TẬP SAN DƯỢC SƯ

Nguồn Gốc Của Hận Thù
Ngọc Liên
---o0o---
 
Như chúng ta đã biết, trong cuộc sống gia đình, hay trong bất cứ một đoàn thể nào, thông thường nguồn gốc của sự tranh chấp, nghi kỵ, thù hận lẫn nhau tất cả đều nằm ở cách đối xử của chúng ta trong đời sống hàng ngày của mỗi cá nhân mà ra. Hay có tính cách rộng lớn như trong một quốc gia nào đó, sự tranh chấp hận thù có vẻ phức tạp hơn, nhưng không ngoài việc tranh giành ảnh hưởng thương trường để mưu cầu quyền lợi.
Nếu biết nhìn sâu vào hoàn cảnh của từng trường hợp, chúng ta sẽ thấy được gốc rễ của sự mâu thuẫn lẫn nhau không khó khăn cho lắm. Do vậy mà người học Phật, chúng ta không nên kết luận vội. Chúng ta không nên đơn giản trách cứ, lên án cá nhân nầy hay cá nhân kia, cũng không trách cứ bên này hay bên kia, mà chúng ta phải tìm hiểu những u ẩn, những nỗi khổ đau và sợ hãi của cả hai phía, đồng thời vượt lên trên tranh chấp phe phái mà tìm cách hòa giải.
Lúc chúng ta đã hiểu được nỗi khổ đau của phía bên này và phía bên kia thì khi đóng vai trò hòa giải trong mọi tranh chấp, chúng ta có thể giải thích cho những người của cả hai bên nghe biết thì tình trạng chắc chắn không đến nỗi bi thảm.Điều chúng ta cần phải làm là chúng ta tạo sự liên lạc cả hai bên, muốn làm như vậy, chúng ta phải cần những cây cầu thông cảm.Công trình thiết lập cây cầu thông cảm nầy bắt đầu từ nơi bản thân của chúng ta. Trước và trên hết là:
1- Tâm Hòa Bình
Tâm chúng ta có hòa bình thì việc thiết lập nhịp cầu thông cảm mới có cơ hội thành công nhiều. Bởi vì khi tâm chúng ta hòa bình, thì khi gặp những khó khăn, chúng ta sẽ biết phải làm gì để giải quyết vấn đề cho êm đẹp. Dù là vấn đề trong gia đình hay ngoài xã hội, thì cách giải quyết vẫn giống nhau, có nghĩa là tâm hòa bình là cần thiết.
2- Sự Liên Hệ
Muốn tạo một sự quan hệ giữa những người có cùng một huyết thống điều đó rất dễ, nhưng cũng rất khó đối với những người không cùng chung máu mủ với mình. Bằng cách nầy, theo nguyên tắc thiền quán, chúng ta hãy nhìn vào chiếc lá của mùa Thu thì sẽ rõ. Quả thật như vậy, chúng ta hãy nhìn vào những chiếc lá trong vườn Thiền Chùa Dược Sư. Đây là thời điểm của mùa Thu, cho nên chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những chiếc lá trên cành đã chuyển sang màu vàng tươi rất đẹp đang đong đưa theo chiều gió. Bình thường chúng ta cứ nghĩ rằng có cây rồi mới sinh ra lá, do vậy cây là mẹ của lá, nhưng nếu chúng ta thực tập cái nhìn theo phép thiền quán sau một hồi ngắm nhìn chiếc lá, chúng ta sẽ thấy rằng lá cũng là mẹ của cây. Bởi vì như chúng ta biết, thông thường rễ cây hút thức ăn để nuôi cây từ nước và khoáng chất trong lòng đất, nhưng những loại thức ăn nầy không đủ để nuôi sống cây nên cây phải tạo sự hợp tác của ánh sáng mặt trời và không khí, qua sự liên hệ của những chiếc lá. Do nhờ sự hợp tác nầy mà chiếc lá biến chế năng lượng mặt trời và không khí thành những dinh dưỡng có khả năng nuôi sống cây. Vì vậy mà chúng ta có thể nói lá cũng là mẹ của cây. Chiếc lá được gắn vào cây bởi một cái cuống, cho nên chúng ta thấy được dễ dàng sự liên lạc của hai bên.
