-
Phật A Di Đà
-
Bạch Y Thư Sinh
-
--o0o--
-
-
Ðức Phật A Di Ðà là vị Phật có công đức rất lớn và hạnh nguyện
rất quảng đại. Chúng ta biết được Đức Phật A Di Đà là nhờ Đức
Phật Thích Ca vì muốn cho chúng sanh cõi nầy vượt khỏi kiếp
lầm than của những cái khổ, sanh, già, bệnh, chết, cho nên đức
Bổn Sư Thích Ca nói rõ nhân địa hạnh nguyện của Phật A Di Ðà
và khai thị pháp môn Tịnh độ, là pháp môn từ thượng lưu trí
thức đến hạng dân thường, nếu ai chuyên tu, cũng đều được vãng
sanh như ý muốn.
-
A Di Ðà là dịch âm chữ Amita. tàu dịch nghĩa là Vô Lượng Thọ
và Vô Lượng Quang. Vô Lượng Thọ nghĩa là tuổi sống lâu không
có số lượng; Vô Lượng Quang, là Ngài có hào quang sáng suốt
không lường.
-
Công hạnh tu hành của đức Phật A Di Ðà ở kiếp trước rất nhiều
không thể tính đếm được, tuy nhiên xin được giới thiệu đại
lược đến đại chúng bốn kiếp như sau:
-
1- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ở phẩm Thí dụ, hóa thành có chép:
-
- Ðức Phật A Di Ðà, kiếp trước là con của đức Ðại Thông Trí
Thắng Như Lai. Ngài nhờ công đức thường giảng kinh Pháp Hoa
cho chúng sanh nghe, nên thành Phật hiệu là A Di Ðà, ở cõi Tây
Phương Cực Lạc.
-
2- Kinh Quán Phật Tam Muội Hải, chép:
-
- Ðời quá khứ Ngài làm Tỳ kheo, chăm lòng kính lễ, quán tưởng
tướng lông mày trắng của đức Phật Không Vương, nên được thọ ký
là Phật hiệu là A Di Ðà.
-
3- Kinh Bi Hoa, chép:
-
- Ðời quá khứ hằng hà sa kiếp trước, Ngài là vua Chuyển Luân
tên là Vô Tránh Niệm. Ngài có một quan Ðại Thần tên là Bảo
Hải, rất giàu lòng tín ngưỡng. Một hôm vua nghe đức Phật Bảo
Tạng đến thuyết pháp tại vườn Diêm Phù ở gần bên thành, Ngài
với quan Ðại thần Bảo Hải liền đến nghe và rất hài lòng. Vua
phát tâm thỉnh Phật và đại chúng vào vương cung cúng dường ba
tháng để cầu phúc báu.
-
Ðức Phật khuyên vua nên phát Bồ đề tâm cầu đạo Vô thượng chánh
đẳng chánh giác.
-
Khi đó đức Phật Bảo Tạng liền phóng hào quang sáng ngời, soi
khắp cả thế giới của chư Phật mười phương, cho chúng hội đồng
thấy. Bảo Hải đại thần liền tâu với vua Vô Tránh Niệm:
-
- Nay Bệ hạ nhờ oai thần của Phật, được thấy các thế giới, vậy
Bệ hạ muốn cầu lấy thế giới nào?
-
Vua đảnh lễ Phật, quỳ gối chắp tay phát lời đại nguyện, cầu
xin sau khi tu hành thành Phật, quốc độ và nhân dân của Ngài,
đều được trang nghiêm thanh tịnh. Do nhơn duyên ấy, sau Ngài
thành Phật hiệu là A Di Ðà ở cõi Tây Phương Cực Lạc.
-
4- Phật Thích Ca nói:
-
- Ðời quá khứ lâu xa, cách hơn 10 kiếp, có một nước tên là
Diệu Hỷ, vua cha là Nguyệt Thượng Luân Vương, mẹ là Thù Thắng
Diệu Nhan. Vương hậu sanh ra ba người con: người con trưởng là
Nhựt Nguyệt Minh, người con thứ hai là Kiều Thi Ca, người con
thứ ba là Nhật Ðế Chúng. Khi ấy có đức Phật ra đời hiệu là Thế
Tự Tại Vương Như Lai. Kiều Thi Ca bỏ ngôi vinh quí theo Phật
Thế Tự Tại xuất gia, thụ Tỳ Kheo giới, Phật cho hiệu là Pháp
Tạng Tỳ kheo. Ngài Pháp Tạng đối trước Phật, phát 48 lời
nguyện rộng lớn, độ khắp tất cả mười phương chúng sanh; nếu có
một nguyện nào không viên mãn, thì Ngài thề không thành Phật.
Khi ấy chư thiên rải hoa, tán thán, quả đất rúng động, giữa
không trung có tiếng khen rằng:
-
- Pháp Tạng quyết định sẽ thành Phật hiệu là A Di Ðà.
-
Như thế, chúng ta biết rằng, đức Phật A Di Ðà tiền thân là
Thái Tử Kiều Thi Ca, bỏ ngôi sang, xuất gia tu chứng thành quả
Phật là A Di Ðà.
