TẬP SAN DƯỢC SƯ

Tự Do Trong Hiểu Biết
Trúc Giao
--o0o--
 
Hai chữ tự do đó là một từ ngữ rất quen thuộc, và trạng thái của tự do rất là êm đềm, rất dễ thương, ai nghe nói đến tự do đều cũng thích. Bất cứ mọi người dân nào, sống trên thế giới và trong các quốc gia nào đi nữa ai cũng thích tự do. Chúng ta là một trong những người may mắn đến xã hội tự do như ở Hoa Kỳ, một xã hội được tôn trọng tự do về tinh thần, tự do về vật chất, tự do về mọi khía cạnh. Có thể nói tất cả chúng ta có mặt trên cõi đời này, ai cũng muốn mình có đầy đủ tiện nghi về vật chất, cơm no áo ấm, và tất cả chúng ta ai cũng đều yêu thích tự do, vì thế mà chúng ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bảo vệ sự tự do trong cuộc sống của mình.
Như có lần đã nói, hai chữ tự do ai cũng nghe, ai cũng biết, ai cũng thích sống tự do, làm việc tự do, hành động tự do ... Vì hiểu tự do như thế, chúng ta cho là điều ấy quá dễ dàng. Nhưng nếu suy nghĩ thêm một chút, chúng ta thấy tự do là vấn đề thực sự không đơn giản chút nào cả. Mặc dầu đã nhiều người biết tới, nhiều người nhắc tới và nhiều người mến mộ, nhưng sự tự do và ý nghĩa của chữ tự do, cho đến bây giờ vẫn còn có rất nhiều tranh cãi và lập luận khác nhau về cái gọi là tự do trong cuộc sống.ÕBởi lẽ, cho dù nền văn minh nhân loại đã tiến bộ rất xa so với mấy chục năm về trước, nhưng khắp mọi nơi trên thế giới con người vẫn giữ những nhận thức, khái niệm khác nhau về sự tự do. Và có lẽ mãi mãi sẽ không bao giờ đạt đến một nhận thức chung, hay một định nghĩa khái quát có thể phù hợp cho tất cả mọi người. Vì thế mà có một triết gia đã từng nói:
- Bên này chân núi Hy Mã Lạp Sơn là chân lý
Bên kia chân núi Hy Mã Lạp Sơn là sai lầm.
Nghĩa là:
- Ðúng hay sai, tốt hay xấu, nên hay không nên làm, tất cả còn tùy theo sự quy định của mỗi nền văn hóa, phong tục, tập quán của mỗi địa phương của mỗi quốc gia đó.
Có những điều chúng ta cho là thích hợp với quốc gia của mình, nhưng có những cái chúng ta thấy không được. Chẳng hạn như nói về đạo hiếu. Như ở Việt Nam đối với người con là phải hiếu kính với cha mẹ. Khi cha mẹ còn thì sớm hầu tối viếng, nuôi dưỡng hết lòng, khi quá vãng thì lo lắng làm phước, hồi hướng cầu nguyện thì gọi đó là hiếu. Nhưng có những dân tộc ở trên thế giới, đạo hiếu của họ không phải vậy, mà là người con có hiếu đương nhiên phải nuôi dưỡng hết lòng, nhưng họ nuôi dưỡng đến một độ tuổi nào đó họ cho cha mẹ mình lên một cây thật cao, ở dưới họ đào một cái lỗ thật sâu rồi đốt lửa lên. Khi cha mẹ leo lên đó rồi những người con ở dưới gốc rung cây. Nếu là cha hoặc mẹ mà rơi xuống thì lửa cháy luôn, nhưng sau một thời gian ấn định mà cha mẹ không rớt xuống, còn bám được trên cây nghĩa là còn khỏe mạnh thì đem về tiếp tục nuôi, hành vi đó gọi là hiếu. Như vậy chúng ta thấy quy định của mỗi phong tục, văn hóa, tập quán của mỗi địa phương có khác nhau, cho nên nói về hiếu kính cũng khác nhau. Về các khía cạnh khác cũng vậy.
Nói về tự do, vì là mỗi quốc gia, mỗi phong tục, mỗi văn hóa tập quán khác nhau, cho nên khái niệm về tự do cũng khác nhau. Biết như vậy thì chúng ta không cần thiết phải đau đầu với những khái niệm khác nhau về tự do trên thế giới. Nhưng nếu muốn chúng ta vẫn có thể tìm hiểu để biết, bởi vì đó là điều hoàn toàn có thật chứ không phải bịa đặt, không phải chỉ nói suông. Chỉ cần phân tích ngay trong những cách sinh hoạt của cuộc sống hiện tại, chúng ta cũng có thể thấy được điều này. Chẳng hạn như khái niệm về tự do của chúng ta và cha hoặc mẹ cũng đã có rất nhiều điểm không giống nhau, có những điều chúng ta nghĩ nó không quan trọng, nhưng mà đối với cha mẹ thì nói là quan trọng. Như một người con gái, tuổi vừa mới lớn thích đi ra ngoài đường ban ngày hay ban đêm, chính bản thân chúng ta thấy không có gì trở ngại cả, nhưng những người làm cha mẹ thì cho đó là không an toàn. Ngược lại, có những điều mà cha mẹ nghĩ nóÕkhông có hại nhưng đối với những người khác họ nói rằng có hại. Có những việc chúng ta cho là hoàn toàn hợp lý để tự do thực hiện, nhưng cha hoặc mẹ chúng ta lại cho là không đúng, không nên và cần phải ngăn cấm hoặc đặt ra những giới hạn nhất định. Đó là nói giữa cha mẹ và con gái thôi, cũng đã thấy mọi sự khác biệt với nhau rất lớn. Tương tự với các anh, chị, hay Thầy dạy học cũng vậy, khi thấy có những cách hành xử như vậy thì cho là không được, nhưng đối với chúng ta thì cho đó là không quan trọng.
Ở ngoài cuộc sống thế tục thì như vậy, nhưng trong đạo nhiều khi còn có cách hành xử nghiêm túc hơn, do vậy nhiều khi có những cách hành xử chúng ta nghĩ là không liên quan gì tới ai hết, cho nên chúng ta cứ tha hồ hành xử theo kiểu cách chúng ta muốn, nhưng thầy dạy đạo bảo như vậy không được ... Chính vì thế có đôi lúc chúng ta cảm thấy băn khoăn, kể cả khó chịu về sự giới hạn, hay bị bắt buộc không cho thực hiện cái gọi là tự do như chúng ta hiểu. Vì hiểu vấn đề tự do theo ý nghĩ của cá nhân, đôi khi chúng ta cảm thấy rất khó chịu, hoặc thậm chí cho rằng những nhắc nhở, cấm đoán bị xâm phạm nếu có ai đó ngăn cản giới hạn sự tự do của chúng ta. Rất có thể chúng ta sẽ nghĩ là những ai đó ngăn cản, hay giới hạn việc làm của chúng ta, đó là hành động của lòng ganh tỵ, hiểm ác. Nhưng thực ra trong cuộc sống này chưa bao giờ có sự tự do mất trật tự như vậy cả!  
