TẬP SAN DƯỢC SƯ

Giới Thiệu Bát Chánh Đạo
Tịnh Nghiêm
--o0o--
 
Tám Chánh Đạo là tám con đường ngay thẳng, hay còn gọi là tám  Nguyên Tắc chân chánh. Tám Chánh Đạo hay còn được hiểu là tám con đường chuyển hóa, tám phương tiện mầu nhiệm, là tám phương thức, tám pháp môn tu tập. Tám Chánh Đạo cũng gọi là tám con đường hành trì đưa chúng sinh đến hạnh phúc, an lạc, đời sống chí diệu. Ai thực tập tám nguyên tắc chân chánh nầy người ấy tự mình đi trên con đường chân thiện mỹ, sống một cuộc sống thánh thiện, cuối cùng đạt được thánh quả, giải thoát.
Người ta cũng có thể nói Tám Chánh đạo là con đường chánh có tám nhánh, để đưa chúnh sinh đến địa vị Thánh. Cũng từ ý nầy mà người ta cũng gọi Tám Chánh Đạo là Tám Thánh đạo. Chữ Thánh ở đây không mang ý nghĩa siêu hình hay siêu thế mà là thật, đi từ căn bản nầy để đạt được căn bản khác cuối cùng là quả vị giải thoát cho nên gọi là Thánh. Có thể nói một cách ngắn gọn, nội dung Tám Thánh Đạo đã diễn tả tất cả giáo lý đạo Phật, do chính Ðức Thế Tôn tuyên thuyết, và vì mục đích duy nhất là thoát ly mọi ràng buộc của vô minh, tham ái, nguyên nhân của khổ đau. Do đó nếu chúng ta là người quyết tâm đi tìm sự thật và hạnh phúc chân thiện ở đời thì không thể nào không biết qua Tám Chánh Đạo. Tám Chánh Đạo có thể áp dụng rộng rãi và chắc chắn sẽ được lợi ích trong nhiều khía cạnh chẳng hạn như:
- Người thực hành và sống đúng theo Tám Chánh Đạo là người có hạnh phúc.
- Gia đình được xây dựng theo Bát Thánh đạo là gia đình hạnh phúc.
- Một xã hội, hay một quốc gia sống theo bát chánh đạo thì chắc chắn xã hội đó, quốc gia đó sẽ sống đời an lạc.
- Những kẻ phàm phu học đạo, noi theo pháp môn nầy mà tu, thì không còn lầm lạc vào nẻo nguy hiểm, lần hồi sẽ chứng được quả Hiền Thánh.
- Những bậc Hiền, Thánh nương theo tám phương tiện nầy thì sẽ đi đến cảnh Niết Bàn.
Có thể khẳng định tám phần thánh đạo là tám điều kiện cần và đủ để được hạnh phúc, an lạc ngay tại cõi đời này mà không cần đòi hỏi ở một thời gian nào trong tương lai. Tám Chánh đạo gồm có:
- Chánh Kiến,
- Chánh Tư Duy,
- Chánh Ngữ,
- Chánh Nghiệp,
- Chánh Mạng,
- Chánh Tinh Tấn,
- Chánh Niệm
- Và Chánh Định.
1- Chánh Tri Kiến
Chánh: Là ngay thẳng, đúng đắn.
Kiến: Là thấy, nhận biết.
Như vậy Chánh Kiến hay Chánh Tri Kiến là thấy, nghe, hay, biết một cách ngay thẳng, công minh, đúng với sự thật và khách quan. Người có chánh kiến thấy như thế nào thì nhận đúng như thế ấy, không lấy trắng làm đen, xấu làm tốt, dở làm hay, hay làm dở. Sự nhận xét sự vật của người ấy không bị tập quán, thành kiến, dục vọng bao che hay làm sai lạc. Người có chánh kiến biết phân biệt cái nào giả, cái nào thật. Và khi đã biết cảnh giả, vật dối, thì mắt không chăm chú, tâm không tham đắm. Còn khi rõ biết cảnh thật, vật thật, lời lẽ chân chánh, thì chuyên tâm vào sự lý chân thật làm cho trí tuệ càng ngày càng tăng tiến. Nói tóm lại, người thực hành Chánh Kiến, đó là người đã nhận thức, hiểu rõ về:
- Bốn sự thật đó là Bốn Đế,
- Lý duyên khởi,
- Nguồn gốc và các tính chất căn bản của thiện và không thiện.
