TẬP SAN DƯỢC SƯ

Liều Thuốc Hồi Sinh
Chơn Ðức
--o0o--
 
Như quý vị biết người đời thường nói:
- Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ
Một con người được coi là tươi mát, là con người có đầy đủ  những đặc tính:
- Vui vẻ,
- Trẻ trung,
- Thích hăng say hoạt động.
Ngoài những đặc tính đó, tâm của một con người tươi mát, dù muốn dù không thì những suy tư và hành động luôn luôn được phối hợp một cách nhịp nhàng, do đó thân và tâm trở nên nhẹ nhàng và tràn đầy linh hoạt.
Theo như sự nhận xét của chư cổ đức, thì các Ngài cho rằng, một tâm hồn tươi mát, thì con người đó gần như có một cuộc sống tương đối trọn vẹn, bởi vì: 
           - Tâm của họ trở nên thảnh thơi
- Thân của họ đầy năng lực cảm thấy linh hoạt, nhẹ nhàng và năng động.
Trên thực tế, những lúc được biểu hiện của sự tươi mát là lúc mà chúng ta có những cảm giác nhẹ nhàng trong thân. Một sự biểu hiện rõ ràng nhất qua những cảm giác nhẹ nhàng của cơ thể.
           Là một con người luôn luôn tươi mát, thì chúng ta sẽ không bao giờ thấy những cảm giác thô tháo khó chịu xuất hiện. Lý do đơn giản là những gì khó chịu, bực dọc, không êm ái được thay thế bằng những cảm giác mềm dịu nhẹ nhàng. Lúc đó thân thể của chúng ta sẽ có cảm giác nhẹ nhàng như trôi trên mây, vào lúc đó sự nhẹ nhàng có tính cách năng động, làm cho chúng ta cảm thấy như mình đang lướt trên mặt sóng. Chúng ta cũng có thể có cảm giác mất thăng bằng nhưng rất sảng khoái.
           Sự tươi mát đó chúng ta thường cảm nhận, trong lúc chúng ta tu tập có một chút kết quả nào đó thì trong tâm tư sẽ khởi lên một niềm vui rộn rã. Một niềm vui nhỏ nhỏ, tuy là khiêm tốn nhưng vẫn dầy khích lệ.
Có đôi khi chúng ta còn cảm nhận được những sự tươi mát chợt đến rồi chợt đi. Trong trường hợp như vậy, đôi khi chúng ta tiếc rẻ tại sao sự tươi mát đó quá vội vã như vậy. Ðôi khi những niềm an lạc hạnh phúc bất chợt đến như những đợt sóng lớn thình lình dâng lên cuốn hút chúng ta. Loại tươi mát nầy làm cho chúng ta cảm thấy như chính chúng ta bị lôi cuốn, trôi khỏi mặt đất, cả thân và tâm tràn ngập những niềm vui, trong lúc nầy có lẽ chúng ta sẽ phân vân không biết chuyện gì đã xảy ra.
Ðôi lúc chúng ta sẽ cảm thấy thân hình nhẹ nhõm và có cảm giác lâng lâng kỳ diệu như là đang bay, chứ không phải đang đi trên mặt đất nữa. Ðôi lúc chúng ta cảm thấy có một sự thoải mái kỳ diệu và thâm tâm cứ muốn đắm chìm mãi trong trạng thái nầy. Chính vì vậy có thể chúng ta sẽ thích thú tiếp tục ngồi bất động như thế. Ðây là một sự tươi mát mạnh nhất, thấm nhuần toàn thân.
Những sự tươi mát cứ tuần tự đến với chúng ta tùy theo mức độ tu tập của mỗi người, và từ đó chúng ta sẽ cảm thấy có những sự tươi mát đó xuất hiện như một loại dinh dưỡng cần thiết tràn ngập trong cơ thể, từ từ thấm dần vào các tế bào và rồi bao nhiêu những phiền muộn lo âu cũng từ từ tan biến. Cứ một phần tươi mát chúng ta thu gặt được trong lúc tu tập, tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật thì một phần ưu sầu, phiền muộn lại giảm đi, và các tế bào trong cơ thể cũng từ từ hồi sinh, từ từ trẻ lại. Như thế sự tươi mát đó sẽ làm từ từ hồi sinh những tế bào khô cằn, và phục hồi chức năng bình thường của nó trong cơ thể của chúng ta.
