TẬP SAN DƯỢC SƯ

Sự Từ Bỏ Tuyệt Vời
Tâm Như
--o0o--
 
            Nói đến Sự Từ Bỏ, chúng ta không thể không liên tưởng đến một hình ảnh hết sức đẹp và vĩ đại. Có thể nói đây là một sự từ bỏ vô tiền khoáng hậu mà chúng ta chưa từng thấy trong lịch sử của con người, từ mấy ngàn năm đến bây giờ, đó là sự từ bỏ của thái tử Tất Đạt Đa. Là người có quyền thừa hưởng vương vị, nhưng mà với tâm từ thương đời, mến chân lý, cho nên Ngài sẵn sàng từ bỏ tất cả để đi tìm đạo. Ngài đi trong nắng cháy mưa tuôn, trong sương gió dãi dầu, mỗi bước chân của Ngài đi qua các làng mạc khô cháy, từng gốc cây từng bóng mát đều là nơi ẩn trú qua đêm của Ngài. Chưa có một người nào từ bỏ ra đi giống như một Thái Tử Tất Đạt Đa, và nhờ sự từ bỏ vô tiền khoáng hậu đó mà dòng sinh mệnh giải thoát từ đó đã được lưu truyền cho đến ngày nay và mãi mãi tận ngàn sau.
Khi phát nguyện làm đệ tử Phật là người mới bước chân vào đạo, trước tiên ai cũng phải trải qua một buổi lễ gọi là lễ Quy Y Tam Bảo để trở thành một người Phật tử. Quy Y Tam Bảo thì chắc chắn người Phật Tử nào cũng có, nhưng có lẽ ít có người thông suốt được ý nghĩa thâm thúy của buổi lễ Quy y như thế nào! Thật sự nếu nhìn cho thấu suốt thì ngày mà chúng ta đi tới Chùa để quy y thì cũng chính là ngày phát nguyện từ bỏ một sự từ bỏ tuyệt vời. Lẽ tất nhiên nó không giống như một Thái Tử Tất Đạt Đa trước đây, nhưng mà cũng đủ nói lên là chúng ta dám chấp nhận quay về với bản tánh sáng suốt, chơn chánh, và với bản tánh thanh tịnh của mình. Quả thật cuộc đời đầy dẫy vô minh tham vọng, trong lúc chúng ta dám từ bỏ vô minh tham vọng để mình quay lại với con người của mình, đó là một sự từ bỏ tuyệt vời.
Trước khi trở về với Đức Phật, là một người thông thường, chúng ta chưa hề biết Phật là ai, và cũng chưa bao giờ biết Tam Bảo là gì. Nhưng khi đến với Phật, biết Tam Bảo rồi thì chính là lúc chúng ta từ bỏ vô minh tham vọng, rồi chúng ta nhận giới. Trước đây không biết giới luật là gì, bây giờ chúng ta nhận năm giới để làm hành trang cho cuộc đời tu học cho mình, có nghĩa là chúng ta quay lưng với cuộc sống thế tục, trở về với Chánh đạo. Khi đã trở thành một người Phật tử thì mỗi người ai cũng nhận một tên mới gọi là Pháp danh. Tên mới đó có mục đích duy nhất là chỉ ra con đường do chính bản thân người Thầy đã đặt tên cho chúng ta. Khi vị Thầy đặt tên mới gọi là pháp danh tức là muốn chúng ta phải lập nguyện, lập hạnh, lập danh để sống để tu học. Thí dụ như bản tánh và tư cách của chúng ta: Tốt xấu, hay dở ... Nhiều khi vị Thầy có thể biết, và đôi khi cũng không biết. Nhưng khi Quy y Tam Bảo rồi, vị Thầy đã đặt cho chúng ta là Thiện, thì chúng ta cũng phải thực tập làm sao cho trở thành một con người toàn thiện. Vì tâm tư nguyện vọng của Thầy bổn sư đã chỉ cho chúng ta phải làm điều đó. Nghĩa là con đường của chúng ta đã được Thầy dạy đạo vạch ra rồi, thì chúng ta phải ráng mà đi cho đến nơi đến chốn, đó là một sự từ bỏ tuyệt vời.
