TẬP SAN DƯỢC SƯ

Đời Đẹp & Tình Vẫn Xanh
Bạch Y Thư Sinh
--o0o--
 
Chúng ta đang sống tại Seattle, Washington là vùng đất được các giới văn nghệ sĩ Việt Nam tại vùng Tây Bắc thường hay gọi là cao nguyên tình xanh. Quả thật, những ai có sống ở Seattle mới thấy được cây cảnh nơi đây đẹp nên thơ và khí hậu rất là trong lành. Tuy tôi chưa có dịp viếng thăm Đà Lạt, miền cao nguyên trung phần Việt Nam, nhưng tôi nghe nhiều người thường so sánh, ở Seattle nếu mưa ít hơn một chút sẽ giống rất giống như khí hậu ở Đà Lạt. Riêng về tôi thấy khí hậu ở đây rất dễ chịu, tuy là trời mưa hơi nhiều, và mỗi năm có độ chừng một hay hai lần tuyết rơi. Lần đầu tiên đến tiểu bang nầy, mỗi khi mưa hay tuyết rơi, trong tôi thường có cảm giác êm dịu, mát mẻ và thường nhớ đến những cơn mưa mùa hè ngày xưa. Tuổi thơ trong các xứ nông nghiệp, nhất là miền quê Việt Nam, bất cứ một em bé nào cũng được dánh dấu bằng những cơn mưa, vì khi còn là em bé, chúng ta thường hay đùa chơi dưới mưa. Cái khung trời kỷ niệm đó không mất, vì cho đến bây giờ và mãi mãi vẫn còn có những cơn mưa, do vậy mà chúng ta vẫn có thể an trú trong khung trời kỷ niệm của tuổi thơ đó trong giờ phút hiện tại.
Hồi đó, mỗi khi Tết đến, tại các xứ nông nghiệp, miền quê chúng ta không có nhiều quà, chỉ có một bộ quần áo mới nhưng chúng ta rất mừng và thường nôn nao chờ đón ngày Tết. Vì sáng mồng một Tết được mặc áo quần mới vào và đi chơi như có vẻ khoe khoang với mọi người. Đến bửa ăn mẹ cho ăn bánh tét bánh chưng, ăn xong lại tiếp tục đi chơi ... Những hạnh phúc đó tuy thời gian có bao nhiêu năm đi nữa, những kỷ niệm đó vẫn còn lại trong tàng thức chúng ta dưới dạng những hạt giống hạnh phúc. Khi lớn lên, chúng ta đánh mất cái khung trời kỷ niệm đó, tại vì phải lo cho tương lai, phải nghĩ về quá khứ. Khi đi học, chúng ta lo về chuyện thầy cô giáo hỏi bài, về việc thi cử. Học xong đi làm chúng ta lại mất nhiều thì giờ để lo quần áo cho thẳng tắp, lo đôi giày cho bóng, lo chúng bạn chê cười ... Chúng ta mất đi cái hồn nhiên và từ từ chúng ta đánh mất cái khung trời kỷ niệm của tuổi thơ đó, cho nên khiến chúng ta thường có cảm tưởng thiên đường đó đã mất và vì vậy mà chúng ta cứ mãi đi tìm. Ở điểm nầy người Tây phương cũng như người Đông phương đều cùng có một cảm nghĩ là quá khứ bao giờ cũng đẹp, và cứ bảo quá là đẹp nên cho quá khứ là bằng vàng! Cứ cho những ngày tháng ngọc ngà ngày xưa bây giờ đã biến mất rồi! Thuở đó đời sống đẹp hơn, mặt trời cũng rạng rỡ hơn ngày hôm nay. Cái cảm nghĩ thiên đường trong quá khứ bao giờ cũng đẹp hơn thực tế hiện tại, vì thường được nuôi dưỡng bằng những kỷ niệm của tuổi thơ mà chúng ta thường nghĩ bây giờ không còn nữa.
Đó là theo sự suy tư của người đời, tuy nhiên đối với chúng ta là người phật tử có thực tập chánh niệm, trong nguồn giáo lý vi diệu đã giúp chúng ta khám phá ra rằng không có gì đã qua và đã mất. Cái hạt giống hạnh phúc trong khung trời kỷ niệm của tuổi thơ kia vẫn còn trong chúng ta. Nếu biết thực tập nghĩa là biết cày bừa ruộng tâm, biết tưới tẩm và vun bón hạt giống, chúng ta có thể tiếp xúc và làm phát khởi niềm hạnh phúc đó trở lại, thì như vậy đời lúc nào cũng vẫn đẹp và tình đời, tình người, hay bất cứ một thứ tình nào đó lúc nào cũng vẫn mãi mãi xanh tươi. Đây là một sự thực rất đáng mừng.
