TẬP SAN DƯỢC SƯ

Con Đường Đầy Sen Búp II
Nguyên Hải
--o0o--
 
Con đường đầy sen búp là con đường đi với muôn hương ngàn sắc, là con đường dẫn chúng ta đến bảo thành. Muốn xử dụng con đường sen búp để đến bảo thành, thì chúng ta cần phải thực hiện một số nguyên tắc. Đối với người Phật tử trước và trên hết chúng ta cần nhận diện cái thật tướng của đời người. Có nhận thức được thật tướng của cuộc đời thì chắc chắn chúng ta sẽ thấy được rất nhiều vấn đề khó khăn trước mắt như:
- Trong cuộc sống không được như ý
- Hoàn cảnh khổ đau
- Những giới hạn của xã hội hiện thực,
- Phiền não khi giao tiếp cái xấu,
Những ai là người thấy được các vấn đề nầy là người có tuệ giác. Có được tuệ giác là do sự kiên trì thực tập không quản gian lao mệt nhọc mà nên. Với sự hiện diện của tuệ giác chúng ta có thể điều chỉnh lại tâm cảnh không bình ổn và không hài hòa của chúng ta. Có thể nói rằng trong cuộc đời có rất nhiều vấn đề như:
- Nhân sinh vũ trụ
- Kiếp người
Tất cả đều là những vấn đề lớn, do đó người học Phật chúng ta cần phải xử dụng tuệ giác để nghiên cứu, lắng nghe và thực tập thì chúng ta mới có thể hiểu rõ một cách triệt để. Nói như thế người học Phật không phải chỉ tìm kiếm để hiểu rõ trong hoàn cảnh cuộc sống hiện thực, mà còn phải tìm kiếm trên vấn đề từ sinh đến tử để giải thoát khổ đau một cách đầy đủ. Muốn được như vậy thì người học Phật chúng ta trong khi tu, lúc thực hành con đường Bồ Tát Đạo phải luôn luôn quân bình cuộc sống hàng ngày. Nghĩa là trong tâm cũng như ngoài thân chúng ta cần bình ổn và điềm đạm, tâm tình đối cảnh cần phải bình tĩnh như chư tổ đức thường dạy:
- Ðạm bạc để sáng Chí,
Yên tĩnh thì thấy được xa,
Nghĩa là:
- Tất cả thuận ở nơi tự nhiên. Con người, có thể chấp nhận cuộc sống bình thường, sống yên tĩnh, đạm bạc trong cuộc đời là một hạnh phúc lớn không gì hơn.
Quan niệm về bình thường, bình tĩnh hay yên tịnh theo người xưa thường dạy:
a- Bình Thường
Cái bình thường của người biêt tu đạo không giống như cái tầm thường của thế tục. Nghĩa là không cầu nghe lời khen của thế tục, mà là hết lòng hết sức với trách nhiệm của mình, và không cần phải suy tính được thua, không cần phải thắc mắc về việc thu họach thành quả như thế nào, có như vậy mới xứng đáng lời của người đời thường gọi:
- Trong lòng nuôi chí lớn mà ngoài mặt như người thường.
Ngược lại với không bình thường là người thích chạy theo danh lợi phù phiếm xa hoa. Biết bao nhiêu người đeo đuổi mục đích cao xa, nhưng một đời không đạt được những ham muốn, cảm thọ đầy đủ thì chúng ta lại khổ cho nên có câu:
- Cây cao chịu gió xiêu vì gió
Người thích công danh lụy bởi danh.
b- Bình Tĩnh
Hay còn gọi là yên tịnh, đây là một thứ trạng thái thuộc tâm tình yên tịnh, chứ không phải cái loại yên tĩnh của lúc:
- Đêm khuya yên tĩnh, muôn tiếng lặng yên.
Ngọn cỏ không sinh, trăng sáng sao thưa.
Cũng không phải là trạng thái của sóng lặng gió yên của mặt nước yên lặng trong hồ mùa thu, mà sự yên tịnh nầy muốn nói đến một thứ định lực, hay nghị lực, công lực. Hay nói một cách khác là sức mạnh của sự tu thân dưỡng tâm, còn gọi là nuôi dưỡng công phu. Chỉ khi nào chúng ta đạt được trạng thái nầy chúng ta mới có thể tự lực, tự cường, khi gặp biến động cho dù là núi có lở, sông có mòn trước mặt, chúng ta vẫn không biến sắc, không kinh sợ, mà trái lại chúng ta cẩn thận giải quyết mọi vấn đề. Cho nên:
- Bình thường hàng ngày, chúng ta phải tập làm người có phong cách mô phạm, cần nên phù hợp phạm trong phạm trù của đạo để nuôi sống tâm linh, tu dưỡng tâm lý, hơn là chú trọng đến hình thức bên ngoài.
