TẬP SAN DƯỢC SƯ

Nói Thật & Sống Thật
Tịnh Nghiêm
--o0o--

 

Nhiều người đến với Ðạo Phật để tìm hiểu về những gì Ðức Phật dạy đã đặt ra nhiều câu hỏi xa vời như:
- Con người từ đâu sinh ra?
- Sinh ra để làm gì?
- Tu có chứng được quả vị như Ðức Phật Không?
- Niết Bàn là gì?
- Làm sao biết có kiếp sau?
- Vũ trụ do đâu mà hiện hữu?
- Con người từ đâu đến và sau khi chết họ sẽ đi về đâu.. v.v.
Nhưng ít khi họ nghĩ đến những vấn đề và khả năng của Ðạo Phật trong cuộc sống hiện thực như:
- Đạo Phật có khả đáp ứng được những nguyện vọng của chúng ta trong hiện tại.
- Đối với Đạo Phật, có khả năng giúp cho chúng ta có một đời sống hạnh phúc.
- Đạo Phật luôn luôn chủ trương xây dựng một xã hội lành mạnh và thương yêu.
Thực tế hơn nữa, câu hỏi mà chúng ta nên đặt ra nhất là: Nhân loại đang đau khổ vì tranh dành lẫn nhau ảnh hưởng kinh tế, chính trị, quyền lợi, danh dự .. v.. v.. Vậy Đạo Phật có giải pháp nào giúp con người thoát khỏi những khổ đau ấy không?
Không phải vấn đề Niết Bàn hay kiếp sau hoàn toàn không nên đặt ra để bàn cãi, và suy luận, nhưng có những vấn đề trong hiện tại thiết thực và cấp bách hơn, chúng ta phải nói thật và sống thật đồng thời cần phải được giải quyết ngay trong chính đời sống hằng ngày của chúng ta, thì chúng ta phải giải quyết trước.
Chúng ta đã biết, đối với hàng môn đệ, Ðức Phật luôn luôn nhấn mạnh:  
- Bí quyết của đời sống thành công và hạnh phúc là luôn luôn làm những việc cần phải làm trong hiện tại, không thắc mắc cho tương lai, không hối tiếc quá khứ.
Nguyện vọng của con người là làm sao để sống một đời sống hạnh phúc, mà bí quyết để tạo nên hạnh phúc phải được thực hiện ngay trong hiện tại. Cho nên trong Kinh Tương Ưng, chính Đức Phật cũng chỉ muốn giải đáp những vấn đề thiết thực như hạnh phúc của con người cho nên Ngài cũng dạy:
- Không nên phiền muộn, hối tiếc những gì đã qua, không nên tò mò tìm hiểu những gì chưa đến. Hãy sống trong hiện tại.
Do vì hiện tại là mấu chốt để chúng ta biết được quá khứ đã qua và tương lai sắp đến, cho nên nhiều lần Đức Phật từ chối trả lời những câu hỏi của ngoại đạo về những vấn đề nguồn gốc vũ trụ và con người như trong bài kinh tiển dụ Ngài dạy rằng:
- Một người đi rừng bị trúng tên độc, nên để cho thầy thuốc nhổ tên và băng bó, cứu chữa hơn là khư khư hỏi cho bằng được kẻ nào bắn tên, thân thế y ra sao, anh ta sinh trưởng ở đâu .. v.. v .. Vị thầy thuốc cũng có thể trả lời cho nạn nhân thoả mãn, nhưng ông ta nhận thấy rằng việc chữa trị vết thương cho nạn nhân mới thiết thực và cấp bách hơn.