Trong chiều hướng này, nếu như có người kiếm chuyện chửi bới, gây sự ... thay vì trả đũa lại người chửi, gây sự thì chúng ta nên nhường nhịn. Nói một cách thông thường thì đó là thái độ nhường nhịn, nhưng nói cách cao hơn, đẹp hơn là chúng ta từ bỏ không vướng mắt vào cuộc đôi chối của trần thế, đó là một sự tuyệt vời. Đừng nghĩ nhịn như vậy là chúng ta thua, mà là thấy không cần thiết phải có những đôi chối tranh cãi, thanh minh ... do vậy mà chúng ta không cần truy cứu tới những chuyện như vậy, đó là một sự từ bỏ tuyệt vời.
Phần lớn những người Phật tử không thích nghe những từ ngữ trang trọng, nhưng khi thích nghe những từ ngữ trang trọng rồi lại không hiểu những từ ngữ đơn sơ nhất. Vì thế chúng ta tưởng phải từ bỏ cái này, từ bỏ cái nọ mới là từ bỏ. Ý nghĩa của sự từ bỏ đơn giản lắm! Chẳng hạn như có người đến các cửa hàng hiệu, dám bỏ một số tiền lớn vì nghĩ là có tiền dư xài, hay ý muốn làm đẹp cho nên bỏ ra năm bảy ngàn để mua những đồ trang sức trang điểm cho thân thể, thì cũng chẳng tổn hại gì đến túi tiền lớn kia. Dám bỏ nhiều tiền để làm cái đẹp giả tạo, nhưng lại không dám bỏ cái tham-sân-si nhỏ xíu của tự thân để làm cái đẹp vĩnh viễn. Có người xài sang, quần áo đắt tiền mới mua về, mặc một vài lần thấy cũ là đem vứt thùng rác. Trong khi đó tham-sân-si, chấp ngã đã đeo đẳng chúng ta mấy chục năm trong cuộc đời mà không thấy cũ, cũng chẳng dám vứt vào thùng rác. Đã vậy còn muốn xài lúc nào là đem ra xài để có dịp chửi bới thiên hạ.
Chúng ta hãy can đảm lên để thẩm định sự từ bỏ của mình. Như nói về cuộc sống của quí Thầy Cô, việc xuất gia không nên nói đó là sự tiêu cực mà phải hiểu là một sự từ bỏ tuyệt vời. Chính vì vậy mà mỗi khi hướng dẫn các cô các chú phát tâm xuất gia, việc đầu tiên chư Tôn Đức thường nhắc nhở:
- Xuất gia là xuất thế tục gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia.
a- Xuất Thế Tục Gia:
Có nghĩa là từ đây về sau không còn sống với gia đình nữa mà phải ở Chùa. Hiểu theo nghĩa đơn sơ nó là như vậy. Nhưng xuất thế tục gia cũng có nghĩa là chúng ta không còn liên hệ tới những cuộc đôi chối, thị phi, được thua trong cuộc đời, vì không muốn tạo phiền não cho nhau nữa.
b- Xuất Phiền Não Gia:
Khi đã đi tu, việc thành Phật, thành Thánh, Bồ Tát thì chưa nói tới, nhưng khi đã cạo đầu xuống tóc rồi thì từ đây về sau không vì một điều kiện hay hoàn cảnh nào mà mình đâm ra buồn phiền chán nản, thì đó là xuất phiền não gia. Nếu tu mà còn buồn phiền chán nản thì chưa xuất phiền não gia.
c- Xuất Tam Giới Gia:
Tức là chúng ta quyết tâm thực hành giáo pháp của Phật để không còn luân hồi trong Tam Giới nữa.