Như vậy muốn có được những sự tươi mát, điều kiện trước tiên là mỗi người chúng ta phải có một tâm tư thay đổi cầu tiến, có sự mong cầu để thực hành trong việc chuyển hoá những phiền muộn, đau khổ trong đời sống hiện tại, và sau đó chú tâm sáng suốt làm cho phát sanh lòng nhiệt thành.
Ðức Phật dạy sự chú tâm sáng suốt cũng là nguyên nhân phát sanh sự tươi mát, đặc biệt là chú tâm sáng suốt đến tâm từ của Ðức Phật, những sự vi diệu của Pháp, và hình ảnh thanh thoát của chư tăng khiến cho sự tươi mát phát sanh, và do sự tươi mát nầy, lòng nhiệt thành lại tăng trưởng. 
1- Tâm Từ Của Ðức Phật:
Quán chiếu về đức Phật, ngài là người có rất nhiều đức hạnh, nhưng trong khi tu tập chúng ta không cần phải suy tưởng đến tất cả mọi đức hạnh của Ngài vì đức hạnh của Ngài bao la vô cùng tận. Ở đây chúng ta chỉ cần quán chiếu đến một số đức hạnh của Ngài mà thôi. Chẳng hạn như quán chiếu đến tâm từ bi của đức Phật. Tâm từ ái nầy là kim chỉ nam cho tất cả chúng sanh vạn loại, chỉ người có tâm từ ái mới có thể thương yêu nhau như tình huynh nghĩa đệ, và mới có thể chung sống nhau trong một mái ấm gia đình. Ngoài xã hội nếu ai ai cũng thực tập sống với tâm tư nầy, thì chắc chắn không còn kỳ thị lẫn nhau, trái lại còn biết ngồi lại an ủi cho nhau trong những lúc cần thiết. Với tâm từ ái nầy đã nâng cao phẩm hạnh của Ðức Phật lên hàng đầu của nhân loại, là Thầy của các bậc Thầy dạy đạo. Ðức Phật xứng đáng được tất cả nhân loại, chư thiên và phạm thiên tôn trọng, cúng dường, bởi vì Ngài đã hoàn toàn trong sạch, diệt tận các loại phiền não.
Khi nghĩ đến tâm từ bi vô bờ bến, và những đức tính trong sạch của đức Phật thì sự tươi mát trong mỗi người chúng ta sẽ xuất hiện, sẽ làm cho tất cả những tế bào cằn cỗi trong cơ thể chúng ta hồi sinh. Ngoài ra chúng ta có thể quán chiếu Ðức Phật, về những khía cạnh thành tựu của Ngài đó là:
- Thành Tựu Nhân,
- Thành tựu hạnh,
- Thành tựu quả và
- Thành tựu phục vụ.
Quán chiếu đến tâm từ của đức Phật cũng như noi theo sự thành tựu của đức Phật không phải để suy tư, niệm tưởng đến những đức tính vĩ đại cao cả của Ngài, mà chúng ta phải có một lịch trình thực tập nội quán để đạt đến tuệ giác nội quán. Khi đã được tuệ giác nội quán, lúc đó chúng ta có thể thấy rõ sự sanh diệt trong chính bản thân của chúng ta, và những đối tượng quán chiếu. Và cũng chính trong lúc đó sự tươi mát sẽ tự nhiên phát sinh như đức Phật thường dạy:
- Người nào thấy pháp là thấy được Phật.
Một khi mà chúng ta có được tuệ giác sẽ thật sự cảm nhận được sự cao cả tươi mát từ đức Phật thấm nhuần đến chúng ta. Chúng ta có thể tự mừng cho chính mình, bởi vì chúng ta là một con người phàm phu tục tử, đầy dẫy những phiền não cấu uế, vậy mà khi chúng ta quyết tâm thực hành theo lời Phật chỉ dạy còn có một tâm thanh tịnh như thế nầy, huống hồ đức Phật là một bậc đã tu nhiều đời nhiều kiếp thì sự thanh tịnh tươi mát của Ngài còn vĩ đại cao thượng không biết đâu mà đo lường được.
