TẬP SAN DƯỢC SƯ

Nhận Diện Kẻ Thù
Tịnh Nghiêm
--o0o--
 
Trong đời sống hằng ngày, đối với người Phật Tử, là những người có tu tập đạo tỉnh thức, chắc chắn chúng ta không bao giờ tạo sự mâu thuẩn, cũng không cố ý gây hấn để tạo kẻ đối đầu. Nhưng cũng không phải vì thế mà chúng ta không có sự mâu thuẩn, hoặc không có kẻ đối đầu. Lý do đơn giản là mình không muốn nhưng người khác muốn, mình không tạo nhưng người khác tạo, vì nhiều lý do và nhiều yếu tố khác nhau. Cho nên có thể nói, chúng ta không tìm kẻ thù thì kẻ thù cũng tìm đến ta. Những con người ưa gây hấn luôn luôn lúc nào cũng đầy dẫy trong xã hội, thực sự không dễ chịu và dễ chấp nhận, nhưng không nguy hiểm bằng kẻ thù mà chúng ta là người Phật Tử không ai là không biết đó là:
- Tham, giận, si mê và ham muốn.
             Kẻ thù thứ nhất của chúng ta là: Tham, giận, si mê.
Tham, giận, si mê từ đâu mà có? Đây là vấn đề mấu chốt chúng ta cần phải biết.
Thông thường, trong khi cư xử trong đời sống hằng ngày, việc va chạm với nhiều người trong mọi tầng lớp của xã hội là điều khó tránh khỏi, nhưng nếu chúng ta không biết tập làm chủ tâm mình, một khi có việc không vừa ý nào đó, tức thì giận dữ nổi lên. Khi giận dữ nổi lên thì chắc chắn không thể, hoặc không bao giờ có được những giây phút thảnh thơi an lạc. Trái lại trong đời sống hằng ngày, nếu chúng ta biết thực tập thiền định, biết áp dụng những phương pháp tuần tự đưa tâm của chúng ta đến sự hiểu biết, tỉnh thức, và thực hành nhẫn nhục, từ bi thì những yếu tố nầy trong những lúc cần thiết sẽ giúp cho tâm ta không rối loạn, và phát khởi những ý nghĩ bất lương. Do đó việc kiểm soát tư tưởng là điều hết sức cần thiết để duy trì tình trạng yên vui trong cuộc sống.
             Bản chất của giận dữ không đem lại lợi ích hoặc an lạc nào đến cho chúng ta và người khác, nhưng nó lại có khả năng gieo tai hoạ, làm cho chúng ta khó chịu và khổ sở.
Tâm lý con người thường khi làm một việc gì cũng đều do từ thói quen, do đó một khi cơn giận đã tung hoành trong tâm chúng ta được một lần, rồi nó sẽ xảy ra lần thứ hai, nó cũng sẽ trở nên quen thuộc, và sau đó mỗi khi gặp việc tương tự, cơn giận dữ lại nổi lên. Nếu chúng ta không thực tập để đối phó với những chướng ngại, thì mỗi lần bực tức nỗi lên, chúng ta lại tạo thêm một thói quen trong tâm, làm cho chúng ta càng ngày càng dễ nổi giận. Do đó khi cơn nóng giận vừa ló dạng, chúng ta phải tức khắc nhận ra nó là kẻ trộm cắp vì đã cướp mất đi sự thanh tịnh an lạc, nó là kẻ thù vì nó đã giết chết bản năng lương thiện của chúng ta, và nhớ ngay đến tai hại của nó.
             Ai cũng biết sân giận làm mê mờ tâm trí, nên không còn phân biệt đúng sai, tốt xấu, mà lúc đó được sai xử bằng bản chất của giận dữ là hận thù. Đó là lý do:
- Người chưởi ta, ta chưởi lại,
Người đánh ta, ta đánh lại ...
Nghĩa là:
- Người ta chưởi một, mình chưởi trả lại hai,
Người ta hai mình trả đủa lại bốn ...
Cứ như thế mà không bao giờ ngừng nghỉ. Hơn thế nữa, chúng ta còn bóp đầu bóp trán nghĩ những đòn thù cay độc nhất để trả đủa. Nếu là người có biết tự trọng đúng luật giang hồ một chút, thì tự một mình trả đủa, nhưng đôi khi chúng ta vì hận thù tràn ngập nên tự mình làm mất đi nhân phẩm của chính mình, thì lúc đó chúng ta không ngần ngại chạy chọt, năn nỉ, quỳ lụy, mượn người khác cũng vào phe với mình để trả đủa.
