TẬP SAN DƯỢC SƯ

Tư Cách Của Con Người
Tâm Như
---o0o---
 
Khi bàn về Tư Cách Của Con Người hay tiêu chuẩn để hình thành tư cách của một con người, thì chúng ta có nhiều cách nhận định, có nhiều căn cứ, tiêu chuẩn, khía cạnh để bàn bạc, thảo luận, tranh cãi, thẩm định tư cách của con người.
Người ta thường nói:
- Cái khó nó bó cái khôn
Nghĩa là:
- Một người nghèo cho dù có nhiều sáng kiến hay cũng không thực hiện được.
Hoặc là:
- Giàu có sanh lễ nghĩa.
Chính vì quan niệm nầy cho nên có đã có những thẩm định về tư cách của con người qua hai phạm vi.
a- Trong Phạm Vi Xã Hội:
Là một con người trong xã hội có tư cách là con người đó phải có:
- Nhiều tài sản, tiền bạc, của cải.
- Lắm quyền thế, lắm chức tước, địa vị cao
- Kiến thức rộng, hiểu biết sâu rộng
- Nghề nghiệp chuyên môn, bằng cấp cao
- Nhiều danh vọng, nhiều tiếng tăm
- Sắc đẹp mỹ miều, duyên dáng
- Tài năng, khéo léo
b- Trong Phạm Vi Tôn Giáo:
* Về Giới Tu Sĩ
Có người cho rằng được coi là một tu sĩ có tư cách là người đó phải có:
- Ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng tín đồ
- Tu nhiều năm, hay có phẩm trật cao
- Biết chiều theo ý muốn của tín đồ ...
Thật ra những yếu tố nầy rất cần trong tôn giáo của những bậc lãnh đạo, nhưng không phải yếu tố để thẩm định tư cách và giá trị của con người. Bởi vì có người:
- Muốn có ảnh hưởng lớn trong quần chúng tín đồ đã bỏ ra một số tiền lớn để mua chuộc lòng người thì sao?
- Có những người tu nhiều năm, hay có phẩm trật cao, nhưng vẫn còn nhiều cố tật như: Sân hận ... thì sao?
- Có những người biết chiều theo ý muốn của tín đồ, nhưng kết quả để lợi dưỡng cho bản thân mà quên đi mục đích chính của bản thân mình là tu học và hướng dẫn người khác cũng tu học như chúng ta thì sao?
* Về Giới Tín Ðồ
Ðược coi là một tín đồ có tư cách là người đó phải biết:
- Cúng kiến, lễ bái, xem lễ, cầu nguyện nhiều
- Làm việc phước thiện, biết làm công quả, biết giúp đỡ nhiều người, biết bố thí kẻ nghèo, biết cúng dường các bậc tôn túc, biết phân biệt phải trái, trắng đen ...
Trong muôn ngàn quan niệm, ý kiến của muôn triệu người, nhưng tất cả đều nhằm giải quyết vấn đề, suy tư về câu hỏi:
           - Đâu là giá trị và tư cách chân thật của con người?
Thật sự nếu tiêu chuẩn qui định giá trị cũng như tư cách của con người là tiền tài, của cải, giàu sang thì những người nghèo sẽ bị khinh khi, chà đạp. Như vậy, trái ngược lại với tinh thần của đạo Phật, nhân phẩm con người không còn được tôn trọng, quyền con người không còn được bình đẳng.Những người nghèo thường mang mặc cảm tự ti, thấp kém, dễ tự ái, cho nên lúc nào cũng sẵn sàng phản ứng, đối phó khi thấy, nghe hoặc nghi người khác khinh dể mình. Đôi khi chưa thấy ai khinh dể mình, chỉ nghe thoang thoáng, nghe đồn đại, nghe phong thanh người khác khinh dễ mình, hoặc nghi người khác khinh dễ mình, thì chúng ta đã nổi giận đùng đùng, quát mắng ầm ĩ. Bởi vậy mới biết trong lòng mỗi người chúng ta ai ai cũng đều có tự ti mặc cảm, một ngọn hỏa diệm sơn đang ngủ ngầm trong tâm tư của mỗi người.
