TẬP SAN DƯỢC SƯ

Thay Đổi Vận Mệnh
Tâm Như
--o0o--
 
Trong văn học Nhân Gian Việt Nam chúng ta thường nghe nói:
- Có trời mà cũng tại ta
Chữ tâm kia mới bằng chữ tài.
Theo tinh thần nầy, chúng ta thấy con người có một sự chịu đựng tích cực phi thường khi chúng ta quyết tâm thay đổi: Từ xấu thành tốt, từ dở thành hay, từ phàm phu trở thành thánh nhân ...
Như vậy, muốn sống một cuộc sống hạnh phúc, trước hết chúng ta phải loại bỏ cách hành xử và trạng thái tâm tiêu cực của chúng ta. Để vượt qua những ứng xử tiêu cực và có những thay đổi tích cực trong đời sống của con người, bước đầu tiên là chúng ta phải học tập, và thực tập cho nhuần nhuyển cách loại bỏ trạng thái tâm tiêu cực. Có nhiều yếu tố trợ duyên để dẫn đến những thay đổi tích cực của chính mình:
- Học tập
- Niềm tin
- Quyết tâm,
- Hành động,
- Và nỗ lực.
1- Học Tập & Niềm Tin:
Lẽ tất nhiên việc học tập là bước đầu tiên rất quan trọng, vì những tư lương nầy sẽ giúp chúng ta phát triển niềm tin chắc thật về nhu cầu cần thay đổi và tăng cường trách nhiệm của con người. Một khi niềm tin có mặt thì niềm tin muốn thay đổi sẽ phát triển thành sự quyết tâm. Kế tiếp, chúng ta biến sự quyết tâm thành hành động, và  quyết tâm mạnh mẽ muốn thay đổi tạo thành động cơ khiến chúng ta có sự nỗ lực bền bỉ để thực hiện những thay đổi cần thiết như chúng ta muốn. Quả thật như vậy, chẳng hạn nếu chúng ta muốn không đam mê cờ bạc rượu chè nữa, trước tiên chúng phải ý thức là hút sách, cờ bạc là nguyên nhân dẫn đến suy nhược cơ thể, nghèo đói khổ sở. Đồng thời chúng ta phải có sự hướng dẫn về hậu quả tai hại của hút sách, cờ bạc để thay đổi hành động của con người. Nhưng chỉ học không thôi chưa đủ, chúng ta phải tăng cường ý thức đó cho đến khi tin chắc về những hậu quả tai hại của hút sách trụy lạc. Điều này làm cho sự quyết tâm thay đổi trở nên vững chãi. Cuối cùng chúng ta phải nỗ lực thực tập cho thành thục thói quen mới. Đó là con đường có thể biến đổi nội tâm trong mọi sự việc, và bất cứ trong mọi vấn đề gì mà chúng ta đang cố tâm hoàn thành.
2- Quyết Tâm
Mặc dù là chúng ta đang hướng nỗ lực vào bất cứ mục tiêu đặc biệt nào hay hành động nào, chúng ta cũng cần phải bắt đầu bằng cách sẵn sàng và quyết tâm làm việc đó. Và ở đây, ý thức thời gian cấp bách là yếu tố chủ chốt. Ý thức cấp bách này là một yếu tố mạnh mẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn. Chẳng hạn như:
- Ý thức về những hậu quả nghiêm trọng của bệnh ung thư phổi đã tạo ra một ý thức cấp bách ngăn chặn sự tiêu thụ thuốc lá của nhiều người.
Sự quan trọng của sự cấp bách nầy không chỉ áp dụng để vượt khó khăn ở mức độ cá nhân, mà nó còn ở mức độ rộng lớn trong cộng đồng nhân loại. Quả thật như vậy, như tình hình Đại Lễ Phật Đản năm 2004, theo dự báo thời tiết sáng hôm đó trời mưa, mà đúng như vậy. Buổi sáng hôm đó mây đen bay thấp thấp, những giọt mưa nhẹ nhẹ rơi trên bầu trời Seattle. Chúng tôi hết lo ngại, vì không biết các phật tử xa gần có về dự lễ được không. Nhưng khi giờ rước xe hoa đã đến, chúng tôi hết sức sửng sốt bởi vì sự đáp ứng của phật tử, mọi người từ mọi nẻo đường, cùng nhau lũ lượt kéo về khu phố quốc tế để tham gia trong đoàn rước Phật. Sự hợp tác, dấn thân và ứng phó với những vấn đề khó khăn của thời tiết khiến chúng tôi hết sức cảm kích. Cho nên theo chúng tôi:
- Muốn đạt được mục tiêu quan trọng, chúng ta cần phải có một sự đánh giá cao và ý thức cấp bách.
