|
TẬP SAN DƯỢC SƯ
-
Sự Hiến Tặng Nhiệm Mầu
-
Nguyên Châu
- --o0o--
-
Hiểu được giá trị của sự Bố Thí hay Hiến Tặng, và thực hành
triệt để, chắc chắn chúng ta sẽ Chấm Dứt Khổ Ðau, Sống Ðời An
Lạc ngay trong đời hiện tại nầy.
-
Theo đạo Phật, hiến tặng là một trong những hạnh tu quan
trọng, được mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thánh Hiền
Tăng dạy chúng ta phải thực hành để trưởng dưỡng thiện căn cho
bản thân, đồng thời cũng để đem lại lợi ích, đem lại an lạc
cho tất cả chúng sanh, ngay trong lúc chúng ta đang thực tập
tu học.
-
Hạnh hiến tặng là hạnh tu hàng đầu trong Sáu Ba La Mật đó là:
-
- Bố Thí.
-
- Trì Giới.
-
- Nhẫn Nhục
-
- Tinh Tấn
-
- Thiền Ðịnh
-
- Trí Tuệ.
-
Bố Thí hay là hạnh hiến tặng cũng là hạnh hàng đầu trong Bốn
Nhiếp Pháp đó là:
-
- Bố Thí,
-
- Ái Ngữ,
-
- Lợi Hành,
-
- Ðồng Sự.
-
Là người
Phật Tử, nhất là những ai mới biết đạo, mới phát tâm tu, mới
phát tâm tìm hiểu giáo lý thì nên cần phải biết về hạnh hiến
tặng và giá trị của nó. Hiểu biết giá trị và thực hành càng
nhiều về hạnh hiến tặng một cách nghiêm túc, chúng ta sẽ thực
hành đúng theo chánh pháp, chúng ta sẽ tránh được những khổ đau,
sợ hải và thất vọng. Chúng ta sẽ thực hành một cách liên tục
không chán nản, chúng ta sẽ thực hành một cách hoan hỷ. Có được
như thế mới đem an lạc và hạnh phúc cho mình và cho người khác.
-
Trước
hết hiến tặng có nghĩa là cho mà không cần điều kiện, cho một
cách rộng rãi. Nói về cho một cách rộng rãi có hai nghĩa:
-
01- Cho
tất cả mọi thứ đến tất cả mọi người.
-
02- Cho
tất cả tấm lòng rộng rãi, không kỳ thị, không phân biệt màu da
chủng tộc.
-
Chúng ta sống trên thế gian nầy, thường gặp nhiều phiền não và
đau khổ, từ nhiều nguyên do khác nhau, trong đó lòng tham lam
là yếu tố hàng đầu. Do vì lòng tham lam, ích kỷ mà con người
không bao giờ thấy đủ, cho nên luôn luôn nghĩ đến bản thân
mình, đó là lòng tham tiền tài vật chất.
-
Lòng
tham danh háo sắc cũng thúc đẩy, cũng sai khiến chúng ta tiếp
tục bon chen trên đường đời, tiếp tục dở những thủ đoạn bất
lương, những tuyệt chiêu điêu luyện, những kinh nghiệm hại người
để đoạt cho kỳ được các chức vụ hay danh vị nào đó, đôi khi
những chức vụ đó không có giá trị nào cả nhưng con người vẫn cứ
thích tranh dành.
-
Lòng
tham lam luôn luôn thúc đẩy con người tranh đấu, giành giựt, bất
chấp thủ đoạn, thì làm sao chúng ta có thể có cuộc sống thực sự
an lạc, và hạnh phúc? Người hiểu hai chữ tri túc là người biết
an phận với những gì đang có, biết cần kiệm, biết sống một cuộc
sống đơn giản, an nhàn, trong sạch. Những người như thế, chính
là những người được an lạc và hạnh phúc lớn nhất trên đời. Ở đây
nếu chúng ta ý thức được những tai hại nguy hiểm của lòng tham
thì chúng ta có thể áp dụng câu:
-
- Nếu
chúng ta không thấy có những gì mình thích, thì chúng ta hãy
thích những gì mình đang có.