Tâm trạng của những người nghèo là như vậy.Chỉ cần một lời nói, cử chỉ, hay một ý nghĩ vô ý của người nào đó cũng có thể làm bùng nổ những cuộc tranh luận, những cuộc tranh chấp, những cuộc cãi vã giữa hai người, giữa hai nhóm người, giữa hai đoàn thể. Và như vậy thường dẫn đến chuyện ấu đả nhau.Hoặc con người tìm cách kiện tụng nhau, lôi nhau ra tòa nhờ phân xử. Trong khi đó những người nhiều tiền lắm bạc thường kiêu căng, ngạo mạn, phách lối, coi trời bằng nắp vung, dễ gây ác cảm, thù hận đối với mọi người. Những con người thừa tiền lắm của thường có thái độ:
- Mục hạ vô nhân
Nghĩa là:
- Dưới mắt của họ không có ai là người để cho họ kính trọng.
Những người như vậy họ nhìn đời bằng nửa con mắt, họ nhìn đời bằng cặp kính màu, dù rằng những tiền bạc và của cải của họ đang sở hữu, không có xuất xứ trong sạch, không có xuất xứ rõ ràng, không đáng để hãnh diện, khoe khoang, tự hào chút nào cả! Chính vì tiêu chuẩn qui định giá trị và tư cách của con người là tiền tài, của cải, giàu sang, gây nên hậu quả là nền đạo đức suy đồi, tranh chấp triền miên. Do vậy quả thật nếu:
a- Tiêu chuẩn qui định giá trị và tư cách của con người là quyền thế, địa vị, chức tước, phẩm hàm, danh giá, kiến thức, bằng cấp, tài năng, thì những con người sinh trong một gia đình nghèo sẽ bị khinh khi, chà đạp và không có cơ hội vươn lên để làm lại cuộc đời mới.Như vậy cũng trái ngược tinh thần nhân bản của Ðạo Phật. Nhân phẩm không còn được tôn trọng, quyền con người không còn được bình đẳng. Những ai là người không có quyền thế, địa vị, chức tước, phẩm hàm, danh giá, kiến thức, bằng cấp, tài năng, thường mang mặc cảm thấp kém dễ tự ái, cho nên lúc nào cũng sẵn sàng phản ứng, đối phó khi thấy, nghe hoặc nghi người khác khinh dể mình.
b- Tiêu chuẩn qui định giá trị của con người là bề ngoài sang trọng, đẹp đẽ, quí phái, hình tướng trang nghiêm, đạo mạo, uy nghi, thì những con người thuộc giới lao động sẽ bị khinh khi, chà đạp. Như vậy, cũng trái ngược với tinh thần tu học của đạo Phật. Nhân phẩm không còn được tôn trọng, quyền con người không còn được bình đẳng. Những con người không có cái dáng vóc bề ngoài sang trọng, đẹp đẽ, quí phái, đạo mạo, uy nghi, thường mang mặc cảm thấp kém, dễ tự ái, cho nên lúc nào cũng sẵn sàng phản ứng, khó chịu khi thấy, nghe hoặc nghi người khác khinh dể mình. Quả thật:
- Chính vì tiêu chuẩn qui định giá trị của con người là bề ngoài sang trọng, đẹp đẽ, quí phái, hình tướng trang nghiêm, đạo mạo, uy nghi, gây nên những mâu thuẫn tranh chấp triền miên.  
Chúng ta phải công nhận rằng các yếu tố, các căn cứ, các tiêu chuẩn qui định giá trị và tư cách của con người trên đây thường dẫn đến những xáo trộn, những vụ tranh chấp, vạch áo cho người ngoài xem lưng, vạch lá tìm sâu, nhục mạ, mắng nhiếc, chửi bới, bêu riếu lẫn nhau không tiếc lời.Đồng thời, các tiêu chuẩn qui định giá trị của con người trên đây cũng dẫn đến những phiền não và khổ đau trong tâm tư của tuyệt đại đa số con người trên thế gian này trong mọi hoàn cảnh.