Quả thật trong Đạo Phật có một thứ dụng cụ rất mầu nhiệm để cày bừa, gieo hạt giống, tưới tẩm, vun bón đó là Chánh Niệm. Chánh niệm là một trong những năng lượng xây dựng mà chúng ta có thể phát khởi trong đời sống hàng ngày. Bàn về năng lượng, như chúng ta đã biết năng lượng có nhiều thứ, tuy nhiên chúng ta có thể ghi nhận tổng quát có hai loại: Năng lượng xây dựng, và năng lượng phá hoại.
a- Loại Năng Lượng Xây Dựng:
Như khi bỏ củi vào lò để đốt, chúng ta làm phát xuất một loại năng lượng gọi là nhiệt lượng. Nhiệt lượng đó sưởi ấm căn phòng, làm cho hết lạnh, giúp cho chúng ta có thêm hạnh phúc. Đó là một loại năng lượng mà mùa đông chúng ta rất cần đến. Trong con người cũng vậy, chúng ta cần phải có sức sống thì mới sống được. Vì vậy mà chúng ta phải ăn cơm. Ăn cơm là đưa những nguyên liệu vào trong cơ thể để các tế bào tạo nên một loại năng lượng gọi là sức sống hay còn gọi là thân nhiệt.
b- Loại Năng Lượng Phá Hoại
Bên cạnh việc ăn cơm là đưa những nguyên liệu vào trong cơ thể để các tế bào tạo nên sức sống hay loại thân nhiệt cần thiết. Loại thân nhiệt nầy, khi giận trong người chúng ta cũng phát ra một loại năng lượng gọi là giận, và cái năng lượng đó cũng làm cho ta nóng, nhưng sức nóng nầy làm cho chúng ta khó chịu hơn là cái nóng của lò sưởi mùa đông. Năng lượng giận nầy làm cho cơ thể ta bốc cháy, đau khổ, và chúng ta có khuynh hướng vung vãi niềm đau nỗi khổ của chúng ta lên những người và vật chung quanh.
Nghi ngờ cũng là loại một năng lượng phá hoại. Khi đã có hạt giống nghi ngờ, và lại tiếp tục tưới tẩm hạt giống nghi ngờ trong chúng ta, thì nó phát sinh ra một loại năng lượng làm chúng ta uể oải, mất hết sức sống, nhìn cái gì cũng thấy không thấy có ý nghĩa. Năng lượng đó là loại năng lượng tiêu cực, có tính cách phá hoại. Tương tự như thế, năng lượng giận cũng chứa rất nhiều tiêu cực, và sức phá hoại của nó cũng rất trầm trọng.
Trong chiều hướng làm đẹp cuộc đời, và giữ cho tình mãi mãi xanh tươi theo thời gian năm tháng, người phật tử chúng ta luôn luôn có những phương pháp tích cực tưới tẩm cho cuộc tình càng lúc càng thêm xanh, mà qua đó năm căn là năm cơ quan phát sinh ra năm nguồn năng lượng xây dựng. Năm căn đó chính là:
a- Tín:
Tín là niềm tin. Nếu có niềm tin thì tự nhiên chúng ta có rất nhiều năng lượng. Khi có một đối tượng tốt để tin tưởng thì tự nhiên chúng ta có một nguồn năng lượng tích cực. Ba đối tượng để tin của ta là:
- Chân là một cái gì Thật
- Thiện là một cái gì Lành, và
- Mỹ là một cái gì Đẹp.
Được coi là thật có nghĩa là không phải giả. Mọi vật, mọi thứ đều có thể giả, kể cả đạo đức có khi cũng là giả. Nếu ban đầu chúng ta tin vào đạo đức giả, nhưng sau một thời gian cái thần tượng đó nó đổ, nó rớt xuống và lúc đó niềm tin trong chúng ta cũng tan biến. Lâm vào tình trạng này là vì chúng ta đã nhận giả là thật, nhận ác làm lành, nhận xấu làm đẹp. Tất cả vì chúng ta vô minh! Khi niềm tin không được thắp sáng bởi trí tuệ thì nó dễ bị tan vỡ, và từ chỗ không tin tưởng, chúng ta có thể lâm vào trạng thái nghi ngờ. Một khi năng lượng của nghi ngờ phát sinh trong tâm thức, chúng ta sẽ uể oải, rã rời, hết muốn làm gì nữa! Do đó theo giáo lý đạo Phật, mọi niềm tin phải được làm bằng chất liệu của trí tuệ. Tin mà không quán chiếu thì niềm tin đó rất nguy hiểm. Phật dạy:
- Tín ta mà không hiểu ta tức là bài báng ta.
