-
Tầm Nhìn Cao Rộng
-
Nhất Quán
-
--o0o--
-
-
Nói về tầm
Nhìn Cao Rộng, chúng ta có thể nhìn ở hai khía cạnh. Trước hết
là khía cạnh của thế gian. Như chúng ta thấy những nhà Thiên văn
hay là những nhà dự đoán thời tiết, nhờ có dụng cụ, mà người ta
có thể đoán trước được cơn gió đó xuất phát từ đâu và nó sẽ đi
đến đâu. Nhờ vậy mà có thể giúp cho xã hội, cộng đồng tránh
những thiệt hại về của cải cũng như sinh mệnh. Sự tiên đoán này
chúng ta có thể hiểu nó như là một cái nhìn cao rộng, vì có thể
là đoán trước những sự việc có thể xảy ra. Còn nói về như một
người làm địa ốc cũng phải có tầm nhìn cao rộng, tức là họ dự
trù khu vực nào đang phát triển và khu vực nào chưa phát triển
để mà đầu tư. Nhờ sự tiên đoán trước hay là có tầm nhìn cao rộng
mà họ có thể làm ăn khá lên. Một người thương mại cũng là một
người có tầm nhìn cao rộng, vì họ có thể thấy được kinh tế nơi
nào phồn thịnh và kinh tế nơi nào chưa phát triển, để mà mở rộng
địa bàn trong việc mua bán. Do sự tuyên đoán trước hay có tầm
nhìn cao rộng đó mà người ta có thể khá. Đó là nói theo quan
niệm của thế gian. Nói một cách ngắn gọn, ở thế gian làm bất cứ
một nghành nghề gì đều phải phóng tầm mắt về phía trước, để thấy
điều kiện hiện tại và phát triển trong tương lai. Nhờ vậy mà họ
có thể thay chiều đổi hướng từ một nền kinh tế yếu kém trở thành
mạnh mẽ, và từ hoàn cảnh không có điều kiện thuận lợi trở thành
thuận lợi cho cộng đồng xã hội. Tuy nhiên nếu nói theo quan niệm
giải thoát, thì người có tầm nhìn cao rộng phải coi đó là một
đại trượng phu. Đại trượng phu, mà chúng ta muốn đề cập ở đây
không như Cụ Nguyễn Du đã diễn tả:
-
- Vào trong
phong nhã ra ngoài hào hoa.
-
Trượng phu mà
cụ Nguyễn Du nói là trượng phu kiểu nhà giàu, trượng phu của
kiểu thời đại. Đại trượng phu mà chúng ta muốn nói ở đây là
những người có tâm hồn:
-
- Lo trước cái
lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ.
-
Là những người
biết sống an vui, là những người dám đối diện với mọi khổ đau
trong cuộc đời để cứu đời. Những người có khả năng như vậy là
những người biết tu và thực hành đạo giải thoát: Tụng Kinh, Niệm
Phật, Thiền Tọa và Kinh Hành.
-
Quả thật như vậy, chúng tôi xin được chia sẻ với đại chúng, có
một phật tử đã kể lại rằng:
-
- Có những hôm trong khi đang đi Thiền hành, anh ta cảm thấy đói
và mệt nhưng mà rất là hạnh phúc, và vào một buổi sáng trong lúc
Thiền hành anh ta cảm thấy rất là hạnh phúc và nhận thấy rằng
công năng của sự thực tập: Tụng kinh, Niệm Phật, Tọa Thiền và
Kinh hành đang thay đổi trong tâm. Liền khi đó anh ta cảm thấy
có một tầm nhìn cao xa hơn, thoải mái hơn trong cuộc sống.
-
Đó là sự chia sẻ của anh ta, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng đó
là thật nếu những ai đã thực tập cũng đều như vậy. Bởi vì, theo
giáo lý của Đức Phật ai ăn nấy no, ai thực tập thì người đó có
một kết quả khiêm tốn ít hay nhiều. Những cảm giác này không
phải tưởng tượng mà là thật, đó là phần thưởng cho những ai có
quá trình tu học. Một Thái Tử Tất Đạt Đa đã nhận được một kết
quả tốt đẹp, sau những ngày tháng gian nan khổ sở tìm đạo nơi
rừng sâu núi thẳm. Như vậy, chúng ta là người đi theo chân Thái
Tử Tất Đạt Đa, là con của Phật. Điều mà chúng ta chắc chắn rằng
Ngài đi đến đâu chúng ta đi đến đó, và Ngài có kết quả như thế
nào thì chúng ta cũng có kết quả tương tự như vậy. Có điều chúng
ta siêng năng hay lười biếng thì tùy thuộc vào khả năng của mỗi
người.
-
Trong truyền thống Phật giáo Nam Truyền kể cả truyền thống Phật
Giáo Tây Tạng, vòng tròn luôn luôn là một biểu tượng quyền năng
và thiêng liêng. Cho nên trong những buổi lễ của các truyền
thống này, vòng tròn được vẽ một vòng tròn chung quanh, chúng ta
đứng ở tâm của vòng tròn và tưởng tượng chúng ta đang đứng giữa
trung tâm của vũ trụ. Vòng tròn chung quanh cho chúng ta một cảm
giác ở nơi đó là vùng đất Thánh, là nơi thiêng liêng, là nơi hội
tụ sinh khí bảo bọc chúng ta.
-
Giáo lý thực nghiệm Phật Giáo thường nói đến Chánh niệm, thường
nói đến Tỉnh giác mà chúng tôi cũng đã ít nhiều đề cập. Chúng ta
được Đức Phật dạy, được chư Tôn Đức thường nhắc nhở về Chánh
niệm, qua lễ lạy bằng cách sống với hơi thở của chúng ta. Đặc
biệt là có sự liên quan đến những suy nghĩ và ý tưởng của chúng
ta. Ai thực tập như vậy, ai làm được như thế, là chúng ta đã đặt
sự liên kết chuẩn xác, và cũng rất hài hòa giữa con người chúng
ta và vũ trụ bên ngoài. Bởi lẽ dễ hiểu bên ngoài là đại vũ trụ,
và tất cả mỗi con người chúng ta là tiểu vũ trụ. Tiểu vũ trụ hài
hòa với đại vũ trụ để di dưỡng tâm hồn, đương nhiên mỗi người
chúng ta ai cũng phải có sự kết hợp hài hòa giữa tiểu vũ trụ và
đại vũ trụ bên ngoài. Đạt được sự quan hệ này càng nhiều thì sự
bén nhạy của chúng ta trở nên tinh tế đối với thế giới xung
quanh, và luôn luôn lúc nào cũng có một khoảng không gian bao
quanh chúng ta. Đó là một sự hòa điệu, đó là một sự kết hợp dịu
dàng. Lúc đó chúng ta có thể tự cho phép chính mình trực nhận
được sự rộng lớn, và tính đa dạng phong phú muôn màu muôn vẻ của
thế giới bao la rộng lớn hơn. Không gian đó chính là vòng tròn
viên giác của chúng ta, không gian đó chính là mái ấm, chính là
những kết quả của những ngày tháng thực tập:
-
- Ta sẽ quay
lại vòng tròn tượng trưng cho tánh viên dung,
-
Tâm nối vòng
tâm thân ái vô cùng,
-
Tròn cho thật
là tròn như vầng hào quang,
-
Tròn cho thật
là tròn mười sáu tròn trăng.
