TẬP SAN DƯỢC SƯ

Chấp Nhận Khổ Đau
Tâm Như
--o0o--
 
Quan niệm về khổ, chẳng hạn như những người thiếu cơm ăn, thiếu áo mặc, thì người đó rất khổ đau ....
Quan niệm về đau, chẳng hạn như những người đắm chìm trong thất tình lục dục, những người bị tình phụ rất đau.
Như vậy, khổ chính vì hoàn cảnh tạo ra cho nên khổ. Vì thế từ ngữ khổ đau nó khác với đau khổ. Cũng là một cái khổ, nhưng mà khi nói đến đau khổ, thì phải biết nó có những nguyên nhân khác để dẫn đến đau khổ. Nhưng mà nói khổ đau thì nó cũng có những nguyên nhân khác dẫn tới khổ đau. Chẳng hạn như trong cuộc đời những cảnh khổ như:
- Sanh, già, bệnh, chết là khổ
Vì cái khổ đó nó làm cho con người phải đau. Khổ đau vì những cảnh sanh ly tử biệt, vì những người mình thương mà không được sống gần nhau, những người mình ghét cứ thường gặp nhau hoài. Nhưng mà đối với những người tình phụ thì đau trước mới khổ sau.
Chủ đề chấp nhận khổ đau mới nghe qua tưởng như chúng ta phải chấp nhận cái đau khổ trọn đời. Nếu chúng ta không hiểu trọn vẹn, thì chúng ta cho đo là một thái độ hết sức thụ động. Tuy nhiên nếu nhìn kỷ thì mới thấy nó có một giá trị rất sâu sắc. Như nói chấp nhận khổ đau là chúng ta chấp nhận ở trong cuộc đời nầy những chuyện không vừa lòng đến với chúng ta, và hoàn cảnh như thế nào chúng ta cũng chấp nhận được. Nếu mà chúng ta biết chấp nhận khổ đau, thì chúng ta cũng chấp nhận được cái đau khổ, mà chữ đau khổ đồng nghĩa với chấp nhận thương đau, mà qua đó có một bản nhạc rất được nhiều người trẻ cùng hội cùng thuyền thường hát:
- Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn
Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành
Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng dở dang
Yêu ai cũng lỡ làng dù rằng chẳng lỗi chi
.................................................
Và khi đã chấp nhận được đau khổ thì chúng ta không còn khổ đau, hay chấp nhận khổ đau thì chúng ta sẽ không còn đau khổ nữa. Điều nầy được thấy rõ qua nếp sống của các Thầy Cô:
- Đời tôi đi tu, nên tôi đâu có cô đơn
Vì không cô đơn nên tôi đây muốn tu hoài
Đừng cho tôi tu vì chán đời đắng cay
Vì thất tình bao lần nên vào chùa để ẩn tu.
Đời tôi đi tu nên tôi đây lắm an vui
Thầy cùng đệ huynh chung nhau xây ánh đạo vàng
Vì tôi đi tu nên tôi đâu còn trách ai
Tôi đâu còn giận hoài, vì đời luôn đổi thay.
........................................................
Và Đức Phật cũng thường dạy:
- Đời là biển khổ
Quả thật cảnh khổ trên cuộc đời thì nhiều không tính đếm được, nhưng tựu trung góp lại trên hai phương diện:
- Vật chất
- Tinh thần.
Trong hai phương diện vật chất và tinh thần chúng ta thấy có những cảnh khổ tự đến, và có những cảnh khổ do chúng ta tìm kiếm. Cảnh khổ tự đến thì chúng ta không tránh khỏi, đó là lẽ tự nhiên, nhưng tự tìm kiếm cái khổ cho mình thì chúng ta giải quyết cách nào đây? Đó là vấn đề mà chư tôn đức đã tốn rất nhiều giấy mực và thời giờ với mục đích hướng dẫn hàng môn đệ. Với một lý do đơn giản duy nhất chỉ cái khổ để cho chúng ta biết, chấp nhận và hoá giải, để cuối cùng chúng ta có được trạng thái an lạc thảnh thơi.
Vào thời Đức Phật, một phụ nữ tên Kisagotami đau khổ vì đứa con duy nhất của bà bị chết. Không thể chấp nhận sự việc ấy, bà chạy gặp hết người này, đến người khác để tìm thuốc cứu đứa bé sống lại. Người ta đồn Đức Phật có loại thuốc đó.