Quả thật như vậy, tâm tư của một con người, chỉ cần nghe người nào đó chê mình nghèo, bất tài, ngu dốt, dù là chê trước mặt hay chê sau lưng, thì chúng ta cũng khó mà nhịn được.Đôi khi, chưa nghe trực tiếp người nào nói, chỉ cần nghe đồn, hay tưởng tượng người nào đó nói xấu mình điều gì đó, mình chẳng bao giờ bận tâm dành một phút để suy xét xem mình có thực xấu như người ta nói đó hay không, nhiều khi chưa kịp suy nghĩ phải trái gì hết, thì chúng ta đã nổi giận lên rồi. Có những người khá hơn, cho dù có nhịn được bề ngoài, làm tỉnh ngoài mặt, nhưng cũng khó lòng dẹp được những niệm sân, khởi lên trong tâm trí. Cho dù có dẹp được những niệm sân đó trong tâm trí hôm nay, nhưng sau này, mỗi khi nhớ lại cảm giác bị khinh chê đó, tâm trí cũng khởi những niệm sân, như thể câu chuyện mới vừa xảy ra vậy.Và khi không thể không phản ứng, không thể không viết bài đáp lại, nếu nhẹ thì đính chánh để thanh minh hành động của mình, nặng thì mạt sát. Tệ hơn nữa thì viết thư rơi, ném đá dấu tay, tuyên truyền rỉ tai, bươi móc đời tư của người cho đã cơn tức giận vô cùng vô tận trong lòng mình.
Nhiều người quan niệm, nếu không làm vậy, thì người ta cho là mình ngu, không biết gì cả.Vì thế mà nhất định phải làm tới, phải làm cho ra lẽ mới thôi. Có khi người ta thực sự không có ý ám chỉ mình, nhưng chúng ta cứ nhận bừa rằng họ ám chỉ mình, để rồi tự mình chuốc lấy phiền não và khổ đau, ngày ăn không ngon, đêm ngủ chẳng được. Lúc nào mình cũng nghi, cũng nghĩ, cũng tưởng tượng và cho rằng người ta luôn luôn chực chờ để chơi mình, đè mình xuống để nâng họ lên. Người ta luôn luôn muốn tìm dịp rình rập để hại mình.
Những tiêu chuẩn để thẩm định tư cách và giá của một con người mà chúng tôi vừa trình bày đó là theo quan niệm của xã hội. Tuy nhiên đối với người học Phật tư cách và giá trị con người không dựa vào những tiêu chuẩn:
- Nhiều tài sản, tiền bạc, của cải.
- Quyền thế, lắm chức tước, địa vị cao
- Kiến thức hiểu biết sâu rộng
- Nghề nghiệp chuyên môn, bằng cấp cao
- Nhiều danh vọng, tiếng tăm
- Sắc đẹp mỹ miều, duyên dáng
Ðó cũng là lý do mà chúng tôi thường khuyến khích:
- Chúng ta hãy đứng vững trên hai chân của chúng ta.
Chúng ta không nên cong lưng không uốn gối trước bất cứ một thế lực phi nhân đạo nào đó muốn áp đặt lên người chúng ta, mà là quý ở chỗ hiểu biết trong tinh thần của đạo từ bi. Chúng ta phải hành xử trong sự hiểu biết trong mọi tình huống, chẳng hạn như:
- Người ta có nói mình ngu, mình không ngu thì thôi. Nếu người ta nói chúng ta ngu, chúng ta tức giận lên, thì đúng là chúng ta ngu quá rồi.
- Người ta nói chúng ta làm bậy, chúng ta không có làm bậy thì thôi. Người ta nói chúng ta bậy, chúng ta lo sợ đi nhờ báo chí đính chánh, hóa ra chúng ta là người bá láp.
- Người ta nói chúng ta bị lọ dính trên mặt, chúng ta không có dính lọ trên mặt thì thôi, cũng không cần phải chạy tới chạy lui để kiếm nước rửa mặt. Làm như thế hoá ra chúng ta là người nghe sao tin vậy mà không phân biệt được đúng sai, phải trái, thì chúng ta quả là người hồ đồ.