-
Trong quá
trình tu tập để đạt đến tầm nhìn cao rộng và để cho một khoảng
không gian hòa điệu với bản thân. Cho nên khi nói về chánh niệm
tỉnh giác, có lẽ chúng ta không nên nói về một cái đó quá cứng
ngắc, hay là một nguyên tắc khô cằn nào đó do chúng ta thiết
lập. Để có thể làm trong sạch hóa hành động, tư tưởng vững hơn
và đẹp đẽ hơn chúng ta chỉ thực tập một vài ý niệm. Chẳng hạn
như tình thương yêu và sự tử tế đối với mọi người, mọi loài, mọi
vật ... Có tính cách thực tế hơn, chẳng hạn như một người bạn
mới tập sự tu học đến Chùa, vì còn mới mẻ xa lạ, chưa có một
chiếc áo tràng, chúng ta có thể tặng cho người đó một chiếc áo
tràng:
-
- Tặng nhau
một chiếc áo tràng
-
Để làm kỷ niệm
những ngày mới tu.
-
Hoặc chúng ta
thấy những người bạn của mình cần ghi chép lại những gì mà vị
Thầy hướng dẫn đang hướng dẫn thì chúng ta tặng:
-
- Tặng nhau
cuốn tập giấy này
-
Để làm nhựt ký
những ngày xa nhau.
-
Hoặc nếu chúng
ta thấy ai lo lắng chén cơm miếng nước, mệt lả mồ hôi thì chúng
ta tặng:
-
- Tặng nhau ly
nước mát này
-
Để mà giải
khát những giờ gian lao.
-
Như vậy có
tính cách bàn bạc, chúng ta sử dụng mọi phương tiện như là đối
với đôi tay của chúng ta, khi cầm một cái chén đừng để nó rớt
bể. Đối với căn phòng của chúng ta ở luôn luôn giữ cho có khoảng
không gian cần thiết, một để cho nó thẩm mỹ, hai là để cho nó có
không gian không khí chúng ta thở. Còn đối với những gì được coi
là của chung, chính chúng ta đừng nghĩ là:
-
- Của chung ai
muốn làm gì thì làm. Còn cũng được, mà không còn thì cũng chẳng
quan hệ gì tới mình.
-
Điều đó không
nên, phải coi tất cả mọi thứ, mọi vật cũng như của chúng ta.
Chúng ta giữ của mình như thế nào thì giữ của công như thế đó.
Việc làm này chúng ta phải áp dụng hàng ngày, nghĩa là lúc nào
chúng ta cũng có thấy một sự quan tâm đến mọi loài, mọi vật
chung quanh chúng ta. Sự quan tâm sâu sắc như thế là người có
tầm nhìn cao rộng. Hay nói cách khác đó là lòng yêu thương đối
với tất cả những gì trong cuộc sống của chúng ta. Sự ý thức này
là bản chất tự nhiên của vạn vật. Bởi vì cuộc sống bắt đầu được
mở rộng, và chúng ta nhận thấy rằng chúng ta đang đứng tại trung
tâm của vũ trụ. Để xác định vai trò của tầm nhìn cao rộng, xin
được chia sẻ với đại chúng kinh nghiệm của một người đàn ông
người Ấn Độ, ông ta kể như thế này:
-
- Ông đã có
một tầm nhìn rộng lớn khi ông ta mới vừa 9 tuổi. Lúc đó ông ta
đau rất nặng, mọi người cứ tưởng ông ta chết tới nơi. Ông bị hôn
mê một tuần lễ như vậy, và suốt trong thời gian đó, ông được chỉ
dẫn về cách sống thiêng liêng mà dân tộc Ấn Độ đã sống, và
truyền thống này gần như đã bị mai một.
-
Ông được đưa
lên một đồi đen ở vùng Dakota, nơi mà dân bản xứ của Mỹ xem đó
là trung tâm thế giới. Sau khi được nhìn khung cảnh cao rộng đó,
trong tâm tư của ông nhận ra rằng không chỉ có đồi đen của vùng
Dakota mới là trung tâm của thế giới, mà là bất cứ chúng ta đang
ở đâu thì ở nơi đó là trung tâm của thế giới.
-
Tư tưởng làm
ra tất cả mọi thứ, như người Phật tử chúng ta có câu:
-
- Nhất niệm
sanh Tam giới.
