TẬP SAN DƯỢC SƯ

Chuyến Xe Giải Thoát
Tịnh Nghiêm
--o0o--

 

Nói đến chuyến xe giải thoát hay còn gọi là chuyến xe cuối cùng của cuối cùng. Mà nói đến chuyến xe cuối cùng, thì chắc chắn chúng ta phải có chuyến xe đầu, bay giờ đây mời đại chúng nghe Ba Chuyến Xe Trong Cuộc Ðời:
- Chuyến xe đầu đưa người từ nơi đâu,
Vào dương thế chơi vơi,
Tay không hành lý, ngước nhìn về tương lai
Ngỡ ngàng với tiếng khóc đầu,
Thay cho lời đầu tiên người nói.
Tháng năm dài theo tuổi đời trôi qua,
Buồn vui cũng mau quen
Công danh nhiều chuyến cát bụi mòn chân đen
Có người may mắn phút đầu,
Hay nghiêng đổ gảy đôi ba cầu
Xe loan đưa người êm ấm tình nồng
Chung đôi nên duyên vợ chồng
Se tơ hồng một duyên hai bóng.
Duyên ưa có người chỉ một xe đầu
Có người vài lần thương đau
Có người chẳng bao giờ đâu ...
Chuyến cuối cùng đưa người về nơi đâu
Vòng tay cũng xuôi theo
Công danh ngày ấy,
Giấc mộng tình hôm nay
Cũng về như chiếc lá vàng,
Xe đơn lạnh tiển đưa hai hàng...
Theo tinh thần của bản nhạc Ba Chuyến Xe Trong Cuộc Ðời chúng ta biết muốn đi từ nơi nầy qua nơi khác chúng ta cần phải có phương tiện di chuyển. Từ thế giới nào đó, chúng ta đến thế giới nầy đó là chuyến xe đầu tiên. Trong thế giới phiền lụy nầy, chúng ta trưởng thành, để rồi trai lớn cưới vợ gái lớn lấy chồng. Đó là lần thứ hai là lên xe hoa. Và cuối cùng chúng ta lại trở về một nơi nào đó chúng ta chưa biết. Ðó là xe tang.
Lẽ tất nhiên đối với những người sống không có định hướng thì chắc chắn chuyến xe cuối cùng không biết sẽ đưa họ về đâu, nhưng đối với các vị đã có cuộc sống định hướng rõ ràng thì chắc chắn biết. Chẳng hạn như các Phật Tử là những người sống có định hướng, do vậy quý vị đã biết chắc chắn là quý vị sẽ đi về đâu rồi. Chiếc xe sẽ đưa quý vị đến nơi mà quý vị muốn tới, không giống như ba chuyến xe như quý vị vừa nghe. Chiếc xe nầy được đức Phật chế tạo để đặt biệt đưa những ai có duyên với cửa Phật. Ðể thích hợp với sở thích của mỗi người đệ tử khó tánh của Ngài, đức Phật đặc biệt chế ra các loại xe như:
- Xe Tịnh Ðộ
- Xe Thiền
- Xe Thiền Tịnh Song Hành...
Nói chung là đức Phật chế ra 84,000 loại xe khác nhau để thoả mãn sự thị hiếu cho các đệ tử của Ngài. Ngồi trên một trong 84 ngàn loại xe nầy chúng ta sẽ không bao giờ trở lại bốn ác đạo đó là:
- A Tu La
- Súc Sanh
- Ngạ Qủy
- Ðịa Ngục
Những ai ngồi trên các loại xe do đức Phật chế ra, thì các loại buồn phiền gây ra, sự tái sanh vào các cảnh khổ đều bị tận diệt. Vị đó sẽ không bao giờ tạo các nghiệp để tái sinh vào các cảnh giới đau khổ nầy, và nghiệp quả quá khứ có thể dẫn đến viêc tái sanh vào bốn cảnh khổ cũng bị tiêu diệt. Cuối cùng chúng ta sẽ đến nơi mà chúng ta muốn đến, đó là cảnh giới của chư Bồ Tát, chư Phật. Khi đạt được Bồ Tát đạo thì mọi phiền não, nghiệp và quả đều bị tận diệt. Vì quả vị Bồ Tát không còn bị tại họa của các phiền não nầy nữa. Khi vị Bồ Tát mãn duyên phần với kiếp người, các Ngài có thể sanh về cảnh giới nào đó mà các Ngài muốn. Các Ngài sẽ an trú Niết Bàn, và không còn trở lại vòng luân hồi trong ba giới nữa. Nếu có thì là do tâm nguyện độ sanh của mỗi vị chứ không còn tùy thuộc vào nghiệp duyên nhân quả nữa.