Chúng ta biết ý nghĩa sự từ bỏ tuyệt vời là như vậy. Và khi thực hiện buông bỏ mọi bám víu, những gì trước đây buông bỏ không được nhưng bây giờ chúng ta buông bỏ được, đó là dấu hiệu của sự tiến bộ. Nhưng là người học Phật, tuy tách riêng con người của mình ra khỏi cuộc sống thế tục, nhưng mà không bao giờ quay lưng với cuộc đời. Nói như thế có nghĩa là chúng ta không nên nhúng tay vào những chuyện gây tranh chấp, hận thù, thị phi trong cuộc đời. Trái lại chúng ta vẫn luôn luôn đi bên cạnh cuộc đời và giải quyết những tranh chấp nếu có thể và nếu cần. Bởi vì tâm nguyện của người tu, tâm niệm của người buông bỏ mọi trần duyên là phải đi vào cuộc đời, để sáng đem niềm vui cho người, chiều làm cho người bớt khổ, chớ không phải nói chúng ta từ bỏ cuộc sống thế tục là quay lưng với cuộc đời. Một đệ tử của Phật, là xuất gia hay tại gia cũng vậy, chúng ta nên cởi mở tất cả mọi thứ để không bị vướng mắc một cái gì trong cuộc đời. Khi nghĩ đến nền tảng của sự từ bỏ như một sự quay về với con người thật của mình, đúng đắn với bản tính cao thượng của uyên nguyên ngày xưa trước khi chúng ta đến cuộc đời này, lúc đó cuộc đời của chúng ta thánh thiện lắm! Nhưng mà sống trong cuộc đời theo thời gian năm tháng, con người của chúng ta bị vẫn đục bởi điều kiện của xã hội. Đó là lý do giải thích cho chúng ta hiểu, nếu là con người sống trong môi trường có hướng dẫn, có giáo dục thì người đó trở thành tốt đẹp thật dễ thương, nhưng mà sống trong một xóm đánh chém mỗi ngày, chửi thề chửi tục, thì con người đó cũng sẽ trở nên xấu dở tệ.
Bây giờ chúng ta quay trở về với cái uyên nguyên từ thuở ban đầu, tức là chúng ta từ bỏ cái xấu xa tìm về con người thật của mình. Trong lời dạy của Đức Phật nhắc đến Phật Tánh có cùng một quan điểm chung mà theo Đạo Nho nói rằng:
- Nhân chi sơ tánh bổn thiện.
Tức là những ngày đầu tiên đến cuộc đời này chúng ta hết sức là thánh thiện, nhưng mà do xã hội nó làm cho con người chúng ta khôn ngoan, lanh lợi, dễ thương. Nhưng cũng do điều kiện xã hội làm cho con người chúng ta trở nên láu cá, xấu xa, nhơ bẩn. Tương tự như mọi con người vừa mới sinh ra, đều có quyền thừa kế dòng dõi như nhau, tức là đều sẵn có một đầu óc sáng suốt, một trái tim nồng ấm. Nhưng mà sống trong cuộc đời rồi nó làm đầu óc của mình trở nên đen tối, hay trái tim nồng ấm lúc ban đầu, vì điều kiện hoàn cảnh của xã hội nhiệt huyết của mình nó trở nên nguội lạnh đi. Bằng cách đó chúng ta thấy, có nhiều cuộc tình mới đầu nồng ấm lắm, cảnh cơm chờ cơm đợi diễn ra hằng ngày. Nhưng theo thời gian thấy người chúng ta thương bạc tình vô nghĩa, thế là khỏi thèm chờ nữa. Muốn ăn thì tự nấu lấy, tức là trái tim nồng ấm của chúng ta bị cướp mất đi không còn nguyên vẹn nữa, bao nhiêu nhiệt huyết nó không còn, do vì đối xử với nhau không đẹp.
Sự từ bỏ những đam mê dục vọng bên ngoài sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng, chúng ta đã sẵn có những gì chúng ta cần, những gì có sẵn đã thánh thiện rồi, nhưng bây giờ trở nên không thánh thiện nữa là tại vì đâu? Có thể nói mỗi giây phút thời gian đều là những năng lượng để nuôi lớn chúng ta, đồng thời sự tương quan giữa chúng ta và thời gian hết sức là thánh thiện. Sự tương quan này hết sức là sống động, qua đó có một lần tôi đến văn phòng một bác sĩ, thấy một bức tranh treo trên tường. Trong bức tranh có hình một phụ nữ tay dắt một đứa bé có lời chú thích như thế này:
- Các mùa đến rồi đi,
Hạ đi theo Xuân,
Thu đi sau Hạ,
Đông sang sau Thu.