Bà Kisagotami liền tìm đến Đức Phật, sau khi cung kính chào Đức Phật và thưa:
- Thưa Ngài, có phải Ngài có thể làm ra thứ thuốc cứu được đứa con của tôi phải không?
Đức Phật trả lời:
- Ta biết thứ thuốc đó, nhưng muốn làm ra thứ thuốc đó, ta cần phải một số chất liệu.
Nhẹ người, bà hỏi:
- Ngài cần chất liệu gì?
- Mang cho ta một nắm hạt cải
Người đàn bà này hứa sẽ mang đến cho Ngài nhưng khi bà sắp sửa đi, Ngài nói thêm:
- Ta cần hạt giống cải lấy từ một gia đình không có con cái, chồng vợ, cha mẹ, hay người làm đã chết.
Bà ta đồng ý và bắt đầu đi đến hết nhà này đến nhà kia để tìm xin hạt cải. Nhà nào cũng đồng ý cho bà hạt giống, nhưng khi bà hỏi trong nhà này có ai đã chết không, thì bà không thể tìm ra nhà không có ai chết:
- Nhà này thì con gái chết, nhà kia thì người làm chết, nhà nọ thì chồng hay cha mẹ chết ...
Bà Kisagotami không thể tìm được một nhà nào thoát khỏi sự đau đớn của cái chết. Thấy không phải chỉ mình bà đau khổ, bà đã thôi không giữ thi hài của đứa con, và quay về với Đức Phật, với tâm lòng đại bi, nhân dịp nầy Đức Phật nói:
- Không phải chỉ mình bà mất con, chết là một qui luật đối với tất cả chúng sanh, không có cái gì trường tồn.
Cuộc tìm kiếm đã dạy cho bà biết không ai thoát khỏi khổ đau, và những mất mát. Không phải chỉ mình bà chịu cảnh bất hạnh khủng khiếp đó. Hiểu thấu bản chất của vấn đề, nghĩa là không một ai tránh được khổ đau, không ai tránh được những mất mát, nhưng có điều là chúng ta biết cách làm cho nó giảm bớt, hoặc mất đi, do sự cố gắng chống lại thực tế buồn thảm của cuộc đời mà thôi.
Tâm lý thông thường, mặc dù khổ đau là hiện tượng thường thấy của con người, nhưng không có nghĩa là trong chúng ta ai ai cũng dễ dàng chấp nhận. Vì vậy mà con người đã dùng mọi cách để tránh phải chịu khổ đau. Đôi khi chúng ta dùng những phương tiện bên ngoài chẳng như:
- Hóa chất, làm giảm đau
- Hay dùng thuốc cho những cảm xúc đau đớn bằng thuốc men hay rượu bia ...
Đó là nói đến hình thức bên ngoài, ngoài ra chúng ta còn phòng thủ tâm lý để cho chúng ta không cảm thấy quá khổ đau khi chúng ta đối đầu với khó khăn. Cách phòng thủ tâm lý nầy là từ chối không công nhận là chúng ta đang có khó khăn. Sự từ chối không nhận những khó khăn nầy bằng cách là vùi đầu vào nhiều trò giải trí, hay tiêu khiển men rượu để khỏi bận tâm đến những sự đã và đang xảy ra chung quanh chúng ta. Đó là nói đến những cá nhân chỉ lo giải quyết những khổ đau khó khăn của mình.
Trong trường hợp đau bệnh, chúng ta tạm thời dùng thuốc giảm đau hoặc các loại hóa chất, đó là việc kể ra cũng bình thường. Nhưng trường hợp có người xử dụng bia rượu và các loại chất say khác để làm giảm bớt những cảm xúc đau buồn thì đây là trạng thái không bình thường. Tại vì khi men bia rượu và chất say không còn nữa thì chúng ta lại rơi trở lại tình trạng như ban đầu. Trở lại như lúc ban đầu còn có thể được, nhưng đôi khi còn tệ hơn trước là chuyện cũng thường xảy ra. 
Bên cạnh những cá nhân lao mình vào cuộc chơi trụy lạc để trốn tránh những cảm xúc đau buồn, chúng ta còn thấy có những cá nhân, không chấp nhận thực tại khổ đau bằng cách đổ lỗi cho người khác, và trách cứ người khác về sự khổ đau của họ.
