|
TẬP SAN DƯỢC SƯ
-
Lợi Ích Của Im Lặng
-
Bạch Y Thư Sinh
-
---o0o---
-
-
Người đời
thường nói:
-
- Ít nói là
bạc, im lặng là vàng.
-
Ngôn ngữ cốt
yếu để diễn tả những điều chúng ta bày tỏ hoặc nói lên tâm
nguyện của mình. Bên cạnh những người ăn nói khéo léo cũng có
những người ăn nói rất là vụng về. Nhưng nhìn chung cho dù là ăn
nói có khéo léo đến đâu đi nữa, nhưng một khi người nghe không
hiểu, vô tình không hiểu hay cố ý không muốn hiểu thì chúng ta
vẫn bị oan ức như thường. Do vậy chúng ta phải thực tập ít nói,
hoặc im lặng. Ít nói là tất cả mọi sự mọi việc chúng ta đều chỉ
nói trong chánh niệm, trong cần thiết mà không nói những lời vô
ích dư thừa, tuy nhiên nếu thấy cần chúng ta không nói thì tốt
hơn, cho nên có câu:
-
- Ít nói là
bạc, im lặng là vàng.
-
Để trưởng
dưỡng đạo tâm, cũng là để sách tấn chư tăng ni cũng như chư Phật
Tử trên đường tu học, trong thiền môn cũng có một phương pháp tu
đó là tịnh khẩu. Tịnh khẩu là một phương pháp thực tập rất sâu
sắc chứ không phải là chuyện cấm nói. Tịnh khẩu không có nghĩa
là không nói mà nó có nghĩa là:
-
- Quán chiếu
bằng chánh niệm của mình những điều gì mình định nói, nhưng vì
tịnh khẩu mà mình không nói.
-
Mỗi khi miệng
hay nghiệp miệng muốn nói một cái gì đó, chúng ta nên lập tức
lấy cuốn sổ tay ra và chép xuống rằng:
-
- Hồi nãy mình
đã tính trả lời như thế này ....
-
Rồi mình viết
đúng nguyên văn những tiếng những lời mà mình muốn nói xuống
giấy. Những lời đó trong đời sống hàng ngày, nếu phản ứng liền
ngay tại chỗ rất có thể gây ra sự đổ vỡ, có thể gây nội kết đối
với người thân. Vài giờ hay vài ngày sau ngồi đọc lại những dòng
đó, chúng ta quán chiếu và đặt vấn đề, đặt câu hỏi. Nếu người
nghe là chúng ta thì sẽ đáp ứng lại với những lời đó bằng thái
độ nào, bằng lời nói nào. Sau khi quán chiếu, chúng ta có thể tự
nói:
-
- May quá!
Mình đã không phát ngôn thiếu chánh niệm như vậy, nhờ mình tịnh
khẩu.
-
Nhờ đang tịnh
khẩu, chúng ta mới có dịp dừng lại và nhận diện tập khí của
chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe cái tâm, nội kết, tập quán của
chúng ta để xem cái tâm đó, cái nội kết đó, cái tập quán đó muốn
nói cái gì. Rồi chúng ta mới lấy cuốn sổ tay ra và chép những
lời mà chúng ta đã định nói xuống để quán chiếu. Chúng ta không
bỏ qua bất cứ một lời nói nào mà chúng ta nói trong tâm. Chúng
ta phải đọc lại, phải quán chiếu lại, phải thấy được gốc rễ của
những lời nói của chúng ta và những hậu quả có thể có của những
lời nói đó. Như vậy im lặng hay tịnh khẩu đó là một sự thực tập
quán chiếu.
-
Quán chiếu có
nghĩa là nhìn để thấy được những nguyên nhân và hậu quả. Như một
thân cây luôn luôn có gốc rễ và hoa trái của nó. Gốc rễ giúp cây
thành hình và hoa trái là sản phẩm do cây cống hiến. Một lời nói
cũng vậy, nếu chúng ta nói một lời nào thì lời nói đó có gốc rễ
của nó. Do vậy chúng ta tìm hiểu:
-
- Tại sao ta
lại muốn nói như vậy,
-
- Tại sao
chúng ta đang nói như vậy và
-
- Tại sao ta
đã nói như vậy?
-
Nếu là niềm
đau đã sẵn có ở trong chúng ta, chúng ta cần được nhận diện.
Chúng ta phải gọi tên, phải chỉ ra cho rõ những khối nội kết đó.
Những gốc rễ, những khối nội kết làm căn bản đưa tới lời nói mà
chúng ta đã gần như không muốn nói đó. Và sau khi thấy được gốc
rễ rồi, chúng ta phải quán chiếu để thấy được hậu quả của lời
nói đó. Nếu lời nói này mà được nói ra thì sẽ đem tới những hậu
quả nào? Người nghe sẽ phản ứng như thế nào? Và sau khi họ phản
ứng rồi thì cái tình trạng tâm hồn mình sẽ ra sao? Sự đỗ vỡ do
một lời nói gây ra không phải chỉ là ở bên ngoài, mà lời nói kia
còn gây đỗ vỡ ngay chính trong lòng mình. Nó tàn phá hết hai
bên. Nó làm ung thối không khí vui tươi, hạnh phúc trong gia
đình, và môi trường sinh hoạt chung quanh. Nhiều khi chúng ta
tưởng nói ra, hoặc trút bớt cơn giận cho khỏe, ai ngờ nói ra lại
càng mệt, càng khổ, càng chuốc lấy khổ đau vào thân, trong tâm
của chúng ta. Chúng ta làm khổ chính mình. Và cứ như vậy chúng
ta quán chiếu trong thời gian ba ngày, bảy ngày hay trong thời
gian mười bốn ngày, hay nhiều hơn nữa.