-
Ðược như
vậy cuộc đời đâu còn gì gọi là đau khổ. Trái lại một con người
không biết thế nào là đủ, thì tuy thân xác ở trên cảnh giới
thiên đường, nhưng tâm ý vẫn luôn luôn không thoả mãn. Như vậy
đầy đủ và an nhàn thực ra rất cần thiết, rất quan trọng cho đời
sống hiện tại. Tuy nhiên chúng ta sẽ không bao giờ đạt được đầy
đủ và an nhàn, nếu không chịu biết đủ, biết nhàn. Bởi vậy nên,
Ðức Phật dạy Pháp Hiến Tặng để dẹp bớt:
-
- Lòng
tham lam ích kỷ,
-
- Ðòi
hỏi bỏn sẻn, keo kiệt,
-
Nói một
cách đơn giản, chữ hiến tặng, hay còn gọi là Ðàn có nghĩa là
cho. Trong Phật Giáo chúng ta thường nghe chữ Ðàn Na Tín Thí, là
từ chữ nầy mà ra. Thông thường, mọi người khi nghe hạnh Hiến
Tặng thì cứ nghĩ là chúng ta phải cho người ta một cái gì đó mới
gọi là Hiến Tặng. Sự thực, chúng ta không có gì quý giá hơn là
những sự hy sinh, nhịn ăn nhịn mặc để dành một ít tài vật của
chúng ta để hiến tặng cho người khác. Tuy nhiên sự hiến tặng nầy
chúng ta phải hiểu rộng rãi hơn, chứ không phải mỗi khi nói tới
sự bố thí là chúng ta hiến tặng những tiền bạc mà chúng ta có mà
phải biết rằng sự hiến tặng nầy có nhiều cách như:
-
a- Hiến
tặng tài sản
-
b- Hiến
tặng Pháp
-
- Hiến
tặng sự có mặt
-
- Hiến tặng Sự Vững Chãi
-
c- Hiến Tặng Sự Không Sợ Hải
-
a- Hiến
Tặng Tài Sản:
-
Giá Trị
của sự Hiến Tặng là mở đầu cho công cuộc mở rộng tâm lượng rộng
lớn. Hiến tặng về tài sản, là có ý giúp đỡ họ trong lúc cần
thiết, nhằm tạo điều kiện cho người kia biết được giá trị của sự
Hiến Tặng, để mai kia họ trưởng thành trong việc tu học. Còn nếu
hiến tặng mà làm cho họ tệ ra, chỉ gây thêm nghiệp ác thì lỗi do
tại chúng ta. Vì vậy khi thực hành sự hiến tặng, chúng ta chỉ
sẵn sàng nâng đỡ những người có chí cầu tiến, làm lợi ích cho
nhân quần xã hội. Người hành Bồ Tát đạo, gieo nhân Bồ Tát vào
tâm chúng sanh, để sau cùng họ cũng trở thành Bồ Tát mới thể
hiện sự hiến tặng. Hiến tặng ở mức độ cao hơn thì gọi là cúng
dường.
-
Tiến lên
một nấc nữa, giá trị của người thực hành sự hiến tặng là đọan
trừ xan tham, vì biết rõ xan tham dẫn chúng ta vào con đường khổ
đau. Vì vậy khi bố thí chúng ta phải kiểm chứng điều nầy.
-
Tâm
lượng của chư Bồ Tát, Phật, hoàn toàn an trú trong Pháp Không,
nên các ngài gởi đến chúng ta bất cứ một thứ gì, chúng ta cũng
cảm thấy an vui giải thoát. Còn con người tham lam ích kỷ cho
chúng ta những thứ gì thì chúng ta cũng phải nên để ý, vì trong
đó cả một tâm hồn thâm độc, tham, sân, si, ác kiến, mê chấp được
gói ghém trong món quà đó trút vào chúng ta, ôm sự nhơ bẩn nặng
trỉu đó, chúng ta không tu được. Pháp hiến tặng nầy không phải
là sự hiến tặng của Phật, do đó càng hiến tặng nhiều bao nhiêu,
càng tăng thêm nghiệp ác bấy nhiêu. Vì vậy Ðức Phật dạy, muốn
hiến tặng cho người khác, người hiến tặng đó phải luôn luôn kiểm
tra coi có đủ ba tâm không. Ba tâm đó là Trực Tâm, Thâm Tâm, và
Bồ Ðề Tâm:
-
- Trực
Tâm: Là tâm cho người vì thấy cần thiết phải cho chứ không có ý
lợi dụng.