Đó là chúng ta chưa nói, nếu Niết Bàn là tuyệt đối, siêu việt thì chúng ta lại càng không thể dùng những lời lẽ, những danh từ tương đối, chủ quan để bàn cãi được. Nhiều lúc chúng ta nói về Niết bàn, Phật tánh .. v.. v .. đã làm cho chúng ta thấy càng bàn luận, vấn đề càng bị hạn hẹp, khô cứng trong rừng ngôn từ ước định. Có khi còn làm vấn đề sai lạc khiến cho người hiểu lầm nữa là khác. Do vậy nếu có thể được là người sơ cơ học đạo cũng được, là người đã nhiều năm tìm hiểu Phật Pháp cũng xong, nếu không cần chúng ta cũng không nên đặt những vấn đề quá cao siêu, vượt khỏi trình độ hiểu biết của mình. Bởi vì càng có những câu hỏi cao siêu chúng ta càng rơi vào những tranh luận, lý thuyết vô ích, mà chúng ta cần phải:
- Nói Thật và Sống Thật trong giây phút hiện tại, thì chúng ta mới thấy thực tại là nhiệm mầu, thực tại là cần thiết.
Giây phút hiện tại thiết thực như cứu người trong biển lửa, thiết thực như đói cần được ăn. Người xưa đã dạy chúng ta như vậy. Xin được chia xẻ đến đại chúng câu chuyện: Cứu Người Lúc Nguy Cấp trong Cổ Học Tinh Hoa, rằng là:
- Trang Chu nghèo túng sang hỏi vay thóc Ngụy Văn Hầu, Ngụy Văn Hầu nói:
- Tôi có cái ấp người ta sắp nộp tiền thóc, tôi sẽ cho ông vay ba trăm lạng, ông có bằng lòng không?
Trang Chu giận nói:
- Khi Chu đến đây đi giữa đường nghe có tiếng gọi, ngảnh lại trông thì thấy một con cá đang ngoắt ngoải trong vũng nước của vết bánh xe, Chu nầy hỏi:
- Cá ở đây làm gì thế?
Cá đáp:
- Tôi là Thủy Thần ở biên Ðông mắc nạn tại đây, ông có thể cho tôi bát nước để cứu tôi trong lúc nguy cấp nầy không?
Chu nầy bảo rằng:
- Ðể tôi qua chơi nước Ngô, nước Việt, rồi tôi lấy nước sông Tây Giang về đón người, ngươi có bằng lòng không?
Cá giận và nói:
- Tôi đang cần đến nước, ông chỉ cho tôi một tí là tôi sống. Nay ông nói như thế, đợi lúc ông về, thì ông đến chỗ hàng cá khô đã thấy tôi ở đấy.
Qua ngụ ý câu chuyện nầy muốn nói khi người ta có việc cần cấp, nhờ cậy mình, mà mình có thể giúp được, thì nên giúp ngay chớ để chậm trể mà về sau muốn giúp, cũng không giúp được nữa. Như thế là hoang phí lòng tốt muốn giúp, bỏ mất một dịp để làm lành. Cứu cấp cần phải mau chóng chẳng hạn:
- Vớt kẻ ngã sông, vực người ngộ gió, trúng độc, chữa đám cháy nhà ...
Những việc cần phải hành động cấp bách, mà phản ứng chúng ta chậm chạp thì thật là vô ích. Việc tu học của chúng ta cũng như vậy. Muốn có trong hiện tại một cuộc sống thảnh thơi an lạc, mà chúng ta cứ tìm cầu, rượt bắt những hạnh phúc đó ở tận phương trời xa lạ nào đó, thì chắc chắn hạnh phúc không thể nào có được với chúng ta. Do vậy càng thắc mắc thì vấn đề càng rắc rối thêm, càng khó hiểu thêm. Chúng ta nên thực tập tiếp nhận những gì trong hiện tại là điều cần thiết.
Quả thật như vậy, mục đích của Đạo Phật không phải nhằm thỏa mãn tính tò mò của con người, mà làm thế nào để:
- Chuyển mê khai ngộ.