-
Nhờ phát nguyện mà Thái Tử Kiều Thi Ca được thành chánh quả.
Như vậy nguyện là lời hứa hẹn, sự ước ao, là chí nguyện, mong
muốn thực hiện những điều chân chính. Nguyện tương tự sức hút
của đá nam châm, là cánh buồm căng gió của chiếc thuyền, là
cái chong chóng của máy bay. Nguyện là động cơ thúc đẩy cho
con người tu hành mau đến mục đích, đó là giác ngộ.
-
Nguyện quan trọng như thế, cho nên muốn thành tựu đạo nghiệp
chúng ta phải lập nguyện cho vững bền, luôn luôn kiên tâm, trì
chí tu theo pháp môn niệm Phật này, ngày đêm chuyên niệm Phật
không ngớt, thiết tha mong cầu được sanh về cõi Tịnh độ của
Phật A Di Ðà. Ðể có một ý niệm về nguyện, chúng tôi xin trích
ra sau đây năm trong 48 lời nguyện của Phật A Di Ðà, khi còn
làm Pháp Tạng Tỳ-Kheo:
-
Nguyện Thứ Nhất:
-
- Lúc tôi thành Phật, nếu trong cõi nước tôi, có địa ngục, ngạ
quỷ, súc sanh, thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
-
Nguyện Thứ Hai:
-
- Lúc tôi thành Phật, nếu hàng nhơn thiên trong cõi nước tôi,
sau khi thọ chung, còn trở lại sa vào ba ác đạo, thời tôi
không ở ngôi Chánh giác.
-
Nguyện Thứ Mười Tám:
-
- Lúc tôi thành Phật, thập phương chúng sanh, chí tâm tín mộ,
muốn sanh về cõi nước tôi, nhẫn đến 10 niệm, nếu không được
sanh về nước Cực Lạc, thời tôi không ở ngôi chánh giác; trừ kẻ
tạo tội ngũ nghịch, cùng hủy báng Chánh pháp.
-
Nguyện Thứ Mười Chín:
-
- Lúc tôi thành Phật, mười phương chúng sanh phát bồ đề tâm,
tu các công đức, nguyện sanh về cõi nước tôi, đến lúc lâm
chung, nếu tôi không cùng đại chúng hiện thân trước người đó,
thời tôi không ở ngôi chánh giác.
-
Nguyện Thứ Hai Mươi:
-
- Lúc tôi thành Phật, mười phương chúng sanh nghe danh hiệu
tôi, chuyên nhớ cõi nước tôi, và tu các công đức, chí tâm hồi
hướng, muốn sanh về cõi nước tôi, nếu chẳng được toại nguyện,
thời tôi không ở ngôi Chánh giác.
-
Như chúng ta đã biết, Đức Phật A Di Đà là giáo chủ của nước
Tây Phương Cực Lạc là người khai sáng ra pháp môn Nhị Lực, và
lý tưởng của những ai chuyên niệm Phật A Di Đà đều hướng đến
mục đích là cầu sanh về Tây Phương Tịnh Độ của Ngài, tuy nhiên
Tịnh Độ không phải chỉ có một cõi, mà rất nhiều cõi. Ðứng về
phương diện phân tích, từ tế đến thô, chúng ta có thể chia làm
4 cõi Tịnh độ sau đây:
-
1- Thường Tịch Quang Tịnh Độ:
-
Đây là cảnh giới mà Pháp thân Phật an trụ.
-
- Thường là không thay đổi, không sanh diệt, tức là Pháp thân
Phật;
-
- Tịch là xa lìa các phiền não vọng nhiễm, tức là đức Giải
thoát của Phật;
-
- Quang là chiếu sáng khắp cả mười phương, tức là đức Bát Nhã
của Phật.
-
Như thế là cõi Tịnh độ này đủ cả ba đức quý báu của Phật là
Thường, Tịch và Quang, cho nên gọi là Thường Tịch Quang Tịnh
độ. Cảnh Tịnh độ này không có hình sắc mà chỉ là chơn tâm. Vì
bản thể chơn tâm, hay tánh viên giác thường vắng lặng, chiếu
soi và thanh tịnh, nên gọi là Thường Tịch Quang Tịnh Độ. Chư
Phật khi đã chứng được cảnh giới này rồi thì thân và độ không
hai, song vì căn cứ theo ba loại Tịnh Độ sau đây mà gọi là có
Thân, có Ðộ. Chứng đến chỗ này, nếu đứng về Thân thì gọi là
Pháp Thân, còn về độ, thì gọi là Thường Tịch Quang Tịnh Độ.
Kinh Tinh Danh, về lời sớ có chép:
-
- Tu nhơn hạnh về viên giáo, khi nhơn viên quả mãn, sẽ thành
bực Diệu Giác tức là Phật sẽ ở cõi Thường Tịch Quang Tịnh Độ.
