TẬP SAN DƯỢC SƯ

Những Cuộc Hồi Sinh
Thông Trí
--o0o--
 
Hồi sinh có nghĩa là sống trở lại. Như một cây trơ vơ trụi lá, bây giờ đâm chồi nẩy lá đó là hồi sinh. Như một hạt mầm khô cằn, bây giờ được gieo xuống đất cho nên hạt ấy có đủ điều kiện đất nước, không khí phân bón nên hạt kia mọc lên cành lá đó là hồi sinh. Tương tự con người cũng như vậy. Từ một con người bệnh hoạn sau thời gian điều trị thuốc men, bây giờ bình phục, cho nên khỏe mạnh trở lại gọi là hồi sinh. Hay chúng ta đang già nua cằn cỗi, nhưng được may mắn gặp thầy gặp thuốc nên trong chúng ta cảm thấy khỏe như hồi còn trẻ, yêu đời thì đó là hồi sinh, nhưng trường hợp nầy thì gọi là hồi xuân. Con người sau khi chết được sanh trở lại một thế cảnh giới nào đó thì gọi là hồi sinh...    
Hiện nay trong cộng đồng nhân loại có hai quan điểm luôn luôn chống đối nhau.
 1- Chấp Không:
Theo quan niệm nầy thì họ cho rằng con người, loài vật, cũng như mọi vật trên thế gian nầy, một lần chết, hay mất là mất hẳn, không còn gì tồn tại, nghĩa là:
- Con người, loài vật, mọi sự mọi vật đều trở về với cát bụi.
2- Chấp Có
Theo quan nầy thì họ cho rằng con người khi đã chết đi, nhưng linh hồn vẫn vĩnh viễn còn lại, để lên thiên đàng, thọ hưởng mãi mãi những sự khoái lạc, an vui, hay xuống địa ngục chịu cực hình mãi mãi.
Hai quan niệm chấp Có và Không đều không đúng với sự thật, bởi vì như chúng đã biết, trên cõi đời nầy, cho dù là một hạt cát, một mảy lông cũng không thể mất hẳn, huống là cái thân hay biết nơi con người. Nhưng bảo rằng linh hồn thường còn, ở mãi trên thiên đàng hay dưới địa ngục cũng không đúng. Sự nhận xét thông thường cũng đủ cho người ta nhận thấy rằng:
- Trong vũ trụ không có một cái gì có thể vĩnh viễn ở yên một chỗ, mà trái lại, luôn luôn biến đổi và xê dịch.
Theo quan điểm của đạo Phật thì mọi sự mọi vật không phải đoạn diệt, cũng không phải thường còn, mà là luôn luôn thay đổi ẩn hiện theo tiến trình sinh diệt. Tiến trình nầy thuật ngữ của Phật Giáo gọi là Hồi Sinh.
Hồi là xoay tròn. Sinh là sự có mặt. Hình ảnh bánh xe quay tròn là một biểu tượng hồi sinh rất rõ ràng mà Ðức Phật đã dùng để hình dung sự xoay chuyển, lên xuống, xuất hiện của mỗi chúng sanh trong sáu cõi đó là:
- Trời
- A Tu La
- Người
- Ðịa ngục
- Ngã quỷ
- Súc sanh
Khi có mặt ở cõi nầy, khi ở cõi khác, luôn luôn tiếp nối tử sanh, sanh tử không ngừng như bánh xe lăn. Tuy nhiên chúng ta là con người đã và đang hiện hữu trên cõi đời, trải qua một cuộc hồi sinh từ một cõi xa xăm nào đó. Nghĩa là chúng ta đã sống từ một cuộc hồi sinh của cõi chết. Ðây cũng là lý do mà chúng ta mạnh dạng nói:
- Hồi Sinh là một thuyết có thể chứng nghiệm được, chứ không phải mơ tưởng hoang đường.