Điều đáng lưu ý, nếu một cá nhân nào đó, nếu đã có một tư tưởng phong phú, thông minh tài cán thay vì phục vụ cho chúng sanh nhân loại, nhưng lại đem xử dụng vào những điều tệ hại nhất trong xã hội, thì cũng từ đó khiến cho cộng đồng nhân loại không có một cuộc sống như ý. Nó có thể làm cho con người lo âu sợ hãi, vì lúc nào cũng đe dọa đến sự an nguy của tánh mạng con người.
Theo kinh nghiệm cho thấy, khi cơn giận phát khởi, chúng ta sẽ cảm thấy tinh thần chính mình bất an, và cũng muốn làm cho người khác bất an giống như mình. Trước hết là những người thân của chúng ta cũng sợ hãi và bất an theo chúng ta. Lúc đó chúng ta có nguy cơ phá hủy hạnh phúc lẫn tài sản của mình và của người, có khi chúng ta lại còn làm hại đến tâm, thân cho đến những sinh mạng của người khác nữa.
Cơn giận càng lớn, chúng ta càng nghĩ đến chuyện phá hoại táo bạo hơn. Lúc đó chúng ta chỉ muốn phá hủy tiêu diệt ngay tức khắc cái đối tượng làm chúng ta nổi giận. Một khi đã khởi lên ý nghĩ như thế thì chúng ta chỉ cần một giây phút ngắn ngủi cũng đủ để đập phá. Ngay đến việc giết người, chuyện nầy xảy ra rất nhanh, chỉ trong một tích tắc cũng đủ đưa hàng chục, hàng trăm người đến cõi chết.
             Như vậy, giận dữ là kẻ thù gây tai hại lớn cho chính chúng ta và cho mọi người không những trong đời nầy, hết ngày nầy sang ngày khác, mà còn liên tiếp gieo sóng gió gấp trăm lần trong những đời kế tiếp. Vì thế mà chư tổ đức thường dạy:
             - Một đóm lửa sân cháy cả muôn rừng công đức.
             Quả thật như vậy, một khi mà cơn giận nổi lên thì không việc gì mà không dám làm. Vì thế mà có thể tiêu diệt tất cả những thiện nghiệp đã tu tạo, và đồng thời cũng làm trở ngại cho sự tu tập đạo giải thoát, làm cho tâm mất hết sáng suốt.
Nếu có lúc con người có những động tác như nói nói, cười cười, đi đi, đứng đứng đều do tim làm việc để mang khí huyết lưu thông trong cơ thể, nhưng khi tim ngừng đập thì sự sống cũng chấm dứt, thì lửa sân tiêu diệt mọi công đức và cắt ngang nhựa sống của sự giải thoát cũng giống như vậy. Không có tim thì không có sự sống, không có công đức thì không có hạnh phúc, không có giải thoát.
             Ngọn lửa giận dữ tai hại ghê gớm. Chúng ta không cần phải nghĩ đến sức tàn phá của nó trong những đời kế tiếp mà chỉ cần nghĩ ngay đến cái độc hại của nó trong đời nầy cũng đủ rồi. Chỉ mới trong một đời nầy mà cơn giận của chúng ta một khi nổi lên, thì chúng ta đã phải đập phá cho bằng thích theo nổi niềm sân hận của chúng ta, vung vải bừa bãi lên những người vô tội vạ chung quanh chúng ta, điều đó cũng đã gây đau khổ cho biết bao nhiêu người. Thì huống gì còn kéo dài đến muôn đời kiếp khác nữa thì tai họa còn khủng khiếp đến chừng nào. Vì thế cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi một sự giận hờn đang hừng hực như than hồng rực cháy trong tim chúng ta, nó sẽ biến người dễ thương nhất, và đẹp nhất thành người xấu xa khủng khiếp nhất. Ðồng thời những gì đang êm ả, dễ thương an lạc nhất cũng biến thành u tối, xấu xa kinh hoàng nhất là như vậy. Pháp đối trị sân giận là nhẫn nhục, nhưng chính ý tưởng giận dữ lại không thực hành được nhẫn nhục hoặc nghĩ đến tai hoạ của lửa sân. Cho nên cần phải có một ý tưởng khác để nhắc chúng ta nhớ đến sự tàn phá của lửa sân, khiến chúng ta thực hành nhẫn nhục. Ý tưởng khác ở đây không có gì xa lạ, mà đó là phương pháp áp dụng thiền định và các phương pháp tuần tự đưa đến giác ngộ, nhất là phương pháp chuyển tâm của đại thừa. Có phương pháp chuyển tâm của đại thừa thì chúng ta mới có thể thực hành nhẫn nhục, và lúc đó mới có sự bình an buông xả, và hạnh phúc trong đời sống.