Nếu nói như vậy thì do có sự hiểu biết mà phát sinh ra niềm tin, vì vậy nơi phát sinh ra nguồn năng lượng thứ hai trong đạo Phật là Tuệ.
b- Tuệ:
Tuệ là cái thấy của sự hiểu biết. Năng lượng của niềm tin được chế tạo từ nguồn năng lượng của trí tuệ. Quả thật như vậy, vì có quán chiếu thì chúng ta mới thấy rõ được sự thật. Thấy rõ được sự thật thì chúng ta mới có thể xa lìa những cái giả được ngụy trang bằng vỏ chân, những điều ác ngụy trang bằng vỏ thiện, và những việc xấu xa ngụy trang bằng vỏ tốt đẹp. Lúc đó niềm tin sẽ được gọi là Chánh Tín.
c- Niệm:
Muốn có trí tuệ, tức là muốn có cái thấy sâu sắc, chúng ta phải biết nhìn. Nhìn cho sâu sắc tức là quán chiếu bằng năng lượng của chánh niệm. Vì vậy nơi phát sinh năng lượng thứ ba trong đạo Phật là chánh Niệm. Mục đích tu học của chúng ta là tạo ra chánh niệm, do vậy tại các trung tâm tu học, chúng ta được dạy nhiều phương thức để chế tác một loại năng lượng tích cực gọi là năng lượng Chánh Niệm. Đây là một thứ năng lượng rất cần thiết để chúng ta có thể nhìn sâu và thấy được sự thật tiềm tàng trong sự sống.
d- Định:
An trú trong chánh định, có nghĩa là chúng ta biết ăn cơm trong chánh niệm, biết quét nhà trong chánh niệm, biết đi, đứng, nằm, ngồi, và làm việc trong chánh niệm thì tâm của chúng ta hướng về sự tập trung không bị tán loạn. Trạng thái đó gọi là Định. Định là nơi phát xuất ra nguồn năng lượng thứ tư trong đạo Phật. Người không có định thì không làm được gì cả. Muốn giải quyết một vấn đề cho riêng mình hoặc cho đại chúng mà không có định thì không đi tới kết quả nào, cho nên khi thực tập quán chiếu để tìm sự thật của một vấn đề, chúng ta phải có định tâm, vì vậy Định rất cần thiết. Nếu không có định thì không bao giờ chúng ta có tuệ cả.
e- Tấn:
Khi có được bốn nguồn năng lượng kể trên, thì đời sống của chúng ta là một đời sống tinh chuyên, không uể oải, không bệ rạc. Và ngược lại, nếu chúng ta uể oải, rã rời, không có niềm vui, không thiết tha đến sự sống là vì chúng ta không có năng lượng tinh chuyên. Đó là nơi phát sinh ra nguồn năng lượng thứ năm trong đạo Phật, Tinh Tấn. Tinh Tấn tức là sự siêng năng, sự chuyên cần.
Năm nguồn năng lượng đó người học Phật thường gọi một từ ngữ rất chuyên môn đó gọi là năm căn. Căn ở đây là nguồn gốc phát sinh ra năng lượng. Với năm nguồn năng lượng đó, khi chúng bắt đầu hoạt động thì chúng phát sinh ra năm loại năng lượng gọi là năm lực. Vì vậy năm căn gọi là Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ mà năm lực cũng gọi là Tín Lực, Tấn Lực, Niệm Lực, Định Lực, và Tuệ Lực. Căn tức là hình thức của nơi phát xuất ra năng lượng. Lực là năng lực phát xuất từ sự vận hành của các nguồn năng lượng đó. Chúng ta đã biết được nơi phát sinh nguồn năng lượng, do vậy nếu trong thân và tâm chúng ta không có đủ năng lượng, hoặc năng lượng yếu ớt, thì chúng ta phải biết xét tìm trong năm nơi cung cấp năng lượng đó có vấn đề gì không, xem xét coi những bộ phận nào không là, việc để lập tức tìm cách chữa trị. Xem xét và chữa trị thường xuyên mới đúng là đời sống tu tập tinh chuyên.