Quả tình, con người sanh ra và lớn lên đến tuổi trưởng thành, rồi trung niên, già và chết, mọi vật đều vận hành theo chu kỳ của nó. Ngày sang đêm rồi đêm tiếp nối qua ngày. Mới nghe chúng ta thấy như đơn giản quá, và nghe qua ai cũng biết cũng hiểu. Định luật tuần hoàn luân lưu chắc chắn như vậy, điều vô cùng ý vị là chúng ta phải nhìn cho sâu sắc hơn để thấy một phần trong muôn vật của vũ trụ, khi chúng ta bắt đầu có niềm tin trong các vật tạo cơ bản, sự toàn vẹn trong tính sống của nó và của thế giới chung quanh, thì chúng ta mới có thể hiểu được sự từ bỏ. Do vậy chư Tôn đức thường nói:
- Khi chúng ta cảm nhận được thế giới rộng lớn như thế nào, chính lúc đó chúng ta sẽ thấy được tiềm năng kinh nghiệm cuộc sống để trưởng thành của chúng ta, thì chúng ta mới thật sự từ bỏ những gì chúng ta đáng bỏ.
Quả thật như vậy, khi chúng ta ngồi Thiền, Tụng kinh, Niệm Phật, nếu mà ngồi thiền để mà mong cầu một quả vị gì đó, hay Tụng kinh Niệm Phật cũng vậy, thì chúng ta chưa thấy gì hết. Trong lúc nếu tâm tư lắng đọng thì chúng ta sẽ cảm nhận được đại vũ trụ là sơn hà đại địa ở bên ngoài, còn tiểu vũ trụ chính là bản thân của mình. Sự hài hòa, vận chuyển bên ngoài như thế nào, thì nhịp tim và hơi thở của chúng ta nó cũng hòa quyện với nhau trong nội tâm chúng ta như thế đó, mà qua đó hơi thở là tiêu biểu. Chẳng hạn như khi hơi thở thoát ra và có một ý niệm về sự mong muốn cởi mở với giây phút hiện tại, rồi tâm trí của chúng ta lan man vào tất cả các câu chuyện ngụy tạo và thực tế đầy giả tạo, thì chúng ta mới thấy rằng đó là suy nghĩ. Do sự suy nghĩ đó mà trăm duyên ngàn mối nó xảy ra, ít thì chúng ta còn nhận thấy phương hướng của mình, nhưng mà đến khi nó nhiều quá, lúc bây giờ trong tâm tư của mình nó rối bời như bòng bong. Chính là lúc mà chúng ta đang đắm chìm trong vòng lẩn quẩn của đau khổ không có lối ra.
Nói đến đây chúng ta mới thấy sự từ bỏ tất cả là quan trọng. Khi biết rằng chúng ta bị lôi cuốn vào trong vòng lẩn quẩn của mớ bòng bong đó, và có một thái độ dứt khoát phải vứt bỏ hết là thông minh vô cùng.  Có người hỏi:
- Như mọi người cũng đã biết, Quy Y Tam Bảo là một thái độ từ bỏ tuyệt vời. Ngoài ra chúng ta còn phải làm như thế nào nữa mới được coi là từ bỏ?