-
Chúng ta phải
thực tập tịnh khẩu hay im lặng cho thật sâu sắc, tại vì tịnh
khẩu ở đây nghĩa là tịnh tâm, tịnh ý và chuyển hóa. Trong khi
quán chiếu, chúng ta phải thấy rằng người bên kia, tức là người
nghe, có thể cũng không phải là một người bình thường. Người
nghe cũng có những nội kết, có những thành kiến, cũng có những
gốc rễ đau khổ của họ. Và họ nghe qua những nội kết đó, do vậy
họ không nghe với một cái tâm vô tư. Do vì nghe với cái tâm
không vô tư, cho nên chúng ta nói một câu nói thương yêu, không
hờn giận, mà người nghe kia còn có thể hiểu lầm được và người
nghe kia còn giận chúng ta được, huống hồ là nói một câu phát
xuất từ sự buồn bực, tức tối và giận hờn của chúng ta.
-
Nhiều khi
chúng ta nói một câu nói có tính cách xây dựng mà người kia lại
nhận thức như là một câu nói thách đố hay chê bai. Cái đó do
vọng tưởng, do tri giác sai lầm của người nghe. Chúng ta phải
cẩn thận. Nếu lời nói của chúng ta có gốc rễ từ sự giận hờn, tức
tối, khổ đau và bực bội của chúng ta thì sức tàn phá của nó đối
với người kia sẽ to lớn vô cùng. Nó tàn phá người kia và sẽ trở
lại tàn phá chính thân tâm của chính chúng ta. Và trong cái thời
gian ba ngày, bảy ngày hoặc hai tuần ấy, nếu thực tập cho thật
vững chãi, chúng ta có thể có chuyển hóa rất lớn. Còn những
người thực tập tịnh khẩu mà không làm gì hết ngoài cái chuyện
không nói, những người đó không đi xa hơn được. Những người đó
chỉ có bình an trong vòng bảy ngày thôi, rồi sau đó lại mất bình
an.
-
Nếu chúng ta
là Phật Tử được học hỏi giáo lý của Phật, nếu chúng ta muốn thực
tập chuyển hóa ba nghiệp thì thỉnh thoảng trong gia đình hay
trong tăng thân, cũng nên xin cho chúng ta một thời gian tịnh
khẩu. Trong thời gian thực tập, từng hơi thở, từng bước chân,
khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi, chúng ta phải ở trong chánh
niệm thì mới có cơ hội và năng lượng để có thể thấy được tâm ý
của chúng ta. Ý nguyện muốn thương, muốn làm hạnh phúc cho người
kia. Ý nguyện muốn hòa giải, muốn tạo sự an lạc và hạnh phúc,
tuy có mặt trong lòng chúng ta, nhưng điều đó không có nghĩa là
chúng ta đã thực hiện được. Bên kia, người kia có thể cũng đang
có ý nguyện muốn yêu thương chúng ta, muốn làm hạnh phúc và hòa
giải với chúng ta, và cũng có thể nghĩ rằng người ấy đã và đang
thực tập, trong khi đó người kia nghĩ chúng ta là người không
muốn thương yêu, không muốn hòa giải. Do đó chúng ta nên biết
rằng ý nguyện muốn thương yêu, muốn hòa giải không đủ, mà còn
phải tích cực bày tỏ thiện chí của chúng ta. Bởi vì ý muốn nhưng
chưa thực hiện đó phải đọ sức với cái lực lượng của những nội
kết, những khổ đau trong chúng ta. Những nội kết và những khổ
đau đó, chính chúng ta đã làm cho chúng lớn lên và chính trong
cái quá trình giao tiếp với nhau, hai bên đã làm cho những nội
kết của nhau lớn lên.
-
Chính vì lẽ
đó, trong thời gian thực tập tịnh khẩu, thỉnh thoảng chúng ta
cần phải nhờ cậy những người trong gia đình mình hay trong tăng
thân. Thỉnh thoảng những người trong gia đình hay trong tăng
thân mình muốn hỏi mình một chuyện và mình phải trả lời. Trong
trường hợp đó, chúng ta có thể cầm một cây bút và một mảnh giấy
để trả lời người đó. Trong khi viết, chúng ta có thể bình tĩnh
hơn và chúng ta hãy tập viết một mình. Chúng ta hãy tự để cho
mình có thì giờ viết câu đó ra một cách bình tĩnh, vì cần có đủ
thì giờ quán chiếu những điều chúng ta viết. Viết xong đọc lại
xem những điều này có đúng là đã được viết ra trong sự bình tĩnh
và trong chánh niệm hay không. Nếu không thì chúng ta xé miếng
giấy và viết lại trên một miếng giấy khác, cho đến khi nào thấy
rằng những điều chúng ta viết đó có thể đem lại an ninh thì mới
đưa cho người kia xem. Để cho có kết quả, không những người tịnh
khẩu thực tập mà cả những người trong tăng thân, trong gia đình
cũng đều thực tập. Họ phải có thì giờ để giúp cho người kia thực
tập một cách sâu sắc.