Giống như trường hợp này, sự cấp bách về thời gian khởi hành đã được ấn định bởi cảnh sát dẫn đường, và các phật tử nhiều nơi tự động tham gia vào hàng ngũ rước Phật và phản ứng nhanh lúc cần thiết để cúng dường ngày lễ Đản Sanh.
3- Nhiệt Tình:
Từ khuynh hướng nầy chúng ta thấy, đối với những người hành trì Phật Giáo, có nhiều phương cách được dùng để tạo ra lòng nhiệt tình. Nguyên nhân phát sinh lòng tin và lòng nhiệt tình chúng ta thấy trong kinh điển Phật Giáo có đề cập về những tiềm năng nằm trong phạm vi của mỗi cá thể, đồng thời cũng nói rõ ý nghĩa về những mục đích thiện mà chúng ta có thể được sử dụng. Một khi chúng ta đã có niềm tin, lòng can đảm và ý thức vững chãi về việc xử dụng thân con người chúng ta một cách tích cực.
Tương tự như vậy, muốn phát sinh ý thức cấp bách góp phần vào việc tu tập, chúng ta phải luôn luôn nhớ đến vô thường, và cái chết. Nói một cách khác, chúng ta phải nhớ rằng một ngày nào đó, chúng ta sẽ không còn ở đây nữa. Loại hiểu biết và sự nhận thức vô thường như thế đó, thì chúng ta mới đánh giá cao về tiềm năng to lớn của đời sống con người, từ đó mới cho chúng ta ý thức về sự cấp bách để chúng ta biết xử dụng trong mọi giờ phút. Như vậy suy tưởng về vô thường và cái chết, đó chính là động cơ mạnh giúp thúc đẩy chúng ta phát triển ý thức cấp bách, và sự thay đổi tích cực trong con người chúng ta.
Chúng ta có thể xử dụng sự suy tưởng đúng cho mục tiêu ý thức  về khủng hoảng và hiểu biết của những vấn đề mà chúng ta đang đối mặt, thì chúng ta sẽ nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề. Điều này cũng có thể áp dụng cho những vấn đề khác mà chúng ta phải đối đầu.ÕNhưng đôi khi chúng ta vẫn không có nghị lực để thay đổi do vì tính nhút nhát hay thiếu nghị lực. Khi nguyên nhân là tính nhút nhát hay thiếu nghị lực, chúng ta cần phải có động tác mạnh vào lối sống của chúng ta. Bằng cách nầy, nếu ta cố gắng ngủ cho đủ, ăn uống điều độ, không uống rượu .. v.. v.. Những điều ấy sẽ làm cho đầu óc ta sáng suốt hơn. Trong một số trường hợp, ta cũng cần đến thuốc men hay những vật lý trị liệu nếu nguyên nhân là do bệnh tật. Nhưng có một loại nhút nhát hay lười biếng khác phát sinh do nhược điểm của tâm...
Mục đích vượt qua loại lọai nhút nhác này, và tạo ra lòng nhiệt tình là để khắc phục tâm trạng tiêu cực, phương pháp hiệu quả nhất, và có lẽ giải pháp đúng nhất là luôn luôn ý thức những hậu quả phá hoại của cách hành xử tiêu cực. Chúng ta cần phải luôn nhắc nhở mình về những hậu quả phá hoại ấy.ÕNhững ai đã có những cách hành xử tiêu cực và đã trở thành tật cố hữu như thế, thì thật sự khó khăn cho sự thay đổi. Do vậy muốn có những sự thay đổi vận mệnh một cách tích cực trong đời sống, là chúng ta phải tham gia vào những hành động lành mạnh, tuy có sự chống lại của trạng thái tâm tiêu cực, nhưng chúng ta phải ghi nhận điều đó hoàn toàn do thói quen chứ không phải do bản năng.
Như vậy, muốn vượt qua được những điều khó khăn đó bằng cách dùng quá trình làm quen với hoàn cảnh thuận lợi của chúng ta. Do tính quen thuộc liên tiếp, nhất định chúng ta có thể thực tập được kiểu hành xử mới. Tiêu biểu như:
- Tại Chùa Dược Sư tăng thân ở đây luôn luôn dậy và bắt đầu tụng kinh lễ sám từ lúc 4:30 sáng, có nhiều vị chưa quen nên khó dậy, vì vậy lúc đầu cần phải có chút cố gắng để tập cho quen, nhưng sau một vài tháng, nó trở thành thường lệ thì chúng ta không cần phải nỗ lực đặc biệt nữa chúng ta cũng dậy được một cách dễ dàng. Khi đã nhuần rồi, cho dù chúng ta đi ngủ muộn, chúng ta có thể có khuynh hướng muốn ngủ thêm ít phút nữa, nhưng chúng ta vẫn dậy vào lúc 4:30 sáng, và đồng thời cũng có thể dậy và làm các công việc thường lệ hàng ngày mà không phải có một sự cố gắng đặc biệt nào cả đặc biệt cả. Đó là do sức mạnh của thói quen.