Nên nhớ là chúng ta muốn là một lẽ, nhưng mà đối với những người lớn có thẩm quyền họ có bằng lòng cho chúng ta làm hay không đó là một vấn đề. Như chúng ta đã biết, ý muốn của mỗi người, thông thường luôn luôn có thể tạo ra những xung đột, mâu thuẫn với người khác, và do đó phải có những nguyên tắc, những hạn chế được đặt ra để đảm bảo một sự tự do chung cho tất cả mọi người trong một gia đình, một tổ chức, một cộng đồng, một quốc gia. Quả thật, như khi nói về tự do trong phạm vi gia đình, người vợ nghĩ rằng mình có quyền tự do muốn làm gì thì làm, cho nên có quyền đi cả ngày lẫn đêm, và làm tất cả những gì mà người vợ thích ... Đó là quyền suy nghĩ của người vợ, nhưng trên thực tế không có một người chồng nào chấp nhận cho vợ đi kiểu đó cả. Ngược lại nếu người chồng nghĩ là mình có quyền tự do, nên muốn ăn lúc nào thì ăn, muốn làm gì thì làm hoặc đi lúc nào thì đi vợ con không có quyền ngăn cản ... Người chồng có quyền nghĩ như vậy, nhưng không có bà vợ nào vui lòng để cho chồng mình làm như vậy cả. Cho nên tự do trong sự hiểu biết là loại tự do không phải là trình trạng kiềm chế, không phải do lòng ganh tỵ, mà là sự tự do đó phải luôn luôn lúc nào cũng đặt mình trong một khuôn mẫu đường hoàng. Để bảo đảm được sự tự do chung cho tất cả mọi người trong mọi gia đình, thì trong gia đình đó phải tuân theo một nguyên tắc. Chẳng hạn như ăn phải mấy giờ, ngủ phải mấy giờ, chồng hay vợ đi làm về mấy giờ đều biết với nhau để hiểu, để thông cảm, để thương. Trong một tổ chức cũng vậy, phải có một quy định được đặt ra để mọi người cùng tôn trọng nguyên tắc chung, cho nên cá nhân trong một tổ chức có thể làm bất cứ điều gì cũng phải trong khuôn mẫu đã quy định. Trong một cộng đồng hay một quốc gia cũng vậy. Lấy một ví dụ nhỏ như ở Hoa Kỳ là một xứ được coi là nơi tôn trọng nhân quyền, và tôn trọng sự tự do hàng đầu trên thế giới. Điều đó không có nghĩa là chúng ta muốn làm gì thì làm. Quả thật, chúng ta có quyền tổ chức ca nhạc múa hát, khi chúng ta đang vui và thích ca hát ầm ĩ, nhưng lúc bấy giờ đã là 12 giờ khuya. Chúng ta không thể thực hiện theo ý muốn của mình một cách tự do trong trường hợp này, vì như thế thì những người hàng xóm sẽ không ngủ được. Chắc chắn họ sẽ kêu cảnh sát đến làm việc với chúng ta ngay!
Những giới hạn như vừa nói là phát sinh từ môi trường sinh hoạt khác nhau của mỗi gia đình, mỗi truyền thống, mỗi cộng đồng trên thế giới. Những sinh hoạt không giống khi chúng ta khác với những cộng đồng khác nhau của các nước. Chẳng hạn, những giới hạn trong một cộng đồng xã hội Hồi giáo khác với trong một cộng đồng xã hội phương Tây, và những giới hạn trong một cộng đồng xã hội phương Tây lại không thể giống với trong một cộng đồng xã hội Á Đông mà qua đó chúng ta thấy:
- Người phụ nữ Hồi Giáo ra đường phải che khăn bịt mặt, trong khi đó người phụ nữ Tây Phương có thể mặt quần đùi áo thun đi ra đường.
Nếu chúng ta là người Hồi Giáo mà phản đối phong tục tập quán của quê hương xứ sở bảo rằng tôi không muốn che đầu, không muốn bịt mặt, tôi cũng muốn mặt quần đùi áo thun đi ra ngoài đường giống như người Tây Phương thì liệu cha mẹ chúng ta hoặc truyền thống của xứ sở có để cho chúng ta tự do như vậy không ...
Để tránh tình trạng có những phản ứng không tốt đẹp trong việc bảo vệ cái mà chúng ta cho là sự tự do của mình, chúng tôi thử đưa ra một số nhận định khái quát về sự tự do, để rồi từ đó chúng ta coi thử những giới hạn đến mức nào là hợp lý, và không bị xem là xâm phạm hoặc tước bỏ quyền tự do của mỗi cá nhân:
1-   Luật Pháp:
Hình thức giới hạn đầu tiên có thể thấy dễ dàng đó là luật pháp. Theo nguyên tắc đi đường, chúng ta phải giới hạn sự tự do của mình trong khuôn khổ luật giao thông đã quy định, chẳng hạn qua đoạn đường đó sở giao thông chỉ cho chạy 25 dặm một giờ thì chỉ chạy nhiêu đó thôi. Nếu chạy hơn mà gặp cảnh sát và bị phạt thì khi đó mình trách ai? Trách cảnh sát hay trách chính phủ, hay đi kiện cảnh sát. Điều chắc chắn không ai trách mình cả, vì cứ nghĩ là người khác làm cho mình bị tai họa thôi.
Luật giao thông quy định không được tự do vượt đèn đỏ, không thể chạy quá số mile được ấn định, không thể lách sang phần đường của người đi ngược chiều. Nếu chúng ta nghĩ mình đi tự do, mình có quyền đó thì mình có quyền đụng xe, rồi có quyền vào nhà thương, phần lớn tổn thất là mình, nhưng mà điều chắc chắn ít khi mình nghĩ tới cái lỗi của mình, cứ nghĩ tại người này tại người kia mà mình ra nông nổi này.  
