|
TẬP SAN DƯỢC SƯ
-
Cơ Hội Ngàn Vàng
-
Bạch Y Thư Sinh
- --o0o--
-
Chúng ta biết rằng
dòng đời luôn luôn trôi chảy như dòng thác lũ, nó cuốn phăng tất
cả mọi thứ có mặt trong cuộc đời. Chúng ta là một phần tử đã và
đang sống trong đó, do vậy ít nhiều chúng ta cũng bị ảnh hưởng,
vì thế mà chúng ta phải chọn cho mình một hướng đi. Một khi
chúng ta đã có hướng đi thì chúng ta cứ thế mà đi đừng thối lui,
đừng thắc mắc. Lúc đó chúng ta tự biết được những gì mà chúng ta
làm thì đương nhiên chúng ta sẽ cảm thấy tâm mình nhẹ nhàng,
thảnh thơi và hạnh phúc. Lúc mà tâm chúng ta nhẹ nhàng thì ba
nẻo đường đen tối là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh không thể
xuất hiện. Nhưng chúng ta phải biết là những nẻo đường đen tối
đó có thể phát hiện trong chúng ta bất cứ lúc nào nếu ta đánh
mất niệm, định và tuệ. Nghĩa là bất cứ lúc nào chúng ta nổi giận
lên là lửa địa ngục bừng dậy đốt cháy chúng ta. Địa ngục mà có
mặt thì những thanh tịnh tự nhiên biến mất. Điều này rất rõ.
Bóng tối mà phát hiện thì ánh sáng không còn. Tịnh Độ cõi mà
chúng ta hằng mơ ước cũng vậy. Khi địa ngục biến đi thì Tịnh Độ
hiển hiện. Ở trong mỗi người chúng ta ai cũng có hạt giống của
Tịnh Độ, và ở trong mỗi người chúng ta cũng có hạt giống của ba
nẻo về xấu ác. Nếu muốn có Tịnh Độ thì chúng ta có thể làm cho
Tịnh Độ hiển hiện trong hiện tại. Và nếu muốn có ba ác đạo, thì
chúng ta cũng có thể làm cho địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh hiển
hiện trong hiện tại.
-
Như vậy nếu như cõi
Tịnh Độ biến mất trong đời sống của chúng ta, đó là vì những hạt
giống của địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh đang biểu hiện trong lời
nói, hành động và sự suy nghĩ của chúng ta. Do vậy mà ước muốn
cao nhất của đời tu chúng ta là chỉ muốn cho cuộc đời bình ổn,
bình ổn cho bản thân và xa hơn nữa nếu có thể được thì chúng ta
có thể kiến thiết một Tịnh Độ cho mọi người! Xây dựng Tịnh Độ để
mời những người dễ thương đến sống chung và làm chỗ nương tựa
cho nhau. Muốn được như thế thì trước hết chúng ta phải thực tập
cho nghiêm minh để trong tâm của chúng ta luôn luôn có cảnh giới
an lành. Một khi trong tâm của chúng ta an lành thì khi chúng ta
đi đâu Tịnh Độ cũng hiển bày. Những người có Tịnh Độ trong tâm
là những người có phẩm chất và nhân cách rất cao. Người nào có
phẩm chất như vậy thì được gọi là thượng thiện nhân hay là những
người đạo cao đức trọng. Vì những người này có tâm trí vượt khỏi
danh lợi. Trong cõi chúng ta đang sống, có một vị thượng thiện
nhân là chúng ta có được một người dễ thương, có nhiều vị thượng
nhân là chúng ta có nhiều người dễ thương.
-
Sự việc muốn kiến tạo
một cảnh Tịnh Độ để cho mọi người về chung ở và tu học đây không
phải là một ước mơ mà là chí nguyện của người thực tập chân đạo,
tại vì điều thích thú và hào hứng nhất của chúng ta là lập được
một đạo tràng để những người dễ thương trên thế gian quy tụ lại
sống với nhau một cách rất hạnh phúc, và để làm nơi nương tựa
cho không biết bao nhiêu người khác. Vì vậy trong những ước muốn
của chúng ta cũng có hạt giống của Phật A Di Đà. Hạt giống đó
chính là ước muốn thành lập một trú xứ dễ thương, một hoàn cảnh
thuận lợi cho sự tu học. Có nhiều vị thượng thiện nhân đến sống
chung thì tự nhiên chúng ta không cầu Tịnh Độ mà Tịnh Độ cũng
vẫn hiển bày. Được ngồi gần bên một người dễ thương, chúng ta
cảm thấy sung sướng. Huống hồ là mình được bao bọc bởi biết bao
nhiêu người dễ thương. Những người dễ thương đó đến với nhau,
tuy chưa làm gì hết mà cảnh trí đã là cảnh Tịnh Độ rồi.Õ
-
Những người không dễ
thương ngồi bên nhau khoảng mười lăm phút thì không khí đã thấy
ngột ngạt. Địa ngục hiện ra ngay khi những người không dễ thương
tụ tập đông đảo đến ba bốn trăm người. Mình sẽ chết ngột. Vì
vậy, cảnh Tịnh Độ và cảnh Địa ngục đều có thể phát hiện từ trong
lòng của chúng ta. Cho nên mỗi người tu đều có sự ước muốn thành
lập một Tịnh Độ.