Chúng ta phải ý thức rằng, bằng cách trốn tránh nào đi nữa, thì sự khổ đau cũng có thể tạm thời tránh được. Tuy nhiên nó tương tự như bệnh nan y không thể chữa khỏi hẳn được, hoặc có lẽ thuốc men chỉ chữa được trong một thời nào đó, nhưng lại không chữa khỏi được căn bệnh cơ bản, cho nên đến một lúc nó lại bộc phát thêm hơn, cứ nhức nhối và nặng thêm hơn.
Chạy trốn thực tế khổ đau bằng cách xử dụng các chất ma túy, hay men rượu tất nhiên làm giảm đau một lúc, hay quên đi một giai đoạn nào đó,. Nhưng nếu tiếp tục dùng chúng, thân thể chúng ta sẽ suy tàn và phương hại cho sức khỏe. Không phải gây tổn hại chỉ ở bản thân của mình, mà còn có thể gây nên nhiều khổ đau khác, đồng thời sự bất mãn càng ngày càng lớn, hay khổ đau càng nhiều hơn về thể chất cũng như tinh tình cảm. Tình trạng nầy còn nặng thêm hơn so sánh từ lúc ban đầu. Sự phòng thủ tâm lý bên trong bằng cách phủ nhận, hay sự ức chế có thể che chở, và bảo vệ chúng ta không cảm thấy đau khổ lâu hơn một chút, nhưng vẫn không làm cho khổ đau biến mất. Quả thật như vậy, sự kiện nầy chúng ta thấy:
Có một phật tử tên Tý, anh ta mất người mẹ bị chứng bệnh nan y hơn một năm qua. Anh ta rất gần gũi với người mẹ, và vào lúc ấy ai cũng ngạc nhiên thấy anh vững vàng trước cái chết của mẹ anh. Khi được mọi người hỏi, Anh giải thích bằng một giọng nói trầm tĩnh:
- Đương nhiên tôi buồn, nhưng tôi thực sự không sao cả, tôi sẽ rất nhớ bà, nhưng dòng đời vẫn trôi chảy. Dầu sao tôi cũng không thể tập trung vào việc nhớ bà ngay bây giờ, bởi vì tôi phải thu xếp tang lễ và trông nom tài sản của bà cho cha tôi...
Câu trả lời của Anh làm mọi người yên tâm. Tuy nhiên một năm sau, ngay sau ngày giỗ của mẹ anh, Anh Tý bắt đầu rơi vào tình trạng buồn phiền nghiêm trọng. Anh đến Chùa gặp chúng tôi và giải thích:
- Bạch Thầy! Con không hiểu nổi, cái gì đã sinh ra sự buồn phiền này. Hiện giờ mọi việc đều tốt đẹp. Không thể là do cái chết của mẹ con, bà mất đã hơn một năm rồi, con đã chấp nhận cái chết của bà, vấn đề rõ ràng là như vậy.
Thì ra trong lúc cố tình kìm nén những cảm xúc để đứng vững với hoàn cảnh thực tế, anh Tý chưa bao giờ đối phó đầy đủ với cảm giác mất mát và đau buồn. Tuy nhiên những cảm giác đó vẫn tiếp tục phát triển, và cuối cùng xuất hiện cho chúng ta thấy trạng thái buồn nản quá sức chịu đựng bắt buộc anh ta phải đối phó.
Trong trường hợp của Anh Ty, bệnh trầm cảm của anh ta tan đi khá nhanh khi anh ta tập trung vào sự đau đớn và cảm nghĩ mất mát của anh, và anh hoàn toàn có thể đương đầu và trải qua sự đau buồn của anh.
Tuy nhiên, đôi khi những sự cố gắng nhằm để tránh vấp váp vấn đề của chúng ta gặp phải khó khăn, nên càng làm vấn đề trầm trọng thêm, và khắc sâu vào cá tính của chúng ta, do vậy mà muốn bỏ cũng không dứt bỏ được.
Thông thường, đa số trong chúng ta. Có những người bạn, người quen hay người nhà muốn tránh khó khăn, bằng cách đổ lỗi cho người khác, trách cứ người khác, và buộc tội người khác, nhưng mà thực ra chính chúng ta là người có lỗi. Cách tránh những khó khăn nầy, chắc chắn không phải là một phương pháp hữu hiệu để loại bỏ khó khăn. Tuy nhiên, những người đã phải sống một đời bất hạnh chừng nào, thì họ lại càng tiếp tục tránh thực tế theo kiểu buộc tội người khác như thế ấy.Đối với người học Phật, chúng ta phải hiểu, cách giải quyết khổ đau cơ bản là chúng ta phải xử dụng:
- Niềm tin vào khả năng chấp nhận để thoát khỏi khổ đau.