Vì vậy người muốn được chuyển mê khai ngộ, xa lìa cảnh khổ để được sống đời an lạc thì không thể chỉ tìm hiểu hay bàn cãi suông để chơi mà phải thực hành theo lời giáo huấn của Chư Phật. Lời giáo huấn của chư Phật dạy:
- Nguyên nhân của mọi đau khổ là vô minhái dục.
Hay nói một cách khác chính lòng tham lam, sân hận, si mê là nguồn gốc của mọi tranh chấp, oan trái để rồi đem lại những lo âu sầu muộn, bất mãn. Đó chính là những yếu tố làm cho đời sống thoái hóa và khổ đau.
Từ trong khuynh hướng nầy, chúng tôi xin được chia xẻ với đại chúng một sự việc được ghi chép trong Kinh Tạng nguyện Thủy:
Ngày nọ, có một vị tỳ khưu đang thực hành đời sống xuất gia phạm hạnh trong rừng, bỗng nhiên phát tâm hoan hỷ tự bảo mình rằng:
- Hạnh phúc thay! Hạnh phúc thay!
Rủi vô ý nói lớn quá làm cho những người bạn của ngài nghe được, và đem thuật lại với Đức Phật. Đức Thế Tôn muốn nhân cơ hội này thuyết pháp cho các vị tỳ khưu, nên cho gọi vị Đại Đức ấy đến hỏi nguyên nhân. Vị Đại Đức ấy trả lời rằng:
- Quả thật con có thốt ra những lời như thế, vì trước kia con là một vị vua có đủ ngọc ngà châu báu, cung phi mỹ nữ, quân binh tướng sĩ... nhưng không ngày nào con cảm thấy yên tâm, luôn luôn con lo sợ bị ngoại xâm, bị nổi loạn và bị cướp ngôi nên phải lo điều binh khiển tướng, trấn giữ biên thùy. Thế mà vẫn phải lo ngại, khổ tâm. Trái lại, từ khi xuất gia, tuy chỉ có ba y, một bình bát nhưng lại không có điều gì lo sợ, tâm con nhờ thế được an vui tự tại.
Đức Phật nhân đây liền dạy các thầy tỳ khưu rằng nếu các thầy sống đúng theo đời sống phạm hạnh, không bị dục lạc chi phối thì đời sống sẽ được an vui hạnh phúc.
Trong Trường Bộ cũng thuật rằng:
- Một hôm Đức Thế Tôn ngự tại Vương Xá, vua A xà thế đến hỏi Đức Phật về những lợi ích hiện tại của đời sống tu hành.
Ngài dẫn chứng những quả báo thiết thực và dạy rằng các vị Sa môn đã xuất gia chân chính, nếu biết giữ mình theo Giới, Định, Huệ, cố gắng diệt trừ tham, sân, si thì đời sống tự tại, giải thoát sẽ đến với họ ngay trong kiếp hiện tại chứ không cần tìm đâu xa cả.
Mặc dù mục đích tối hậu của Đạo Phật là chứng ngộ Niết Bàn, nhưng như chúng ta đã thấy, mục đích thực tế nhất vẫn là ban vui, cứu khổ. Bởi vì nếu trong hiện tại chúng ta được an vui tự tại thì kiếp sau dĩ nhiên cũng được an vui tự tại. Nếu hiện tại mà chúng ta được thanh tịnh, không còn phiền não khổ đau thì chính là Niết Bàn ở đó rồi.
Chúng ta đồng ý với một số người cho rằng, điều kiện của một đời sống hạnh phúc là có sức khoẻ, có tiền tài và có địa vị trong xã hội. Nhưng đời sống hạnh phúc thật ra chưa hẳn đã hoàn toàn tùy thuộc vào những điều kiện vật chất như thế ... Vì nếu một người khỏe mạnh, đem sức khỏe của mình làm những điều tội lỗi thì không được ích lợi gì. Người giàu sang sống bỏn sẻn, không tri túc, tham lam vô độ thì không những  không tìm được hạnh phúc cho chính mình, mà lại còn làm hại đến kẻ khác. Người có địa vị nhưng lại lạm dụng quyền hành thì chỉ rước thêm oan trái oán thù.