-
Tuy nhiên muốn kiến
lập Tịnh Độ không phải là công trình của một người, dù người đó
là một bậc Toàn Giác. Tịnh Độ là công trình của rất nhiều người,
và những người đó được gọi là thượng thiện nhân. Chúng ta thấy
cõi Cực Lạc không phải là công trình riêng của một người, dù
người ấy là Phật A Di Đà. Cho nên chúng ta đừng nghĩ với tư cách
riêng cá nhân chúng ta có thể tạo lập được Tịnh Độ.
-
Như tại chùa Dược Sư
chúng ta muốn lập Tịnh Độ thì cũng phải nhờ vào công sức Tăng
thân của Chùa Dược Sư. Nếu chúng ta không dễ thương, không có
khả năng lắng nghe, không có khả năng nói lời ái ngữ, không biết
làm việc tập thể, thì chắc chắn không có ai tới cộng tác với
chúng ta, mà đã không có người cộng tác thì chắc chắn chúng ta
không thể tạo ra Tịnh Độ được.
-
Trong chiều hướng nầy,
nếu các Thầy Cô chúng ta không sống hạnh phúc được với sư anh,
chị và em của mình, thì chúng ta không thể nào thiết lập Tịnh Độ
được. Ngay cả những người đến tu với chúng ta, họ cũng sẽ bỏ
chúng ta mà đi thì chúng ta sẽ cô đơn. Mà một người cô đơn thì
không bao giờ thiết lập được Tịnh Độ.
-
Chúng ta phải biết
rằng chúng ta là những người có phúc đức mới gặp được Thầy dạy
đạo, và được gần gũi với tăng thân. Phúc đức tức là những may
mắn, những thiện duyên. Căn lành là những gốc rễ tốt đẹp. Trong
lòng chúng ta nếu những gốc rễ ấy hiếm hoi thì chúng ta ít hy
vọng được sanh về cõi cực lạc. Căn là gốc rễ, nhưng cũng có khi
được hiểu là hạt giống. Có những lúc chúng ta trồng cây bằng rễ,
có những lúc chúng ta trồng cây bằng hạt. Trồng bằng hạt cũng
lên, trồng bằng rễ cũng lên. Như hoa sen vậy. Chúng ta trồng sen
bằng hạt hay bằng củ thì sen cũng đều lên được. Vậy muốn sanh về
cõi Cực Lạc ta phải có hạt hoặc là rễ của Tịnh Độ. Nghĩa là
những hạt giống tốt đẹp mà ta đã gieo vào trong tâm thức của ta,
như chúng ta:
-
- Đã có lần đến chùa
lạy Phật,
-
- Đã có lần bố thí cho
một em bé mồ côi,
-
- Đã có lần cúng dường
cho một vị xuất gia,
-
- Đã có lần đưa tay ra
cứu một con kiến đang chết đuối.
-
Tất cả những hành động
đó đều là những hành động gieo trồng căn lành. Hay chúng ta đã
từng mở miệng đọc Nam Mô A Di Đà Phật. Tất cả những cử chỉ nho
nhỏ đó đều là những căn lành đã gieo trồng. Điều này trong kinh
Pháp Hoa có dạy:
-
- Nhược
nhân tán loạn tâm, nhập ư tháp miếu trung, nhất xưng Nam mô
Phật, giai dĩ thành Phật đạo.
-
Nghĩa là:
-
- Giả dụ có một người
tâm ý tán loạn mà bước vào trong chùa, hoặc bước vào trong tháp,
rồi mở miệng niệm lên một câu:
-
- Nam mô Phật
-
Thì cái đó đã là một
nhân duyên có thể đưa đến sự kiện người đó thành Phật sau này.
Tuy là một hạt giống rất nhỏ, một cái rễ rất nhỏ, nhưng hành
động ấy đã được gieo trồng vào trong tâm, và thế nào ngày mai nó
cũng sẽ trở thành những nhân duyên đưa mình đi đến với đạo và
thành đạo. Ðó chính là những căn lành, những phước đức.