2- Quán Chiếu Sự Vi Diệu Của Pháp Bảo
Pháp Bảo do đức Phật giảng dạy cho tất cả mọi chúng sanh tùy theo căn cơ, và mỗi tâm bệnh của chúng sanh để cho từng mỗi sanh loại tùy theo đó mà thực tập cho vơi bớt những khổ đau nhọc nhằn. Những lời giảng dạy đó nếu một ai thực tập đều có kết quả như ý muốn, vì thế có thể nói giáo Pháp của Phật là liều thuốc hồi sinh, là món linh dược để cứu chữa bệnh phiền não trầm kha của nhân loại. Ðây chính là nguyên nhân làm cho chúng ta có niềm tin tưởng vững chãi và phát sanh sự tươi mát.
           Ðức Phật giảng dạy rất nhiều về sự thực hành, bằng nhiều phương cách khác nhau, nhưng dầu cho như thế nào đi nữa, điều kiện trước tiên chúng ta phải cố gắng phát triển trọn vẹn giới luật ở mức độ cao:
- Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật Giáo.
Nghĩa là:
- Tất cả các điều ác thì không nên làm
Phải làm tất cả các điều thiện
Làm cho thanh tịnh thân miệng ý
           Đó là lời dạy của Đức Phật.
           Bằng sự thực hành nầy, chúng ta có thể chế ngự thân, lời nói và những ý nghĩ không lương thiện, để sau nầy chúng ta không có sự phán đoán sai lầm của người đời, cũng không có gì phải ân hận cho chính mình. Chúng ta không bị các bậc thiện tri thức chê trách và không bị luật pháp trừng phạt, sau khi chết không bị đọa lạc trong luân hồi sanh tử, không bị sanh về những cảnh giới thấp hèn.
           Muốn thực hành lời dạy của đức Phật, chúng ta phải phát triển định tâm. Ngoài ra còn có thêm đức tin, thì chí và kiên nhẫn trong thực hành sẽ làm cho tâm của chúng ta rõ ràng, sáng suốt, tươi mát, an lạc và hạnh phúc. Như thế hạnh phúc đến từ tâm thanh tịnh, tươi mát và tập trung kết quả là chúng ta có thể phát triển tâm định để đạt được các tầng định. Một khi trạng thái tâm tươi mát có mặt thì các phiền não tạm thời bị chế ngự, và kết quả là chúng ta sẽ đạt được sự bình an tĩnh lặng tươi mát khác thường.
Khi quan thấu sâu xa lời dạy của đức Phật, thì chúng ta có thể sẽ đạt được tuệ giác, thấy rõ sự sinh diệt của các hiện tượng, chúng ta sẽ cảm thấy một sự tươi mát tuyệt diệu. Hạnh phúc nầy có thể được gọi là an lạc hạnh phúc đầu tiên, và sau đó hạnh phúc trong sáng sẽ đến, và cuối cùng khi chúng ta có được sự xả tuệ giác. Có nghĩa là những kiến thức chúng ta tuy có, nhưng không bị vướng mắt vào những sự hiểu biết. Lúc bấy giờ, tâm của chúng ta sẽ tươi mát, quân bình đối với tất cả mọi hiện tượng, và chúng ta sẽ có được hạnh phúc của sự từ bỏ tất cả những gì mà chúng ta đang có. Ðó là một sự an lạc tươi mát sâu xa, lúc bấy giờ không còn là hạnh phúc tươi mát đầu tiên mà là một loại an lạc hạnh phúc êm đềm và quân bình trong trong nội tâm lẫn ngoại cảnh.
           Như vậy, làm đúng theo những lời hướng dẫn của đức Phật, thì những ai theo đuổi con đường thực hành sẽ có được tất cả các loại hạnh phúc như thế. Nếu tận tâm thực hành, thì chúng ta sẽ cảm thấy lời dạy của đức Phật không phải là lời nói suông, hay chỉ là những tư tưởng bi quan chán đời như một số người đã lầm tưởng.
           Cuối cùng, có tính cách vượt thoát mọi ràng buộc của những hạnh phúc trong thế gian, hơn hẳn các loại hạnh phúc nầy là hạnh phúc của sự dừng lại. Bởi vì sau khi vượt qua hạnh phúc từ bỏ tất cả, lúc đó trí tuệ của chúng ta sẽ xuyên thấu Niết Bàn. Trí tuệ nầy đến ngay lúc chúng ta đạt được tâm an tịnh tươi mát. Ðiều nầy chúng ta sẽ không lạ gì khi nghe đức Phật luôn luôn nhắc nhở:
- Nếu các con tu tập theo lối nầy, các con sẽ đạt đến chỗ chấm dứt khổ đau.