Có tinh thần và sự dự trù như vậy, chúng ta mới có thể chấp nhận khổ đau là một sự thật tự nhiên trong cuộc sống của con người, và chúng ta can đảm đương đầu với những khó khăn mà chúng ta gặp phải.
Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, những khó khăn nhất định phát sinh. Những khó khăn lớn nhất trong đời sống mà mọi người chúng ta thường phải đối diện không thể tránh được chẳng hạn như:
- Già, bệnh và chết ...
Cố gắng tránh các khó khăn bằng cách đơn giản là không nghĩ đến chúng, nhưng đây chỉ có thể thoa dịu tạm thời, trước khi chúng ta có một cách giải quyết vấn đề tốt hơn. Nếu chúng ta trực tiếp đối đầu với khổ đau, chúng ta sẽ ở trong một vị thế tốt để đánh giá đúng chiều sâu và bản chất của vấn đề. Điều nầy tương tự như chúng ta đang ở trong một trận đánh kẻ thù. Khi mà chúng ta chưa hiểu tình trạng kẻ địch và khả năng chiến đấu của địch, thì chúng ta sẽ hoàn toàn không sẵn sàng chiến đấu, bởi vì sợ hãi. Tuy nhiên nếu chúng ta biết rõ khả năng chiến đấu của đối thủ, loại vũ khí nào kẻ địch sử dụng vân vân..., Thì chúng ta sẽ ở trong một vị thế tốt hơn, cho nên khi chúng ta lâm trận chúng ta thấy nắm phần thắng dễ dàng. Cũng giống như vậy, nếu chúng ta phải đương đầu với những khó khăn thay vì tránh né, chúng ta sẽ ở trong một vị thế tốt hơn để đương đầu với chúng. Cách giải quyết những khó khăn này rõ ràng hợp lý, nhưng có người hỏi:
- Nếu có lúc chúng ta phải trực tiếp đối đầu với khó khăn, mà không tìm ra được giải pháp thì sao?
Quả thật khó mà đối phó, tuy nhiên phương pháp hay nhất vẫn là phải đương đầu với nó. Chẳng hạn như, chúng ta sợ hải những vấn đề như:
- Sanh, Già, Bệnh và chết ....
Đây hành động tiêu cực và yếu đuối. Lẽ tất nhiên đây là những sự việc không ai mong muốn, và cố gắng quên chúng đi, nhưng cuối cùng, những chuyện ấy vẫn đến. Và nếu chúng ta tránh không nghĩ đến chúng, thì vào một ngày nào đó, một trong những chuyện đó xẩy ra, chúng ta sẽ bị bở ngở. Nguyên nhân là do tình trạng tinh thần không chịu đựng nổi. Tuy nhiên, nếu chúng ta bỏ chút ít thì giờ nghĩ về:
- Tuổi già,
- Cái chết, và
- Những điều bất hạnh khác,
Thì tâm chúng ta sẽ vững vàng hơn khi những chuyện đó xẩy đến, vì chúng ta đã quen những vấn đề như vậy, và các loại đau khổ và chúng ta đã biết trước là chúng sẽ xẩy ra.
Đó là lý do tại sao chúng ta phải có niềm tin. Có niềm tin, thì chúng ta tin rằng, không có khó khăn nào mà chúng ta không vượt qua. Có niềm tin là tự chính chúng ta, chúng ta chuẩn bị trước để không bị ngỡ ngàng trước những khổ đau mà chúng ta đã đang và sẽ phải gặp. Chư tôn đức dạy rằng:
- Chúng ta phải suy ngẫm về khổ đau như một tướng tài đang tập trận.
Quả thật như vậy, người chưa bao giờ nghe nói về chiến tranh, súng ống, bom đạn .... thì họ sẽ hết sức sợ hãi khi ra chiến trường. Nhưng qua cách tập luyện quân sự, chúng ta có thể làm quen với những gì có thể xẩy ra, cho nên nếu chiến tranh nổ ra, nó sẽ không quá kinh hoàng đối với chúng ta.