- Người ta nói chúng ta bị mất uy tín. Nếu chúng ta đã không làm gì để đến độ mất uy tín mà cứ lo sợ thì hóa ra chúng ta không tin tưởng vào sự vững chãi của chính mình ...
Tư cách và giá trị của con người là ở chỗ nầy. Muốn có được cuộc sống an lạc và hạnh phúc, chúng ta đừng cố chấp, đừng quan tâm đến những lời nói vô nghĩa như trên.Lý do chúng ta không cần quan tâm đến chuyện ruồi bu như vậy bởi vì chúng ta chỉ có hai bàn tay, làm sao có thể bụm miệng cả thế gian. Thôi thì kệ họ muốn nói gì thì nói cho nó thoải mải. Người nói mà không gặp sự chống đối nào có lẽ họ cũng sẽ thoải mái, còn riêng về chúng ta thì cũng khỏe vì không có gì để bận lòng. Còn cố chấp thì trong đầu sẽ nặng nề khó chịu, nặng như bò kéo xe.
Trong thời Đức Phật còn tại thế, khi Ngài đi khất thực, có người đi theo sau quấy rầy, dùng đủ mọi lời thô tháo, mắng nhiếc, nhục mạ. Ngài vẫn thản nhiên bước đi trong chánh định, như không có chuyện gì xảy ra cả.Người đó thấy Đức Phật tiếp tục lặng thinh, nên tức giận quá, chặn đường và hỏi:
- Này ông Cồ Đàm, có nghe ta nói gì không, có chịu thua chưa?
Lúc đó, Đức Phật từ tốn nói bài kệ như sau:
           - Người hơn thì thêm oán
Kẻ thua ngủ chẳng yên
Hơn thua đều xả hết
           Giấc ngủ được an lành.
Một trường hợp khác, cũng có người chửi bới tương tự như vậy Ngài vẫn thản nhiên bước đi trong chánh định, như không có chuyện gì xảy ra cả.Người đó thấy Đức Phật tiếp tục lặng thinh, nên tức giận quá, chặn đường và hỏi:
- Này ông Cồ Đàm, có nghe ta nói gì không, có chịu thua chưa? Lần nầy Ðức Phật từ tốn hỏi lại:
- Nầy gia chủ, giả sử ông đem cho một người nào đó món quà, nếu người đó không nhận thì ông sẽ xử trí như thế nào về món quà đó.
Người nọ đáp:
- Ðem quà đi cho người ta, nếu người kia không nhận thì đem về.
Ðức Phật từ tốn bảo:
- Nầy gia chủ, cũng thế sự mắng nhiếc của ông, Như Lai không nhận, thôi thì ông đem về vậy.
Chúng ta không nên quan tâm đến chuyện hơn thua, không nên chấp những lời nói vô nghĩa, những câu văn, ngôn ngữ, những bài viết xuất phát từ lòng hận thù, ganh tị, đố kỵ, ghen ghét. Chúng ta hãy cứ để ai muốn nói gì cũng chẳng sao, ai muốn nghĩ gì cũng được, thì chắc chắn chúng ta sẽ không phiền não và khổ đau, ngày ăn cơm ngon lành, tối đến ngủ thẳng giấc. Chẳng hạn như khi chúng ta đi ăn tiệc, mãn tiệc ra về, chủ nhà gói quà biếu tặng, nhưng chúng ta không nhận, thì chủ nhà đương nhiên phải giữ món quà đó lại.