Như thế, tiền tài danh vọng chưa phải là yếu tố tiên quyết cho một đời sống hạnh phúc. Trái lại điều kiện đem lại an vui là có tinh thần lành mạnh. Và một tinh thần chỉ có thể gọi là lành mạnh khi không bị dục lạc, oán thù hay mê loạn chi phối. Cho nên trong kinh Pháp Cú Đức Phật dạy:
- Giữ thân trong sạch, hạnh phúc biết bao.
- Giữ miệng trong sạch, hạnh phúc biết bao.
- Giữ tâm trong sạch, hạnh phúc biết bao.
Thật vậy, nếu chúng ta biết giữa thân, miệng, ý luôn luôn trong sạch thì quả là hạnh phúc cao thượng. Qua đoạn kinh trên, chúng ta thấy Đạo Phật chủ trương bí quyết cho đời sống hạnh phúc là phải:
- Sống trong sạch, thanh khiết từ lời nói, việc làm, cho đến những ý nghĩ thầm kín.
Đức Khổng Tử cũng đồng một quan điểm đó khi Ngài dạy trong Tứ Thư là mọi người phải biết:
- Tu kỳ thân, chánh kỳ tâm, thành kỳ ý thì thiên hạ mới thái bình.
Theo quan điểm của một con người luôn luôn chủ trương ăn thật, nói thật, sống thật mà muốn cho đời sống luôn luôn trong sạch thanh tịnh thì chúng ta phải không nên tạo tác các nghiệp ác, và làm các điều lành.
01- Không Làm Các Ðiều Ác.
- Không Sát Sanh:
Là để rèn luyện đức tánh từ bi, chúng ta không giết hại sanh linh, dù là sinh mạng của con người hay loài cầm thú, như thế chúng ta sẽ không gây thêm oan trái, oán thù. Một trong những điều kiện tạo nên đời sống an lành là không có kẻ thù nghịch.
- Không Trộm Cắp:
Chúng ta không nên trộm cắp, vì một khi đã là người trộm cắp, thì chúng ta luôn luôn lo sợ bị truy tố trước pháp luật, và chính trong lòng chúng ta cũng thường bị ray rứt, ân hận. Trái lại, người biết tri túc, biết nuôi mạng chân chính, không bao giờ phải lo sợ như thế. Không lo sợ thì đời sống sẽ được vui tươi.
- Không Tà Hạnh:
Trong một gia đình nếu vợ chồng hòa thuận, tin yêu. Chồng giữ đúng bổn phận làm chồng, vợ biết lo tròn phận sự làm vợ, không đứng núi này trông núi nọ, và chung lo xây dựng gia đình thì đó chính là một gia đình đầm ấm.
Ba điều trên giúp cho thân trong sạch, hay nói một cách khác là để kiểm soát hành động hằng ngày của mình. Và hai điều sau đây có mục đích giữ miệng thanh tịnh:
- Không Nói Dối:
Là để rèn luyện đức thành tín chân thực. Người chân thực và thành tín được mọi người tín nhiệm, tin tưởng. Dĩ nhiên trong công việc giao tế hằng ngày ai cũng muốn được tín nhiệm, vì đó là yếu tố thành công trên đường đời.
- Không uống rượu:
Không phải chỉ Phật Giáo mà nhiều Tôn giáo khác cũng dạy tín đồ không nên uống rượu. Vì người say sưa tự hạ phẩm cách của mình. Hơn nữa, theo y học, rượu làm cho mạch máu không co giản được, dễ bị chứng lưu huyết, thần kinh ở não cũng bị ảnh hưởng làm giảm trí nhớ.
