|
TẬP SAN DƯỢC SƯ
-
Hạnh Phúc Của Riêng Mình
-
Thông Trí
-
---o0o---
-
Tất cả nhân loại trên thế gian này không ai mà lại không mong
muốn mình có một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng làm thế nào để có
thể xác định loại Hạnh Phúc nào là chân thật chúng ta cần tìm
kiếm, trong khi với người này hạnh phúc là ăn ngon, mặc đẹp,
người kia là nhà cao cửa rộng, rồi lại có người nói rằng có
thể ngủ được đã là hạnh phúc. Để rộng đường lựa chọn, chúng
tôi xin giới thiệu đến quí vị 3 loại hạnh phúc mà chúng ta
thường gặp.
-
1- Hạnh Phúc Hư Ảo
-
Mỗi người chúng ta ai cũng đều có những tâm trạng khác biệt.
Vì mỗi người đều có những tâm trạng riệng biệt nên có những
hoàn cảnh riêng biệt, và vì có những hoàn cảnh riêng biệt nên
mỗi người chúng ta ai cũng có những thú vui riêng biệt, chẳng
hạn như:
-
- Biết rằng hút thuốc lá thì cơ hội bị bệnh ung thư rất cao
nhưng vẫn có người thích hút thuốc.
-
- Biết rằng cờ bạc là nguyên nhân của sự nghèo đói,
trộm cắp, nhưng vẫn có nhiều người thích đến Casino mỗi đêm.
-
- Biết rằng mèo mỡ trai gái ngoài đường sẽ là
nguyên nhân dẫn tới sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình, nhưng vẫn có
rất nhiều người thích lén lút hẹn hò.
-
Ngoài ra còn có những thích thú với sự những hưởng thụ về vật
chất như:
-
- Vào những dịp nghỉ tổ chức một bữa ăn ngoài trời
-
- Ði tắm hồ
-
- Ði dự tiệc
-
- Dự những buổi khiêu vũ,
-
- Dự những buổi hòa nhạc ...
-
Tất cả những niềm vui thú như vừa trình bày ở trên được mọi
người coi là hạnh phúc của riêng mình. Tuy nhiên những vui thú
mà người đời cho là hạnh phúc đó tất cả đều là phù du và hư
ảo, chợt đến rồi chợt đi, đó là thứ hạnh phúc mong manh, chóng
tàn, thay đổi luôn luôn. Tuy nhiên con người không hiểu nên cứ
đam mê vướng mắt vào đó. Sự dính mắc nầy do ở lòng tham ái, mà
lòng tham ái là cội rễ của các đối tượng giác quan. Nếu chúng
ta chịu khó để ý xem xét những gì đã và đang xảy ra trong các
quốc gia trên thế giới thì chúng ta sẽ thấy, nhận ra tất cả
mọi vấn đề trên thế gian đều có gốc rễ từ những ham muốn hưởng
thụ vật chất mà ra. Vì con người quá đam mê vào sự hưởng thụ
nên gia đình được thành lập. Có gia đình thì mọi thành viên
trong gia đình phải ra ngoài xã hội và phải làm quần quật suốt
ngày để sinh sống, để rồi từ đó mới phát sinh những xung đột
với nhau, chẳng hạn như:
-
- Cũng vì những nhu cầu hưởng dục lạc, trong đó có cả nhu cầu
về bản thân của mỗi cá nhân mà gây ra những mối bất hòa trong
gia đình.
-
- Cũng vì nhu cầu hưởng thụ dục lạc mà bạn bè, hàng xóm láng
giềng không thể cư xử tốt đẹp hòa thuận với nhau.
-
- Cũng vì dục lạc mà làng nầy, thành phố nọ bất đồng ý kiến
với nhau.
-
- Cũng vì dục lạc, năm trần mà xứ nầy chống lại với xứ kia,
quốc gia nầy gây hấn, tranh chấp, tương tàn với quốc gia khác.
-
- Cũng vì dục lạc mà đoàn thể, tôn giáo nầy lên án đoàn thể
tôn giáo kia.
-
- Cũng vì dục lạc, năm trần mà biết bao nhiêu điều khó khăn,
đau khổ, xáo trộn, rối rắm, phiền toái xảy ra trên thế giới,
rồi con người trở nên dã man, tàn ác, độc dữ và mất hẳn nhân
tính.