Do vì hiểu rõ Bốn Sự Thật, Lý Duyên Khởi cho nên người ấy phá được ngã chấp, biết được mối liên hệ nhân quả trong sự vận hành, từ nguồn gốc sanh tạo đến đoạn diệt và phương thức tu tập để đoạn diệt các thức ăn nuôi dưỡng ái dục.
2- Chánh Tư Duy
Tư duy là suy nghĩ, nghiệm xét, nó thuộc về ý thức. Chánh Tư Duy là suy nghĩ, xét nghiệm chân chánh, tư tưởng đúng với lẽ phải. Chánh Tư Duy là chi phần thứ hai trong Bát Chánh Đạo sau Chánh Tri Kiến. Do sự hiểu biết, cái nhìn chân chánh mà sự suy niệm hay ý nghĩ đúng đắn phát sinh. Trong quá trình suy niệm liên tục sẽ hình thành các tư tưởng, Chánh Tư Duy vì vậy là kết quả của quá trình trầm tư lâu dài. Tương tự như Chánh Tri Kiến, các tư duy được gọi là chân chánh khi chúng được tạo ra từ sự chuyên chú khảo sát về:
- Bốn Đế,
- Duyên khởi,
- Vô ngã,
- Năm uẩn ...
Những tư tưởng nào không phản ảnh được nội dung của sự hiểu rõ về bốn sự thật đó là Bốn Đế, hiểu rõ về lý duyên khởi, không phá được ngã chấp, không biết được mối liên hệ nhân quả trong sự vận hành, là tư tưởng sai lầm hay còn gọi là tà Tư Duy. Để xác định Chánh Tư Duy, đức Phật đã tuyên bố:
- Ai thấy duyên khởi là thấy pháp. Ai thấy pháp là thấy Như Lai.
Người tu theo phép Chánh Tư Duy, thường xét nghĩ đạo lý cao siêu, suy tư tìm kiếm thể tánh nhiệm mầu, biết xét những hành vi lỗi lầm, những ý nghĩ xấu xa để sám hối, biết suy nghĩ về ba món vô lậu học: Giới, Ðịnh, Huệ, để tu giải thoát, biết suy xét vô minh và nguyên nhân đau khổ, là nguồn gốc của tội ác, và tìm phương pháp đúng đắn để tu hành hầu giải thoát cho mình và cho người.
3- Chánh Ngữ:
Ngữ là lời nói. Chánh ngữ là lời nói chân thật, công bình, ngay thẳng và hợp lý. Trái với Chánh Ngữ là Tà ngữ là những lời nói, ngôn hạnh sai lạc có bốn cách:
- Nói dối
- Nói lời ác
- Nói hai lưỡi
- Nói lời thêu dệt
Người tu theo chánh ngữ, không bao giờ nói sai, không thiên vị, không thấy dở nói hay, không xuyên tạc, nghe một đường nói một ngả. Người thực tập theo chánh ngữ rất thận trọng lời nói, trước khi muốn nói gì phải suy nghĩ coi có lợi ích và chân thật không. Một người có hiểu biết và tư tưởng đúng đắn, thì lời nói và ngôn hạnh của người ấy cũng nhu hòa, chánh trực. Theo Luận Thanh Tịnh Ðạo có dạy rằng:
- Khi hành giả thấy và tư duy căn cứ trên bốn sự thật, duyên khởi, vô ngã, thì người ấy đã có sự từ bỏ tà ngữ.
Từ bỏ tà ngữ là một sự từ bỏ tương ưng với chánh kiến, từ bỏ ác ngữ, gọi là chánh ngữ. Vì vậy đối với người học Phật chúng ta nên thực tập năm cách nói:
- Nói đúng thời, không nói phi thời
- Nói lời chân thật, không nói lời hư ngụy
- Nói lời nhu hòa, không nói lời thô bạo
- Nói điều lợi ích, không nói điều vô ích
- Nói lời xuất phát từ lòng từ, không nói lời xuất phát từ lòng sân.
Ngày xưa, trước khi đức Phật sắp nhập Niết Bàn, có Ðệ tử hỏi:
- Bạch đức Thế Tôn, khi Ngài nhập Niết Bàn rồi, người đời sau gặp nhiều sách vở ngoại đạo không sao phân biệt với kinh Phật, như thế, biết tin theo lời nào để tu?