-
2- Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ:
-
Hành giả trải qua ba số kiếp tích công lũy đức do phước báu tu
hành nhiều đời dồn chứa lại, làm trang nghiêm cảnh giới chơn
thật nên gọi là Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ. Cảnh giới Tịnh
độ này là chỗ ở của Báo Thân Phật. Kinh Quán Vô Lượng Thọ về
lời sớ có chép:
-
- Tu tập chơn thật, cảm đặng quả báo tốt đẹp, cho nên gọi là
Thật Báo Trang Nghiêm.
-
3- Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ:
-
Cảnh Tịnh độ này không phải là cứu cánh rốt ráo, mà chỉ là
phương tiện.
-
Ðây là cõi Tịnh độ của hàng Nhị thừa. Các vị này tuy đã dứt
được kiến hoặc và tư hoặc trong Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc
Giới, nhưng còn dư lại hai hoặc là: Vô Minh Hoặc và Trần Sa
Hoặc chưa trừ được, nên gọi là hữu dư. Ðã là hữu dư tức là
chưa phải hoàn toàn cứu cánh, nên gọi là cõi Tịnh độ này là
Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ.
-
4- Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ:
-
Ðây tức là cõi Tịnh độ của Ðức Phật A Di Đà ở Tây Phương. Ðã
gọi là Tịnh Độ, hay Cực Lạc, tuy nhiên có đủ các đức thanh
tịnh trang nghiêm, không có bốn ác thú. Nhưng đây vì Phật, Bồ
Tát và các vị thánh nhơn cùng sống chung với chúng sanh mới
vãng sanh, chưa chứng được quả thánh nên gọi là Phàm Thánh
Đồng Cư Tịnh Độ.
-
Muốn cho việc hành trì có hiệu quả, chúng ta cần hiểu rỏ
phương pháp tu hành. Vẫn biết rằng pháp môn niệm Phật là một
pháp môn rất giản dị, chỉ cần niệm Phật là đủ. Nhưng niệm Phật
cũng có nhiều cách, nhiều loại, mà chúng tôi xin dẫn một ít
phương phát sau đây:
-
1- Trì Danh Niệm Phật:
-
- Trong lối niệm Phật này, hành giả chỉ chuyên tâm trì niệm
danh hiệu của Phật A Di Ðà.
-
Mỗi ngày từ khi mới thức dậy cho đến lúc đi ngũ, hành giả phải
nhớ niệm luôn, không cho xen hở. Khi đi, khi đứng, khi nằm,
khi ngồi, khi ăn, trước khi ngủ, hành giả đừng bao giờ quên
niệm Phật. Ngoài ra muốn có hiệu quả hơn, chúng ta cần phải
xen phương pháp: Kinh hành niệm Phật. Mỗi khi niệm xong, chúng
ta đều hồi hướng cầu sanh Tịnh độ.
-
2- Tham Cứu Niệm Phật:
-
- Trong lối tu này, chúng ta phải tham khảo cứu xét suy nghiệm
câu niệm Phật.
-
Như khi niệm Nam Mô A Di Ðà Ðà Phật, chúng ta phải quán sát
câu niệm Phật này, từ đâu mà đến, đến rồi sẽ đi về đâu? Niệm
đây là niệm ai v.v..? Nhờ sự chuyên tâm chú ý tham khảo một
câu niệm Phật như thế, nên sóng vọng tưởng dần dần chìm lặng,
nước hiện tâm hiện bày, chúng ta được nhất tâm bất loạn, đến
khi lâm chung, sẽ được sanh về cảnh giới của Phật. Pháp niệm
Phật này giống như pháp tham cứu câu thoại đầu bên Thiền Tôn,
nên gọi là tham cứu niệm Phật.
-
3- Quán Tượng Niệm Phật:
-
- Trong lối tu này, chúng ta phải chăm chú quan sát hình tượng
của Phật. Chúng ta ngồi trước tượng Phật, chú tâm chiêm
ngưỡng, quan sát các tướng tốt mà liên tưởng các đức tánh của
Phật. Như khi chiêm ngưỡng đôi mắt Phật, thì liên tưởng tới
trí huệ của Phật; khi chiêm ngưỡng nụ cười hiền hòa của Phật,
thì liên tưởng đến đức tánh từ bi, hỷ xã của Phật. Nhờ quán
trí huệ của Phật mà tánh Si của chúng ta phai dần; nhờ quán từ
bi của Phật mà tánh Sân của chúng ta bớt dần... Hễ quán thêm
một đức tánh tốt của Phật, thì một tánh xấu của chúng ta được
bớt đi. Tánh của Ðức Phật như tia sáng mặt trời, tánh xấu của
chúng ta như vết mực; tia sáng mặt trời càng sáng nhiều và
càng chiếu rọi lâu ngày, thì vết mực càng phai nhanh.
-
Tóm lại, nhờ sự chú tâm quán các tướng tốt trên hình tượng của
Phật, mà các đức tánh như từ bi, hỷ xả, bình dẳng, lợi tha
được huân tập, thấm nhuần vào tâm chúng ta; lâu ngày, tâm
chúng ta sẽ thanh tịnh, lọc sạch những niệm ác độc và sẽ giống
tâm Phật, được vãng sanh về cõi Phật.