-
Vì muốn có lý do chính đáng về sự tham muốn của
mình, có người trong số chúng ta cho rằng chúng ta được sanh
làm người, những gì chúng ta có được thì chúng ta có quyền
hưởng thụ, vì cho rằng:
-
a- Do chính chúng ta tự nỗ lực siêng năng nên mới có.
-
b- Do ơn trên ban bố cho chúng ta.
-
Vì thế họ cho rằng đó là những ân huệ của trời cho thì chúng
ta phải tận hưởng, tại sao lại phải từ bỏ gia đình mà đi tìm
môt thứ hạnh phúc nào đó không thực tế, tại sao chúng ta đi tu
để đến chỗ hư vô, không có chút lạc thú trên cõi đời nầy?
-
Ở đây, khách quan chúng ta có hai cái nhìn về những gì mà
chúng ta có. Thật sự những gì mà chúng ta đang có trong hiện
đời có thể là nghiệp báo, và cũng có thể là phước báo. Nhưng
nếu nói về phước báo, như quý vị có một cô vợ thật đẹp, hay
một ông chồng đúng là người yêu lý tưởng, vì quý trọng những
gì mà ơn trên ban bố cho mình, rồi ngồi đó mà nhìn nhau hoài
thì chắc chắn quý vị sẽ thấy cô vợ đẹp đó trở thành một hình
nộm biết nói, và người chồng lý tưởng kia sẽ trở thành người
gỗ biết đi. Ngay cả những bông hoa chúng ta cho rằng đẹp, chỉ
khi nào để chúng trong vị trí tự nhiên của nó, nhưng nếu chúng
ta thấy đẹp mà cắt đem chưng vào bình, không bao lâu bông hoa
tươi tốt đó sẽ trở thành bông hoa giấy, hoặc rác ngay sau đó.
Ngay cả chúng ta quý trọng cái giọng nói của người mình
thương, nhưng nếu cứ ngồi đó mà nghe hoài, thì giọng nói dễ
thương kia sẽ trở thành tiếng của thùng thiết bể. Ðó là tâm lý
của con người, mà cũng là trạng thái chán chường khi nghe,
thấy, hoặc hưởng thụ quá nhiều.
-
Chúng ta hãy chịu khó nhìn cho thật kỹ những gì được coi là
hạnh phúc, nhưng những thứ hạnh phúc tạm bợ trong cõi đời nầy
thì đó là nguyên nhân tạo ra không biết bao nhiêu phiền toái,
khó khăn, mà chúng ta gặp phải. Trong lúc chúng ta cứ mãi đi
tìm những cảm giác mới mẻ, lạ lùng mà chúng ta nghĩ rằng sẽ
đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Nhiều người quá ham muốn hưởng
lạc thú bên ngoài nên đã có những hành vi coi thường, và phá
vỡ hạnh phúc đang có của gia đình. Vì không kiểm soát được lý
trí nên cũng có rất nhiều người đã phạm pháp, gây ra những tội
ác làm cho chính bản thân họ đau khổ, và cũng khiến cho người
khác phải đau khổ theo. Họ chỉ nghĩ đến lạc thú tạm bợ của
thân xác, mà quên đi sự đau khổ của người khác, quên đi những
đau khổ trầm luân đời đời kiếp kiếp trong sanh tử luân hồi. Họ
không hiểu được những hậu quả tai hại, những kết quả thảm khốc
họ phải gặt hái sau nầy do những suy tư không đúng, và vì một
phút bồng bột nông nổi nào đó gây ra.
-
Bên cạnh những người bồng bột nông nổi, chúng ta còn thấy có
những người khôn ngoan hơn, biết so sánh giữa những lạc thú
phù du chỉ thoáng qua trong chốc lát với những hậu quả tai hại
phải gặt hái sau nầy, cho nên không chạy theo những cái tạm bợ
hư ảo như thế. Những người đó không ai xa lạ mà chính là tất
cả mọi người con Phật biết khắc kỷ tu thân. Quả thật, nếu
chúng ta tinh tấn tu tập, thực hành giáo pháp giải thoát mà
đức Phật đã chỉ dạy, thì chúng ta sẽ thực sự nếm được hương vị
của một thứ hạnh phúc do kết quả của tu tập đem lại. Như chúng
ta đã biết, trong quá trình tu tập chúng ta có thể ghi nhận
những diễn tiến trong tâm tư chúng ta qua bốn giai đoạn:
-
a- Từ một một con người chưa bao giờ biết tu tập, bước chân
vào đạo, trong những ngày tháng thực hành, đầu tiên chúng ta
sẽ cảm thấy có ấm áp, vì có nơi nương tựa. Ðó là sự an lạc
hạnh phúc đầu tiên gọi là hạnh phúc của sự Nương Tựa.