Tương tự sự quan hệ con người chúng ta cũng vậy, khi còn là một bào thai ở trong bụng mẹ, chúng ta được liên hệ với mẹ bằng cuống nhau, chính nhờ cái cuống nhau đó mà thức ăn và dưỡng khí được đưa vào bào thai. Khi sinh ra, người ta cắt mất cái cuống đó, và điều này cho ta cái ảo tưởng là ta được độc lập tự do, không còn bị lệ thuộc vào mẹ nữa. Thật ra ta vẫn là con của mẹ cho dầu là chúng ta có trưởng thành và bao nhiêu tuổi đi nữa cũng vẫn là con của mẹ, và không những chúng ta chỉ có một người mẹ, mà ta có rất nhiều mẹ. Có nghĩa là ngoài bà mẹ đã sanh chúng ta, thì nơi mà chúng ta đang sinh sống cũng là mẹ của chúng ta, có tính cách rộng lớn hơn trái đất cũng là mẹ của chúng ta. Do vậy người ta thường gọi nơi chôn nhau cắt rốn là đất mẹ, hay đất nước của chúng ta là mẹ và đó cũng là lý do chúng ta cứ gọi Việt Nam là mẹ Việt Nam.
- Anh ơi anh ơi trời Việt Nam đau khổ
Mẹ Việt nức nở
Mẹ Việt Nam muôn thuở
Giữ trong lòng cho tròn tình quê.
Anh ơi cho dù anh trở về quê hương
Hoặc còn tha phương xin anh còn giữ vẹn câu thề
Dù gió mưa về vẫn một lòng yêu mến quê
Mình thương nhau trong lời
Thương nhau trong đời yêu nước Việt mà thôi
Quê cũ mừng vui.
Và như vậy, cuộc sống của chúng ta cũng được gắn liền vào trái đất bởi rất nhiều cái cuống. Chẳng hạn như:
- Mây là cái cuống gắn liền chúng ta với đất mẹ.
Bởi vì nếu không có mây, không có mưa thì không có nước cho chúng ta uống. Chúng ta được tạo thành bởi bảy mươi phần trăm nước, vì vậy ta và mây cũng được gắn vào nhau. Chúng ta còn được gắn vào với rất nhiều thứ khác, với rừng xanh, với bác tiều phu, với bác nông dân, không thiếu gì hết. Cả vũ trụ dang tay nuôi nấng ta, bảo bọc chúng ta, điều đó quá hiển nhiên. Nếu những ai chưa thấy được như vậy, quý vị cứ nhìn sâu thêm thì sẽ thấy.
Tâm lý thông thường của con người ai cũng thích có phe có đảng, và chúng ta thường bênh vực phe bị áp bức. Để bênh vực cho phe bị áp bức, chúng ta thường tranh đấu bằng cách la ó phẫn nộ để phản đối, ít khi chúng ta chịu vượt lên trên những tranh chấp để nhìn cho rõ, như một bà mẹ nhìn đàn con đang đánh nhau.Tục ngữ Việt Nam có câu:
- Gà một nhà bôi mặt đá nhau.
Bôi mặt đánh đấm nhau chỉ vì chúng ta bôi mặt nên mới không thấy rõ nhau, tưởng người kia là người lạ. Vì vậy ta mới thẳng tay đánh đấm vào người kia. Chỉ khi nào chúng ta thấy được mọi người là anh em một nhà, mỗi người là một phần của thân thể thì ta mới có thể nhìn nhau bằng con mắt yêu thương, mới có thể hòa giải. Do vậy trong cuộc đời, chúng ta phải tự nhủ là mình may mắn khi ta gặp được những người biết yêu thương. Từ con người cho đến cả loài vật và cây cỏ đó là Thầy tổ đạo bạn cùng nhau học đạo giải thoát, mà qua đó có những người dù sống trong an bình vẫn không quên hàng triệu người đang đói khổ, bệnh tật. Những người đó đã thấy được sự liên hệ mật thiết của mọi loài mọi sự với nhau. Những ai đã làm được như vậy là đã thực hiện được hai yếu tố:
- Tâm hòa bình
- Sự quan hệ mật thiết của nhau.