Như chúng ta đã biết, năm nguồn gốc năng lượng chế tác ra năng lượng, được thiết lập ngay trên mảnh đất tâm, và nếu năm nguồn gốc chế tạo năng lượng tốt đẹp thì nó sẽ phát sinh ra năm nguồn năng lượng rất cần thiết cho sự tu tập và chứng ngộ cho chúng ta. Do vậy mà chúng ta phải biết giữ gìn và nơi lưu trử những nguồn năng lượng đó. Để cho rõ ràng và hổ trợ tích cực hàng môn đệ, Đức Phật đã lựu ý cho chúng ta là Tâm có hai dạng thức:
- Tàng thức
- Và ý thức.
Tàng thức là nơi chứa giữ tất cả các hạt giống của năng lượng. Ý thức là nơi các hạt giống biểu hiện, đơm hoa, kết trái. Có những điều mà khi nhìn vào vùng ý thức chúng ta không thấy, cho nên chúng ta quả quyết chúng ta không có điều đó. Thực ra điều đó có trong tâm chúng ta, nó nằm trong tàng thức dưới dạng của những hạt giống, và chưa phát hiện ra mà thôi. Nếu trang bị đầy đủ phương tiện và chăm bón các hạt giống này, chúng sẽ phát sinh ra những năng lượng trên vùng ý thức. Chẳng hạn như khi chúng ta nói:
- Bây giờ tôi không giận ai hết.
Điều đó đúng, bởi vì bây giờ đâu có ai đỏ mặt tía tai, đâu có ai sân si la mắng ai đâu mà chúng ta giận họ, tuy nhiên khi đụng việc thì chúng ta nhất định phải ăn thua đủ với nguời gây sự với chúng ta ngay.
Thật ra thì cái giận chỉ không có mặt ở trên phần ý thức, nhưng nó vẫn có mặt ở dưới phần tàng thức. Chúng ta ai cũng đều đang có cái giận trong lòng, nhưng nó đang ở trong trạng thái hạt giống và đang ngủ yên trong tàng thức của chúng ta. Người phật tử tu học, chúng ta phải khôn ngoan, phải biết lợi dụng lúc những hạt giống tiêu cực đang ngủ yên để lo vun bón gieo trồng những hạt giống tích cực. Chúng ta ru ngủ nội kết là một bài thực tập ru ngủ các hạt giống tiêu cực. Nội kết là những niềm đau, nỗi khổ, ở trong lòng. Nếu ru cho chúng ngủ thì chúng ta sẽ rảnh rang để cày bừa, gieo trồng, tưới tẩm những hạt giống tốt tích cực. Ru ngũ chúng bằng những suy tư:
- Đạo ta tiến đời có sao mặc kệ
Có chông gai chắc phải có Niết Bàn.
Ru ngũ hạt giống tiêu cực để chúng ta rảnh rang cày bừa, gieo trồng, tưới tẩm những hạt giống tốt đó là cách chúng ta lấy hạt giống xấu ra khỏi tàng thức của chúng ta, tuy nhiên đừng nghĩ rằng khi lấy hết những hạt giống xấu xa rồi thì ta mới có thể yên được. Nếu những hạt giống xấu được lấy ra hết rồi thì chúng ta đã là toàn mỹ, và đã là toàn mỹ thì có gì sai đâu mà phải sửa, phải tu nữa. Trước hết là chúng ta nên nhận xét về các hạt giống đang có mặt trong chúng ta:
a- Hạt Giống Nghi Ngờ
Hạt giống của nghi ngờ cũng có mặt trong tất cả chúng ta. Nếu ta không tu tập Tín, Tấn, Niệm, Định, và Tuệ thì hạt giống nghi ngờ sẽ phát sinh, nó sẽ bao trùm hết cả con người ta, và năng lượng tiêu cực đó nó sẽ bào mòn cuộc đời chúng ta. Nó sẽ làm cho chúng ta khổ, và những người chung quanh ta cũng sẽ khổ theo. Khi một người có niềm tin, tin vào một điều thật lành, thật đẹp thì tự nhiên đôi mắt người đó sáng long lanh, và người đó có rất nhiều năng lượng. Người đó sống có định tâm, có chánh niệm và có sự hiểu biết.