-
Ý chí hòa giải
rất tốt, nhưng đôi khi chúng ta không làm được tại vì lực lượng
của những tập quán, của những nội kết trong hai người đều mạnh
quá. Cho nên nếu chúng ta là một trong hai người, phải nên nghĩ
đến giải pháp là không nên đến với nhau vội, mà phải nên hẹn
nhau trong một thời gian ... Và trong thời gian đó hai người
phải thực tập chuyển hóa những khối nội kết ở trong mỗi người,
cái khối lửa trong nội tâm
-
Chúng ta phải
luôn luôn ý thức rằng chúng ta là con người phàm phu, ít nhiều
chúng ta cũng có nội kết, ít nhiều gì chúng ta chưa phải là một
con người tự do, cho nên chúng ta đừng có ảo tưởng chúng ta là
con người tự do. Vì vậy đừng nên nghĩ rằng nếu muốn hòa giải là
mình làm được ngay. Nhưng sự thật chúng ta không đủ tự do để làm
chuyện đó, cho nên khi người kia bắt đầu nói và chạm vào chúng
ta thì tự nhiên những khối nội kết cũ trong chúng ta bắt đầu nẩy
mầm và phát hiện. Rồi khi chúng ta mở miệng ra mà không có khả
năng quán chiếu từng lời nói, thì lời nói của ta sẽ thu hút tất
cả những chất độc của những nội kết cũ đó lại, và phun các chất
độc kia ra ngoài như là miệng núi đá phun lửa. Phải tự biết
chúng ta chưa phải là con người tự do giải thoát, cho nên phải
cẩn thận từng lời nói từng hành động.
-
Trong cuộc
sống hằng ngày, ít có ai ý thức được rằng chúng ta đã và đang là
nô lệ của những khối đau khổ và những thói quen ở trong chúng
ta. Thói quen đối đáp chua chát, thói quen ăn miếng trả miếng mà
chúng ta đã bị ô nhiễm trong cuộc đời phiền lụy nầy. Do đó việc
thực tập chuyển hóa nội kết không đơn giản. Chúng ta có thể thực
tập công trình chuyển hoá trong thời gian dài. Nhưng phải lưu ý,
thời gian dài bao nhiêu thì đó là dấu hiệu của sự leo thang
trong việc làm khổ nhau nhiều hơn. Cho nên nếu thời gian leo
thang làm khổ nhau có thể kéo dài ba tháng, sáu tháng, tám
tháng, một năm, có thể tám năm ... Đó là thời gian không may mắn
của cả hai người. Có thể là có một con người thứ ba, nhưng mà
hai người, vì không nhận diện được cái sự rủi ro đó, đã để cho
bản thân mình bị kéo vào trong cuộc tranh chấp. Và thời gian
ngày tháng đó đã tàn phá hai người. Hai người mang những khối
nội kết và chính bây giờ mỗi người đang làm nô lệ cho khối nội
kết, cho tập quán và thói quen của mình. Do vậy người thực tập
phải can đảm nói lên sự thật:
-
- Tôi chưa
phải là một con người tự do, tôi bị cái giận của tôi, những nội
kết của tôi và thói quen của tôi bị khống chế. Ban đầu thì tôi
có vẻ tự chủ được trong khi nói, tôi có thể nói được vài lời
thương yêu, nhưng sau đó thì các nội kết dẫn đường, tôi không
còn tự chủ được nữa ...
-
Sự thật là như
vậy. Người thực tập chân chính phải chấp nhận là mình đang còn
yếu, đang bị nội kết của mình lôi đi như em bé chăn trâu không
có đủ sức điều phục con trâu của mình. Mình không biết chăm sóc
con trâu của chính mình. Vậy thì người thực tập phải công nhận
một điều, tuy hơi xấu hổ nhưng mà thật, là mình không làm chủ
được tình trạng. Vì vậy mình mới cần thực tập tịnh khẩu.
-
Thực tập tịnh
khẩu tức là đặt mình vào trong một khung cảnh an ninh. Trong
thời gian có an ninh đó, chúng ta thực tập để chuyển hóa. Không
ai tước đoạt sự tự do của chúng ta cả mà chỉ có các khối đau,
chỉ có nội kết, chỉ có tập quán của chúng ta áp chế chúng ta và
làm mất tự do của chúng ta mà thôi. Sau khi chuyển hóa rồi chúng
ta bắt đầu có an ninh thật, chúng ta trở thành con người tự do.