Phật dạy:
- Không luận là lời nói của ai miễn là lời ấy đúng sự thật, hợp chân lý thì cứ tin theo mà tu.
Từ trong chiều hướng nầy, nếu một ai nói những lời nói đúng lý, hợp lẽ, có lợi ích cho toàn thể chúng sinh là chánh ngữ. Những lời nói ấy chúng ta phải tin theo và tập nói cho đúng như thế.
Như vậy Chánh Ngữ còn mang các đặc tính khác như:
- Đem đến hòa hợp, êm dịu vui vẻ, không khiến người nghe khó chịu,
- Đem lại lợi ích và không nhảm nhí vô bổ.
Thực hành Chánh Ngữ chúng ta sẽ thoát khỏi bốn tà ngữ:
- Nói láo,
- Nói đâm thọc,
- Nói lời hung dữ,
- Nói lời vô ích.
4- Chánh Nghiệp:
Chữ Nghiệp là do người Trung Hoa dịch từ chữ Phạn Karma mà ra. Nghiệp hay Karma nghĩa là hành động tạo tác, là hành vi có tác ý. Chánh nghiệp là hành động, việc làm chân chính, đúng với lẽ phải, phù hợp với chân lý, có lợi ích cho người lẫn vật. Trái với chánh nghiệp là tà nghiệp như:
- Giết hại, chiếm đoạt tài sản của người khác
- Hối lộ, nhận hối lộ, thâm lạm công quỹ..
- Tà hạnh trong các loại tham muốn như: Nam nữ quan hệ bất chính...
Nguồn gốc của mọi hành vi thuộc tà nghiệp đều dẫn khởi từ ba yếu tố:
- Lòng tham lam,
- Sự sân hận
- Sự ái luyến si mê.
Một hành động hay hành vi xuất phát từ nhận thức và tư duy chân chánh được gọi là chánh nghiệp. Sự từ bỏ các hành vi bất thiện thuộc tà nghiệp cũng được coi là chánh nghiệp. Người thực hành theo đúng chánh nghiệp là người luôn luôn thận trọng, giữ gìn mọi hành động của mình, để khỏi làm tổn hại đến quyền lợi, nghề nghiệp, địa vị, danh giá, hạnh phúc, tánh mạng của người khác. Hơn nữa người theo đúng chánh nghiệp bao giờ cũng tôn trọng lương tâm nghề nghiệp của mình, luôn luôn hành động có lợi ích cho mọi người, mọi vật; và nếu cần, có thể hy sinh quyền lợi hay tánh mạng mình để giải thoát nỗi đau khổ cho người khác.
Ngoài ra nếu chúng ta biết dùng trí huệ để quán tưởng những pháp chân chính, hoặc ngồi Thiền, niệm Phật, hoặc trì tụng kinh hành, để giữ gìn thân, khẩu, ý ba nghiệp cho thanh tịnh cũng gọi là chánh nghiệp. Với nhận thức và tư duy thanh tịnh không uế nhiễm như thế, người thực hành Chánh Nghiệp, tu tập nỗ lực sẽ loại được trừ tất cả mọi tư tưởng luyến ái, lòng thù hận, tâm thức trở nên thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì đời sống cũng trong sạch. Chánh nghiệp do vậy cũng là đời sống trong sạch, gương mẫu, chánh trực.
5- Chánh Mạng:
Mạng là sự sống, đời sống. Chánh mạng là sanh sống một cách chân chính bằng nghề nghiệp lương thiện, trong sạch của mình. Đây là chi phần thứ năm trong Bát Thánh Đạo. Mọi hoạt động nghề nghiệp sinh nhai được hiểu là chân chánh khi chúng không được thực hiện bằng sự xảo trá, lừa lọc, làm hại đến bản thân, gia đình, xã hội và quốc gia như:
- Buôn bán độc dược,
- Buôn bán rượu,
- Buôn bán bạch phiến,
- Buôn bán vũ khí,
- Buôn bán người ...
Người thực hành theo đúng Chánh mạng thì người ấy sống một cuộc đời ngay thật, không gian tham, không làm giàu trên mồ hôi, nước mắt của người khác, không làm cho người và vật phải đau khổ vì nghề nghiệp của mình. Người sống theo đúng Chánh Mạng thì người ấy sống một cuộc đời có ý nghĩa lợi mình, lợi người, xứng với bát cơm mình ăn, manh áo mình mặc, chứ không ăn không ngồi rồi, sống bám vào người khác như Tổ Bách Trượng đã từng dạy:
- Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực.