Như vậy tu học là cày bừa mảnh đất tàng thức, làm tiêu hủy những hạt giống như ngờ tiêu cực và gieo vào những hạt giống tốt, tưới tẩm và gieo vào đó những hạt giống tốt, tưới tẩm để chúng nảy mầm rồi mọc thành cây trên phần ý thức. Khi mọc, những cây đó sẽ đơm hoa, kết trái rồi trở thành những hạt giống lành cùng loại và rơi trở xuống mảnh đất tâm. Muốn cho một hạt giống tốt phát hiện trên phần ý thức, làm đẹp cuộc đời và vận hành nhuần nhuyển trong các cuộc tình, tình đời cũng được mà tình đạo cũng được, cứ thế mà xanh tươi mãi mãi với thời gian, rồi gieo xuống tàng thức những hạt giống tốt cùng loại, thì chúng ta phải cần những điều kiện thuận lợi. Hạt giống nào ở dưới tàng thức cũng cần những điều kiện thuận lợi mới phát hiện được trên phần ý thức, kể cả hạt giống chánh niệm. Những điều kiện thuận lợi đó gồm có:
- Điều kiện tăng thân,
- Điều kiện thầy dạy đạo,
- Điều kiện nơi đạo tràng tu học,
- Điều kiện hướng dẫn giáo lý,
- Điều kiện thực tập hành trì giáo pháp đã học ..v.v...
Khi chúng ta trang bị đầy đủ những điều kiện đó, thì hạt giống tốt tiềm tàng dưới tàng thức sẽ có cơ hội để nảy mầm và phát sinh, làm đẹp cho cuộc sống của chúng ta luôn luôn xanh tươi và gieo lại những hạt giống tốt đẹp tương tự vào đất tâm, làm cho rạng rỡ môi trường sinh sống của chúng ta.
Mục đích tu học của chúng ta là nhận thức, trong chúng ta có hạt giống Phật và tìm đủ mọi cách, trang bị đủ điều kiện để cho hạt giống Phật đó phát sinh và nảy nở một cách nhanh chóng. Chúng ta có thể gọi hạt giống đó là hạt giống của chánh niệm, hay là hạt giống của tuệ giác, hoặc hạt giống của chánh tín. Chúng cùng là một thực tại nhưng tùy trường hợp chúng ta có thể gọi bằng nhiều tên khác nhau. Trong trường hợp này chúng ta gọi là hạt giống Chánh Niệm vì trong Niệm có chứa Định, trong Định có chứa Tuệ, trong Tuệ có chứa Tín, trong Tín có chứa Tấn. Vì vậy Chánh Niệm là hạt giống của Phật ở trong chúng ta. Chúng ta cũng có thể gọi hạt giống ở trong ta là Định, Tuệ, Tín hay Tấn. Nhưng để cho dễ dàng ta chúng lấy Niệm làm biểu tượng cho hạt giống Phật ở dưới tàng thức.
Như chúng ta đã biết, từ ngữ Phật có nghĩa là thức dậy, hiểu biết, thức tỉnh, giác ngộ. Biết cái gì đang xảy ra, và biết một cách sâu xa thì gọi là Phật. Chánh niệm nghĩa là biết cái gì đang xảy ra, thấy được cái gì đang xảy ra. Và tùy theo trình độ thấy của mình mà cái thấy đó sâu hay cạn. Nhưng tất cả đều là cái thấy. Phật là người đã thấy, đã hiểu, đã tỉnh thức hoàn toàn. Trong mỗi người chúng ta ai cũng đều có khả năng tỉnh thức. Cái khả năng tính có thể thức dậy, có thể trở thành một vị Phật, gọi là Phật tánh. Phật tánh tức là hạt giống Chánh Niệm. Chúng ta không thể nói là chúng ta không có hạt giống đó. Tại vì chánh niệm trước hết được định nghĩa là ý thức được cái gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Chẳng hạn như:
- Khi đang ăn cơm, chúng ta biết chúng ta đang ăn cơm, thì lúc đó năng lượng chánh niệm của chúng ta đang có mặt. Khi uống nước mà chúng ta biết chúng ta đang uống nước thì lúc đó chánh niệm cũng đang có mặt.