Theo chư Tôn Đức hướng dẫn khỏe lắm. Việc trước tiên mời đại chúng về chùa Dược Sư hay bất cứ nơi nào mà quý vị thấy có duyên và thuận tiện cho hoàn cảnh để thực tập: Tụng kinh, ngồi thiền, kinh hành ... Khi tụng Kinh, niệm Phật, ngồi thiền ... đại chúng sẽ thấy rằng mọi lẩn quẩn, mọi rối bời, mọi đau khổ đó nó sẽ được vứt bỏ theo hơi thở của mình. Cứ một hơi thở vào và một hơi thở ra là chúng ta vứt bỏ một ít. Nếu nói như vậy thì trong khóa tu ba ngày nay, đại chúng thở hơi thở chánh niệm đã vứt bỏ rất nhiều vụn vặt ở trong cuộc đời rồi, cho nên càng tu thì gương mặt càng rạng rỡ và trẻ ra. Chúng ta phải thấy được điều đó. Một hơi thở vô và một hơi thở ra là chúng ta vứt những thứ mà chúng ta không cần thiết, đó là hơi thở có chánh niệm. Và chánh niệm không phải chỉ có hơi thở, mà cả khi dùng cơm cũng dùng cơm trong chánh niệm. Tiêu biểu rõ ràng nhất là trong lúc ăn cơm, chúng ta luôn luôn quán bốn đại nguyện:
- Thứ nhất: Con xin thực tập hiến tặng niềm vui.
- Thứ hai: Con nguyện thực tập làm vơi nỗi khổ.
- Thứ ba: Con nguyện thực tập giữ lòng hoan hỷ.
- Thứ tư: Con nguyện thực tập xả buông những thứ không cần thiết.
Nhờ thực tập chánh niệm, chúng ta có thể buông bỏ những chấp thủ, và buông bỏ những gì chúng ta muốn nắm bắt trở lại. Nếu không thực tập điều đó thì bây giờ khổ, ngày mai khổ, cả năm cả đời khổ, cứ khổ dài dài ... Có thể nói sự thực tập từ bỏ tuyệt vời phải giống như một con sông chảy liên tục không bao giờ ngưng. Quả thật cuộc đời chúng ta giống như dòng nước vô tình êm trôi. Chúng ta thấy nước phẳng lặng trôi đó, nhưng không ngày nào giống ngày nào hết, cũng giống như con người chúng ta ngày nay với một tâm tư như thế này, ngày mai với một tâm tư khác, chồng chất lên nhau, rồi cuối cùng nếu chúng ta không có sự từ bỏ, trở nên nuối tiếc ân hận buồn nhớ đau khổ ... Chúng ta cũng phải thực tập giống như một thác nước chảy từ trên núi xuống, bỗng dưng nó bị kẹt lại giữa những hốc núi bởi những sỏi đá và nhiều cây cối, cho nên nước nó không thể chảy được. Mặt dù nó có sức để lớn và có khả năng tiến về phía trước, nhưng mà kẹt ở nơi đó rồi, cho nên nó không chảy được. Hiện tượng đó cũng giống như những gì xảy ra với chúng ta trong cuộc đời, chúng ta cũng bị kẹt như vậy. Đương nhiên trong cuộc đời không ai là không có những cái mà mình gọi là kẹt, không vướng vào chuyện này cũng vướng vào chuyện khác. Bây giờ biết nó như vậy rồi, nếu chúng ta ngồi đó khóc, ngồi đó nuối tiếc hay là ngồi đó đau khổ thì cũng chỉ vô ích thôi. Nếu là một dòng suối bị kẹt nước không lưu thông được thì chúng ta phải tìm cách khai thông. Nhưng nếu là chúng ta thì điều hay hơn hết là thực tập buông bỏ vào mỗi cuối hơi thở ra của mình, chúng ta hãy để ý nghĩ tới nó giống như sự di chuyển những hòn đá, những cây khô lá mục để nước có thể tiếp tục chảy về phía trước, cũng như để năng lực và sức sống của chúng ta có thể phát triển một cách tự nhiên.
Nên nhớ là dòng đời còn dài chúng ta không nên để kẹt vào một tình huống nào cả, cho nên phải thực tập từ bỏ tất cả mọi vướng mắc. Nếu có kẹt chúng ta phải trở về với chánh niệm, tìm cách khai thông bằng hơi thở vào, thở ra cuối hơi thở. Dẹp hết mấy cái đó, đương nhiên là khó, cho nên chúng ta phải học phải thực tập. Tất nhiên ai thực tập thì cũng sẽ làm được, vì không ai là giỏi và không ai là thánh thiện. Chúng ta phải để cho năng lượng và sức sống đó nó chảy về phía trước, đừng sợ hãi một cái gì cả. Mọi thứ không có cái gì có thể cản được bước chân của chúng ta nếu chúng ta biết từ bỏ. Vì vậy sự từ bỏ là một thái độ nhận thấy một cách rõ ràng, nhận thấy khi nào chúng ta cần nắm bắt giữ, và đã biết cách dứt bỏ, và tận diệt ...