              Khi chúng ta biết áp dụng giáo lý và thực hành hạnh nhẫn nhục, thì lửa sân sẽ tắc ngúm, và từ đó phong cách của chúng ta cũng sẽ biến đổi. Lúc bấy giờ trong tâm tư chúng ta sẽ trở nên an hoà thanh thản, với lòng bao dung, dễ mến của chúng ta sẽ làm cho người khác vui lây.
             Kẻ thù thứ đến của chúng ta đó là lòng ham muốn.
             Lòng ham muốn được coi là kẻ thù bởi vì khi chúng ta thèm khát ham muốn một cái gì thì tâm chúng ta cũng không được an lạc, không được thảnh thơi, nghĩa là trạng thái bất an so với lúc nổi sân của chúng ta cũng giống như vậy. Vì thế, nếu tự xét mình mỗi ngày, chúng ta sẽ thấy luôn luôn có một cái gì chưa ổn. Dù chúng ta cố tìm vui ở khắp mọi nơi như:
- Ðến sống ở thành phố để hưởng thụ những thú vui quanh đèn hoặc
- Lên núi chơi,
- Ði tắm biển hoặc
- Ra công viên hóng gió,
- Nhâm nhi vài món cao lương mỹ vị,
- Diện quần áo đúng mốt,
Tuy là tìm vui trong mọi khía cạnh, nhưng chúng ta vẫn thấy thiếu vắng một cái gì. Dù có nhiều bằng hữu thân thiết lâu ngày gặp lại, nhưng chúng ta vẫn thấy nao nao trong dạ, vẫn cứ thấy tim mình trống vắng, và không bao giờ thực sự hạnh phúc. Ngay cả lúc gặp chuyện vui nhộn, nhưng chúng ta vẫn thấy thiếu một cái gì, chúng ta không bao giờ sung sướng trọn vẹn. Hãy nhìn vào tâm mình, nghiền ngẫm cho thật kỷ, coi trạng thái tâm của chúng ta đang vui buồn, hạnh phúc, hay khổ đau. Ðây chính là lý do vì sao đức Phật dạy:
- Dù có ở tận góc biển chân trời chúng ta vẫn cứ khổ đau, dù có tìm quên trong thú vui nào, lạc thú ấy cũng là lạc thú của đau thương. 
Mặc dù mục đích chúng ta là muốn có được sự toại ý, tuy nhiên chạy theo ham muốn để được toại ý lại là phương tiện sai, nên hậu quả chỉ là sự bất mãn. Khi theo đuổi ham muốn ta không được thoả mãn, chúng ta lại tiếp tục theo đuổi ham muốn, và chúng ta cũng lại tiếp tục bất mãn. Càng bất mãn chúng ta lại càng muốn cố thử thêm lần nữa, và bất mãn lại cứ tái diễn, bao lâu chúng ta còn chạy theo ham muốn thì không bao giờ có được thoả lòng. Điều nầy tương tự như một anh nghiện xì ke. Lúc đầu bạn bè chỉ cho hút chơi, thử một lần thấy vui vui, lại thử thêm lần thứ hai, ba ... nhưng khi ghiền rồi, bạn bè không cho nữa thì lại tự bỏ tiền mình ra để hút. Khi không có tiền thì sanh ra trộm cắp. Càng hút thì càng ghiền, càng ghiền thì càng hút. Kết quả dẫn tới là tự hủy diệt thân thể, cuộc sống trở nên bi đát, lúc đó thì không còn tha thiết gì đến sự sống nửa.
             Nếu quan sát bản chất tâm mình khi đang theo đuổi một ước mơ, chúng ta sẽ thấy:
- Chạy theo ham muốn tự nó đã là đau khổ, tự nó đã là vấn đề phức tạp. Bản chất của ham muốn chỉ là đau khổ. Ðấy là cái khổ lớn nhất trong sinh tử.
             Nếu quan sát bản chất của tâm mình, phân tích và tự hỏi chính mình, chúng ta sẽ thấy càng ham muốn chúng ta càng không có hạnh phúc thực thụ, chúng ta sẽ thấy thiếu thốn rất nhiều. Ðời sống của chúng ta sẽ trở nên vô vị.
             Thật ra, đạt được cái mình mong muốn hay không đạt được, bản chất đều là khổ. Vì khi xét kỷ, chúng ta thấy những việc có được, điều chúng ta muốn dường như đã chấm dứt vấn đề. Nhưng khi ấy xét lại có vấn đề khác do sự có được gây ra. Ðó là được voi đòi tiên. Khi có được, đối tượng đó cho chúng ta cái lạc thú, cảm giác mới phát sinh. Nhưng điều chắc chắn sớm muộn gì cảm giác lạc thú đó cũng trở thành củ kỷ và chán ngấy, cho nên gọi là khổ khổ, và nó dần dần trở thành một cái gì không chịu nổi.