Vậy thì, chúng ta có thể hiểu cách làm quen với những loại khổ đau mà chúng ta gặp phải, vì nó có một tác dụng giúp chúng ta giảm bớt sự sợ hãi. Nhưng hình như là đôi khi không có sự chọn lựa nào khác, ngoài những khổ đau có thể xẩy ra trong một số tình thế khó xử. Làm sao chúng ta có thể tránh lo lắng trong những trường hợp ấy?
Thật ra không có ai có thể tránh khỏi sự khổ đau là một phần trong đời sống chúng ta. Và đương nhiên chúng ta có khuynh hướng tự nhiên không thích khổ đau và khó khăn. Nhưng chúng ta phải biết rằng chính bản chất của cuộc sống có đặc tính khổ đau, trong khi đó chúng ta cứ nói là hạnh phúc. Chúng ta hãy để ý là vào ngày sinh nhật người ta thường nói:
- Chúc mừng sinh nhật vui vẻ
Trong khi thực tế là ngày sinh nhật là ngày đánh dấu sự ra đời khổ đau của chúng ta, nhưng mà không ai nói:
- Chúc mừng sinh nhật khổ đau, mà cứ nói chúc ngày sinh nhật vui vẻ. 
Do vậy chúng ta phải biết chấp nhận khổ đau là một phần của cuộc sống hàng ngày, tuy nhiên chúng ta cũng có thể bắt đầu xét đến những nhân tố thường gây cho chúng ta cảm nghĩ không thỏa mãn, và bất hạnh về phương diện tinh thần.
Nói chung, chúng ta cảm thấy vui sướng nếu chúng ta hoặc người thân của chúng ta nhận được những lời khen, có được danh tiếng, của cải, và những chuyện thích thú khác. Và chúng ta cảm thấy không hạnh phúc, và bất mãn, nếu chúng ta không đạt được những thứ ấy, hay nếu địch thủ của chúng ta lại có những thứ ấy. Tuy nhiên nếu nhìn vào cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường thấy có quá nhiều các yếu tố và hoàn cảnh gây đau đớn, khổ sở và cảm tưởng bất toại nguyện, trong khi những hoàn cảnh đem đến cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc thì lại tương đối ít có. Điều mà chúng ta phải chịu đựng dù thích hay không thích. Vì đó là thực tế của cuộc sống của chúng ta, do vậy thái độ đối với khổ đau của chúng ta cũng cần được phải thay đổi.
Thái độ của chúng ta đối với khổ đau trở nên rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến cách chúng ta phải đối phó với khổ đau khi nó phát sinh. Thông thường thái độ của chúng ta vốn dĩ rất ghét, và không chịu được những đau khổ của chúng ta. Tuy nhiên nếu chúng ta có thể thay đổi thái độ đối với khổ đau, bằng cách áp dụng một số phương pháp để chúng ta có thể chịu đựng được nó. Như vậy hoàn cảnh có thể giúp chúng ta nhiều trong việc chống lại những:
- Cảm tưởng bất hạnh,
- Không vừa ý và bất mãn về tinh thần
Riêng về cá nhân chúng ta, sự rèn luyện để chịu đựng khổ đau một cách can đảm và có hiệu quả nhất là:
- Chúng ta phải thấy, và hiểu khổ đau là bản chất tiềm ẩn của luân hồi sanh tử khi mà chúng ta chưa giác ngộ.
Tâm lý thông thường của người chưa chấp nhận sự khổ đau, khi trải qua đau đớn về thể xác hay những vấn đề khác, đương nhiên ngay lúc ấy chúng ta có cảm nghĩ:
- Nỗi đau này quá khó chịu.
Có một cảm giác không chấp nhận liên quan đến khổ đau đó, tựa hồ như cảm nghĩ:
- Tôi không thể chịu đựng được.
Nhưng vào lúc ấy, nếu chúng ta nhìn vào tình huống dưới một góc độ khác, và nhận ra rằng chính xác thân này, là cơ sở thực sự của khổ đau thì chúng ta sẽ bớt cảm nghĩ không chấp nhận. Lúc đó cái cảm nghĩ dường như chúng ta không đáng phải đau khổ, và chúng ta là nạn nhân cũng không còn nữa. Cho nên một khi chúng ta hiểu và chấp nhận thực tế, thì việc chịu đựng khổ đau chỉ là một điều bình thường tự nhiên.
Như chúng ta đã biết. luân hồi mà đặc điểm của nó là tình trạng cuộc sống có chu kỳ:
- Sống,
- Chết và
- Tái sanh vô tận.
