TẬP SAN DƯỢC SƯ

Tấm Lòng Như Biển
Trúc Giao
--o0o--

 

Biển là nơi dung chứa tất cả trăm sông ngàn suối, dù cho là nước đục hay nước trong, nước dơ hay nước sạch từ nguồn, suối sông đổ ra biển. Rồi ở đó chúng ta chỉ nhận một hương vị duy nhất đó là hương vị mặn. Nói là tấm lòng như biển là muốn nói đến tâm lượng của chúng ta, khi mà chúng ta biết thực tập như vậy, thì trên cuộc đời nầy, trong con mắt chúng ta không ai là xấu, trái lại chúng ta thấy ai cũng là con người lương thiện dễ thương. Để làm bổ túc tinh thần nầy, xin kể cho đại chúng nghe câu chuyện:
- Trong một thiền viện nổi tiếng, vị Thiền Sư hướng dẫn gần cả ngàn Thầy Tỳ Kheo, và mặt dầu dưới sự hướng dẫn của một bậc Thầy tài danh, đúng lý đại chúng sống rất an lạc, tuy nhiên trong đại chúng không những không an lạc mà còn bị những xáo trộn, lo âu, và thất vọng. Lý do là trong đại chúng mỗi ngày, không người nầy mất vật nầy, thì người kia cũng mất vật kia. Và cả ngàn người như vậy, ai cũng đều bị mất cắp.
Nguyên do là trong số các Thầy Tỳ Kheo đó có một Thầy mắc phải một cái tật ăn cắp. Mặc dầu Thầy bị những người đồng tu bắt gặp nhiều lần, và khuyến cáo nhưng Thầy Tỳ Kheo ấy tánh nào tật nấy không thay đổi.
Chuyện phải đến đã đến, một ngày nọ cả đại chúng kéo nhau đến trước hương thất của bậc Thầy quý kính của họ. Ai cũng trình bày những mất mát của mình, và lên án Thầy Tỳ Kheo kia. Tất cả mọi người đồng thanh yêu cầu vị Thầy khả kính của họ: Kính bạch Thầy, đứng trước sự kiện nầy chúng con có hai yêu cầu xin Thầy lựa chọn:
- Nếu muốn chúng con ở đây tu học với Thầy, thì Thầy phải đuổi ông Tỳ Kheo trộm cắp đi chỗ khác.
- Còn nếu, Thầy chấp nhận vị Tỳ Kheo trộm cắp kia thì chúng con xin từ giả Thầy đi tu nơi khác.
Sau khi nghe đại chúng trình bày, bậc Thầy khả kính kia ôn tồn bảo:
- Ðược các con có muốn tu ở đây với ta thì tu, còn muốn đi nơi khác thì cứ đi. Cửa thiền luôn luôn lúc nào cũng mở rộng, các con vào đây tu được thì ra cũng được, cái đó ta không ngăn cản quyền quyết định của các con.
Sự quyết định dứt khoát của bậc Thầy khả kính làm cho một số lượng lớn các Thầy Tỳ Kheo bỏ thiền viện đi nơi khác. Chỉ còn lại một số ít, mặc dầu không thích Thầy Tỳ Kheo trộm cắp kia, nhưng vì mến Thầy nên họ không nở rời xa nơi mà họ đã một thời tu học mến yêu.
Lại một lần nữa các Thầy còn lại, liền kéo nhau đến hương thất của bậc Thầy khả kính, yêu cầu Thầy lên tiếng để giữ các Thầy Tỳ Kheo định đi nơi khác đó ở lại, nhưng bậc Thầy khả kính kia đã trả lời:
- Thật ra, ta biết các Thầy ấy rất giỏi, về phương diện khả năng cũng như là tâm lý, các Thầy khôn ngoan biết chiều chuộng mọi người, thông minh lanh lẹ, cho nên họ có ở đây, hay ở bất kỳ nơi nào cũng không có gì trở ngại cho họ, cho nên ta cứ để cho họ đi mà không giữ họ. Nếu họ thấy nơi nào an ổn thoải mái, có thể nương tựa tu học được thì họ cứ đến. Tuy nhiên nếu Thầy Tỳ Kheo trộm cắp kia, Thầy ấy không ở được nơi đây thì không có nơi nào có thể dám chứa Thầy ấy hết. Ðó là lý do mà ta phải bảo bọc Thầy ấy.