-
Có tính cách tản mạn
hơn về vấn đề phước đức, trong Kinh A Di Đà có câu kinh này nói
rằng:
-
- Những người ít căn
lành, ít phước đức thì ít có hy vọng sanh về cõi Tịnh Độ.
-
Nói về ít căn lành, ít
phước đức hay ít nhân duyên, như chúng ta biết tại Chùa Dược Sư,
có những Thầy Cô đến từ những nơi rất xa xôi để xuất gia tu học,
trong khi đó có những người sống ở Seattle, chỉ cần hai chục
phút hay một giờ đồng hồ lái xe là có thể tới, vậy mà cả bao
nhiêu năm nay, có người không bao giờ có cơ duyên bước đến Chùa
Dược Sư. Tuy họ ở gần một bên mà họ cũng không biết sự có mặt
của Chùa Dược Sư, vì vậy, họ không có được cơ duyên tham dự vào
những Phật sự cũng như những thời khóa tu học, có thể nói:
-
- Hữu
duyên thiên lý năng tao ngộ
-
Vô duyên đối diện bất
tương phùng
-
Nghĩa là:
-
- Có nhân, có duyên
thì dù cách xa ngàn dặm cũng có thể gặp nhau,
-
Mà vô duyên thì ngồi
đối diện nhau cũng chẳng gặp nhau được.
-
Vậy sự khác biệt giữa
ít phước đức, có duyên và không có duyên là như thế nào?
-
- Sự khác biệt không
phải do ở gần hay ở xa mà là chúng ta có nhân duyên hay không.
-
Thí dụ như nói Chùa
Dược Sư là tịnh Độ, vậy sang Tịnh Độ không khó khăn gì, nếu
chúng ta có một chút nhân duyên. Chỉ cần ta biết rằng Tịnh Độ
đang có mặt ở đó, và chúng ta chỉ cần cầm điện thoại lên và nói:
-
- Tịnh Độ đó phải
không? Tôi muốn được về tham dự tu học ba ngày. Các Thầy Cô sẽ
trả lời:
-
- Dạ được, khóa tu còn
chỗ.
-
Điều đó xét thấy không
có gì khó khăn cả. Ăn thua là có phước hay có cái duyên hay
không. Vô duyên thì có gần sát bên cũng không gặp, có duyên thì
mấy ngàn cây số cũng gần. Chỉ cần e-mail, hay một cú điện thoại
là mình có thể bay sang Tịnh Độ ngay.
-
Để tạo
điều kiện thuận lợi cho sự tu học, khi biết chúng ta ít phước
đức nhân duyên, và ít hy vọng sanh về cực lạc, cho nên khi nghe
nói đến những gì có thể tu tạo duyên là chúng ta nên nắm lấy cơ
hội và coi đó như là một cơ hội ngàn vàng, để tu tạo duyên lành
cho kỳ được như trong Kinh A Di Ðà từng dạy:
-
- Xá Lợi Phất, những
kẻ thiếu phúc đức và căn lành thì ít hy vọng sanh về cõi ấy. Vì
vậy Xá Lợi Phất! Người con trai lành, người con gái lành nào
muốn sanh về cõi ấy thì khi nghe danh hiệu Phật A Di Ðà, phải
nắm lấy danh hiệu ấy.
-
Nghĩa là
nghe danh hiệu thì phải nắm lấy danh hiệu. Nắm lấy danh hiệu
cũng giống như chúng ta nắm lấy địa chỉ. Nếu chúng ta biết nơi
đó tốt đẹp chúng ta xin địa chỉ:
-
- Cho tôi địa chỉ đi,
cho tôi số fax, số phone đi. Cho tôi đĩa chỉ điện thư.
-
Chúng ta phải nắm lấy
chúng. Tại vì danh hiệu hay địa chỉ ấy rất quan trọng. Vì cuộc
đời dữ dằn lắm. Nó lôi kéo mình đi theo như một dòng thác. Và
trong những khi bị chìm đắm, trong khi bị lôi kéo như vậy mà giả
sử mình nhớ được cái tên của Đức Phật A Di Đà và cái địa chỉ là
Tây Phương Cực Lạc, thì chúng ta có thể nhờ đó mà được cứu
thoát. Còn nếu không biết, không ghi nhớ được tên của Đức Phật A
Di Đà, hoặc chỉ nhớ mờ mờ cái tên thì chúng ta không thể được
cứu thoát. Do vậy chúng ta phải nhớ danh hiệu và địa chỉ thật rõ
ràng. Muốn nhớ rõ ràng chúng ta phải coi là một cơ hội ngàn vàng
khi những lúc nghe bất cứ ai nhắc nhở tới là chúng ta nắm lấy và
hành trì. Nếu chúng ta ghi nhận và thì chúng ta mới có cơ thoát
ra khỏi cái trầm trệ khổ đau của chúng ta.