Hãy học cách cởi mở để đón nhận sinh khí mới, đó là chấp nhận những gì đã được đặt trên bàn cho mọi người thấy. Do vậy đại chúng đừng bao giờ ngần ngại lôi hết những tánh xấu của mình để lên bàn, để cho mọi người thấy, nếu cái đó xấu mọi người phê phán, chúng ta kịp thời sửa. Nếu cái đó tốt mọi người khen chúng ta tiếp tục làm cho nó tốt thêm, đó cũng là sự từ bỏ tuyệt vời. Bởi vì con người ở trong cuộc đời ít ai dám nói cái xấu của mình, đó là thói đời:
- Tốt khoe xấu che.
Đã là tốt khoe xấu che, thì dại gì đem cái xấu dở cho người ta coi. Nhưng đó là đời dạy, còn đạo dạy tốt xấu đều đem ra hết để cho người ta dòm. Mỗi người dòm một chút để chúng ta thấy quê mà sửa. Nói tới đây phải nói tới chư Tăng Ni sống một đời phạm hạnh, đó chính là sự từ bỏ tuyệt vời. Có tính cách phổ biến, trong truyền thống Phật Giáo có ngày gọi là ngày tự tứ. Quả thật trong cuộc đời, ít có ai đám nói lên cái lỗi của mình, nhưng chư tăng sau ba tháng An cư kiết hạ, dám nói lên cái lỗi của mình. Thật sự cũng không phải chỉ nói lỗi của tự thân thôi mà còn cho phép người khác chỉ lỗi của mình. Ở đời tâm lý chung, nhiều khi con người luôn luôn che dấu, dấu được chừng nào hay chừng nấy. Nếu lỡ người ta biết được, kẹt lắm phải khai nhưng chỉ khai chút ít thôi. Phần còn lại là đổ thừa tại lý do này, tại cái kia chứ không phải tại mình. Thật sự nếu không can đảm từ bỏ những cái xấu, thì sẽ không bao giờ thành công được. Chúng ta thực hiện làm cho được điều đó, nghĩa là phải đối đầu với mục tiêu chính mình khi thực tập từ bỏ có ý nghĩa. Để trợ duyên cho tinh thần thực dụng về sự từ bỏ trong đời sống hằng ngày, có một câu chuyện về nhóm người trèo lên đỉnh núi. Đây là một bài học rất là hay. Nhìn qua câu chuyện này chúng ta thấy bình thường, nhưng ý nghĩa của câu chuyện nói lên một giá trị thực tập sâu sắc, nếu chúng ta có áp dụng cho trọn cuộc đời cũng chưa chắc đã được toàn vẹn:
Một ngọn núi khá dốc, có một nhóm người mới leo lên một mức độ cao nào đó. Một vài người nhìn xuống thấy cao hơn bình thường, có thể là tự mãn là mình đã trèo lên một chút cao, có thể là những người chưa bao giờ trèo cao, nên thấy mình cao quá và lúc đó tay chân bắt đầu lạnh. Nỗi sợ hãi lớn đến với họ, cho nên họ không di chuyển được nữa và đứng yên tại chỗ. Trong số đó có những người vẫn tiếp tục trèo lên cười nói tự nhiên, đi lên đồi núi dốc hơn rùng rợn hơn. Ở nơi đó cũng có một số người bắt đầu hoảng sợ, vì nó cao hơn bình thường, và ở nơi đó bắt đầu có sương bay vần vũ, nhìn xuống đồi núi heo hút kinh khủng quá cho nên họ dừng tại đó. Một số người khác vẫn tiếp tục trèo, mặc dầu là đồi núi có cao, có nguy hiểm lớn mây bay vần vũ nhiều hơn, nhưng họ vẫn có thể trườn mình leo lên được đỉnh núi nhìn xuống không thấy sợ hãi, và rất hạnh phúc vì mình đã leo được tới đỉnh.