Lời dạy ngọt ngào dễ thương của bậc Thầy quý kính đã lọt đến tai vị Thầy Tỳ Kheo trộm cắp kia, và một sự mầu nhiệm đã xảy ra. Ðó là vị Thầy Tỳ Kheo trộm cắp kia, đã đến quỳ bên cạnh bậc Thầy khả kính, đôi dòng nước mắt chảy dài trên gương mặt tiều tụy, với lời thú tội chân tình và hứa hẹn từ bỏ không còn tái phạm trộm cắp nữa.
Qua câu chuyện nầy, có thể giải đáp cho chúng ta thấy, vì sao đã nhiều ngày, nhiều tháng đã từng xảy ra trộm cắp, các người bạn của Thầy ấy đã từng bắt gặp và đã từng cảnh cáo nhưng Thầy ấy vẫn không thể nào chừa bỏ tánh hư tật xấu. Thế mà vì một lời nói nhẹ nhàng ngọt ngào của bậc Thầy mà có thể chuyển đổi được một cuộc đời đen tối của Thầy Tỳ Kheo đó. Ðó chính là tấm lòng như biển của bậc Thầy khả kính đã trao tặng, cảm hóa được Thầy Tỳ Kheo kia. Vì thực sự những gì xảy ra trong thiền viện từ trước đến sau vẫn không thoát khỏi sự hiểu biết, nhìn thấy của bậc Thầy khả kính đó, Ngài biết hết tất cả những gì xảy ra trong thiền viện, tuy nhiên Ngài không nói chứ không phải Ngài không biết. Bởi vì với một Tấm lòng như biển mới có thể dung chứa được những tánh hư tật xấu của đệ tử mình. Và cũng chính với một tấm lòng như biển mới có thể làm cho Thầy Tỳ Kheo kia tự mình cảm thấy xấu hổ, xấu hổ là vì có mặc cảm mình có tật xấu đó, mình không  xứng dáng là để tử của vị Thầy có đức tính cao quý cao vời vợi kia, và tự mình sửa đổi chứ không ai có thể bảo Thầy bỏ được. Do vậy chúng ta có thể nói rằng:
- Những ý kiến mà chúng ta tìm thấy, thì chúng ta tự tin hơn là những ý mà mọi người đã đặt trong mâm bạc để dâng lên cho chúng ta. Những cái gì nghĩ là của chúng ta, chúng ta tin tưởng hơn là những người khác xúi chúng ta làm.
Nếu chúng ta đã hiểu điều đó là đúng, mà chúng ta còn nhất định bắt buộc người khác phải theo ý của chúng ta thì thật sự chúng ta còn vụng về lắm, là tại vì người kia không phải là mình. Cái mà chúng ta nghĩ là đúng không chắc đã đúng với người khác. Cho nên chúng ta phải biết khéo léo trong việc dẫn khởi vài ý tưởng rồi để cho người ta tự quyết định lấy, kết luận ấy mới thực sự là khôn. Cho nên mặc dù tu là giải thoát an lạc, nhưng mà lúc nào Đức Phật cũng nói Ngài chỉ là người dẫn đường, còn việc ai tu thì người đó chứng, Ngài không có khả năng đem hạnh phúc đến cho mọi người, nếu chúng ta muốn có an lạc thì chúng ta tu. Cho nên có câu thường nói:
- Ðường đạo tuy bằng song khó dắt
Phải do nơi kẻ quyết lòng đi.
