TẬP SAN DƯỢC SƯ

Vô Minh & Hành
Thông Trí
--o0o--
 
Vô Minh & Hành là hai trong Mười Hai Nhân Duyên, là một trong những phần giáo lý căn bản của đạo Phật. Trong phạm vi giới hạn chúng tôi không thể trình bày một giáo lý vừa sâu sắc vừa thâm diệu như vậy. Ở đây chúng tôi chỉ xin được giới thiệu một phần nhỏ nồng cốt nào đó của giáo lý duyên sanh nầy. Căn cứ theo lời dạy của Ðức Phật, Pháp Duyên Sanh không phải là một giáo lý mà chúng ta có thể lãnh hội được bằng cách tìm tòi nghiên cứu và lý luận suông, mà chúng ta cần phải có một quá trình thực nghiệm. Phải biết rằng pháp này tuy căn bản nhưng vô cùng thâm diệu, vì vậy nếu không thấu triệt và thông suốt thì chúng ta sẽ thấy thế gian tựa hồ như một cuồn chỉ rối. Và vì không thấu triệt và thông suốt giáo lý này, cho nên con người không thể vượt qua khỏi trạng thái đau khổ, và mãi mãi luân chuyển trong vòng luân hồi. Có người cho rằng giáo lý Duyên Khởi là Điểm Đầu Tiên của sự vật. Cũng có người cho rằng giáo lý Duyên Khởi phát sinh có điều kiện. Vậy bây giờ chúng ta thử tìm hiểu từng quan điểm một.
A- Khái Niệm Về Nguyên Nhân Đầu Tiên
Có một số người vì không thấu hiểu được ý nghĩa thật sự của giáo lý vô cùng quan trọng này, cho nên họ cứ cho rằng đây là định luật nhân quả có tánh cách máy móc, tự động, hay chỉ giản dị là một sự phát sanh đồng thời. Có người cũng cho rằng đây là một điểm đầu tiên của muôn loài vạn vật. Lẽ tất nhiên ai cũng có quyền suy nghĩ như thế, nhưng chúng ta là người khọc Phật nên ghi nhận và lắng nghe lời Phật dạy:
- Trong tư tưởng Phật Giáo không có một cái gì gọi là Nguyên Nhân Ðầu Tiên, và Pháp Duyên Sanh nầy cũng không nhằm đào sâu hay tìm kiếm một nguyên nhân đầu tiên.
Đó là lý do Ðức Phật quả quyết rằng khởi điểm đầu tiên của kiếp người là một cái gì không thể quan niệm được, và tất cả những ý niệm, những khảo sát, và những tranh luận về một sự vật được coi là khởi điểm đầu tiên đều sai lầm.
Thật sự như vậy, bởi vì nếu chúng ta quả quyết phải có một nguyên nhân đầu tiên, tức nhiên chúng ta cũng phải có quyền đòi hỏi một nguyên nhân cho cái gọi là nguyên nhân đầu tiên ấy. Nói như vậy là để xác định rằng:
- Không có gì thoát ra khỏi sự chi phối của định luật điều kiện và nguyên nhân, hay nói cách khác muốn có sự phát sanh phải có cái gì khác tạo điều kiện.
Đây là một định luật thiên nhiên bao gồm toàn thể những gì trong thế gian, ngoại trừ những người không trông thấy, không muốn thấy, hoặc thấy rồi nhưng muốn bưng bít sự thật. Theo ông Aldous Huxley:
- Những ai đã lầm lạc tin tưởng một nguyên nhân đầu tiên nhứt định không bao giờ có thể trở thành một nhà khoa học. Tuy nhiên, vì không biết khoa học là gì cho nên họ không biết là họ đang mất một cái gì.
Ở phương Tây, lối giải thích các hiện tượng bằng cách qui chiếu về một nguyên nhân đầu tiên quả không còn hợp thời nữa, dầu ở trường hợp nào... Theo chiều hướng nầy chúng ta thấy quan niệm về một tự ngã, một thần linh, một đấng tạo hóa cầm quyền thưởng phạt cho những hành động thiện và ác của những gì mà chính đấng tạo hóa ấy tạo nên, quả thật không có chỗ đứng trong tư tưởng Phật Giáo. Sự xác định mạnh mẻ nầy rất có thể đối với những người chủ trương có thần linh, tin tưởng rằng chính tạo hóa toàn năng đã tạo nên chúng sanh và các diễn biến trên thế gian không hài lòng. Có thể những người ấy sẽ quả quyết rằng đó là ý muốn của tạo hóa, và sẽ khép vào tội bất kính đối với những ai nêu lên thắc mắc về quyền lực của đấng tạo hóa mà họ tin tưởng là đấng toàn năng toàn thiện. Có thể nói rằng ý niệm về thần linh ấy đã bóp nghẽn tự do của những người có khuynh hướng tìm hiểu, phân tách tìm kiếm tỉ mỉ, và muốn nhìn xem cái gì nằm phía sau tầm thấy của cặp mắt thường, muốn tìm hiểu coi cái gì đã làm chậm trễ cái tuệ giác tư duy và sự giác ngộ của chúng ta.