Ðối với người học Phật, chúng ta đã biết và đã công nhận luật nhân quả, thì chúng ta cũng không thể từ chối sự hồi sinh. Hay nói cách khác, chúng ta không thể nào từ chối sự hồi sinh, vì sự hồi sinh chẳng qua là những nhân quả liên tục, nhưng vì nó khi biến, khi hiện, khi mất, khi còn, khi thay hình đổi dạng, nên chúng ta tưởng như gián đoạn và không ảnh hưởng, nhưng kỳ thực nó luôn luôn hằng hữu và biến đổi một cách kỳ diệu. Xin được đơn cử sự hồi sinh của một vài nguyên tố lớn trong vũ trụ như là:
1- Sự Hồi Sinh Của Ðất:
Như cái bình bông đang ở trước mặt chúng ta đây, trước kia nó là đất, người thợ gốm đem nó nhồi nắn làm thành cái bình, trải qua một thời gian, cái bình sẽ bị bể nát, tan thành cát bụi và trở về lại trạng thái đất cát. Ðất cát nầy lại làm thức ăn cho cây cỏ, cây cỏ lại tàn rụi, sau một thời gian, để trở thành phân bón cho cây khác, hoặc làm thực phẩm cho động vật. Ðộng vật ăn cây cỏ nầy vào, hoặc bài tiết ngay ra ngoài để thành phân, thành đất, hoặc biến thành máu huyết, da thịt để một ngày kia thân thể động vật già yếu, sẽ tan rã thành đất cát lại. Bao nhiêu lần thay hình đổi dạng, vì nhân duyên nầy hoặc nhân duyên khác, nhưng đất cát, nó cũng lại trở thành đất cát sau một thời gian của một vòng luân chuyển dài hay ngắn.
2- Sự Hồi Sinh Của Nước:
Nước bị sức nóng mặt trời bốc thành hơi, hơi bay lên không, gặp hơi lạnh biến thành mây. Mây nhiều tụ lại rơi xuống thành mưa, mưa chảy xuống ao hồ, hoặc gặp hơi lạnh quá, đọng lại thành băng thành giá. Băng giá gặp hơi nóng mặt trời tan ra thành nước lại. Từ vô thỉ đến nay, nước thay đổi trạng thái không biết bao nhiêu lần, xoay vần mãi mãi như vậy, nhưng nước vẫn là nước. Hiện tượng của nước thì biến đổi vô cùng, nhưng bản thể của nước thì không bao giờ mất. Nó chỉ lưu chuyển cho những việc xử dụng mới mà chúng ta gọi là hồi sinh mà thôi.
3- Sự Hồi Sinh Của Gió:
Gió là sự luân chuyển của không khí. Không khí bị sức nóng mặt trời bốc cháy, giãn ra, hoặc bốc lên cao làm thành những khoảng trống. Ðể bù vào những khoảng trống ấy, không khí ở các nơi khác di chuyển tới thay thế chỗ trống và gây thành luồng gió. Không khí xê dịch chậm thì gió nhỏ, không khí xê dịch nhanh thì gió lớn. Xê dịch nhanh hơn nữa thì thành bão. Như vậy chúng ta thấy gió có khi hiu hiu, có khi thoang thoảng, khi hây hây, khi ào ào, khi cuồng bạo, nhưng bản chất của nó bao giờ cũng là không khí.
4- Sự Hồi Sinh Của Lửa:
Lửa là một sức nóng làm cháy được vật. Khi đủ nhân duyên thì sức nóng phát ra lửa. Chẳng hạn hai thanh củi trong trạng thái bình thường thì chúng ta không thấy sức nóng ở đâu cả, nhưng khi chà xát vào nhau một hồi, thì lửa liền bật lên. Ngọn lửa nầy có thể đốt hai thanh củi kia, và hai thanh củi nầy một phần hóa thành tro than, một phần biến thành thán khí. Những cây khác dùng rễ mình để thu hút thán khí, chất chứa lại sức nóng để một ngày kia, gặp đủ nhân duyên lại bừng cháy lên. Như thế, sức nóng bao giờ cũng có sẵn, nhưng khi thì nó ở trạng thái tiềm phục, khi thì ở trạng thái phát hiện. Mắt chúng ta chỉ thấy khi nó phát hiện, và chỉ khi ấy mới cho là nó có, còn khi nó ở trạng thái tiềm phục thì ta bảo là nó không có. Thật ra thì nó chỉ hồi sinh qua những trạng thái khác nhau, chứ không phải dứt đoạn hay mất hẳn.
Từ sự hồi sinh của những nguyên tố lớn trong vũ trụ chúng ta cũng có thể ứng dụng vào trong cơ thể và cuộc sống của chúng ta
1- Sự Hồi Sinh Của Thân người:
Thân người, hay thân thú vật cũng thế, xét cho cùng thì cũng do tứ đại, hay bảy đại mà có, đó là: đất, nước, gió, lửa, không đại, kiến đại và thức đại. Những chất cứng dẽo như da thịt gân xương là thuộc về Ðất. Những chất đượm ướt như máu, mỡ, mồ hôi, nước mắt, là thuộc về Nước. Hơi thở ra vào, trái tim nhảy, phổi hô hấp, tay chân cử động là thuộc về Gió. Hơi nóng trong người là thuộc về Lửa.
