TẬP SAN DƯỢC SƯ

Làm Mới Lại Cuộc Đời II
Chơn Ðức
--o0o--
 
Người đời thường thường không hiểu thế nào là thiện, thế nào là ác, cho nên không sợ nhân quả, không chịu nhận mình có lỗi, một khi đã không nhận lỗi thì không thể nào sửa đổi những sai lầm của mình. Tuy nhiên, một người không biết lỗi, không nhận lỗi thì không có nghĩa là không có lỗi, mà phải biết rằng Người ta phàm có những việc tạo tác và hành vi, khởi tâm động niệm, thì ngay tức khắc chư Phật, Bồ tát cho đến quỉ thần, không có việc gì là chư vị không biết, vì thế tốt hơn hết là khi chúng ta dấy lên tư tưởng như thế, thì không nên hành động một cách thiếu chánh niệm theo hành vi mê muội của mình. Những ai được gọi là thánh hiền, là những người luôn luôn sống trong tỉnh thức, luôn luôn biết làm mới lại cuộc đời của chính mình theo những phương cách như sau:
            01- Quán Chiếu
Bất cứ một hành động dù lớn hay nhỏ, bất cứ trong môi trường nào đi nữa cũng vậy, chúng ta phải luôn luôn cân nhắc trước khi làm, tức là cần phải thường suy xét, từng lời nói từng việc làm để biết việc nào là thiện, việc nào là ác. Nếu đó là ác thì phải cố gắng mà sửa đổi, ngoài việc từng giờ, từng phút chú ý sửa lỗi ra, mỗi ngày trước lúc sắp đi ngủ, chúng ta cũng nên đem việc đã làm một ngày mà suy nghĩ thật rõ ràng, để chuẩn bị tư lương cho ngày mới sắp đến.
02- Làm Mới Lại
Sau khi quán chiếu, nếu biết chúng ta là người có lỗi, thì chúng ta phải ra sức sửa đổi cho tốt đẹp, phương cách nầy gọi là làm mới lại. Chúng ta nên biết rằng việc làm mới lại là việc làm hết sức là quang minh lỗi lạc. Đây là việc làm biểu thị nhân cách vĩ đại của con người. Cho nên người xưa thường nói:
- Lỗi mà có thể biết là Minh, biết mà có thể sửa đổi tức là Thánh.
Việc làm mới lại nói thì dễ mà làm thì khó, cho nên càng làm mới lại thì chúng ta càng phạm, vì thế nhiều khi tự mình chưa có thể mạnh mẽ làm chủ để làm mới lại những thói quen đã  huân tập của chúng ta từ vô thỉ đến nay. Để trợ duyên cho việc làm mới lại cuộc đời, ngoài việc tâm tâm, niệm niệm làm mới lại cuộc đời, chúng ta cũng nên thường thực tập: Niêm Phật, Thiền Tọa và Kinh Hành một cách chí tâm chí kính, khẩn thiết để sám hối nghiệp đời trước từ vô thỉ. Nương nơi lực từ bi của Phật gia hộ, nghiệp sẽ tiêu, trí tuệ sẽ sáng, thì việc làm mới lại con người chúng ta có thể viên mãn thành tựu, được như thế trong đời hiện tại, chúng ta có thể bước vào cõi Thánh Hiền, lúc mạng chung vãng sanh Cực Lạc.
03- Hòa Hiếu
Khi chúng ta thực hiện cuộc sống hòa hiếu để có an vui, thì chắc chắn chúng ta không có sự tranh giành. Bởi vì, tranh giành là cái nhân nuôi dưỡng sự tổn thương và có hại. Một người có tâm tranh giành thì sẽ tranh danh, tranh lợi, việc lớn cũng tranh, việc nhỏ cũng tranh. Chỉ cần có tranh chấp thì sẽ có phân ra cao thấp, chia thành mạnh yếu, có niệm được mất, sẽ khó lấy khó bỏ, do vì có tranh chấp cho nên anh em trong nhà cũng có thể trở mặt thành kẻ cừu thù. Chỉ vì sỉ diện với nhau, sẵn sàng tranh cho được. Nhưng chuyện đời không giống như chúng ta tưởng, vì khi có sự tranh giành thì ai cũng muốn chiếm phần thắng, cho nên cố sức gành giựt, vì vậy mà cả hai đều bại, đều tổn thương, ngay cả mất mạng cũng là do từ việc tranh chấp mà ra.