Theo quan điểm của Phật Giáo chủ trương rằng mọi sự, mọi vật phát sanh, không phải do một nguyên nhân duy nhất, hay không nguyên nhân mà là do nhiều nguyên nhân. Cá nhân con người cũng vậy, mà cả đến vũ trụ cũng vậy, tất cả đều hoàn toàn nằm trong sự chi phối của định luật thiên nhiên. Định luật thiên nhiên mà chúng tôi muốn nói ở đây chính là định luật nhân quả, và duyên sanh, và định luật này không có khởi điểm, và cũng không có chỗ tận cùng, nghĩa là chúng ta không biết nó bắt đầu từ lúc nào, và chấm dứt khi nào. Bởi vì có tính cách bàn bạc, cho nên chúng ta có thể đưa vào mọi khía cạnh thì chúng ta sẽ thấy:
- Mỗi Quả đều trở thành Nhân, và Nhân đó sanh trở nên Quả. Cứ như thế diễn tiến mãi mãi triền miên.
Nghĩa là ngày nào mà ái dục và vô minh còn cho phép, thì nó vẫn tiếp diễn không ngừng. Thí dụ:
- Như hạt cam là nguyên nhân chánh và gần nhất của một cây cam, và chính cây cam này trở lại là nguyên nhân của nhiều trái cam khác cứ thế mà tiếp diễn không ngừng...
Quả thật không thể quan niệm được một khởi điểm khởi đầu và nơi điểm chấm dứt. Không ai có thể đi ngược dòng thời gian, để phăng trở lên đến điểm khởi nguyên của bất luận vật gì, dầu là khởi điểm của một hột bắp đi nữa, nói chi đến nguyên nhân của loài người. Ði tìm khởi điểm của một quá khứ vô thủy quả thật là vô ích và vô nghĩa lý. Bởi vì đời sống không phải là một thực thể trường tồn, bất di bất dịch, mà là một sự trôi chảy luôn luôn tiếp diễn của những biến đổi sinh lý và tâm lý, và môi trường sống chung quanh của chúng ta. Điều nầy cho phép chúng ta nói rằng:
- Không có lý do để giả định rằng thế gian có một khởi điểm.
Nếu có, thì đó là ý niệm chủ trương sự vật phải có một khởi điểm, của một số cá nhân nào thôi, chứ không phải của toàn khắp, cũng có thể nói thật sự đó là sự phát sanh do trí tưởng tượng nghèo nàn của một số người nào đó không có tuệ giác.
B- Sự Phát Sanh Do Điều Kiện 
Thay vì nói về mọi sự mọi vật trong cuộc đời nầy mà có đều do nguyên nhân đầu tiên, thì Ðức Phật đề cập đến sự phát sanh của mọi sự mọi vật đều do điều kiện hổ tương tác dụng với nhau. Nghĩa là:
- Cái này phát sanh do cái kia tạo điều kiện.
Quả thật như vậy, tất cả mọi vật trong thế gian đều nằm dưới sự chi phối của định luật nhân quả. Hay, nói cách khác, hành động và hậu quả của hành động đều có sự hổ tương tác dụng với nhau. Chúng ta không thể nghĩ đến một vật gì trong vũ trụ tự nhiên mà khởi phát, mà không do một cái gì khác làm nguyên nhân hay tạo điều kiện để hiện hữu. Điều nầy cho chúng ta biết rằng:
- Không có việc gì trong đời nầy gọi là sự rủi may.
Bởi vì mỗi diễn biến nầy đều là hậu quả của những diễn biến khác xảy ra trước đó, mỗi việc xảy ra đều là hậu quả của nhiều nguyên nhân trong quá khứ phối hợp lại, và nhân nào tạo thành quả nấy. Luật nhân quả và luật tương đồng của vạn vật luôn luôn và ở nơi nào cũng chiếm ưu thế. Phật Giáo dạy rằng:
- Tất cả các pháp hữu vi, tức các vật cấu tạo đều khởi sanh, nhất thời tồn tại, và chấm dứt tùy thuộc những điều kiện và những nguyên nhân phụ thuộc.