Cho nên, bằng vào sự nỗ lực kiên định, chúng ta có thể khắc phục được bất cứ hoàn cảnh tiêu cực và làm những thay đổi tích cực trong đời sống của chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn cần hiểu rằng, sự thay đổi thật sự không thể xẩy ra trong một đêm được. Trường hợp của chính tôi, tôi cho rằng nếu tôi so sánh tâm trạng bình thường của tôi ngày nay với hay 30 năm 40 năm trước đây, rõ ràng là có một sự khác biệt lớn. Nhưng sự khác biệt này, xẩy ra từng bước một. Lúc tôi bắt đầu học Phật khi đó còn rất nhỏ, và lúc đó tôi không quan tâm gì đến lời Phật dạy mãi cho đến năm tôi khoảng 16, 17 tuổi, tôi mới thực sự có một số cảm giác nghiêm túc nào đó về lời Phật dạy. Và tôi cố gắng bắt đầu tu tập đứng đắn. Rồi qua nhiều năm, tôi bắt đầu phát triển sự am hiểu sâu xa về giáo lý vi diệu của Phật dạy. Về những cách tu tập, lúc mới đầu dường như khó có thể thực hành được, và hầu như là trái với tự nhiên, nhưng rồi trở nên rất tự nhiên và dễ hiểu. Điều này xẩy ra qua sự làm quen dần dần. Đương nhiên, tiến trình này đã mất đến hơn 30 đến 40 năm.
Cho nên, trong thực tế, sự phát triển tinh thần cần có nhiều thì giờ. Điều nầy hợp lý không cần phải bàn cãi, có một vấn đề dường như cần phải điều hòa đó là sự cần thiết phải có một mức nhiệt tình và quyết tâm cao độ để thay đổi vận mệnh và chuyển tâm theo chiều hướng tích cực. Nhưng cùng lúc chúng ta cũng thừa nhận sự thay đổi đích thực xẩy ra rất chậm, và phải mất nhiều thì giờ. Khi thay đổi xẩy ra rất chậm chạp, rất dễ trở nên chán nản. Ở một mức độ nào đó trong việc tu tập và tôi luyện tinh thần nếu gặp một số trở ngại hay khó khăn, thì chúng ta phải nhìn thấy mục tiêu hữu dụng lâu dài chứ không phải một quan điểm ngắn hạn. Về mặt này, có một bài kệ để giúp lòng can đảm và giữ vững quyết tâm. Bài kệ như thế nầy:
- Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Phải biết là việc học tập và giáo dục là bước thứ nhất mang đến sự biến đổi và thăng hoa trong mỗi con người chúng ta chứ không phải là sự tu tập huyền bí, mê tín dị đoan. Mặc dù học tập được thừa nhận là quan trọng trong việc hiểu biết những gì được coi là mới, hay để bảo đảm sự tiến hóa của con người, và vai trò của giáo dục là một yếu tố chủ yếu để tạo hạnh phúc đã không được mọi người chú ý tới.
Nhiều cuộc khảo sát đã tìm thấy kết luận là mức giáo dục càng cao đã có mối tương quan tích cực với sức khỏe càng tốt và sống càng thọ, và thậm chí còn bảo vệ cá nhân khỏi suy nhược. Trong cố gắng xác định lý do vì sao tác động của giáo dục có nhiều lợi ích, các khoa học gia đã lý luận là những cá nhân có giáo dục tốt, thì sự nhận thức được nhiều hơn về những yếu tố rủi ro cho sức khỏe, và đồng thời cũng có nhiều khả năng hơn trong việc chọn lựa lối sống lành mạnh, có khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn, và có những phương cách đối phó hiệu nghiệm hơn. Tất cả những yếu tố đó có thể góp phần cho đời sống hạnh phúc và lành mạnh hơn.
4- Hành Động
Bước kế tiếp trong con đường thay đổi, nó đòi hỏi phải tạo ra quyết tâm và lòng nhiệt tình. Bước này cũng được các nhà khoa học hiện đại Tây phương chấp nhận là một yếu tố quan trọng trong việc đạt mục tiêu hạnh phúc của mình. Trong một cuộc nghiên cứu, các nhà tâm lý học và giáo dục đã khảo sát đời sống của một số người Hoa Kỳ thành đạt như nghệ sĩ, lực sĩ, và khoa học gia, họ khám phá sự thành đạt đó là do ra nỗ lực và quyết tâm chứ không phải tài năng thiên phú dẫn đến thành công trong lãnh vực của họ. Từ đó chúng ta thấy trong bất cứ lãnh vực nào đi nữa, chúng ta có thể cho rằng nguyên tắc này được áp dụng vào nghệ thuật tạo hạnh phúc.