Nói chung, trong mỗi lãnh vực khác nhau đều có những quy định bằng văn bản của pháp luật khác nhau, để mọi công dân đều phải tuân theo. Nhằm đảm bảo một mức độ tự do hợp lý, không ai có thể xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của người khác bằng sự tự do của cá nhân mình. Chắc chắn ai mà sống trong xã hội này cũng biết, có những khu vực nhà của mình, mình có quyền tự do muốn làm gì thì làm, điều đó đúng có thể làm được nhưng chỉ ở bên trong thôi. Tuy nhiên có những khu vực, không phải nói nhà của mình thì mình muốn làm gì thì làm, mà muốn làm gì đó phải hỏi thăm hàng xóm, họ bằng lòng mình mới được làm, không bằng lòng thì không được làm. Vì thế chúng ta phải hiểu tự do theo nghĩa tự do của người Mỹ. Hiểu được điều này rồi thì đừng nên nghĩ người kia là kẻ tàn ác bất nhân, xoi mói, ganh tỵ, đâm thọc, hãm hại ... chúng ta. Nhất là những khi ai đó có vẻ như khuyên chúng ta hay cấm đoán không được làm điều đó, hay có vẻ mạnh mẽ ngăn cản chúng ta làm điều gì đó. Tinh thần tự do của người Mỹ là:
- Tự do là quyền mà chúng ta có thể làm tất cả những gì mà luật pháp cho phép.
Nhiều nơi ở trên thế giới bị vấp phải chỗ này, mọi người dân trong một xã hội chậm tiến, khi nghe nói tới tự do, thì ai cũng thích tự do, nhưng tự do trong cuồng loạn để rồi cùng dắt nhau đi vào chỗ chết. Cho nên câu nói: Tự do là quyền chúng ta có thể làm tất cả những gì mà luật pháp cho phép đúng thật. Nhưng câu nói này chỉ đúng mà chưa đủ, bởi vì ngoài luật pháp ra, còn có nhiều hình thức giới hạn khác nữa mà chúng ta sẽ đề cập đến sau đây.
2-   Phong Tục Tập Quán:
Hình thức giới hạn thứ hai thuộc phạm trù phong tục, tập quán của từng xã hội, nhất là những thời điểm xa xưa. Có những hành vi luật pháp không ngăn cấm, nhưng chúng ta vẫn không thể tự do thực hiện chỉ vì nó trái với phong tục, tập quán của xã hội nơi mà chúng ta đang sống. Chẳng hạn như tại Việt Nam, có những ràng buộc, giới hạn khi các cô cậu thanh niên nam nữ quen nhau. Phong tục người xưa không cho gặp mặt thường xuyên, nếu hay gặp mặt thường xuyên thì đứng xa xa ra không được ngồi gần. Trong tâm tư hai người có thể thích thật nhưng mà không dám nói, chỉ nhìn thôi. Nếu mà ngồi gần hay mở lời lên tiếng thì bị các vị lớn tuổi trong làng lên án là: Người con gái mất nết. Những phong tục có vẻ như lỗi thời, nhưng mà cũng có cái hay của thời xa xưa.
Trong các lễ nghi cưới hỏi, chúng ta không thể hoàn toàn làm theo ý mình, mà phải tuân theo một số các tập tục được mọi người khác trong xã hội chấp nhận. Có những trường hợp hai tuổi không được tốt, cho nên rước dâu không được đi ngõ trước mà phải đi ngõ sau, hay muốn đi phải bước qua lò lửa mà đi. Điều đó có những cô gái không thích nhưng cũng phải làm, nếu không thì cha mẹ chồng hay là bà con làng xóm của chồng không bằng lòng. Họ cho cô dâu này là không có nết na, không có lễ nghĩa, và bị những người có đạo đức, những người được coi là trưởng thượng trong xã hội không chấp nhận.
Trong giao tiếp xã hội cũng vậy, nếu chúng ta không quan tâm đến những giới hạn thuộc loại này, sự tự do của chúng ta sẽ bị những người khác cho là lố bịch hay lập dị. Cho dù những điều đó hoàn toàn không vi phạm vào luật pháp, mà không đụng chạm đến quyền lợi của ai cả, nhưng vẫn bị người đời, làng xóm, nơi mà chúng ta ở đàm tiếu.
3-   Đạo Đức:
Hình thức giới hạn thứ ba là những vấn đề thuộc phạm trù đạo đức. Chúng ta không thể tự do thực hiện những điều đi ngược lại với các tiêu chuẩn đạo đức được mọi người trong xã hội thừa nhận, bởi vì tuy những điều đó không được quy định trong luật pháp, nhưng lại chính là những kinh nghiệm quý giá trong việc đào luyện, hình thành một cuộc sống tốt đẹp từ ngàn xưa cho đến bây giờ.      
         Quả thật hành vi đạo đức là hành vi được mọi người ca ngợi và tôn trọng, không phải chỉ có xã hội Việt Nam, hay Á Đông mà cả Âu Châu, Mỹ Châu cả thế giới ai cũng đều nhắc nhở đến đạo đức, ai cũng kính mộ tới đạo đức, ai cũng đều tôn trọng. Những hành xử khác thường bị coi là vi phạm đạo đức. Đây là một câu chuyện thật được báo chí loan tải rất nhiều. Rằng là:
- Một ông cụ người Áo đã lừa con gái ruột của mình xuống hầm, và lạm dụng tình dục suốt 24 năm, và kết quả cho ra đời 7 đứa con. Nhưng sau khi phát giác, ông bị tòa án của Áo trừng phạt tù chung thân với tội loạn luân.
Như vậy nếu nói vấn đề tự do, trong trường hợp hai cha con ông cụ người Áo này, chúng ta không có quyền nói rằng:
- Tôi có quyền tự do, tôi là đàn ông, cô ta là đàn bà, tôi có quyền sống, tôi muốn làm gì thì làm ...
Đồng ý ông là đàn ông, cô ấy là đàn bà. Nhưng người đàn bà đó là con gái ruột của ông, ông đã làm như vậy cho nên vẫn bị xã hội khép vào tội loạn luân, tức là vi phạm đạo đức luân lý con người. Câu chuyện này được đề cập ở đây để cho thấy rằng, chúng ta có quyền tự do làm bất cứ điều chúng ta muốn. Nhưng không có nghĩ là chúng ta làm càng, mà không có một giới hạn vấn đề như: Luật pháp, đạo đức, thuần phong mỹ tục đặt ra. Để đánh giá đúng mức là một con người tốt hay không tốt trong xã hội, những điều mà đi ngược lại những tiêu chuẩn đạo đức của xã hội thì bị xã hội lên án là người loạn luân, người vô đạo đức ...