Vậy người Phật tử giữ giới chính là để xây dựng một cuộc sống lành mạnh từ thể chất đến tinh thần, chứ không phải vì yếm thế, chán đời.
02- Phải Làm Các Ðiều Lành:
Làm các điều lành là để phát triển đức tính vị tha, nghĩa là sẵn sàng giúp đỡ kẻ khác, Đức Phật dạy phương pháp hiến tặng. Hiến tặng cũng còn giúp cho chúng ta loại bỏ dần lòng tham lam keo kiệt và diệt vọng chấp ở ngã sở. Có ba cách hiến tặng:
a- Hiến Tặng Tài Sản
Là tùy phương tiện, tùy khả năng của mình để giúp đỡ kẻ khác trong lúc họ túng thiếu về vật chất.
b- Hiến Tặng Pháp
Là tùy cơ hội để hướng dẫn người khác sống đúng theo lẽ đạo. Cách hiến tặng nầy, ngoài việc hướng dẫn những người sơ cơ nghe pháp, tin hiểu Phật Pháp chúng ta cũng có thể thực hiện:
- Hiến tặng sự có mặt
            - Hiến tặng Sự Vững Chãi
c- Hiến Tặng Sự Không Sợ Hãi
Tức là giữ giới hạnh như chúng ta vừa nói ở phần trên. Vì khi giữ giới chúng ta không hại kẻ khác, không làm cho kẻ khác sợ hãi.
Trong phạm vi của bài pháp Nói Thật & Sống Thật chúng tôi xin được nhấn mạnh quan điểm hiến tặng pháp. Hiến tặng pháp là chúng ta có thể chia xẻ những điều tai nghe mắt thấy về những phương pháp tu học đạo giải thoát như thật, bằng một tâm hướng thượng hướng thiện, chứ không vì một lợi dưỡng nào khác. Cũng không nên hướng dẫn người đi vào con đường tà pháp.
1- Hiến Tặng Sự Có Mặt
Như chúng ta biết, hiến tặng là một pháp môn rất mầu nhiệm, nó có khả năng đưa mình vượt sang bờ bên kia rất là mau chóng. Vì khi hiến tặng, chúng ta gây niềm vui cho người kia, và đồng thời chúng ta gây niềm vui cho chính chúng ta, và kết quả sự thực tập đó là thiện hay là ác đều sẽ có ngay trong chốc lát, như trong Kinh Pháp Cú Ðức Phật dạy:
- Ở chỗ nầy yên vui
Tiếp ở chỗ khác cũng yên vui
Kẻ làm điều thiện nghiệp
Cả hai nơi đều an vui
Vì thấy thiện nghiệp mình gây ra
Người kia sinh ra an lạc và cực lạc.
Đối với người làm ác, trái lại:
- Ở chỗ nầy ăn năn
Tiếp ở chỗ khác cũng ăn năn
Kẻ làm điều ác nghiệp
Cả hai nơi đều ăn năn
Vì thấy ác nghiệp mình gây ra
Người kia sinh ra ăn năn và chết mòn.
Ngoài việc hiến tặng của cải, pháp tu học như đã trình bày ở trên, chúng ta còn có thể hiến tặng sự có mặt đích thực của ta. Tại vì khi mình thương thì mình phải có mặt cho người mình thương. Khi mà mình thương người nào thì mình phải hiến tặng sự có mặt của người mình thương. Nếu không thì mình không thể nào nói thương được. Thương là phải có mặt và ôm lấy người mình thương, và trong khi đó người mình thương luôn luôn nghĩ là cần sự có mặt, đùm bọc che chở bỡi người thương của mình. Người thương của mình có thể là cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em .. v.. v.. Nếu chúng ta nói rằng thương mà chúng ta cứ vắng mặt hoài, hoặc nói là thương mà tâm hồn anh nghĩ tới chuyện khác, để cho người mình thương sống cô độc thì đâu gọi là thương được. Do đó món quà quý giá nhất tặng cho người mình thương, đó là sự có mặt. Nhiều khi mình ngồi đó mà mình không có mặt, mình ngồi đó mà tâm hồn phiêu lưu đâu đâu thì cũng không phải là thương.