-
4- Quán Tưởng Niệm Phật:
-
- Trong lối tu này, chúng ta ngồi yên một chỗ, mặc dù không có
hình tượng Phật trước mặt, mà chúng ta quán tưởng như có Ðức
Phật A Di Ðà, cao lớn đứng trên hoa sen, phóng tỏa hào quang
như tấm lụa vàng, bao phủ cả thân hình mình. Chúng ta ngồi
ngay thẳng, hai tay chắp lại, cũng tưởng mình ngồi trên tòa
sen, được Phật tiếp dẫn. Chúng ta chuyên chú quán tưởng mãi
mãi như thế; đi, đứng, nằm, ngồi cũng không dừng nghĩ, cho đến
khi nào, mở mắt hay nhắm mắt cũng đều thấy Phật, tức là pháp
quán đã thuần thục. Khi lâm chung, chúng ta chắc chắn sẽ được
vãng sanh về Tịnh Độ.
-
Trong kinh Quán Phật Tam Muội chép rằng:
-
- Phật vì Phụ vương, nói pháp quán tưởng bạch hào ...
-
Quán tưởng bạch hào nghĩa là quán tưởng lông trắng có hào
quang sáng chiếu, giữa hai chân mày của Phật, như trăng thu
tròn đầy, trong suốt như ngọc lưu ly. Ðây là một phương pháp
quán tưởng niệm Phật.
-
5- Thật Tướng Niệm Phật:
-
- Thật tướng niệm Phật là niệm Phật đã đạt đến bản thể chơn
tâm. Chơn tâm không sanh diệt, không khứ lai, không hư không
giả, cho nên gọi là thật tướng.
-
Trong năm pháp niệm Phật trên này, thì bốn pháp trước đều
thuộc về sự, có niệm có tu; còn pháp thứ năm tức là Thật Tướng
Niệm Phật là thuộc về lý: Không còn niệm còn tu, không còn
năng sở, cao siêu hơn cả. Niệm Phật đến chỗ này mới hoàn toàn
rốt ráo. Nhưng, chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng:
-
- Nhờ có Sự, Lý mới hiển.
-
Trước hết phải tu bốn pháp niệm trên, cho đến khi thuần thục,
không còn thấy có mình là người niệm, Phật là vị bị niệm, chỉ
có một tâm yên lặng chiếu soi, không năng sở, bỉ thử .... Ðến
chỗ này, kinh Di Ðà gọi là được nhất tâm bất loạn. Kinh Tứ
Thập Nhi Chương chép:
-
- Niệm đến chỗ vô niệm, mới là chơn niệm.
-
Trong năm pháp niệm Phật trên đây, từ xưa đến nay, người tu
Tịnh Độ, thường lựa pháp môn trì danh, là một pháp môn dễ hạ
thủ công phu, cho dù chúng ta ở trình độ nào, chỗ nơi nào hay
lúc nào, cũng đều có thể tu được. Thật sự đây là một pháp môn
rất thù thắng, ngoài pháp môn Tịnh Độ nầy, không còn có pháp
môn nào thẳng tắt giản dị hơn. Tuy nhiên, nếu đứng trên quan
điểm các trường phái khác, thì pháp môn nầy thường bị chỉ
trích là chỉ tùy thuộc và tha lực mà không có tự lực. Tuy
nhiên, chúng ta phải biết rằng, con người lúc nào đứng trước
sức mạnh cuồng bạo của thiên nhiên, loài người tự cảm thấy
mình nhỏ nhoi yếu đuối, sợ bị tiêu diệt, nên mới phải thần
phục sức mạnh của tạo hóa và dựa vào tha lực để an tâm lập
mệnh. Đó là căn bản của bản năng sinh tồn mang nặng tính chất
ỷ lại và vô minh, cuồng si và vị kỷ. Nhưng mặt khác, trong con
người biết suy nghĩ, lại có sức mạnh tinh thần quật khởi, có ý
chí khát khao tự do muốn vươn lên để đòi hỏi, con người phải
ức chế dục vọng để tự cứu mình thoát khỏi sự chế ngự của thiên
nhiên, nhất là ngày nay khoa học đã tiếp tay giúp loài người
đoạt quyền tạo hóa trong mọi lĩnh vực, con người để cảm thấy
rằng mình đã nhiều cơ hội thoát khỏi sự chế ngự của thiên
nhiên. Giữa hai lập trường trái ngược đó là:
-
- Hoặc là ỷ lại vào tha lực, thường thường là một đấng thần
linh cao cả, ban phúc giáng họa cho con người, giao phó tính
mệnh của con người vào tay con tạo xoay vần, không còn tin ở
tài sức của mình nữa,
-
- Hoặc là chỉ dựa vào tự lực vùng lên với tinh thần dũng mãnh
để tự giải thoát, không cầu mong ở bất cứ ai.
-
- Còn một khuynh hướng thứ ba là dung hòa cả hai phái trên, đi
theo con đường Thần, Nhân hợp tác hay Tự, Tha đồng hiệp lực.