Những nhà khoa học nghiên cứu cách cư xử của con người đã nghiên cứu sâu rộng cho nên họ đề xướng, duy trì và hướng dẫn những hoạt động của chúng ta, nhất là những hoạt động có liên quan đến lãnh vực hạnh phúc của con người. Những nhà tâm lý học cho chúng ta biết có ba loại động cơ chính:
- Loại thứ nhất, động cơ chính yếu, là nỗ lực căn cứ vào nhu cầu vật chất phải được đáp ứng để tồn tại. Loại này gồm có nhu cầu về thực phẩm, nước và không khí.
- Một loại động cơ khác đòi hỏi con người cần phải có sự kích thích và thông tin. Những nhà điều tra nghiên cứu giả thuyết rằng đó là nhu cầu bẩm sinh, bắt buộc để trưởng thành, phát triển và hoạt động hệ thống thần kinh.
- Loại cuối cùng, gọi là động thứ yếu, đó là loại động cơ căn cứ vào những nhu cầu đòi hỏi có học vấn và những nỗ lực.
Những động cơ thứ yếu này liên quan đến nhu cầu của quyền lực, địa vị và thành tích trong đời sống. Ở mức động cơ thúc đẩy này, những nỗ lực của chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều xu hướng của xã hội. Chính trong giai đoạn này, những lý thuyết về tâm lý học hiện đại trùng hợp với quan niệm về sự quyết tâm và lòng nhiệt thành của Phật Giáo. Bởi vì, việc tạo ra sự nỗ lực và quyết tâm không chỉ xử dụng để tìm cầu thành công vật chất mà còn để phát triển khi chúng ta đạt được sự hiểu biết rõ ràng hơn về các yếu tố dẫn đến chân hạnh phúc và được xử dụng vào các mục tiêu cao hơn như lòng tốt, từ bi, và mở mang tinh thần.
5- Tinh Tấn:
Là yếu tố cuối cùng mang đến về sự thay đổi. Chúng ta phải nhận dạng tinh tấn là một yếu tố cần thiết để thiết lập điều kiện mới. Thay đổi lối ứng xử và chuyển hóa tư tưởng tiêu cực thành tích cực nhờ điều kiện mới là ý tưởng không những đồng với quan điểm với các nhà tâm lý Tây Phương, mà thực ra còn là nền tảng của phương pháp thiết lập cách hành xử trong cuộc sống. Loại hành xử này phần lớn con người tự biết tình trạng của mỗi người và chọn một phương cách thích hợp để tạo các điều kiện mới tốt đẹp hơn.
Trong khi khoa học khám phá ra rằng khuynh hướng của di truyền cũng đã đóng một vai trò trong cách phản ứng đặc thù của một cá nhân, hầu hết các nhà khoa học xã hội và các nhà tâm lý học cảm thấy rằng phần lớn cách ứng xử, suy nghĩ và cảm nhận của con người là do học tập và điều kiện hoàn cảnh, đó là do sự dạy dỗ có ảnh hưởng của văn hóa và xã hội chung quanh chúng ta. Và vì người chúng ta tin rằng cách ứng xử phần lớn được thiết lập bởi điều kiện tùy thuộc, được tạo thành bởi thói quen, và có khả năng phá bỏ các điều kiện có hại hay tiêu cực và thay thế chúng bằng điều kiện có ích, nâng cao đời sống, mà qua đó, tinh tấn bền bỉ thay đổi cách ứng xử bên ngoài không những giúp ích cho việc khắc phục những thói xấu, mà còn có thể thay đổi thái độ và những suy tư lành mạnh khác. Những cuộc thử nghiệm cho thấy không những thái độ và đặc điểm tâm lý của chúng ta quyết định cách ứng xử, mà cách ứng xử của chúng ta cũng có thể thay đổi thái độ của chúng ta. Những nhà nghiên cứu cho thấy cả, đến một cái cau mày, hay nụ cười giả tạo cũng có thể cho mọi người những cảm xúc giận dữ hay hạnh phúc. Do vậy nếu chúng ta cứ làm đi làm lại trong cách ứng xử, thì cuối cùng sẽ mang lại sự thay đổi thật sự ở bên trong. Từ khuynh hướng nầy, nếu chúng ta bắt đầu bằng một hành động đơn giản giúp đỡ thường xuyên người khác chẳng hạn, dù chúng ta không cảm thấy đặc biệt tử tế hay quan tâm, nhưng rồi một lúc nào đó chúng ta có thể nhận ra biến đổi bên trong đang xẩy ra, và chúng ta dần dà phát triển lòng từ bi đích thực.