Chúng ta có đi thì tới mà không đi không tới, nghĩa là tự chúng ta quyết định để chúng ta lấy những cái gì để chúng ta suy tư, đó mới thực là khôn ngoan. Nếu chúng ta biết áp dụng như vậy thì chúng ta sẽ rất giỏi về tâm lý.     
Ðến đây chúng tôi xin được giới thiệu đến đại chúng một vài kinh nghiệm:
            01- Hảng Xe Detroit
Ông Aldo ở Detroit, là người trông nom việc bán xe trong một hảng xe hơi lớn, có một số người giúp việc vừa bất tài, vừa không trật tự. Ông Aldo là người có bổn phận là gieo sự hăng hái trong lòng nhóm người vừa phá phách, vừa vô kỷ luật, vô hy vọng đó. Trong hảng mới giao trách nhiệm cho ông Aldo, phải làm thế nào để cải thiện cách làm việc của những người nầy. Khi được giao trách niệm đó, ông Aldo bèn họp cả nhóm lại, rồi khuyến khích họ có nguyện vọng gì cứ nói thẳng ra không cần ngại chi cả, rồi ông hứa sẽ hết sức làm cho họ vừa lòng. Khi nghe nói như vậy, ai cũng đề nghị mình cần cái nầy, mình cần cái kia, kể cả việc tăng lương. Ðến lượt ông Aldo, ông hỏi lại họ:
            - Bây giờ các vị cho tôi biết hy vọng của tôi mong đợi ở các vị được những gì?
            Khi nghe ông Aldo hỏi như vậy cả nhóm đồng thanh nói:
            - Chúng tôi xin chân thành, uy tín, ngay thẳng và cương quyết trong vấn đề làm việc.
Kết quả là sau cuộc nói chuyện đó, hết thảy mọi người đều làm việc với lòng hăng say, can đảm và với những sáng kiến mới lạ, thành ra vì vậy mà số lượng hàng bán tăng lên một cách kỳ lạ, mà theo sử trong hảng xe đó họ bảo là chưa từng thấy.
Ông Aldo sở dĩ mà ông thành công trong vấn đề nầy, chúng ta thấy nếu ông là ngượi hẹp lượng ông sẽ làm như thế nầy:
- Tụi bay mà lạng quang tao đuổi việc cho coi ...
Nếu tấm lòng của ông Aldo không cởi mở thì ông đuổi hết lớp người cũ và nhận vào lớp người mới thì quá khỏe, nhưng ông không làm vậy, mà trái lại ông hỏi những tâm tư nguyện vọng của mọi người, muốn cái gì để ông sẽ thỏa mãn cái đó. Ở nơi nầy chúng ta ghi nhận tài ông Aldo ở chỗ là ông thấy được khả năng của mọi người, và ông quyết định sửa đổi cách hành xử của mọi người. Chúng ta biết nếu một người mà không có tấm lòng độ lượng thì không thể dung chứa được tánh hư tật xấu của người khác, nghĩa là những nguyện vọng của người khác, chúng ta có thể thấy được khi mà chúng ta có tấm lòng rộng như biển.
            Cũng theo ông Aldo nói:
            - Các người giúp việc với ông ta đều ký kết một tờ hợp đồng tinh thần, và ông ta giữ lời hứa của ông ta, và những người nhân công thì họ cũng giữ lời hứa của họ. Do đó ông ta chỉ cần hỏi ý họ, đối đãi họ một cách trân trọng và chu đáo là ông ta muốn gì được nấy.
Chúng ta thấy rằng trên đời nầy không ai muốn làm việc một cách bất đắc dĩ, không công không có lợi, mà ai cũng đều muốn rằng công việc của chúng ta hợp với ý nguyện và sở thích của chúng ta, và mong người khác biết đến những ý tưởng nhu cầu ước vọng của chúng ta.
Đó là nói đến một người có trách nhiệm của một hảng lớn, bây giờ chúng đi qua một kinh nghiệm khác, tâm tư của người xin việc đó là nhà nghệ sĩ.