-
- Thâm
Tâm: Là tâm người hiến tặng ngay thật, cảm thông sự đau khổ sâu
xa của kiếp người mà hiến tặng. Hiến tặng với mục đích là chia
sẻ nổi khổ, niềm đau một cách chân thật chứ không có ý nào khác.
Khi hiến tặng xong cũng truyền cho người nhận một tâm tình ngay
thật. Nếu người cho mà thấy lòng người nhận cong quẹo, là biết
chính tâm chúng ta cũng cong quẹo.
-
- Bồ Ðề
Tâm: Là tâm hiến tặng vì muốn thực hiện con đường của Bồ Tát,
trong tận đáy lòng không có tham, sân, phiền não, mà vì một lòng
cầu đạo giải thoát mà hiến tặng.
-
Chúng ta
là Bồ Tát mới phát tâm hiến tặng, có thể thực hiện lần hồi từ
thấp lên cao. Khởi đầu bằng lòng thương người, sự hiến tặng đó
là cho những vật dư thừa của chúng ta. Ở trường hợp nầy cho còn
có giới hạn, vì chỉ cho những vật mà chúng ta không dùng đến.
Tuy nhiên vẫn còn khá hơn những người có của dư thừa không dùng
đến nhưng cất kỷ không cho.
-
Nâng cao
hơn một nấc nữa, chúng ta có thể cho những vật chúng ta đang
dùng, nhưng biết rằng người khác dùng thì có lợi hơn, cho nên
chúng ta cũng sẵn sàng cho. Càng hiến tặng trong lòng chúng ta
càng nở hoa, trút bớt gánh nặng ở Ta Bà, và thấy gần gũi với chư
Phật. Cao hơn một nấc nữa, chúng ta có thể cho cả tài sản vợ
con...
-
B-
Hiến
Tặng Pháp:
-
Là chúng
ta có thể chia sẻ những điều tai nghe mắt thấy, về những phương
pháp tu học, đạo giải thoát như thật, bằng một tâm hướng thượng
hướng thiện, chứ không vì một lợi dưỡng nào khác. Cũng không nên
hướng dẫn người đi vào con đường tà pháp. Có ba cách hiến tặng
pháp, đó là: Hiến tặng sự có mặt, hiến tặng sự vững chãi, và
hiến tặng sự tự do.
-
1- Hiến
Tặng Sự Có Mặt
-
Như
chúng ta biết, hiến tặng là một pháp môn rất mầu nhiệm, nó có
khả năng đưa mình vượt sang bờ bên kia rất là mau chóng. Vì khi
hiến tặng là chúng ta đã gây niềm vui cho người kia, và đồng
thời chúng ta gây niềm vui cho chính chúng ta và kết quả sự thực
tập đó có liền ngay trong chốc lát, cho nên chúng ta tốt nhất là
mỗi ngày nên chọn cho mình một niềm vui, chúng ta có niềm vui
thì chúng ta mới tặng niềm vui đến mọi người:
-
- Xin
tặng cho anh, cho anh, cho anh đóa hoa niềm tin
-
Xin tặng
cho em, cho em, cho em đóa hoa niềm tin
-
Thời
gian dầu có phai nhạt nhoà
-
Nhưng
niềm tin ta vẫn mặn mà
-
Và đạo
tình ta luôn đậm đà
-
Theo
tháng ngày qua.
-
Xin tặng
cho anh, cho anh, cho anh những lời cầu kinh
-
Xin tặng
cho em, cho em, cho em muôn lời bình an,
-
Thế gian
dầu có bao phủ phàng
-
Nhưng
lời cầu kinh vẫn nồng nàn
-
Và đạo
tình ta luôn đầy tràn
-
Giữa đời
lầm than.