Nghĩa là:
- Một ngày không làm, là một ngày không ăn.
Người thực hành theo Chánh Mạng thì người ấy sống đúng với chánh pháp, không mê tín dị đoan, và biết thân tứ đại vốn vô thường, nên lấy tịnh giới làm thể, lấy trí huệ làm mạng, bỏ niệm vọng cầu, an vui với chánh pháp.
6- Chánh Tinh Tấn:
Chữ tinh tấn ở đây có nghĩa là sự nỗ lực, siêng năng chuyên cần, cố gắng hết sức bằng tất cả nghị lực bản thân. thẳng tiến mục đích đã vạch sẵn không vì một lý do gì mà lùi bước. Chánh Tinh Tấn là chuyên cần, siêng năng làm việc chánh nghĩa, lợi lạc cho mình cũng như cho người và vật. Chánh tinh tấn là năng lực thúc đẩy tiến trình tu tập của chúng ta khi chúng ta quyết tâm cắt đứt mọi bất thiện pháp trong cuộc sống tự thân. Nó được biểu hiện qua bốn phạm vi:
- Nỗ lực làm tiêu trừ các bất thiện pháp đã phát sanh như các tật xấu, khiếm khuyết của bản thân.
- Nỗ lực ngăn ngừa, dập tắt các ác pháp đang hoặc chưa phát sanh.
- Nỗ lực làm phát sanh các thiện pháp như các tư tưởng, hành vi, ngôn ngữ có chất liệu từ bi, vô ngã, hy sinh, phụng sự...
- Nỗ lực trau dồi và làm tăng trưởng các thiện pháp đã phát sanh.
Các phạm trù thiện, ác thuộc đạo đức, luân lý được thể hiện qua hành vi của thân, lời nói của miệng và tư tưởng của ý. Do đó, chánh tinh tấn còn là năng lực kiểm soát chuyên chú các hoạt động của thân, miệng và ý.
Người theo đúng Chánh Tinh Tấn, trước tiên bao giờ cũng hăng hái sửa mình, cương quyết bài trừ những điều ác, quyết tâm phát triển mọi hạnh lành. Người theo đúng Chánh Tinh Tấn, dũng mãnh tiến lên trên đường đi đến giải thoát, cho đến lúc nào đạt được mục đích cao cả, cùng tột ấy mới thôi.
Nói tóm lại, người theo đúng Chánh Tinh Tấn, quyết tạo nghiệp vô lậu xuất thế gian, lấy chánh trí làm mãnh lực, lấy Niết Bàn làm hướng đi về, một lòng không trễ, muôn kiếp không dời, quyết công phu, định thành đạo quả để trước là để tự độ, sau là giáo hóa chúng sanh.
7- Chánh Niệm:
Niệm là ghi nhớ, sự chú tâm. Chánh Niệm là ghi nhớ đến những điều hay lẽ phải, những điều lợi lạc cho mình cho người, những đạo lý chân chính quý trọng cao siêu. Chánh Niệm là sự chú tâm quán tưởng bốn đề mục:
- Thân thể,
- Cảm thọ,
- Tâm thức, và
- Các pháp.
Sự chú tâm và ghi nhớ, suy nghĩ thường trực về bốn đề mục trên đưa đến sự loại trừ bốn tà niệm:
- Thân thể là một hợp thể bất tịnh mà cho là đẹp đẽ, thanh tịnh, đáng ưa thích.
- Các cảm thọ, bao gồm tất cả các trạng thái, thái độ tâm lý của các quan năng sáu căn khi tiếp xúc sáu trần, dù là đau khổ, vui sướng hay không vui, không khổ đều do nhân duyên sanh, có khuynh hướng đưa đến khổ mà cố chấp là hạnh phúc, an lạc.
- Tâm lý, tâm thức con người luôn thay đổi, vô thường mà bảo thủ cho là trường tồn.
- Mọi sự vật, hiện tượng trên đời luôn chuyển biến theo vô ngã mà chấp là có ngã, không phải do nhân duyên sanh.