Chỉ có hai yếu tố nầy chúng ta mới hết bôi mặt để đá nhau, mới thấy rõ chúng ta là anh em, là một phần của thân thể. Và lúc đó chúng ta sẽ nhìn nhau mà nói rằng:
- Tôi là em của anh. Tôi là chị của em. Chúng ta đều là con người. Chúng ta chỉ có một cuộc sống.Chúng ta là con một nhà.
Như vậy chúng ta phải chuẩn bị tâm lý khi sự cố xảy ra, chúng ta phải biết nguồn gốc của những khúc mắt, của sự hận thù khi chúng ta gây tổn thương cho người khác và khi họ trở thành kẻ thù của ta. Người đó có thể là một người thân trong gia đình, hay là một người bạn láng giềng nào đó .....  
Thật ra chúng ta chẳng cần phải làm gì nhiều, chỉ cần thực hiện:
- Điều trước tiên là ta phải có thì giờ để xin lỗi.Nhiều khi không cố tình làm cho người khác buồn và giận, nhưng vì thiếu chánh niệm hoặc vì vụng về nên chúng ta đã làm thế. Cho nên chánh niệm rất cần thiết trong đời sống hằng ngày. Có chánh niệm chúng ta sẽ tránh được những lầm lỡ trong khi nói và làm.
- Điều thứ hai là phải biết chuyển phần rác thành hoa trong con người chúng ta. Khi chúng ta trở nên nhẹ nhàng, tươi mát và dễ thương, người kia từ từ rồi sẽ thấy và sẽ hiểu rằng chúng ta đã thay đổi. Lúc đó chúng ta chẳng cần nói gì thêm, thì người kia cũng đã thấy và đã tha thứ cho ta ngay. Cho nên hãy nói bằng chính cuộc sống của chính mình chứ không chỉ bằng lời nói.
Thực hiện được như thế thì khi thấy được bất cứ một ai đang đau khổ là chúng ta đã bắt đầu có sáng suốt, thấy được nguồn gốc của khúc mắc hận thù. Và khi trong tâm chúng ta nảy nở ý muốn làm vơi bớt nỗi khổ, giải tỏa những khúc mắc của người kia là chúng ta bắt đầu có tình thương chân thật. Nhưng hãy cẩn thận, vì đôi khi chúng ta tưởng là việc làm của chúng ta đã vững vàng rồi. Muốn biết chắc, chúng ta nên tìm đến người kia, nghe người kia nói thì chúng ta mới biết rõ là chúng ta đã thật sự thương người kia hay chưa.Nếu chỉ nghĩ rằng mình đã hiểu và thương người kia thì đôi khi đó chỉ mới là sự tưởng tượng.
Phải nhớ rằng, giải tỏa những khúc mắc không có nghĩa là thiếu lương thiện. Nếu còn có tham vọng, còn có chủ tâm chia phe chia nhóm thì đó không phải là hòa giải. Phần lớn chúng ta vẫn còn muốn theo phe này hay phe kia thì tất nhiên sẽ có tranh chấp. Chúng ta vẫn còn thiên lệch, phán đoán, đúng, sai, căn cứ trên những tin đồn nhiều khi thất thiệt, thì đó là cách vẫn còn muốn nuôi dưỡng căm thù để làm động lực hành động chia rẽ xâu xé lẫn nhau.Xã hội này không thiếu những người sẵn sàng lao mình vào hành động để quậy phá chỉ vì người khác không làm theo ý muốn của mình.Vì thế xã hội này cần những người có từ tâm, không phe phái, thấy được sự thật một cách toàn diện. Khi nào chúng ta thấy sự đói khổ của con người là sự đói khổ của chính bản thân mình, thì khi ấy chúng ta mới hiểu được thế nào là tình thương không phân biệt.Lúc ấy chúng ta mới thao thức tìm đủ mọi cách để làm vơi bớt nỗi khổ của muôn loài.Bởi vì chúng ta biết đau khổ là chất liệu của tình thương. Có tiếp xúc với những khổ đau trong trong cuộc đời, chúng ta mới có thể chữa lành những khổ đau riêng mình, và của người khác, những khổ đau từ một đời sống hời hợt, thiếu ý nghĩa. Vì thế khi phải đối diện với chết chóc, với thương tích, chúng ta mới nhận ra rằng chúng ta có thể là nguồn an ủi cho những kẻ đang khổ đau, và có thể giúp họ bằng tình thương, bằng niềm vui thật sự. Cho nên ngay giữa những khổ đau tột cùng, giữa những gian lao nguy hiểm, chúng ta vẫn thấy có một niềm vui lớn khi hiểu được rằng thế nào là thực tập tình thương.