            02- Nhà Nghệ Sĩ:
Một kinh nghiệm khác như ông Wesson là một nghệ sĩ vẽ kiểu cho các nhà sản xuất vải bông và kiểu áo. Ðã nhiều năm ông kiên tâm xin vẽ kiểu cho một nhà chế tạo quan trọng nhất ở Nữu Ước. Nhà chế tạo đó vẫn tiếp ông, nhưng không bao giờ mua giúp ông một kiểu nào hết, chỉ ngắm nghía bức vẽ của ông rồi nói:
            - Anh Wesson, những kiểu bữa nay không dùng được.
            Sau nhiều lần thất bại như vậy, Ông Wesson mới hiểu rằng phương pháp của ông dở, và ông biết rằng ông đã đi theo sự thất bại của những người khác. Cuối cùng ông Wesson mới tự hỏi:
            - Tại làm sao mình đem đến kiểu nào, đối với mình thì rất là đẹp, nhưng mà đối với nhà chế tạo nầy ông lại không nhận được.
            Cuối cùng ông Wesson nảy ra ý lạ, và nhất định đi đường khác và bắt đầu nghiên cứu cách hành xử của ông. Vì thế cho nên, ít lâu sau ông lựa năm sáu, bức phát họa còn dở dang. Ông đem lại nhà chế tạo và nói:
            - Thưa ông, tôi muốn ông giúp tôi một việc. Tôi có vài bức phát họa, xin ông cho biết tôi nên thêm, hoặc bớt ra sao để được vừa ý ông.
            Nhà chế tạo ngắm nghía hồi lâu không nói nửa lời rồi tuyên bố:
            - Ðể tôi suy nghĩ ít bữa.
            Ông Wesson nghe lời, ba ngày sau trở lại để vâng lời chỉ bảo của nhà chế tạo, rồi về nhà vẻ theo ý ông ta. Kết quả tất cả những kiểu đó đều được thu nhận.
            Từ đó trở đi ông Wesson luôn luôn được lãnh vẽ kiểu theo ý nhà chế tạo.
            Trong kinh nghiệm nầy cho chúng ta thấy trong hàng năm trời, ông Wesson đã thất bại, là vì ông Wesson chỉ muốn nhà chế tạo ấy mua những bức vẽ mà tự ông Wesson cho là đẹp, cho rằng hợp ý ông. Nhưng chuyện đời không phải vậy, khi chúng ta đến với bất cứ một ai, nhất là người mà chúng ta có ý định hợp tác lâu dài thì chúng ta phải biết hoán chuyển địa vị, phải làm ngược lại như vậy mới được, thay vì là mình muốn thì bây giờ là người kia muốn. Lý do ông Wesson thành công là vì ông Wesson đã hỏi ý nhà chế tạo kia trước, cho nên nhà chế tạo đó có cảm tưởng rằng chính ông là người sáng tạo ra kiểu, mà quả có thật như vậy. Nếu chúng ta biết làm như vậy, biết dùng trí tuệ của người khác một cách khôn ngoan thì chúng ta không cần phải mất công nhiều, nhưng lại không có kết quả nhiều.
            03- Thống Đốc Theodore Roosevelt:
Ông Theodore Roosevelt khi còn làm một Thống Ðốc Nữu Ước đã có một cách hành xử hết sức là khôn ngoan đó là:
            - Ông dùng cách hành xử ôn hoà, cho nên làm cho các thủ lãnh các đảng phái chính trị trong tỉnh vui lòng tán thành những cải cách mà trước kia họ phản kháng kịch liệt.
            Ðây là phương pháp của ông, khi có một ghế quan trọng nào trống, ông mời hết các thủ lãnh lại hỏi, theo ý họ nên tiến cử ai. Ông Roosevelt nói:
            - Trước hết họ được cơ hội tiến cử một đảng viên lão luyện của họ, cho đảng họ thêm vây cánh trong chính phủ. Tôi trả lời rằng người đó có lẽ không được dân chúng ủng hộ và nếu đề cử có lẽ thất sách.