Chu kỳ này cũng nhắc đến tình trạng cuộc sống hàng ngày của chúng ta có đặc tính là khổ đau. Tất cả chúng sanh trong ba giới đều ở trong trạng thái đó, nghĩa là chúng ta bị đẩy tới đẩy lui bởi những dấu ấn của nghiệp từ những hành động quá khứ, và những trạng thái ảo tưởng yếu đuối của tâm, cho đến khi chúng ta loại bỏ được tất cả những khuynh hướng thụ động trong tâm thì chúng ta đạt được tình trạng giải thoát.
Vì thế, khi đối phó với vấn đề khổ đau mà con người phải chịu đựng, ở một mức độ nào đó chúng ta có thể nhìn vào tình thế và cảm thấy băn khoăn lo lắng:
- Làm sao điều đó có thể xẩy ra trên thế gian này?
 Nhưng từ một góc cạnh khác, chúng ta cũng có thể suy ngẫm về sự thật là mọi con người dù là ở thành thị hay thôn quê, dù bất cứ ở đâu, cũng đều bị chi phối bởi luân hồi. Nếu cách nhìn căn bản của chúng ta khổ đau là tiêu cực và phải cố tránh với bất cứ giá nào, trong một ý nghĩa nào đó, thì đây là dấu hiệu thất bại, vì không có sức chịu đựng nào đó đối với khổ đau. Lúc đó đời sống của chúng ta trở nên khổ sở, tựa như chúng ta trải qua một đêm bất hạnh. Đêm ấy dường như bất tận và dường như không bao giờ chấm dứt. Vì như vậy nó sẽ tạo thêm phần lo âu và kém sức chịu đựng khi gặp hoàn cảnh khó khăn, và chúng ta bị áp đảo.
Mặt khác, nếu nhìn nhận khổ đau là một phần tất yếu trong cuộc sống của chúng ta, thì chắc chắn điều đó làm cho chúng ta chịu đựng được nhiều hơn những nghịch cảnh của cuộc đời.
 
Khi nói đến bản chất bất toại nguyện của cuộc sống, chúng ta cần hiểu rằng đây là cách hướng dẫn, chỉ rõ hoàn cảnh cuộc đời của Đạo Phật. Nhưng suy ngẫm đó phải được hiểu trong bối cảnh thích hợp, trong khuôn khổ Đạo Phật. Cho nên quan điểm khổ đau phải được nhìn nhận trong bối cảnh thích hợp, nếu không khả năng hiểu lầm cách giải quyết này là bi quan và thụ động. Do đó, điều quan trọng là phải hiểu được lập trường căn bản của Phật Giáo đối với toàn bộ vấn đề khổ đau. Chúng ta thấy trong những lời giáo huấn trước công chúng của Đức Phật, vấn đề đầu tiên Ngài dạy là nguyên tắc của Tứ Diệu Đế. Đế thứ nhất là chân lý về khổ đau. Nơi đây nhấn mạnh về sự hiểu biết bản chất khổ đau của cuộc sống.
Vấn đề phải nhớ là lý do tại sao chúng ta phải suy ngẫm về khổ đau. Chúng ta phải suy gẫm về khổ đau là vì để loại bỏ nguyên nhân của khổ đau, để có được tình trạng giải thoát. Theo tư tưởng Phật Giáo, nguyên nhân căn bản của khổ đau là do vô minh, tham ái và sân hận. Những điều này được gọi:
- Tam độc của tâm.
Những từ ngữ này có ý nghĩa rộng đặc biệt trong văn học Phật Giáo. Xin đơn cử như từ ngữ vô minh. Vô minh không có nghĩa là thiếu đức tin, mà là nói đến những nhận thức sai lầm căn bản về bản chất thực sự của cái ngã, và tất cả các hiện tượng. Bằng cách phát triển tuệ giác và bản chất thực sự của cuộc sống, thì sẽ loại bỏ trạng thái phiền não của tâm như tham và sân, si mê ... Làm được như thế là chúng ta có thể thanh lọc hoàn toàn tâm, và không còn khổ đau.