Tu học là thực tập để tiếp xúc. Đôi khi không cần phải đến tận nơi có khổ đau mới tiếp xúc được. Ta chỉ cần ngồi yên một chỗ, theo dõi tình hình đang xảy ra khắp nơi trên thế giới là ta có thể hiểu và thấy được tất cả. Chúng ta để tâm đến mọi việc xảy ra chung quanh, nên chúng ta có thêm hiểu biết, yêu thương và có thể bắt tay hành động ngay tại nơi chúng ta ở mà chẳng cần phải đi đâu xa.
Ý thức được những gì đã và đang xãy ra trong bản thân và bên ngoài, chúng ta mới có thể bước vào một thế giới bao la rộng lớn hơn. Để có thể xác định được nguồn gốc của hận thù, đồng thời có thể chuyển những ngôn từ văn chương, những khái niệm trườu tượng thành sức sống và sức mạnh, chúng ta cũng cần thêm một số chỉ dẫn căn bản để có thể giúp chúng ta chọn một lối sống thích hợp trong thế giới văn minh hiện tại.Có mười điều căn bản:
01- Không được yên trí rằng những kiến thức mình hiện có là những chân lý bất di bất dịch, như thế để tránh sự trở thành bảo thủ và hẹp hòi. Phải học thái độ cởi mở để đón nhận quan điểm của kẻ khác. Chân lý chỉ có thể thực chứng trong sự sống mà không thể tìm kiếm trong kiến thức và khái niệm. Vì thế cho nên chúng ta phải nguyện suốt đời là một người đi tìm học và phải thường trực quán sát sự sống nơi chính mình và nơi cuộc đời.
02- Không được ép buộc người khác, theo quan điểm mình, bằng cách dùng:
- Uy quyền,
- Sự mua chuộc,
- Sự dọa nạt,
- Sự tuyên truyền và giáo dục nhồi sọ.
Chúng ta phải tôn trọng sự khác biệt của kẻ khác và sự tự do nhận thức của họ. Tuy nhiên nên dùng những phương tiện đối thoại ái ngữ và bất bạo động để giúp người khác cởi bỏ cuồng tín và cố chấp.
03- Không được trốn tránh thực tại khổ đau, nhắm mắt trước khổ đau và đánh mất ý thức về khổ đau của cuộc sống.
04- Không được giữ tâm sân hận và oán thù. Hãy học cách quán chiếu và chuyển hóa những hạt giống của sân hận và oán thù khi những hạt giống này còn chưa phát khởi trên ý thức. Khi tâm niệm sân hận và oán thù đã phát khởi, thì hãy quán chiếu về bề sâu để thấy được bản chất của tâm niệm sân hận và oán thù của mình và cũng để thấy được tự tánh và hoàn cảnh của những người đã gây lên tâm niệm sâu hận và oán thù ấy. Nên lấy con mắt từ bi để nhìn mọi người và mọi loài.
05- Không được nói và làm những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong đoàn thể và có thể làm tan vỡ đoàn thể. Phải sử dụng ái ngữ và hành động hòa giải để giúp giải quyết những vụ bất hòa dù lớn, dù nhỏ.