            Và như thế họ lại đưa ra một nhân vật khác. Nếu nhân vật đó mà tôi không ưa lắm, thì tôi trả lời rằng: Có lẽ người đó không hài lòng sự mong đợi của dân chúng và như vậy dân tình sẽ thất vọng mất, nên tìm một người khác tài năng và tư cách đủ hơn để giữ địa vị đó.
            Lần thứ ba họ tiến cử một người khá hơn nhiều, nhưng vẫn chưa được như ý, thì tôi cũng cảm ơn họ và yêu cầu họ cố gắng một lần cuối cùng nữa. Tức thì họ tiến cử một người chính tôi muốn chọn. Tôi hoan hỷ nhận lời và cảm ơn họ đã giúp tôi rất đắc lực. Tôi để họ tin rằng họ đã toàn quyền đề cử. Rồi tôi chỉ cho họ thấy rằng tôi đã chìu lòng họ, và tôi tin họ rằng sẽ tận tâm báo đáp tôi trong dịp khác. Và để trả ơn tôi, họ đã tán trợ những cải cách triệt để của tôi về pháp chế.
            Từ câu chuyện ngắn nầy, chúng ta hãy nhớ kỷ điều nầy:
            - Tổng Thống Roosevelt luôn luôn hỏi ý kiến những người cộng tác và tôn trọng ý kiến của họ. Mỗi lần ông bổ dụng một người nào vào một địa vị quan trọng, ông để cho thủ lãnh các đảng chính trị tưởng rằng họ đã lựa chọn người đó.
            Đó là cách xử thế vô cùng khéo léo, nói lên sự bao dung và tôn trọng ý kiến của đại chúng, có như thế thì không việc gì mà không thành tựu.
            04- Hảng Quang Tuyến X
Cũng nhờ phương pháp đó, mà một hãng sản xuất máy chiếu quang tuyến X bán được cho một trong những nhà thương lớn ở  Brooklyn thành công. Đại ý nội dung câu chuyện: Nhà thương đó muốn mở một phòng chiếu quang tuyến tinh hảo nhất nước Mỹ. Bác sĩ John là người được giao trách nhiệm đảm đương công việc đó, cho nên ông đã bị những nhà thay mặc đủ các hiệu máy lại quấy rầy. Họ thi nhau ca tụng máy của họ.
            Nhưng trong số các nhà sản xuất đó có nhà sản xuất lại khôn khéo hơn, vì ông ta thâm hiểu khoa dẫn dụ người. Ông viết thư cho Bác sĩ John như thế nầy:
- Xưởng chúng tôi mới phát minh một kiểu máy mới để chiếu quang tuyến X. Chúng tôi biết kiểu chưa hoàn toàn và muốn sửa chữa lại cho thật vừa ý. Cho nên xin Ngài nếu có thì giờ quá bộ lại xem giúp chúng tôi, đồng thời để chỉ bảo cho chúng tôi cách sửa đổi ngỏ hầu được giới chuyên môn thâu dùng thì chúng tôi đội ơn Ngài lắm. Vì biết rằng Ngài bận việc, cho nên chúng tôi xin Ngài cho biết giờ nào Ngài có thể gia ân giúp chúng tôi, để chúng cho xe lại rước Ngài.
            Bác sĩ John nói:
            - Tôi nhận được bức thơ đó, ngạc nhiên lắm mà cũng vui nữa. Từ trước chưa có nhà chế tạo nào hỏi ý kiến tôi hết. Bức thư đó làm cho tôi thấy tôi quan trọng. Tuần đó tôi bận việc lắm, nhưng tôi xin kiếu không không dự một bữa tiệc nào để làm vui lòng nhà kỷ nghệ. Tôi đi thử máy, khi xem xét kỷ, tôi thấy máy tốt, có giá trị. Không ai mời tôi mua hết mà tự ý tôi, tôi ngõ mua về dùng trong nhà thương của tôi.