Ðây là sự thật. Chư Tổ, Chư Thiền Sư, Chư Tôn Đức, nhiều người đã đạt được mục đích nầy. Như thế nếu chúng ta cũng đi trên lộ trình nầy và hân hoan, dứt khoát trút bỏ những gánh nặng của phiền não sân hận si mê, với niềm an lạc hạnh phúc và tràn đầy sự tươi mát, thì có ngày cũng đến lượt chúng ta cũng không còn khổ đau phiền muộn.
           3- Hình Bóng Của Những Người Thanh Tịnh
Suy tư đến hình bóng của những con người thanh tịnh là muốn nói đến hình ảnh của đoàn thể chư tăng là một nhóm người sống cao quý trong giáo pháp của Phật. Các Ngài tận tâm cố gắng và kiên nhẫn, thực hành đúng theo chánh đạo để tự hướng dẫn cuộc đời của họ và cho chúng sanh nhân loại.
Noi theo dấu chân của các Ngài, chúng ta cũng có thể thực hành như vậy. Nhiều người trong đã và đang đi trên lộ trình nầy, mặc dầu chưa đạt được thánh quả nhưng họ đã đạt được cảm giác thân tâm an tịnh, tươi mát. 
Nói tóm lại, nếu chúng ta ý thức rõ ràng giáo pháp đã được Đức Phật tuyên thuyết một cách sâu xa và những khả năng lớn lao nằm trong sự thực hành, và những ai thực hành thì chắc chắn những hạnh phúc an lạc sẽ có mặt do giáo pháp mang lại. Trong trường hợp nầy, chúng ta nghe một bài giảng, hay đọc giáo pháp, mà tâm chúng ta tràn đầy những trạng thái hỷ lạc và hạnh phúc tươi mát thì phải biết những gì mà chúng ta đang sử dụng thì đó chính là những thuốc giúp chúng ta hồi sinh, và chúng ta là người đã có sẵn đức tin sâu xa.
Vậy chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không dấn thân thực hành. Nếu như muốn lựa chọn con đường thực hành, thì những gì Đức Phật đã dạy chắc chắn sẽ trở thành sự thực. Sự thực tập nầy là một sự lựa chọn cao thượng, là một quyết định đáng ca ngợi, bởi vì nó không những cải thiện cả cuộc đời của chúng ta mà còn thấm nhuần đến những người chung quanh chúng ta nữa. Qua việc thực hành chúng ta sẽ thấy được sự cao thượng của giáo pháp, là liều thuốc hồi sinh và cuối cùng chúng ta sẽ có hạnh phúc Niết Bàn. Lúc bấy giờ một chuyển biến thâm sâu sẽ xảy ra trong đời, và có cảm giác giống như chúng ta là một con người mới.    
Nếu trong lúc tu tập, những giây phút nào chúng ta đạt được thân tâm an tịnh, tươi mát, thì ngay trong những giây phút đó chúng ta có cảm giác an lạc hạnh phúc tươi mát ngay tức khắc. Nhưng nhớ đừng nên tự mãn là chỉ có mình chúng ta có được, mà chúng ta phải biết rằng những người khác họ cũng có được những hạnh phúc an lạc và tươi mát như vậy. Không biết chừng tâm thanh tịnh của họ còn cao hơn và vượt xa hơn những gì mà chúng ta đã và đang có. Khi chúng ta đã đạt được một số an lạc hạnh phúc, và sự tươi mát trong cuộc đời hiện tại nầy, thì chúng ta sẽ có được niềm tin vững chãi hơn vào những vị thánh khác cao hơn trong cuộc sống hiện tại, hoặc vào những đời kiếp ở tương lai. Đồng thời những người nào đó đã và đang đi trên cùng một con đường như chúng ta thì những vị đó chắc chắn sẽ thanh tịnh, an lạc, tươi mát vì họ là người biết sử dụng liều thuốc hồi sinh và chắc chắn họ sẽ là vị Phật trong tương lai cũng như chính chúng ta vậy. 
--o0o--