác nhau hay trong những hoàn cảnh khác nhau nên cảm thọ
cũng có thể khác nhau.
-
Quả thật như vậy, khi chúng ta chấp những yếu tố của ngũ uẩn
luôn luôn biến đổi là Ta. Ðó là nguồn gốc của tất cả những
phiền phúc, những lo âu, những quấy nhiễu, những điều bất
hạnh, những hoàn cảnh khổ đau. Lý do là khi cái được gọi là Ta
bám víu, thì tùy thuộc theo người hay vật mà nó ưa thích, lẽ
tất nhiên có thân yêu, luyến ái hay trìu mến. Một khi đã có
những trạng thái thân
yêu... trìu mến... luyến ái... tham dục... ái dục... thì sẽ
sanh sầu muộn, sanh lo sợ.. Do vậy, khi chúng ta
đã trọn vẹn dập tắt thân
yêu... trìu mến ... v.. v... thì không còn sầu muộn, thì
càng ít lo sợ.
Do đó có thể nói phiền
não không bao giờ đến với người không luyến ái, với
những người không tham đắm
danh sắc và không còn dục
vọng.
-
Muốn cho việc Ứng Dụng Giáo Lý Mười Hai Nhân Duyên vào cuộc
sống được thành công mỹ mãn, chúng ta phải triệt để khai triển
trí tuệ thiền quán để thấu triệt thực tướng của vạn pháp. Lúc
nào mà chúng ta thấu triệt được thực tướng của vạn pháp, thì
ngay lúc đó chúng ta sẽ có quan điểm chân chánh về kiếp sinh
tồn. Như chúng ta đã nhận thức rằng tất cả sự vật trên thế
gian nầy đều là phù du, huyền ảo và tạm bợ nhất thời, mọi sự,
mọi vật tựa hồ như giọt sương buổi sáng lóng lánh trên lá cây,
ngọn cỏ, rồi sớm tan biến khi những tia nắng bình minh bắt đầu
rọi xuống. Như bong bóng nước, như lằn gạch trên mặt nước, như
cái chớp trong đêm tối, như một khối bọt, như ảo ảnh, như giấc
mơ... Như vậy khi chúng ta đã có đức tin nơi giáo pháp và đã
thâu thập một vài kiến thức căn bản về danh, sắc, vô thường,
khổ và vô ngã, thì chúng ta hãy cố gắng hành thiền quán. Ðây
là phương pháp nhằm ghi nhận danh và sắc, luôn luôn trong
trạng thái chảy trôi như một dòng suối chảy dài không dừng
nghỉ nơi sáu căn. Ghi nhận những gì mắt thấy, ghi nhận những
gì tai nghe, ghi nhận những gì mũi ngửi, ghi nhận những gì
lưỡi nếm, ghi nhận những gì thân xúc chạm, ghi nhận những gì
tâm suy tư, chừng đó chúng ta sẽ có được những nhận thức tất
cả về những gì cần phải được nhận thức, tương xứng với trình
độ mà chúng ta đạt đến.
-
Khi chuyên cần chú niệm như vậy, định lực của
chúng ta trở nên mạnh mẽ và vững chắc, tâm chúng ta trở nên
trong sạch. Chừng đó chúng ta có thể phân biệt rõ ràng danh,
hay cái tâm hay biết, và sắc, cơ thể vật chất, chính là cái
được hay biết. Chúng ta sẽ nhận chân rằng không có cái gì là
bản ngã, hay cái Ta. Sự ghi nhận thường xuyên lặp đi lặp lại
như vậy sẽ dẫn chúng ta đến trạng thái thông suốt nhân và quả
trong danh sắc. Cuối cùng mọi ý niệm về bản ngã trường tồn sẽ
tan biến một cách rõ rệt. Trước khi thực hành thiền quán rất
có thể chúng ta còn nghi ngờ không biết cái Ta đã có hiện hữu
trong quá khứ, nó vẫn còn hiện hữu trong hiện tại, và sẽ còn
hiện hữu trong tương lai không. Tuy nhiên sau khi thực hành,
tất cả mọi nghi ngờ đều chấm dứt vì chúng ta đã thấu triệt tận
tường bản chất thật sự của mọi hiện tượng. Đến đây nếu chúng
ta tiếp tục ghi nhận thêm, chúng ta sẽ thấy rằng trần cảnh:
Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp cùng với những thức liên hệ
như: Nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức
cũng đều tan biến. Tất cả đều vô thường. Tất cả đều tự phát
sanh và tự nhiên hoại diệt. Những gì vô thường thì chắc chắn
không thể làm thỏa mãn một cách trọn vẹn. Không có chi thật sự
có thể chất vững bền, thì có cái chi để bám níu vào mà gọi nó
là Ta hay Của Ta. Tất cả mọi liên hệ đều ở trong trạng thái di
động, chuyển biến, chảy trôi, vừa sanh đã diệt. Quán xét rốt
ráo như vậy chúng ta có thể tin chắc và loại bỏ ý niệm một bản
ngã trường tồn trong con người thật sự của chúng ta. Khi chúng
ta có thể xác quyết và loại bỏ ý niệm một bản ngã trường tồn
trong con người thật sự của chúng ta, thì lúc bấy giờ chúng ta
đã vượt ra khỏi cái Ta. Cái gọi là Tự Ngã của chúng ta đó đã
chan hòa và đồng nhất với tất cả, lúc đó chúng ta có lòng vị
tha không cầu lợi, có tình huynh đệ tương thân tương ái với
tất cả chúng sanh, có tâm từ vô lượng vô biên, có lòng bi mẫn
dồi dào, và có sự thuận hòa điều hợp với tất cả. Ánh sáng trí
tuệ dần dần đánh tan đêm tối của vô minh, tận diệt si mê, tham
ái và sân hận. Chúng ta đã thoát ra khỏi mọi hình thức của ái
dục và tiến gần đến giải thoát toàn vẹn ra khỏi luân hồi, khỏi
mọi đau khổ, đúng như lời Phật day:
-
- Như ta nhìn bọt nước, như ta nhìn ảo ảnh, nếu người kia nhìn
thế gian như vậy tử thần không còn thấy người ấy nữa.