Như trên chúng ta đã thấy, tứ đại đều hồi sinh, thì thân người do bảy đại mà có, cho nên cũng phải hồi sinh theo. Khi thân nầy chết và đến lúc tan rã, thì chất cứng dẽo trả về cho Ðất; chất đượm ướt trả về cho nước; hơi nóng trả về cho Lửa; hơi thở và sự cử động trả về cho Gió. Rồi bốn chất nầy tùy theo duyên chung hợp lại, làm thành cây cỏ hay thân người khác. Người khác đến khi chết thì bốn chất đó lại cũng trở về bản thể cũ của chúng.
Khi thành thân người, lúc làm thân súc sanh, năm nay tụ hợp ở đây, sang năm đã dời đi nơi khác, không phải thường còn, cũng không phải mất hẳn, mà là xoay vần gọi là Hồi Sinh. Nghĩa là con người luôn luôn, trong từng phút giây đều ở trong hồi sinh, nhưng đó chẳng qua là mau hoặc chậm mà thôi. Chậm thì gọi là sanh diệt hoặc biến dị, còn mau thì gọi là Hồi Sinh. Một cách cụ thể về thân của con người, khi bình thường thì hơi thở ra vào để duy trì mạng sống thì đó là sự hồi sinh của gió, những yếu tố khác cũng tương tự như vậy. Nhưng nếu một hơi thở ra mà không trở vào thì thân xác của chúng chỉ trong vòng tích tắc cũng có thể hóa ra đất bụi bên đường.  
Như vừa rồi chúng ta thử ứng dụng sự hồi sinh vào thân bảy đại của chúng ta. Phần thể xác gồm bảy đại theo đạo Phật gọi là Sắc. Tuy nhiên đối với người học Phật, chúng ta còn phải hiểu thêm rằng, con người ngoài thân bảy đại là phần thể chất, chúng ta còn có phần tâm lý hay còn gọi là tinh thần. Phần tinh thần nầy, nói một cách tổng quát đó là gồm tất cả những thứ mà đạo Phật gọi là: Thọ, tưởng, hành, Thức.... Như vậy, một khi Sắc đã không tiêu diệt mà chỉ biến hóa hồi sinh, thì Tâm Thức, cũng không tiêu diệt mà chỉ biến chuyển xoay vần tương tự như vậy.
Chúng ta biết rằng tất cả những hành động của thân tâm tạo thành cho chúng ta mỗi người một cái nghiệp riêng tư. Cái nghiệp ấy biến dịch, xoay vần mãi, khi đội lớp nầy khi mang hình dáng khác, khi ra cảnh giới nầy, khi vào cảnh giới khác, quanh lộn trôi lăn trong sáu đường mãi mãi cho đến ngày nào được giác ngộ mới thôi. Nhưng sự lên xuống, trôi lăn, xoay vần của nghiệp trong ba cõi sáu đường ấy, không phải tình cờ, ngẫu nhiên, may rủi, vô lý, mà trái lại, nó theo một cái định luật chung, đó là luật Nhơn quả. Hy vọng rằng đến đây, chúng ta thấy được sự tương quan mật thiết giữa nhơn quả và hồi sinh. Ðã có Nhơn quả, tức phải có hồi sinh và đã có hồi sinh thì phải tuân theo luật nhân quả.
Theo quan niệm của Phật Giáo là con người hay bất cứ một loại sinh vật nào đó, hay gọi chung là vạn loại chúng sanh đều bị chi phối bởi định luật Hồi Sinh và Nhân Quả trong sáu cảnh giới tùy theo hành động và sự tạo tác của chúng ta. Có thể nói một cách chắc chắn rằng, chúng ta lúc sanh tiền tạo nhân gì, thì khi chết rồi, nghiệp lực dắt dẫn tinh thần đến chỗ nó thọ báo không sai. Nếu tạo nhân tốt, thì hồi sinh đến cảnh giới giàu sanh, thân người tốt đẹp. Còn tạo nhân tội ác, thì hồi sinh đến cảnh giới nghèo hèn, thân hình xấu xa, tàn tật, sự nghiệp khi thăng khi giáng, lúc thạnh lúc suy. Như có lần chúng tôi đã nói, có sáu cảnh giới mà một chúng sinh có thể bị hay được nhập vào, tùy theo nghiệp nhân mà do chính mình tạo ra như:
1- Ðịa ngục:
Tạo nhân sân hận, độc ác làm nhiều điều tội lỗi vừa hại mình vừa hại người, thì phải hồi sinh vào địa ngục, chịu đủ điều khổ sở.