-
Là người đã có
duyên tới với Phật Pháp, đã tiếp xúc được với thầy, với bạn, đã
bắt đầu hỏi thầy được một câu hỏi thông minh về sự thực tập. Và
khi đã biết tụng kinh, thiền tọa, thiền hành, thì chúng ta nên
tiến thêm một bước nữa, là hãy thực tập để tiếp xúc với những gì
tươi mát có tính cách trị liệu, những gì đẹp đẽ ở trong đời sống
hàng ngày để làm cho con người chúng ta an lành thêm.
-
Trong cuộc
sống thế gian, chúng ta phải tổ chức cuộc sống hàng ngày của
chúng ta. Nếu chúng ta có tài tổ chức thì chúng ta lại có thêm
một yếu tố để thành công. Có nhiều người tổ chức các buổi lễ lạc
rất hay nhưng không bao giờ tổ chức được sự tu học cho chính bản
thân mình. Có những người tổ chức cho người khác tu học khá hay,
nhưng chính bản thân lại không bao giờ chịu tu học cả. Những
người đó nên hãy đem tài tổ chức đó để tổ chức lại đời sống hàng
ngày của mình.
-
Làm sao để
buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều chúng ta được tiếp xúc với
những gì tươi mát, lành mạnh, có tính cách trị liệu để tự thân
tâm con người chúng ta được nuôi dưỡng. Khi con người ta trở nên
tươi mát và dễ chịu hơn thì những nội kết kia sẽ dịu xuống. Đó
là chánh niệm về tiếp xúc; chỉ có chánh niệm mới làm được điều
đó. Do vậy, những ai có tài năng tổ chức, hãy sử dụng tài năng
tổ chức của mình để tổ chức và sắp xếp lại đời sống hằng ngày
của chính mình. Có thể vì đời sống hàng ngày, hiện thời của
chúng ta vô tổ chức, cho nên ta cứ tiếp xúc mãi với những cái
làm cho chúng ta bực mình suốt ngày. Và nếu cứ bị tiếp xúc với
những cái làm bực mình suốt ngày thì ta sẽ mệt mỏi, đến một lúc
nào đó những khối nội kết càng ngày càng lớn, chúng sẽ đè bẹp
chúng ta một cách hoàn toàn. Lúc đó chúng ta không còn gì nữa.
Cho nên hãy tổ chức lại đời sống hàng ngày, để chúng ta đừng bị
tiếp xúc quá nhiều với những yếu tố độc hại làm cho chúng ta bực
bội, sầu khổ, hận thù, tưới tẩm những hạt giống khổ đau đã quá
lớn ở trong chúng ta nhiều hơn nữa.
-
Đây cũng là lý
do mà chúng tôi thường đề nghị với các Thầy cô Chùa Dược Sư cũng
như chư Phật Tử thường xuyên về Chùa Dược Sư nghe pháp, nên cố
gắng thường xuyên đều đặn, hoặc là thường xuyên gần gũi tăng
thân tươi mát để tu học. Mục đích là để cho chúng ta được sống
trong khung cảnh chánh niệm, đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh
niệm để làm cho năng lượng chánh niệm lớn lên trong bản thân.
-
Nếu có thể
được, chúng ta cũng nên ghi lại những câu mà chúng ta đã nói với
người thân, và người thân đã nói với chúng ta trong buổi gặp mặt
vừa rồi để quán chiếu. Người thân chúng ta đã nói điều gì và
chúng ta đã nói những điều gì. Những điều gì người thân chúng ta
nói đã làm cho chúng ta đau khổ điên cuồng, cho đến nỗi chúng ta
đã trả lời bằng những câu nói rất phũ phàng. Rồi chúng ta quán
chiếu.
-
Ví dụ chúng ta
quán chiếu vào một câu nói của một người thân của chúng ta. Câu
nói đó có vẻ hết tình hết nghĩa quá. Nhưng mà chúng ta phải đặt
câu hỏi tại sao người thân của chúng ta đã nói như vậy, động lực
nào đã khiến cho người thân của chúng ta nói như vậy? Những
nguyên do nào, những gốc rễ nào đã đưa tới một câu nói như thế?
Và chúng ta ngồi quán chiếu. Một vài ngày sau, tự nhiên chúng ta
thấy, chúng ta thấy được tại sao người thân của chúng ta đã nói
như vậy. Và chúng ta cũng sẽ nói như vậy và bất cứ ai nếu đã đi
qua những khổ đau, như khổ đau của người thân chúng ta, những
kinh nghiệm như kinh nghiệm của người thân của chúng ta chắc
cũng sẽ nói như vậy. Và khi thấy được điều đó tự nhiên chúng ta
hiểu được, và cái hiểu đó đưa tới sự tha thứ.
-
Những điều có
thể người thân của chúng ta đã không muốn nói, nhưng mà người đó
đã nói. Một lực lượng ma quái gì ở trong họ bắt họ nói. Và chúng
ta phải thấy cho được cái lực lượng ma quái đó. Mà lực lượng ma
quái đó là những nội kết, những khổ đau đã được gây ra trong quá
khứ và chúng ta đã chịu trách nhiệm một phần nào về cái quá khứ
đó. Một khi đã thấy được như vậy rồi thì chúng ta hiểu. Khi hiểu
được rồi thì chúng ta có thể tha thứ và cái giận của chúng ta sẽ
tan. Sau đó chúng ta quán chiếu câu nói mà chúng ta đã nói với
người thân của chúng ta. Câu nói nào đã làm cho người thân của
chúng ta nổi điên? Chúng ta tự hỏi tại sao chúng ta đã nói như
vậy? Lúc ban đầu, chúng ta đã đi tới với một tâm niệm thương
yêu, hòa giải, chúng ta đâu có muốn nói những câu nói như thế.