             Khi chưa nhận ra để đặt cái tên khó chịu cho cảm giác. Khi chưa nhìn nhận nó là khổ khổ, thì chúng ta vẫn gọi cảm giác đó là một niềm vui. Vì chúng ta đã gọi nó là niềm vui nên cảm thọ đó được xem là niềm vui. Tuy nhiên khi có sự tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng để phát sinh cảm giác mà ta gọi là niềm vui kéo dài rồi cũng chỉ là vấn đề thời gian, cho chúng ta thấy niềm vui đang có đó kỳ thực cũng chỉ là đau khổ.
             Khi một con người do nghiệp và vọng tưởng dẫn dắt, gặp một đối tượng nào đó, thì ba cảm thọ liền sanh.
- Ðầu tiên là khổ thọ, mà thông thường chúng ta xem là rắc rối nhất.
- Kế đến là lạc thọ, mà suy cho cùng cũng chỉ là khổ, sở dĩ ta lấy làm vui vì chưa phân tích kỷ.
- Và cuối cùng là không khổ không vui.
Tuy là cảm giác không khổ không vui, nhưng mà thực chất cũng là khổ, tại vì năm uẩn vốn đã ô nhiễm vì nghiệp và vọng tưởng. Khi chưa thoát khỏi nghiệp và vọng tưởng trói buộc chúng ta vào năm uẩn trong sanh tử, thì chúng ta vẫn còn khổ dài dài, bởi vì mọi cảm giác phát sanh do tiếp xúc đối tượng đều thuộc bản chất đau khổ.
             Chạy theo dục vọng là nghiệp, vì nó tạo một dấu ấn trong dòng thức tương tục, làm chúng ta tái sanh luân hồi trở lại. Rồi do sự khống chế của nghiệp và vọng tưởng từ kiếp hiện tại, chúng ta lại trải qua đau khổ trong những đời kiếp sinh tử tương lai ấy, gọi là hành khổ. Rồi chúng ta lại trải qua khổ khổ, hoại khổ, là nổi khổ do thay đổi trong sanh tử chỉ có niềm vui nhất thời. Ðây là cái tai hoạ lâu dài của việc theo đuổi ham muốn. Bao lâu còn chạy theo ham muốn, thì chúng ta vẫn còn trải qua những nỗi khổ bất tận trong sanh tử.
             Nói một cách trung thực, ngay cả cảm giác mà chúng ta gọi là niềm vui khởi lên khi tiếp xúc với một đối tượng ham muốn, chính nó cũng chỉ là đau khổ. Vì không phân tích bản chất của cảm thọ, vì tâm bị ám ảnh bởi dục vọng mà chúng ta gán cho cảm giác ấy là niềm vui, trong khi thực sự nó chỉ là khổ. Cảm thọ khổ khi ấy đối với chúng ta lại là vui, và chúng ta tin nó là vui thực, chúng ta bám lấy lạc thú đó, và đối với cái tâm bị hôn mê si ám của chúng ta, thì nó có vẻ như hạnh phúc thuần túy thực hữu. Những rắc rối hoàn toàn do chính tâm chúng ta tạo ra là như thế ấy. Khi gặp phải vô số vấn đề rắc rối không chịu nổi, nếu nhận được sai lầm của mình là do đuổi theo dục vọng, và chúng ta liền dừng lại, thì ngay lập tức cái núi rắc rối nầy cũng liền sụp đổ. Xin kể cho đại chúng nghe một câu chuyện:
             - Có một chàng thanh niên yêu đời kia, lẽ tất nhiên là anh thích các cô thiếu nữ trẻ đẹp, đặc điểm là có mái tóc dài. Một hôm anh ngồi uống càfe trước một trường trung học nọ, anh bất chợt trông thấy một cô nữ sinh hoa khôi của trường cắp sách đi ra cổng. Dưới ánh nắng ban trưa của mùa Xuân, mái tóc mây che cả bờ vai của cô gái đó bay bay trong nắng. Cô gái ấy đã khuất dạng trên đường dài tráng nhựa, mà tâm hồn của anh chàng thanh niên đó cũng phiêu bạt đâu đâu. Rồi từ đó anh chàng thanh niên bắt đầu bị thu hút bởi sắc đẹp của cô gái nọ, và cũng từ đó anh chàng đam mê nọ nhất định phải ngồi ở quán càfe trước trường để chờ cô gái mỹ miều kia.