Năng lượng của chánh niệm có mặt trong khi chúng ta nâng chén cơm lên, và năng lượng của chánh niệm có mặt trong khi chúng ta đang uống nước. Vì vậy không thể nói chúng ta không có Phật tánh. Tại vì sự có mặt của chánh niệm chứng minh rằng chúng ta có hạt giống chánh niệm trong tàng thức của chúng ta rồi. Điều đó không lạ gì chư tôn đức dạy chúng ta khi gặp nhau chúng ta thường chắp tay hình búp sen và câu chào hỏi câu:
- A Di Đà Phật
Câu A Di Đà Phật, có nghĩa là thanh tịnh, vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng công đức, như vậy câu chào tuy đơn giản nhưng ý muốn nói lên rằng:
- Tôi đã nhìn thấy hạt giống Phật tánh ở nơi anh, nơi chị, nơi em. Tôi xin thân kính chào anh, chào chị chào em một vị Phật tương lai.
Tất cả chúng ta đều là những vị Phật tương lai, nhưng chúng ta có mặc cảm thấp kém và thường nghĩ rằng mình chỉ có thể là chúng sinh thôi, không thể nào thành Phật được. Đó là vì chúng ta không công nhận hạt giống Phật ở trong chúng ta. Một trong những mặc cảm là:
- Mặc cảm thấp kém.
Nói rõ ra là mặc cảm cho rằng mình chỉ có thể là chúng sinh thôi. Thật ra trong chúng ta ai cũng đều có hạt giống Phật, tức là có khả năng thành Phật. Khả năng thành Phật là cách nói rõ ràng hơn của từ ngữ mà chúng ta thường nói là mỗi người ai cũng có Phật tính. Do vậy cho dầu chúng ta sống trong thất niệm 24 tiếng mỗi ngày và chánh niệm không bao giờ có mặt trên vùng ý thức, nhưng trong tâm chúng ta lúc nào chánh niệm cũng nằm trong tàng thức dưới dạng một hạt giống đó là trạng thái tìm sinh.
Cái kho tàng chúng ta thường đi kiếm nó nằm ngay trong tâm của ta mà ta không hay. Chúng ta ai cũng nghĩ rằng mình chỉ là người bần cùng, suốt đời đi cầu xin một chút tình thương, một chút hiểu biết, một chút giác ngộ của Phật, còn chính chúng ta thì không có gì cả. Vì vậy mà Phật nói Kinh Pháp Hoa với ví dụ viên trân châu trong túi áo của anh chàng cùng tử để giúp ta đánh tan mặc cảm thấp kém đó. Kinh dạy rằng trong tâm ta có đủ kho tàng của giác ngộ, hiểu biết, thương yêu và hạnh phúc, đừng tìm kiếm đâu xa
b- Hạt Giống Thương Yêu
Một hạt giống khác có liên hệ mật thiết với hạt giống Phật tánh là khả năng tính yêu thương, hay khả năng thương yêu. Lắm khi chúng ta có cảm tưởng ta không thương được ai cả. Trong tình trạng chán nản, bất mãn đó, chúng ta thấy mình không còn là gì và không có một giá trị tối thiểu nào hết! Không thương được ai là vì ta không thương được chính bản thân của ta, do đó chúng ta thường đi đến kết luận trong tôi không có tình thương. Điều đó có thể đúng trong phạm vi ý thức, nhưng đứng trong chiều sâu của tàng thức thì nó không đúng. Tại vì trong chúng ta ai cũng có hạt giống thương yêu, tức hạt giống từ và hạt giống bi. Phật được làm bằng chất liệu của tỉnh thức, của chánh niệm, nhưng Phật cũng được làm bằng chất liệu của thương yêu, của từ, của bi. Chánh niệm và thương yêu là hai bề mặt của cùng một thực tại. Hiểu biết và thương yêu cũng cùng là một thực tại. Hễ có hiểu biết thì có thể thương yêu được, ngược lại khi thương yêu đích thực thì lòng thương yêu đó được làm bằng chất liệu của sự hiểu biết. Tương tự như vậy, niềm tin mà ta gọi là Chánh Tín cũng được làm bằng chất liệu của sự hiểu biết. Vì vậy khi nghi ngờ cái khả năng thương yêu trong ta, ta phải nhớ lời Phật dạy:
- Trong ta ai cũng có hạt giống thương yêu cả.
Hạt giống thương yêu chưa mọc lên được vì chúng ta chưa biết cách gieo trồng. Chúng ta hãy tự gieo trồng bằng những năng lượng của tinh tấn, của chánh niệm, của chánh định, của chánh tín. Từ đây chúng ta thấy một người bạn tu không tự thương mình và cũng không thương được những người chung quanh, thì chúng ta đừng nản. Chúng ta nên nghĩ người đó đang ở vào tình trạng khó khăn, nếu được giúp mai kia họ có thể tiếp xúc và tưới tẩm hạt giống thương yêu trong người, lúc đó hạt giống thương yêu sẽ nảy mầm, đơm hoa và họ có thể mỉm cười.