-
Tôi
nguyện cùng anh đưa anh đi qua bến bờ khổ đau
-
Tôi
nguyện cùng em đưa em đi qua cảnh đời biển dâu
-
Thế gian
dầu có muôn sắc mầu
-
Nhưng
niềm tin ta với nguyện cầu
-
Nguyện
cầu,
-
Cuộc đời
hết khổ đau
-
Ngoài
việc hiến tặng của cải, pháp tu học như đã trình bày ở trên,
chúng ta còn có thể hiến tặng sự có mặt đích thực của ta. Tại vì
khi chúng ta thương thì chúng ta phải có mặt cho người chúng ta
thương. Khi mà chúng ta thương người nào thì chúng ta phải hiến
tặng sự có mặt của chúng ta cho người chúng ta thương. Nếu không
thì chúng ta không thể nào nói là thương được. Thương là phải có
mặt, và ôm lấy người chúng ta thương, và trong khi đó người
chúng ta thương luôn luôn nghĩ là cần sự có mặt chúng ta, để đùm
bọc che chở cho người thương của chúng ta. Người thương của
chúng ta rất có thể là cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em..v..v..
Nếu chúng ta nói rằng thương mà chúng ta cứ vắng mặt hoài, hoặc
nói là thương mà tâm hồn chúng ta nghĩ tới chuyện khác, để cho
người chúng ta thương sống trong cô độc thì đâu gọi là thương
được.
-
Do đó
món quà quý giá nhất tặng cho người mình thương, đó là sự có
mặt. Nhiều khi chúng ta ngồi đó mà chúng ta không có mặt, chúng
ta ngồi đó mà tâm hồn phiêu lưu đâu đâu.
-
Một bà
mẹ hiền hậu, chất phát, tật bệnh, cần sự có mặt của con để an ủi
trong tâm hồn, nhưng người con mãi ở tận phương trời xa xôi nào
đó chỉ lo rong chơi, thì không thể nào nói là thương mẹ được.
-
Một cô
bé xinh đẹp, cô đơn muốn đến để có sự chú ý bảo bọc của mẹ,
nhưng mà mẹ tuy xác thân ở đó nhưng mà tâm hồn của mẹ nó trôi
nổi, lạc lỏng trong quá khứ, trong tương lai, và bà mẹ tuy ngồi
đó mà không có mặt cho con, và vì vậy em bé rất là thất vọng, em
bé rất cần sự chú ý của mẹ.
-
Một cậu
bé muốn đến bên cha để cần sự vuốt ve trìu mến của cha, nhưng
cha chỉ nghĩ đến việc đầu tư làm giàu, và bỏ rơi con trong nỗi
niềm cô độc.
-
Vậy thì
nếu bà mẹ, hoặc người con đem thân và tâm hợp nhất thì lúc bấy
giờ mình mới thấy đứa con của mình là xinh đẹp, đứa con của
chúng ta rất là quý hóa và nó cần sự có mặt của chúng ta, và bà
mẹ đưa hai bàn tay ra và đứa con rất lấy làm sung sướng, và bây
giờ nó mới thấy là nó có mẹ, còn trước đó với sự thờ ơ lạc lõng
của mẹ nên trước đó mặt dầu mẹ ngồi đó mà nó vẫn không thấy có
mẹ.
-
Và trong
hoàn cảnh bà mẹ hiền bệnh hoạn kia cũng vậy, nếu người con biết
quán chiếu để cho thân tâm hợp nhất, biết mình phải làm gì thì
sẽ thấy bà mẹ của mình là quý báu, tiền bạc danh vọng tuy khó
kiếm nhưng có thể kiếm được, nhưng một khi mẹ mà mất rồi thì
không thể nào kiếm được.
-
Người
cha thương mại kia cũng vậy, không có gì quý hơn là con của
mình, vì con của mình sẽ là hình ảnh của mình trong tương lai,
vì thế sự có mặt của mình, an ủi khích lệ, là một đầu tư lớn
trong việc xây dựng tương lai cho con của mình.
-
Tất cả
anh chị em trong một đại gia đình cũng vậy, không có gì quý hơn
là tình thâm cốt nhục. Sự có mặt của chúng ta là một niềm an ủi
lớn trong tâm hồn của người thân chúng ta.