Quả thật nếu tâm lý không khỏe mạnh thì dẫu trăm vạn, ngàn vạn, ức vạn, mua bán giàu có cũng khó mà mua được một tâm lý khỏe mạnh. Vì vậy việc mong cầu phú quí, không bằng tùy theo sự việc trên cuộc đời mà sống an nhàn. Chỉ cần biết đủ và ít ham muốn, thì có thể được vui vẻ. Bởi vậy sống khắc kỷ và theo lời thệ nguyện của chư Bồ Tát đã đi qua là việc làm nên trưởng dưỡng:
 - Chúng sinh tự tâm thệ nguyện độ
Phiền não tự tâm thệ nguyện đoạn ...
Tức là tự tánh mỗi người tự độ, cần rõ hiểu là chúng sinh của tự tâm, tức là muốn nói đến các thứ tâm không lương thiện như:
- Tâm tà mê,
- Tâm ác độc,
- Ttâm cuồng vọng,
- Tâm đố kỵ...
Những tâm không lương thiện nầy đều là những chúng sinh ở trong tâm, mỗi người đều cần tự tánh tự độ, đây gọi là chơn độ. Gọi là tự tánh tự độ, có nghĩa là chúng ta phải biết hướng dẫn những chúng sinh si mê, phiền não, tà kiến còn tồn tại ở trong tâm của chúng ta về đường chơn nẻo giác. Về phương diện nầy chư tôn đức dạy phải dùng Ðạo Đế trong bốn thánh đế để thấy hiểu chính xác, để độ thoát chúng nó. Điều nầy có nghĩa là chúng ta phải tiêu trừ, hóa giải phiền não ở nơi tự tâm. Diệt sạch tất cả những cái gọi là không lương thiện, phát tâm bồ đề, xa lìa tâm niệm nhơ uế lộn xộn, làm cho trong tâm chúng ta trở nên thuần khiết.
Muốn thực hiện Đạo Bồ Tát, hoặc muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc, trước sau gì vấn đề quan trọng cũng vẫn là cần phải tu chính hành vi của mình. Hành vi chúng ta nếu đã có những sai lầm, thì sửa cho chính lại những lệch lạc đó. Có thể nói rằng hành vi của chúng ta trong cuộc sống ngày thường rất nhiều tội lỗi, nhưng tất cả đều xuất phát từ: Thân, miệng, ý.
- Thân là hành vi của chúng ta.
- Miệng là lời nói.
- Ý là tư tưởng, là thấy hiểu.
Ba cơ quan nầy là nơi phát xuất hành vi của chúng ta, nếu chúng ta biết ba loại lớn nầy có tổn hại, bất lợi, lỗi lầm, sai lệch thì chúng ta phải sửa đổi cho chân chính trở lại. Ðây gọi là khéo điều phục.
Phương pháp điều phục thân tâm không có gì tốt bằng phương pháp nương nơi qui củ mực thước của Phật pháp, để tu trì học tập. Dựa trên qui củ chân chánh của Phật pháp, tịnh hóa thân tâm, đem toàn bộ những tập khí vô minh, của sự sai lầm bất chính, sửa đổi cho chân chính trở lại, để cho đạt được mục đích cuối cùng của sự điều phục là thành Phật! Thành ra Phật Pháp luôn luôn chú trọng đến hai tâm hành thực tiễn là:
- Hiểu, và
- Làm hay còn gọi là Hành
Có hiểu và hành thì chúng ta sẽ đi đúng đường, sẽ không cảm thấy mình quá tắc trắc. Có hiểu và thực hành chúng ta mới kết hợp giữa sự hiểu biết trên chữ nghĩa, và trên hành vi của chúng ta. Nếu chỉ nói mà không làm, thì dẫu có hiểu đạo lý thâm sâu như thế nào đi nữa, dẫu cho ở trong đầu chúng ta có nhớ ba đại tạng kinh, cũng vĩnh viễn không thể giải thoát. Cho nên miệng nói, và sự thực hành phải đi đôi thì mới hữu dụng. Như vậy phương cách điều phục thân tâm, không những cần khắc phục những vấn đề bên ngoài như:
- Tiền tài,
- Sắc đẹp,
- Danh vọng,
- Ăn uống,
- Ngủ nghỉ...