Người biết sống trong hòa hiếu người đó sẽ an vui, có thể nhìn rõ sự thật. Trong gia đình, hay bất cứ một tổ chức nào cũng thế, nếu không có sự hòa hiếu thì phải loạn, mà đã loạn thì tất nhiên có phạm lỗi, có phạm lỗi thì thất bại trong mọi công việc.  Con người thường thường do tâm chấp trước, nên mới sinh ra tâm phân biệt. Là anh, là tôi, phân biệt rất rõ ràng, đến nỗi liều mạng cho sự yêu thích của chúng ta. Tâm tranh chấp một khi khởi lên, thì chúng ta sẽ không cần biết thế nào là:
- Nhân tình, hữu nghị, công lý, chánh nghĩa ...
Tất cả đều quên hết, chỉ còn lại cái tâm:
- Danh lợi,
- Tâm háo thắng,
- Tranh chấp với người, tranh chấp với công việc.
Nếu như có thể sống trong hòa hiếu với người thì người an, sống hòa hiếu với công việc thì công việc an. Người và công việc nếu mà chúng ta duy trì được trong tinh thần hòa hiếu thì thế giới nầy chắc chắn bình an. Vì vậy, nếu chúng ta là người học Phật, muốn sống trong hòa hiếu, thà chúng ta có thể chịu một chút thua thiệt, không chiếm lấy sự tiện nghi, thì sẽ có thể thực hiện được tinh thần nầy. Như đời nhà Thanh có một vị đại quan, nhận được một lá thư nhà của con cái dưới quê gởi lên, nhân vì sự phân chia ranh giới của những người ở trong nhà mà xảy ra việc tranh chấp, cả hai bên không chịu nhường nhau nên tranh chấp mãi, mấy lần động đến võ lực, con cái muốn dựa vào quyền thế chức vị con của quan để mà tranh lấy thể diện, nhưng vị quan nầy là vị quan lớn có sự tu dưỡng đạo đức. Sau khi đọc thư xong ông ta mĩm cười, rồi ghi vào đầu thư trả lời cho con cái, thư viết rằng:
- Ngàn dặm gởi thư chỉ vì tướng
Ngại gì ba tấc chẳng chịu nhường,
Trường thành còn đó dài vạn dặm,
Giờ đây chẳng thấy Tần Thủy Hoàng.
Và trong truyện Tế Công cũng có hai câu:
- Dẫu có ôm giữ ngàn gian nhà,
Một thân khó nằm được hai giường.
Xem ra tinh thần hòa hiếu an vui rất cần thiết cho việc làm mới lại con người của chúng ta.
04- Tâm Hiềm Hận
Người có tâm hiềm hận là người luôn luôn tự đắm mình trong biển khổ. Bởi vì với cái tâm hiềm hận như vậy chúng ta sẽ nhìn kiểu nầy không đúng, nhìn kiểu kia không tốt, rồi trở nên oán trời trách người, sinh lòng tức giận. Thế là một mình chịu lấy những điều uẩn khúc, tự nhận lấy sự thiệt thòi. Các việc không như ý thì sinh tâm hận, càng nghĩ càng tức, đến nỗi không chuốt lấy họa thì cũng sinh bệnh. Phải biết rằng sự hiềm hận có độc, và tích chứa nhiều thì sẽ thương tổn nơi thân, và tâm não. Cho nên tốt hơn hết là chúng ta không nên hiềm hận. Không hiềm hận nhưng tập khoang dung độ lượng. Nếu gặp những việc ngược lại với những điều mong mõi, thì chúng ta nên nhận thức rằng bởi do kiếp trước chúng ta không chịu trồng nhân lành, cho nên đời nầy mới bị quả báo ác. Chúng ta cứ coi nó là quả của báo oán, và thọ nhận một cách vui mừng rồi việc gì cũng sẽ qua đi. Nếu như thọ rồi, mà trong tâm bất mãn, muốn trả báo phục thù, thì lần nầy dù cho đã qua rồi, nhưng lần sau nghiệp quả đó sẽ lại đến.