Mặc dầu là vắn tắt, nhưng những gợi ý trên là những danh từ đã diễn đạt thuyết duyên sanh, hay phát sanh do điều kiện, một cách rõ ràng, rành mạch, không thể lầm lẫn. Trong kinh điển có ghi nhận rằng lúc Ðức Phật ngồi dưới cội bồ đề, tại Bồ Ðề Ðạo Tràng, Ngài suy niệm về pháp Duyên Sanh như sau:
a- Trong canh đầu Ðức Phật suy niệm về pháp Duyên Sanh theo chiều sanh khởi của vạn pháp như sau:
- Khi có cái này, cái kia phát sanh. Với sự phát sanh của cái này, cái kia phát sanh.
Tức là:
- Tùy thuộc nơi Vô Minh, có Hành. Tùy thuộc nơi Hành, có Thức .. v.. v.. Ðó là sự phát sanh của toàn thể khối đau khổ này.
b- Vào canh giữa của đêm ấy, Ðức Phật suy niệm về pháp Duyên Sanh theo chiều chấm dứt của vạn pháp như sau:
- Khi cái này không có, cái kia không phát sanh. Với sự chấm dứt của cái này, cái kia chấm dứt.
Tức là:
- Với sự chấm dứt rõ ràng của Vô Minh, thì Hành chấm dứt .. v.. v.. Như vậy chấm dứt toàn thể khối đau khổ này.
Cả hai yếu tố phát sanh và chấm dứt của pháp duyên sanh đều có từ đầu đến cuối. Thí dụ, với sự phát sanh của Vô Minh, Hành phát sanh  .. v.. v.. Với sự chấm dứt của Vô Minh, Hành chấm dứt .. v.. v..
c- Trong canh cuối cùng, Ðức Phật suy niệm về pháp Duyên Sanh theo cả hai chiều, phát sanh và chấm dứt, của vạn pháp, như sau:
- Khi có cái này, cái kia phát sanh. Với sự phát sanh của cái này, cái kia phát sanh. Khi cái này không có, cái kia không phát sanh. Với sự chấm dứt của cái này, cái kia chấm dứt.
Tức là:
- Tùy thuộc nơi Vô Minh, Hành phát sanh .. v.. v .. Như vậy phát sanh toàn thể khối đau khổ này. Do sự chấm dứt rõ ràng của Vô Minh, Hành chấm dứt .. v.. v.. Như vậy, chấm dứt toàn thể khối đau khổ này.
Theo chiều phát sanh, pháp duyên sanh biểu hiện tiến trình của sự hình thành. Nói cách khác, sự xuất hiện hay phát sanh của đau khổ và tiến trình của sự hình thành ấy được tạo điều kiện hổ tương với nhau để phát sanh.
Suy theo chiều chấm dứt, pháp Duyên Sanh đề cập một cách rất minh bạch và giản dị đến sự chấm dứt tiến trình của sự thình thành ấy và sự chấm dứt những điều kiện bảo tồn tiến trình ấy, tức con đường tiêu trừ đau khổ.
Xuyên qua những lời dạy trên chúng ta thấy rõ ràng rằng pháp Duyên Sanh cùng với mười hai yếu tố, là lời giáo huấn của chính Ðức Thế Tôn chớ không phải là một công trình được sáng tác sau nầy như có người đã lầm tưởng. Trong khi chưa thấu hiểu đầy đủ ý nghĩa của pháp Mười Hai Nhân Duyên, mà vội vàng phê phán, vội vàng kết luận như vậy quả thật không hợp lý.
Bàn về giáo lý Duyên Sanh thường được giải thích bằng nhiều danh từ có tính cách thực hành. Nhưng đây không phải là một giáo lý, lý thuyết suông mà chúng ta có thể áp dụng vào đời sống thông thường hàng ngày, mặc dầu bề ngoài pháp này có vẻ là như vậy. Chỉ vì để được giản dị và vắn tắt nên lối giải thích thường phải được trình bày như vậy. Nhưng những người đã từng học Phật là những người đã quen thuộc giáo lý của Phật thì sẽ hiểu rằng lời giáo huấn của pháp Duyên Sanh bao hàm những gì đưa đến nguyên tắc căn bản của minh giác, và tuệ giác trong thiện pháp. Xuyên qua giáo lý Duyên Sanh có liên quan đến tất cả sự vật trên thế gian, chúng ta có thể nhận thấy phần tinh hoa trong cái nhìn của Ðức Phật vào đời sống. Vậy, muốn thấu triệt chơn chánh lối giải thích về thế gian của Ðức Phật, chúng ta phải thấu đạt vững vàng và trọn vẹn giáo lý nồng cốt của lý Duyên Sanh. Chúng ta cũng cần ghi nhận rằng giáo lý Mười Hai Nhân Duyên không phải là công trình của oai lực Thần Linh, tạo nên, cho nên dầu có Ðức Phật hay không, thì sự kiện:
- Do cái này có, cái kia hình thành.