Trong Phật Giáo Đại thừa, vấn đề tha lực và tự lực đã từng
được nhiều Luận Sư bình luận, làm nổi bật hai khuynh hướng tư
tưởng khác nhau:
-
1- Một khuynh hướng thì thừa nhận chúng sinh nào cũng có Phật
tính, và khả năng thành Phật, do đó phải tìm cách phát huy
năng lực sẵn có của mình, đó là lập trường của Thiền tông với
chủ trương:
-
- Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật,
-
Quy tự lực vào một mối nhằm đạt tới Phật tính, chân tâm của
mình.
-
2- Một khuynh hướng thì tin rằng, các vị Bồ tát đã sẵn có lòng
từ bi và lập nguyện sâu dày cứu độ chúng sinh, nếu chưa độ tận
chúng sinh thoát khổ đau sinh tử, thì các Ngài quyết không
thành Phật, cho nên là tâm niệm chúng sanh, nếu chư Phật, chư
Bồ Tát đã sẳn lòng như vậy thì cứ nên cầu Phật cùng các Bồ tát
có thần lực hơn hẳn mình cứu giúp để cho mau được giải thoát,
đó là lập trường của Tịnh Độ tông và Chân Ngôn tông, quy về
nguyện lực của chư Phật và Thánh hiền.
-
Lập trường của Thiền tông là chỉ trông cậy vào chính mình,
khắc phục tự tâm để tiến tới giác ngộ, giải thoát. Tuy nhiên,
những người tu thiền phải là bậc thượng căn, hội đủ năm điều
kiện thiết yếu sau đây mới mong đạt tới Thánh quả:
-
a- Giữ giới trang nghiêm.
-
b- Căn cơ sắc bén.
-
c- Thông hiểu giáo lý và phân biệt rành rẽ chân vọng, chánh
tà.
-
d- Có ý chí cương quyết tiến tới mục đích đã định, không chịu
lui bước trước mọi chướng ngại trên đường tu.
-
e- Ngoài ra, còn phải nương cậy vào một bậc Thiền sư dẫn đạo
cho mình, tức là vẫn phải đi theo con đường Tự, tha đồng hiệp
lực.
-
Tuy phần lớn nhờ vào ý chí sắt đá của mình để quyết định công
phu tu tập, nhưng muốn chứng ngộ, thì thiền sinh phải tùy
thuộc vào một yếu tố then chốt gọi là:
-
- Thời tiết nhân duyên bất khả tư nghị
-
Nghĩa là dù chúng ta có nỗ lực tới đâu mà thời tiết nhân duyên
chưa tới thì vẫn chưa thể chứng ngộ được. Bởi vì sự chứng ngộ
là:
-
- Trạng thái bộc phát bất chợt,
-
Cũng như hòn than hồng phải được thổi hay quạt vào để cho sức
nóng của nó gia tăng tới mức độ cao nhất, mới mong bốc thành
ngọn lửa được. Sự bộc phát bất thần ấy tức là:
-
- Sự hốt nhiên khai ngộ
-
Là giây phút thần diệu, thiêng liêng xảy ra trong trường hợp
đặc biệt mà người tu coi là một sự kiện mặc nhiên khai ngộ,
siêu việt mọi suy tư, ngôn ngữ. Giây phút thần diệu thiêng
liêng ấy chỉ đến vào lúc chúng ta ở trong đại định hay quán
tưởng chín muồi và chỉ riêng người chứng ngộ ấy tự biết mà
thôi. Như trên đã nói, tuy sự hốt nhiên khai ngộ là kết quả
chủ yếu của công phu tu luyện bền gan lâu dài của chúng ta,
nhưng dù cho khắc phục, gian nan khổ luyện tới mức nào cũng
vẫn chưa đủ, mà còn phải đợi thời tiết nhân duyên bất khả tư
nghị kia tới với mình mới thành tựu được việc lớn hằng ước
mong. Bởi thế, cái thời tiết nhân duyên ấy đóng một vai trò
quan trọng đặc biệt trong sự thành công của thiền sinh. Cho
nên có câu nói:
-
- Hữu cầu tất ứng, hữu cảm tất thông
-
Thường được dùng đến, có nghĩa là chúng ta phải đợi tới lúc
thời tiết nhân duyên đến với mình. Và cũng có câu nói:
-
- Thôi trác đồng thời.
-
Nghĩa là:
-
- Tình trạng quả trứng khi sắp nở,
chim non
ở
trong quả trứng thôi thúc muôn thoát ra ngoài thì ngay lúc đó
chim mẹ phải mổ vào vỏ trứng, làm cho cái vỏ đó rạn nứt mới
giúp cho chú chim con phá được vỏ trứng vây bọc nó mà chui ra
ngoài.
-
Cảnh chứng ngộ của Thiền sinh cũng vậy, phải do nỗ lực song
phương của chúng ta phối hợp với tha lực và thời tiết nhân
duyên, trong ngoài nhất trí mới mong đạt tới giây phút thiêng
liêng của sự đại ngộ. Như vậy thì tự lực vẫn cần phải có tha
lực, nhưng ở vào mức độ có giới hạn, không ỷ lại quá đáng vào
tha lực mà thôi.