Mà bên trong còn phải chế ngự hàng ngàn, hàng vạn tà ma trong tâm của chúng ta như:
- Tham,
- Sân,
- Si,
- Mạn,
- Nghi,
- Giải đãi,
- Dục vọng ...
Nghĩa là những phiền não của vô minh, những tà ma trong tâm của chúng ta còn đáng sợ hơn những chướng ngại hữu hình ở bên ngoài. Chúng ta điều phục thân tâm là vì bắt buộc phải khắc phục phiền não ma chướng ở trong nội tâm của chúng ta, và phải nhẫn chịu tất cả những nhiễu loạn, chướng ngại, những sỉ nhục, và khổ nạn từ ngoài đem đến.  
Nhẫn chịu những sĩ nhục bằng cách là trong tâm chúng ta thường niệm, thường tư duy và quán sát các thiện pháp, thì mới có thể phát sinh được sự tác dụng chân chánh về thiện pháp. Thường niệm các thiện pháp, bất cứ giây phút nào cũng phải niệm. Tư duy thiện pháp thường tồn tại trong tâm, trong đầu, đồng thời còn phải xem coi thiện pháp mà chúng ta đang làm, phải có lợi cho mình và người khác. Quán sát thiện pháp là cần phải kiểm tra lại sự khởi tâm động niệm của chúng ta, từ sự nhìn lại và xét lại trong nội tâm, không để cho niệm bất thiện sinh khởi. Khi một người đã biết quán sát các thiện pháp, thì sẽ thấy có một sự khác biệt rất lớn. Phần lớn người biết điều phục thân và tâm của mình là người luôn luôn biết giữ ý tứ không cho ba nghiệp sanh khởi, trong khi đó người không tu hành, thì rất dễ biết, bởi vì chúng ta có thể phân biệt ở nơi ba nghiệp: Thân, miệng, ý. Nếu thân làm việc ác, miệng nói lời ác, ý khởi niệm ác, tức là người không tu hành.
Theo quan niệm của đạo Phật, Ðức Phật dạy rằng:
- Tốt  xấu,
- Họa  phước,
- Thành bại,
- Vinh nhục,
Tất cả đều quyết định ở nơi hành vi của chính mình. Thiện và ác đều do sự nổ lực hay không nổ lưc của chúng ta. Không có một cá nhân nào có thể chịu sự đề bạt lên thiên đường, cũng không có một cá nhân nào có thể ngang chướng mà xô đẩy người thiện rơi vào địa ngục được. Cũng vậy khen tốt, hay ca tụng thì không thể lìa khổ, được vui, mà chỉ có tu thân dưỡng tánh, mới có thể khiến cho nhân cách của mình được tịnh hóa thăng hoa, làm cho chúng ta hưởng thọ được niềm vui vĩnh hằng. Do đó Phật giáo là một tôn giáo tín ngưỡng của chính mình, bởi vì người làm thiện thì được quả thiện, người làm ác chắc chắn thọ quả khổ. Do đó muốn được huệ nhãn giải thoát, thì chúng ta cần phải tu trì một cách tích cực để phá trừ tham, sân, si. Lấy mười việc thiện để đối trị mười việc ác, và nương theo tám đường chánh để tiến hành tăng trưởng đạo đức thực tiễn. Hành trì như vậy thì có thể diệt trừ tất cả phiền não, khổ đau, thoát ly cảnh giới sinh tử luân hồi là điều có thể thực hiện.
Ðức Phật thuyết pháp bốn mươi chín năm, không có pháp nào là không vì người đời, cho nên trước sau gì Đức Phật vẫn cứ nhấn mạnh:
- Tất cả chúng sanh đều thành Phật đạo.