Người theo đúng Chánh niệm, thường quán sát cảnh chân đế, năng trưởng niềm tin vào các pháp trợ đạo, do vậy mà dù bất luận ở đâu và làm việc gì, cũng nhớ nghĩ đến cái quả vô lậu xuất thế gian, dù trải qua bao nhiêu số kiếp cũng không thối tâm xao lãng. Khi chúng ta nỗ lực luôn luôn chú tâm trên bốn đề mục, sự không quên lãng trong tâm tương ưng chánh kiến, rũ bỏ tà niệm, thì gọi là chánh niệm.
8- Chánh Định
Chữ Ðịnh nghĩa là tập trung tư tưởng vào một vấn đề gì, là trạng thái tâm tập trung thuần nhất, an tịnh, không dao động để thấy cho rõ ràng, vào một vấn đề chính đáng, đúng với chân lý, có lợi ích cho mình và người. Theo Kinh Ðại Tứ Thập định nghĩa về chánh định như thế nầy:
- Chánh Định chính là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, và Chánh niệm.
Theo lời dạy trên, Chánh Định là sự nhất tâm có mặt của bảy chi phần trước mà đặc biệt là Chánh kiến. Nghĩa khi có sự nhất tâm nào được tương trợ với bảy chi phần này, cho nên gọi là chánh định. Như vậy, định hay sự nhất tâm, an định nào không có mặt của chánh kiến được gọi là tà định.
Như trên là phần tổng quan về Tám Chánh Đạo, là tám con đường đưa đến giác ngộ, theo tám chi phần thánh đạo tuy không mô tả đầy đủ về ba nhóm: Giới, Định và Tuệ nhưng về đặc tính thực nghiệm, Tám Thánh Đạo nầy luôn luôn được bao gồm trong ba môn học vô lậu: Giới, Ðịnh, Tuệ chẳng hạn như:
- Nhóm Giới thì có: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng
- Nhóm Định thì có: Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.
- Nhóm Tuệ thì có: Chánh Tri Kiến, Chánh Tuệ.
Sự liên hệ giữa các chi phần trong bát chánh đạo với ba nhóm: Giới, Định và Tuệ không phải là mối liên hệ khách quan, máy móc, mà chúng biểu thị tính nhất quán trong sự học tập giáo lý và thực nghiệm. Sự liên hệ nầy có thể giải thích theo hai cách:
- Sự liên quan giữa các chi phần trong nhóm, và
- Sự liên quan giữa ba nhóm Giới, Ðịnh và Tuệ.
1- Sự Liên Quan Giữa Các Chi Phần
- Các chi phần chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng được xếp chung vì có tính chất chung loại. Lời nói, hành vi cuộc sống và nghề nghiệp đều biểu hiện ở thân và miệng. Vì vậy chúng được xếp vào nhóm Giới.
- Ðịnh không thể tự bản chất chính nó làm phát sinh, nhưng nhờ có sự trợ duyên của Tinh Tấn để hoàn tất nhiệm vụ nỗ lực. Niệm làm nhiệm vụ ngăn ngừa những sự dao động, thì Ðịnh có thể đạt đến an chỉ. Do đó chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Định là ba yếu tố hỗ tương đưa đến Ðịnh, cho nên được xếp vào nhóm Định.
- Nhóm Tuệ gồm Chánh Kiến và Chánh Tư Duy. Tuệ tức chánh kiến tự nó không thể định rõ một vật là vô thường, khổ, vô ngã. Nhưng với sự tư duy trợ lực, bằng cách liên tục quán chiếu đối tượng, thì có thể nhận định được đâu là đúng, đâu là sai.., vì vậy trong nhóm Tuệ có Chánh Kiến trợ duyên là đồng loại, nhưng chánh tư duy cũng có mặt trong đó, vì chánh tư duy trợ lực cho chánh kiến. Như vậy ngoài sự nhận thức, chúng ta còn thấy sự hiểu biết là biểu hiện cụ thể của trí tuệ, tư duy hay tư tưởng. Do đó Chánh Kiến, và Chánh Tư Duy cũng được xếp vào nhóm Tuệ.
2- Sự Liên Quan Giữa Giới, Ðịnh Và Tuệ:
Thông thường, con đường giải thoát được giới thiệu theo thứ tự tiệm tiến Giới, Ðịnh, Tuệ theo như Luật tạng đã viết:
- Do Giới sanh Ðịnh, do Ðịnh sanh Tuệ.