- Do sự phát sanh của cái này, cái kia phát sanh.
- Do cái này không có, cái kia không có.
- Do sự chấm dứt của cái này, cái kia chấm dứt...
.... vẫn hiện hữu. Nghĩa là dầu có Đức Phật hay không thì sự phát sanh do điều kiện hổ tương này tiếp diễn mãi mãi vô cùng tận cũng vẫn hiện hữu, không bao giờ gián đoạn, và không bị một nguyên lý hay năng lực nào từ bên ngoài kiểm soát. Nghĩa là nó vẫn liên tục và trải dài từ quá khứ đến hiện tại, và từ hiện tại đến tương lai.
Ðức Phật khám phá chơn lý vĩnh cửu ấy, trước là Ngài đã tự giải quyết những phứt tạp cho bản thân của Ngài, và Ngài cũng giúp cho chúng ta giải quyết mọi phức tạp của đời sống, và phá tan nỗi bí ẩn của kiếp nhơn sinh bằng cách làm cho chúng ta thấu hiểu trọn vẹn và đầy đủ pháp Duyên Sanh, cùng với mười hai yếu tố, và truyền dạy đến những ai có đủ trí sáng suốt để muốn thấy ánh sáng. Ngài truyền dạy với bàn tay mở rộng ra, không giữ lại điều chánh yếu nào cho Ngài cả. Do va6.y, bây giờ chúng ta hãy tuần tự đề cập đến mỗi yếu tố của pháp Mười Hai Nhân Duyên là mười hai vòng khoen bắt đầu từ Vô Minh và chấm dứt nơi Lão Tử, cho chúng ta thấy tại sao con người, đã bị trói chặt, phải mãi mãi lặn hụp trong vòng luôn hồi, từ kiếp này sang kiếp khác. Hiểu được mười hai vòng khoen và sự kết cấu của nó thì chúng ta có thể tiêu trừ mười hai yếu tố ấy, và như thế con người có thể tự giải thoát ra khỏi mọi đau khổ và luân hồi. Ðức Phật đã chỉ dạy phương cách chấm dứt cuộc lập đi lập lại triền miên ấy. Chính nhờ sự cố gắng chận đứng lại bánh xe luân hồi ấy mà chúng ta có thể tìm con đường thoát ra khỏi mọi rối loạn phức tạp của đời sống. Câu Phật ngôn liên quan đến sự chấm dứt đau khổ được trình bày như sau:
- Do sự chấm dứt trọn vẹn Vô Minh, Hành chấm dứt,
- Do sự chấm dứt trọn vẹn Hành, Thức chấm dứt
.................................
- Do sự chấm dứt trọn vẹn Hữu, Sanh chấm dứt,
- Do sự chấm dứt trọn vẹn Sanh, Già và Chết, phiền não, ta thán, đau khổ, âu sầu và tuyệt vọng cũng chấm dứt.
Vậy, toàn thể khối đau khổ chấm dứt.
Theo Phật Giáo, thời gian chỉ là một khái niệm, mặc dầu vậy, trong ngôn ngữ thông thường, để diễn đạt chơn lý qui ước chúng ta nói đến ba thời kỳ, và công thức Thập Nhị Nhân Duyên bao gồm cả ba thời kỳ ấy là: Quá khứ, hiện tại, và tương lai.
Hai yếu tố đầu tiên, Vô Minh và Hành, thuộc về quá khứ. Tám yếu tố kế đó, từ Thức đến Hữu, thuộc về hiện tại, và sau cùng, cặp Sanh và Lão Tử, thuộc về vị lai. Trong Vòng Luân Hồi có ba nấc khoen nối liền.
- Giữa Hành yếu tố cuối cùng của thời quá khứ
Và:
- Thức, yếu tố đầu tiên trong hiện tại, có sự nối liền nhân quá khứ vào quả hiện tại. Thức, Danh Sắc, Lục Căn, Xúc, và Thọ là quả trong hiện tại do Vô Minh và Hành trong quá khứ tạo nên.
- Do năm yếu tố Thức, Danh Sắc, Lục Căn, Xúc, và Thọ phát sanh ba yếu tố kế đó là Ái, Thủ, và Hữu.
Ba yếu tố này tạo duyên đưa đến trong tương lai. Như vậy khoảng giữa Thọ và Ái có sự nối liền khác để liên kết quả hiện tại vào nhân hiện tại. Vì có Ái, Thủ và Hữu trong hiện tại, cho nên có Sanh và Lão Tử trong tương lai. Do đó, giữa Hữu và Sanh có một sự nối liền nữa. Ba nấc khoen nối liền này chia vòng sinh tồn làm bốn chặn:
1-     Vô Minh, Hành,
2- Thức, Danh Sắc, Lục Căn, Xúc, Thọ,
3- Ái, Thủ, Hữu,
4- Sanh, Lão Tử.