2- Ngạ quỷ:
Tạo nhân tham lam, bỏn sẻn, không biết bố thí, giúp đỡ người, từ những vấn đề tiền của đến giáo pháp. Trái lại, còn mưa sâu, kế độc, để cướp đoạt của người, sau khi chết, hồi sinh làm ngạ quỷ.
3- Súc sanh:
Tạo nhân si mê sa đọa theo thất tình, lục dục, tửu sắc, tài khí, không xét hay dỡ, tốt xấu, chết rồi, hồi sinh làm súc sanh.
4- A Tu La:
Gặp việc nhân nghĩa thì làm, gặp việc sai quấy cũng không tránh, vừa cang trực, mà cũng vừa độc ác. mặc dù có làm những điều phước thiện, nhưng tánh tình hung hăng nóng nảy vẫn còn, lại thêm tà hiến, si mê, tin theo tà giáo. Tạo nhân như vậy, kết quả sẽ hồi sinh làm A Tu La, gặp vui sướng cũng có, mà buồn khổ cũng nhiều.
5- Loài người:
Do tu nhân năm giới:
- Không sát hại,
- Không trộm cướp,
- Không tà dâm,
- Không dối trá,
- Không rượu trà say sưa,
Khi đã giữ gìn trọn vẹn năm giới thì đời sau trở lại làm người, cao quý hơn muôn vật.
6- Cõi Trời:
Bỏ mười điều ác tu nhơn mười điều thiện thì sau khi chết, được sanh lên cõi trời. Nhưng nên nhớ cõi trời nầy cũng còn ở trong vòng phàm tục, chịu cảnh sanh tử, Luân hồi.
Muốn thoát ra ngoài cảnh giới sống chết để có thể hồi sinh tốt đẹp, và đến bốn cõi Thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, và Phật, thì phải tu nhân giải thoát.
Quý vị vừa nghe nói nguyên nhân và hình tướng mà chúng ta phải gánh chịu hay thọ hưởng ở các cảnh giới, nếu những ai đã có duyên nghe và thực tập thì chắc chắn là không xa lạ. Tuy nhiên đối với những người chưa có phúc duyên, chưa nghe và chưa thực tập nên cũng rất là xa lạ khi nghe nhắc đến ba đường sáu nẻo. Chính vì vậy khi nói đến việc hồi sinh trong sáu cõi, có người hỏi:
- Nếu có hồi sinh, thì khi chết rồi, một người chỉ sanh lại một người thôi, tại sao trên thế giới nầy, khi mới khai thiên lập địa, chưa có người, mà cứ mỗi ngày nhân loại cứ thêm đông? Vậy do đâu mà có nhiều người thế?
Trong đoạn trước, chúng tôi đã nói:
Chúng sinh hồi sinh trong sáu cảnh giới là Thiên, Nhơn, A tu la, Ngạ quỷ, Súc sanh, Ðịa ngục, và một chúng sanh ở cảnh giới này, có thể đầu thai qua cảnh giới khác, chuyển cho nhau. Người nầy khi ở cảnh giới nầy, khi thì ở cảnh giới khác. Những ngươi khác cũng vậy, chứ không phải chỉ có người mới đầu thai làm người mà thôi. Những loài thú, một khi đã hết nghiệp duyên, có những tâm trạng gần giống người, có thể đầu thai làm người được, cũng như những người, khi tạo nhiều nghiệp ác, có tâm trạng lang sói, sẽ trở thành lang sói.
Hơn nữa, có tính cách rãi rác, chúng ta thấy trong các kinh Phật có chép:
- Thế giới trong vũ trụ nầy nhiều như cát sông Hằng ...
Điều đó chứng tỏ rằng có rất nhiều thế giới chứ không phải chỉ có  một quả đất nầy là trung tâm điểm của vũ trụ, và con người! Các nhà bác học cũng công nhận mỗi ngôi sao là một thế giới, trong hằng hà sa số thế giới ấy, có không biết bao nhiêu là thế giới có hoàn cảnh giống như quả đất nhỏ bé nơi chúng ta đang ở đây! Thế giới đã nhiều như thế, thì nhân loại cũng không phải là ít! Do vậy mà chúng ta có thể tin được rằng:
- Chắc chắn có sự luân chuyển, sự lưu thông, sự trao đổi về phương diện tinh thần, về cái nghiệp giữa thế giới khác.
