Bồ Tát Tất Đạt Đa
Nhất Quán
--o0o--
 
- Có một loài hoa đẹp nhất đời
N rồi hương tỏa khắp mọi nơi
Ngàn xưa thơm ngát nay còn mãi
Có lẽ ngàn sau cũng thế thôi.
 
Sinh ra và trưởng thành trong hòang cung, Thái tử Tất Đạt Đa được nuôi nấng và dạy dỗ cả hai lãnh vực: Văn chương và võ thuật. Những thầy giáo giỏi nhất trong nước được mời đến hoàng cung để dạy cho Thái tử các môn học như:
- Thanh minh tức là môn học ngôn ngữ, và văn học.
- Công xảo minh tức là môn học về công kỹ nghệ.
- Y phương minh tức là môn y học.
- Nhân minh là môn học về luận lý học
- Nội minh là  môn học đạo học.
Theo trong Kinh nói rằng, lúc Ngài vừa tròn 7 tuổi, về đạo học, Thái tử đã được học 4 thánh điển Veda. Và chỉ trong khoảng thời gian từ 7 đến 12 tuổi, Thái tử đã học thông thạo 5 môn học trên. Với một tư chất đặc biệt, Thái tử đã làm cho hai danh sư nổi tiếng về võ là: Sằn Ðề Ðề Bà, và về văn là: Tỳ Sa Mật Ða La phải cúi đầu thán phục. Ngoài sự thông minh đĩnh ngộ, Thái tử được mọi người quý kính về đức hạnh bao la của Ngài.
Trong một buổi lễ Hạ điền, giữa lúc mọi người mải mê xem lễ hội, Thái tử lúc ấy tuy còn nhỏ, nhưng Ngài đã lặng lẽ đến bên cội cây cổ thụ xếp bằng tĩnh tọa. Thấy con với dáng dấp trầm tư, tĩnh lặng, Vua Tịnh Phạn đã phải kinh ngạc thốt lên:
- Ôi, con thân yêu! Ðây là lần thứ hai, cha nghiêng mình trước con!
Bởi vì lần trước, khi thấy đạo sĩ A Tư Đà cúi đầu trước Thái tử, nhà vua bất giác cũng nghiêng mình theo. Theo lời tiên đoán của nhà coi tướng trứ danh:
- Nếu Thái Tử kế thừa ngôi Ngài sè thành vị Chuyển Luân Thánh Vương.
- Nếu đi tu học đạo sẽ giác ngộ và trở thành bậc đạo sư nổi tiếng.
Do vậy mà càng yêu thương quý trọng con, Vua Tịnh phạn lại càng lo sợ Thái tử sẽ không nối nghiệp ngai vàng, mà sẽ xuất gia tìm đạo như lời tiên đoán của đạo sĩ A Tư Đà. Càng lớn lên, Thái tử càng lộ vẻ trầm tư về cuộc sống. Bởi thế, vua cùng triều thần sắp đặt nhiều kế hoạch để giữ Thái tử ở lại với ngai vàng. Trong số các quan đại thần hiến kế để giữ Thái Tử ở lại ngai vàng, đặc biệt là ông Ca Lưu Đà Di đã hiến kế cho Đức Vua Tịnh Phạn lập tam cung lục viện, tuyển mộ cung phi, đem sợi tóc mỹ nhân để cột chân hoàng tử. Vì thế mà Vua Tịnh Phạn đã cho xây 3 cung điện nguy nga, tráng lệ cho Thái tử thay đổi nơi ở hợp với thời tiết quanh năm của Ấn Ðộ. Thế là hàng trăm cung phi mỹ nữ giỏi đàn ca hát múa được tuyển chọn để túc trực hầu hạ Thái tử. Nhưng những hạnh phúc trần gian không làm khuây khỏa được ưu tư của người có ý chí xuất trần của Thái Tử.