Trong phạm vi bài viết nầy chúng tôi chỉ đề cập đến điểm đầu tiên là Vô Minh & Hành.
I- Vô Minh
Vô Minh có nghĩa là si mê, là không thông suốt hay không có tri kiến. Vô Minh là không có tri kiến của bậc Chánh Giác. Nói cách khác, Người được coi là Vô Minh là người không thông hiểu Bốn Diệu Ðế, không thông hiểu Mười Hai Nhân Duyên. Do sự không thông suốt như vậy cho nên người vô minh thường hay duy trì những quan kiến sai lầm của họ chẳng hạn như:
- Vô thường mà cứ cho là vĩnh cửu trường tồn,
- Đau khổ phiền muộn mà xem đau khổ là an lạc hạnh phúc,
- Vô ngã mà cứ cho là linh hồn trường cửu,
- Không có thần linh tạo hóa mà cho rằng có,
- Ô nhiễm mà cứ thấy là thanh tịnh.
Người vô minh là người không nhận ra được bản chất kết hợp của năm uẩn hay tâm và thân, danh và sắc. Vô Minh hay si mê, ảo kiến, là một trong những căn nguyên sanh ra tất cả mọi ô nhiễm, tất cả hành động không lương thiện. Tất cả những ý niệm sai lầm có thể quan niệm được đều là hậu quả của Vô Minh. Không thể có hành động nào, dầu biểu lộ dưới hình thức tư tưởng, lời nói, hay việc làm của: Thân, miệng, ý mà không tùy thuộc, và không phát sanh do Vô Minh. Vì lẽ ấy Vô Minh được kể là vòng khoen đầu tiên của sợi lòi tói Mười Hai Nhân Duyên. Tuy nhiên, Vô Minh không phải là một khởi điểm đầu tiên, hay là khởi nguyên cùng tột của muôn loài vạn vật. Chắc chắn nó không phải là Nguyên Nhân Ðầu Tiên, vì trong tư tưởng Phật Giáo không thể có quan niệm về nguyên nhân đầu tiên. Giáo lý Duyên Sanh có thể được hình dung bằng một vòng tròn, bởi vì đó là sự tuần hoàn của kiếp sinh tồn. Trên một vòng tròn, bất luận điểm nào cũng có thể là khởi điểm. Mỗi yếu tố của vòng Mười Hai Nhân Duyên, và tất cả các yếu tố ấy, đều có thể đứng chung lại bên cạnh một yếu tố khác trong vòng. Do đó không có yếu tố nào tự mình đứng lẻ loi một mình và tác động một cách riêng rẽ, độc lập, không tùy thuộc các yếu tố khác. Tất cả đều tùy thuộc lẫn nhau và không thể tách rời nhau. Không có yếu tố nào độc lập đơn độc, vì thế mà pháp duyên sanh là một tiến trình liên tục, không gián đoạn. Trong tiến trình ấy không có cái gì bền vững hay đứng nguyên một chỗ mà tất cả đều linh động. Ðó là sự khởi phát của những điều kiện luôn luôn biến đổi tùy thuộc những điều kiện khác đang dần dần tan biến. Ở đây không tuyệt đối là có sự sinh tồn, cũng không hoàn toàn là không có sự sinh tồn mà chỉ có những hiện tượng liên tục tiếp diễn.
Có thể chấp nhận Vô Minh, là yếu tố đầu tiên trong chuỗi dài của những yếu tố, không phải là nguyên nhân đơn độc, duy nhứt, tạo điều kiện cho yếu tố thứ nhì là Hành phát sanh. Nếu có lúc chúng ta thấy một cái đảnh có ba chân bằng nhau, và nâng đỡ lấy nhau thì cái đảnh trên đó được ngay ngắn vững chắc. Nếu một trong ba nhánh ấy bị sụm thì hai nhánh kia cũng ngả nghiêng. Cũng thế ấy, những yếu tố trong Mười Hai Nhân Duyên cũng nâng đỡ lấy nhau bằng nhiều cách.
II- Hành
Hành là hành động, tạo tác. Do Vô Minh mà phiền não nổi lên, làm cho thân, miệng, ý, tạo tác ra các nghiệp lành hay dữ nên gọi là Hành. Tùy thuộc Vô Minh, phát sanh ra Hành với đặc tánh đưa đến tái sanh. Những vật cấu tạo và phát sanh do điều kiện tức là tất cả những vật phát sanh như hậu quả của những nhân và điều kiện trước đó, và tác động như nhân và điều kiện để cho quả khác phát sanh sau này thì nhà Phật gọi là Hành.