4-   Trong Một Tổ Chức:
Hình thức giới hạn thứ tư thuộc về quan điểm của mỗi cá nhân sống trong một tổ chức, được tiêu biểu như ở các Chùa hay tự viện. Xuất phát từ khuynh hướng hoàn thiện bản thân và hướng thượng, mỗi người chúng ta đều có những hướng dẫn riêng, được đúc kết từ các vấn đề đạo đức, tri thức đã được tiếp nhận, cũng như từ môi trường giáo dục, tín ngưỡng đã được đào luyện từ thuở mới học đạo. Cho nên trong quy củ thiền môn, bất cứ người tăng ni sinh nào, hay bất cứ Thầy Cô nào cũng đều bị chi phối theo luật tắc hay quy định nơi mà chúng ta đang sống.ÕNhững nguyên tắc một khi đã được đặt ra, nếu chúng ta là người trong tổ chức đó phải tôn trọng một cách miên mật. Chẳng hạn như trong Chùa thì có những vai trò như: Trù Trì, Tri Sự, Tri Khách ... Mỗi người mỗi vai trò, mỗi trách nhiệm khác nhau. Chẳng hạn Thầy Trụ Trì có bổn phận xem xét toàn bộ sự sinh hoạt chúng. Thầy Tri Sự thì có quyền coi hết tất cả mọi việc ở trong Chùa hay trong Tự Viện đó. Còn Thầy Tri Khách thì lo tiếp khách ... Ngoài ra những ai không có những trách nhiệm, thì không được xen vào. Nếu nghĩ rằng, chúng ta có quyền tự do và ngang nhiên tiếp khách, ngang nhiên làm những điều mà chúng ta thích làm thì không được. Vai trò nào thì thi hành đúng vai trò đó, do vậy nếu chúng ta không phải là Tri Khách thì không được quyền tự ý tiếp khách. Nếu không tuân theo, hành xử theo kiểu tự do, muốn tiếp ai thì tiếp, muốn làm gì thì làm là vi phạm. Như vậy sự tự do nhưng phải trong sự hiểu biết. Do vậy, chúng ta phải luôn luôn nhớ câu:
- Tự do là quyền mà chúng ta có thể làm tất cả những gì mà luật pháp cho phép.
Đó là nói ngoài thế gian, nhưng nếu trong một tổ chức nhất là trong các chùa, viện thì chúng ta có thể đổi lại một chút:
- Tự do là quyền chúng ta có thể làm tất cả những gì nguyên tắc những nơi đó cho phép chúng ta làm.
Một khi mà chúng ta tuân theo như vậy rồi thì không ai có quyền nói rầy la được, không ai có quyền bảo là không tuân theo. Nếu làm khác đi thì là vi phạm chắc chắn phải bị khiển trách. Cũng là vi phạm và bị khiển trách, có những cá nhân hiểu biết và nhận lỗi, trong khi đó có những cá nhân thì phản khán chống đối, không chấp nhận. Có những người phản khán, phản đối im lặng không hợp tác, và có những hành động thù nghịch với những người chung quanh vì nghĩ rằng mình bị tố cáo oan, hay bị toa rập âm mưu hãm hại. Thế là không ngần ngại gây khó dễ trút hết những điều họ bị khiển trách lên vai người khác là:
- Tại vì người kia mà tui bị như thế này, như thế nọ ...
Có những cá nhân nói bóng nói gió. Có những cá nhân còn có vẻ khinh thường, ngạo mạn. Thật sự, không chỉ tổ chức này mà bất cứ tổ chức nào cũng không chấp nhận kiểu tự do muốn làm gì thì làm, muốn ăn gì thì ăn, muốn ngủ thì ngủ. Không có một cộng đồng nào chấp nhận cho chúng ta tự do kiểu đó cả.
Để trách tình trạng lây lan, những sự rối rắm đến cuộc sống của người khác, trước tiên chúng ta phải ghi nhận lỗi lầm này của ai?ÕVà chúng ta cũng phải hiểu rằng đời sống với khuynh hướng hưởng thụ, hoặc chỉ nghĩ đến bản thân gia đình đã khiến cho chúng ta không có nhiều cơ hội để nuôi dưỡng, và bảo vệ những đức tính quý báu trong tâm hồn. Thậm chí chúng ta còn liều lĩnh chấp nhận hư hao, mất mát tình cảm tốt đẹp giữa các huynh đệ, đạo bạn với nhau để đổi lấy những thỏa mãn quyền lợi, tiện nghi cá nhân mà chúng ta cho là tự do. Vì nghĩ rằng mình có quyền tự do làm gì cũng được, cho nên chấp nhận mất đi tình thân yêu của thầy bạn đạo, hay những người có tâm xây dựng cho mình đó là điều đáng tiếc. Nên biết, khi thích tự do và sự tự do bị ngăn cản, thì đời sống tinh thần trở nên suy nhược yếu kém, thì chắc chắn sẽ có ít nhiều những vụng về trong cách hành xử với những người chung quanh, do vì sân hận phiền muộn, hay nghĩ là người khác hãm hại chúng ta mà ra. Lúc đó cuộc sống càng trở nên bi đát, thành ra đến với ai chúng ta đều cảm thấy người đó là kẻ thù nghịch nên không hài hòa được.
Có những người họ cũng biết vậy, nhưng mà do vì cái bệnh ngoan cố cho nên không ngại đổ thừa do vì người này hãm hại, người kia không thích, hoặc đổ thừa cho hoàn cảnh, trách đời trách người ... Tuy nhiên nếu để cho tâm tư lắng đọng thì chúng ta sẽ thấy rõ vì quan niệm về tự do của chúng ta sai lầm, cuối cùng dẫn đến tình trạng vụng về, lầm lỡ đáng tiếc. Khi căn bản ban đầu đã không thật, chúng ta có khuynh hướng lo sợ, rồi từ đó cứ tiếp tục xây dựng cho những cái không thật kế tiếp. Càng không thật, rồi không thật, cuối cùng tự mình tách rời khỏi tình thương, khỏi nguồn sống đạo bạn của mình.
Nói đi rồi nói lại, nếu chúng ta biết sai lầm và thật sự chúng ta hối cải mà ngưng hẳn, và làm lại từ đầu thì đó là người hiểu và hết sức tốt đẹp. Đừng lo sợ, đừng hoảng hốt, và đừng quanh co, đừng lên án bất cứ ai cả, mà mình phải chỉnh đốn lại tự thân. Bởi vì trong giây phút này đây, nguồn năng lực của chúng ta đã mất, đã cạn kiệt do vì nguyên nhân gốc rễ của những vụng về đáng tiếc, nó giống như mũi tên đã lên trên cung rồi, chỉ có nước bắn ra và cuối cùng tách rời khỏi cộng đồng nơi mình đang sống. Nếu trong hoàn cảnh như thế mà không có cánh tay hết lòng nâng đỡ của người thương yêu, mà còn phải chịu thêm áp lực của những người chưa hiểu chưa cảm thông, thì có thể chúng ta sẽ lún sâu thêm vào vũng lầy lầm lỗi.
Phải nên chịu khó nhìn cho thấu suốt trở lại con người chúng ta thì sẽ thấy, hành động sai lầm của chúng ta hôm nay không chỉ của riêng bản thân, mà nó còn liên hệ sâu xa đến nhiều đối tượng đã và đang ảnh hưởng đến đời sống của những người chung quanh. Nên nhớ là chúng ta không thể nào là một cá thể tồn tại biệt lập, không thể nào không có liên can tới người khác. Phải biết, quan niệm tự do sai lầm và cách hành xử của chúng ta đều có một phần trách nhiệm trong việc an bình và hạnh phúc của những người chung quanh một cách trực tiếp hay gián tiếp. Chính vì thế mà người Việt Nam nói câu rất hay:
- Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ.