Biết là tất cả mọi người chúng ta ai cũng có khả năng thành Phật, nhưng phải tự chúng ta vạch ra con đường để đi. Tự chúng ta trau giồi nhân cách và trí tuệ, chỉ một con đường duy nhất là chính chúng ta nhờ vào nghị lực, trí huệ và tâm thường hằng của chúng ta để hoàn thành nó. Cho nên muốn thành Phật, thì bí quyết đầu tiên là chúng ta phải biết điều phục thân tâm. Từng giây phút thực hành, là từng bước đi đến gần quả giác ngộ. Thành ra vì vậy người học Phật trong cuộc sống hiện thực, khi trong lòng đã hàng phục được phiền não của chính mình, khi làm bất cứ việc gì, thì trước nhất cũng phải nghĩ đến chúng sinh, nếu như có điều gì làm tổn hại đến chúng sinh, thì chúng ta không nên làm. Xem ra như vậy, thì khi mà tâm từ bi của chúng ta càng lớn thì chúng ta chấp nhận sự thiệt thòi cũng nhiều, và nhọc nhằn gánh vác cũng nhiều.
Pháp môn Nhị Lực tức là pháp môn niệm Phật Thiền Tọa Kinh Hành là một pháp môn rất thù thắng và tôn quí, có thể thích hợp với các căn cơ của chúng sinh. Thực hành pháp môn nầy là chúng ta đã và đang đi trên con đường sen búp, là làm cho tâm của chúng ta trở nên yên tịnh, bỏ hạnh ác, xa lìa tham dục, ái nhiễm. Bởi vì yếu tố cần thiết cho việc tu tâm là ở chỗ giữ gìn kiên cố giới pháp. Giới bị dục nhiễm là do ba nghiệp, tất cả chỉ nơi tâm tạo ra, sự ham muốn cũng từ đó được sinh ra, rồi kết nhóm, khởi lên. Nghiệp của ham muốn cũng là do tâm sinh, nên theo đó các pháp được sinh. Một khi đắm nhiễm vào đó tức là chúng ta bị trói buộc, mà bị trói buộc là tâm chúng ta không được tự tại. Cho nên:
- Người chuộng công danh lụy bởi danh.
Tuy nhiên người biết điều phục thì nghiệp sẽ yên tịnh, vì vậy đối với cuộc sống sẽ hiểu được lẽ thiểu dục tri túc, từ đó đối với việc áo mặc, cơm ăn, chỗ ở, tới lui đều cần nên đạm bạc đơn giản. Càng đạm bạc thì sẽ không có sự trở ngại, trái lại còn nuôi dưỡng được sự tinh tấn, diệt được tất cả các loại tâm như:
- Lợi danh,
- Ham muốn,
- Tham luyến,
- Cống cao,
- Bao che,
- Nhân ngã,
- Thị phi ... đều nên diệt hết.
Thông thường khi hành trì pháp Môn Nhị Lực, đối với một người đã niệm Phật nhiều năm, muốn cầu chứng được cảnh giới nhất tâm bất loạn, thì điều đó chắc chắn là không khó, đức Phật đã nói như vậy. Tuy nhiên vì căn tánh của mỗi người có khác, vì còn phải tùy theo nào là:
- Nghiệp chướng,
- Phước đức,
- Nhân duyên,
- Tinh tấn hay giải đãi có khác nhau
Cho nên nếu căn cứ vào thời gian nhiều ít cũng rất khó nói. Tuy nhiên cứ ra công hành trì thì đến lúc nhất tâm bất loạn thì tự sẽ nhất tâm bất loạn, còn nếu cứ cưỡng cầu, thì trái lại càng làm cho tâm rối loạn thêm. Khi đã đạt đến trạng thái nhất tâm bất loạn tức là nói đến chỗ thành đạt. Sự chứng nghiệm thành đạt khi hành trì Pháp Môn Nhị Lực cho chúng ta những hiện tượng tốt đẹp như là:
- Hương lạ bay đầy nhà,
- Nhạc trời réo rắt trên không trung,
- Thấy hoa thấy hào quang, ánh sáng chiếu đến thân thể,
- Tòa báu hiện ra trước mặt,
- Biết trước giờ lâm chung đến, sắc mặt như lúc còn sống,
- Thân thể mềm mại, khí nóng trên đảnh đầu chưa tan  ..v.v...