Muốn ngăn chặn tất cả những hình ảnh của cuộc sống trầm thống khổ đau mà kiếp người phải đeo mang không lọt vào mắt, vào tai Thái Tử, để cho đứa con yêu không có thời gian nghĩ đến việc xuất gia, cho nên khi Thái tử vừa tròn 16 tuổi, cũng theo sự hiến kế của quan đại thần Ca Lưu Đà Di, nên đức Vua Tịnh Phạn đã tiến hành lễ thành hôn cho Thái Tử với Công Chúa một nước láng giềng tên là Da Du Ðà La, con của Vua Thiện Giác, một trang quốc sắc thiên hương, với hy vọng mái gia đình và tình yêu thương đôi lứa sẽ buộc chặt đôi chân của Thái Tử ở lại với ngai vàng. Nhưng được một thời gian, do năng khiếu suy tư sâu sắc, và lòng thương người vô hạn vô biên, Thái tử lại rơi vào tình trạng trầm tư lo lắng, luôn cảm thấy lòng mình nặng trĩu, với bao nỗi băn khoăn thắc mắc.
Ðược vua vua cha cho phép, Thái tử lần đầu tiên được ra khỏi cung vàng điện ngọc và tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Trong phạm vi giới hạn của cấm thành, Ngài chỉ được thấy những gì tươi đẹp của đời sống. Phần còn lại, nhiều hơn, và tương phản với những gì Ngài hiểu biết, giờ đây nó đang sờ sờ trước đôi mắt ngỡ ngàng và xót xa của Thái tử. Khi ngự trên vương xa do bốn ngựa kéo và một quản xa đưa đường, Thái Tử lần lượt ra bốn cửa thành của hoàng cung, Ngài chứng kiến những sự thật đen tối và đáng sợ!
- Lần đầu tiên Ngài thấy một lão già bên vệ đường, lưng còng run rẩy, tóc bạc, răng long. Hoảng sợ trước cảnh này, Thái Tử hỏi vị quản xa:
- Ông già ấy là người nào?
Và được biết đó là người sắp mạng chung. Lòng Thái Tử vô cùng  xúc động vì nhận ra rằng một ngày kia bản thân của Ngài cũng sẽ già, Thái Tử liền trở về cung.
Ba cuộc du hành tiếp theo, Thái Tử thấy:
- Một người bệnh hoạn quằn quại;
- Một thây ma hôi thối và
- Một đạo sĩ ly dục nghiêm trang,
Tất cả những cảnh tượng kia đã làm cho tâm tư Thái tử dao động đến cực độ. Ngài càng nhận chân rằng tất cả những lạc thú, hạnh phúc mà mình đang thọ hưởng đều mang tính giả tạm vô thường. Cộng với lần tiếp chuyện cùng vị sa môn ung dung, mà thoáng hiện đằng sau con người này một con đường giải thoát, một cái gì thánh thiện, vì thế cuộc gặp gỡ cuối cùng này đã khiến thái tử ước mong trở thành một khất sĩ. Thế là trong lòng Thái tử Tất Đạt Đa quyết định thoát khỏi ngục vàng, tìm ra một lối thoát, một cuộc sống chân thật có ý nghĩa và cao đẹp hơn. Ngài cương đi tìm một con đường dẫn tới giác ngộ, vĩnh viễn khắc phục mọi nỗi khổ đau, bất hạnh của đời người và hướng đến sự an lạc. Giữa lúc ấy, có tin đưa đến khiến Thái Tử không vui:
- Công chúa Da Du Đà La vừa hạ sanh một hoàng nam.
Thái tử đã thốt lên rằng:
- Một trở ngại đã được sanh, một ràng buộc đã xảy ra.
Vì chữ ràhu có nghĩa là trở ngại, do câu nói này mà Vua Tịnh Phạn đã đặt tên cháu nội của mình là Ràhula tức là La Hầu La.
Sau nhiều ngày tháng suy tư, sau nhiều đêm trằn trọc không ngủ, và rồi với cõi lòng nặng trĩu vì thương chúng sanh chìm đắm trong bể khổ. Thế là vào một đêm, sau buổi yến tiệc linh đình, Thái Tử đã lặng lẽ đến trước phòng nhìn lần chót người vợ và hài nhi yêu dấu đang say sưa trong giấc ngủ, sau đó Ngài cùng người giữ ngựa là Xa Nặc dắt con ngựa Kiền Trắc vượt thành ra đi. Ánh sao khuya dẫn lối đưa đường, làn gió lạnh đẩy lùi tất cả lại sau lưng, trong đó kể cả:
- Tình yêu thương phụ hoàng, di mẫu,
- Vợ đẹp, con ngoan rất nồng nàn,
- Hoàng cung tráng lệ .....