Vì vậy nếu chúng ta là người đã có những quan hệ với những ai đã từng chưởi bới, trêu chọc, đánh đập mà chúng ta cứ nhớ mãi trong lòng thì nỗi oán hận đó sẽ mãi mãi không có một ngày bình yên và chấm dứt. Nhưng cũng nên nhớ rằng, đừng có trút nổi hiềm hận của mình lên mình người khác, mà nghĩ là hành động trút giận đó sẽ làm cho sự hiềm hận của mình vơi đi và thân tâm của chúng ta sẽ được bình yên và dừng nghỉ. Nghĩ như thế là sai. Muốn có được sự bình an và dừng nghỉ, chỉ có việc duy nhất là tự mình quên bỏ đi những hiềm hận, thì nỗi oán hận mới có thể bình yên và dừng nghỉ.
05- Không Đua Đòi
Mỗi người trên đời nầy ai cũng có những suy tư riêng rẻ, và những hành động riêng rẻ. Do vậy mà mỗi người đều có những vận mênh riêng biệt không đồng, thể chất trí tuệ ở mỗi người mỗi khác, cho nên chúng ta không nên tự ti nếu là thấp hèn, cũng không tự tôn nếu là cao cả. Nghĩa là chúng ta không nên đua đòi so sánh với người khác vì thành quả của họ. Trong chiều hướng nầy thì tự mình kiếm được cái gì thì an vui với cái mình có, đừng vì thể diện, hay địa vị mà ra sức chạy đua với người ta, thì hiện đời chúng ta sẽ không có giây phút nhàn rổi, và khi mất sẽ không được vãng sanh về Cực Lạc. Lý do đơn giản, bởi vì chúng ta muốn hơn thua với người, cho nên chúng ta tận lực bận rộn vào những công cuộc chạy đua, đã bận rộn vào công việc chạy đua theo niệm thế tục, thì còn lòng dạ nào để tu hành thực tập các thiện pháp.
06- Không Ganh Tỵ
Người mà có tâm đố kỵ ganh ghét thì sẽ không bao giờ thấy được cái tốt đẹp, và sự thành công của người khác. Chỉ cần người nào đó tốt hơn, mạnh hơn chúng ta, thì chúng ta sẽ ghét hận xốn mắt gai lòng, và từ đó sẽ nẩy sanh những thủ đoạn:
- Làm tổn thương,
- Phá hoại,
- Bài xích,
- Phản kháng,
- Hủy diệt...
Một người có tâm ganh tỵ là người chỉ biết mình là người tốt hơn, mạnh hơn người khác. Còn nếu người khác tốt hơn, mạnh hơn, thì không thích không vui. Ðây là hiện tượng của người không có tâm Từ bi.
07- Không Tự Trách
Một khi đã thấy và biết những sai lầm thì phải có tinh thần làm mới lại. Khi làm mới lại thì không nên tự oán tự trừng trị mình. Bằng cách tự trách như vậy không giúp gì được cho công việc, mà chúng ta nên tìm biện pháp làm mới lại cuộc đời chúng ta cho hữu hiệu hơn. Chúng ta nên xem mọi người đều là Bồ Tát, còn chúng ta là phàm phu, làm việc khó tránh khỏi không có lỗi lầm. Một khi chúng ta đã biết có lỗi thì nên thành tâm sám hối và mà làm mới lại cuộc đời thì tâm sẽ được an. Từ khuynh hướng nầy, chúng ta không nên tự mình đóng khung trong sự hối hận, tự trách, vì nếu chỉ biết ngồi yên tự trách thì đối với sự việc sẽ không giúp ích gì được cho sự nghiệp chúng ta.
08- Không Nghi Ngờ
Hoài nghi đối với chân lý, đối với chính mình cũng hoài nghi, mỗi một việc đều hoài nghi thì khó mà làm mới lại cuộc đời. Ðã có tâm nghi thì không thể nào có niềm tin chân chánh, điều nầy sẽ trở ngại cho sự nghiệp làm ăn trong xã hội, mà cũng là gốc rễ trở ngại sự tiến tu trên còn đường giải thoát.
 09- Tinh Thần Bao Dung
Là người có tinh thần bao dung, không riêng gì lỗi lầm được người tha thứ, mà ngược lại đem lỗi lầm nầy tự mình xét lấy, bởi vì Phật pháp chú trọng đến nhân quả, ví dụ:
- Có người ta mắc tội với chúng ta, mà chúng ta nhất định cần phải báo thù. Việc gì cũng quyết báo, thì oan oan tương báo sẽ không bao giờ dứt.