Như có lần chúng tôi đã nói, nếu chỉ cần niệm Nam Mô A Di Ðà Phật, thì đã có chỗ tốt đẹp bất khả tư nghì, nói không thể hết. Ðức Phật vì thương xót chúng hữu tình của cõi Ta Bà, cho nên trong kinh điển nhiều lần nhắc nhở, khuyến khích niệm Phật, chúng ta nên cảm lấy ơn đức nầy mà tín thọ hành trì. Trong lúc hành trì chúng ta nên phát tâm tịnh niệm liên tục, nhất tâm chuyên trì niệm Phật. Nếu coi việc đi trên con đường đầy hoa sen búp là quan trọng thì phải biết rằng vấn tu hành là việc lớn, còn mưu sinh chỉ là việc phụ để nuôi dưỡng thân giả tạm nầy thôi. Vì vậy khi gặp nghịch cảnh, chúng ta không nên chán nản mà trái lại phải gia tăng công sức niệm Phật thêm hơn, thành tâm bố thí cho nhiều. Không nên chấp giữ trần duyên, không nên bám víu sự ham muốn của tình thức. Nhất tâm tinh tấn trau giồi tâm tuệ, không dấy vọng tưởng, không khởi tạp niệm. Bởi vì:
- Một cái vọng tưởng, là một cái sinh tử,
- Một cái tạp niệm, là một cái chướng,
- Không dấy vọng tưởng thì không khởi tham, sân, si,
- Không khởi tạp niệm thì không sinh sự so tính nhân ngã, thị, phi.
Cho nên chúng ta phải gắng lòng trì niệm danh hiệu Phật. Niệm niệm rõ rệt, niệm niệm giác ngộ. Khi tâm thanh tịnh, thì ba nghiệp thanh tịnh, cho nên cũng còn gọi là tịnh nghiệp. Người đời, nhất là trong thời đại đạo đức không được coi trọng, nên nghiệp chướng nặng nề, căn tánh ám độn rất nhiều, do vậy chúng ta cũng không nên cầu cái gì đó cho cao siêu quá, cũng không vội vả quá, mà cần phải biết phối hợp thời gian và không gian, đồng thời cũng cần phải có tâm nhẫn nại. Vì khi nhân duyên chưa thành thục thì nóng lòng cho lắm cũng không có hiệu quả. NHất là khi thực hành Pháp Môn Nhị Lực nầy chúng ta cũng cần phải dẹp bỏ, buông hết những bụi phấn cố chấp trong tâm và ngoài thân, nhất tâm trì niệm danh hiệu Phật, thiền tọa và kinh hành thì mới có thể có kết quả tương ứng. Vì lẽ đó mà chúng ta không nên nghi ngờ, mà phải cương quyết niệm cho chí thành để trong tâm có Phật, đến khi nào nhất tâm bất loạn mới thôi.
Niệm Phật không khó, nhưng khó ở chỗ là có tâm cung kính, chí thành và lâu dài hay không thôi! Vì vậy nên cùng là người niệm Phật, nhưng sự cảm ứng ở nơi mỗi người thì không đồng nhau.
Thường thì con người phàm phu phần nhiều bị nghiệp chướng khảo đảo, cho nên mới có khuynh hướng tìm học Phật để điều phục thân tâm, và lãnh hội những điều hay lẽ phải để trừ bỏ nghiệp chướng sâu dày. Đây là một sự tịnh hóa tâm địa của chúng ta. Đây là một sự thật hiển nhiên và hoàn toàn là công khai trong việc tu thân dưỡng tánh chứ không có gì thần bí. Tu thân dưỡng tánh là trưởng dưỡng cái tánh thiện của chúng ta. Trong ruộng A Lại Da Thức, hột giống thiện và ác ai ai cũng đều có, cho nên khi gặp duyên bên ngoài đụng tới tức thì phát sanh. Nhưng học việc ác rất mau, nói ra tức hiểu liền, cho nên chúng dễ đọa vào ba đường ác. Trong khi đó, học việc thiện thì cần có tánh nhẫn nại, lần hồi huân tập, so ra thì chậm hơn nhiều. Chúng ta sỡ dĩ cần phải học Phật, là vì chúng ta muốn sửa đổi cái bất tịnh làm cho tịnh, bỏ việc ác hướng về việc thiện, cho nên mới học Phật, niệm Phật thì được gọi là Tịnh Nghiệp. Ðã gọi là tịnh nghiệp tức là ba nghiệp không nhiễm mà phải tịnh, nội dung bao gồm:
- Thân: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm.
- Miệng: Không nói láo, không ác khẩu, không nói hai chiều, không nói chìu uốn nịnh nọt.
- Ý: Không tham muốn, không sân nhuế, không ngu si.
Một khi đã bắt đầu từ mười việc thiện nầy, tiến lên dần thì chúng ta sẽ thực hiện được trong việc thực tập: Từ, Bi, Hỷ, Xả.