Như trên là nói đến những người có giác ngộ cao, còn nói về trường hợp ở mức độ giác ngộ thấp nhất, theo trong Cửu Phẩm Liên Hoa có nói:
- Nếu một người nào đó chưa bao giờ biết tu tập, nhưng trong giây phút lâm chung được thiện hữu tri thức khuyến khích giảng dạy về sự lợi ích của việc tu tập, hay ấn tống kinh điển đại thừa, phát khởi thiện tâm... Chỉ cần phát khởi thiện niệm, người ấy cũng có thể  mang luôn nghiệp sẳn có để sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Một con người biết hướng đi của mình, chẳng khác nào như một kẻ lữ hành đi trên một hành trình nguy hiểm. Nhiều nguy hiểm đang chờ đợi họ khi họ muốn vượt rừng rậm, sa mạc. Bởi thế, họ phải chuẩn bị hành trang thật tốt và đầy đủ. Một trong những thứ cần thiết cho một cuộc hành trình gian nan nguy hiểm như thế là một chiếc xe tốt. Ðức Phật đã chế tạo những chiếc xe hết sức an toàn, quý báu. Ngài nói:
- Các đệ tử của đức Như Lai những ai tinh cần tu tập sẽ đi trên chiếc xe an toàn yên tịnh, yên lặng.
Tất cả những ai tinh cần tu tập, chắc chắn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng yên tĩnh khi ngồi trên chiéc xe mới mẻ do đức Phật chế tạo. Chúng ta tìm hiểu thêm ý nghĩa của lời dạy nầy.
Những chiếc xe do đức Phật chế tạo khác hẳn với các loại xe loại xe bình thường. Những chiếc xe nầy có khả năng chuyên chở đến hàng ngàn, hàng triệu người, hay nhiều hơn nữa, và có khả năng vượt qua núi đồi, xuyên qua rừng rậm, băng qua sa mạc, vượt qua bể khổ trong cuộc đời, không một chút trở ngại để đến nơi an toàn mà không sợ sự hư máy bể bánh xe.. Ðó là chiếc xe thực hành:
- Thiền
- Tịnh Ðộ
- Thiền Tịnh Song Hành...
Và còn nhiều lọai xe khác nữa cũng có khả năng tương tự như thế.
Khi đức Phật còn hiện tiền, hàng triệu chúng sanh đạt đạo chỉ đơn giản nghe Ngài Thuyết pháp. Nhiều vị chỉ nghe một lần mà giác ngộ, vì thế họ hết lòng xưng tán công đức của Ngài, những vị ấy không ai xa lạ, chính là những chúng sanh đã chứng quả thánh:
- Tu Ðà Hoàn,
- Tư Ðà Hàm,
- A Na Hàm,
- A La Hán,
- Chư Bồ Tát
Các bậc thánh ca tụng những các phương pháp hay những chiếc xe nầy, vì họ đã tự thân kinh nghiệm sự chấm dứt những tiến trình của tâm, và tất cả các hiện tượng phát sinh từ tâm. Ðạt được tình trạng nầy thân tâm họ tràn đầy hỷ lạc, an vui và thanh tịnh kỳ diệu.
Ngoài ra chúng ta cũng còn thấy những vị cao tăng, đại đức một khi các Ngài đã biết xử dụng các phương pháp nầy, hay chiếc xe giải thoát một cách thuần thục. Chưa nói đến sự chứng quả, nhưng trong hiện đời hành đạo của các Ngài, mỗi khi đến với các Ngài chúng ta thấy có những cảm giác êm ái nhẹ nhàng, ấm cúng. Một không khí thân thương giống như một đứa con phiêu bạc, giờ đây đã trở về sống dưới ấm của gia đình. Nói chung là đến với các Ngài chúng ta thấy nơi đó có một sức sống thánh thiện, các Ngài đến và đi trong cõi đời nầy không có gì lưu luyến. Trái lại đối với hạng người phàm phu, khi những kẻ thân yêu từ bỏ cõi đời, người ta thường khóc lóc than van, buồn khổ, thương tiếc. Ðối với các Ngài, các Ngài đã nhổ tận gốc rễ các loại phiền não từ thô đến vi tế, nên cái chết đối với các Ngài là cái gì tự nhiên. Các Ngài vui vẻ và làm tròn sứ mệnh độ sanh của các Ngài, và sẳn sàng đón nhận khi nó đến.