Để đem lại sự biến đổi và thay đổi đích thực bên trong, chúng ta phải để ý đến tầm quan trọng của sự tinh tấn bền bỉ. Đó là một tiến trình diễn tiến từng bước một. Chúng ta phải tin tưởng vào sức mạnh to lớn của tâm gần như không điều kiện, nhưng đó là tâm đã được tôi luyện có hệ thống, bằng nhiều năm kinh nghiệm và biết suy luận. Phải mất nhiều thời gian mới làm cho cách ứng xử và thói quen của tâm góp phần vào những vấn đề quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Lẽ tất nhiên cũng phải mất nhiều thời gian tương đương để thiết lập những thói quen mới đem lại hạnh phúc. Không có gì ngoài các thành tố thiết yếu này:
- Quyết tâm,
- Tinh tấn
- Và thời gian.
Đó là những bí quyết chúng ta có thể thay đổi vận mệnh thực sự và sống đời hạnh phúc. Khi đã thay đổi vận mệnh, và trên con đường thay đổi, điều quan trọng là đề ra những mong ước hợp lý. Nếu những mong ước quá cao tự chúng ta sẽ thất vọng. Nếu mong ước quá thấp, chúng ta dễ dàng chấp nhận giới hạn và không sẵn sàng vươn tới tiềm năng thực sự của chúng ta. Chúng ta không nên bỏ qua tầm quan trọng, mà phải có một thái độ thực tế, phải nhạy cảm và nắm bắt tình hình thực tế cụ thể của chúng ta trong khi chúng ta tiến trên con đường tiến tới mục tiêu tối hậu. Đồng thời chúng ta cũng phải công nhận những khó khăn cố hữu trên đường đi của chúng ta, và sự thật nó đòi hỏi phải mất thì giờ và tinh tấn bền bỉ. Quan trọng là phải nhớ phân biệt giữa lý tưởng và tiêu chuẩn để đánh giá sự tiến bộ của chúng ta. Chẳng hạn là một Phật Tử, chúng ta đặt lý tưởng rất cao:
- Tự giác, giác tha, và giác ngộ viên mãn.
Đó là sự mong ước tối hậu của chúng ta. Tin rằng giác ngộ viên mãn là thành tựu lý tưởng không phải là một cực đoan. Nhưng mong ước đạt được nhanh chóng, ngay tại chỗ lại trở thành cực đoan. Dùng điều đó làm tiêu chuẩn cho lý tưởng, chúng ta dễ trở nên chán nản và hoàn toàn mất hy vọng khi không nhanh chóng đạt được giác ngộ. Nếu chúng ta có những mong muốn thái quá mà không có nền tảng vững chãi, thì đó là sự lẫm lẫn. Nhưng không có mong ước và hy vọng, không có khao khát thì lại không có tiến bộ. Chúng ta phải có một số hy vọng rất cần thiết. Cho nên tìm thế quân bình thích đáng không phải là dễ dàng, do vậy mà chúng ta phải suy xét cẩn thận trước khi hành động.
Nói một cách thực tế, những hạnh phúc cơ bản tùy thuộc vào việc loại bỏ cách ứng xử và tình trạng của tinh thần tiêu cực như:
- Như giận dữ, sân hận, tham lam và vân vân...
Một số người cho là giận dữ, sân hận và những cảm xúc tiêu cực khác là một phần tự nhiên trong tâm chúng ta. Họ cảm thấy vì chúng là một phần tự nhiên của bản chất trong chúng ta, cho nên không có cách chi có thể thay đổi những trạng thái tinh thần này. Nhưng điều đó sai. Thí dụ:
- Tất cả chúng ta sinh ra trong một tình trạng vô minh.
Trong nghĩa ấy, vô minh cũng hoàn toàn tự nhiên. Dù sao, khi chúng ta còn trẻ, chúng ta hầu như không biết gì. Nhưng khi chúng ta lớn lên, ngày lại ngày, qua sự giáo dục và học tập chúng ta có thể có được những kiến thức, và xua tan vô minh. Tuy nhiên nếu chúng ta sao lãng với chính mình trong tình trạng vô minh, không có ý thức mở mang sự học hỏi, chúng ta sẽ không thể nào xua tan vô minh. Cho nên, nếu chúng ta bỏ quên mình trong trạng thái tự nhiên mà không nỗ lực xua tan vô minh, thì các yếu tố đối kháng hay tác động của giáo dục và học tập không tự nhiên mà đến. Tương tự như vậy, nhờ rèn luyện thích đáng, chúng ta dần dần có thể giảm những cảm xúc tiêu cực và tăng thêm trạng thái tâm tích cực chẳng hạn như:
- Tình thương từ bi và khoan dung
Để cân nhắc cách chống lại cảm xúc tiêu cực, và thay đổi vận mệnh của chúng ta, chúng ta cần phải biết tâm của chính mình hành xử ra sao là điều trước tiên. Mặc dù những nét tiêu cực như sân hận và giận dữ là một phần của tâm chúng ta, nhưng chúng ta có thể dùng sự cố gắng, trong đó chúng ta lấy giận dữ và sân hận làm đối tượng kháng cự và phê bình với nó. Chẳng hạn như chúng ta phê bình:
- Trạng thái giận là làm chúng ta trở nên kỳ cục, trạng thái giận nó làm cho tư cách chúng ta trở nên thấp kém ...