Trong phạm vi của người phật tử, chúng ta suy nghĩ về cuộc sống hàng ngày của một người có đặc điểm là khổ đau, điều này khuyến khích chúng ta nên tu tập, làm lành lánh dữ để loại bỏ nguyên nhân căn bản gây khổ đau. Mặt khác nếu không có hy vọng, hay không có khả năng thoát khổ mà chỉ suy ngẫm khổ đau không thôi, với cách nầy chỉ làm tư tưởng chúng ta trở nên bệnh hoạn, và thụ động.
Cách suy nghĩ về bản chất khổ đau của chúng ta đóng một vai trò quan trọng trong việc chấp nhận một đời sống không tránh được phiền não, tại vì đó là một phương pháp có giá trị, có khả năng giúp chúng ta hết khổ. Nhận thức khổ đau trong một phạm vi rộng hơn là một phần của cuộc sống tinh thần, của con đường lý tưởng, và là mô hình Phật Giáo công nhận khả năng thanh lọc tâm, và cuối cùng đạt được tình trạng không còn khổ đau.
Cả một đời suy ngẫm về sự khổ đau không thể tránh được của con người, điều nầy có thể đóng một vai trò trong việc giúp chúng ta chấp nhận sự mất mát. Nhưng không vì vậy mà biến chúng ta thành ra con người lạnh lùng vô cảm với sự cam chịu không gì lay chuyển trên khuôn mặt khổ đau. Sự buồn rầu trong giọng nói của chúng ta cho thấy chúng ta là người có xúc động, và là một con người sâu sắc. Một người có học hỏi giáo lý với cung cách chân thật, chúng ta hoàn toàn không chút than van hay tự cáo buộc, hay tự tạo ra ấn tượng không đẹp cho mọi người.
Bàn về trường hợp tái sanh. Ở một mức độ nào đó, tùy theo niềm tin riêng của con người. Nếu tin có tái sanh, với cách nầy chúng ta sẽ làm giảm bớt cơn phiền não hay lo lắng. Chúng ta có thể được sự an ủi về thực tế là người thân yêu của chúng ta sẽ tái sanh. Với những người không tin có tái sanh, chắc hẳn họ vẫn có một số phương pháp giúp đối phó với sự mất mát. Trước tiên, họ có thể suy nghĩ rằng nếu lo lắng quá nhiều, bị áp đảo bởi cảm giác mất mát và phiền muộn. Và nếu họ tiếp tục cảm thấy bị áp đảo không những điều đó trở thành rất thụ động và có hại cho chính họ, suy yếu sức khỏe của họ mà còn không có lợi ích gì cho người chết.Thí dụ, chính trường hợp của tôi, tôi đã bị mất người mẹ thân yêu. Khi bà qua đời, dĩ nhiên tôi cảm thấy rất buồn. Nhưng tôi luôn luôn nghĩ rằng lo lắng quá cũng không ích gì, và nếu tôi quả thật thương yêu bà, thì tôi phải làm tròn những mong ước của bà bằng một tâm tư bình thản. Cho nên tôi nỗ lực làm như vậy, đó là cách thích hợp nhất, tốt nhất để chúng ta giữ kỷ niệm về người ấy. Và điều tốt nhất, là chúng ta hãy xem liệu chúng ta có thể thực hiện những ước muốn của người thân của chúng ta hay không.
Lúc đầu, đương nhiên cảm nghĩ đau buồn và lo âu là sự phản ứng tự nhiên của con người trước sự mất mát. Nhưng nếu chúng ta để cho những cảm nghĩ mất mát và lo lắng tồn tại dai dẳng, sẽ có nguy cơ đau khổ, và sự suy nhược phát sinh. Nhưng thực tế có nhiều người cũng phải chịu đựng cùng một loại kinh nghiệm như thế. Vậy, nếu chúng ta thấy mình lo lắng quá nhiều, điều tốt cho chúng ta là nghĩ đến những người khác cũng trong cùng hoàn cảnh, hay những trường hợp còn bi thảm hơn. Một khi chúng ta nhận thức như vậy, chúng ta sẽ không còn cảm thấy bị lẻ loi, như thể chúng ta đã tự mình an vui thanh thoát. Điều đó có thể giúp cho chúng ta một phần nào an ủi.