Sự liễu đạo và giác ngộ của các Ngài có thể vượt qua ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta, nhưng chúng ta cũng có thể tự biết, tự cảm nhận về một vị đã đắc đạo không khó. Muốn như thế chúng ta có thể theo dõi việc thực hành của chính chúng ta. Nếu như một con người bình thường, mà chúng ta có thể chế ngự được các chướng ngại căn bản như:
- Tham lam,
- Sân hận,
- Si mê
- Bất an, và hoài nghi,
 Và có thể thấy một cách rõ ràng bản chất của đối tượng. Chúng ta có thể đã từng thấy được sự khác biệt giữa thân và tâm hay thấy các hiện tượng sinh và diệt trong từng khoảnh khắc một. Thấy được sự sanh diệt là một sự giải thoát và an lạc vui tươi. Sự hỷ lạc trong sáng của tâm là kết quả của việc thực hành, thì đối với các Ngài chắn chắc phải có sự vượt bực hơn chúng ta những người phàm tục là chuyện thường. Ðức Phật dạy:
- Những ai chịu tinh cần tu tập, những người ấy chắc chắc tâm hồn sẽ yên tịnh và sẽ có được một hỷ lạc lớn lao, vượt hẳn mọi hạnh phúc do các dục lạc giác quan đem lại, dầu đó là dục lạc cõi trời hay cõi người.
Căn cứ theo lời Phật dạy, trong cuộc sống hiện tại, chúng ta có thể thấy ba hang người:
01- Hạng Người Đã Có Hướng Đi
Nếu chúng ta là những người đã có hướng đi, và có thể duy trì chánh niệm liên tục, thì sẽ có được sự hỷ lạc sâu xa của việc tu tập. Chúng ta sẽ hưởng được hương vị của giáo pháp mà trước đây chúng ta chưa từng nếm qua. Lúc đó chúng ta sẽ tràn đầy hỷ lạc, lòng tự tin, sự thoả mãn đã thành đạt.
02- Hạng Người Có Hướng Ði Nhưng Chưa Thực Hành
Bên cạnh những vị đã thành đạt, chúng ta còn thấy những người, mặt dầu cũng có hướng đi, nhưng không có sự thực hành, hoặc có sự thực hành nhưng không tinh tấn, hoặc có sự tinh tấn nhưng chưa đúng mức thì vẫn không thu gặt kết quả như sự mong muốn. Trong việc tu tập, nếu không có tinh tấn thì không có kết quả, nếu ít tinh tấn thì cũng có kết quả nhưng không được bao nhiêu. Như vậy nếu chúng ta lười biếng, buông thả sẽ không bao giờ nếm được hương vị ngọt ngào của giáo pháp. Chúng ta có thể nghe được sự thành công của người khác, chúng ta có thể thấy người khác sống cuộc sống hạnh phúc trong sự định tâm và phát triển trí tuệ. Nhưng riêng chúng ta, chúng ta đang bị tràn ngập bởi những phóng tâm, chướng ngại và hoài nghi. Chúng ta có thể hoài cả vị thầy hướng dẫn của mình, và hoài nghi cả phương pháp tu tập luôn. Như trường hợp ở bên Nhật có một nữ thiền sinh đến học đạo với một thiền sư, sau một thời gian học đạo, vị thiền sư thấy được tánh tình của người học trò mình thường ưa ngang bướng. Trên không biết kính thầy, dưới không hoà hợp với chúng tu học. Ngài hết lòng dạy dỗ nhưng cuối cùng, người nữ thiền sinh đó nhờ một người bạn đồng tu khác chuyển lời đến vị thiền sư như thế nầy:
- Sở dĩ tôi không kính thiền sư, là vì thiền sư đã làm cho tôi bất kính, nếu có lỗi thì không phải là lỗi nơi tôi, mà là lỗi của Thiền Sư.
03- Hạng Người Có Ðịnh Hướng, Có Tinh Tấn Nhưng Chưa Thành Ðạt
Trong trường hợp chúng ta có định hướng, có tinh cần tu tập, nhưng vì lý do nào đó, nên chúng ta chưa đạt được sự thành đạt như lòng mong mỏi thì chúng ta phải làm gì?. Rất có thể lúc đó chúng ta sẽ:
- Mất lòng tin
- Bỏ cuộc.
- Nghi ngờ không biết mình có thể đạt được mục tiêu hay không!