Do vậy khi chúng ta khởi tâm động niệm, thì là đã tạo nghiệp. Khi đã tạo nghiệp rồi thì không có biện pháp nào tốt hơn là biện pháp thực tập sao cho:
- Có chánh niệm hiện tiền, để niệm danh hiệu Phật, thiền tọa, kinh hành.
Chúng ta phải biết lấy danh hiệu Phật để thay thế cho vọng niệm, cho nên bất kỳ phiền não nào khởi lên, chúng ta cũng chỉ cứ lo niệm Phật. Chúng ta không cần lý giải về nguồn gốc của phiền muộn, mà chỉ cần biết mỗi một niệm danh hiệu Phật đều là tịnh nghiệp, không tạo ra tai họa mới. Nếu lúc chúng ta dùng danh hiệu Phật để thay thế vọng niệm mà vẫn không có kết quả, là bỡi vì bình thường phần nhiều chúng ta hay chú trọng đến các duyên nhiễm ô. Thông thường người đời đa số là có thói quen đắm nhiễm, do đó tâm bị cấu uế, nên dễ tạo tội, phạm lỗi. Chúng ta đã biết sự nguy hiểm của dục nhiễm thì phải nên hạ thủ công phu ngay từ bây giờ. Nếu như chúng ta còn khinh mạn, chê bai, đố kỵ, ghen ghét, phân biệt, so đo ..v..v.. tất cả đều là chướng, thì như vậy chúng ta còn cách đạo rất xa. Chúng ta nên phải thường kiểm nghiệm cái tâm của mình, tự hổ thẹn, sám hối, hứa hẹn bỏ nhơ lấy sạch, thì nghiệp chướng lần hồi tiêu trừ. Nghiệp chướng có tiêu trừ thì mới có cảnh giới tiến bộ cho thân tâm. Tâm có niệm lộn xộn thì tâm không tịnh, thì đó là vọng tưởng là ma của tâm. Cho nên chúng ta cần phải kiên trì luyện tập theo lời dạy của cổ đức:
- Người đến chỗ Vô Cầu, thì phẩm giá tự nhiên cao.
Theo lời dạy nầy, chúng ta phải ghi nhận:
- Người tu hành tịnh nghiệp, là người đi ngược dòng sinh tử, không nên quan tâm đến sự tính toán nói năng ngoài miệng, mà phải quán sát ngay nơi thân ngũ ấm để thấy vô thường. Đời người ngắn ngủi, thời gian không đợi chúng ta. Phải biết rằng vui chơi một thuở mà lo sầu ngàn sau. Phải biết tự đau xót, tự nhàm chán, xa lìa cõi Ta Bà và cầu sanh Cực Lạc. Nếu chúng ta biết đạo có muộn màng, và ngày nay mới bắt đầu học đạo thì cũng không nên sợ học chậm, mà chỉ sợ rằng chúng ta thiếu chí mà thôi!
Người đời ưa chấp Ngã, vì có ngã nên tạo nghiệp thọ khổ. Do có ngã nên sanh ra ba thứ bệnh:
a- Những vấn đề họp với ta thì sinh ra tưởng duyên gần gũi như: người thân, cha mẹ, vợ chồng, con cái v.v...
b- Những việc nghịch với ta thì sinh tưởng duyên oán giận
c- Đối với việc không thuận không trái thì là tưởng duyên trung bình.
Do ba thứ nầy cảm thọ không đồng mà sinh ra tưởng:
- Thuận duyên tưởng thì sinh Lạc Thọ.
- Oán duyên tưởng thì sinh Khổ Thọ.
- Trung duyên tưởng thì sinh Xã Thọ không khổ, không vui.
Do ba món Thọ nầy dẫn sinh ra ba món độc: Tham, sân, si. Bởi vì:
- Lạc thọ sinh tham,
- Khổ thọ sinh sân, và
- Xả thọ sinh si.