-
Như vậy chúng
ta ở nơi nào là trung tâm của vũ trụ nơi đó, bởi vì chúng ta là
tiểu vũ trụ hài hòa với đại vũ trụ bên ngoài. Chúng ta luôn luôn
đứng ở trung tâm của không gian thiêng liêng, luôn luôn đứng ở
trung tâm của vòng tròn thiêng liêng. Đây là sự ghi nhận chính
khi mà chúng ta hiểu giáo lý giải thoát của Đức Phật: Nhứt niệm
thông tam giới. Tuy nhiên có người không hiểu thành ra vì vậy cứ
thắc mắc không biết: Tụng kinh, Niệm Phật, Thiền tọa và Kinh
hành nghe nói thì tốt thật, nhưng mà nó giúp được gì cho chúng
ta trong cuộc sống không? Thực sự những gì được coi là kết quả
của Tụng kinh và Niệm Phật Thiền tọa và Kinh hành giúp cho chúng
ta tập trung tâm ý về sự từ hòa trong lời nói, trong hành động
và cách suy nghĩ vận hành trong tâm trí của chúng ta. Điều đó
chúng ta không lạ lùng gì khi nghe người xưa nói:
-
- Tướng tự tâm
sinh,
-
Bởi vì nếu con
người có tâm hồn lương thiện, thấy vẽ mặt đẹp dễ thương, ai cũng
khen người đó phúc hậu. Nhưng nếu một con người trong tâm tư độc
ác, sân hận thì thấy trong khuôn mặt dữ lắm. Nhìn khuôn mặt là
chúng ta thấy sợ, bởi vì trong tâm dữ cho nên hiện ra ngoài cũng
dữ như vậy. Thành ra đừng có đòi hỏi một cái gì phải cho lớn cho
quan trọng. Nếu chúng ta có thực tập đạo giác ngộ, đương nhiên
chúng ta phải phóng tầm mắt ra bên ngoài, để mà kết hợp hài hòa
với tâm tư của mình. Nhưng mà phần lớn cũng phải bắt đầu từ tâm
tư của chúng ta. Chúng ta có thể chuyển được con người của mình,
hay là có chuyển được hoàn cảnh xung quanh hay không, thì phải
bắt đầu từ sự suy tư, từ lời nói và hành động lương thiện của
mình. Do vậy, khi đã bắt nguồn từ lời nói, từ suy nghĩ và hành
động là đã có sự vận hành trong tâm trí của chúng ta rồi, thì
đương nhiên tất cả những cái mà chúng ta làm đều là thiện cả.
Lúc đó chúng ta sẽ bắt đầu thấy rằng, chúng ta luôn đứng giữa
vòng tròn thiêng liêng và cả cuộc sống của chúng ta cũng nằm
trọn vẹn trong đó. Tại vì khi chúng ta đến bất cứ ở đâu, thì nơi
đó luôn luôn là khung trời của chúng ta, và vòng tròn thiêng
liêng luôn luôn bao quanh chúng ta. Ở nơi đó chắc chắn có một
khoảng không gian hòa điệu, bất cứ ai đến với chúng ta cũng đều
được thâm nhập vào không gian thiêng liêng đó, đó là phúc lành
một cái gì Thánh thiện. Đó là căn bản để lý giải, tại sao mỗi
lần đến Chùa chúng ta cảm thấy thoải mái. Tại vì nơi đó có Chư
Tăng Ni tu tập, có các Phật tử xa gần, thường xuyên về Chùa cầu
nguyện, do vậy ánh từ quang đó chói rạng, bao bọc khoảng không
gian ấm áp đạo tình. Một khoảng không gian hòa điệu, cho nên bất
cứ ai thâm nhập vào là người đó cảm thấy một cái gì đó thánh
thiện và được học hỏi, đồng thời ai vào khoảng không gian đó
cũng đều được thừa hưởng ân đức của sự cầu nguyện Thánh Thiện
đó.
-
Qua kinh
nghiệm thực tập giáo lý giải thoát của Phật Giáo chúng ta thấy
rất có lợi ích, nếu mà chúng ta biết sử dụng phương tiện tu học.
Nhưng cũng nên nhớ, khi tâm tư của chúng ta có niệm hướng thượng
và hướng thiện, đương nhiên ma vương quấy rối có mặt, và cái mà
chúng ta cho chông gai chướng ngại của cuộc đời nó cũng giăng ra
trước mặt. Nếu không có Tầm nhìn cao rộng chúng ta sẽ thối chí
nản lòng và ngưng lại chỗ đó, bởi vì chúng ta thấy sao mà chông
gai chướng ngại quá. Đi tới Chùa chúng ta không có một sự an lạc
nào, trái lại toàn là phiền muộn không, thôi ở nhà cho nó khỏe.
Có rất nhiều người từng nghĩ như vậy mà đã bị như vậy, cuối cùng
thay vì chúng ta đi tới Chùa để tìm một sự an lạc thánh thiện,
bây giờ chúng ta đến Chùa mang phiền não về nhà. Như vậy chúng
ta là người thua cuộc. Phải có tầm nhìn cao rộng hơn, để thấy
rằng mục đích tới Chùa không phải để hứng chịu những gian nan
chướng ngại, không phải để cho những người ba trợn kia ngăn
chặng bước tiến tu học của chúng ta, mà chúng ta phải vượt qua
mọi thứ để tiếp tục tu học. Như vậy chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra
sự tuyệt diệu của trí tuệ của con người, và tiếp tục khám phá
chân lý qua nhiều phương cách, mà qua đó chúng ta thấy: Tụng
Kinh, Niệm Phật Thiền Tập và Kinh hành sẽ khai mở cho cuộc sống
thênh thang phía trước. Lúc đó chúng ta không bị mắc kẹt quan
niệm chỉ nghĩ đến bản thân mình, hoặc chỉ muốn sống cuộc sống
trôi nổi theo cách riêng của mình, mà chúng ta có tầm nhìn cao
rộng hơn, thánh thiện hơn và tốt đẹp hơn. Trái lại khi không có
tầm nhìn cao rộng, chúng ta sẽ không nhận được thấy chúng ta
đang là trung tâm thế giới, không nhận thức được chúng ta đang
đứng ở vòng tròn thiêng liêng. Tại vì có nhiều sự quan hệ quá,
với những nỗi lo toan, đau khổ khát khao, sự lo sợ nhỏ nhen đến
mờ mắt không thấy được con đường chúng ta đi. Chúng ta không
thấy được vẻ đẹp của hiện hữu, nghĩa là chỉ thấy toàn là màu
đen, toàn là sợ hãi và thất vọng. Tất cả những gì chúng ta cảm
nhận được khi mà mắt kẹt như vậy, chỉ gom lại hai chữ thôi:
-
- Đau khổ và
thất bại,
-
Ai muốn đau
khổ thì cứ sống buông thả theo dục lạc. Còn chúng ta không muốn
đau khổ thì coi cái đó như pha, vượt qua dễ dàng. Nghĩa là không
có cái gì để cho chúng ta bất mãn về cuộc sống, hay nhìn đời
bằng đau khổ, bằng sự bất mãn của chính mình, giống như có một
nhà thơ đã từng nói:
-
- Với tôi tất
cả đều vô nghĩa
-
Tất cả không
ngoài cái khổ đau.