-
Xét về chủ nghĩa tha lực, nghĩa là không tin ở tài sức của
mình mà chỉ trông cậy vào sự giúp đỡ của một thế lực ngoại
lai, thường là một đấng thiêng liêng nào đó, nhưng nếu không
diệt được tự ngã, tức là không từ khước được ý chí tự kỷ một
cách triệt để, thì không thể hướng vào tuyệt đối được. Điều
nầy cũng ví như người đi biển gặp nạn đắm thuyền, cố bám vào
một mảnh ván trôi lênh đênh giữa bể khơi trong cơn giông tố để
tìm sự sống. Nghĩa là ở trong cảnh tuyệt vọng tột đỉnh chờ
chết, không còn tin vào sức mình để được cứu thoát nữa, nếu
không thiết tha mong cầu thần lực của những thế lực siêu nhiên
thì khó lòng thoát khỏi thủy tai.
-
Muốn được cứu thoát, tất phải nỗ lực xả kỷ và tinh tấn cầu
nguyện lực của Phật để được giải thoát mà không tinh tấn diệt
trừ vọng niệm, cùng những nết xấu tật hư, thì niệm Phật chỉ là
niệm Phật suông mà thôi, trong khi vẫn cứ buông thả cho lục
dục, thất tình của mình làm càn thì tất nhiên không thể đạt
được nguyện vọng. Cũng ví như người sắp chết đuối, chỉ vịn cái
phao để bám vào, nếu không biết giữ gìn cái phao cho tốt, lại
còn phạm lỗi hủy hoại cái phao đó thì tha lực cũng khó lòng
cứu nổi.
-
Trong hai quan niệm tự lực và tha lực, cuối cùng, chúng ta có
thể đi đến kết luận rằng:
-
- Tự lực vẫn phải nhờ vào tha lực, và trong tha lực vẫn có tự
lực hàm chứa.
-
Như vậy, tha lực với tự lực chẳng qua chỉ là sự không đồng
trên mặt danh từ mà thôi, chứ thực chất thì không có sự tách
biệt gì trong vấn đề đó cả. Trong tự có tha, trong tha có tự,
vì vậy chúng ta không nên câu nệ danh từ để tách biệt tự lực
và tha lực.
-
Pháp môn niệm Phật trên cả hai đường lối: Sự trì danh và Lý
trì danh hiệu Phật A Di Đà, đều đòi hỏi chúng ta phải có sự nỗ
lực quyết tâm vượt bậc và vững tin ở tài sức của mình và cũng
tin cậy vào cả nguyện lực của chư Phật gia hộ nữa. Có tự lực
dũng mãnh lại thêm được tha lực gia hộ thì tự lực ấy càng vững
mạnh, tăng lên gấp bội và trở thành một sức mạnh vô biên. Như
vậy thì bất luận dựa vào tha lực hay tự lực, danh từ tuy khác
nhau, nhưng tất cả đều đưa tới kết quả là diệt trừ được phiền
não, nhiễm ô, được giác ngộ, giải thoát và chung cuộc, nếu dựa
vào tha lực lấy việc niệm danh hiệu Phật làm nhân, sẽ được hái
quả vãng sinh Tịnh độ, nghĩa có Định thì có Tuệ, do đó mới nói
rằng:
-
- Vãng sinh Tịnh Ðộ tức là thành Phật hay trở
về với chân tâm, Phật tính của mình.
-
Như vậy tu tịnh độ không cần phải kiến tánh, chỉ chuyên lấy
niệm Phật làm chánh hạnh và lấy bố thí, cúng dường trai tăng,
tu các công đức phước điền làm trợ nhân trang nghiêm, thì cõi
nước Phật trong tâm khi mà chúng ta niệm Phật. Tuy nhiên việc
phát nguyện vãng sanh, nhưng chúng ta cũng cần phải biết việc
trước tiên là phải chặt đứt cội gốc sanh tử mới có hiệu quả.
Cội gốc sanh tử tức là sự tham lam, hưởng thụ vật chất thế
gian, tất cả đều là gốc khổ và mọi thứ tâm ấy chấp trước giận
hờn, cùng các thứ giáo pháp do tà ma ngoại đạo hướng dẫn, đều
phải tự mình loại bỏ cho hết, chỉ tin một pháp môn Niệm Phật,
tâm không lúc nào quên danh hiệu Phật. Vì Phật là Giác, nếu
niệm Phật không quên Phật, tức là niệm niệm minh giác, do đó
nếu tâm chúng ta quên Phật là Bất Giác.
-
Nếu niệm Phật đến trong mộng cũng niệm tức là thường giác
không mê muội. Hiện tại nếu tâm nầy không mê muội thì lúc lâm
chung, tâm nầy cũng không mê muội, ngay chỗ tâm nầy không mê
muội tức là có kết quả. Do vậy, nếu công việc bận rộn không
thể tham thiền, thì chúng ta có niệm Phật là tốt nhất, vì niệm
Phật bất kể rỗi rảnh, bận rộn, chỗ nào cũng niệm được, chỉ cần
một lòng không quên là được. Như vậy không còn có pháp nào hay
hơn pháp môn nầy.