Quả thật, nếu trong nhà quý vị có một trong những đứa con thù nghịch với những anh, chị, em trong nhà, thì trong gia đình thấy ra sao? Thật sự rất là buồn, rất chán nản, và đâu đây phản phất không khí rất ngột ngạt khó chịu. Hành động nào có tính cách thiếu hiểu biết đều có ảnh hưởng lớn với người chung quanh, vì tâm tư của chúng ta có thể làm ô nhiễm môi trường. Vì vậy chúng ta phải biết rằng, nếu là niềm vui hay hòa bình, trạng thái hạnh phúc đó nó thơm, vui vẻ, và niềm hân hoan của chúng ta cũng ảnh hưởng trực tiếp hay là gián tiếp đến những người chung quanh. Nhưng mà nếu do sự sai lầm trong cách hành xử của chúng ta cũng mang đến trực tiếp hay là gián tiếp, bầu không khí nặng nề khó chịu mà qua đó có khi chúng ta hoặc người kia háy, nguýt, nói trên đầu trên cổ người ta.
Ý thức được điều này, là người phật tử chúng ta nên thực tập lắng nghe những thành viên trong gia đình để chăm sóc đời sống tinh thần kỹ lưỡng hơn. Nếu ai cũng nghĩ như vậy thì gia đình này rất đẹp, rất hạnh phúc. Trong các Chùa các Tu Viện cũng vậy, nếu ai cũng biết lắng nghe Thầy dạy Đạo, để kịp thời cho chúng ta những phép thực tập, có khả năng chế ngự những cảm xúc khó chịu khi không thực hiện được cái mà chúng ta cho là tự do, thì ai cũng sống an bình ai cũng vui cả. Đây là môi truờng tốt không thể thiếu, tại vì môi trường đó nếu là ở trong gia đình, thì chồng hay là vợ có thể truyền đạt những hạnh phúc, những an bình cho nhau, thì cả hai cũng sẽ hạnh phúc và an bình. Trong các Chùa hay Tự Viện cũng vậy, là nơi trao truyền cho chúng ta đầy đủ vốn liếng đạo đức, có tình đạo bạn hơn, thầy trò hơn, an ninh hơn, và có nhiều cơ hội tìm hiểu và thương nhau nhiều hơn ... thì chắc chúng ta sẽ không bao giờ lạc vào nẻo đường tăm tối, và sẽ trở thành con người tốt.
Phương cách có thể thực hiện để hướng dẫn những ai lầm lỡ vì hiểu sai ý nghĩa của sự tự do, là chúng ta không nên đổ hết trách nhiệm lên vai của những ai kia vì hiểu sự tự do sai lầm mà làm như vậy. Vì nếu trong lúc người kia hiểu sai và hành xử sai, trong khi đó cũng rất cần có được sự nâng đỡ của người khác, nếu không thì người kia sẽ gục ngã và mất hết tương lai, và như vậy chúng ta cũng sẽ mất dần những người tiếp nối chúng ta đi về tương lai. Tại vì những người đó là tương lai của chúng ta. Quả thật nếu ở trong gia đình có những đứa con nó hiểu sai về sự tự do của nó, cho nên nó có quyền tự do cặp bồ, nó có quyền đi sớm về khuya một mình. Nhưng mà nếu không có sự nâng đỡ của cha mẹ, anh chị thì đứa con đó chắc chắn sẽ hư. Cho nên dầu muốn dầu không gia đình cha mẹ cũng phải nâng đỡ nó. Tại vì nó là con của chúng ta, nó sẽ mang hình ảnh của chúng ta về tương lai, cho nên chúng ta không thể hủy diệt nó mà phải nâng đỡ. Ở trong tổ chức nào cũng vậy. Những người đó là những người tiếp nối chúng ta, cho nên mặc dầu người kia đã phạm mắc sai lầm, nhưng cũng rất cần được cứu giúp, đó là con đường thoát cho những người anh em, cho chồng, cho vợ, cho con cái của chúng ta, và cho cả nhân loại nữa. Cho nên đó cũng không phải điểm chấm dứt mà chúng ta còn phải tiếp tục phải nâng đỡ. Chúng ta đừng để sự giận hờn và thất vọng quá mức khiến chúng ta trở thành kẻ thờ ơ vô trách nhiệm, để rồi ngoảnh mặt quay đi, hay thẳng tay trừng trị hết những người anh em, đạo bạn nhất thời non dại. Bởi vì chúng ta biết một điều ai cũng có lỗi lầm.
Chúng ta cũng đừng cho mình được cái quyền lên án buộc tội kẻ khác. Bởi vì rất có thể chúng ta vẫn còn có những vụng về, mắc phải những lầm lỡ, dù người đời chưa hay biết hoặc chưa phanh phui, thì chúng ta cũng không thể nào tự cho mình là trong sạch, để rồi tùy tiện dán nhãn hiệu xấu xa lên đầu kẻ vừa phạm lỗi. Hãy cho người kia một cơ hội để chuyển hóa, vì như vậy cũng chính là chúng ta đã tự cho mình một con đường thoát trong tương lai. Chúng ta nên nhớ ai cũng có lỗi cả, chính mình không thấy lỗi nhưng người khác họ thấy, mình có thể lên án người khác nhưng mình không dám lên án mình, vì vậy hãy cho người kia một con đường để chuyển hóa.
Vậy tha thứ là chất liệu quan trọng của bản chất thương yêu thường được học và thực tập. Chính vì thế mà khi muốn thiết lập bất cứ một chuỗi liên hệ tình cảm nào đi nữa, nếu chúng ta ngây ngô nghĩ rằng người kia chắc chưa từng lầm lỗi, hay sẽ không bao giờ gây ra lầm lỗi thì chúng ta sẽ khổ, và sẽ làm người thương của chúng ta khổ. Bởi vì lúc nào đời sống còn chìm trong vô minh, thì không thể tránh khỏi những hành vi không tự chủ. Dầu là bao nhiêu tuổi trong cuộc đời đi nữa, nhưng vẫn có những hành vi cũng không tự chủ, có những lời nói chúng ta cũng không tự chủ được như thường. Vấn đề là chúng ta có khả năng chấp nhận và tha thứ, rồi tìm cách giúp người kia vượt thoát tình trạng lầm lỡ hay không, chứ không nên mong muốn người kia toàn hảo thì chúng ta mới có thể yêu thương.ÕThật ra ai cũng muốn toàn hảo cả, nhưng mà có được bao nhiêu người có những hành động, có những lời nói toàn hảo trăm phần trăm đâu, bản thân chúng ta cũng vậy. Khi biết mình không toàn hảo trăm phần trăm, thì cũng không nên đòi hỏi người khác toàn hảo trăm phần trăm giống như mình nghĩ.