06- Không được nói dối để mưu cầu tài lợi và sự kính phục của người khác. Không được nói những lời gây chia rẽ, căm thù. Không được loan truyền những tin mình không biết là có thực. Không được phê bình và lên án những điều mình không biết chắc. Phải nói những lời chân thật và có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Phải có can đảm nói ra sự thực về những tình trạng bất công, dù hành động này có thể mang lại những đe dọa cho sự an nguy của mình.
07- Không được sống theo tà mệnh. Không được sinh sống bằng những nghề nghiệp có thể gây tàn hại cho con người và thiên nhiên. Không được đầu tư vào những doanh nghiệp chuyên làm lợi cho một nhóm người trong khi tước đoạt môi trường và cơ hội sinh sống của những nhóm người khác. Nên chọn một nghề có thể giúp mình thực hiện được lý tưởng từ bi cứu khổ của đạo Phật.
08- Không được giết hại sinh mạng, không được tán thành sự chém giết. Phải tìm mọi cách có thể để bảo vệ sinh mạng, ngăn chận chiến tranh, xây dựng hòa bình
09- Không được lấy làm tư hữu những tiền bạc và của cải không phải của mình tạo ra. Phải biết ngăn ngừa những kẻ tích trữ và làm giàu bất lương không kể gì đến sự đau khổ của những kẻ bị áp bức và thua thiệt.
10- Không được đối xử với thân thể mình một cách khinh xuất. Phải biết bảo trọng thân thể mình, xem thân thể mình là hiện thân của cha mẹ tổ tiên giòng họ huyết thống của mình. Phải học bảo tồn tinh, khí và thần để có thể có đủ năng lực hành đạo.
Đó là mười điều căn bản hết sức là cần thiết. Thực tập được mười điều căn bản chúng ta sẽ thấy rõ nguồn gốc của mọi khổ đau hận thù, lúc đó chúng ta sẽ không còn lên án nhau, trách móc nhau nữa mà có thể sống thương yêu và hài hòa với nhau như một dòng sông cùng nhau đi ra biển.
Hành trình của một dòng sông đi ra biển, khởi đầu là một thát nước rất đẹp chảy qua núi đồi và đồng cỏ xanh tươi. Dòng sông trôi chảy rì rào qua những ghềnh đá, tung tăng từ trên núi xuống đồng bằng. Xuống đồng bằng, dòng sông chảy chậm lại, và lượn quanh co theo ven đồi và bờ lúa, mặt nước trong xanh êm mát trông rất đẹp. Tùy theo nơi khởi nguồn của dòng sông cách biển cả xa hay gần, thời gian có bao lâu cũng thế, điều đó không quan trọng đối với dòng sông, vì nhiệm vụ của dòng sông là cùng nhau chuyên chở, hài hòa để đi về biển cả. Những nơi dòng sông đi ngang qua có khi ban ngày, có khi ban đêm. Lúc ban ngày dòng sông đón nhận ánh nắng chói chan khi mặt trời lên, có khi bị che phủ bởi những mây thưa hay dày đặc, Và ban đêm đón nhận bầu trời xanh thẳm có khi lấp lánh những vì sao vào những đêm không trăng, có khi tiếp nhận ánh sáng mát dịu vào những đêm trăng sáng. Vào những đêm trăng sáng dòng sông mở rộng lòng đón mặt trăng rằm, mặt trăng tròn tròn vành vạch và sáng rực rỡ như một viên bảo châu trong dòng nước trong vắt. Có một bài kệ miêu tả hình ảnh đẹp đó:
- Bồ tát Thanh Lương nguyệt
Thường du tất cảnh không
Chúng sanh tâm cấu tịnh
Bồ đề ảnh hiện trung
Nghĩa là:
- Bồ Tát vầng trăng mát
Đi ngang trời thái không
Hồ tâm chúng sanh lặng
Phật hiện bóng trong ngần.