Cho nên việc có thể hỷ xả bao dung thì nên hoan hỷ tha thứ, không nên nghĩ là mình có lý mà không chịu dung tha cho người. Chúng ta có thể tha thứ bao dung cho người thì niềm vui vẻ luôn luôn đến với chúng ta không dứt. Tha thứ cho người, thì tâm hồn mình trở nên thoải mái dễ chịu, tâm không trở ngại, không còn tồn tại tâm báo thù, trong tâm chúng ta sẽ được thảnh thơi, tự tại. Hơn nữa người ta mắc tội với chúng ta, dẫu cho chúng ta có báo thù được, thì đối với những tổn thất trước kia cũng không đòi lại được. Thực tập tinh thần nầy, đối với những người khác đắc tội với chúng ta, chúng ta không những không quở trách họ, mà còn phải cảm ơn họ, là vì đời trước của chúng ta đối với họ không tốt, nên đời nầy họ đến đòi nợ, trả được nợ cho người ta thì sự kết oán được giải trừ.
10- Làm Mà Không Làm
Tâm cảnh cao nhất của người tu học là Không Mong Cầu. Không mong cầu thì tâm hồn sẽ nhẹ nhàng thơ thới, cho nên một khi mà chúng ta bố thí là vì chúng ta đang thực hành cái tâm hạnh không keo kiệt tham sân, thì được tâm thanh tịnh. Nếu như bố thí là vì muốn tiêu trừ nghiệp chướng hay trong tâm muốn làm công đức, thì đó là có chỗ mong cầu.
Tâm ban đầu của của chúng ta vốn là rỗng rang thơ thới, không chỗ mong cầu. Nhưng khi khởi tâm phân biệt, liền sinh ra rất nhiều mầm rễ phiền não. Ví như quan niệm giàu có là sung sướng và nghèo nàn là khổ, tất cả đều là do tâm phân biệt của con người làm ra. Nếu không có sự tham đắm giàu có thì nghèo cũng vui, nếu không có sự phân biệt cái quí, thì cái hèn cũng không biết, vì không biết nên không có phiền não. Nếu có thể xét thấu được muôn tướng là một lý, thì sự mong muốn sẽ tự tiêu diệt, một khi sự mong cầu được tiêu diệt thì phiền não kho6ng có cơ hội phát sanh. Phải biết rằng cái thấy ở trong mộng và cái gặp ở lúc hiện thực, tất cả đều là một huyển cảnh, huyễn tượng. Ðời người cũng vậy, cũng là cảnh mộng, vấn đề là ở nơi người đời khởi tâm phân biệt. Nếu tâm không trụ, thì giữa chơn và giả cứ luôn luôn lẫn lộn. Quả thật như vậy, như việc quá khứ là chuyện đã qua rồi, vậy mà chúng ta ngày ngày cứ lục lọi để nhớ lại. Ngày trước giàu có vinh hoa, ngày nay liền nghèo khó, cuộc đời lên voi xuống chó, tất cả đều là mộng. Ðó là vì cảnh đời chơn giả giả chơn, thật ra là do ở tâm của con người mà biến hiện như vậy. Do vậy mà Ðức Phật luôn nhắc nhở rằng:
- Ba tâm không trụ, tánh vẫn như như.
Ba tâm đó là:
- Việc quá khứ, không khởi tâm nhớ tưởng phân biệt
- Việc hiện tại, không khởi tâm niệm tha thiết mong cầu
- Việc vị lai, không khởi tâm tưởng vin vào duyên.
Ðó là ba tâm an trụ, ngược lại là ba tâm không trụ, thì sự biến hiện càng trở nên phứt tạp vô cùng. Do đó, người học Phật trong công cuộc Làm Mới Lại Cuộc Đời, phải nên thực tập, tôi luyện cho tinh thần chúng ta giống như muối, và độ lượng giống như muối, một lòng giúp người mà chẳng cầu danh.
Như chúng ta ai cũng biết, muối là một vật mà hết thảy mọi người ai cũng đều biết nó là vật phẩm phổ thông, thấp hèn không gì đáng nói. Nhưng nếu đem công dụng của muối mà nói, thì chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng của muối trong cuộc sống của chúng ta. Đặc tính của muối được tiêu biểu như:
- Muối có thể ngăn ngừa được sự thối rữa,
- Muối có thể điều chỉnh được vị, đồ ăn ngon trăm vị đều gọi muối là bực trên, nếu không có sự điều chỉnh vị của muối, thì chắc chắn nhạt nhẽo mà lại thiếu vị.