-
Thực ra hai
câu thơ này mới nghe thì cũng thấy thâm trầm, đứng một khía cạnh
nào đó thì kể cũng thú vị thật. Nhưng mà nếu học theo hai câu
thơ này thì chúng ta sẽ cứ đau khổ dài dài, rồi từ ngáp ngáp cho
đến tắt thở luôn, là bởi vì chúng ta thấy cuộc đời mình vô nghĩa
quá. Khi đã vô nghĩa rồi thì chúng ta không còn tha thiết để
sống, chỉ có nước nhảy sông, nhảy biển thôi. Qua câu thơ này
chúng ta chỉ thấy tất cả không ngoài cái khổ đau. Khổ đau theo
kiểu nhà thơ đã nói, khác với cái khổ mà Đức Phật chỉ cho chúng
ta, vì khổ đau của nhà thơ là khổ đau của bi lụy, khổ đau của
những người không có tầm mắt cao rộng. Còn khổ đau của Đức Phật
dạy, giúp cho chúng ta có một tầm nhìn cao rộng, nhìn về phía
trước chấp nhận những khổ đau của hiện tại, để chúng ta thăng
tiến cho đến khi giải thoát giác ngộ. Nói là chấp nhận khổ đau,
nhưng thực ra một khi đã tu rồi thì không có gì là khổ đau cả.
Bởi vì chúng ta biết chế tác, cho nên có nhận thức:
-
- Nhờ có khổ
đau cho nên chúng ta mới có hạnh phúc.
-
Như vậy vẻ đẹp
ở bên ngoài không có cái gì làm chúng ta vướng bận, mà đau khổ
cũng vậy. Thành ra nghĩa đau khổ của Đạo Phật cũng thánh thiện
lắm, nhưng mà hầu hết nhiều người không biết sử dụng những đau
khổ đó để chế tác hạnh phúc, cho nên cảm thấy bực tức về những
gì cuộc sống đã mang lại cho chúng ta. Trong chiều hướng này xin
chia sẻ đại chúng về một sự mong cầu của một người thiếu nữ:
-
- Người phụ nữ
nầy rất kiêu kỳ và hãnh diện về vẻ đẹp của Cô. Vì là người biết
tu và muốn đạt đến sự giác ngộ, cho nên Cô ta hỏi tất cả những
người có uy tín, những người được cho là đạo cao đức trọng làm
thế nào để đạt đến giác ngộ. Và có người đã bảo:
-
- Nếu Cô leo
lên được đỉnh của 3 ngọn núi này, Cô sẽ thấy ở nơi đó có một cái
hang, và trong hang đó có một Bà Lão thông thái. Bà Lão đó sẽ
nói cho Cô hay làm thế nào để đạt đến đạo quả giác ngộ.
-
Khi nghe nói
như vậy Cô gái này chấp nhận liền:
-
- Được tôi sẽ
đi, không có gì có thể ngăn chặn bước tu học của tôi.
-
Nhìn qua tinh
thần này chúng ta rất khâm phục, vì đạo mà Cô bất chấp mọi gian
lao, bất chấp mọi nguy hiểm và không có cái gì ngăn chặn được
bước tiến tu của Cô ta. Thế là sau khi chịu nhiều gian nan vất
vả, cuối cùng Cô cũng đến đỉnh núi, và tìm được cái hang, trong
đó có một Bà Lão thông thái mặt bộ đồ màu trắng, đang mĩm cười
nhìn về Cô. Thầm phục và kính trọng Cô ta quỳ xuống dưới chân bà
Bà lão và yêu cầu:
-
- Thưa bà con
đã được giác ngộ hay không?
-
Bà lão trả
lời cô gái:
-
- Vâng con
chắc chắn, nếu con không đạt được quả giác ngộ thì con không thể
nào leo lên được núi cao như thế này.
-
Vừa nói đến đó
Bà lão bỗng hóa thành con quỷ sa tăng đứng dậy cầm một chiếc gậy
để vừa đập vào người cô vừa nói:
-
- Bây giờ và ở
đây, bây giờ và ở đây, bây giờ và ở đây ..,
-
Sau khi Cô ta
bị đánh đòn một trận chí tử như vậy, Cô gái này thất kinh hồn
vía vùng bỏ chạy, và Cô ta thoát khỏi nanh vuốt của con quỷ sa
tăng đó. Nhưng mà cũng từ đó trở đi vào những ngày còn lại của
cuộc đời, trong tâm tư của Cô gái này không bao giờ quên những
hình ảnh con quỷ sa tăng đã đập mình, đã rượt chạy và nói:
-
- Bây giờ và ở
đây, bây giờ và ở đây ..
-
Qua bài học
của câu chuyện này, chúng ta thấy con người tu học tương tự như
một dũng sĩ, đều nói lên những gì mà chúng tôi đang đề cập ở
đây. Quả thật tinh thần và trái tim của người tu học là tinh tấn
và nhiệt thành, tuy vậy nếu muốn đạt được đạo quả giác ngộ,
chúng ta không cần phải tìm tới phương trời nào cả. Không cần
phải đi tìm một nơi mà chúng ta nghĩ không có một người nào quấy
rầy chúng ta. Không cần tìm đi đâu cả: Bây giờ và ở đây. Đi tìm
một cảnh giới nào chỉ là chạy trốn chứ không có ý nghĩa trong
vấn đề tu học. Nói như vậy trong hoàn cảnh nào mà chúng ta có,
phải vui với những gì ta có. Do vậy chúng ta tỏ ra kiêu căng
hoặc cứng đầu, kiêu căng vì đã giỏi rồi, cứng đầu vì nghĩ rằng
không ai có thể dạy chúng ta được là thiệt thòi. Nếu mà kiêu
căng và cứng đầu thì tốt hơn hết phải có một người cầm roi quất
chúng ta, như con quỷ sa tăng đã từng quất Cô gái kia. Phải có
một con quỷ sa tăng rượt chúng ta như vậy, để chúng ta sợ chạy
thất kinh hồn vía, có thế mới giác ngộ. Và phải nhớ rằng từ đây
trong cuộc đời còn lại sẽ có người cầm roi quất chúng ta, nếu mà
chúng ta còn phải chạy đi tìm một cảnh giới nào đó để chúng ta
tu học.