-
Vậy thì
sự có mặt đích thực của chúng ta là món quà quý nhất, mà mình có
thể dâng tặng người thương của chúng ta. Có mặt đích thực nghĩa
là thân và tâm phải an trú trong hiện tại đó là sự thực tập
thiền quán, để đưa thân và tâm trở về an trú trong giây phút
hiện tại, lúc đó chúng ta có sự có mặt đích thực và chúng ta sẽ
hiến tặng sự có mặt đích thực đó cho người mà chúng ta thương.
Cái đó là bố thí, cái đó là hiến tặng.
-
2- Hiến
Tặng Sự Vững Chãi
-
Bên cạnh
những sự hiến tặng Tài Sản, Phương Pháp Tu Học, Hiến Tặng Sự Có
Mặt, chúng ta còn có thể hiến tặng sự vững chãi. Vững chãi là
một cái gì chúng ta phải tu tập mới có. Vững chãi là một trong
những đức của Niết Bàn. Khi mà một người mà có đức tánh vững
chãi thì mình có thể tin tưởng vào người đó được.
-
Như mấy con gà ở miền quê Việt Nam rất là vững chãi. Theo
thông lệ đúng bốn giờ nó gáy một lần, năm giờ gáy một lần, và
sáu giờ gáy một lần, thì ngày nào cũng thế, đến giờ đó là nó
dậy nó gáy, không bao giờ sai chạy. Như là mặt trời, cũng rất
là vững chải, rất là đúng hẹn, khi đến giờ là mặt trời mọc, vì
thế mà chúng ta đi ngủ rất là yên tâm, tại vì chúng ta biết
chắc rằng ngày nào mặt trời cũng đúng hẹn.
-
Người mà
chúng ta thương, chúng ta nghĩ là chúng ta có thể nương tựa mà
thiếu sự vững chãi thì không những làm khổ cho ta, và rất có thể
ta sẽ lấy mất sự vững chãi của chúng ta đã có. Sự việc nầy
thường xẫy ra trong cuộc đời, như có những người thiếu phụ sống
với con, vì đã ly dị hoặc là chồng đã mất, người thiếu phụ đó
đôi khi họ cần có một người đàn ông khác để họ nương tựa. Nhưng
mà nhiều khi họ đi kiếm một người đàn ông không có vững chãi và
sống với một người không vững chãi đó họ lại mất luôn một chút
ít vững chãi họ đã có, và đứa con của họ cũng khổ theo.
-
Vì thế
mà những người mẹ độc thân, hay là người cha độc thân cũng vậy,
trước khi chúng ta tìm kiếm một người đàn ông, hay một người đàn
bà nào đó để nương tựa sự vững chãi của họ, thì trước đó quý vị
phải nuôi nấng và tập luyện sự vững chãi trong bản thân của
chúng ta để làm chỗ nương tựa của chính chúng ta và cho đứa nhỏ
của chúng ta trước. Tại vì chúng ta nương vào cái không vững
chãi thì nó sẽ đổ nát hết chút ít vững chãi trong lòng của chúng
ta cũng sẽ tan biến và đứa con của chúng ta sẽ đau khổ. Như thế
chúng ta nương tựa chỉ khi nào chúng ta tìm được một người thật
sự vững chãi thì chúng ta mới có thể nương tựa, còn nếu chưa gặp
được đối tượng vững chãi thì tốt hơn hết là đừng có nương tựa.
Ðó là vấn đề của những người mẹ, hoặc những cha nuôi con một
mình
-
Chúng ta
là những Phật Tử đi tu học phần lớn là chúng ta đi tìm sự nương
tựa nơi Phật, Pháp, Tăng vì thế muốn có sự vững chãi đó chúng ta
phải thực tập theo lời Phật dạy, thực tập nương tựa với Phật,
thực tập nương với Pháp, thực tập nương tựa với Tăng để sự thực
tập của chúng ta mỗi ngày nó tăng thêm sự vững chãi và con chúng
ta sẽ được nương tựa vào sự vững chãi.