-
Phải nắm
lấy danh hiệu ấy mà hết lòng thực tập quán niệm theo phương pháp
nhất tâm bất loạn, hoặc trong vòng một ngày, hai ngày, ba ngày,
bốn ngày, năm ngày, sáu ngày hay bảy ngày...
-
Nói đến
đây chúng tôi liên tưởng đến kinh Bốn Niệm Xứ. Kinh Niệm Xứ là
kinh căn bản của thiền tập nguyên thỉ. Đó là kinh mà các thầy và
các sư cô thời nguyên thỉ học thuộc lòng. Vì trong kinh này Phật
dạy về quán niệm thân trong thân, quán niệm cảm thọ trong cảm
thọ, quán niệm tâm trong tâm, quán niệm pháp trong pháp. Đó là
thiền của Phật. Đó là thiền mà Phật đã thực tập, các thầy, các
sư cô học trò của Phật đã trực tiếp thực tập. Phật đưa ra những
phương pháp rất cụ thể:
-
- Làm thế nào để quán
niệm thân thể trong thân thể, cảm thọ trong cảm thọ, tâm ý trong
tâm ý, và đối tượng tâm ý trong đối tượng tâm ý. Sự thực tập của
các thầy và các sư cô là sự thực tập chính trong hàng ngày: Đi,
đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, rửa bát... Cho nên kinh phải được học
thuộc lòng. Sự thuộc lòng này đích thực là một trái tim, chứ
không phải như một con vẹt. Con vẹt có thể học thuộc được nhưng
không phải thuộc lòng.
-
Trong kinh Niệm Xứ, có
đoạn Đức Phật dạy rằng:
-
- Người nào thực tập
được bảy năm thì sẽ thành đạo. Rồi Bụt nói không cần bảy năm, ba
năm cũng thành. Rồi Bụt nói không cần ba năm, một năm cũng
thành. Rồi Bụt nói không cần một năm, nửa năm cũng thành. Rồi
Bụt nói không cần nửa năm, một tháng cũng thành. Rồi Bụt nói
không cần một tháng, bảy ngày cũng thành. Rồi Bụt nói không cần
bảy ngày, một ngày cũng thành.
-
Khi chúng ta nghe nói
bảy năm có người rất sung sướng:
-
- Dễ quá chỉ có bảy
năm thôi.
-
Nhưng có người nói:
-
- Bảy năm lâu quá, sao
tôi có thể làm được?
-
Nghe vậy, Phật lại nói
không cần bảy năm, ba năm cũng được.
-
Ở điểm nầy chúng ta
thấy lòng thương đối với chúng ta của Phật bao la không bờ bến.
Phật ngồi đó mà mặc cả với chúng sanh:
-
- Nếu con không làm
bảy năm thì ba năm cũng được, nếu không làm ba năm thì một năm
cũng được, rồi đến mức thấp nhất là tùy ý.
-
Rồi Kinh A Di Đà lại
nói:
-
- Nếu niệm không được
mười tiếng thì một tiếng cũng được.
-
Chỉ có chư Phật mới có
tình thương lớn đến như vậy. Nếu đọc kinh này mà không đọc bằng
trái tim hiểu biết thì làm sao thấy được điều đó. Có người khó
có định, không có tuệ, nghĩ rằng mình tu không được, người khác
tu chắc cũng không được. Nhưng Đức Phật nói:
-
- Tất cả đều tu được.
Con cứ tu đi, nếu con nghĩ rằng, con niệm mười tiếng không được
thì con niệm một tiếng cũng được.
-
Đoạn kinh Tứ niệm xứ ở
trên tương tự như đoạn kinh A Di Đà này Phật duỗi cánh tay ra
để cứu vớt những người trầm luân ở trong cuộc đời, và độ những
người không có khả năng giới, định và tuệ. Phật nói:
-
- Con hãy làm đi, con
sẽ làm được.
-
Chúng ta
biết rằng ở trong dược khoa, nhiều khi có những vị thuốc đắng
nên những nhà bào chế phải đưa chất ngọt vào và làm cho thuốc đó
trở thành ngọt. Những viên thuốc tể ở Đông Y cũng vậy. Người ta
tán thuốc ra và trộn với mật ong để cho mình cảm thấy ngọt mà
uống được. Cũng như những bà mẹ bỏ viên thuốc ký ninh đắng vào
trong một miếng chuối để cho mình ngậm vào miệng, rồi bảo:
-
- Nuốt đi con.