Nếu mất lòng tin, điều đó chứng tỏ rằng chúng ta chưa có sự quyết tâm dứt khoát. Nếu chúng ta bỏ cuộc chứng tỏ rằng chúng ta là người yếu hèn. Nếu chúng ta nghi ngờ, chứng tỏ rằng trong tâm của chúng ta có sự mâu thuẩn trầm trọng trong nội tại. Nếu chúng ta gặp trường hợp nầy thì chúng ta phải làm sao? Lẽ tất nhiên chúng ta không nên dễ dàng rút lui thua cuộc, mà hãy nhớ đến Kinh Pháp Hoa, trong đó có một thí dụ rất là thích thú. Thí dụ đó đức Phật Ngài nói:
- Một người trên cao nguyên đào giếng để lấy nước. Ðào mà không thấy đất uớc thì biết nước còn xa. Ðến khi thấy đất ước thì biết sắp đến nước.
Cũng vậy những thiền sinh hành thiền tinh tấn nhưng chưa tiến bộ như mình mong mỏi, vì có thể chưa theo đúng lời chỉ dạy của vị thầy hướng dẫn, chúng ta cũng không nên thất vọng. Hãy nghỉ đến hình ảnh của một người trên cao nguyên đào giếng, cuối cùng cũng có nước. Cũng vậy, chúng ta cũng sẽ có được những giọt nước cam lộ trong biển giáo pháp của đức Phật, và cuối cùng cũng sẽ an vui như ý muốn.
Như quý vị đã biết, trong thế gian có những loại chuyên chở như:
- Máy bay
- Xe hơi
- Xe lửa,
- Xe ngưa, xe bò...
Thì trong đạo chúng ta, như quý vị đã nghe nói đến các loại xe:
- Tịnh Ðộ
- Thiền
- Thiền Tịnh Song Hành...
Các loại phương tiện chuyên chở trong thế gian đưa người đến nơi cần đến, thì trong đạo các lọai xe nầy có thể đưa chúng chúng ta đến bến bờ an vui. Những hành trang và nhiên liệu để cho chiếc xe chạy thì phải chuẩn bị như thế nào, thì sự tu tập của chúng ta cũng phải chuẩn bị bi liệu, nhiệt tâm như thế đó?
Nhiên liệu của những chiếc xe trong cuộc đời là xăng, dầu.. thì nhiên liệu để cho những chiếc xe nầy chạy chỉ cần hai loại nhiên liệu đó là:
- Tinh tấn thể chất và tinh tấn tinh thần
Hai loại nhiên liệu nầy mà phối hợp nhau xử dụng cho một trong 84 ngàn loại xe do đức Phật chế ra sẽ chạy rất tốt.
Trong việc hành thiền cũng như trong các công việc khác, lúc nào cũng đòi hỏi phải có sự cố gắng tinh tấn. Chúng ta phải cố gắng chăm chỉ chuyên cần để thành công. Nếu tinh tấn được duy trì bền bỉ, chúng ta sẽ trở thành một vị anh hùng hay một người dũng cảm. Dũng cảm tinh tấn là điều tối cần thiết trong việc tu tập.
Tinh tấn thể chất là loại tinh tấn để duy trì thân thể trong tư thế thích đáng lúc tu tập như khi đi, đứng, nằm, ngồi... Loại tinh tấn nầy giúp chúng ta duy trì tư thế thể chất. Nếu chúng ta đang ngồi chúng ta phải tinh tấn thể chất để giữ mình khỏi ngã. Nếu đang đi chúng ta cũng phải tinh tấn thể chất để di chuyển chân và giữa cơ thể thăng bằng. Chúng ta phải tập quân bình bốn tư thế chính: Ði, đứng, nằm và ngồi. Quân bình năng lực và tạo điều kiện để có sức khoẻ tốt. Ðặc biệt trong một khoá thiền, chúng ta phải có đủ thì giờ ngồi và đi. Thứ đến là giờ đứng và giờ nằm. Nếu tư thế không duy trì đúng, lười biếng sẽ phát sanh. Chẳng hạn lúc ngồi thiền nếu không tôn trọng duy trì việc giữ thẳng lưng, chúng ta sẽ tìm một nơi dựa lưng hay chúng ta có thể cho rằng đi kinh hành quá mỏi mệt, hay cơ thể cần phải được thoải mái chút đỉnh mới thích hợp cho việc hành thiền. Tất cả những điều trên, như chúng ta biết sẽ không được chấp nhận trong hành thiền.