Vậy thì sự có mặt đích thực của mình là món quà quý nhất, mà mình có thể dâng tặng người thương của mình. Nếu người cha hoặc là bà mẹ đó biết rằng đứa con nó thiếu tình thương của cha mẹ, thì người cha mẹ đó tìm cách gần gũi nó an ủi, thì chắc chắn đứa con ấy sẽ sung sướng lắm. Nghĩa là chúng ta muốn làm cho người đó hạnh phúc thì phải hiến tặng cho sự có mặt của chúng ta. Có mặt đích thực nghĩa là thân và tâm phải an trú trong hiện tại, đó là sự thực tập thiền quán, để đưa thân và tâm trở vể an trú trong giây phút hiện tại, lúc đó chúng ta có sự có mặt đích thực và chúng ta sẽ hiến tặng sự có mặt đích thực đó cho người mà chúng ta thương. Hành động đó gọi là bố thí, hay còn gọi là hiến tặng.
2- Hiến Tặng Sự Vững Chãi
Bên cạnh những sự hiến tặng Tài Sản, Phương Pháp Tu Học, Hiến Tặng Sự Có Mặt, chúng ta còn có thể hiến tặng sự vững chãi. Vững chãi là một cái gì chúng ta phải tu tập mới có. Vững chãi là một trong những đức của Niết Bàn. Khi một người mà có đức tánh vững chãi thì mình có thể tin tưởng vào người đó được.
Người mà chúng ta thương, và nghĩ là chúng ta có thể nương tựa mà thiếu sự vững chãi thì không những làm khổ cho chúng ta, và rất có thể chúng ta sẽ bị lấy mất sự vững chãi mà chúng ta đã có. Sự việc nầy thường xẫy ra trong cuộc đời. Những Phật Tử đi tham dự các khóa tu học, phần lớn là quý vị đi tìm sự nương tựa nơi Phật, Pháp, Tăng vì thế muốn có sự vững chãi đó phải thực tập theo lời Phật dạy. Thực tập nương tựa với Phật, thực tập nương với Pháp, thực tập nương tựa với Tăng để sự thực tập của chúng ta mỗi ngày nó tăng thêm sự vững chải và con cháu của chúng ta sẽ được nương tựa vào sự vững chãi của chúng ta. Khi mà chúng ta đi thiền hành, thì chúng ta đi từng bước vững chãi và những bước vững chãi đó nó làm cho thân và tâm của ta mỗi ngày một vững chãi thêm. Như vậy trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh khi mà chúng ta ngồi thiền, thì chúng ta thực tập nuôi dưỡng sự vững chãi, khi mà ta làm buổi cơm sáng hay là buỗi cơm chiều, chúng ta cũng thực tập như vậy, nghĩa là ta theo dõi hơi thở, chúng ta đừng suy nghĩ lung tung, tất cả những phương pháp đó là để nuôi dưỡng sự vững chãi trong chúng ta. Có sự vững chãi rồi thì người thương của chúng ta sẽ được thừa hưởng. Nếu không có sự vững chãi thì chúng ta luôn luôn thay đổi, từ lời nói đến tánh tình, và cả việc làm, thì người thương của chúng ta sẽ không có hạnh phúc. Vì thế, sự vững chãi là món quà rất lớn mà chúng ta có thể hiến tặng cho người thương của chúng ta.