Là một người Phật Tử, chúng ta biết tu tập, chúng ta có bổn phận phải quán chiếu, không phải chỉ ở trong tâm thức của chúng ta không thôi, mà chúng ta còn phải quán chiếu nơi tâm thức người khác nữa. Phật dạy quán chiếu trong tự tâm mình và quán chiếu trong tâm của người khác nghĩa là như vậy.
Nếu chúng ta có vốn liếng của sự hiểu biết, của thương yêu thì chúng ta nên làm công việc giúp những người bạn đồng tu của chúng ta tiếp xúc, vun bón, tưới tẩm hạt giống tốt để một mai người đó có thể mỉm cười nhận ra rằng mình cũng có khả năng thương yêu, và cái mặc cảm mình không ra gì, mình bất lực sẽ tan biến đi.
c- Hạt Giống Hạnh Phúc:
Một khả năng tính nữa là khả năng tính hạnh phúc, một khả năng rất quí giá trong đời sống hàng ngày. Người có khả năng hạnh phúc thì sống trong điều kiện nào cũng có thể có hạnh phúc, và được sống chung với một người như vậy là chúng ta có phước lắm. Khi lâm vào tình trạng khó khăn, người có khả năng hạnh phúc thường có đủ khả năng tạo ra ánh sáng cùng niềm vui cho mình và cho người chung quanh. Nếu đi vào địa ngục người đó sẽ làm cho địa ngục sáng lên, làm cho tiếng cười vang lên nơi địa ngục. Những người như vậy có thật. Những người đó trong Đại Thừa Phật Giáo chúng ta thường nghe nhắc đến đó là Bồ Tát Địa Tạng, là một vị Bồ Tát chuyên đi vào những chỗ tối tăm nhất, khổ đau nhất để làm cho ánh sáng và tiếng cười có mặt ở những nơi đó. Làm được những điều như vậy là do ở sự dày công tu tập và phát triển hạt giống của hạnh phúc, đồng thời cũng dày công vun xới khả năng tính hạnh phúc, cho nên chúng ta mới đi vào được những nơi tăm tối như vậy để cứu giúp người.
Khả năng tính hạnh phúc là một chất liệu tạo nguồn vui cho mọi người. Nếu trong đại chúng có một người mà trong hoàn cảnh nào cũng cười được, vui được và cũng không bao giờ mất niềm tin, thì đại chúng đó đã được hưởng rồi, huống hồ khi trong đại chúng có được nhiều người như vậy. Chúng ta ai cũng có khả năng làm một người như vậy, nhưng bây giờ chúng ta không làm được vì chúng ta còn nghi ngờ cái khả năng của mình, và như vậy chúng ta đã mang cái mặc cảm thua kém. Chúng ta phải theo gương Bồ Tát Địa Tạng, Bồ Tát Thường Bất Khinh, để nhìn sâu vào tàng thức và công nhận các khả năng tính của chúng ta, công nhận chúng ta có thể có hạnh phúc được. Muốn dễ dàng có hạnh phúc, trong đời sống hàng ngày chúng ta phải tu tập và phát triển cái hỷ tính của mình, nghĩa là khả năng trong trường hợp nào cũng vui cười được cả. Trong chúng ta một khi biết ăn cơm là chúng ta biết rửa chén, tuy nhiên rửa cho bản thân thì được mà cho nhiều người thì chúng ta thường có cảm tưởng rửa chén là một cực hình. Tuy nhiên khi có tu tập, biết ghi nhận, biết mỉm cười trong khi rửa chén, thì rửa chén có thể là những giây phút tuyệt diệu. Rửa chén cũng có thể là một cơ hội, một môi trường để tưới tẩm hạt giống hạnh phúc. Điều nầy không phải chỉ có tăng chúng Chùa Dược Sư, mà ai ai trong cuộc đời nầy cũng đều đã trải qua kinh nghiệm này rồi.