Nhưng một hôm trong cơn mưa của đầu mùa Hạ, cô gái hoa khôi từ trong trường lửng thửng đi ra, nhưng hôm nay cô ấy không còn tóc dài nửa mà tóc cô ấy đã cắt ngắn. Người đẹp thì dù cho tóc có dài hay ngắn cũng cứ đẹp, nhất là đi trong mưa, cho nên bao nhiêu vẻ đẹp thiên nhiên cũng đều xuất hiện dưới cơn mưa. Lại một lần nửa hồn của anh chàng trai đam mê kia cũng bay bổng trong không gian. Từ đó anh nhất quyết phải tìm cơ hội để gặp gỡ cô gái thần tiên đó.
Và rồi một hôm, trong một ngày bãi trường, có lẽ mùa hè nắng bức cho nên tóc cô gái ấy cũng được cắt tỉa bớt, chỉ còn lưa thưa. Và mái tóc thưa đó được bay phất phới trước cơn gió ngoài bầu trời sắp mưa. Lại một lần nữa anh ta lại mục kích thấy được vẻ đẹp thiên thần của cô trước cơn huyền dịu kia.
Những ngày thơ mộng tại quán càfe trước mái trường kia không còn nửa, anh chàng trai đam mê kia bắt đầu si tình. Nổi nhớ niềm trông làm con người anh càng lúc càng thêm bi đát. Tình trạng cứ như thế kéo dài ... Một hôm có một người bạn đến tặng cho anh cuốn kinh Kim Cang, khi anh đọc đến đoạn:
- Nhứt thiết hữu vi pháp
Như mộng huyển bào ảnh
Như lộ diệt như điển
Ứng tác như thị quán.
Ðọc đến đây anh liền sực tỉnh, và anh làm bốn câu thơ như sau:
- Tóc em dài em đi trong nắng
Tóc em ngắn em đi trong mưa
Tóc em thưa em đi trong gió
Tóc em không có em đi vô chùa.
Làm xong đoạn thơ tự nhiên bao nhiêu thần tượng cùng theo đó sụp đổ. 
Như vậy khi chúng ta nhận biết căn nguyên của những phiền toái ấy là sân hận, si mê, ham muốn chúng ta có thể sanh tâm hoan hỷ, và ngưng theo đuổi dục vọng nhờ một phương thuốc giáo lý về con đường tu học. Chúng ta sẽ được thanh thản an vui ngay lúc đó. Ðó là hiện tại lạc trú. Do thấy được lỗi lầm của sân hận, si mê, dục vọng mà chúng ta không còn những vấn đề khó khăn, chúng ta sẽ hưởng những ngày hạnh phúc và thảnh thơi. Dừng lại dục vọng, và sanh tâm hoan hỷ là giải thoát. Cho nên trong lễ quy y Tam Bảo, lời nguyện là:
             - Phật Tử quy y Phật
             Phật Tử quy y Pháp
             Phật Tử quy y Tăng.
             - Quy y Phật đấng phước trí vẹn toàn
             Quy y Pháp đạo thoát ly tham dục
             Quy y Tăng bậc tu hành cao tột.
             Lời phát nguyện quy y Phật là:
             - Con xin nương theo bậc phước trí tròn đầy, là nơi nương tựa của trời người vững chãi nhất. 
             Lời phát nguyện quy y Pháp là:
             - Con xin nương theo sự từ bỏ tham dục, là một sự từ bỏ cao quý nhất.
             Lời phát nguyện quy y Tăng là:
             - Con xin nương theo bậc tu hành chơn chánh, là một sự hứa hẹn son sắc nhất.
             Bất cứ là ai trong cuộc đời nầy, một khi đã biết trở về nương tựa với Phật, Pháp Tăng là đã nhận thức được những đau khổ nhọc nhằn, những ray rức khó chịu do từ nơi sân hận si mê tham muốn, là chúng ta đã nhận diện được kẻ thù nguy nhiểm nhất. 
             Nói tóm lại, trong cuộc đời chúng ta có rất nhiều kẻ thù, nhưng phải nhận diện hai kẻ thù: giận dữ và ham muốn chúng ta cần phải nhớ kỷ. Sự từ bỏ kẻ thù đặc biệt nhấn mạnh ở đây được chư tôn đức khuyến khích phải có một thái độ dứt khoát hơn là từ bỏ kẻ thù sân hận hay các phiền não khác, bởi vì mọi khổ đau đều do ham muốn mà ra. Nếu không từ bỏ ham muốn thì chúng ta cứ mãi chịu sinh tử luân hồi.
--o0o--