Nhưng trong lòng Thái tử giờ đây chỉ có một tình thương yêu duy nhất đó là nhân loại đang chịu mọi nỗi bất hạnh, và tình thương nầy lại còn da diết vượt trội hơn tình thương yêu của gia đình gấp trăm ngàn lần.
Ra đi, Ngài từ bỏ tất cả những người thân yêu, ngôi báu, vương quyền, cả cuộc sống nhung lụa tràn đầy hạnh phúc. Cuộc ra đi của Thái Tử Đạt Đa sau nầy được lịch sử của nhân loại ghi lại:
- Ðây không phải là sự hy sinh từ bỏ của một người già, người đau ốm, người nghèo, người tật bệnh, người bất đắc chí, người ngán ngẩm cuộc đời, người mang căm hờn oán giận... mà là sự hy sinh từ bỏ của một hoàng tử đang tuổi thanh xuân, đang sống trong quyền quý giàu sang, chứa chan hạnh phúc.
Quả thật đó là một sự từ bỏ, một hy sinh vĩ đại có một không hai trong lịch sử loài người. Một sự ra đi không tiền khoáng hậu. Năm tháng đó. Theo Nam truyền Phật giáo, Thái Tử lúc đó vừa tròn 19 tuổi, và theo Bắc truyền lúc đó Thái tử vừa tròn 29 tuổi.
Ði qua lãnh thổ của ba quốc vương, Thái Tử Tất Đạt Đa đến dòng sông Anoma cùng đêm ấy, và sang bờ kia, Thái Tử dừng lại, cạo bỏ râu tóc, trao y phục và đồ trang sức cho người hầu cận Xa Nặc và bảo người nô bộc trung thành ra về tạ lỗi cùng phụ hoàng:
            Thôi Sa Nặc hãy dừng chân tuấn mã
Vì nơi đây đã xa chốn kinh thành
Non ngàn, nước biếc, thông xanh
Chim kêu vượn hú phủ quanh bốn bề.
 
Thật thanh tịnh đây không còn trần tục
Gót siêu nhiên không vướng bận sự đời
Không còn thấy cảnh đầy vơi
Kiếp người sầu muộn cảnh đời khổ đau.
 
Ta sẽ nguyện học tu hành chánh giác
Cứu muôn loài thoát khỏi cảnh lầm mê
Cùng nhau tu đạo Bồ Ðề
Con đường thanh tịnh đi về cõi không.
 
Vì lẽ đó con hãy đem mái tóc
Cùng áo quần kiếp vương giả ngày xưa
Về dâng thân phụ rồi thưa
Bây giờ Tất Ðạt sớm trưa tu hành.
 
Sa Nặc con nhớ tâu cùng Vương phụ
Hãy quên ta vui với tháng ngày
Còn ta dứt khoát từ đây
Một mình một bóng am mây tu hành.
 
Sa Nặc con đừng đem lòng lưu luyến
Khóc thương gì khi ta quyết chia ly
Giả từ kiếp sống hữu vi
Ði tìm chân lý cứu nguy muôn loài.
 
Ngày nào đó đạo mầu ta đạt được
Ta sẽ về thăm cảnh cũ thành xưa
Giảng bày chân lý Ðại Thừa
Cứu độ nhân thế vui ưa Niết Bàn.
Còn lại một mình, Thái Tử ra đi với bộ áo màu vàng giản dị của người tu sĩ, sống cuộc sống không nhà của người xuất gia, ly dục ly trần, không nơi cố định. Lúc bấy giờ một cây cao bóng mát, hoặc một hang đá vắng vẻ, một cánh rừng u tịch, một làng mạc đìu hiu đều có thể là nơi che mưa đỡ nắng, nghỉ qua đêm của Thái Tử. Ngài đi trong nắng cháy, đi trong sương gió lạnh lùng, xiêm y từ tốn chỉ là những mảnh vụn ráp lại, tài sản duy nhất chỉ là một bình bát để khất thực độ nhật. Thái Tử Tất Đạt Đa đã dành hết thời gian cho sự tầm cầu thiền định hầu tìm ra sự thật tối hậu của kiếp người.