Vô Minh bắt nguồn từ bên trong con người, làm cho con người trở nên mù quáng, không nhận định được hành động của mình đúng theo sự thật, và do đó ái dục lôi cuốn chúng ta đến những hành động mới khác nữa. Nếu không có Vô Minh thì chắc chắn không có hành động tiếp theo sau đó. Không có hành động do Vô Minh tạo điều kiện để khởi phát thì sẽ không có cái quả tái sanh, một khi không có quả tái sanh thì toàn thể khối đau khổ sẽ chấm dứt.
Như chúng tôi đã trình bày ở trên, trong hai chi đầu: Vô Minh và Hành thuộc về kiếp sống quá khứ. Vì vậy nếu Hành trong sạch thì có thể đưa đến kết quả là tái sanh tốt, tức là sanh vào những cảnh giới thanh nhàn, an lạc. Còn nếu Hành ô nhiễm thì có thể đưa đến kết quả tái sanh xấu, tức sanh vào những cảnh giới thấp hèn, đau khổ. Ở đây, chúng ta nên ghi nhận rằng tất cả hành động thiện và ác đều do Vô Minh tạo điều kiện để phát khởi. Ðến đây một câu hỏi có thể được nêu lên:
- Làm thế nào để biết những hành động phát sanh do Vô Minh tạo điều kiện lại có thể đưa đến tái sanh tốt?
Câu trả lời rằng những hành động phát sanh không có si mê và ái dục của con người thì có thể đưa đến tái sanh tốt. Quả thật như vậy, từ trạng thái của người phàm tục, nếu chúng ta biết tu tập có giới đức, hoặc chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ đạo hạnh và sẵn sàng để chứng quả nhập lưu, cho đến ngay khi đạt thành đạo quả A La Hán, tất cả những hành động thiện, là những hành động trong đó tri kiến chiếm ưu thế không có si mê và ái dục. Như vậy hàng động không có si mê và ái dục là hành động thiện, là hậu quả trực tiếp của một sự hiểu biết chơn chánh. Sở dĩ có những kết quả tốt đẹp như vậy không phải do vì không si mê và không ái dục, mà người kia không làm những hành động sát sanh .. v.. v... mà chính vì người ấy có đủ trí tuệ để thấy những hậu quả xấu của hành động không lương thiện, và cũng vì người ấy có những phẩm hạnh như từ bi và giới đức. Quả thật như vậy, cũng là một con người như bao nhiêu con người khác, tuy nhiên có những trường hợp ngoại lệ, nghĩa là chúng ta không thể hành động với tâm tuyệt đối dứt khoát và hoàn toàn trí tuệ giống như chư Bồ Tát hay Phật, nhưng đối với người thông minh và đức hạnh, cũng có thể có một mức độ trí tuệ nào vừa thích nghi để hiểu biết cái gì là tốt đẹp, và hành động nào cũng trong sạch và khôn ngoan, thì cũng có thể đem lại quả lành.
Trên thế gian nầy, ngày nay có nhiều việc, có những người làm mà không có hy vọng được tán thưởng hay công nhận, có những người làm vì lòng bi mẫn hay để đem lại sự hiểu biết, hòa bình cho con người và cuộc đời .. v.. v... Những việc ấy chắc chắn phải được căn cứ trên đức tri kiến và hạnh dứt bỏ, có lẽ không phải theo ý nghĩa đạo lý, tín điều, hay siêu hình suông mà dưới ánh sáng của tư tưởng lành mạnh, tuệ giác chân chánh, không độc đoán, không bị ảnh hưởng của tín điều thì cũng có thể đem lại quả lành.
Sự hiện hữu của Vô Minh và Ái Dục ở bên trong một người không có nghĩa là người ấy không bao giờ có thể hành động với trí tuệ và với tâm dứt bỏ. Nghĩa là họ cũng có thể thực hiện những hành động thiện mà không có ẩn ý mạnh mẽ ước muốn được đền đáp lại trong kiếp sống này, nhưng có thể sâu ẩn trong tiềm thức vẫn có sự ham muốn được tái sanh tốt đẹp, êm dịu và sâu kín, hay một cảm giác nhẹ nhàng trong sự ước mong được ân thưởng về sau.
Cũng có người có thể làm một điều thiện vì lòng từ bi và không ẩn ý vụ lợi, nhưng trong lúc ấy, có thể người kia thiếu sự thấu hiểu trọn vẹn và đầy đủ, bản chất thật sự của đời sống là vô thường, khổ não và vô ngã. Sự kiện không thấu hiểu bản chất thật sự của đời sống tuy không phải thô kịch và lộ liễu như tâm Si để dẫn đến hành động hung bạo, nhưng cũng đưa đến hành động trong sạch, tạo nghiệp lực đem lại tái sanh tốt.