Nhưng mà tại sao chúng ta đã nói những câu nói đó? Quán chiếu
một ngày hai ngày, ba ngày, đi thiền hành, sống trong tăng thân
chúng ta sẽ tìm hiểu, chúng ta sẽ thấy được. Chúng ta thấy tuy
chúng ta nói như vậy nhưng không phải chính chúng ta nói, mà là
khối nội kết kia đã nói. Mà những khối nội kết ấy được gây ra
như thế nào, với ai và bởi ai? Chúng ta không nên lên án, nhưng
chúng ta thấy rõ ràng, sở dĩ chúng ta đã nói như vậy vì có những
khối đau khổ như vậy. Lúc đó, chúng ta thấy những khối đau kia
được tượng hình do những nguyên do nào và tự nhiên chúng ta tha
thứ cho chính ta, chúng ta không có mặc cảm tội lỗi nữa. Chúng
ta nói rằng nếu người thân của chúng ta đã sống qua những khổ
đau của chúng ta như vậy thì người thân của chúng ta chắc cũng
sẽ nói như vậy. Bất cứ ai sống qua những khổ đau và tức bực như
mình thì chắc cũng sẽ nói như vậy. Thành ra chúng ta tha thứ cho
chính mình.
-
Hiểu được như
vậy thì chúng ta biết rằng từ nay trở đi, chúng ta sẽ không bao
giờ để cho cái tâm của chúng ta, và để cho cái thân của chúng ta
bị trưng bày ra để cho những hạt giống nội kết kia được gieo
trồng vào nữa. Trong quá khứ chúng ta đã không giữ thân, không
giữ tâm của chúng ta. Một miếng đất mà để phô bày ra như thế thì
bất cứ hạt giống nào cũng rơi vào được, nhất là những hạt giống
độc hại. Trong quá khứ chúng ta đã không tu học, và đã không
biết giữ thân, không giữ tâm để cho tâm ta xúc chạm vào những
độc tố. Và bây giờ đây, ở trong một đại chúng tu học, chúng ta
phải biết giữ gìn để cho điều đó đừng tiếp diễn vào chúng ta, để
chúng ta có cơ duyên chuyển hóa. Chúng ta không hối hả, không
gấp gáp về chuyện chuyển hóa hay hòa giải, tại vì nếu không có
yếu tố và điều kiện của sự chuyển hóa và hòa giải thì dầu có ý
chí chuyển hóa hay hòa giải, chúng ta cũng không đi đến đâu.
-
Quả thật như
vậy, chúng tôi còn nhớ, lúc còn nhỏ chúng tôi đã nghe nói nhiều
về hòa bình Trung Đông, nhưng mà trãi mấy chục năm rồi, cho đến
nay vẫn còn những cuộc hòa đàm kéo dài từ năm này sang năm khác
mà không bao giờ đem tới hòa bình cả. Trong khi đó những phe lâm
chiến một mặt thì cứ đánh, một mặt thì cứ la đàm phán hòa bình.
Đúng là vừa đánh vừa đàm. Tiếng Hoa gọi là:
-
- Đả đả đàm
đàm.
-
Nghĩa là:
-
- Thương
thuyết thì thương thuyết, đánh thì cứ đánh.
-
Như chúng ta
đã thấy, có những cuộc thương thuyết hòa bình kéo dài tới ba
năm, năm năm, mười năm hay nhiều hơn nữa. Chúng ta nên biết rằng
giữa nước Pháp và nước Anh có một trận chiến tranh kéo dài tới
một trăm năm. Và chính tới bây giờ người Pháp cũng còn có nội
kết với người Anh và người Anh cũng có nội kết với người Pháp.
Nội kết giữa người Pháp với người Đức đã được hòa giải cũng khá
nhiều, nhưng nội kết giữa người Pháp và người Anh cũng đang còn.
-
Tu tập, chúng
ta phải nhìn vào tâm của chúng ta và tâm của những người khác để
thấy được những hạt giống của khổ đau, của nội kết trong tâm ta
và trong tâm của người chung quanh. Đừng bao giờ nói rằng chúng
ta là người đau khổ duy nhất và những người chung quanh, những
người thân của chúng ta chỉ làm cho chúng ta đau khổ thôi. Nếu
hiểu thật sự người thân của chúng ta cũng đau khổ lắm. Và chính
chúng ta cũng chịu trách nhiệm một phần trong cái sự đau khổ của
người thân của chúng ta. Người thân của chúng ta đau khổ có thể
là vì trong quá khứ, hồi còn thơ ấu, người đó đã tiếp nhận những
hạt giống nội kết. Nhưng nếu chúng ta tươi mát, khéo léo, có
nhiều thương yêu thì chúng ta đã giúp được cho người thân của
chúng ta hóa giải bớt rồi. Đằng này người thân của chúng ta đã
không bớt. Và vì vậy cho nên chúng ta biết là chúng ta chưa phải
là một người anh tốt, chưa phải là một người bạn tốt, chưa phải
là một người chị tốt, chưa phải là một ông chồng tốt, chưa phải
phải là cô vợ tốt, chưa phải là một ông Thầy tốt đối với người
kia. Và chúng ta đã chịu trách nhiệm một phần nào. Vấn đề không
phải là để trách móc. Trách móc không phải là giải pháp.