Trong thực tế không có hai cái tôi riêng biệt, đó chỉ là sự tiệm tiến duy nhất của cùng một cá nhân. Dẫu là như vậy, nhưng việc phê bình mình, cảm thấy giận dữ với chính mình là khôn ngoan. Đó là điều biết rõ từ kinh nghiệm riêng của chúng ta. Cho nên mặc dù trong thực tế chỉ có một sự tiệm tiến cá nhân mà thôi, nhưng chúng ta có thể tiếp nhận hai cách nhìn khác nhau: Tốt và xấu, tích cực và tiêu cực ...
Những điều này cho thấy, khi chúng ta hiểu về một cái gì đó bằng khái niệm, có nghĩa là chúng ta có thể có khả năng nhìn vào một hiện tượng từ nhiều góc độ khác nhau. Và khả năng nhìn sự việc từ nhiều góc độ khác nhau hoàn toàn là do sự lựa chọn. Khả năng này hết sức là quan trọng trong việc chúng ta tìm cách nhận biết, và loại bỏ một số khía cạnh tiêu cực của chính mình, và nâng cao những nét tích cực. Vì khả năng áp dụng để có cách nhìn khác nhau, cho nên chúng ta có thể tách mình ra làm nhiều phần, rồi tìm cách loại bỏ những tánh hư tật xấu.
Khi nói về những trạng thái tiêu cực của tâm, đó là một sự cố xúc cảm và nhận thức bất thần làm chúng ta khổ tâm, đồng thời phá hoại sự thanh thản, đầu óc của chúng ta, gây xáo trộn trong tâm trí khi nó phát sinh. Nếu chúng ta chú ý thật kỹ, thì chúng ta rất dễ nhận ra bản chất của nó là gây khổ sở, chỉ vì chúng có khuynh hướng phá hoại sự an tĩnh của chúng ta. Cho nên, không có lý do gì mà chúng ta phải chấp nhận những xúc cảm khổ sở, mà phải loại bỏ khỏi tâm chúng ta. Trong tư tưởng Phật Giáo có ba tiền đề hay căn cứ mà chúng tôi tin tưởng rằng điều đó có thể xẩy ra.
- Tiền đề trước tiên là tất cả những trạng thái tâm bị đánh lừa, tất cả những tư tưởng và cảm xúc khổ sở, thực chất là bị bóp méo, trong đó chúng bám chắc vào nhận thức sai về hoàn cảnh thực tế. Dù mạnh đến đâu, thì trong cảm xúc tiêu cực ấy không có nền móng vững chắc, tại vì đó là vô minh.
Mặt khác, mọi xúc cảm hay những trạng thái tâm tích cực như tình thương, từ bi, tuệ giác, vân vân... có nền móng vững chắc. Khi tâm trải qua những trạng thái tích cực này, không còn có sự bóp méo. Hơn nữa, những nhân tố tích cực này có căn cứ trên thực tế, có thể được kiểm chứng bằng kinh nghiệm của chính chúng ta. Thêm vào đó tất cả những trạng thái tích cực của tâm có đặc tính nâng cao khả năng, và tăng thêm tiềm năng của chúng ta đến mức vô hạn. Do vậy nếu chúng ta tu tập, rèn luyện và làm quen không ngừng thì kết quả rất tốt đẹp. Chẳng hạn như:
- Từ bi là một cảm xúc tích cực.
Để phát tâm từ bi, chúng ta bắt đầu bằng cách công nhận là chúng ta không muốn khổ đau và có quyền có hạnh phúc. Điều này có thể kiểm chứng hay được công nhận có giá trị bằng kinh nghiệm của chính chúng ta. Rồi chúng ta công nhận rằng những người khác cũng giống như mình, cũng không muốn khổ đau và họ cũng có quyền có hạnh phúc. Điều này trở thành cơ sở để chúng ta bắt đầu phát tâm từ bi. Về cơ bản, có hai loại cảm xúc và trạng thái tâm:
- Tích cực và tiêu cực.