Lúc bấy giờ, có nhiều trí thức lỗi lạc xuất gia trở thành những đạo sư tâm linh danh tiếng, quy phục được nhiều đồ đệ. Thái tử Tất Đạt Đa trên đường đi tầm đạo cũng đã tới thụ giáo với hai vị đạo sư được tôn kính nhất thời đó là ông: Alara Kalama và Uất Ðầu Lam Phất, và chỉ trong một thời gian ngắn, Thái Tử ngộ Vô Sở Hữu Xứ Định mà Alara Kalama đã chứng và đạt định Phi Phi Tưởng Xứ Định mà Uất Đầu Lam Phất đã đạt. Mặc dầu đã đạt được như vậy, nhưng vẫn còn trong vòng sanh tử, cho nên Ngài lại ra đi, bỏ lại sau lưng lời yêu cầu ở lại cùng giáo hóa đồ đệ của hai vị đạo sĩ danh tiếng trên. Và thế là không còn ai để Ngài theo học đạo nữa.
Thời ấy, Ấn Ðộ còn có truyền thống và tin tưởng rằng, người nào muốn cầu đạo giải thoát đều phải nỗ lực và kiên trì tu khổ hạnh thì sẽ đạt được. Thế là Thái Tử liền tìm đến rừng Khổ Hạnh, và cùng với năm anh em ông: Kiều Trần Như, Bạt Ðề, Ðề Bà, Ma Ha Nam và Ác Bệ. Nơi rừng Khổ Hạnh Ngài bắt đầu một cuộc tu mới, khổ hạnh kéo dài đến 6 năm và dẫn đến kết quả là thân thể của Ngài gầy đi như một bộ xương khô, đôi mắt sâu hoắm, không còn đi đứng được nữa.
Ngài đã trải qua những cảm giác nhức nhối, đau đớn tột cùng của thân thể. Một hôm Ngài kiệt sức, nằm ngã liệt trên cỏ, và được một thiếu nữ chăn cừu tên là Su Dà Ta đến tặng cho Ngài một bát sửa. Sau khi được đổ sửa nhờ thế mà Ngài tỉnh lại. Từ đó Ngài nhận thấy nếu muốn có kết quả, cần phải bồi dưỡng thân thể cho được mạnh khỏe, chứ không thể bỏ quên nó đi được. Sau đó Ngài xuống tắm ở dòng sông Ni Liên Thiền. Tương truyền rằng lúc xuống tắm, Ngài đã thả bát mà Ngài mới vừa dùng sửa, và khấn rằng:
- Nếu ta tìm ra đạo thì sao cho bát sửa nầy trôi ngược dòng sông, bằng không thì cứ thuận theo dòng mà trôi đi.
            Và rồi bát sửa trôi ngược dòng sông. Đây là hiện tượng của sự thành tựu, cho nên tinh thần Ngài trở nên phấn chấn, và miệt mài thực tập theo lộ trình mới. Trong khi đó năm người bạn đồng tu cho rằng Ngài đã thối chí, quay về cuộc sống dục lạc tiện nghi, vì thế mà họ bèn rời bỏ Ngài và đi đến Isipatana gần thành phố Ba La Nại. Còn lại một mình, qua cuộc thực nghiệm đầu tiên theo khuynh hướng mới, Ngài thấy rằng chân lý tối hậu của sự giải thoát an lạc, diệt trừ khổ đau không thể cầu ở bên ngoài, hay ở bất kỳ một bậc đạo sư nào, cũng không phải qua pháp môn hành xác, mà sự chứng ngộ ấy cần phải được thể hiện ở chính trong nội tâm của mỗi người và không thể dựa vào một tha lực nào khác. Do vậy khi thấy mình đủ sức khỏe để chiến đấu trong trận cuối cùng với bóng tối si mê và dục vọng, và đem lại ánh sáng giác ngộ, cho nên Ngài đến ngồi dưới gốc cây Tất Bát La, sau này khi Ngài giác ngộ, người đời sau gọi là cây bồ đề và thề rằng:
- Nếu ta không thành đạo thì dù thịt nát sương tan, ta cũng quyết không rời khỏi chổ này.