-
Đó là sự thật.
Xin kể cho đại chúng nghe, có một gia đình nọ, hai người lấy
nhau vì tình yêu chớ không phải là vì cha mẹ bắt ép. Lúc mới
cưới nhau, họ có hạnh phúc. Nhưng vì không biết tu tập chánh
niệm nên sau một thời gian, họ gây nội kết cho nhau và làm khổ
nhau. Người đàn bà mất hết sự tươi mát, và người đàn ông cũng
mất hết sự dịu dàng và ngọt ngào. Hai vợ chồng sống không có
hạnh phúc nữa. Sở dĩ họ còn sống với nhau là vì danh dự, có thể
là tại vì sợ cha mẹ hai bên buồn. Ông ta không còn cảm thấy
thoải mái khi sống gần bà vợ. Bà vợ cũng không cảm thấy thoải
mái khi sống gần chồng. Thế là hai người đi tìm những niềm vui
riêng. Nếu những niềm vui ấy lành mạnh thì đỡ ... Bà bỏ hết thì
giờ để lo việc chùa hay lo việc xã hội ... làm như là nếu không
có bà thì nhà chùa sống không nổi! Ông thì lấy cớ là cần phải
học thêm ngành chuyên môn nên cứ ở miết trong sở hay đi ghi tên
lớp đêm để học thêm.
-
Một buổi sáng
nọ, trong khi ông chồng đang ở trong sở thì bà vợ dọn lại cái tủ
áo của mình, tủ áo có nhiều chiếc áo rất đẹp mà lâu nay bà không
mặc. Bà còn giữ lại cái áo cưới ngày xưa. Trong khi lục tìm,
không biết vì sao mà bà đụng tới quyển:
-
- Nhật Ký Đời
Tôi.
-
Rồi không biết
buổi sáng đó đưa đẩy làm sao mà bà ta lại có ý muốn mở cái cuốn
Nhật Ký đó ra. Khi mở ra và nhìn thấy những lá thư thì bà cảm
thấy rung động:
-
- Chưa gặp em
tôi đã nghĩ rằng
-
Em là thiếu nữ
đẹp như tiên
-
Mắt xanh là
bóng dừa hoang dại
-
Âu yếm nhìn em
em hết nói năng
-
(Ðinh Hùng)
-
Nhất là bức
thư:
-
- Xin hẹn luân
hồi hãy gặp nhau
-
Cùng em nhắc
lại chuyện xưa sau
-
Hẹn nhau dưới
gốc sim già nhé
-
Anh hái tặng
em đoá mộng đầu
-
Và cũng có
những bức thơ từng thề non hẹn biển:
-
- Thương nhau
mấy núi cũng trèo
-
Mấy sông cũng
lội mấy đèo cũng qua
-
Dù cho nắng
cháy mưa sa
-
Tình ta vẫm
đậm như là mới quen.
-
Cả mười, mười
mấy năm nay bà không nhìn thấy những lá thư đó. Thấy lại cái màu
sắc của những lá thư, những nét chữ của anh chàng ngày xưa, tự
nhiên có một cái gì như một giọt nước mát thấm vào trái tim của
bà. Bao nhiêu quá khứ, bao nhiêu kỷ niệm hạnh phúc ngày xưa sống
dậy. Bà đứng đó, lật từng trang thơ ra, và đọc. Trong khi đọc,
bà tiếp xúc được với cái ngôn ngữ của anh chàng ngày xưa. Người
gì mà nói năng, viết lách ngọt ngào làm sao. Tự nhiên hình ảnh
ngày xưa của anh chàng hiện ra, rất tươi mát, đúng là vị hoàng
tử của đời mình. Đọc xong lá thư đó tự nhiên bà thấy khỏe. Thấy
dễ chịu. Bà bỏ lá thư ấy xuống, đọc thêm một lá nữa. Càng đọc bà
càng thấy dễ chịu. Bà dẹp mấy cái áo vào tủ, không muốn sắp lại
nữa. Lấy nguyên cuốn nhật ký để lên bàn, bà ngồi đọc. Bà ngồi
đọc một mạch bốn chục trang thư, tờ này sang tờ khác. Đọc xong,
bà xếp cuốn nhật ký trở lại theo thứ tự như một trò chơi trẻ con
vậy. Trong khi bà đọc những lá thư đó, những hạt giống của hạnh
phúc, của thương yêu, của kỷ niệm được tưới tẩm. Và hình ảnh của
chàng trai dễ mến ngày xưa hiện ra, rất kỳ lạ, giống như những
hạt giống lâu nay chưa bao giờ được tuới tẩm.