Tuy nhiên, do quan hệ duyên khởi và thực tiễn tu tập theo căn tánh, nên Ba Vô Lậu Học được các kinh Chánh Tri Kiến, kinh Ðại Tứ Thập xác định rằng:
- Giới Định Tuệ được khởi sanh từ nhóm Tuệ, và Chánh kiến là chi phần chủ yếu của Bát Thánh Đạo. Tất cả các chi phần còn lại đều phải có mặt của chánh kiến hay quá trình tu tập Giới và Ðịnh luôn phải song hành với Tuệ.
Cho nên trên con đường tu tập, chuyển hóa để đạt đến thánh quả Ðức Phật đã dạy:
- Do có chánh kiến mà chánh tư duy khởi lên; do có chánh tư duy mà chánh ngữ khởi lên; do có chánh ngữ mà chánh nghiệp khởi lên ... do có chánh định mà chánh trí khởi lên; do có chánh trí mà chánh giải thoát khởi lên.
Căn cứ vào lời dạy của Đức Phật chúng ta hiểu rằng, Tám Chánh Đạo cũng có hai loại: hữu lậu và vô lậu. Và cho dù được trình bày dưới hình thức tám chánh đạo phần hay mười hai chi phần, nhưng dầu cho dưới hình thức nào đi nữa thì trọng điểm của việc tu tập tám thánh đạo cũng vẫn là đoạn trừ lậu hoặc, tham ái, chấp thủ. Sự phân loại trên chỉ nhằm mục đích nhấn mạnh đến vai trò của trí tuệ trong việc giải thoát mọi lậu hoặc khỏi tâm thức. Ðiều này đã nói lên tầm quan trọng của trí tuệ, và sự đóng góp tích cực của Tám Thánh Đạo trong mọi hành động.
Cũng như tất cả giáo lý khác, Tám Thánh Đạo là giáo lý sinh động và tích cực hướng dẫn chúng ta trở thành con người mô phạm trong cuộc sống. Vì vậy, khi học tập Tám Thánh Đạo, chúng ta không thể dừng lại ở mức độ khảo sát, tìm hiểu, mà chúng ta cần phải thực hành tích cực để cải thiện đời sống của của chúng ta trên hai phương diện thân tâm:
1- Phương Diện Thân:
Sống trong hoàn cảnh không như ý, điều kiện cư trú ẩm thấp hay khô hạn, không vệ sinh, hay thiếu môi cảnh cây xanh ... đều đem lại những biến chứng bệnh tật. Do vậy:
- Tu tập chánh nghiệp, chánh mạng, chánh ngữ là tự điều chỉnh khả năng đề kháng của cơ thể phù hợp với môi trường học tập, làm việc, họat động xã hội, góp ý và thực hiện công tác cải tạo môi trường sinh thái và tăng cường rèn luyện cơ thể qua tập thể thao, sinh hoạt điều độ.
- Tu tập chánh niệm, chánh định về thân là biết rõ và làm chủ các hoạt động của cơ thể, giữ trạng thái quân bình không để các tham dục làm kích động hay ức chế.
- Tu tập chánh kiến, chánh tư duy là thấy và tự nhận thức mối liên hệ duyên khởi của các nội phần cơ thể và ngoại phần cơ thể hay tương quan của thân thể và môi sinh.
Tu tập tám thánh đạo dù bất cứ chi phần nào cũng đều phải có mặt của chánh kiến. Do vậy, tự nhận thức và theo dõi, làm chủ bản thân luôn luôn là hai yếu tố không thể thiếu trong quá trình tu tập thân.
2- Phương Diện Tâm:
Tâm thức luôn trôi nổi, biến động theo các điều kiện bên trong hay bên ngoài cơ thể. Một khi đã tu tập, thì thân không thể đặt ngoài phạm vi tu tập tâm và ngược lại. Khi tâm bị dao động hay ức chế bởi phiền não, thì  những hoạt động của thân thể sẽ rối loạn, ngay cả cái nhìn về cuộc đời cũng trở nên khô cằn.