Nói tóm lại, tất cả đều tùy thuộc vào cách chúng ta tiếp xử với hoàn cảnh. Nếu có khả năng hạnh phúc thì trong điều kiện nào chúng ta cũng có thể tạo dựng được hạnh phúc cho ta và cho những người chung quanh. Ngược lại, nếu không tu tập và cứ nghĩ rằng hoàn cảnh này không tạo được niềm vui cho chúng ta, chúng ta phải đi kiếm một hoàn cảnh khác, và như vậy thì chúng ta cứ luôn luôn làm gã cùng tử, làm một gã cô hồn lang thang mãi mãi.
Là một người Phật Tử có tu học, thì hoàn cảnh nào cũng là hoàn cảnh lý tưởng của chúng ta, và trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng tạo được hạnh phúc cả. Sống tại Mỹ chúng ta cũng thấy vui, mà ở Việt Nam ta cũng tìm được hạnh phúc như thường. Sống ở đâu chúng ta cũng có hạnh phúc, đó là nhờ trong khi tu tập chúng ta đã vận dụng nhuần nhuyển, đắm mình trong giây phút hiện tại, và lấy tất cả những điều kiện trong giây phút hiện tại làm nền tảng cho sự sống, cho niềm vui của chúng ta. Có như vậy thì trời nắng cũng vui, mà trời mưa chúng ta cũng thấy hạnh phúc. Trời mưa là một trong những yếu tố không thể thiếu trên cao nguyên tình xanh nầy, vì vậy cao nguyên tình xanh là một quê hương tươi mát. Ở những nơi không có trời mưa thì chúng ta sẽ thấy thiếu thốn vô cùng, chúng ta sẽ thấy rằng nơi đó chưa được toàn hảo, những không phải vì vậy mà chúng ta không có hạnh phúc. Phải biết rằng nơi chúng ta đang sống và tu học là một thực tại nhiệm mầu, cho nên chúng ta không cần đi đâu cả, không cần du lịch về tương lai, hay quá khứ mới có những điều đó. Những cái thuộc về hạnh phúc đích thực của chúng ta nó đang có mặt ngay ở đây và trong giờ phút này, chỉ vì chúng ta không có khả năng tiếp xúc với những điều kiện hạnh phúc, chỉ vì ta đang làm thân cùng tử, đang làm người hành khất, chỉ vì ta không có khả năng an trú trong hiện tại cho nên ta chưa thấy thoải mái đó thôi.
Chúng ta hãy tự đặt mình trong trường hợp, khi đi trong một khu vườn không được chăm sóc, nơi đó có thể gặp một bông hồng rất tươi đẹp, và muốn hái bông hồng đó, tuy nhiên muốn hái bông hồng, chúng ta phải bước qua đám gai. Thường thì trong khu vườn hoang, bông hồng nở nhưng những bụi gai cũng mọc đầy, nhưng không thể vì gai mà chúng ta không hái được bông hồng. Muốn hái hoa, chúng ta phải tìm cách rẽ cành gai cho đừng vướng áo, hay lấy gậy đè nó xuống để bước tới được dễ dàng. Trong đời sống tu tập hàng ngày cũng vậy, đừng nói rằng vì có chướng ngại cho nên chúng ta không thể có hạnh phúc. Thật ra, vì trong tâm còn giận hờn, còn buồn, còn chướng ngại cho nên không thể hưởng được cái hạnh phúc mà đáng lý chúng ta được hưởng. Do vậy chúng ta phải biết xử lý cơn giận, nỗi buồn để đừng đánh mất đóa hoa tươi thắm và niềm an lạc trong đời sống hàng ngày. Chỉ cần khéo léo một chút thì sẽ hái được bông hoa tươi thắm cho chúng ta, và cả cho những người thân của chúng ta nữa.
Phải biết rằng những lúc nội kết và niềm đau của ta ngủ yên, thì đó là thời gian thuận lợi nhất cho sự tu tập để những hạt giống tốt, những niềm vui có cơ hội đơm hoa, kết trái, để những hạt giống của chúng rơi trở lại trong miếng đất tâm của ta. Nếu đợi cho đến khi niềm đau, nỗi khổ ào ào nổi lên, xâm chiếm cả vùng ý thức của chúng ta thì lúc đó tu tập khó hơn nhiều.
Do vậy, đừng nên lấy cớ là chúng ta có niềm đau, nổi khổ mà không tu tập bây giờ. Chúng ta phải hái đóa hoa hồng tươi thắm đó ngay trong ngày hôm nay để trang trí cho cuộc đời, để cho đời chúng ta càng lúc càng đẹp, cuộc tình càng lúc càng xanh tươi, và càng lúc càng thăng hoa hơn.
--o0o--