Tinh tấn tinh thần là tinh tấn trong việc chánh niệm và tập trung tâm ý để loại trừ phiền não. Tương tự như vậy, đối với tinh tấn tinh thần là không nên lười. Ngay từ đầu, chúng ta phải tâm niệm là phải cố gắng duy trì liên tục tinh tấn tinh thần, hãy luôn luôn tự nhắc nhở:
- Ta không bao giờ để một khoảng hở nào thiếu chánh niệm. Ta luôn luôn duy trì chánh niệm liên tục.
Ðây là một thái độ rất cần thiết và có lợi khiến cho tâm chúng ta khai mở để thành tựu mục đích mong ước.
Nhiều người cũng biết được lợi ích của sự tu tập, nhưng rất sợ tụng kinh, ngồi thiền. Họ cho rằng tụng kinh, ngồi làm mỏi mệt và mất thì giờ. Họ chỉ tụng kinh ngồi thiền miển cưỡng vâng lời thầy dạy đạo mà thôi. Họ không biết rằng khi tụng kinh, và ngồi thiền đã dùng đến hai loại tinh tấn, và đây là điều rất ích lợi để chúng ta có thể đạt đến mục tiêu một cách dễ dàng và thoải mái. Khi tinh tấn tinh thần luôn luôn có mặt trong từng sát na, thì phiền não không thể nào len lỏi vào.
Một số trong chúng ta có tụng kinh, ngồi thiền từng hồi từng chập. Sự tinh tấn rời rạc thiếu liên tục, thực hành được một thời gian là lơ là. Tinh tấn nổ bùng lên rồi tắt ngúm sau đó, phiền não do đó cứ lên lỏi vào. Tu tập kiểu nầy, bắt buộc chúng ta phải tinh tấn lại từ đầu. Cố gắng rồi lại nghỉ, cố gắng rồi lại nghỉ, nếu cứ mãi như thế thì chúng ta sẽ không tạo được trớn trong việc tu tập, vì vậy không thể tiến bộ.
Hai loại tinh tấn nầy có thể giúp chúng ta trên phương diện thực hành thuận lợi đến mục đích. Trong những ngày quán niệm, hoặc những khoá tu ba ngày hay nhiều hơn nữa, trong lúc thực tập như vậy, tinh tấn thể chất sẽ giúp chúng ta di chuyển, trong khi đó tinh tấn tinh thần tạo nên một sự chánh niệm liên tục. Sự vận dụng thể chất và tinh thần, đối với một số lượng điều hoà thân tâm, sẽ đóng góp vào tỉnh thức và năng lực của tâm hết sức tích cực.
Một điều quan trọng phải nhớ, tinh tấn là yếu tố căn bản trong việc tu tập, vì thế trên đường hướng thực tập để sống đời an vui, chúng ta phải biết duy trì tinh tấn liên tục. Chúng ta không thể tiến bộ nếu không có tinh tấn thể chất trong lúc ngồi thiền, và cũng không có tiến bộ nếu trong lúc ngồi thiền chúng ta không có tinh tấn tinh thần. Không có tinh tấn tinh thần chúng ta sẽ không thể ghi nhận đề mục một cách sáng suốt, chính xác và liên tục. Nếu hai loại tinh tấn nầy được duy trì liên tục thì việc tu tập của chúng ta sẽ thăng tiến về phía trước đi đến chỗ an vui không khó khăn lắm.
Nói tóm lại, Trong ba chuyến xe trong cuộc đời,
- Chuyến xe thứ nhất đưa chúng ta từ nơi đâu đến thế giới nầy
- Chuyến xe thứ hai, đưa những người con trai lớn cưới vợ, gái lớn lấy chồng lên xe hoa.
- Chuyến xe thứ ba lại đưa con người trở về một nơi xa xăm nào đó tuỳ theo sự gieo nhân tốt xấu của chúng ta trong hiện đời.
Cả ba chuyến xe đó đều hết sức nguy hiểm đối với cuộc sống của nhân sinh, vì thế đức Phật đã hướng dẫn chúng ta xử dụng chuyến xe thứ tư đó là Chuyến Xe Giải Thoát. Nếu đã được đức Phật vì chúng ta mà hướng dẫn đến chuyến xe giải thoát, thì chúng ta cần phải thành thật xem xét lại việc tu tập của mình. Chúng ta phải tự kiểm soát coi đã thật sự chánh niệm chưa! Chúng ta có thật sự nghiêm túc kiên trì thực hành chánh niệm, nổ lực chánh niệm từ phút nầy qua phút khác, không lơ là, không buông trôi chưa? Nếu chưa thì phải nổ lực thêm, nếu đã có rồi thì hãy tự vui mừng.
--o0o--