Và với tâm định tĩnh, chánh niệm, tỉnh giác, ly dục, Ngài đi vào sơ thiền. Đây là cảnh giới thiền mà lúc thời niên thiếu, trong buổi lễ hạ điền, Ngài cũng đã một lần vào thiền này. Rồi nhị thiền, tam thiền, và lần lượt nhập lên tứ thiền, sau đó hướng tâm đến tam minh. Với trực  giác nhạy bén, Ngài thấy rõ nguyên nhân của khổ đau. Chính sự tập khởi của 12 nhân duyên là tập khởi của toàn bộ khổ uẩn. Cuối cùng Ngài đắc đạo:
- Vào canh một, Ngài chứng Túc Mạng minh, thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của mình.
- Sang canh hai, Ngài chứng Thiên Nhãn Minh, thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của chúng sanh với các nghiệp nhân và nghiệp quả, thấy rõ con đường thọ nghiệp của chúng sanh.
- Qua canh ba, Ngài như thật quán chiếu thấy khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, sự đoạn tận của khổ đau, và con đường đưa đến đoạn tận khổ đau, và đã chứng Lậu Tận Minh.
- Sau cùng, Ngài chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, là vị Phật đầu tiên trong hiện kiếp, lúc ấy sao Mai vừa mọc, và danh hiệu Ðức Phật Gotama, Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni được thế gian tôn xưng từ đó.
Nhìn chung chúng ta thấy Đức Phật thị hiện nơi cuộc đời này nhằm mục đích xua tan cái bóng tối của vô minh và chỉ cho nhân loại con đường đi đến sự đoạn tận của khổ đau. Đức Phật là sự hiện thân của tất cả những gì được coi là cao quý hoàn mỹ nhất trên cuộc đời nầy. Trong suốt 49 năm hoằng pháp lợi sanh, Ngài thực hiện thành công sứ mệnh, và để lại nguồn giáo lý nhân bản quan trọng cho nhân thế, Ngài đã chuyển dịch tất cả những ngôn từ, lời nói của Ngài thành những hành động cụ thể thiết thực. Không có lúc nào mà Ngài không chỉ ra sự yếu đuối và nỗi đam mê thấp hèn của con người. Giới hạnh của đức Phật là tấm gương hoàn hảo nhất mà thế gian đã từng chứng kiến. Ngày nay, hàng triệu triệu con người đã tìm thấy nguồn cảm hứng và sự khuây khoả nơi giáo lý của Ngài. Sự từ bỏ cuộc sống hạn hẹp của gia đình, để hướng đời mình về chúng sanh vạn lọai đã là tấm gương vĩ đại, và đức hạnh của Ngài vẫn còn toả sáng mãi cho đến ngày nay, giống như mặt trời chói sáng rực rỡ trên trần gian nầy. Giáo pháp của Ngài vẫn vẫy tay mời gọi phái đoàn người hành hương mệt lã đến nơi an toàn và cảnh giới an lạc nhất của Niết Bàn. Không có một nhân vật nào ngoài Ngài, đã hy sinh quá nhiều những thú vui vật chất của mình vì nỗi khổ đau của nhân loại.
Nếu có lúc sự ra đời của Ngài vì một đại sự nhân duyên, sự ra đi tìm đạo của Ngài là một sự từ bỏ có một không hai, thì ngày thành tựu đạo quả là một kỳ công viên mãn. Cho nên chúng ta không bở ngở khi thấy nhân lọai ai ai cũng công nhận Ngài là bậc đạo sư đầu tiên trong lịch sử nhân loại, và cũng là người đầu tiên mang thông điệp Nhân Quyền đến với con người. Ngài đã trực tiếp hoặc tiếp khiển trách và chống lại nghi thức tế lễ, dâng hiến động vật cho quỷ thần, và đồng thời kêu gọi nhân loại không nên làm hại các loài sinh vật khác. Đối với đức Phật, tôn giáo không phải là một sự giao kèo như mua bán mà là một con đường đưa đến sự thực tập hoàn chỉnh tư cách của mỗi cá nhân và giác ngộ. Ngài không muốn các đệ tử Ngài tin một cách mù quáng mà Ngài muốn họ hãy suy nghĩ một cách tự do và có tuệ giác, cho nên Ngài thường dạy:
- Đến để mà nghe, chứ không phải đến để mà tin.