-
Hơn nữa, tham thiền cần phải lìa tưởng, trong khi đó thì niệm
Phật lại chú trọng vào chuyên tưởng, vì chúng sanh từ lâu nay
chìm trong vọng tưởng, cho nên pháp môn nầy lấy độc trị độc,
là pháp hoán chuyển tư duy của con người. Cho nên có người đã
từng nói:
-
- Thâm cứu khó ngộ, niệm Phật dễ thành.
-
Nếu tâm thiết tha muốn giải quyết xong việc lớn sanh tử, đem
tâm tham cứu đổi thành tâm niệm Phật, thì chắc chắn một đời sẽ
liễu thoát sanh tử.
-
Trong chiều hướng nầy, chúng ta phải hiểu rằng, niệm Phật và
tham thiền tuy hai nhưng mà là một, bởi vì ngay lúc niệm Phật,
trước tiên chúng ta cũng phải buông bỏ hết thảy các thứ vọng
niệm, tạp loạn phiền não, tham, sân, si, buông bỏ đến chỗ
không còn gì để buông bỏ, chỉ để khởi một câu A Di Đà Phật, rõ
rành phân minh trong tâm không gián đoạn như sợi chỉ xỏ xâu
chuỗi. Dụng công như thế, bất cứ cảnh riêng nào, cũng không bị
lôi kéo đánh mất, hàng ngày như vậy trong cảnh náo động không
tạp, không loạn, thức ngủ như một, dụng tâm như thế, niệm đến
lúc mạng chung, nhất tâm bất loạn, đó là thời tiết Siêu Sanh
Tịnh Độ.
-
Nếu tâm tha thiết vì việc sanh tử niệm niệm như cứu lửa cháy
đầu, chỉ e một phen mất thân người muôn kiếp khó được lại, cần
phải gắn chặt lấy một câu danh hiệu Phật nầy, nhất định phải
chiến thắng vọng tưởng, bất cứ chỗ nào cũng niệm niệm hiện
tiền, không vì vọng tưởng ngăn che. Hạ thủ công phu thiết tha
như thế, lâu ngày thuần thục tự nhiên không cầu giải thoát
cũng tự giải thoát.
-
Nếu gặp lúc tâm bất an do các cảnh giới nghịch thuận phiền não
buồn vui quấy nhiễu, chỉ cần đề khởi một câu niệm Phật nầy lập
tức thấy phiền não tiêu diệt. Vì niệm phiền não là gốc khổ
sanh tử, nay dùng niệm Phật tiêu diệt phiền não, ấy là Phật độ
chỗ khổ sanh tử. Nếu niệm Phật tan được phiền não thì có thể
thoát sanh tử. Nếu niệm Phật đến trình độ làm chủ được trên
phiền não, thì ở trong mộng làm được chủ. Nếu ở trong mộng làm
được chủ, ở trong lúc bệnh khổ làm được chủ thì lúc lâm chung
rõ ràng biết được chỗ đi. Việc nầy không khó làm, chỉ cần một
niệm tâm tha thiết vì sanh tử, nắm chặt một câu Phật không còn
nghĩ ngợi gì khác, lâu ngày thuần thục, tự nhiên được đại an
lạc, cái vui ngũ dục thế gian không thể sánh được.
-
Nói tóm lại, Ðức Phật A Di Ðà vì thương chúng sanh mà Ngài
khai mở pháp môn Tịnh Ðộ, để tiếp độ hàng sơ cơ vào đạo bằng
phương tiện niệm Phật. Việc niệm Phật, thiền tọa và kinh hành,
tuy là chúng ta không mong cầu sự lợi lạc, nhưng lợi lạc sẽ tự
đến. Sự lợi ích của pháp niệm Phật, thiền tọa và thiền Hành
thật vô lượng vô biên, nhưng tựu trung có thể chia làm hai
phần: lợi ích về Sự và lợi ích về Lý.
-
1- Lợi ích về Sự:
-
a- Niệm Phật, thiền tọa và thiền hành sẽ trừ được các phiền
não.
-
Những người gặp các cảnh khổ, như tử biệt sanh ly, nhà tan cửa
mất, tai nạn bất thường .. v... v .. Do vì các nguyên nhân đó
mà sanh các phiền não, nếu biết chí tâm niệm Phật, thì các
phiền não khổ đau dần dần tiêu tan. Bởi Vì tâm của chúng ta
cũng như dòng nước luôn luôn tuôn chảy. Nếu chúng ta pha vào
những chất cáu bẩn, thì nước trở thành đục bẩn, nếu chúng ta
pha vào những chất thơm tho, thì nước sẽ trở thành thơm mát.
Nếu tâm ta chỉ nhớ nghĩ đến những tai nạn khổ đau, thì luôn
luôn sẽ bị phiền não khuấy đục. Khi ta niệm Phật thì sẽ cố
nhiên nhớ Phật, quên đau khổ. Cách nhớ Phật này thế cho cái
nhớ sự đau khổ. Một giờ niệm Phật thì sẽ đổi được một giờ sầu
khổ, một ngày niệm Phật thì đổi được một ngày khổ đau. Cứ như
thế, nếu niệm Phật được tăng chừng nào, thì sự buồn phiền đau
khổ sẽ giảm đi chừng ấy. Cho nên cổ nhân có câu:
-
- Một câu niệm Phật giải oan khiên.