Những cảm xúc tích cực là những cảm xúc có thể chứng minh, và những cảm xúc tiêu cực thì không thể chứng minh được. Chẳng hạn như nói về tham dục, làm sao có thể có tham dục tích cực hay tham dục tiêu cực. Tham dục vì nhu cầu căn bản là một loại tham dục tích cực. Nó có thể chứng minh được. Dựa vào thực tế là tất cả chúng ta đều sống và có quyền sinh tồn, có một số nhu cầu cần phải có. Vậy loại tham dục này có nền móng vững chắc. Những loại tham dục tiêu cực như dục vọng và tham lam quá đáng. Những loại tham dục này không dựa vào những lý do có căn cứ, và thường gây rắc rối và làm phức tạp cho đời sống. Những loại tham dục này đơn giản là dựa vào cảm nghĩ bất mãn, muốn nhiều, cả đến những thứ không thực sự cần thiết. Những loại tham dục này không có lý do vững chắc. Cho nên, trên phương diện này, chúng ta có thể nói những xúc cảm tích cực có một nền móng vững vàng có giá trị, và những xúc cảm tiêu cực không có nền móng có giá trị.
Khi nói về việc loại bỏ trạng thái tiêu cực của tâm, để chuyển đổi vận mệnh có một điểm phải nhớ, và đặc biệt trong phạm vi tu tập Phật Giáo, sự trau dồi một số các đức tánh tích cực tinh thần như:
- Nhẫn nại, khoan dung, tử tế, vân vân...
Các loại đức tính nầy có thể thực hiện vai trò hoá giải những trạng thái tiêu cực của tâm như:
- Giận dữ, sân hận, và luyến ái.
Dùng chất giải độc như tình thương và từ bi có thể giảm thiểu đáng kể mức độ hay ảnh hưởng của những đau đớn tinh thần và thể chất. Về cơ bản những xúc cảm khổ sở này như luyến ái và sân hận, bắt rễ nơi vô minh, cho nên có quan niệm sai lầm về bản chất thực sự của thực tế. Trong tất cả các truyền thống Phật Giáo là muốn khắc phục hoàn toàn những khuynh hướng tiêu cực này, chúng ta phải dùng thuốc giải độc cho vô minh đó là yếu tố Trí Tuệ. Điều này không thể thiếu được yếu tố Trí Tuệ, và đòi hỏi phải có hiểu biết thấu đáo về bản chất thực sự của thực tế. Vậy, trong phạm vi truyền thống Phật Giáo, chúng ta không những có thuốc giải độc đặc biệt cho trạng thái đặc biệt của tâm, như: Nhẫn nại, khoan dung ... Thực hiện vai trò thuốc giải độc đặc biệt cho giận dữ và sân hận, mà chúng ta còn có thuốc giải độc cho tất cả những trạng thái tiêu cực của tâm.
Bản chất cốt lõi của tâm là thuần khiết. Nó căn cứ vào niềm tin là ý thức căn bản tiềm ẩn tinh tế không bị ô nhiễm bởi những xúc cảm tiêu cực. Bản chất của nó là thuần khiết, một trạng thái được coi là Sáng Tỏ. Bản chất căn bản này của tâm cũng được gọi là Phật Tánh. Cho nên, vì những xúc cảm tiêu cực không phải là một phần nội tại trong Phật Tánh, cho nên chúng ta có khả năng loại bỏ chúng và làm cho tâm thanh tịnh. Dựa những yếu tố này Phật Giáo chấp nhận những đau đớn tinh thần và cảm xúc, và cuối cùng có thể loại bỏ được nhờ chủ tâm trau dồi các sức mạnh chuyển đổi vận mệnh mà qua đó các yếu tố cần thiết như:
- Tình thương, từ bi, khoan dung, và vị tha ...
Khái niệm bản chất tiềm ẩn của tâm là thanh tịnh, và chúng ta có khả năng loại bỏ hoàn toàn những kiểu suy nghĩ tiêu cực là một đề tài mà người học Phật chúng ta thường nghe, mà qua đó chúng ta có thể so sánh tâm như một ly nước đục ngầu, trạng thái tinh thần đau đớn giống như những chất dơ bẩn hay bùn có thể loại bỏ để thấy bản chất thanh tịnh cơ bản của nước. Dù người ta thực hiện biện pháp nào, nhỏ đến đâu chăng nữa, cuối cùng cũng là để giảm thiểu ảnh hưởng của những cảm xúc tiêu cực bất an. Nó nhất định gíúp cho ta có đời sống hạnh phúc hơn và thỏa mãn hơn khi chúng ta quyết tâm thay đổi vận mệnh. Quan niệm nầy bất cứ ai cũng có thể thực hiện, đối với người cư sĩ cũng có thể đạt được mức độ nhận thức tinh thần cao ở một số người có công ăn việc làm, có gia đình, có quan hệ cuộc sống gia đình... Và không chỉ như thế, nhưng còn có những người không bắt đầu rèn tập nghiêm túc cho đến cuối cuộc đời mới có thể thông suốt.