-
Bà đâu có biết
rằng bà đang thực tập đúng theo đường hướng Duy thức của Phật
Học. Thực tập đúng nghĩa là tưới tẩm những hạt giống của thương
yêu, của hạnh phúc trong con người của mình. Ở đây một sự may
mắn đã xảy ra cho bà thôi, chứ bà đâu có chú ý thực tập. Xin lưu
ý, nếu quý vị còn giữ cuốn nhật ký của đời mình, xin quý vị sau
khóa tu học, về nhà thử đọc lại rồi sẽ biết.
-
Riêng về nhân
vật trong câu chuyện mà chúng đang kể cho quý vị nghe, trong khi
đọc thư tâm hồn khô khan như sa mạc của bà có một trận mưa rào
đi qua. Và rồi không biết bao nhiêu hạt giống bừng nở lên. Bà
thấy khỏe. Bảy tám năm nay, không bao giờ ông nói với bà bằng
cái giọng ngọt ngào như vậy. Và bà quên, đã nghĩ không bao giờ
người đàn ông lại có thể nói được những câu như vậy. Ông ta bây
giờ lạnh lùng, khắt khe, không giống người con trai của ngày
xưa. Đọc lại những lá thư, hình ảnh tưởng đã chết rồi lại xuất
hiện trong lòng mình. Thì ra hình ảnh ấy chưa bao giờ chết cả.
Những hạt giống còn đó, không bao giờ chết hết.
-
Đọc xong thư
bà thấy chuyển hóa. Bà nhìn vào bà và bà tự hỏi:
-
- Một người
con trai dịu hiền, biết điều, tươi mát như vậy, mình đã làm ăn
như thế nào để bây giờ người đó trở nên một người khắt khe và
lạnh lùng thế kia?
-
Tại sao?
-
Ta đã có trách
nhiệm nào trong việc làm cho anh chàng trở thành một người đàn
ông khó chịu như ngày hôm nay? Và Bà định ngồi xuống, lấy một tờ
giấy và viết cho ông một lá thư, và nói ra những cảm nghĩ của
mình trong khi đọc lại bao nhiêu lá thư đó. Bà tiếc cho cái hạnh
phúc ngày xưa của mình. Hạnh phúc ấy ngày xưa đã có chứ không
phải không có. Chính mình đã đánh mất nó. Cố nhiên là anh chàng
có lỗi, nhưng lỗi phần mình cũng có rất nhiều trong đó. Không
thể nói là mình không có lỗi được. Chưa kịp viết thư thì có điện
thoại của ông ta gọi về. Ông nói là:
-
- Anh phải đi
California, chiều hôm nay không về nhà ăn cơm được, ở nhà em cứ
ăn trước đi.
-
Bà biết đó là
cái thói quen trốn chạy của ông. Về nhà đâu có hạnh phúc gì?
-
Riêng ông, Ông
nói anh phải đi công việc với ông chủ, có thể là vắng nhà cả
tuần. Ông cũng biết rằng bà không cần gì ông mấy. Trong trí của
ông nghĩ chắc bà sẽ nói:
-
- O.K, anh đi
thì cứ đi.
-
Nhưng chuyện
lạ xảy ra là lần nầy bà không nói như vậy, mà trái lại lần này
giọng bà trả lời hơi ngọt. Bà nói:
-
- Anh cứ đi,
cần thì anh đi. Nhưng xong công việc thì anh về với em.
-
Nghe Bà đã nói
như vậy, nhưng Ông cũng không có chánh niệm gì mấy và không để
tâm tới giọng nói đã trở nên dịu dàng của bà. Trong bảy tám năm
nay, giọng bà có khi rất chua chát như dấm. Từ một nàng tiên
tươi mát, dịu hiền, bà đã trở thành một thứ bà chằng lúc nào
cũng không biết.
-
Đặt điện thoại
xuống, bà nghĩ rằng bây giờ nếu ngồi viết một lá thư cho ông sẽ
là một niềm vui, và Bà đã ngồi và viết lá thư đó. Bà viết như đã
từng viết cho ông ngày xưa. Bà bắt đầu bằng ba chữ:
-
- Anh yêu quý
của em.....
-
Trong lá thư
bà đã nhắc lại những kỷ niệm hạnh phúc lúc hai người mới gặp
nhau. Viết một lá thư như thế tốn vào khoảng mấy mươi phút. Và
trong mấy mươi phút đó bà lại tưới tẩm một lần nữa những hạt
giống của hạnh phúc, của kỷ niệm ngày xưa. Bà thấy khỏe trở lại.
Viết xong lá thư, bà nhẹ người, tuy rằng ông chưa đọc. Bà xếp
thư lại, bỏ vào phong bì, và viết chữ:
-
- Thương gởi
về Anh ...
-
Xong bà đem để
nơi bàn viết của ông. Lúc nào ông đọc cũng được. Sự thật là viết
xong lá thư, bà đã thấy con người của mình khỏe ra rồi.
-
Đó là phép lạ
của sự tưới tẩm những hạt giống tích cực của hiểu biết và thương
yêu. Không đợi người kia, không cần người kia. Ở đây người thiếu
phụ không có thầy, không có bạn, không có tăng thân, bà chỉ có
cái cuốn nhật ký thôi. Quý vị đừng khinh thường những gì quanh
chúng ta, một con đường thiền hành, một gốc cây, hay một em bé
đều có thể là một yếu tố của tăng thân mà chúng ta đã bỏ quên.