Toàn thể nhân loại trên thế gian này được ban phước bằng sự hiện hữu của Ngài. Chưa bao giờ đức Phật bày tỏ thái độ không thân thiện đối với một ai, ngay cả đối với những người được coi là địch thủ và kẻ thù xấu xa nhất của Ngài, Ngài cũng không bày tỏ thái độ thù ghét đối với họ. Có một vài người mang đầu óc thành kiến muốn chống đối lại Ngài và tìm mọi cách giết hại Ngài, nhưng đức Phật không bao giờ đối xử với họ như là kẻ thù.
Trong lịch sử thế giới, chưa có một nhân vật nào có thể được công nhận là đã tự hiến dâng quá nhiều cho những lợi ích của chúng sanh như đức Phật đã làm. Ngay từ giây phút giác ngộ cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn luôn phấn đấu không biết mệt mỏi để nâng cao địa vị con người, Ngài chỉ dành chút ít thời giờ cho việc ngủ nghỉ của mình. Ngày nay mặc dù bậc đạo sư vĩ đại này đã nhập diệt, tuy nhiên thông điệp về tình thương và trí tuệ của Ngài vẫn còn hiện hữu trong lòng mọi người. Thông điệp này vẫn có ảnh hưởng quan trọng đối với vận mệnh của nhân loại. Ngài là bậc thầy từ bi nhất đã làm toả sáng thế gian chúng ta ngày nay bằng tình thương và lòng nhân từ.
Đức Phật thị hiện nơi cõi đời này nhằm mục đích xua tan đi cái bóng tối của vô minh, đồng thời chỉ cho nhân loại cách chấm dứt khổ đau và tất cả những nỗi lo lắng, khổ sở của kiếp sống nhân sinh. Trong khi đó theo một số tôn giáo, cho rằng những vị thần linh thỉnh thoảng sẽ xuất hiện trên cõi đời này để tiêu diệt những con người ác độc và che chở cho những con người lương thiện. Ngược lại, đức Phật không thị hiện trên cõi đời này để tiêu diệt những kẻ ác mà là để chỉ cho họ con đường đúng đắn để họ có cơ hội quay đầu về nẻo giác. Trong lịch sử thế giới mãi cho đến thời kỳ đức Phật, chúng ta chưa từng nghe bất cứ một vị đạo sư nào có tấm lòng chan chứa tình yêu thương và nỗi cảm thông đối với những nỗi khổ đau của nhân loại như đức Phật.
Quả thật như vậy, tư cách và nguồn giáo lý nhân bản của Đức Phật xuất phát từ kinh nghiệm tu chứng tự thân ngài, một loại kinh nghiệm khác với các loại kinh nghiệm thông thường như mọi người đã từng thấy biết. Cho nên nếu đem so sánh nhân cách của Ngài với những bậc vĩ nhân khác, hoặc muốn hiểu một cách chính xác về Đức Phật là điều hơi khó, mà theo như trong kinh có nói:
- Chỉ có Phật với Phật mới hiểu được nhau.
Chính vì không hiểu, cho nên thời Đức Phật còn tại thế, những kẻ chống đối ngài thường lên tiếng chỉ trích, vu khống ngài với những lời lẽ tầm thường hay những luận điệu triết học, như nói ngài còn ham muốn danh vọng, ngài là người chủ trương phá hoại sự sống, chê ngài không có khả năng đặc biệt của các bậc thánh, cho ngài là một Sa Môn xử dụng huyễn thuật .. v.. v.. Bên cạnh những chỉ trích, cũng có những lời lẽ ca ngợi tán dương cũng rất phong phú. Những người trí thức của xã hội thường ca ngợi ngài rằng:
- Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối.