Những ai là người đã và đang đi trên con đường hoa sen búp là người đã và đang thực hành phương pháp niệm Phật, thiền tọa và kinh hành thì chúng ta không nên gấp rút, cũng không nên trì huỡn. Không nên thả lỏng, cũng không nên gút chặc. Không buồn, không vui, không cống cao tự mãn, không lo không rầu, không nên sợ cuộc sống gặp cảnh khốn quẩn, nếu có chúng ta nên tập thản nhiên mà tiếp nhận để dũa mài, tập lấy khổ làm thầy để bồi dưỡng cho tinh thần lạc quan, tiến thủ, phấn đấu. Không sinh tâm ngu si, không oán trời trách người, không nhụt chí. Phải biết quý tiếc thân do cha mẹ sanh ra, và một ngày qua thì một ngày thêm vững chãi. Quán sát vô thường, để thấy thân nầy rốt cuộc rồi cũng trở về với cát bụi. Tư duy về nhân quả để thấy nghiệp báo nghèo nàn khốn quẩn, nhiều bệnh như thế chắc chắn có nguyên nhân phát sinh mà không nên oán trách, đem nhân quả của khổ làm sự giải quyết cho cuộc sống mới là bực đại trí. Do đó, nếu có bệnh thì tự nhiên tìm thuốc để điều trị, trong thời kỳ trị liệu cũng có thể đồng thời tiến hành sám hối, làm việc thiện, niệm Phật để cầu chuyển biến nghiệp báo, sớm được bình phục lại sức khỏe.
Lúc gặp những vấn đề khó khăn mà đột khởi lên niệm ác, thì phải tức khắc nhiếp trụ ba nghiệp: Thân, miệng, ý nỗ lực như thế nào lâu ngày chắc chắn sẽ thành công. Nếu lúc khởi niệm ác, muốn làm việc tổn hại người, thì lập tức niệm:
- Nam Mô A Di Ðà Phật.
Người niệm Phật tu hành, cần thường giữ ba nghiệp thanh tịnh, việc tổn hại người nhất quyết không được làm. Ngược lại, nên thường giữ gìn tâm thiện, làm việc tốt, nói lời tốt đẹp. Bởi vì con đường tu hành không có gì khác hơn là sự sửa đổi thân tâm. Tức là đem tâm sinh diệt của chúng sinh chuyển làm tâm đại bồ đề, bất sinh bất diệt. Nội tâm không vọng tưởng tạp niệm, phiền não tà kiến không khởi lên, lâu ngày thì tự tánh được thanh tịnh, nên không bị thế giới phồn hoa dẫn dắt. Nếu có thể mỗi niệm mỗi niệm đều vô cầu, vô đắc, từ bỏ tâm truy cầu sự được mất, từ bỏ tâm sợ sệt và hy vọng, từ bỏ tất cả tâm đối đãi và phân biệt, ngoài không bị cảnh trần chuyển, trong không bị tâm niệm chuyển, lâu ngày sáu căn sẽ được thanh tịnh, ánh sáng vi diệu của chơn tâm tự hiển lộ, tức thành Phật đạo.
Nói tóm lại, để cho việc đi trên con đường đầy sen búp có ý nghĩa và muốn biết việc tu trì có tiến bộ hay không, chúng ta chỉ cần nhìn vào vọng tưởng và phiền não coi nó tăng hay nó giảm. Tập khí mỗi ngày mỗi ít lại không. Và tâm từ, bi, hỷ, và xả có càng ngày càng thêm lớn hay không.
Và đồng thời cũng phải luôn luôn ghi nhớ, học Phật tu hành không phải là một loại chức vị hay nghề nghiệp biểu diễn cho mọi người xem, vì thế không nên ở trước người thì làm một kiểu, sau người thì làm một kiểu. Ngoài miệng không chưởi người mà trong lòng lại chưởi. Bị khinh bỉ thì nghĩ cách báo thù, hoặc tìm trăm phương ngàn cách kết giao với người quyền quí, không hề dòm ngó đối với kẻ bần cùng. Dung túng chính mình, hà khắt với người ... Việc tu học là phải thanh tịnh để đoạn trừ phiền não, đó là Tự Lực chí thành niệm Phật. Có như thế mới cảm được sự gia hộ của Phật đó là Tha Lực.
Hành trang của những ai đi trên con đường sen búp chính là pháp môn niệm Phật, thiền tọa và kinh hành. Nếu một khi chí thành niệm Phật, thì phiền não có thể giảm nhẹ, ngay cả được tiêu trừ. Lúc chí thành niệm Phật, đối với các việc nhân ngã, thị phi, được mất, tốt  xấu, không nên khởi tâm yêu ghét, không chạy theo ngọai cảnh, không sinh phiền não, nhất tâm bất loạn. Những ai làm được như vậy chính người ấy đang đi trên con đường đầy sen búp, khi mạng chung nhất định sanh vào nhà Như lai.
--o0o--