Điều đó đủ thấy rằng công dụng của muối rất lớn. Chỉ có điều, sau khi dùng những bữa tiệc thịnh soạn, mỗi người thưởng thức xong, thì chỉ khen món nầy quí, món kia ngon ... Trong khi đó muối đã đóng một vai trò quan trọng thì nửa lời cũng không được nêu lên, điều nầy người đời đã mặc nhiên công nhận:
- Muối là loại chẳng có giá trị gì cả
Việc công nhận hay không công nhận đó là việc của con người, nhưng không vì vậy mà giá trị của muối giảm đi, nghĩa là ai cũng cần có muối. Muối không vì vậy mà kêu ca than van nữa lời. Chúng ta là người thực tập Làm Mới Lại Cuộc Đời, và chúng ta thực tp hạnh của muối, là công hạnh:
- Công thành thì mà thân lại thối lui.
Đây là sự trân trọng về muối khiến cho người có trí luôn luôn khâm phục, địa vị tuy thấp hèn không đáng để nói, mà công dụng lại rất lớn.
Nói rằng chúng ta học hạnh của muối, có nghĩa là chúng ta phải quán sát tiền thân của muối, muối là nước biển, nhân tánh của nước nhu hòa, bằng phẳng không góc cạnh, không phải thể cứng nhắc. Do vậy mà nếu để trong vật tròn thì tròn, để trong vật vuông thì vuông, ở trong biển lớn cũng chỉ dung thân, để trong vò, trong lu, trong bình cũng yên như vậy... Tâm con người chúng ta xưa nay cũng bình thường phẳng lặng, nhưng nếu chúng ta không thực tập thì khi gặp dính mắc với sự hấp dẫn của vật bên ngoài liền nổi sóng, động tịnh không nhất định, phiền não theo đó mà dẫn đến. Cho nên làm người gặp lúc tâm giao động, thì chúng ta cần phải ra sức ức chế làn sóng suy nghĩ của mình, ngăn chặn sự ham muốn của mình bằng cách quán chiếu cái khả năng và công dụng của Muối. Nghĩa là chúng ta nên tùy thời khống chế tâm mình, không nên để người khác làm giao động, cuộc sống cũng nên tùy lúc mà kiểm thảo. Làm việc gì cũng vậy, trước tiên phải từ góc độ xấu mà suy tưởng, ngược lại không nên từ góc độ tốt mà nhìn, như thế mà yên ổn, là việc chúng ta cần ghi nhớ. Giả sử xử một việc gì, nếu từ phương diện tốt mà nhìn, nhất định chúng ta không nhìn thấy tất cả, cuối cùng chỉ là thất bại, khi đã thất bại thì thất vọng càng sâu. Do vậy, nếu trước tiên từ phương diện xấu mà nhìn, dẫu cho mất đi cũng chẳng đến nỗi thất vọng. Làm người đối với bài học kinh nghiệm nầy chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ.
 Nói tóm lại, trong phương cách làm mới lại cuộc đời, chúng ta cũng nên thực tập thái độ: Đứng từ góc độ hiểu biết mà nhìn thì chúng ta mới có thể chấp nhận được người tức là ta, ta tức là người, người và ta không khác biệt. Khi đó chúng ta thấy sự thật là công danh, là phú quí tất cả đều là giả tướng, cho nên chúng ta không tranh giành. Bên cạnh đó chúng ta cũng có thể quán chiếu thêm, một khi mà chúng ta:
- Ngủ đến nửa đêm,
Cái gì là công danh đều là bóng huyễn,
Nghĩ sau trăm năm,
Không luận già trẻ,
Đều là người xưa.
Chúng ta giữ sao cho bình tâm, khí tịnh thì chúng ta sẽ thấy rõ:
- Nếu lấy chúng ta làm người, thì đối phương rất là thân thiết đối với chúng ta.
Lấy người làm ta, thì làm việc chắc chắn được người kính trọng.
Cho nên chúng ta sẽ không còn ranh giới kẻ thân người thù, mà khi làm việc gì chúng ta cũng phải giữ bổn phận, mỗi việc đều hết phận mình, làm gì thì giống nấy, làm cha phải ra cha, làm con phải ra con, kính nể nhau trong lúc hành xử. Thành kính để đối đãi với mọi người. Lề luật cho mình thì cần phải nghiêm, nhưng đối đãi với mọi người thì cần phải khoang dung, từ ái, hiền lành, hòa vui thân thiết, phong độ nhún nhường. Đó là phương cách mà chúng ta cần phải xử dụng để làm mới lại cuộc đời.
--o0o--