Mặc dầu tất cả chúng sinh đều phải trải qua buồn phiền và khổ đau, nhưng chúng ta thường cảm thấy những người được nuôi dưỡng trong một số nền văn hóa Đông Phương, hình như chấp nhận và chịu đựng khổ đau tốt hơn. Một phần là do niềm tin của chúng ta, nhưng có lẽ là vì khổ đau được thấy rõ rệt ở những quốc gia nghèo hơn là ở các quốc gia giàu có hơn. Đói kém, nghèo nàn, bệnh tật và chết chóc diễn ra hàng ngày ngay trước mắt. Khi già cả và bệnh tật, họ không bị gạt ra lề đường, không bị đưa vào viện dưỡng lão để được trông nom bởi những nhà y tế chuyên môn. Họ vẫn ở lại trong cộng đồng và được săn sóc bởi gia đình. Những ai va chạm hàng ngày với thực tế của cuộc sống, không thể dễ dàng phủ nhận là đời sống có đặc tính khổ đau, và đó là một phần tất yếu của cuộc sống.
Trong khi xã hội Tây Phương, đạt được khả năng ít khổ đau là do điều kiện sống phong phú của xã hội, tuy nhiên dường như đã mất đi khả năng đối phó với phần khổ đau còn lại. Những cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học, xã hội học đã nhấn mạnh là:
- Hầu hết những người dân trong xã hội tân tiến Tây Phương hay có niềm tin là thế gian này là một nơi tốt đẹp để sống, cuộc sống đó hầu như là công bằng, và họ là những người tốt đáng được hưởng những điều tốt đẹp đến với họ.
Niềm tin này đóng một vai trò quan trọng dẫn dắt một cuộc sống hạnh phúc và giàu có hơn. Nhưng khi sự phát sinh khổ đau thì không thể tránh được những bào mòn của niềm tin, do vậy nó sẽ gây khó khăn cho cuộc sống thực tế. Trong bối cảnh ấy, một sự chấn thương tương đối nhẹ cũng có thể gây tác động tâm lý to lớn, khi chúng ta mất tin tưởng vào niềm tin căn bản về thế gian này là công bằng và rộng lượng. Kết quả là khổ đau càng thêm nhiều.
Với sự tiến bộ kỹ thuật, và mức tiện nghi vật chất trong xã hội  Tây Phương, cho nên sự xảy ra vì khổ đau trở nên kém rõ ràng hơn, nó không còn được coi là bản chất căn bản của chúng sinh. Nhưng đúng hơn là một sự bất thường, một dấu hiệu cho thấy cái gì đó đã sai lầm nghiêm trọng, một dấu hiệu của sự thất bại, một sự vi phạm vào quyền được bảo đảm hạnh phúc!
Nói tóm lại, nếu chúng ta nghĩ rằng khổ đau là cái gì trái với tự nhiên, một thứ gì đó mà chúng ta không phải nếm trải, thì việc đi tìm ai đó chịu trách nhiệm về cái khổ đau của chúng ta sẽ không cần thiết lắm. Và nếu cứ nghĩ:
- Chúng ta không hạnh phúc, thì chúng ta phải là nạn nhân của một người nào đó hay của một cái gì đó. Kẻ đối xử không công bằng có thể là chính phủ, hệ thống giáo dục, cha mẹ lộng hành, một gia đình tài quí, hay người bạn đời không cẩn trọng.
Hoặc chúng ta có thể tìm sự trách cứ vào:
- Có cái gì sai, chúng ta là nạn nhân của bệnh tật, có lẽ là do gien khiếm khuyết.
Cứ như thế thì những nguy cơ tiếp tục tập trung vào lập trường của chúng ta, là nhớ mãi khổ đau của chúng ta, với cảm nghĩ giận dữ, thất vọng và phẫn uất dai dẳng sẽ càng gia tăng.
Đương nhiên, sự mong muốn thoát khỏi khổ đau là mục tiêu chính đáng của mỗi người. Nó là kết quả tất yếu vì chúng ta ai cũng mong ước được hạnh phúc. Vì vậy cho nên, hoàn toàn chính đáng khi chúng ta tìm ra nguyên nhân của không hạnh phúc, và làm tất cả những gì có thể được để làm nhẹ bớt các vấn đề, đồng thời chúng ta tìm kiếm giải pháp ở tất cả các mức độ: Từ xã hội, gia đình, và cá nhân. Nhưng chừng nào chúng ta còn xem khổ đau là một trạng thái trái với tự nhiên, một hoàn cảnh khác thường mà chúng ta sợ hãi, cố né tránh và không chấp nhận, thì chừng đó chúng ta sẽ không bao giờ nhổ được gốc rễ của khổ đau để bắt đầu cho một cuộc sống hạnh phúc hơn.
--o0o--