-
b- Sau một thời gian tu tập, thì những phiền lụy trong đời đều
rơi rụng theo năm tháng, tâm tư hỗn tạp giờ đây không còn nữa
để nhường chỗ cho tâm hồn thanh tịnh. Ðó là hạnh phúc của niềm
an lạc.
-
c- Càng thực tập tâm tư càng thấy thanh thản an bình, tâm thức
trở nên nhẹ nhàng, không còn vướng bận chuyện có không, vui
buồn. Ðó là hạnh phúc của sự không vướng mắt.
-
d- Cuối cùng, hiểu được chiều sâu của tâm tư chính mình, lúc
đó chúng ta sẽ an nhàn tự tại, không còn vướng bận những sự
không vướng mắt. Ðó là hạnh phúc của sự Hoàn Toàn Xả Bỏ.
-
Qua bốn giai đoạn thay đổi của tâm thức, được coi là hạnh phúc
chân thật của sự thoát ly trong sự xa rời các pháp không lương
thiện và phiền não. Tuy nhiên còn một loại hạnh phúc bình an
và tĩnh lặng khác cao hơn đó là loại hạnh phúc chỉ thật sự đến
khi thân tâm dừng nghỉ hoạt động. Ðó là hạnh phúc của sự tiêu
diệt khổ đau. Loại hạnh phúc nầy độc lập không liên quan gì
đến các đối tượng của giác quan mà chúng tôi muốn nói đó chính
là loại hạnh phúc tối thượng.
-
3- Hạnh Phúc Tối Thượng
-
Người nào thấy được sự hư ảo và chân thật, thì đó
là những vị thánh, những vị A La Hán, Bồ Tát ... Hạnh phúc của
những vị A La Hán, Bồ tát là những vị đã có kinh nghiệm thâm
sâu về sự giác ngộ khi nhập vào diệt thọ tưởng định, họ đạt
được sự dừng nghỉ lớn lao. Ở đó không còn có thân hay tâm,
không có tâm vương cũng không có tâm sở. Những hình thức vi tế
nhất của thân cũng không hiện khởi. Khi những vị A La Hán, Bồ
Tát bước ra khỏi trạng thái nầy, họ sẽ tán thán những hạnh
phúc vượt ra ngoài kinh nghiệm giác quan. Trạng thái đó thuật
ngữ của Phật Giáo gọi là Niết Bàn, đó là trạng thái mà mọi đau
khổ của thân và tâm nầy hoàn toàn diệt hẳn. Khi mọi đau khổ
vắng bóng, tâm chúng ta an lạc thanh tịnh. Ðức phật đã chỉ cho
chúng ta con đường đi đến hạnh phúc tối thượng, hạnh Phúc tối
thượng nầy là trạng thái mà mọi đau khổ của thân và tâm nầy
hoàn toàn diệt hẳn. Tất cả chư Phật đã và sẽ xuất hiện trên
thế gian nầy đều nhằm mục đích chỉ cho chúng ta thấy rõ con
đường đến Hạnh Phúc Tối Thượng.
-
Như chúng ta đã biết một trong những danh hiệu của đức Phật là
Chánh Biến Tri. Chánh Biến Tri có nghĩa là hoàn hảo, đúng đắn,
và đức Phật là kẻ độc nhất hiểu được bản chất thật sự của mọi
vật, nghĩa là hiểu rõ thực tướng của tất cả mọi vật. Con người
không thể hiểu chân lý hay hiểu sai chân lý, nhưng đức Phật
không bao giờ sai lầm Ðức Phật giác ngộ bằng sự cố gắng của
chính mình. Ngài không nhận lãnh sự giác ngộ từ một đấng uy
quyền nào, và cũng không lệ thuộc vào bất cứ một ai. Bởi thế,
Hạnh Phúc Tối Thượng mà chúng ta nói đến là Niết bàn đã được
đấng Chánh Biến Tri Ðấng Ðại Giác công bố.