-
Khi chúng ta
biết sự giác ngộ nằm trọn vẹn trong khoảng không gian:
-
- Bây giờ và ở
đây,
-
Thì tâm tư
chúng ta càng cởi mở và trái tim lúc đó càng trở nên thân thiện
với thân thể. Lời nói hay tâm trí của chúng ta, và cả thế giới
đều trong vòng tròn với sự hòa điệu của chúng ta. Lúc đó, những
vấn đề nội tâm, những người sống chung quanh, những người thân,
ngôi nhà chúng ta đã và đang ở, nơi thường ăn sáng mỗi ngày cảm
thấy ấm áp hơn, thì thú vị hơn, mà chúng ta không cần bỏ nơi đó
để tìm một cảnh giới nào xa lạ. Phải nói rằng thế giới chung
quanh chúng ta có đầy đủ tất cả sự nhiệm mầu. Mọi việc điều
tương tự như vậy, và như vậy dù ở bất kỳ nơi nào khung cảnh
chung quanh của chúng ta cũng đều là một hoàn cảnh thực sự tuyệt
diệu. Cho nên đừng bao giờ chạy trốn và đừng bao giờ vứt bỏ
những cái gì mà chúng ta cầm trong tay. Bởi vì chúng ta biết cái
mà chúng ta đang có cầm trong tay, chỉ có trong một khoảng thời
gian nào đó thôi. Do vì ảnh hưởng của vô thường, cho nên cuộc
đời của chúng ta giống như bông hoa sớm nở tối tàn. Thực sự giáo
lý Phật Giáo không phải nói ra điều này để bi lụy, đau khổ... mà
nói để chúng ta biết trân quý những gì được coi là mong manh
nhất ở trong cuộc đời, vì nó mong manh cho nên chúng ta trân
quý. Đời người ngắn ngủi, sống nay chết mai cho nên chúng ta
phải thương trọn vẹn, để khi có chết thì chúng ta không ân hận.
Vì vô thường cho nên chúng ta ghi nhận để biết những gì mà chúng
ta có là trân trọng lắm. Phải giữ cho môi trường chúng ta sống
ấm áp, tươi mát, hạnh phúc hơn. Thế giới chung quanh chúng ta là
một sự mầu nhiệm, là một sự tuyệt diệu đừng bao giờ bỏ mất cơ
hội chúng ta có. Bây giờ và ở đây là chiếc chìa khóa để chúng ta
mở cánh cửa giác ngộ chánh niệm. Chúng ta mở cánh cửa giác ngộ,
chánh niệm dạy chúng ta tỉnh thức sống dậy và đầy hiếu kỳ về các
yếu tố giác ngộ bây giờ và ở đây. Cho nên trong tư thế nào cũng
đẹp cả: Tụng Kinh, Niệm Phật, Thiền Tọa và Kinh Hành và hơi thở
của chúng ta là bây giờ. Sự tỉnh thức khỏi vọng tưởng của chúng
ta cũng là bây giờ và ở đây, ngay cả các vọng tưởng của chúng ta
cũng là bây giờ và ở đây. Bởi vì nếu không có vọng tưởng thì
chúng ta không có Chánh niệm. Mặt dầu ý thức vọng tưởng dường
như đưa chúng ta về một dĩ vãng, hay là một tương lai xa xôi nào
đó, nhưng có chánh niệm chúng ta lại càng ý thức được hiện tại.
Càng nhận thấy rằng chúng ta đang ở trung tâm của thế giới, đang
đứng giữ vòng tròn thiêng liêng với sự bảo bọc kỳ diệu. Do vậy
chúng ta phải ghi nhận những động tác rất nhỏ như là: Chải răng,
nấu ăn, hay là tắm rửa, quét nhà kể cả khi chúng ta bưng ly nước
cho người thân chúng ta uống ... Bất cứ điều gì cũng làm ngay
bây giờ và ở đây, là việc làm thánh thiện nhất, là một việc làm
mà chúng ta thấy rằng chỉ có ở những người có Tầm nhìn cao rộng
mới làm được chuyện đó. Còn không thấy đều đó, thì chỉ làm cho
có lệ chỉ trả nợ cho quỷ thần, chỉ làm là tại vì bổn phận được
giao phó như vậy, nhưng mà chúng ta không thực sự thấy tươi mát
trong khi làm việc đó. Phương pháp của chúng ta là hãy dùng
những gì có được để tỉnh thức mà không phải chạy tìm cầu ở một
chân trời gốc biển nào, đó là điều chắc chắn. Chúng ta có thể
làm một cuộc so sánh, giả sử có hai người giống nhau về thân
thể, giống nhau về lời nói, về suy nghĩ về Cha Mẹ về nhà cửa,
tất cả mọi tiện nghi đều như nhau. Một trong hai người đó có thể
sử dụng những gì có để tỉnh thức và người kia có thể sử dụng nó
để trở thành sân hận, đắng cay hay đau khổ hơn. Không nhất thiết
là chúng ta có được một cái gì, kể cả một cơ thể dị dạng, một
sức khỏe dồi dào, hay là một sự cùng khó, sắc đẹp hay xấu xí,
đầu óc nhạy bén hay đần độn, sống giữa nhà cao cửa rộng hay là
một cuộc sống ở hoang dã yên mặc hẻo lánh. Bất cứ cái gì chúng
ta có được nếu có thể làm cho chúng ta tỉnh thức, hay làm cho
chúng ta rời xa sự mê ngủ thì đó là sự tỉnh thức của hiện tại.
Cho nên chúng ta phải nên làm gì với những điều kiện hiện có của
thân thể, ngôn ngữ tâm trí của chúng ta là điều cần thiết.