-
Tất cả những cái đó
đều từ lòng thương mà ra. Ở đây cũng vậy, Đức Phật là một bà mẹ
hiền, biết rằng con mình, có những đứa mạnh giỏi, có ý chí cứng
rắn, nhưng cũng có đứa con cũng yếu đuối, thành phải tạo ra
những pháp môn phương tiện để các con có thể thâu thập một chút
nào của chánh pháp. Nếu không thâu thập nhiều thì thâu thập ít.
Tất cả đều là do lòng từ bi vô lượng của đức Phật đối với chúng
sanh.
-
Do vậy
chúng ta tu và thực hành giáo pháp Phật, phải thực hành bằng
trái tim của mình, đừng chỉ đọc bằng trí năng, sự tìm tòi, sự
phân tích. Nếu thực hành được như vậy, thì chúng ta cũng sẽ có
tình thương giống như Đức Phật. Lúc đó chúng ta có khả năng ôm
lấy tất cả mọi người, không chê bai một pháp môn nào, dẫu pháp
môn đó rất dễ dàng. Nói dễ nhưng chưa chắc chúng ta đã hiểu
được. Và nếu có hiểu được, nhưng chưa chắc chúng ta đã làm được.
Trong chiều hướng tu tạo thiện duyên thiện căn, phước đức nhân
duyên. Mỗi ngày chúng ta nên niệm một câu, mà ngày nào cũng
niệm. Nếu giỏi thì niệm hai câu hay mười câu, và mỗi ngày đều
niệm như vậy. Đến khi lâm chung, tự nhiên mình sẽ nhớ mà niệm.
Còn như nếu nói:
-
- Thôi, bây giờ chưa
cần niệm, đợi đến phút gần lâm chung niệm một lần cho luôn thì
chúng ta sẽ mất cơ hội.
-
Vào giờ phút lâm
chung, thân tứ đại của chúng ta sẽ đau nhức lắm, chúng ta chỉ
nhớ tới cái đau, thì làm sao nhớ tới Phật mà niệm. Quan trọng là
ngày hôm nay. Chúng ta phải niệm, dù là niệm chỉ được một hoặc
hai câu. Người ta có nói chúng ta mê tín, thì chúng ta cũng cứ
niệm, bởi vì niệm như vậy chúng ta biết rằng chúng ta đã gieo
một hạt giống tốt đẹp vào trong tâm thức. Nếu một ngày niệm một
câu, hay mười câu, thì thế nào đến giờ phút lâm chung, chúng ta
cũng không còn sợ hãi nữa. Chúng ta có một quê hương, chúng ta
không biết địa chỉ của quê hương thì làm sao mà về được. Cho nên
chúng ta phải thuộc nằm lòng cái tên quê hương của chúng ta, cái
địa chỉ quê hương của chúng ta, để những lúc thất điên bát đảo,
những lúc bị ba đào sóng gió của cuộc đời cuốn theo, thì chúng
ta nhớ đến tên gọi quê hương, nhớ tới địa chỉ, chúng ta có thể
tìm về. Mỗi ngày chúng ta đều có công phu, công phu ngồi, công
phu kinh hành, hay công phu tụng niệm... đều là công phu. Tất cả
những cái đó là những cái thực tập hàng ngày. Sự thực tập này
hết sức quan trọng, và phương pháp này gọi là phương pháp trì
danh. Trì danh không phải chỉ bằng miệng của mình, mà còn bằng
tâm của mình. Nắm lấy là trì, hết lòng là nhất tâm. Nắm lấy danh
hiệu, không phải bằng trí năng, hoặc bằng miệng lưỡi, mà bằng
trái tim. Tâm của chúng ta phải chuyên nhất. Chúng ta phải để
tâm vào danh hiệu đó, phải làm cho danh hiệu của Phật có mặt
trong tâm chúng ta. Khi niệm Nam Mô Phật A Di Đà mà tâm ta nghĩ
đến chuyện khác, thì đó là niệm danh hiệu suông, cũng giống như
vỏ trấu không có hạt gạo ở trong. Đó là hạt lúa lép. Niệm Phật
mà không có nội dung, gọi là niệm Phật không nhất tâm. Vỏ trấu
không thể nấu thành cơm được. Vì vậy trong vỏ trấu phải có hạt
gạo. Cũng vậy, niệm Phật có nhất tâm thì gọi là niệm Phật có nội
dung. Khi mình niệm Phật chúng ta phải hiểu là:
-
- Con kính lạy Ðức Thế
Tôn, Bậc A La Hán, Bậc Ứng Cúng, Bậc Chánh Biến Tri, Minh Hạnh
Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng
Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
-
Niệm tưởng như vậy,
chẳng hạn lúc đó chúng ta biết là đấng mà người đời tôn kính
Ứng Cúng là người xứng đáng được cúng dường. Chánh Biến Tri là
bậc có sự hiểu biết chân thực và toàn vẹn... Khi niệm danh hiệu
bằng một tâm tình chí thành, thì trong lòng chúng ta phải có sự
rung động và tha thiết. Giống như chúng ta gọi tên của người
thương vậy. Nghe tên người thương chúng ta cảm thấy rung động.