Trong thế gian khen chê là chuyện thường, tuy nhiên dù Ngài bị chỉ trích hay được ca ngợi, ngài vẫn an nhiên tự tại, không giao động, không bất mãn, không hoan hỷ.
Ngài thường được mọi người gọi là bậc đạo sư hay vị lương y, vì ngài đã chỉ cho mọi người con đường giải thoát và ngài chữa trị bịnh khổ cho nhân loại. Tuy nhiên trong tinh thần truyền đạo và hướng dẫn Đức Phật đã khuyến khích mọi người:
- Tất cả những bậc siêu nhân, anh hùng đã chinh phục mọi ô nhiễm của mình đều giống Như Lai. Như Lai đã chinh phục, tận diệt tất cả những gì xấu xa tội lỗi, cho nên Như Lai là bậc giải thoát.
Đức Phật xác định rất rõ, ngài là người đã chinh phục mọi ô nhiễm, do vậy, ngài là người cao thượng nhất trên đời. Đây là lời tuyên bố đầu tiên về giá trị cao thượng tuyệt đối của Phật đối với mọi loài chúng sanh, mà về sau lời tuyên bố nầy đã được khái quát hóa thành câu nói đặt biệt trong bối cảnh biểu tượng Đản sanh:
- Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn
Nghĩa là:
- Trên trời dưới trời chỉ có Như Lai là tối thượng.  
Cuộc đời hoằng hóa của ngài đã chứng tỏ những gì mà ngài đã tuyên bố như trên là sự thật. Tất cả những năng lực của Đức Phật đều xuất sinh từ Tuệ giác của Ngài, nghĩa là từ nội dung chứng ngộ Vô Thượng Chánh Đẳng Giác dưới cội Bồ đề. Con đường cứu độ nhân loại của đức Phật là dạy cho chúng ta cách làm thế nào để tìm được sự giải thoát, an lạc. Ngài không quan tâm đến việc làm dịu một vài trường hợp liên quan đến chứng bệnh về thân và tâm, nhưng Ngài quan tâm nhiều hơn với việc tiết lộ con đường mà tất cả mọi người có thể đi theo. Do vậy, nếu chúng ta đem tất cả những triết gia, tâm lý gia, khoa học gia, nhà duy lý, những nhà cải cách xã hội, những tư tưởng gia vĩ đại và những vị đạo sư của các tôn giáo khác, với một tinh thần không thiên vị, so sánh sự vĩ đại, đức hạnh, tinh thần phục vụ và trí tuệ của chư vị đối với đức hạnh, lòng từ bi và sự giác ngộ của đức Phật. Chúng ta có thể hiểu được địa vị của đức Phật đứng ở đâu trong số tất cả những bậc vĩ nhân này.
Hôm nay là ngày Phật Đản, nói về ý nghĩa ra đời của Bồ Tát Tất Đạt Đa có nghĩa là nói đến những khía cạnh tuyệt vời của Đức Phật. Bởi vì nhìn qua lịch sử xưa nay, những bậc anh hùng cái thế, lập nhiều chiến công hiển hách trên những chiến trường, thắng ngàn quân, trăm trận nhiều vô số kể, nhưng chưa có ai thắng được dục vọng của chính mình. Thắng người đã là một việc khó, thắng được chính mình lại là một việc làm khó hơn. Ðức Phật đã thắng cả ngoại ma lẫn nội ma, vượt qua tất cả dục vọng thấp hèn, Ngài thật xứng với danh xưng Ðại Hùng, Ðại Lực.
Ngài không vì quyền lợi riêng mà chiến đấu, cũng không vì tình thương yêu hạn hẹp ở cha mẹ, vợ con, bè bạn, quốc gia, lãnh thổ, mà vì lòng từ vô lượng đối với tất cả chúng sanh mà đi tìm con đường giải thoát cho mọi loài. Ngài xứng với danh hiệu Ðại Từ, Ðại Bi.
Vì tình thương yêu rộng lớn, không bỉ thử, không thân sơ, nhân ngã ấy, Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, uy quyền, lạc thú trần gian, cam chịu một cuộc đời sống trong kham khổ, đạm bạc thiếu thốn, giáo hóa đó đây, Ngài xứng với danh xưng Ðại Hỷ, Ðại Xả.