-
Trở lại người
đàn ông, đáng lý ông ấy đi California bảy ngày mới về. Nhưng đến
ngày thứ hai, sau khi sắp đặt công việc xong, ông nhớ lại cú
điện thoại. Và ông nhớ lại lời dặn của bà, rõ ràng từng tiếng,
đã lâu lắm rồi chưa bao giờ bà nói bằng cái giọng đó:
-
- Xong công
việc thì anh về với em.
-
Và ông không
muốn ở thêm nữa. Ông gọi điện thoại cho hãng máy bay để lấy vé
trở về ngay tức khắc, vì Ông muốn dành một sự ngạc nhiên cho bà.
-
Khi về tới
nhà, ông đi thẳng về phòng. Riêng về Bà, Bà đã sống thanh thản
được hai ngày rồi. Bà đã biết thế nào ông cũng đọc lá thư kia.
Nhưng bà nghĩ nếu ba, hay năm, hay bảy ngày sau ông mới đọc thì
cũng không sao hết. Vấn đề là bà đã viết được lá thư đó, và bà
đã thấy trong người khỏe ra. Ông về và thấy cái thư trên phong
bì đề chữ Thương gởi về Anh để trên bàn, Ông ta ngồi đọc và ở
lại trong phòng rất lâu. Rất lâu, trong thời gian đọc, tất cả
những hạt giống hạnh phúc của ông đã được lá thư đó tưới tẩm. Và
ông khám phá lại được cái hình ảnh của nàng tiên ngày xưa. Tuy
bà không có chủ ý giúp ông, nhưng lá thư đó đã trở thành một
phép mầu nhiệm:
-
- Nó tưới tẩm
những hạt giống hạnh phúc và kỷ niệm của ông ngày xưa.
-
Và lần đầu
tiên sau tám năm, ông khám phá lại được như bà là tại sao bà đã
trở thành như vậy. Một người con gái dịu hiền, một người con gái
tươi mát như thế, bây giờ tại sao lại trở thành khó khăn và chua
chát như vậy. Mình đã làm gì? Mình đã chịu trách nhiệm nào trong
việc đó? Ông thấy rất rõ là nếu bà ra nông nỗi như vậy, một phần
cũng là tại ông. Tại ông sống không có chánh niệm. Ông ở trong
phòng rất lâu để chiêm nghiệm, để đọc lại lần thứ hai lá thư đó.
Và khi ra khỏi phòng, ông ra với ý định là sẽ thay đổi sự sống
của mình đi, làm thế nào để phục hồi được người đàn bà tươi mát
ngày xưa mà chính mình đã mong đợi sẽ cùng mình sống suốt đời.
-
Đến đây chúng
ta thấy hai vợ chồng gia đình đó có một cơ hội làm mới lại. Và
chúng ta ai cũng mong mỏi họ thành công.
-
Trường hợp
chúng ta cũng vậy. Mỗi người trong chúng ta đều có cơ hội làm
lại thâm tình với người thân của chúng ta. Người đó có thể là
con trai hay con gái ta. Có thể là mẹ, là cha ta. Có thể là
chồng hay vợ ta. Và chúng ta đã biết phương pháp thực tập rồi.
Chúng ta phải tạo ra một khung cảnh để có thể tiếp xúc lại với
những hạt giống tươi mát trong sáng cũ, để có thể tưới tẩm được
những hạt giống của kỷ niệm hạnh phúc, hiểu biết và thương yêu
trong quá khứ và cũng để chuyển hóa. Ý muốn hòa giải, muốn
thương yêu, nhưng chúng ta không đủ tự do để thương yêu. Chúng
ta muốn hòa giải, nhưng chúng ta không đủ tự do để hòa giải. Đó
là do những khối nội kết trong ta, những khối tập khí ở trong ta
quá lớn. Tu tập là chuyển hóa nội kết.
-
Nói tóm lại,
tịnh khẩu, hay im lặng thì chúng ta mới có dịp dừng lại và nhận
diện tập khí của chúng ta. Chúng ta mới có cơ hội lắng nghe cái
tâm của chúng ta, chúng ta mới có cơ hội lắng nghe nội kết của
chúng ta, chúng ta mới lắng nghe cái tập quán của chúng ta để
xem cái tâm đó, cái nội kết đó, cái tập quán đó muốn nói cái gì
và chúng ta phải quán chiếu lại, phải thấy được gốc rễ của những
lời nói đó của chúng ta và những hậu quả có thể có của những lời
nói đó. Như vậy im lặng hay tịnh khẩu đó là một sự thực tập quán
chiếu, có quán chiếu chúng ta mới có cơ hội tưới tẩm lại những
hạt giống yêu thương luôn luôn tươi mát, đó là cách mà chúng ta
tìm lại người và giữ người thân trong tầm tay của chúng ta:
-
- Rừng hoang
sơ xác tiêu điều
-
Ta đi tìm lại
thân yêu bạn vàng.
--o0o--
|
|