Nó làm cho chúng ta khỏe, nó làm cho chúng ta có hy vọng. Niệm
Phật cũng phải như vậy. Niệm Phật không phải chỉ là gọi tên một
cách trống rỗng, mà phải làm cho lòng chúng ta tràn đày sự tín
kính và thương yêu. Có những người cũng niệm Phật, nhưng chưa
kinh nghiệm cho nên không có nội dung.
-
Xin chia xẻ đến đại
chúng một sự việc xảy ra tại trong một xóm nọ:
-
- Có một bà cụ niệm
Phật rất siêng năng, sáng nào bà cũng lên hương đèn rồi niệm
Phật, có mõ có chuông đàng hoàng. Nhưng bà đã niệm Phật như vậy
trải qua mười năm mà tánh xấu của bà vẫn không thay đổi gì cả.
Bà dữ lắm. Và hàng xóm ai cũng ngán cái khẩu nghiệp của bà. Có
một người đàn ông trong làng muốn dạy cho bà một bài học. Buổi
sáng hôm ấy, đúng lúc bà lên hương đèn niệm Phật, thì ông ta đến
đứng trước ngõ gọi tên của bà:
-
- Bà Ba ơi! Bà Ba à!
-
Nghe gọi tên mình, bà
Ba thầm trách là và ông hàng xóm không lịch sự nào đó đã tới sao
không vào, lại còn đứng ngoài cửa mà kêu, và bà bắt đầu bực bội.
Lúc đó Bà thỉnh chuông mõ lớn hơn và niệm Phật to hơn để gián
tiếp nói với ông hàng xóm kia là bà đang niệm Phật. Nhưng khổ
nổi ông hàng xóm giả bộ không nghe. Ông ta cứ đứng ngoài cổng
tiếp tục gọi tên bà. Ở trong này bà lại càng niệm lớn giọng hơn.
Hai bên đều lớn tiếng. Nhưng ông hàng xóm cứ giả bộ không nghe,
vẫn tiếp tục gọi tên bà. Đến một lúc nào đó, bà chịu không nổi
nữa, bà vứt chuông mõ, ra đường chống nạnh để chửi:
-
- Này cái anh kia, anh
có biết giờ này là giờ người ta đang niệm Phật không? Ðồ bất
lịch sự, đồ khốn nạn.
-
Bây giờ ông nọ mới
cười lớn và bảo:
-
- Chèn đét ơi! Tôi mới
gọi bà mấy chục tiếng như vậy mà bà đã giận như thế, huống gì
mỗi ngày bà gọi tên Ðức Phật hơn cả một tiếng đồng hồ, chắc là
Ðức Thế Tôn giận bà lắm.
-
Qua câu chuyện bà Ba,
chúng ta biết rõ cái vô ích của sự trì danh mà không có nội
dung. Bởi vậy, trong kinh nói là phải nắm lấy danh hiệu Phật và
coi đây như một cơ hội ngàn vàng để mà hết lòng trì niệm. Thực
tập chánh niệm theo phương pháp nhất tâm bất loạn, là làm thế
nào để trong khi chúng ta niệm Phật thì tâm ta không nghĩ đến
chuyện gì khác. Chỉ nghĩ đến Phật mà thôi. Pháp môn niệm Phật là
một giáo lý nguyên thỉ của Phật giáo. Không phải chúng ta chỉ
niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng trước khi vãng sanh. Sau khi
vãng sanh, chúng ta vẫn tiếp tục niệm Phật, niệm Pháp và niệm
Tăng. Câu Nhất tâm bất loạn hết sức quan trọng. Niệm Phật phải
đạt đến nhất tâm bất loạn. Nghĩa là lúc niệm Phật, tâm chúng ta
ngưng tụ vào danh hiệu của Phật mà không nghĩ đến bất cứ chuyện
gì khác, không nghĩ đến chuyện nấu cơm, chuyện nấu nước, chuyện
thắp đèn, chuyện quá khứ, chuyện tương lai. Niệm Phật chỉ để
niệm Phật mà thôi. Thành tựu sự niệm Phật nhất tâm bất loạn là
một quá trình thực tập lâu dài. Ban đầu tâm còn tán loạn, nhưng
chúng ta đừng mất kiên nhẫn. Nhiều khi chúng ta niệm mười tiếng,
mà chín tiếng lạc vào vọng tưởng, chỉ còn lại một tiếng có chánh
niệm, cũng còn đỡ hơn không có tiếng nào. Ngày mai chúng ta niệm
mười tiếng, thì có thể có được hai tiếng trong chánh niệm, tám
tiếng lạc vào vọng tưởng. Như vậy đã là tiến bộ rồi. Khi niệm
Phật, chúng ta nên ngồi chung nhiều người để niệm, những người
bạn cùng tu với mình. Như ở đây Chùa Dược Sư là chỗ để chúng ta
tu học thực tập niệm Phật và ngồi thiền. Chúng ta ngồi chung với
nhiều người niệm Phật như vậy, thì chúng ta có năng lượng nhiều
hơn. Ban đầu chúng ta chỉ thành công được một phần mười, nhưng
từ từ niệm và định tăng trưởng thành hai phần mười, rồi ba phần
mười, bốn phần mười, cho đến một lúc nào đó, chúng ta niệm Phật
mười tiếng thì có chánh niệm cả mười. Đó là sự thành công lớn.