-
Khi mà
chúng ta đi thiền hành thì chúng ta đi từng bước vững chãi và
những bước vững chãi đó nó làm cho thân và tâm của ta mỗi ngày
một vững chãi thêm. Khi mà chúng ta ngồi thiền tọa, thì chúng ta
thực tập nuôi dưỡng sự vững chãi khi mà ta làm buổi cơm sáng hay
là buỗi cơm chiều ta cũng thực tập như vậy nghĩa là ta theo dõi
hơi thở, chúng ta đừng suy nghĩ lung tung, tất cả những phương
pháp đó là để nuôi dưỡng sự vững chãi trong ta. Có sự vững chãi
trong chúng ta rồi thì người thương của chúng ta sẽ được thừa
hưởng. Nếu mà chúng ta không có sự vững chãi thì chúng ta luôn
luôn thay đổi, từ lời nói đến tánh tình, và cả việc làm, thì
người thương của chúng ta không có hạnh phúc. Vì thế, sự vững
chãi của chúng ta là món quà rất lớn mà chúng ta có thể hiến
tặng cho người thương của chúng ta.
-
3-
Hiến
Tặng Sự Tự Do
-
Ngoài ra
chúng ta còn hiến tặng những thảnh thơi. Thảnh thơi tức là sự tự
do, tự do đây không có nghĩa là tự do có tính cách chính trị, mà
tự do ở đây là đối với cái phiền não, ràng buộc của chúng ta,
phiền não đó là cái sự thèm khát, sự giận hờn ganh tị nghi ngờ.
Ðó là những sợi dây ràng buộc làm cho chúng ta khổ. Thèm khát
tức là cái ước muốn chạy theo, năm dục, trong đó có tiền bạc,
danh vọng, sắc dục là ba đối tượng tìm cầu rầt nhiều người.
-
Tại vì
người ta nghĩ rằng có ba đối tượng đó mới có hạnh phúc. Vì vậy
mà đã có không biết bao nhiêu người trầy da tróc trán, đau khổ
cùng cực cũng chỉ vì chạy theo đối tượng cũa sự thèm khát đó. Sự
giàu có, danh vọng và sắc dục, Ðức Phật có dạy rằng:
-
- Dục
vọng nó có bề ngoài rất là quyến rủ, nhưng mà đó là những con
mồi rất nguy hiểm, và phía trong con mồi đó nó luôn luôn có một
cái lưỡi móc như móc câu.
-
Quả thật
khi chúng ta đi câu cá, móc con mồi rồi thả xuống dưới sông,
nhiều khi con mồi của chúng ta là con mồi bằng nhựa chứ không
phải là con mồi thật, nhưng mà con cá nó tưởng là món mồi thật
nên cá nó đớp lấy, nhưng khi nó đớp lấy rồi thì bị móc vào cổ
họng nó rồi thì bị kéo ra khỏi nước. Ðối tượng sự thèm khát của
chúng ta cũng như vậy đó. Chúng ta phải nhìn cho kỹ trong cái
bản chất của đối tượng đó để thấy rằng chúng nó chứa đựng những
cái hoạn nạn, cái nguy hiểm. Nếu chúng ta tiếp tục chạy theo nó
thì một ngày kia chúng ta sẽ là nạn nhân của nó, nó sẽ làm tan
nát sự nghiệp và gia đình của chúng ta. Vì vậy cho nên coi chừng
ngũ dục, coi chừng sự thèm khát đã có trong trái tim của chúng
ta. Nhìn coi chung quanh chúng ta, những người đã chạy theo năm
dục đã làm tan nát cuộc đời của họ như thế nào để mà học lấy
kinh nghiệm, để chúng ta đừng phạm phải như thế.
-
Ðức Phật
nói chúng ta có thể sống hạnh phúc trong giờ phút hiện tại, và
có rất nhiều điều kiện để cho chúng ta sống hạnh phúc trong giây
phút hiện tại, mà chúng ta không cần đến năm thứ dục vọng. Đó là
lý do giải thích tại sao khi những người trẻ họ đi tu không cần
phải mơ ước tới một hạnh phúc viễn vông nào, mà họ thấy rằng
cuộc sống trong hiện tại, họ có thể tiếp xúc với những sự mầu
nhiệm trong hiện tại và có hạnh phúc trong hiện tại. Ðó gọi là
Hiện Pháp Lạc Trú. Vì thế mà chúng ta không cần chạy theo đối
tượng của sự thèm khát, nhưng chúng ta cũng có thể sống được
hạnh phúc, an lạc, vững chãi và thảnh thơi ngay trong giờ phút
hiện tại.