Cũng vậy, người đời thường tặng chúng ta những lời khen, tiếng chê đầu môi chót lưỡi, chúng ta không nhận, thì chẳng ảnh hưởng gì, trong giấc ngủ sẽ được an giấc ngủ.Nếu nhận lời khen, dù biết là không đúng, thì cũng khoái chí quá ngủ chẳng được.Nhận tiếng chê, dù biết là đúng, thì cũng bực dọc, bực bội, tức quá tất nhiên ngủ cũng không được.Như vậy, chúng ta không những nhận vào tâm thức những lời khen, tiếng chê, còn quyết tâm sống để dạ chết mang theo, thì chúng ta quả thật không phải là người trí.Phải biết rằng có người nói lời khen, tiếng chê xong rồi họ về nhà quên mất, ngủ thẳng cẳng. Còn chúng ta cứ nhớ mãi, không những nhớ mãi mà còn đem san sẻ chia sớt cái tâm thần bất an vì những lời khen, tiếng chê đó cho những người thân trong gia đình, vợ chồng con cái, để rồi mỗi người mất ngủ vài đêm giống như mình vậy, thì quả thật chúng ta là người ăn không ngồi rồi, chỉ thích làm những chuyện ruồi bu, trong khi đó lại làm biếng làm nhát trong vấn đề tu học, trong việc tu tâm dưỡng tánh của chúng ta.
Nói tóm lại, trong tinh thần của người học Phật, Tư cách của một con người không căn cứ vào:
- Nhiều tài sản, tiền bạc, của cải. Bởi vì tài sản, tiền bạc, của cải như chúng ta đã thấy có rất nhiều người tiền rừng bạc biển nhưng qua cuộc đời thay đổi, rồi thì tay trắng lại hoàn trắng tay.   
- Quyền thế, lắm chức tước, địa vị cao như một tổng thống Hoa Kỳ ông Reagan, vào những ngày cuối của cuộc đời, ông sống trong mê sảng không biết gì hết cho đến ngày tạ thế.
- Kiến thức rộng, hiểu biết sâu rộng, như lắm chức tước, địa vị cao, như chúng ta đã thấy có rất nhiều người cũng đã từng lên voi xuống chó rồi thì mèo cũng lại hoàn mèo.
- Sắc đẹp mỹ miều, duyên dáng như cô ca sĩ Cẩm Nhung tại Việt Nam ngày xưa bị tạt Acid rồi cũng trở thành người tàn phế
Nói như vậy giá trị và tư cách của một con người không căn cứ vào:
- Tài sản, tiền bạc, của cải.
- Quyền thế, lắm chức tước, địa vị cao
- Kiến thức rộng, hiểu biết sâu rộng
- Nghề nghiệp chuyên môn, bằng cấp cao
- Nhiều danh vọng, nhiều tiếng tăm
- Sắc đẹp mỹ miều, duyên dáng
Mà là căn cứ vào:
- Sự hiểu biết của mỗi con người.
Thực ra trên phương diện tôi luyện để trở thành người có tư cách và gương mẫu cũng có nhiều khía cạnh để chúng ta căn cứ, tuy nhiên trong phạm vi bài viết nầy xin được giới hạn trong phạm vi hiểu biết, bởi vì có hiết biết thì chúng ta mới biết được chúng ta phải hành xử như thế nào cho đúng. Nói về quan điểm hiểu biết, theo nhà văn Arabic Apothegm nói người ta có bốn loại:
- Kẻ không biết gì mà không tự biết mình là không biết, thì anh ta là thằng điên. Những người ấy chúng ta nên tránh xa.
- Kẻ không biết gì và tự mình không biết gì, anh ta là người chất phác. Những người như vậy, chúng ta nên dạy họ.
- Kẻ biết mà không biết mình biết, là anh ta đang ngủ mê. Những người như vậy chúng ta hãy đánh thức anh ta dậy.
- Kẻ biết và tự biết mình biết, thì anh ta là một người khôn ngoan. Những người như vậy chúng ta hãy theo họ để học hỏi những điều cần thiết trong cuộc sống.
Ðó là tiêu biểu bốn hạng người trong nhân loại, tuy nhiên nếu chúng ta là người biết rành mạch về bốn hạng người trong thiên hạ, thì chúng ta là người biết của những người biết trong thiên hạ, hay là bậc thầy của những bậc thầy trong thiên hạ. Nếu thực sự chúng ta biết được, hiểu được và thực hành được như vậy, thì chắc chắn chúng ta là người có đủ tư cách của con người, chúng ta là người không có phiền não và khổ đau, chúng ta sẽ sống cuộc đời an lạc và hạnh phúc ngay trên thế gian đầy tranh chấp này.
--o0o--