Tất nhiên là tùy vào mức độ phạm sai lầm của người kia, để rồi chúng ta thể hiện cách tha thứ nào hiệu quả nhất, tại vì điều đó cũng có tính chất quyết định cho sự chuyển hóa, hay sự khinh lờn của người kia. Quả thật, như nói cuộc sống trong gia đình, có nhiều đứa con nói ra điều gì thì nó cũng bảo:
- Dạ, con biết rồi. Nói cái gì ra thì nó nói đừng có đụng tới tui, tui biết hết mà ...
Đứa con nói là biết hết, nhưng đến khi đụng với thực tế thì không biết gì hết. Rồi còn có những người nói cái gì cũng chấp nhận hết, nhưng mà đến khi buông ra không rầy la nữa, thì đâu vẫn còn nguyên như cũ không thay đổi chút nào. Đó là những mẫu người khinh lờn không có ý phục thiện, nhưng mà họ chạy tội bằng cách là không thèm nói. Rầy thì chấp nhận rầy. Cho nên người đời thường nói:
- Chịu đấm ăn xôi. Chịu bị rầy bị la mà buông ra vẫn như cũ.
Đó là những mẫu người khinh lờn khó dạy. Nhưng cho dù cách nào đi chăng nữa, thậm chí cả sự lựa chọn không tha thứ, thì chúng ta cũng đừng quên tự hỏi mình một câu hỏi quan trọng:
- Chúng ta làm như vậy là vì người kia hay vì chính ta?
Coi chừng, chúng ta đang bị thúc đẩy bởi sự tự ái, hay tổn thương của bản ngã ích kỷ mà cứ ngỡ là vì muốn sửa đổi người kia. Nếu thật sự vì tương lai của người kia, thì chúng ta phải đủ sáng suốt và can đảm để thu gọn cảm xúc buồn giận trách móc của mình, tìm cách ứng xử với người kia như thế nào để họ sớm hồi phục. Thật ra, có những người cũng ngoan cố, có những loại người cũng cứng đầu. Nhưng mà ngoan cố cứng đầu thì tập cho ta kiên nhẫn thêm. Những đứa con của chúng ta trong nhà cũng vậy. Có nhiều đứa con cũng cứng đầu, bướng bỉnh nhưng không phải nó tệ, vì thỉnh thoảng nó cũng nghĩ đến cha mẹ. Khi mà tỉnh thức rồi, chính những đứa con này là dễ thương nhất. Cho nên, dầu muốn dầu không gì, chúng ta cũng phải tốn nhiều thì giờ, tốn nhiều công sức đầu tư chỉ có vậy thôi. Phần còn lại, phải có cách ứng xử với người kia, chỉ cần kiểm tra lại tâm ý, lời nói và hành động của chúng ta có xuất phát từ tình thương hay không là chúng ta đủ yên tâm để làm những gì mà chúng ta cần làm. Nếu mà việc làm đó do từ tình thương đúng nghĩa, hoặc do vì một tương lai đúng nghĩa, chúng ta cứ yên tâm mà thực hiện không nghi ngờ gì cả. Như thế, cho dù người kia có đứng ra bày tỏ sự ăn năn hối cải một cách thành khẩn hay không, thì chúng ta cũng nên nhớ rằng đó chỉ là hình thức để chúng ta thấy rõ thái độ muốn sửa chữa những sai lầm, và cũng có thể xem đó là một biên bản ngầm ký kết cho sự hơp tác giúp đỡ nhau. Chúng ta đừng để kẹt vào những hình thức, mà không thấy được trái tim của người kia. Có thể nói là rất nhiều người sẵn sàng hoan hỷ, sẵn sàng vứt bỏ hết tất cả những lỗi lầm, nếu mà người phạm lỗi kia chịu khẩn thiết ăn năn hối lỗi.
Như quý vị đã thấy, dù là những đứa con ngỗ nghịch mình rầy nó bỏ đi, bây giờ trở về năn nỉ, xin sám hối với cha mẹ thì quý vị mừng, và rất mừng. Chúng ta đã từng chứng kiến có rất nhiều người sẵn sàng hoan hỷ tất cả, nếu kẻ phạm lỗi chịu quỳ xuống cầu khẩn thiết tha. Nhưng họ cũng sẵn sàng đóng chặt trái tim khi người kia không biết đem sự hối cải trong tâm ra trình diễn cho đẹp lòng họ. Thực ra trong cuộc đời những đứa con của mình, có những đứa nó cũng cứng đầu có những đứa con dễ dạy, thì làm sao mình bắt buộc những người không phải là con cháu nghe mình.
Sống mà chỉ biết dựa vào những nguyên tắc cứng nhắc thì không thể nào điều phục được người khác. Cho nên làm việc phải biết linh động, vì nguyên tắc vốn cố định, còn bản tính con người thì muôn hình vạn trạng và liên tục đổi thay. Phải có một nhận thức thấu đáo, và nội lực vững vàng thì chúng ta mới làm được cái quyết định tốt đẹp đứng đắn. Đừng để nguyên tắc cứng ngắc đó nó làm mất đi tính linh động của chúng ta, rồi cuối cùng không ai có thể làm việc với mình. Đừng e ngại người ngoài hiểu lầm chê trách, cũng không lo sợ mọi người bất mãn. Làm việc và quyết định theo tuệ giác có được trong khi tu, không làm trái ngược với đạo lý từ bi mà Đức Phật đã sống và giảng dạy cho môn đồ là được.
Cách sống và hành đạo của Đức Phật không phải vì đạo lý hay nguyên tắc, mà vì tìnhÕthương vô điều kiện của một người đã vượt thoát ra ngoài sự khống chế, và trói buộc của phiền não. Theo phương pháp của Đức Phật, chúng ta làm việc sẽ thành công. Chỉ cần một nhận thức đúngÕđắn về nguyên nhân sâu xa của kẻ gây ra lầm lỗi, để chúng ta có một trái tim đủ lớn, và sẵn sàng chứa đựng thì việc tha thứ sẽ không còn là sự thực tập khó khăn nữa. Phải có một trái tim lớn, bởi vì chúng ta vẫn biết, có thể những người kia họ ngoan cố, họ dấu, họ lao lách, tránh bên này né bên kia, nhưng đó không phải điểm kết thúc. Cho nên chúng ta phải có một trái tim lớn để coi sự lao lách của người kia đến cỡ nào, tránh né kiểu nào rồi cuối cùng chúng ta cũng điều phục được. Quý vị thấy con rắn nó chạy loăng quăng vậy đó, mà đập trúng đầu nó thì nó chết ngay. Dầu cho lao lách cỡ nào đi nữa, nhưng mà cũng là một con người, đến lúc nào đó cũng phải có sự hiểu biết:
- Cớ sao mình lao lách mình hoài thì khó coi quá.