-
b- Niệm Phật thiền tọa và thiền Hành sẽ trừ được niệm chúng
sanh.
-
Chúng sanh hằng ngày nhớ nghĩ đến những điều tội lỗi như tham,
sân, si .. v.. v .. Khi miệng thốt ra những điều tội ác, thân
làm những việc xấu xa. Ðó là những ác nghiệp của chúng sanh.
Nay nếu chúng ta niệm Phật, thì chúng ta không còn thì giờ để
nhớ nghĩ việc tội lỗi nữa và thực hành những ác nghiệp trên
nữa. Như thế là niệm Phật sẽ trừ được niệm chúng sanh. Niệm
Phật càng nhiều thì niệm chúng sanh càng ít. Niệm Phật hoàn
toàn thì niệm chúng sanh dứt sạch.
-
c- Niệm Phật thiền tọa và thiền Hành sẽ làm cho thân thể được
nhẹ nhàng an ổn.
-
Bệnh tật của chúng ta, một phần do thể xác, nhưng một phần
cũng do ảnh hưởng của tinh thần. Nhiều người mất ăn bỏ ngủ vì
uất hận, nhục nhã .. v.. v.. Do đó, uất khí tích tụ lâu ngày
trong người, mà sinh bệnh mất ăn bỏ ngủ. Gặp những trường hợp
như vậy, nếu chúng ta niệm Phật cho ra tiếng, thì những nỗi
uất hận đè nặng lên tâm can chúng ta, sẽ như được trút ra cùng
hơi thở, cùng tiếng niệm, và thâm tâm ta được nhẹ nhàng dễ
chịu. Những người yếu tim, nếu biết niệm Phật sẽ mau bình
phục. Vì bệnh yếu tim thường làm cho người bệnh hồi hộp, lo
sợ; nay nhờ niệm Phật nên tâm định, tâm định thì những sự hồi
hộp lo nghĩ giảm đi. Do đó mà ăn được, ngủ yên và bệnh mau
bình phục.
-
d- Niệm Phật, thiền tọa, và thiền Hành tâm trí sẽ sáng suốt,
học hành mau nhớ.
-
Những người tâm trí loạn động thì tối tăm, như ngọn đèn bị
gió, không sáng được. Nhờ niệm Phật, tâm trí sẽ định tĩnh, như
ngọn đèn có ống khói, không lay động. Do đó tâm trí sẽ phát
chiếu, như ngọn đèn tỏa ánh sáng vậy.
-
e- Niệm Phật, thiền tọa, và thiền Hành, khi lâm chung sẽ được
sanh về Tịnh độ.
-
Là người học Phật, một khi chúng ta đã biết đến Đức Phật A Di
Đà và hạnh nguyện của Ngài, thì việc niệm Phật sẽ đem lại cho
chúng ta nhiều ích lợi thiết thực trong đời sống hiện tại, về
phương diện thể chất lẫn tinh thần, về tính tình lẫn trí huệ.
Nhưng cái lợi ích lớn nhất chính là ở đời sau. Nếu chúng ta
thực hành pháp niệm Phật này, đúng như lời Phật dạy, cho đến
nhất tâm bất loạn thì sau khi lâm chung, sẽ sanh về Tịnh độ,
được luôn luôn thấy Phật nghe pháp, làm bạn với thánh hiền, và
có đủ nhiều thiện duyên để tiếp tục tu hành cho đến quả Phật.
Nơi đó chúng ta thấy công đức của Phật A Di Ðà rất rộng
lớn, là do lòng đại bi đại nguyện lợi tha. Ngài đành bỏ tất cả
ngôi sang cao quí, nguyện tu hành khi thành, ở trên một cảnh
giới huy hoàng trang nghiêm, để tiếp độ chúng sanh. Vậy chúng
ta là Phật tử, noi theo gương đại nguyện của Phật A Di Ðà, nên
phát tâm thệ nguyện rộng lớn, cầu khi lâm chung sanh về Cực
lạc, hóa sanh từ hoa sen, tu chứng lên bực bất thối, rồi trở
lại cõi Ta Bà hóa độ bà con quyến thuộc và tất cả chúng sanh
tu hành đồng thành Phật đạo.
-
- Nhất cú Di Ðà vô biệt niệm
-
Bất lao đàn chỉ đáo Tây Phương.
-
Nghĩa là:
-
- Một câu niệm A Di Ðà mà không xen tạp một niệm nào khác
-
Thì chỉ cần thời gian như khảy móng tay liền được sanh về Tây
Phương ngay tức khắc.
-
-
Tài Liệu Tham Khảo
-
- Phật Học Phổ Thông
-
- Kinh A Di Ðà
-
- Tự Ðiển Phật Học
-
- Ðường Về Cực Lạc.
|