3-  Hiến Tặng Sự Tự Do
Ngoài ra chúng ta còn hiến tặng những thảnh thơi của mình. Thảnh thơi tức là sự tự do, tự do đây không có nghĩa là tự do có tính cách chính trị, mà tự do ở đây là đối với cái phiền não của chúng ta, phiền não đó là cái sự thèm khát, sự giận hờn ganh tị nghi ngờ. Ðó là những sợi dây ràng buộc làm cho chúng ta khổ. Thèm khát tức là cái ước muốn chạy theo, năm sự dục lạc, trong đó có: Tiền bạc, danh vọng, sắc dục là ba đối tượng rất được nhiều người tìm cầu chú ý. Tại vì người ta nghĩ rằng có ba cái đó mới có hạnh phúc. Vì nghĩ như vậy, cho nên đã có không biết bao nhiêu người trầy da tróc trán, đau khổ cùng cực vì chạy theo đối tượng của sự thèm khác đó. Nói về sự giàu có, danh vọng và sắc dục. Ðức Phật có dạy ra rằng:
- Dục vọng nó có bề ngoài rất là quyến rủ, nhưng mà đó là những con mồi rất nguy hiểm.
Quả thật như vậy, chúng ta cứ hình dung một người câu cá, người ta thường dùng phía trong con mồi đó nó luôn luôn có một cái lưỡi móc, móc con mồi rồi thả xuống dưới sông. Nhiều khi con mồi của chúng ta là con mồi bằng nhựa chứ không phải là con mồi thật, nhưng mà con cá nó tưởng là món mồi thật nên cá nó đớp lấy, nhưng khi nó đớp lấy rồi thì bị móc vào cổ họng nó rồi thì bị kéo ra khỏi nước.
Ðối tượng sự thèm khát của chúng ta cũng như vậy đó. Chúng ta phải nhìn cho kỷ trong cái bản chất của đối tượng đó, để thấy rằng chúng nó chứa đựng những cái hoạn nạn, cái nguy hiểm. Nếu chúng ta tiếp tục chạy theo nó, thì một ngày kia ta sẽ là nạn nhân của nó, nó sẽ làm tan nát sự nghiệp của chúng ta, gia đình của ta. Vì vậy cho nên phải coi chừng năm món dục, coi chừng sự thèm khát đã có trong trái tim của chúng ta. Nhìn cứ nhìn chung quanh chúng ta để thấy, những người đã từng chạy theo năm loại dục đã và đang làm tan nát cuộc đời của họ và những người thân của họ một cách kinh khủng.
Ðức Phật nói chúng ta có thể sống hạnh phúc trong giờ phút hiện tại, và có rất nhiều điều kiện để cho chúng ta sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại, mà chúng ta không cần đến năm thứ dục vọng. Do vậy mà đối với những người đi tu không phải là mơ ước tới một hạnh phúc viễn vông nào, mà họ thấy rằng sống trong hiện tại họ có thể tiếp xúc với những sự mầu nhiệm, họ có thể có hạnh phúc ngay trong hiện tại. Ðó gọi là hiện Pháp Lạc Trú, là lời Ðức Thế Tôn đã dạy. Chúng ta không cần chạy theo đối tượng của sự thèm khát mà chúng ta có thể sống được hạnh phúc, an lạc, vững chãi và thảnh thơi ngay trong giờ phút hiện tại. Chính vì con đường và giáo pháp tự do nên đã có rất nhiều người xuất gia theo Ðức Thế Tôn bây giờ, và sau nầy. Nếu quý vị nhìn vào tăng đoàn trong các Chùa, Viện tại quốc nội cũng như quốc ngoại thì quý thấy có rất nhiều người đi tu. Vậy thì khi chúng ta sống theo chánh pháp, chúng ta có hạnh phúc và có thảnh thơi. Thảnh thơi vì mình không bị sợi dây của thèm khát nó trói buộc. Trước hết là sự thảnh thơi đối với sợi dây của sự thèm khát. Thảnh thơi là sự tự do đối với hận thù, tại vì khi chúng ta còn mang trong lòng một khối hận thù thì chúng ta còn đau khổ, cho nên chúng ta phải tập quán chiếu để buông bỏ hận thù là chúng ta đã đạt được sự an lạc và thảnh thơi. Khi mà chúng ta có sự thảnh thơi tức là chúng ta đã có một phẩm vật quý giá nhất để tặng cho người mà chúng ta thương.