            Qua những mẫu chuyện nhỏ trên là cả một kinh nghiệm sống động trong xã hội hiện thực. Từ việc ông Aldo dùng lời lẽ chân tình để khuyến khích những người không có trách nhiệm trở thành những người bạn thân tín, cho đến ông Wesson một nhà nghệ thuật vẽ vời, biết hạ mình tìm thấy cái cần của người, để làm cái nhu yếu cho mình. Ông Tổng Thống Roosevelt cũng thế, đã biết dùng năng lượng của mọi người để làm lớp thành bảo vệ an toàn cho mình, và những kinh nghiệm khác cũng tương tự như vậy. Nghĩa là điểm quan trọng ở đây là nếu chúng ta muốn thành công là chúng phải mở rộng Tấm Lòng Như Biển để có thể dung chứa mọi khuynh hướng của nhiều kiểu cách đưa đến chúng ta.
Vì thế khi chúng ta muốn cho ai theo ý kiến của chúng ta, có lẽ chúng ta nên tập những cách dẫn dụ họ từng từng bước từng bước vào sự sắp xếp của chúng ta, đó là phương pháp tốt nhất. Làm ngơ như bậc Thầy khả kính trong một thiền viện kia, cuối cùng cùng cảm hoá được người đệ tử hư của mình. Như vậy trong nghệ thuật chuyển hoá hoặc dẫn dụ người khác theo ý của mình, có thể chúng ta cũng nên tập làm như vô tình trước mặt mọi người, nhưng đủ để gieo hạt giống lành mạnh trong trí của mọi người, và chỉ đề cập những dữ kiện đủ để cho đối phương suy nghĩ tới như lời Bác sĩ John đã từng nói:
            - Tôi nhận được bức thơ đó, ngạc nhiên lắm mà cũng vui nữa. Từ trước chưa có nhà chế tạo nào hỏi ý kiến tôi hết. Bức thư đó làm cho tôi thấy tôi quan trọng. Tuần đó tôi bận việc lắm, nhưng tôi xin kiếu không không dự một bữa tiệc nào để làm vui lòng nhà kỷ nghệ. Tôi đi thử máy, khi xem xét kỷ, tôi thấy máy tốt, có giá trị. Không ai mời tôi mua hết mà tự ý tôi, tôi ngõ mua về dùng trong nhà thương của tôi.
Vận dụng được điều nầy là chúng ta đã thấy giá trị của phương pháp dẫn dụ của người xưa. Nghĩa là chúng ta phải để cho mọi người thấy rằng những gì mà họ quyết định, là do chính hoàn toàn do sáng kiến của họ chứ không phải của người khác.
Chúng ta biết rằng ngày mai nầy trong xã hội con người, nơi nào cũng đầy dẫy những trường hợp tương tự như vậy, và cũng với những mẫu người như vậy, cho nên chúng ta phải trải lòng mình ra như biển cả để đón nhận tất cả mọi khuynh hướng, mà không cần được ai khen chúng ta hết, chúng ta chỉ muốn sao có kết quả là được. Do đó muốn thành công chúng ta phải coi nhu cầu của mọi người, để chúng ta có thể gần gủi với mọi người với những sinh hoạt thiết thực hơn. Thánh nhân muốn tỏ đức cho thiên hạ bao giờ cũng hạ mình thấp xuống, và muốn tiến trước thiên hạ, thì bao giờ cũng tự mình lùi lại sau. Cho nên địa vị thánh nhân bao giờ cũng vượt thiên hạ mà thiên hạ không oán cũng không hờn. Người xưa có nói:
- Răng mà bị gảy trước là do răng cứng.
Lưỡi mà vẫn còn nằm trong giữa miệng chỉ vì nhờ lưỡi mềm.