Thôi thì yên cho rồi, cho nên chúng ta phải thực tập. Có một trái tim sẵn sàng chứa đựng và tha thứ thì không có gì là khó khăn cả. Nhờ vào lòng vị tha của chúng ta mà kẻ kia tỉnh ngộ và thay đổi cuộc đời. Nếu không thể hoặc khó tha thứ người kia, có lẽ chúng ta nên đặt cho mình câu hỏi:
- Tại sao ta khó có thể tha thứ cho ngườiÕkia?
Khi đã đặt câu hỏi và xét lại nơi mình, nếu biết chúng ta chưa có đủ tâm lượng rộng lớn, thì ở đó chúng ta có thể có câu trả lời:
- Chúng ta thường chỉ nghĩ một chiều là do mức vi phạm của người kia quá lớn.
Nhưng tại sao cũng trường hợp như vậy mà có người lại hành xử khác với chúng ta? Có khi chúng ta chịu nhiều áp lực từ những khó khăn trong cuộc sống, hoặc đang bế tắc khổ đau vì những phiền não trong lòng, nên chúng ta không còn đủ năng lượng để ngồi xuống lắng nghe, hay không còn đủ thiện chí để tìm hiểu về lỗi lầm của người kia, cho nên chúng ta đã có những phán xét rất vội vàng. Trường hợp này do ta sa sút về nội lực, và hiểu biết.
Có khi người kia đã cố gắng hết sức nhưng vì bản tính ưa thích tự do. Chính bản thân của thầy Đồng Trung cũng biết có những người hay vô cùng hay, việc mới vừa bị rầy rõ ràng, và vừa xá thầy đi ra, nhưng đụng chuyện thì lập lại y như cũ. Nhưng mà bây giờ nếu tiếp tục kêu rầy nữa thì kỳ quá, nên phải để bữa khác. Có những người như vậy, nhưng từ từ tập cũng quen, bỏ cũng hết. Chính vì ưa thích hành xử ngoài sự hướng dẫn cho nên quên đi sự khiển trách, và buông ra là làm y như cũ. Có thể người kia chưa đủ cứng rắn để chấm dứt những sai lầm, cho nên để cho điều đáng tiếc phải xảy ra, trong khi đó chúng ta lại tưởng là người kia đã không chịu lắng nghe, và ngoan cố. Hoặc do người kia họ vụng về nhất thờiÕmà buông ra những hành vi thất lễ, nhưng chúng ta lại cho rằng người kia đang rất khinh thường, và có ý chà đạp nhân phẩm của chúng ta. Trường hợp này ta bị vướng vào trí tưởng tượng sai lầm.
Có khi người kia vì u mê dại dột hay vì yếu đuối nên không thoát khỏiÕvũng lầy đam mê, để cho lỗi lầm cứ lặp lại nhiều lần như một điệp khúc. Hoặc chúng ta chưa bao giờ chứng kiến một người có thể gây ra lầm lỗi tày trời như vậy. Hoặc chưa có thói quen tha thứ cho kẻ có quá nhiều ân tình với chúng ta mà lại đang tâm phản bội. Nếu chưa làm được những việc để nâng đỡ người sai lầm kia, thì phải biết khả năng chứa đựng trái tim của chúng ta còn khá nhỏ, chưa có cơ hội mở rộng ra.
Có khi người kia vi phạm những lỗi lầm không đáng kể, nhưng vì chúngÕta đòi hỏi mức hoàn hảo cao quá, mà không hề quan tâm đến hoàn cảnh hay trình độ nhận thức, cho nên lúc nào cũng canh chừng lỗi lầm người khác để kết tội. Hoặc do chúng ta không hề quan tâm đến hoànÕcảnh hay trình độ nhận thức của người khác, chỉ biết nhồi sọ và áp đặtÕtheo cách thức cứng nhắc của riêngÕmình. Trường hợp này chúng ta bị kẹt vào sự cố chấp và định kiến, đó là một loại bản năng tự vệ rất cổ hủ chúng ta cũng nên loại bỏ.
Có khi sự cố xảy ra, chúng ta liền bực tức và vội vàng tuyên bố đoạn tuyệt, sau khi điềm tĩnh nghĩ lại thấy mình cũng hơi quá đáng, nhưng kẻ phạm lỗi kia phải biểu lộ sự thành khẩn ăn năn thì ta mới chịu bỏ qua. Trường hợp này thì chúng ta là kẻ yếu đuối, hành xử theo cảm tính, tình cảm của mình.
Có khi người kia phạm những điều rất quan trọng, hay làm ảnh hưởng đến danh tiếng và uy tín, chúng ta đã muốn tha thứ rồi nhưng lại sợ người khác cười chê thiếu kỷ cương, nề nếp hay dung túng cho kẻ kia làm điều xấu. Hoặc chúng ta e ngại nếu tha thứ quá dễ dàng thì người kia sẽ ỷ lại, chẳng coi chúng ta chẳng ra gì. Trường hợp này chúng ta kẹt vào danh dự, thực chất cũng là một loại nghiện cảm xúc, một loại tôn thờ chủ nghĩa cá nhân kín đáo.
Tất cả những điều mà chúng tôi vừa nói với quý vị, chúng ta nên nhìn hai mặt. Một là theo quan niệm của những người cho là tự do, tạo ra sai lầm, từ cái sai lầm này đến cái sai lầm khác, nó tạo thành một sự quậy rối, mà cuối cùng chúng ta không biết đâu là đầu, đâu là gốc. Nhưng mà đối với chúng ta dầu muốn hay không chúng ta cũng là người phải nâng đỡ những người đó. Những người đó có thể là chồng, có thể là vợ, có thể là con cái, có thể là anh em bà con, có thể là học trò, có thể là đạo bạn ...
Tất cả những trường hợp không thể tha thứ vừa nêu đều có chung  một nguyên do chính là sự vướng kẹt vào bản ngã. Vì quá nâng niu bản ngã, cho nên chúng ta chỉ nghĩ đến những điều có thể đem lại lợi ích thiết thực cho chính chúng ta thôi. Đó chính là căn bệnh vị kỷ truyền kiếp, hành tung của nó hết sức tinh vi và phức tạp, nếu thiếu quan sát tinh tế thì chúng ta rất dễ bị nó đánh lừa là chúng ta là người không có tuệ giác.