Dòng sông trong vắt đã làm hiện rõ bóng trăng và trăng đã cùng mây nước dắt tay nhau cùng đi về biển cả.Qua câu chuyện dòng sông, chúng ta thấy không có gì để chúng ta phải chạy đuổi kiếm tìm.Chỉ cần trở về với mình, trở về với nụ cười, trở về nơi mình ở, đặc biệt là khung trời Chùa Dược Sư. Nơi Chùa Dược Sư lúc nào cũng có những bông hoa tươi mát, chim hót và nắng ban mai.Đẹp như vậy thì chắc chắn không còn có nơi nào đẹp hơn nữa.Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải tu học, thực tập nhiều hơn nữa để đối diện với những khổ đau của chúng ta. Bởi vì đau khổ không phải là không có ích, mà điều quan trọng là chúng ta phải biết sử dụng khổ đau thế nào để có lợi cho ta và cho người khác.
Có thể nói rằng thế kỷ thứ hai mươi là thế kỷ có quá nhiều khổ đau với hai cuộc đại chiến tàn khốc, những trại tập trung thời Đức Quốc Xã, những cuộc thảm sát ở Cam Bốt, những trận đói lớn, những cuộc di tản từ Việt Nam, Trung Mỹ, và nhiều nơi khác dân chúng cũng bỏ nước chạy trốn không biết về đâu. Cho nên chúng ta phải dùng những khổ đau của thế kỷ hai mươi làm phân bón những cây hoa được mọc lên trong thế kỷ hai mươi mốt.Khi chúng ta thấy những hình ảnh thảm khốc tại những trại tập trung của Đức quốc xã, những cánh đồng đầy dẫy những đầu lâu ở Cam Bốt chúng ta phải rùng mình sợ hãi:
- Không bao giờ chúng ta nhúng tay vào những công việc tương tợ.
Chúng ta phải dùng tất cả những kinh nghiệm đau thương này làm phân bón cho đất đai tương lai được màu mỡ, cho thế kỷ hai mươi mốt có nhiều hoa thơm cỏ lạ.Chúng ta phải luôn luôn thực tập và nhận trách nhiệm phần nào về những thịnh suy của nhân loại. Khi đã biết nhận một trách nhiệm như vậy, chúng ta nên cùng nhau sám hối, nguyện cầu để thế hệ tương lai tránh được những lỗi lầm cũ, và biết chọn một đời sống tỉnh thức hơn. Một trong những yếu tố cần phải được vun trồng tưới tẩm cho giới trẻ của thế kỷ hai mươi mốt là phải hướng dẫn các em biết chấp nhận sự khác biệt giữa các nền văn hóa.  Và yếu tố thứ hai là khả năng nhận diện được sự có mặt của những khổ đau, có những khổ đau quá vô ích trong xã hội hiện nay.
Nếu chúng ta thực tâm muốn học hỏi với nhau, chúng ta nên ngồi lại với nhau để kiểm điểm những lỗi lầm cũ. Với hiểu biết và thương yêu, chúng ta có thể mở một con đường sáng và hiến tặng một khu vườn hoa tươi đẹp cho nhân loại, cho thế kỷ thứ hai mươi mốt.
Nói tóm lại, chúng ta phải thấy cho được mọi gốc rễ của mọi khổ đau của chính mình, của người khác, của kẻ xa người gần, để chúng ta có thể vượt lên trên mọi sự tranh chấp, cùng nhau sống hài hòa, cũng nhau đi về biển cả như một dòng sông, lúc đó chúng ta có đủ thời gian tâm tư để cùng người cùng ngắm đồng cỏ xanh tươi, những đồng lúa tươi mơn mởn, ngắm những đoá hoa nhỏ mọc trên cỏ. Rồi nhìn trời cao, thở và mỉm cười. Bằng cách đó, chúng ta dạy cho bản thân, cho con em chúng biết sống an lạc, biết thưởng thức những vẻ đẹp xung quanh, và không cần phải chạy đuổi theo một cái gì khác.
Hạnh phúc ở trong tầm tay của chúng ta, trong từng phút giây, trong từng hơi thở, trong từng bước chân.Chúng tôi rất vui khi đã được cùng với độc giả nói chuyện đạo, và trong tương lai sẽ cùng với quý vị vượt qua chặng đường dài của luân hồi sanh tử. Chúng tôi mong là quý vị cũng vui, để cùng nhau làm một cái gì đó cho khoảng đời còn lại của chúng ta.  
--o0o--