Nhiều người Tây Phương tìm đến niềm tin tôn giáo làm nguồn của hạnh phúc, nhưng đường lối giải quyết căn bản của sự tu học khác hẳn những tôn giáo Tây Phương, mà qua đó phụ thuộc nhiều vào cách luyện tâm hơn là vào đức tin. Trong khi một số khía cạnh khác, lối giải quyết của Phật Giáo giống khoa học tâm trí, một hệ thống mà chúng ta có thể áp dụng rất giống cách người ta xử dụng trong pháp tâm lý trị liệu. Như vậy những gì mà Phật Giáo đưa ra còn đi xa hơn nữa. Trong khi chúng ta đã quen với khái niệm dùng kỹ thuật điều trị tâm lý, như cách chữa trị các hành vi để nhắm vào các thói xấu đặc biệt là hút thuốc, uống rượu, nổi nóng... do vậy người Tây Phương không quen trau dồi những thuộc tính tích cực như: Tình thương, từ bi, nhẫn nại, rộng lượng làm vũ khí chống lại những cảm xúc và trạng thái tinh thần tiêu cực. Phương pháp giành hạnh phúc của Phật Giáo căn cứ vào khái niệm:
- Trạng thái tinh thần tiêu cực không phải là một phần nội tại của tâm, chúng là những trở ngại nhất thời che lấp sự biểu lộ trạng thái vui sướng và hạnh phúc tiềm ẩn tự nhiên.
Hầu hết các trường tâm lý trị liệu theo truyền thống Tây Phương có khuynh hướng tập trung vào sự điều chỉnh chứng loạn thần kinh, chức năng của chúng ta chứ không nhắm vào toàn bộ quan điểm con người. Những trường này khảo sát tiểu sử cá nhân, mối quan hệ, kinh nghiệm hàng ngày, kể cả những giấc mơ và những ý nghĩ kỳ quặc. Ngay cả mối quan hệ với bác sĩ chuyên khoa trong cố gắng giải quyết những mâu thuẫn nội tâm, những động cơ vô ý thức, và những động lực tâm lý của bệnh nhân góp phần vào khó khăn và bất hạnh của họ. Mục đích là để điều chỉnh và cải thiện các triệu chứng mà không trực tiếp huấn luyện tâm để có hạnh phúc. Trong khi đó nét khác biệt nhất trong phương pháp huấn luyện tâm của Phật Giáo liên quan đến khái niệm trạng thái tâm tích cực, hay cách thay đổi vận mệnh có thể thực hiện vai trò giải độc trực tiếp đối với những trạng thái tâm tiêu cực. Tìm sự so sánh lối giải quyết này với khoa học ứng xử hiện đại, có lẽ cách chữa trị bằng nhận thức là gần gũi nhất. Hình thái điều trị tâm lý này, ngày càng trở nên được ưa chuộng, và vào những thập niên vừa qua đã cho thấy rất hiệu nghiệm trong việc điều trị hàng loạt những vấn đề phổ biến, đặc biệt là rối loạn tâm trạng như suy nhược và lo âu. Cách điều trị nhận thức hiện đại căn cứ vào khái niệm, những xúc cảm gây rối loạn và cách ứng xử sai lầm gây ra bởi sự suy nghĩ méo mó và niềm tin phi lý. Cách điều trị nhắm vào giúp người bệnh nhận dạng quan sát, và sửa chữa có hệ thống những suy nghĩ bị bóp méo ấy. Những tư tưởng được uốn nắn, trong một ý nghĩa nào đó, đã trở thành thuốc giải độc cho những kiểu suy nghĩ bị bóp méo mà chúng là nguồn khổ đau của người bệnh.
Nói tóm lại, phương thức thay đổi vận mệnh để sống đời an vui mà qua đó những nhà nghiên cứu đã chứng minh bằng cách thay đổi lối suy nghĩ bị bóp méo bằng những hiểu biết có căn cứ, do vậy mà chúng ta có thể mang lại sự thay đổi cảm nghĩ và cải thiện tâm trạng của con người. Chúng ta thay đổi cảm xúc, và chống lại ý nghĩ tiêu cực bằng cách áp dụng đường lối suy nghĩ khác là thực tế. Để hỗ trợ thêm cho lập trường của đạo giải thoát là chúng ta có thể khắc phục trạng thái tinh thần tiêu cực của tâm. Khi thực tế này được phối hợp với bằng chứng cụ thể thì chúng ta có thể thay đổi cấu trúc và chức năng của bộ não bằng cách trau dồi các tư tưởng mới, khái niệm mới thì chúng ta có thể đạt được hạnh phúc do huân luyện tâm để thay đổi vận mệnh là một khả năng chúng ta có thể làm được.
--o0o--