Nên nhớ là càng không tha thứ thì càng không thể thực hành hạnh vị tha. Trong khi tình thương phải bắt nguồn từ trái tim biết buông bỏ bớt những cái riêng mình để chia sẻ đến người khác, vì người khác cũng chính là một phần đời sống của chúng ta. Quả thật, ai dám bảo chồng mình không có kỳ cục. Ai dám bảo vợ mình không có kỳ cục? Nhưng dầu sao đi nữa, thì đó cũng là một phần sống của chính mình. Bây giờ nếu ông chồng đó kỳ cục, rồi mình đuổi ông ra khỏi nhà, rồi ai ở với mình, hay là mình thấy vợ mình nó kỳ cục, mình đuổi bà vợ ra khỏi nhà, thì mình mất đi cái phần sống của mình! Dầu sao đi nữa đó cũng là một phần sống của mình, cho nên chúng ta thấy trong cuộc đời này, chúng ta không thể nào độc lập để mà sống, mà trong cuộc sống phải nương tựa vào nhau. Nếu trong gia đình thì chồng nương vợ, vợ nương chồng, cha mẹ nương con cái, con cái nương tựa cha mẹ. Ở trong tổ chức cũng vậy, thầy trò đạo bạn nương tựa nhau mà sống mà tu, không ai có thể độc lập mà có thể sống được. Vì vậy phải thấy người kia là một phần sống của đời mình. Không có người khác thì không có tình thương, chúng ta thể có đời sống tốt đẹp khi đời sống có tình thương.
Thôi thì chúng ta cứ tha lầm hơn chấp lầm. Tha lầm thì nó bớt hay là ít, hay là không có sự hối hận, mức độ hối tiếc sẽ thấp hơn nhiều hoặc không có so với chấp lỡ. Nếu mà chấp lầm thì đôi khi nó tạo sự hối hận khôn nguôi, thêm đau khổ vô cùng. Bởi vì khi nhận ra chính thái độ cố chấp đã đẩy người kia rớt xuống vực thẳm khổ đau, thì chúng ta sẽ gánh chịu mặc cảm ăn năn suốt đời. Còn khi phát hiện những quyết định của chúng ta tha thứ đã không mang lại hiệu quả nào, thì vẫn còn nhiều cơ hội để cứu được, vì trái tim chúng ta đang trong chiều hướng nở ra và mạnh mẽ chứ không phải co rút lại. Cho nên nếu có phải tha được một việc là chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái một việc.
Điều đáng sợ nhất là trong quá trình thương yêu, chúng ta đã để cho trái tim mình trở nên bé nhỏ và không còn linh động. Chúng ta không phải là bậc Thánh để sẵn sàng tha thứ hết mọi lầm lỡ của con người, nhưng nếu trái tim còn sức chứa đựng thì đừng suy tính gì nữa, hãy tha thứ cho nhau đi. Sự tha thứ luôn luôn là linh dược mầu nhiệm có thể trị liệu mọi nỗi khổ niềm đau cho người được tha thứ và cho cả người tha thứ. Bởi vì chúng ta tha thứ người khác, chính bản thân cũng cảm thấy yên lòng. Yên lòng là bởi vì nếu mà mai kia mốt nọ ai chết trước ai, cũng không ai nợ ai hết, cho nên tha lầm còn hơn chấp lầm.
Tất cả những gì mà chúng ta cho là cuộc sống tự do có hiểu biết, và cách hành xử của chúng ta, luôn luôn lúc nào cũng phản ánh qua lăng kính của cá nhân để tạo thành quan điểm sống của chính cá nhân đó. Và khi đã hình thành một quan điểm sống của riêng mình, chúng ta sẽ không chấp nhận sự buông thả phóng túng bản thân đi ngược lại quan điểm sống của mình, điều chắc chắn là như vậy. Cho nên cái hay nhất là làm sao chúng ta lắng nghe, và hướng dẫn cuộc đời mình đi vào trong một khuôn mẫu. Khi chấp nhận được như vậy, thì chúng ta thấy tự do vô cùng, tự do giống như chúng ta tuân theo luật đi đường, tới đoạn đường nào cho chạy bao nhiêu miles, chúng ta cứ chạy bấy nhiêu miles, cho dù cảnh sát có chạy sau, có chạy bên cũng không sợ. Còn như thích tự do, cứ chạy bừa chạy càng, khi gặp cảnh sát thì nó tóm lại liền, nó đâu có tha mình đâu. Đặt mình trong khuôn khổ lúc nào cũng là tốt. Chính vì thế mà chúng ta có thể đã hiểu được vì sao các bậc cha mẹ, anh chị hay thầy cô giáo lại không hoàn toàn đồng ý với chúng ta về những giới hạn của sự tự do. Và cũng qua đó chúng ta có thể hiểu được vì sao mà cho đến nay giữa phương Tây và phương Đông, giữa nước này và nước khác ... vẫn luôn có những tranh cãi khác biệt nhau về khái niệm tự do. Riêng về người Hoa Kỳ họ đã đặt tất cả mọi tự do lên bàn từ lâu rồi:
- Tự do có thể làm bất cứ những cái gì luật pháp cho phép.
Nói tóm lại, những hiểu biết như thế rất cần thiết để chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc chấp nhận, khép mình vào một khuôn thước nhất định. Bởi vì đó là phương cách hay nhất, có hiệu quả nhất để đảm bảo cho chúng ta có được một tương lai tươi sáng và hạnh phúc.
Với những nền tảng tri thức, và kinh nghiệm còn non nớt ở ngưỡng cửa vào đời, hay là lớn tuổi bao nhiêu trong cuộc sống cũng  vẫn có những sự sai lầm, khi mà chúng ta chưa có được một cái nhìn toàn diện về mọi khía cạnh của vấn đề. Vì thế, cho dù rất mong muốn được tự do trong cuộc sống, chúng ta vẫn phải nhớ nhận thức đầy đủ về những giới hạn của sự tự do, phải hiểu biết về những quy luật của tự do, và nhờ đó mà chúng ta có thể vui vẻ, tự nguyện khép mình vào một khuôn thước hợp lý để tự hoàn thiện bản thân mình. Đây chính là một cơ hội tốt để chúng ta thể hiện sự tự do chọn lựa của chính mình. Chúng ta có thể tự do chọn cho mình một quan điểm sống đúng đắn, luôn hướng đến sự hoàn thiện bản thân, và biết tôn trọng những lời khuyên dạy của những người làm cha làm mẹ, những người bậc anh, các bậc trưởng thượng của mình.
Khi hiểu và thực hiện được những điều này, chính chúng ta đã tự nguyện khép mình vào một khuôn thước hợp lý. Giống như một con ngựa biết tuân theo sự điều khiển của dây cương, sẽ không bao giờ đi sai đường, tương lai của quý vị sẽ không thể đi vào con đường tăm tối nếu biết chọn cho mình một khuôn thước hợp lý như thế.
(còn tiếp)
--o0o--