-
Như vậy đời là
vô thường, thì chúng ta phải sử dụng cái đời vô thường để chúng
ta làm được một cái gì đó cho thường còn. Do vậy thân thể của
chúng ta, chúng ta cũng phải biết sử dụng. Bây giờ còn trẻ có
thể ngồi lâu Tụng kinh, Niệm Phật, thiền Tọa và Kinh hành thì
chúng ta phải làm ngay bây giờ, đừng hẹn để già rồi mới vô Chùa
mới tu, chừng đó làm không nổi tu không xong. Đối với những Phật
tử có cơ duyên đối với Đạo Pháp muộn thì chúng ta chấp nhận nó
như vậy, bởi vì duyên muộn màng. Nhưng mà những ai còn trẻ mà
biết Đạo Pháp thì xin hãy dấn thân liền, tại vì:
-
- Mồ hoang còn
lắm kẻ xuân xanh
-
Ngoài nghĩa
địa thiếu gì những người trẻ đã chết, bây giờ chúng ta đợi tuổi
già, cái tuổi chúng ta không ấn định được. Không ai cho phép
chúng ta ấn định cỡ bao nhiêu tuổi chết, mà vô thường đến lúc
nào thì chúng ta tạm biệt cuộc đời lúc đó thôi, không hẹn trước
được. Cho nên:
-
- Diêm vương
đã định hồi khuya bắt,
-
Quỷ sứ không
chờ tới rạng đông,
-
Khi mà đã hết
số rồi thì quỷ sứ tới dắt chúng ta đi thôi. Phải làm những cái
gì bây giờ và ở đây. Đây là một vài điều rất hữu ích để giúp
chúng ta biết về hiện tại. Hàng rào cản lớn nhất ngăn chúng ta
nhận thức cuộc đời chính là nhận sai lầm đã làm cho chúng ta mắc
kẹt và mờ mắt. Càng nhạy cảm về điều này, chúng ta càng ít mắc
kẹt. Chúng ta càng nhận ra rằng khi bắt đầu giận dữ, hoặc tự chê
trách mình, khao khát một cách đau khổ thì chúng ta bắt đầu gạt
bỏ tất cả. Lúc đó chúng ta như đang ngồi bên bờ vực của thung
lũng và đã trùm lên đầu chúng ta một túi đen lớn, chúng ta có
thể rơi xuống vực thẳm bất cứ lúc nào. Chúng ta có thể kiểm
nghiệm điều này. Có thể leo lên ngọn núi tuyết, nhìn xuống chung
quanh, lúc đó chắc chắn cảm giác đầu tiên phải luôn luôn ghi
nhận là:
-
- Nó phải thật
rộng lớn bao la.
-
Đầu óc chúng
ta bắt đầu cởi mở hơn, nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Nhưng mà nếu
đứng đó lâu, chúng ta bắt đầu thấy những sự việc xảy ra. Điều mà
chúng ta có thể cảm nhận chính là mọi vật dường như đã ngưng
hoạt động và trở nên nhỏ bé. Bởi vì chúng ta đã leo đỉnh núi rồi
cho nên nhìn mọi thứ chung quanh bao la hơn và nhỏ bé hơn. Từ
trên một bình diện cao nhìn xuống lúc nào cũng vậy, chắc chắn
tâm tư của chúng ta sẽ cởi mở hơn đối với khoảng không gian đó.
Chúng ta luôn luôn có thể làm được điều đó bất cứ lúc nào, việc
làm đó sẽ tạo điều kiện hòa mình với thiên nhiên và làm cho
chúng ta trở nên thân thiện với chính mình hơn. Bởi vì chúng ta
có cơ hội quay về với chính mình, về những khao khát mà những
mong muốn, về sự chán chường và làm cho chúng ta thân thiện.
Hoàn cảnh hiện tại mà trong tâm của chúng ta cho đó là thiên
đường. Nhắc đến Thiên Đường có người hỏi:
-
- Thiên đường
và Địa Ngục có thật không?
-
Để trả lời câu
hỏi này, xin chia sẻ với đại chúng một câu chuyện có liên quan
đến những gì mà chúng ta cho nó là: thiên đàng và địa ngục, sống
và chết, tốt hay xấu. Câu chuyện như thế này:
-
Có một viên sĩ
quan rất là oai vệ đến gặp một nhà thông thái và yêu cầu:
-
- Hãy nói cho
tôi biết về thiên đường và địa ngục.
-
Khi nghe viên
sĩ quan đó hỏi, nhà thông thái nhìn vào mặt và bảo anh ta:
-
- Tại sao tôi
lại nói điều đó cho một kẻ thô lỗ ghê tởm bẩn thỉu như anh nghe.
-
Khi nghe nhà
thông thái mắng chửi nhục mạ, viên sĩ quan giận lắm, mặt trở nên
tái, tóc dựng đứng lên nhưng nhà thông thái vẫn không ngừng tiếp
tục chửi:
-
- Ai lại đi
nói với một con bò gớm giếc như anh, cái gương mặt của anh không
đáng để cho tôi trả lời như vậy.
-
Chuyện gì sẽ
xảy ra, lúc đó anh sĩ quan giận lắm và cơn giận nổi lên đùng
đùng, viên sĩ quan đó rút gươm ra và khi anh ta sắp chém đầu nhà
thông thái, thì nhà thông thái bảo rằng:
-
- Đó là địa
ngục,
-
Viên sĩ quan
là một người rất là nhạy bén. Ngay lập tức hiểu ra điều anh ta
mới tạo những hành động đó, chính mình là một địa ngục. Anh ta
đang bị đắm sâu trong địa ngục của chính mình. Với thái độ đen
tối thô lỗ và nóng nảy đầy thù hận và nóng dữ, phẩn uất mà đến
độ làm anh ta không còn tự chủ được nữa, và suýt nữa là giết
chết nhà thông thái kia. Nghĩ đến đó nước mắt tự nhiên rơi lưng
tròng và anh ta khóc, đồng thời cũng chấp tay lạy nói lên những
lời ăn năn hối lỗi, và đúng lúc này nhà thông thái mới bảo:
-
- Đó là thiên
đường.
-
Thực sự không
có thiên đường và địa ngục nào cả, ngoài cách hành xử của chúng
ta đối với mọi người. Từ quan điểm này, chúng ta thấy một lúc
nào đó sân hận xuất hiện và đang trút cơn giận dữ của chúng ta
lên một người nào đó, thì chính chúng ta đang mở cửa địa ngục đi
vô. Càng giận dữ càng phóng mũi tên độc ngôn ngữ vào người kia,
chính là chúng ta đang tạo nghiệp sát và đang mở cửa địa ngục.
Một lúc nào đó thấy sống vui, thánh thiện, tươi mát đến với ai
thì người kia trở thành là người bạn chí thân chí cốt của mình.
Một sự sống đầy sinh lực như vậy thì chúng ta gọi đó là Tịnh Độ.
Tịnh Độ không phải tìm đi đâu, đó chỉ là cách hành xử của chúng
ta đối với mọi người, đối với mọi loài. Địa ngục chỉ là trạng
thái sân hận si mê phản kháng lại sự sống, khi chúng ta hành xử
với trạng thái chúng ta đang hiện có, nó tương tự với chúng ta
đang sống trong địa ngục vậy. Cũng giống như chúng ta tạo nên
một tình huống mà tin chắc rằng mình sẽ rút gươm và chém đầu một
ai đó, hay là mắng chửi một người nào đó, loại phản kháng đó đối
với cuộc sống chính là địa ngục. Ngược lại với hành động đó, lời
nói đó là thiên đường.