Tu học tức là chế tác được chất liệu vững chãi và thảnh thơi ở trong con người của chúng ta, đó là hai món quà quý nhất mà chúng ta có thể tặng cho người thân của chúng ta. Từ trong chiều hướng nầy, chúng ta cũng nên xem nơi người thương của chúng ta, nếu chưa có những chất liệu vững chãi thảnh thơi thì chúng khuyến khích, nâng đỡ cho có, còn nếu người thân của chúng ta đã có rồi nhưng mà sự vững chãi và thảnh thơi đó nó chưa đủ lớn, thì chúng ta phải học phương pháp nuôi lớn sự vững chãi và thảnh thơi đó.
c- Vô Úy Thí
Ðức Bồ Tát Quán Thế Âm là một trong những vị Bồ tát lớn như chúng ta đã thường biết, Ngài có một món quà lớn nhất tặng cho chúng ta, đó là món quà Tinh Thần Không Sợ Hải. Học và hành trong giáo pháp của Phật, chúng ta biết là có ba món quà tặng:
- Một là tài Thí,
- Hai là Pháp Thí
- Ba là Vô Uý Thí.
Tài Thí tức là tặng những tặng phẩm. Pháp Thí tức là những tặng phẩm về giáo pháp, ví dụ như là vững chãi, thảnh thơi an lạc. Phương pháp thở, phương pháp đi, ngồi thí. Vô Úy Thí là món quà cao nhất là không sợ hãi. Nếu chưa đạt tới đại trí, nếu chưa đạt tới bản chất không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tới không lui thì chúng ta chưa có món quà lớn đó hiến tặng cho chính chúng ta và cho những người thân thương. Chính Ðức Phật và chư Bồ Tát lớn đã đạt được cho nền các ngài có thể hiến tặng cho chúng ta được món quà Vô Úy Thí
            Một con người sống không bỏn xẻn, tâm vị tha, quảng đại và bao dung thì chắc chắn được mọi người quí mến. Nếu sống trong gia đình thì chắc chắn mọi thành viên trong gia đình thương mến, nếu sống trong một cộng đồng thì tất nhiên cũng được mọi người trong cộng đồng kính yêu và khi lâm nguy được mọi người giúp đỡ, thì không còn gì hạnh phúc hơn. Đó là bí quyết cuối cùng giúp chúng ta sống an vui thư thái, do đó Đức Phật đã từng dạy:
- Không có gì hạnh phúc bằng tâm hồn yên tịnh.
Và danh ngôn Pháp cũng nói rằng:
- Khi tâm hồn không bị tham lam, sân hận, si mê, chi phối thì ta sẽ sống vô cùng bình tĩnh và sáng suốt. Đó cũng chính là hạnh phúc cao thượng nhất.
Phương pháp hoàn hảo nhất để giữ tâm hồn trong sạch là:
- Tụng kinh, niệm Phật, Tham thiền.
Vì theo nguyên nghĩa của Thiền là đốt cháy phiền não. Chính những phiền não như tham, sân, si, phiền muộn, bức rức, luyến tiếc... làm cho đời sống chúng ta đau khổ. Khi những phiền não này đã bị đốt cháy thì hiển nhiên chúng ta được an vui tự tại.
Nói tóm lại, Đạo Phật tuy cao siêu nhưng không quá xa vời thực tế, đúng như một học giả Tây phương đã nói:
- Đạo Phật là một phương pháp sống thực.
Do đó chúng ta là đệ tử của Ðức Phật, chúng ta phải thực tập nói thật, nghĩ thật và làm thật mới xứng đáng là đệ tử của Phật.
--o0o--