Do vậy, tu tập tâm có tầm quan trọng đặc biệt trong việc ổn định cuộc sống. Toàn bộ kinh, luật, luận của Phật giáo không đi ra ngoài định hướng ấy. Nhận thức hay có chánh kiến, suy nghĩ tìm ra mối liên hệ nhân duyên trong liên hệ nội tại của các trạng thái tâm lý và thái độ tâm lý ứng xử là bước khởi đầu để điều chỉnh, sửa đổi các hành vi thân, miệng, và cuối cùng là gột rửa khỏi tâm những bất thiện pháp, phiền não, ganh ghét, oán hận có nguồn cội từ tham, sân, si. Nỗ lực tu tập thiền định là con đường đặc biệt quan trọng, giải quyết tất cả các sự rối loạn tâm lý của nhân sinh. Ðồng thời nó xác định tính chất đặc thù của Phật giáo, khác hẳn các tôn giáo khác.
Có  thể  nói rằng trên thế giới hiện nay đang từng bước phát triển, và đi đến chỗ phân hóa toàn diện, do đó nhiều học thuyết, lý thuyết, triết học, đạo học đang được tái thẩm định để tìm ra những giá trị ứng dụng cho nền văn minh hiện đại. Các nguyên lý, quy tắc đạo đức cổ lệ cũng được thay đổi. Tuy nhiên, nếu phải tìm ra những tư liệu đạo đức chung để xây dựng và góp phần ổn định mọi rối loạn trong cuộc sống nhân sinh thì tám thánh đạo chính là định hướng cho đời sống cá nhân, gia đình và xã hội ở mọi quốc gia trên thế giới. Bởi vì đăc điểm của Tám Chánh Đạo là cải thiện, chấn chỉnh, kiểm sóat thân, miệng, và ý, cho nên trong bất cứ lúc nào cũng phải có sự hiên diện của Tám Chánh Đạo. Do đó có thể nói:
- Chừng nào con người còn đau khổ, tám thánh đạo vẫn còn là kim chỉ nam hướng dẫn mọi hành vi, lời nói và tư tưởng thuộc tam nghiệp; chừng nào xã hội còn có nhu cầu phát triển tốt đẹp, tám thánh đạo vẫn còn là định hướng tu chính chính sách, đường hướng tổ chức hoạt động xã hội; và chừng nào mọi quốc gia trên thế giới còn mong muốn đem lại an lạc cho nhân loại, chừng đó tám chánh đạo vẫn là đóng góp của Phật giáo vào tiếng nói chung của nhân loại trong tiến trình hòa bình thế giới. Có thể khẳng định giá trị của tám phần thánh đạo như một bản đồ tu tập cho mọi người ở mọi thời đại.
Nói tóm lại, Bát Chánh đạo là pháp môn rất được thông dụng. Sự thông dụng này sở dĩ có được là nhờ lợi ích thiết thực và quý báu của nó đối với đời sống cá nhân của người tu hành, đối với xã hội, và đối với đời sống tương lai. Có thể tóm tắt những lợi ích, hay công năng của Bát Chánh đạo trong ba điểm sau đây:
01- Cải Thiện Tự Thân:
Nếu con người chuyên tu theo tám đường chánh này, thì sửa đổi được tất cả mọi sự bất chính, mọi tội lỗi trong đời sống hiện tại của mình, như ý niệm mê mờ, ngôn ngữ đảo điên, hành vi sái quấy, đời sống vô luân. Khi những điều trên nầy đã được cải thiện, thì tất cả cuộc đời riêng của mỗi người sẽ chân chính, lợi lạc và thiện mỹ.
02- Cải Thiện Hoàn Cảnh:
Nếu trong xã hội ai ai cũng đều chuyên tu theo tám đường chánh đạo nầy, thì cảnh thế gian sẽ an lành, tịnh lạc không còn chiến tranh xâu xé giết hại lẫn nhau.
03- Niết Bàn Giải Thoát:
Người chuyên tu theo tám đường Chánh Đạo nầy không những có nhiều lợi lạc trong cuộc đời hiện tại mà còn gây tạo cho mình một tương lai tươi sáng, gieo trồng cho mình những hạt giống Bồ đề để ngày sau gặt hái quả vô thượng Niết Bàn, đầy đủ bốn đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Có lẽ bây giờ đây quý vị đã hiểu tại sao Đức Phật bảo rằng Tám Chánh Đạo là con đường thẳng, con đường chân chánh. Vì những lời nói, hành động và việc làm bất thiện sẽ bị Giới Định Tuệ trong Tám Thánh Đạo chế ngự. Đi thẳng con đường nầy, chúng ta sẽ vượt qua mọi bất thiện pháp và thoát khỏi mọi nguy hiểm trong cuộc đời.
--o0o--