Do vậy, khi nghe danh hiệu Phật A Di Đà, thì đó là cơ hội ngàn
vàng, chúng ta phải nắm lấy danh hiệu ấy, mà hết lòng thực tập
quán niệm theo phương pháp nhất tâm bất loạn hoặc ở trong vòng
một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy
ngày. Những ai thực tập như vậy, người ấy đến khi lâm chung sẽ
thấy được Phật A Di Đà và các vị thánh chúng nước ấy hiện ra
trước mặt tiếp đón.
-
Bằng cách
trì niệm như vậy, chúng ta cũng có thể gọi là đó là phước đức
tối thiểu mà khi lâm chung chúng ta được nương nhờ, vì giây phút
lâm chung là giây phút hết sức quan trọng và cực kỳ nguy hiểm
của cuộc đời chúng ta. Lúc ấy chúng ta được dẫn dắt bởi năng
lượng thiện hoặc ác do chúng ta tạo ra trong đời sống. Nếu chúng
ta thường niệm Phật có chánh niệm thì vào giờ phút lâm chung,
tâm thức chúng ta sẽ vững vàng để đưa chúng ta đi về hướng
thiện, và gặp được các bậc thượng thiện nhân. Còn nếu không được
như vậy thì ta sẽ đi về ba đường dữ.
-
Giờ phút lâm chung ta
cần có tăng thân bên cạnh để hộ niệm cho chúng ta, và chúng ta
biết rằng, được hộ niệm như vậy thì tâm chúng ta sẽ vững vàng để
hướng về một cảnh giới tốt đẹp. Nếu thực tập giỏi thì chúng ta
không phải đợi giờ phút lâm chung mới đến được Tịnh Độ mà trong
mỗi giây phút niệm Phật, chúng ta đã có Tịnh Độ bên mình. Không
phải niệm Phật thì tới giờ phút lâm chung mới có định. Hễ có
niệm là có định ngay lập tức. Và hễ có niệm và có định thì cõi
uế độ đã bắt đầu chuyển hóa để trở thành cõi Tịnh Độ. Như vậy
cõi Tịnh Độ bắt đầu hiện tiền. Chúng ta không đợi đến khi lâm
chung mới đi về Tịnh Độ, mà chúng ta về Tịnh Độ ngay khi ta đang
niệm Phật. Điều này chúng ta phải thấy cho rõ vì nó hết sức quan
trọng, cho nên Đức Phật đã từng nói:
-
- Giáo pháp của Như
Lai mầu nhiệm ngay từ lúc bắt đầu. Giờ phút mà chúng ta nắm lấy
hơi thở và thực tập trong mỗi bước chân là chúng ta đã bắt đầu
thấy có kết quả.
-
Cho nên Tịnh Độ không
những sẽ biểu hiện ra lúc lâm chung, mà còn biểu hiện ra cho
chúng ta lúc ta bắt đầu thực tập niệm Phật. Sử dụng tâm để niệm
Phật, tâm chúng ta lúc ấy trở thành tâm của các bậc thượng thiện
nhân. Khi chúng ta bắt đầu niệm Phật và niệm cõi Cực Lạc thì tâm
chúng ta lúc đó có Phật và có cõi Tây Phương Cực Lạc. Từ trong
chiều hướng nầy, chúng ta có thể nói rằng, nếu quý vị đã có
duyên về Chùa Dược Sư tu học, thì quý vị đã có những hạnh phúc
của Chùa Dược Sư, và khi quý vị rời Chùa Dược Sư thì quý vị cũng
mang hạnh phúc ấy của Chùa Dược đi theo về nơi trú xứ của quý
vị. Nhiều lúc ở nơi trú xứ của quý vị, quý vị gặp nhiều khó
khăn, nhưng khi nghĩ đến những hình ảnh, và hạnh phúc của Chùa
Dược Sư, thì hình ảnh và hạnh phúc ấy sẽ hiện tiền. Như vậy lúc
đó là Chùa Dược Sư đang có mặt trong tâm của quý vị.