Và cách đây hơn 25 thế kỷ, Lão Tử đã nói một câu mà độc giả ngày nay vẫn còn suy nghiệm:
            - Nước suối và mưa nguồn đều chảy xuống sâu bể cả, là vì núi cao mà sông và bể thấp.
            Cách hướng dẫn của người xưa là như vậy, nhờ ở những đức tính điềm đạm khiêm cung mà các Ngài đã thành công trong việc xử thế. Càng suy gẫm chúng ta càng thấy những điều vi diệu mầu nhiệm không cùng. Đặc biệt đối với người phật tử, chúng ta hãy nhìn xem coi cách dẫn dụ của đức Phật, không biết Ngài dùng cách như thế nào mà các vị đại thần ai đến với Đức Phật cũng đều trở thành đệ tử của Ngài hết. Không những vậy mà lúc Ngài trở về hoàng cung, chỉ trong khoảng một thời gian ngắn mà bảy vị vương tôn công tử đều phát tâm xuất gia trong đó có Thầy La Hầu La, và Nan Đà ....
            Chúng ta thấy thuật dẫn dụ của đức Phật rất là tài tình. Quả thật, theo như trong kinh tạng có ghi lại: Khi được tin con mình đã thành đạo, đang đi bố giáo nhiều nơi mà không chịu về thăm nhà, vua Tịnh Phạn vô cùng nôn nóng.Õ Liên tiếp, ngài phái liền 9 vị cận thần thân tín đi mời đức đạo sư về thành Ca Tỳ La Vệ.Õ Ðáp lại sự chờ mong của đức vua, sau khi gặp Phật và nghe pháp, 9 vị sứ giả đều tỉnh ngộ, quên phứt đi sứ mệnh của mình, xin cạo tóc sống đời sa môn và lần lượt đắc quả A La Hán. Lần thứ 10, đại thần Ưu Ðà Di phụng mệnh ra đi thỉnh đức đạo sư trở về thăm quê cũ.ÕDù rất lấy làm cảm động khi nghe những lời giảng dạy của đức Thế Tôn, Ưu Ðà Di vẫn trở về phò vua giúp nước như cũ.ÕMãi đến khi vua Tịnh Phạn mất, Ưu Ðà Di mới từ quan, bỏ lại hàng chục tòa dinh thự nguy nga cùng hằng trăm thê thiếp lộng lẫy, cạo tóc lẫn râu, sống đời khất sĩ.Õ
Trong một xã hội như Hoa Kỳ, người học đạo thì rất là khan hiếm, mà chúng tôi lại không có thuật dẫn dụ hay như Đức Phật, cho nên số chư tăng ni ít ỏi lại càng ít oi thêm. Do vậy nếu có xuất gia, thì cũng chỉ có đại đa số là các phật tử nữ lớn tuổi. Như trong đạo tràng chúng ta tu đây, chúng ta thấy các ông rất là ít, các bà các cô rất là đông. Trong số các phật tử xuất gia chúng ta cũng thấy, các bà các cô đi tu nhiều hơn là các cậu thanh niên và các ông. Thôi thì cũng được, các bà các cô hay các cậu các ông bên nào nhiều hơn bên nào cũng được, nhưng nếu được thì nên phát tâm tu cho sớm một chút, nếu để lớn tuổi quá thì khó mà hành trì pháp Phật một cách tích cực. Nói về đa số các phật tử nữ lớn tuổi đi tu, trong chiều hướng nầy, chúng tôi xin được chia xẻ với đại chúng mẫu chuyện vui:
Trong dịp chúng tôi và tăng đoàn Chùa Dược Sư đi dự lễ Vu Lan tại Tu Viện Bửu Hưng, thành phố Vancouver, Washington State. Sau khi lễ xong chư tăng dùng cơm, Hòa Thượng Trừng Ninh ngài dòm dòm và nói:
- Tăng ở xứ nầy ít có người tu, chỉ toàn là các bà tu mà đã già khú đế. Tu cái kiểu nầy làm ăn gì được.