-
Một đặc tính khác của hạnh phúc tối thượng là thoát
khỏi lo âu phiền muộn. Phần lớn con người thường lo âu phiền
muộn. Hãy tưởng tượng xem nếu không có phiền muộn lo âu thì
tuyệt diệu biết mấy. Hạnh phúc tối thượng còn có nghĩa là
thoát khỏi bụi bặm và ô nhiễm. Như chúng ta biết, bụi bặm
khiến mọi vật dơ bẩn và làm hại sức khỏe của chúng ta. Mối
nguy hại lớn hơn nữa, đó chính là sự ô nhiễm của phiền não.
Tâm chúng ta luôn luôn bị đủ các loại phiền não quấy nhiểu như
là:
-
- Tham lam,
-
- Sân hận,
-
- Si mê,
-
- Tà kiến,
-
- Ngã mạn,
-
- Tật đố,
-
- Bỏn xẻn,...
-
Tất cả những phiền não làm cho tâm tư ô nhiễm như vậy thì tâm
chúng ta khó có thể trong sạch thanh tịnh. Chỉ có Niết Bàn mới
thật sự thoát khỏi mọi phiền não nhiễm ô.
-
Ðược coi là hạnh phúc tối thượng, là một loại hạnh phúc không
pha lẫn sự phiền não, trong khi đó hạnh phúc của năm dục luôn
luôn chất chứa tham ái, pha trộn phiền muộn khổ đau. Giống như
khi nấu một món ăn, chúng ta phải nêm nếm gia vị, không có gia
vị thì món ăn sẽ lạt lẽo vô duyên. Cũng vậy, hạnh phúc trong
cõi đời nếu không có tham ái, ước muốn, mong mỏi, phiền muộn
thì chẳng có ý nghĩa gì. Dầu có thức ăn ngon, có quần áo đẹp
và có mọi khoái lạc trần gian khác, nhưng không muốn ăn, không
muốn mặc, không muốn thưởng thức, thì những cái đó cũng trở
thành vô dụng mà thôi.
-
Ba loại hạnh phúc như thế, loại hạnh phúc đầu tiên là hạnh
phúc hư ảo, loại hạnh phúc thứ hai là hạnh phúc chân thật, hay
còn gọi là hạnh phúc của sự hoàn toàn xả bỏ. Và loại hạnh phúc
thứ ba tức là loại hạnh phúc không liên quan đến giác quan
chính là loại hạnh phúc tối thượng. Loại hạnh phúc nầy khi nói
ra khó có thể chấp nhận, bởi vì theo quan điểm của người đời
những hạnh phúc không cụ thể vật chất, những hạnh phúc có tính
cách vượt lên trên các loại hạnh phúc cảm nhận từ giác quan,
khó có thể làm cho mọi người chấp nhận. Bởi vì đối với họ một
gia đình được coi là hạnh phúc, là gia đình đó có vợ đẹp con
ngoan, làm nên danh phận ..v..v.. Vì thế khi nghe nói đến một
hạnh phúc mà họ không thể thấy, tay không thể rờ mó được thì
chắc chắn khó mà làm cho họ tin tưởng được. Tuy nhiên ở đây để
bổ túc thêm xin nói một thí dụ để làm sáng tỏ loại hạnh phúc
thứ ba:
-
- Chúng ta biết ông Bill Gate là một nhà triệu phú, có thể nói
ông ta là người hưởng được mọi lạc thú trần gian mà ông ta
muốn. Vì bận với công việc phát triển cơ nghiệp, nên ông rất
khó ngủ. Nhưng một hôm bỗng nhiên ông Bill Gate ngủ rất say,
trong khi đó người đầu bếp nấu xong thức ăn ngon lành và bày
trên bàn. Thức ăn đã dọn sẵn và đã đến giờ ăn nhưng ông Bill
Gate vẫn còn ngủ không biết trời đất gì hết, ngay cả ông ngủ
đạp văng chăn gối xuống nền nhà, người đầu bếp lượm lên và đắp
chăn lại cho ông, ông cũng không hay biết.