-
Tịnh Độ cũng vậy,
không phải chúng ta đi tới Cực Lạc mới có Tịnh Độ, mà Tịnh Độ đi
tới với chúng ta, Tịnh Độ có sẵn trong lòng chúng ta. Dù chúng
ta đang đứng ở chỗ trầm luân nhưng nếu ta nghĩ tới Phật và tới
Tịnh Độ là chúng ta đã thấy khỏe khoắn trong lòng. Những người
không có chỗ để hướng về, không có chỗ để nhớ tưởng, là những
người đã đánh mất chính mình. Chúng ta đã có chỗ để về, có Phật
để tưởng nhớ, là chúng ta đã có hạnh phúc lớn, có phước đức lớn.
Chúng ta có tăng thân cùng tu học, có pháp Phật để hành trì, có
môi trường để thực nghiệm, đó là những điều hết sức quý báu. Do
vậy, chúng ta phải có bổn phận duy trì và phát triển những điều
kiện ấy bất cứ nơi nào mà chúng ta có mặt. Nếu một người trong
giờ phút lâm chung mà an trú được trong định, nếu người ấy không
hề điên đảo và tán loạn thì người ấy sẽ vãng sanh ngay vào nước
Cực Lạc.
-
Điên đảo có nghĩa là
chúc đầu ngược lại. Không điên đảo gọi là chánh trực. Mình biết
trời là trời, đất là đất, Phật là Phật, ma là ma, cái biết đó là
chánh trí. Nếu tâm ý chúng ta lộn xộn, không ổn định, cho trời
là đất, đất là trời, Phật là ma, ma là Phật thì đến lúc lâm
chung, trong tâm trạng điên đảo đó, chúng ta sẽ rơi vào tam ác
đạo. Lúc lâm chung mà chúng ta có định là nhờ chúng ta thực tập
giới, niệm và định trong đời sống hàng ngày. Và vì chúng ta có
thực tập giới, niệm và định, cho nên chúng ta đã bắt đầu có hạnh
phúc ngay trong đời sống hàng ngày rồi, chứ không phải đợi đến
lúc lâm chung chúng ta mới có hạnh phúc. Sở dĩ chúng ta nói đến
lúc lâm chung vì lúc lâm chung là lúc sự tiếc nuối, những ân hận
hay những gì mà chúng ta mong muốn nhưng chưa tròn thường phát
hiện. Do vậy, nếu mỗi hơi thở, mỗi bước chân mà chúng ta có niệm
Phật thì tâm chúng ta lúc nào cũng bình thản, là chúng ta có thể
đem Tịnh Độ về cho chúng ta và chính là lúc chúng ta có hạnh
phúc ngay trong giờ phút hiện tại. Điều này là điều chúng ta
thấy được trong lúc hành trì.
-
Trong giờ
phút nói lên câu này, tâm lý Đức Phật cũng là tâm lý của chúng
ta. Chúng ta cần có một khung cảnh an toàn và hạnh phúc để
chuyển hóa khổ đau, cho nên khi chúng ta đã nghe rồi và hành trì
có kết quả tốt đẹp, sau đó nếu có gặp ai đau khổ là chúng ta
giới thiệu khung cảnh an toàn và hạnh phúc ấy cho họ để họ có
dịp đến đó tu học. Kinh A Di Đà là kinh đức Phật giới thiệu quê
hương Tịnh Độ cho chúng ta.
-
Nói tóm
lại đây là một cảnh giới hoàn toàn thánh thiện không phải chỉ có
Đức Phật Thích Ca ở cõi Ta Bà giới thiệu và hết lòng tán thán
cảnh giới mầu nhiệm nầy, mà cả sáu phương cõi Phật đều hết lòng
ca ngợi xưng tán. Chúng ta có phước duyên được nghe và hành trì
theo giáo Pháp Phật, do vậy nếu có lúc chúng ta hiểu được một
điều ác nhỏ đến đâu chúng ta cũng không làm, và một thiện nhỏ
đến đâu thì chúng ta cũng phải làm, thì khi nghe đến tên Đức
Phật A Di Đà, chúng ta phải coi đó là một cơ hội ngàn vàng,
chúng ta phải nắm lấy và thọ trì sao cho niệm niệm liên tục, cho
đến trạng thái nhất tâm bất loạn thì chính trong giây phút đó là
giây phút chúng ta đang đi về cảnh Tây Phương hay đã sanh về Tây
Phương Cực Lạc rồi.
--o0o--
|
|