-
Như vậy, thời điểm để chúng ta thoát ra khỏi vòng quanh đau
khổ là khoảng giữa hai vòng khoen Ái và Thọ, tức phản ứng của
chúng ta đối với thọ bằng cách chúng ta ghi nhận và thực hành
theo Tám Chánh Đạo
-
Nói tóm lại, Mười Hai Nhân Duyên, hay giáo lý duyên khởi nói
chung, là một giáo lý vô cùng tinh tế và khó hiểu, bởi con
người vốn đã quen với nếp tư duy hữu ngã từ vô thỉ. Muốn có
một nhận thức đúng về giáo lý này đòi hỏi chúng ta phải có sự
quán sát và tư duy thường xuyên về nó. Suy tư và thực tập giáo
lý mười hai nhân duyên, ứng dụng vào cuộc sống theo chiều
duyên diệt, chắc chắn rằng sẽ từng bước mang đến cho chúng ta
một cuộc sống độ lượng, vị tha, giải thoát và an lạc trong
hiện tại.
-
Mười Hai Nhân Duyên, hay duyên khởi, không phải là một giáo lý
dùng để đối trị chấp ngã hay nhằm giải thích thế giới, mà đây
là sự thật và là một pháp tu tập vì giải thoát thiết thực cho
con người. Do vậy, giáo lý này là căn bản của chánh kiến thứ
nhất trong Bát chánh đạo. Nói khác đi, chánh kiến là cái nhìn
toàn diện, như thật về các pháp là do duyên sinh. Có chánh
kiến chúng ta mới thấy chúng ta hay cuộc sống là hiện hữu của
các mối tương quan đa phương giữa con người với con người,
giữa con người với môi trường xã hội, môi trường tự nhiên...
Khi một cá nhân sống tốt là đang góp phần xây dựng một xã hội
tốt đẹp, và ngược lại. Theo chiều hướng nầy, mỗi người phải có
trách nhiệm với cộng đồng, bởi vì xây dựng cộng đồng chính là
đang bảo vệ cá nhân mình. Cho nên chúng ta không nghi ngờ khi
nghe nói đối tượng nghe giáo lý mười hai nhân duyên là con
người. Vì biết chúng ta nặng về tâm luyến ái và chấp thủ, cho
nên Đức Phật luôn luôn nhấn mạnh đến các chi phần này, đặc
biệt là trong chiều hướng, con đường đoạn diệt, giải thoát.
Khi ái hay bất luận một chi phần nào sinh khởi, lập tức cấu
trúc Mười Hai Nhân Duyên hình thành, và ngược lại, khi chi
phần ái hay thủ hoặc một chi phần bất kỳ đoạn diệt, lập tức
chuổi mắc xích 12 nhân duyên tan rã.
-
Như vậy, con người và cuộc đời là hiện hữu của cấu trúc mười
hai nhân duyên, nên không hề có một tự ngã độc lập và thường
hằng. Con người chính là chủ nhân của cuộc đời mình, bởi vì
giáo lý mười hai nhân duyên cho thấy sự thật:
-
- Không thể tìm ra một đấng sáng tạo, một Brahman, hay một vị
nào thánh thần khác làm chủ vòng luân chuyển của đời sống. Chỉ
có những hiện tượng diễn tiến, tùy thuộc vào những điều kiện
đồng thời sanh khởi hay hủy diệt. Con người và cuộc đời là vô
ngã, không có một tự tính thường hằng, nên bên trong mỗi người
luôn tiềm ẩn một khả năng giác ngộ, và cuộc đời luôn có cơ hội
để xây dựng trở nên tốt đẹp hơn.
-
-
Tài Liệu Tham Khảo:
-
- Tự Ðiển Phật Học
-
- Ðức Phật & Phật Pháp
-
- Phật Học Phổ Thông
-
- Nhị Khóa Hiệp Giải
|