-
Chính vì
con đường đi thăng hoa, và giáo pháp tự do, cho nên đã có rất
nhiều người trẻ xuất gia theo Ðức Phật bây giờ và sau nầy cũng
vậy. Nếu chúng ta nhìn vào tăng đoàn trong các Chùa, các Viện
tại quốc nội cũng như quốc ngoại thì chúng ta sẽ thấy có rất
nhiều người trẻ tu. Vậy thì khi chúng ta sống theo chánh pháp,
chúng ta có hạnh phúc và có thảnh thơi. Thảnh thơi vì chúng ta
không bị sợi dây của thèm khát nó trói buộc. Trước hết là sự
thảnh thơi đối với sợi dây của sự thèm khát. Thảnh thơi là sự tự
do đối với hận thù, tại vì khi chúng ta còn mang trong lòng một
khối hận thù, thì chúng ta còn đau khổ, cho nên quán chiếu để
chúng ta buôn bỏ hận thù, là chúng ta đã đạt được sự buôn bỏ và
thảnh thơi. Khi mà chúng ta có sự thảnh thơi đó tức là chúng ta
có một phẩm vật quý giá đó để tặng cho người chúng ta thương.
-
Tu học
tức là chế tác được chất liệu vững chãi và thảnh thơi ở trong
mỗi con người của chúng ta, đó là hai món quà quý nhất mà chúng
ta có thể tặng cho người thân của chúng ta. Từ khuynh hướng nầy,
để giúp cho người của chúng ta, chúng ta nhìn xem nơi người
thương của chúng ta cũng có một chút chất liệu vững chãi và
thảnh thơi, nhưng mà vững chãi và thảnh thơi đó nó chưa đủ lớn,
và vì vậy chúng ta phải học phương pháp nuôi lớn sự vững chãi và
thảnh thơi cho người thương của chúng ta.
-
Thông
thường khi chúng ta giận người nào đó chúng ta chỉ muốn cho
người kia khổ và chúng ta chỉ muốn trừng phạt thôi. Không phải
là chúng ta không có món quà gởi tặng, nhưng mà chúng ta không
muốn tặng. Chúng ta có sự có mặt, nhưng mà chúng ta không muốn
tặng sự có mặt. Chúng ta có sự vững chãi nhưng mà chúng ta không
muốn tặng sự vững chãi. Chúng ta có sự thảnh thơi nhưng mà chúng
ta không muốn tặng sự thảnh thơi. Tại vì chúng ta muốn trừng
phạt người kia cho bỏ ghét. Để thực hành sự hiến tặng, nhiều khi
chúng ta cũng phải làm ngược lại thói thường, vì thế khi giận
thì chúng ta có thể thử phương pháp, trong chánh niệm, với lời
nói ái ngữ chúng ta nói rất nhẹ:
-
- Em rất
là mầu nhiệm nếu không có em thì không biết cuộc đời nầy anh sẽ
ra sao,
-
Và cũng
vậy:
-
- Nếu
không có anh trên cuộc đời nầy em sẽ ra sao.
-
Muốn làm
được như vậy thì chúng ta phải thực tập. Chúng ta nên biết là có
người đã làm được, thì chúng ta cũng làm được. Sở dĩ chúng ta
không làm được, là vì chúng ta không muốn thực tập sự hiến tặng
của chúng ta, là chúng ta phải hiến tặng sự hạnh phúc và niềm
vui của chúng ta. Chúng ta có thừa khả năng hơn là chúng ta đã
tưởng, nhưng tại vì giận, cho nên chúng ta không muốn hiến tặng.
Nếu tất cả mọi người chúng ta, lúc đang giận mà nghe lời dạy của
Ðức Phật thì cái vách ngăn chận với người đó sẽ được lấy liền
tức khắc. Lúc chúng ta đang giận, nhưng nếu chúng ta thực tập
làm ngược lại, thì chúng ta thấy rất là mầu nhiệm, mới thấy cái
giá trị tuyệt đối của sự hiến tặng.