-
Với một người
có tầm nhìn cao rộng, phương pháp thực tập chúng ta không nên
cho rằng địa ngục thì xấu, thiên đường thì tốt, để rồi cứ mong
mỏi thoát ra khỏi địa ngục đi tìm thiên đường, mà quên đi yếu
tố:
-
- Bây giờ và ở
đây
-
Cách hay hơn
hết là chúng ta chỉ nên khuyến khích để phát triển con tim của
chúng ta cởi mở một khói óc, cởi mở đối với thiên đường cũng như
địa ngục. Một cách ngắn gọn, cởi mở đối với tất cả. Chỉ có như
thế thì chúng ta mới nhận thấy rằng, bất cứ điều gì xảy đến, thì
chúng ta vẫn luôn luôn đứng chính giữa, ở giữa thế giới, ở giữa
vòng tròn thiêng liêng và bất cứ cái gì tiến vào vòng tròn đó
đều tồn tại với chúng ta ở đó, và đều đã cho chúng ta những gì
mà chúng ta cần biết đó là Tịnh Độ. Cho nên chúng ta phải tự tạo
cho chính mình một không gian được coi là hài hòa, ai đến với
chúng ta đều ảnh hưởng vòng không gian từ ái của mình. Từ lực đó
chúng ta cần phải phát triển, đừng bao giờ chờ, đừng chờ cho một
ai cho chúng ta hết. Chúng ta phải tự tạo, việc làm của chúng ta
là tỉnh thức để làm cho mọi người cùng tiến vào vòng tròn đó.
Luôn luôn làm tỉnh thức sự thúc liễm thân tâm hơn và làm cho
chúng ta đừng say ngủ bởi danh lợi, tài sắc. Cách duy nhất để
làm được điều này, là chúng ta tự cởi mở cõi lòng hiếu kỳ, và
phát triển một số ý niệm về sự thông cảm đối với những gì xảy ra
mà chúng ta cần biết. Cho nên đừng có một ý kiến nào hết, cũng
đừng cho mình là người thông thái, đừng tự cho mình là hơn tất
cả mọi người, nếu không thì chắc chắn chúng ta sẽ không học được
gì cả. Đến với ai chúng ta biết là sẽ học được ít nhiều nơi
người đó một cái gì đó đẹp, nhưng mà đừng học cái dở. Chúng tôi
đã từng nói:
-
- Xã hội Tây
phương, nhất là Hoa Kỳ là một xã hội tuyệt vời,
-
Nói như vậy
không có nghĩa là trong xã hội Hoa Kỳ không có cái dở. Chúng ta
đến xã hội tuyệt vời học cái hay của nó, sử dụng cái điều kiện
vật chất để thể hiện một cái gì mà chúng ta cần làm, chứ đừng
bắt chước rồi sống theo kiểu sống buông thả rồi đỗ thừa:
-
- Xã hội vật
chất không ai tu nổi.
-
Không phải như
vậy, nếu chúng ta có cái nhìn quán triệt và biết sử dụng, thì
còn gì tuyệt vời hơn khi chúng ta tu với đầy đủ phương tiện và
vật chất hỗ trợ cho việc phát triển cuộc sống tâm linh của chúng
ta. Như vậy chúng ta phát triển một số ý niệm để thấy được hoàn
cảnh sống chung quanh. Thấy hay là không thấy, biết hay là không
biết, vẫn là những điều kiện mà nó bám riết theo chúng ta. Cho
đến khi nào nó cho chúng ta một bài học, bài học đó tốt hay bài
học đó xấu tùy theo sự ghi nhận của chúng ta.
-
Có rất nhiều
người đã học được bài học đau khổ của cuộc đời, lúc bây giờ
ngoảnh đầu lại mới thấy tiếc nuối. Bài học nào cũng phải trả một
cái giá, có điều là đắt hay không đắt, ít hay nhiều ... Nhưng mà
chúng ta biết rằng những gì trong cuộc sống ngoài xã hội nó luôn
luôn bám sát cuộc sống của chúng ta. Với người có tầm nhìn cao
rộng, biết nó là những con quỷ, chúng ta sẽ hướng dẫn nó trở ra
thân thiện và trở thành người đồng hành trên con đường đời của
chúng ta. Hiểu được điều này, cho dù là sống trong cảnh ngộ nào
có những lúc gian nan chướng ngại, đói và mệt chúng ta cũng vẫn
là hạnh phúc.
-
Như vậy, người
có tầm nhìn cao rộng là người thấy xa đoán trước những gì có thể
hoặc sắp xảy ra, tiên liệu những sự việc sắp diễn tiến để chuẩn
bị chu đáo cho hoàn cảnh mới. Nếu là các Nhà Thiên Văn Học, Địa
Chấn Học thì biết trước những di chuyển những vận hành trong
không gian vũ trụ cảnh báo cho nhân quần xã hội để tránh những
nguy hiểm có thể xảy ra. Những nhà kinh tế thì đoán trước nhu
cầu phát triển của xã hội để tạo điều kiện thích ứng cho con
người. Những nhà Tôn Giáo Học, nhất là Phật Giáo với tầm nhìn
cao rộng đó để lo trước cái lo của thiên hạ và vui sau cái vui
của thiên hạ. Là những người biết sống an vui, là những người
dám đối diện với mọi khổ đau trong cuộc đời để cứu đời, để cùng
nhau tiến lên bến bờ giải thoát. Trước khi kết thúc bài viết này
xin kể đại chúng một câu chuyện:
-
- Rằng là ngày
xửa ngày xưa có một vị minh quan cai trị vương quốc rất là thanh
bình và trù phú. Mọi việc điều xuôi chèo mát mái, ngoại trừ một
điều không được như ý. Tại vì nhà vua tuổi đã cao rồi, nhưng mà
vẫn chưa có một hoàng nam để mà nối dõi. Thế là một buổi sáng
đẹp trời, đức Vua cho niêm yết một thánh chị Nội dung thánh chỉ
là truyền lệnh các đồng tử từ 7 tuổi đến 12 tuổi vào sân rồng
cho Ngài chọn người nối nghiệp. Các thần dân của đức Vua trong
lứa tuổi ấn định, lần lượt kéo nhau về kinh thành đăng ký. Khi
yết kiến đức Vua xong, những thần dân tý hon, kể cả gia tộc
giàu, nghèo, sang, hèn, mỗi cậu bé đều được nhận một hạt giống
tí teo. Các thí sinh đó đem hạt giống về phải tự mình gieo trồng
chăm bón. Đến bao giờ hạt giống đó nảy mầm, đâm chồi nảy lộc ra
hoa kết nụ thì đem vào hoàng cung để dự thi. Ngày dự thi đã được
ấn định vào đêm trăng rằm tháng 8, trăng tròn của năm xửa năm
xưa. Thế là vào ngày trăng rằm tháng 8 của năm xưa đó, các thần
dân tí hon phải mang chậu bông của mình để cho đức Vua và Hoàng
hậu chấm. Ai được chấm giải nhất thì người gieo trồng đó sẽ được
chọn làm Hoàng tử, người kế vị đức Vua lên ngôi cửu ngũ sau này.