Trong năm cảnh tái sanh, chúng ta thấy cảnh tái sanh làm con người là thù thắng hơn hết. Ngoài ra các tái sanh tốt khác dầu vào cảnh Trời đi nữa cũng vẫn là tạm thời, không bền vững, và liền sau khi hết tuổi thọ nơi đó, có thể tiếp theo bằng một tái sanh xấu, đưa vào những trạng thái bất hạnh.
Có tính cách tản mạn hơn, chúng ta thấy sự không thấu hiểu thúc đẩy và nhuộm màu hành động thiện. Như vậy người kia thực hiện hành động thiện là do sự thúc đẩy của lòng ham muốn được gặt quả lành trong một kiếp sống nhàn lạc ở cảnh Trời, hay cảnh người. Ðó là không thấu hiểu bản chất vô thường và khổ não của mọi kiếp sinh tồn trong tam giới. Sự không thấu hiểu ấy trở thành một điều kiện đưa đến tái sanh tốt. Bằng cách ấy, và bằng các lối khác, Vô Minh có thể tác hành như điều kiện đưa đến tái sanh tốt bằng cách thúc đẩy và nhuộm màu những hành động tốt có tác ý của một bản chất tại thế. Ðó là bản chất cố hữu của Vô Minh.
Vô Minh, hay không thấu hiểu bản chất thật sự của đời sống, trước hết là không thấu đạt Tứ Diệu Ðế. Chính vì không thông hiểu những chân lý ấy mà chúng ta cứ mãi mãi phiêu bạt trong vòng luân hồi, sanh tử triền miên, trở đi trở lại.
Chỉ có hành động của người đã trọn vẹn tận diệt tất cả những khuynh hướng tiềm tàng và tất cả những chi nhánh khác nhau của nhân đau khổ mới không tạo nghiệp lực dẫn đến tái sanh, bởi vì các hành động ấy không có năng lực tái tạo. Hạng người ấy là bậc A La Hán, bậc Toàn Thiện, là hạng người mà có nhãn kiến sáng tỏ và tuệ giác sâu sắc, thông suốt sâu xa vào tận thâm cung bí hiểm của đời sống, là hạng người đã hoàn toàn dập tắt mọi hình thức ái dục, thấu triệt bản chất thật sự của vạn pháp, nằm phía dưới những lớp mặt che ở trên. Nếu chúng ta cũng làm được như thế thì chúng ta đã vượt lên tất cả sắc tướng, trên tất cả mọi lầm lạc, đã tuyệt đối không thể lầm lẫn. Và chỉ có tuệ giác chân chánh mới đem lại được khả năng ấy, nếu chúng ta là một con người như vậy, thì chúng ta đã thoát ra khỏi Vô Minh và hành động không đưa đến tái sanh.
Trong thế gian nầy không có cái gì đứng nguyên một chỗ, mà tất cả đều quay cuồng theo dòng đời, không ngừng nghỉ. Chúng ta cứ mãi mê đắp xây những mộng đẹp, kiến tạo những ước vọng tươi tốt và thảo những kế hoạch cho ngày mai. Nhưng một ngày kia, giờ phút chúng ta ra đi có thể đến một cách đột ngột, bất ngờ và chấm dứt kiếp sống ngắn ngủi này, cùng với những ước vọng, những mộng đẹp và những chương trình. Nhưng nếu ngày nào mà chúng ta còn bám bíu vào kiếp sinh tồn vì chưa thoát ra khỏi Vô Minh, Ái Dục và Thủ thì cái chết chưa phải là mức chấm dứt cuối cùng, mà chúng ta còn tiếp tục mang theo gánh nặng, quay cuồng trong bánh xe của đời sống, còn phải bị vướng víu, giày xéo, và tả tơi quằn quại trong những cây căm của bánh xe này. Vậy, chúng ta hãy nhìn vào thế gian, hãy nhìn những hạng người rất khác biệt nhau chung quanh ta, nhìn những hoàn cảnh có phước và bất hạnh sai biệt rất xa nhau, chúng ta sẽ thấu hiểu rằng những sự kiện ấy không thể chỉ do ngẫu nhiên hay may rủi mà ra.