-
c- Vô Úy
Thí
-
Ðức Bồ
Tát Quán Thế Âm là một trong những vị Bồ tát lớn như chúng ta đã
thường biết ngài có một món quà lớn nhất tặng cho chúng ta, đó
là món quà Tinh Thần Không Sợ Hải. Chúng ta học trong Ðạo Phật
chúng ta biết là có ba món quà tặng:
-
- Một là
tài Thí,
-
- Hai là
Pháp Thí,
-
- Ba là
Vô Uý Thí.
-
Tài Thí
tức là tặng những tặng phẩm. Pháp Thí tức là những tặng phẩm về
giáo pháp, ví dụ như là vững chãi, thảnh thơi an lạc. Phương
pháp thở, phương pháp đi, ngồi thiền. Vô Úy Thí là món quà cao
nhất không sợ hải. Nếu chúng ta chưa đạt tới đại trí, nếu chúng
ta chưa đạt tới bản chất không sanh không diệt, không dơ không
sạch, không tới không lui thì chúng ta chưa có món quà lớn đó
hiến tặng cho chúng ta và cho những người thân thương. Chính Ðức
Phật và chư Bồ Tát lớn đã đạt được, cho nên các ngài có thể hiến
tặng cho ta được món quà Vô Úy Thí
-
Với ý niệm chân chánh, chúng ta thực hành hạnh hiến
tặng còn có nghĩa là chúng ta buông xả hết các vọng niệm, để an
trụ tâm, để thanh tịnh tâm thì mau tiến đến chỗ giải thoát. Cho
nên Ðức Phật dạy phải thực hành hạnh hiến tặng. Làm được như
vậy, thì phước đức không thể nghĩ, không thể đo lường được.
-
Chúng ta
thực hành hạnh hiến tặng với tấm lòng rộng rãi, với tất cả tấm
lòng vì người quên mình, với tất cả tấm lòng từ bi, cung kính
không cần danh lợi, không cần báo đáp, không vì hơn thua, không
mê hoặc lòng người, không chọn món xấu đem cho, món tốt giữ lại
tức là không trụ sắc. Cho rồi không cần khen, không cần tiếng
cảm ơn, tức là không trụ thanh. Và của đem bố thí phải thanh
tịnh, chơn chánh, người nhận sự hiến tặng phải được tôn trọng
bình đẳng, phải được người hiến tặng cảm ơn. Ðó chính là sự hiến
tặng thanh tịnh, trong sáng, không phân biệt già, trẻ, trai,
gái, người tu, hay người đời. Khi một người đã làm được như vậy,
thì gọi là Hiến Tặng Ba La Mật.
-
Như vậy
hiến tặng là pháp tu, hạnh tu mà những người kém phước đức và
trí tuệ cần noi theo để thực hành, Bởi vì chư hiền thánh nhơn
kim cổ, chư Bồ Tát, chư Phật đều tu tập và thực hành qua các
hạnh hiến tặng. Cho nên ngày nay chúng ta tu hạnh hiến tặng là
kiến tạo cho chính chúng ta một kho tàng phước báu, là tu nghiệp
lành. Hiểu được giá trị của sự hiến tặng lợi ích như thế, và
thực hành triệt để thì sự hiến tặng đó sẽ làm cho chúng ta:
-
- Tiêu
trừ đau khổ,
-
- Tâm
trí được an vui,
-
- Thảnh
thơi hạnh phúc.
-
- Ðược
người thương mến,
-
- Dễ thu
phục lòng người,
-
- Phát
triển lòng từ bi.
-
- Ðã và
đang vun bồi gốc rễ của tất cả các thiện pháp.
-
- Diệt
được lòng tham lam ích kỷ ở tự tâm,
-
- Thể
nhập tự tánh bình đẳng đại từ đại bi,
-
Nói tóm lại, hiểu đưọc giá trị và thực hiện hạnh hiến tặng một
cách triệt để thì chúng ta cũng có thể phát triển chánh trí,
phá trừ vô minh, si mê, tham vọng, đem lại bình tĩnh, cởi mở
sự lo buồn, sợ hãi, làm cho chúng ta được sống thanh thản, tự
tại, ngay trong kiếp sống hiện tại nầy thì đó chính là uy lực,
và công năng của Giá Trị Của Sự Hiến Tặng không còn nghi ngờ
gì hết...
--o0o--
|
|