-
Ngày chờ đợi
đó đã đến, vườn ngự uyển của Đức Vua chất đầy các lẳng hoa, phải
nói là không chê vào đâu được. Nhưng mà đức Vua và Hoàng hậu
dường như vẫn chưa hài lòng. Không những vậy mà nhà Vua và Hoàng
Hậu còn đăm chiêu buồn bã. Trong lúc nhà Vua và Hoàng Hậu lộ vẻ
thất vọng thật sự thì có một chú bé khoảng 8 tuổi, quần áo rách
rưới nhưng mặt mũi rất dễ thương xin được vào gặp đức Vua của
chú. Mọi người ai cũng cười, cười vì thấy chú bé này mặt mũi thì
dính đất cát dơ bẩn, quần áo rách rưới, nhưng mà khuôn mặt rất
là dễ thương. Trên tay của chú vẫn cứ khư khư ôm cái chậu, trong
đó chứa đầy phân và đất mịn. Vị thần dân tí hon này quỳ trước bệ
rồng và nước mắt chảy quanh tròng sụt sùi thưa đức vua:
-
- Dạ muôn tâu
đức Vua, con đã cố gắng hết sức mình, chọn một chiếc chậu lành
lặn nhất, đặt vào đó loại đất mịn nhất, trộn vào chậu loại thứ
phân tốt nhất, rồi đặt hạt giống đức Vua ban cho con vào chậu.
Con đã phơi sương ủ nắng tưới tẩm rất nhiều, vậy mà nó không
chịu nứt cái mầm nào cả, cho nên con buồn lắm.
-
Khi nghe đến
đây nhà Vua không dấu được vui mừng hòa lẫn với sự xúc động,
bước xuống ngai vàng ôm chầm lấy chú bé dân dã đó, nhà Vua mới
nói thế này:
-
- Con chính là
hoàng tử mà ta và thần dân đang mong chờ.
-
Có lẻ quý vị
sẽ thấy lạ. Cả đám thần dân tí hon của nhà Vua cũng ngạc nhiên,
và cho đến các vị quan đại thần có mặt trong buổi tuyển chọn đó
cũng bất bình khi nghe nhà Vua nói như vậy. Nhà Vua mới vuốt râu
cười và hân hoan giải thích:
-
- Thật ra các
hạt giống trước khi trao cho các tuyển sinh đều đã được hấp
chín, cho nên nó không bao giờ mọc. Nhưng mà với chú bé này, mặt
dầu giống đã được hấp chín, nhưng nó có thể mọc, trưởng thành và
nở một đóa hoa vô hình trung thực nhất.
-
Chỉ vào chiếc
chậu dơ bẩn của chú bé, nhà Vua nói tiếp:
-
- Đóa hoa vô
hình chỉ mọc trong chiếc chậu này mà thôi. Con người đã gieo
trồng được đóa hoa đó nhất định sẽ là vị minh quân, đất nước của
chúng ta đang chờ.
-
Và đức Vua đã
không lầm trong sự lựa chọn này.
-
Nói tóm lại,
qua bài học này, chúng ta đã học được gì? chúng tôi xin dùng
đoạn này để nói lời tóm tắt. Trong bài học này đã cho chúng ta
một kinh nghiệm, như hành động của nhà Vua vì muốn tìm một nhân
tài cho quê hương đất nước, cho nên nhà Vua đã âm thầm hấp chín
các hạt giống rồi bảo mọi người đem ươn. Sự thành thật của cậu
bé 8 tuổi bày tỏ nỗi lòng tận tụy của mình trước bệ rồng, đã cho
chúng ta thấy tầm nhìn cao rộng của nhà Vua trong việc lựa người
để truyền ngôi sau này. Bởi vì nếu giao ngôi Vua này cho những
người vô tướng bất tài, không có khả năng điều khiển thiên hạ,
thì chỉ là thứ ăn hại mà thôi, chẳng làm được trò trống gì cả.
Vai trò đó phải giao cho những người có khả năng, mà không phải
chỉ có khả năng mà phải thành thật tận tụy với mọi người, phải
coi tất cả mọi người như là con của mình. Nhà Vua đã không lầm
trong sự lựa chọn, Với tầm nhìn cao rộng của nhà Vua trong việc
lựa chọn người sau này, cũng như tương tự trong cuộc đời của
chúng ta như vậy. Phải biết rằng trong cuộc đời đầy dẫy những
cạm bẫy chông gai, muốn thành công trong lãnh vực nào cũng đều
phải có tầm nhìn cao rộng. Chúng ta là những chiến sĩ trong đoàn
quân Chánh pháp của Như Lai, trong công cuộc tiêu diệt vô minh
và tham vọng, là một công việc được coi là hàng đầu. Bởi vì nếu
chúng ta không tiêu diệt được vô minh tham vọng, thì đừng bao
giờ mong đạt được quả giải thoát giác ngộ. Vì thế nếu chúng ta
không có tầm nhìn cao rộng, không biết điều gì đáng giữ, việc gì
nên quên, lúc nào cần phải tiến bước, lúc nào cần phải dừng chân
thì chúng ta là người thua cuộc. Có được tầm nhìn cao rộng thì
chúng ta mới thành công trên con đường tu tập đạo giải thoát, vì
thế ngay bây giờ và ở đây chúng ta phải lựa chọn cho mình một vị
thế mà qua đó bài kệ:
-
Bạn muốn là
bùn hay hoa sen
-
Là bùn hôi
thúi chẳng ai khen
-
Là sen thơm
ngát trời người kính
-
Tôi muốn là
sen mọc trong bùn.