Ngài nói thêm là:
- Chuyện tăng ni nói cả ngày, cả đêm nói hoài không hết, để tui nói cho các Thầy nghe.
Ngài nói:
- Đức Phật Ngài thương phật tử lắm, cho nên Ngài nói ra thần chú Thất Phật Diệt Tội Chơn Ngôn để giúp các bà cụ già khú đế đi tu.
Mở đầu Ngài nói:
- Các bà già khu đế mới đi tu chớ còn trẻ thì không chịu đi, thành ra đức Phật nói thần chú đó để mà bảo hộ cho các cụ lớn tuổi mới đi tu.
Tại vì lớn tuổi rồi ở nhà không làm được việc gì, cho nên nó con nó bảo đi tu đi cho rồi, cho nên Đức Phật mới nói ra thần chú
- Ly bà ly bà đế                       
Nghĩa là:
- Đi đâu đi phức cho rồi.
Bảo đi hoài không chịu đi, cho nên con nó mới cầu khẩn, năng nỉ  đi cho lẹ, cho nên đức Phật mới nói ra câu:
- Cầu ha cầu ha đế.
Khẩn được rồi nghĩa là đã đi ra khỏi nhà, thì đức Phật mới nói câu:
- Ðà ra ni đế.               
Nghĩa là:
Bà đã đi rồi.
Một khi các bà đi tu rồi, thì các bà đương nhiên là trở thành ni, cho nên đức Phật mới nói câu: 
- Ni ha già đế              
Nghĩa là:
- Khi đã vô chùa thì các bà chắc chắn là thành Ni cô.
Thành Ni Cô rồi nhưng mà lớn tuổi, cho nên chân tay yếu đuối, mồi lần có đi đâu thì cũng phải vịn để mà đi, cho nên đức Phật mới nói câu:
- Tỳ lê nể đế.
Nghĩa là:
- Ði không được cho nên tay thì vịn, chân thì kéo.
Đó là nói đến những vị còn đi được. Có vị lớn tuổi không đi được chi ngồi một chỗ thôi, cho nên đức Phật mới nói câu:
- Ma ha già đế.
Nghĩa là:
- Ma ha là lớn, Già đế là già quá cho nên chỉ ngồi một chỗ.
Mặt dầu là lớn tuổi chỉ ngồi một chỗ thôi, tuy nhiên dầu sao đi nữa có thân thì cũng có nhu cầu, cho nên cũng phải đi. Nhưng mà vì lớn tuổi, đi đứng không vững, vì thế mới té chổng cẳng lên trời, cho nên Đức Phật nói:
- Chơn lăng càng đế ta bà ha.               
Nghĩa là:
- Ði té chổng cẳng lên trời.
Ngài kết luận Đức Phật vì thương chúng sanh cho nên ngài nói ra bảy câu thần chú để bảo hộ cho bảy lớp tuổi khi các phật tử nữ lớn tuổi đi tu.
            Nói tóm lại, tấm lòng như biển rộng mênh mông, quả thật trăm sông ngàn suối đều chảy về Biển chỉ vì biển thấp. Cho dù là trăm đục ngàn dơ, nhưng khi đến biển cũng đều trở thành trong suốt và chỉ có một vị mặn. Cái đạo lý giải thoát cũng vậy, khi chúng ta dẫn dụ ai vào đạo thì cho dù người đó như thế nào đi nữa, nhưng trước tiên chúng ta thấy người ấy cạo bỏ râu tóc, mặc chiếc áo giải thoát, rồi theo tháng năm tu tập, trưởng dưỡng đạo hạnh, rồi sớm hay muộn người đó cũng thành người gương mẫu. Vấn đề còn lại và quan trọng hơn cả là chúng ta phải biết trãi rộng tấm lòng của mình như biển để có thể dung chứa tất cả, trong đó kể cả những điều tốt, và tánh hư tật xấu của con mỗi người, đây là việc mà chúng ta cần phải thực tập.
--o0o--