-
Ðiều nầy chúng ta có thể kết luận:
-
- Khi ông Bill Gate đang ngủ say thì ông ta không
còn biết gì đến hoàn cảnh chung quanh. Dầu cho phòng ngủ của
ông có được trang hoàng đẹp đẽ và nên thơ đến đâu thì ông ta
cũng chẳng thấy được gì. Dầu cho tiếng nhạc lời ca có vang
lừng đến tận mây xanh, ông ta cũng như người điếc. Dầu hương
thơm có ngào ngạt đến đâu chăng nữa thì ông ta cũng chẳng nhận
ngửi thấy gì. Rõ ràng là khi ngủ ngon thì dầu cho chiếc giường
có êm ấm đẹp đẽ đến đâu, ông ta cũng chẳng hề biết đến. Ngay
cả khi ngủ ngon ông ta cũng không có cảm giác hay biết mình
đang nằm ở đâu.
-
Trong lúc ngủ ông Bill Gate được coi là một hạnh phúc không
liên quan gì đến giác quan vì ông hoàn toàn không biết gì đến
hoàn cảnh chung quanh lý do rất dễ hiểu:
-
- Trong giấc ngủ là trạng thái của tiềm thức luôn luôn nhiếp
hộ, có nghĩa là tâm thức có khuynh hướng trở về sinh hoạt với
bản năng, vì thế mà lúc ngủ tâm rất nhẹ nhàng, vi tế, nên đối
tượng của tâm thức lúc ngủ cũng thu hẹp lại. Ðó là lý do khi
ngủ dường như chúng ta không nhận biết được gì cả,
-
Qua thí dụ trên, chúng ta có thể thấy rằng hạnh phúc của sự
ngủ say chẳng liên quan gì đến các đối tượng của giác quan,
hay pháp trần. Mọi người chúng ta dù là giàu hay nghèo đều cảm
thấy thích thú sau khi thức dậy từ một giấc ngủ say. Chúng ta
ai cũng có thể có một số hạnh phúc an lạc nào đó khi ngủ ngon.
Mặc dầu hạnh phúc an lạc nầy thật khó có thể diễn tả hay so
sánh, tuy vậy chúng ta cũng không thể nào phủ nhận cái hạnh
phúc an lạc trong giấc ngủ say nầy. Cũng vậy, đức Phật hay
những vị thánh đã thấy rõ giáo pháp thì họ sẽ hiểu rõ một loại
hạnh phúc khó diễn tả nhưng không thể phủ nhận được và chúng
ta có thể đoán chắc rằng nó có thật.
-
Nếu có được một giấc ngủ ngon chắc chắn chúng ta ai
cũng thích. Những ai không thích một loại hạnh phúc ngủ say
như vậy thì khó có thể ghi nhận được loại hạnh phúc không liên
quan đến giác quan. Những ai không muốn cái hạnh phúc vượt
ngoài kinh nghiệm của giác quan thì họ sẽ bị dính mắc vào
những hạnh phúc của vật chất.
-
Nói tóm lại, trong ba loại hạnh phúc, loại hạnh phúc tối
thượng là loại hạnh phúc tuyệt diệu. Vì không còn trộn lẫn với
các loại tạp nhạp khác nên hạnh phúc trong sạch tinh khiết.
Muốn có được hạnh phúc trong sạch tinh khiết, chúng ta phải
gắng công tu tập. Liên tục cố gắng giữ thân, miệng, ý trong
sạch, chúng ta sẽ đạt được hạnh phúc tối thượng. Vì là loại
hạnh phúc tối thượng có được là do chính bản thân chúng ta cố
gắng tu tập mà được, nên gọi đó là hạnh phúc của riêng mình.
-
Ðể kết thúc bài pháp hôm nay chúng tôi xin gởi đến đại chúng bài
kệ:
-
- Muốn có được thật sự
-
Hạnh phúc của riêng mình
-
Trước phải nên ghi nhận
-
Loại hạnh phúc đời thường:
-
Hư ảo và chân thật
-
Người nào thấy hư ảo
-
Biết giá trị chân thật
-
Người ấy đã đạt được
-
Loại hạnh phúc tối thượng
-
Hạnh phúc của riêng mình.
- --o0o--
-
|
|