Một năng lực ngoại lai hay một động lực nào từ bên ngoài, kể cả những hình phạt, những việc làm dữ và ân thưởng cho những hành động lành của chúng ta không thể có chỗ đứng trong tư tưởng Phật Giáo. Người Phật tử không bao giờ cầu cạnh một trung gian cho dù là trung gian đó có nguồn gốc đặc biệt nào, hay vái van một nhơn vật bí ẩn không bao giờ được biết đến, để mong nhờ siêu thoát. Ngay đến như Ðức Thế Tôn là một bậc đã giác ngộ cũng không thể đem ai ra khỏi những trói buộc của vòng luân hồi. Chính trong tay chúng ta có đủ khả năng uốn nắn đời sống của chúng ta. Phật tử là người tin tưởng ở hiệu năng của hành động thiện và không lương thiện, nghĩa là tin ở lý nghiệp báo.
Theo giáo lý của Ðức Phật, nguyên nhân trực tiếp của mọi chênh lệch, không bình đẳng của mọi khác biệt giữa những cá nhơn trong đời sống, là hành động thiện và bất thiện của mỗi cá nhơn tức là cái biệt nghiệp của mỗi chúng sanh trong quá khứ. Nói cách khác, mỗi người chúng ta đang gặt hái những gì chính mình đã gieo trồng trong quá khứ. Cũng vậy, hành động của con người ở đây cũng là để xây dựng tương lai cho con người trong một ngày mai.
Con người luôn luôn thay đổi từ tốt ra xấu, hay từ xấu ra tốt. Sự biến đổi ấy là một điều tất phải có, không thể tránh, và hoàn toàn tùy thuộc nơi hành động của chính con người chúng ta và hoàn cảnh chung quanh chúng ta. Nếu chúng ta chỉ dừng lại trong giây phút và bình tâm quan sát, vô tư suy luận, và sáng suốt tìm hiểu sự vật, thì chúng ta sẽ nhận thức rằng, những khác biệt cách nhau rất xa kia, hẳn không phải là công trình của một nguyên lực ngoại lai hay một chúng sanh siêu việt nào, mà ở đó chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta phải gánh chịu trách nhiệm về những hành động của chúng ta, và chúng ta là người tạo ra cái nghiệp của chính chúng ta.
Quả thật không thể quan niệm được một nguyên lực ngoại lai, hay một chúng sanh toàn năng nào có khả năng ban bố phước lành nhiều hay ít khác nhau cho những người khác nhau và đôi khi lại vồn vã cho riêng đến một cá nhơn riêng biệt. Như vậy, nếu có nói thì chúng ta phải nói như thế nầy:
- Bất luận điều gì mà người kia làm, chính điều ấy sẽ trở lại. Người tốt gặp điều tốt, người làm việc xấu tất nhiên phải gặp xấu. Vậy, hành động của chúng ta tựa hồ như hột giống. Giống nào sanh quả nấy.
Trong chiều hướng chúng ta có thể nói:
- Người bần cùng, làm việc cực nhọc như nô lệ, có thể trở nên một ông hoàng tử do lòng tốt xứng đáng và công đức thâu đạt. Người cầm quyền cai trị thiên hạ như một vì vua, có thể rách rưới lang thang, vì những việc ác đã làm và những thiện việc không làm.
Người Phật tử chúng ta không bao giờ phiền trách Ðức Phật hay một chúng sanh siêu nhơn, một vị Trời, hoặc một nhơn vật quyền thế nào khác đã làm cho chúng ta phải chịu đau khổ. Cũng không bao giờ tán dương các Ngài vì đã ban bố phước lành mà con người được thọ hưởng. Chính sự hiểu biết về nghiệp và hậu quả của nghiệp, hay định luật nghiệp báo, tức định luật nhân quả trong lãnh vực tinh thần đạo đức, thúc giục người Phật tử thuần thành không làm điều bất thiện và cố gắng làm những việc thiện. Người đã thấu hiểu nhân và quả, đã biết rõ rằng chính hành động của mình đã tạo để rồi chính mình sanh đi lên các cảnh giới cõi trên, hay tự chính chúng ta phải đi xuống các cảnh giới thấp kém chớ không một yếu tố nào bên ngòai làm cho chúng ta khốn khổ. Chúng ta cũng nên nhận thức rõ ràng rằng nguyên nhân trực tiếp tạo nên mọi chênh lệch trong kiếp nhơn sinh là các hành động thiện và không lương thiện khác nhau của mỗi cá nhơn trong những kiếp sống quá khứ và trong kiếp hiện tại.
Nói tóm lại Muời Hai Nhân Duyên, là một trong những phần giáo lý căn bản của đạo Phật. Trong vòng luân hồi có ba nấc khoen nối liền, và chia vòng sinh tồn làm bốn chặn, mà trong đó Vô Minh, và Hành là hai yếu tố đầu tiên trong chuỗi dài của những yếu tố, do đó chấm dứt Vô Minh & Hành thì sanh lão Tử cũng chấm dứt.
--o0o--