Cứ mỗi một thế giới sắp hư hoại, thì chúng sinh ở thế giới ấy sẽ di cư đến thế giới khác, gần đó. Trong kinh Ðịa Tạng có chép:
- Thử thế giới hoạt thời, hoàn ký tha phương ...
Nghĩa là:
- Thế giới nầy hoại, thì gởi qua thế giới khác, thế giới khác hoại, lại gởi đến thế giới khác nữa ...
Và trong Kinh khác Ðức Phật cũng thường nói:
- Thế giới nhiều như cát sông Hằng.
Thật thế, ban đêm chúng ta nhìn lên trời, thấy hằng hà sa số tinh tú. Mỗi tinh tú là một thế giới, và mỗi thế giới ấy đều không thoát ra ngoài định luật chung là:
- Thành, Trụ, Hoại, Không.
Mỗi phút giây nào cũng có sự sanh diệt của thế giới. Thế giới nầy tan đi, thì thế giới khác nhóm lên, như một làn sóng nầy mất đi thì một làn sóng khác nổi lên, làm nhân làm quả, tiếp nối cho nhau, hồi sinh không bao giờ dứt. Ðó là lý do mà chúng ta thấy trên thế giới Ta Bà nầy con người càng lúc càng đông ...
Có người hỏi:
- Người và thú vật hoàn toàn khác nhau, làm sao người có thể tái sanh thành thú vật và thú vật thành người được?
Nhiều người thường có quan niệm sai lầm rằng, người có linh hồn người, thú vật có linh hồn thú vật. Linh hồn người hay linh hồn thú vật đều bất biến, dù chết hay sống. Vì tưởng tượng như thế, cho nên người ta không thể công nhận rằng:
- Chết rồi, linh hồn người trở lại chui vào thân hình chó, mèo chẳng hạn, và hồn chó mèo lại có thể vào nằm trong lốt thân hình người ta.
Thật ra, nghiệp không phải là linh hồn, mà là một năng lực kết quả do hành động tốt xấu của mỗi chúng sinh tạo tác. Vì tính chất riêng biệt ấy, mà nghiệp lực nhập vào một hình thức nầy hay một hình thức khác. Thay vì nói người kia trở thành thú, hay trái lại, thú kia trở thành người. Một cách đúng đắn hơn chúng ta nên nói:
- Nghiệp lực phát hiện dưới hình thể người hay dưới hình thể thú.
Nói tóm lại, khi hiểu và thực tập theo đúng tinh thần chư Phật, chư tôn đức đã dạy, thì chúng ta thấy giáo lý hồi sinh đem lại cho chúng ta nhiều điều lợi ích:
- Nó phá đoạn kiến sai lầm, làm cho con người đâm ra chán nản, vì nghĩ rằng, dù mình có cố gắng ăn ở cho có đạo đức, làm các điều hay đẹp, rồi cuối cùng cũng chẳng đem theo được cái gì, chẳng được hưởng gì cả, một khi thân thể đã tiêu tan.
- Nó phá thường kiến sai lầm, làm cho con người tin rằng, loài người chết rồi, vẫn giữ địa vị của mình, dù có làm phúc hay tội cũng vậy. Do đó, người ta cũng không cần phải cố gắng trong lúc sanh tiền.
Với giáo lý hồi sinh làm cho chúng ta phấn khởi mà tin rằng:
- Chết rồi không phải là trạng thái mất hẳn, mà còn có thể hồi sinh. Do vậy, nếu chúng ta không biết vun trồng cội phúc, không cố gắng sống một đời sống có đạo đức thì đời sau, chúng ta hồi sinh sẽ sanh vào cảnh giới xấu xa đen tối.
Giáo lý hồi sinh làm cho chúng ta thêm lòng tự tín, tự thấy mình là chủ nhân của đời mình, mình tạo nghiệp nhân gì, thì mình chịu nghiệp quả ấy, chứ không ai cầm cân thưởng phạt, ban phước, giáng họa cho ai cả.
Nay chúng ta đã hiểu ý nghĩa và giá trị của giáo lý hồi sinh, chúng ta nên cố gắng cải tạo tư tưởng, lời nói là hành vi của chúng ta, để tránh cho kiếp sau khỏi lâm vào cảnh giới đau khổ. Một khi các nhân ác đã được rửa sạch, những quả lành đầy đủ, các nghiệp hữu lậu không còn, thì lúc bấy giờ chúng ta có thể thoát ra khỏi hồi sinh, sống chết và đạt đến cảnh giới tốt đẹp, không sanh không diệt của các vị A La Hán, Bồ Tát hay Phật.
--o0o--