Ðọc vài trang sử tóm gọn về cuộc đời của một đạo sư, một bậc thầy cao cả đáng tôn đáng kính của nhân loại, để hiểu về Ngài thì chẳng khác nào như con muỗi hút nước ở đại dương. Nhưng từ những nét đại cương, khái lược về cuộc đời của Ðức Phật cũng đủ làm cho chúng ta suy gẫm ý nghĩa sâu sắc và đúng đắn mà nhân loại đã tôn xưng Ngài là bậc Ðại Hùng, Ðại Lực, Ðại Từ, Ðại Bi, Ðại Hỷ, Ðại Xả.
Cuộc đời của Ðức Phật là cả một bài thuyết pháp hùng hồn trác tuyệt, dù cho có dùng hàng vạn ngôn từ mỹ dụ cũng không thể nào diễn đạt cho hết ý nghĩa thiêng liêng. Ðời sống của Ngài là một biểu hiện sống động cho giáo lý của Ngài. Ngài nói và thực hành với kết quả mỹ mãn, tương ứng với những gì Ngài thuyết giảng. Ðời sống Ðức Ðiều Ngự là cả một bằng chứng hiển nhiên cho nguồn giáo pháp nhân bản vượt thời gian, không gian, hiện tại lạc trú của Ngài. Ðó không phải là những tín điều mặc khải, càng không phải là những lời dạy suông, những ý niệm hoang tưởng, những lý thuyết xây dựng trên mây, trên khói. Lịch sử của Ðức Phật là lịch sử của một con người, nhờ tu tập bản thân, đã trở thành một con người hoàn thiện, một bậc thánh giữa thế gian.
Bằng cuộc đời của Ngài, bằng những lời dạy của Ngài được kết tập lại trong ba tạng kinh điển, Ðức Phật đã khai thị cho loài người biết rằng, bất cứ một người nào, với sự nỗ lực của bản thân, đều có thể vươn lên đỉnh cao của giác ngộ và giải thoát. Có thể nói, không một tôn giáo nào, không một hệ thống tư tưởng nào đề cao con người và đặt niềm tin vào con người như là đạo Phật. Tính nhân bản tuyệt vời của đạo Phật chính là chỗ đó.
Tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành, gột rửa nội tâm để trở thành một bậc thánh, một con người hoàn thiện về đức hạnh và trí tuệ, mỗi con người chúng ta đều có khả năng và bổn phận thực hành bức thông điệp đó, bức thông điệp bất hủ mà Ðức Phật đã trao cho loài người, và cũng chính là cho mỗi người chúng ta.
Hôm nay trong ý niệm nhớ tưởng về ngày đản sanh của đức đạo sư, chúng tôi xin có đôi lời nói về sự: Vĩ đại, thanh tịnh, và sự chứng ngộ của Đức Phật là để bày tỏ lòng kính ngưỡng của người con Phật, và để tri ân người đã khai sinh ra con đường giải thoát cho nhân loại. Với những ngôn từ hữu hạn giữa cuộc đời đầy ô nhiễm, con người không thể ca ngợi hết được sự vĩ đại của Đức Phật.
Nói tóm lại nếu có lúc sự ra đời của Ngài, hay sự xuất hiện của Ðức Thích Ca Mâu Ni trong trần thế là cả một vinh hiển lớn cho con người và xã hội, thì ngày xuất gia của Ngài, và thành đạo là kết tinh của muôn ngàn hương hoa Bi, Trí, Dũng, là hiện thân của chân lý giải thoát, là điềm lành cho hết thảy chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới. Nếu cuộc đời không đau khổ tối tăm, Ðức Phật đã không xuất hiện ở trên đời nầy. Ngài ra đời vì một mục đích trọng đại là chỉ bày cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến của chính mình. Hay nói khác hơn:
- Vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người mà Ðức Thế Tôn đã đến cõi đời nầy.
Tài Liệu Tham Khảo:
- Phật Học Phổ Thông
- Ðường Xưa Mây Trắng
- Căn Bản Phật Lý
- Nẻo Vào Thiền Học
- Phật Giáo Dưới Mắt Các Nhà Tri Thức. 
-- o0o --