Bài học từ của câu chuyện này dạy chúng ta, muốn đạt được mục tiêu mà chúng ta muốn đến thì phải thực tập sự từ bỏ và phải biết chấp nhận sự gian nan. Như có một số người chỉ leo lên một chút xíu mà tự mãn, hay là chúng ta muốn đi tìm một sự thánh thiện mà không dám bỏ những cái hèn hạ, thì không có được những cái thánh thiện. Có những người can đảm dám từ bỏ nhiều hơn, cho nên trở thành những người được coi là được, và có những người vứt bỏ hoàn toàn, chấp nhận mọi thử thách và chấp nhận mọi sự gian nan, sống trọn vẹn với lý tưởng, vứt bỏ hết tất cả những danh lợi phù phiếm giả tạm và cuối cùng họ đứng trên đỉnh núi của trí tuệ.
Trong chiều hướng khích lệ chúng ta phải biết, cuộc sống trong xã hội là cả một hành trình dài để đạt đến mục tiêu của chúng ta, điều đó chắc chắn nó sẽ lập đi lập lại nhiều lần trong cuộc đời. Thành ra chúng ta nên để ý, nếu cơ hội đã qua cũng đừng bao giờ nghĩ mình là người thua cuộc, vì sẽ còn có những cơ hội đến nữa. Mọi việc sẽ lập lại, đó là lúc chúng ta sẽ được thử thách, đó là lúc nếu chúng ta là một người muốn thăng tiến thì đây là cơ hội tốt nhất. Có điều là chúng ta có chịu dấn thân cho lý tưởng không thôi. Đương nhiên ở trong cuộc đời, những ai đã biết được ý nghĩa của sự từ bỏ, thì không có cái gì là chúng ta không dám làm, không dám nhìn. Chúng ta không phải chỉ nhìn mà còn phải nhìn thấu suốt mọi vấn đề, để rồi từ một con người phàm phu chúng ta dám vứt bỏ để trở thành một con người thánh thiện hơn. Và từ một con người thánh thiện hơn cũng vứt bỏ để trở thành Bồ Tát thành Phật.
Người leo được lên đỉnh núi không phải là người anh hùng mà tại vì họ không sợ độ cao. Người mà trở thành Phật như Thái Tử Tất Đạt Đa không phải Ngài là người giỏi hơn chúng ta, mà Ngài là người không sợ khổ. Bây giờ chúng ta sợ khổ thì không thể từ bỏ được. Thật vậy, chưa có ai dám can trường mỗi ngày không ăn, nhưng Thái Tử Tất Đạt Đa đã từng nhịn ăn. Không phải một ngày nhịn ăn mà Ngài nhịn ăn suốt thời gian sáu năm ròng rã khi Ngài tu khổ hạnh. Trong khi đó chúng ta tới giờ ăn cơm mà chưa dọn có cơm để ăn là đã đói bụng, gào thét lên rồi. Thật vậy, trong nếp sống gia đình, nếu một ông chồng khó chịu xấu nết ăn, đến bữa cơm bà vợ chưa kịp dọn lên là ông đã vỗ bàn hét mắng rồi. Chúng ta chưa thực hành để chịu đựng những sự khổ, trong khi đó Thái Tử Tất Đạt Đa đã thực hành và làm được. Bây giờ tất cả chúng ta đều là người Phật tử, ai cũng biết tấm gương đó rồi, có thể không làm được ngày hôm nay, nhưng mà đừng coi thường khả năng của chính mình, chúng ta sẽ làm một ngày nào đó, và chắc chắn làm được. Nếu chúng ta có phát nguyện, hứa hẹn một lúc nào đó đầy đủ nhân duyên là chúng ta sẽ làm được. Bởi vì đối với những người không trèo lên được đỉnh núi không phải là người thua cuộc, nhưng mà họ dừng lại hơi sớm. Vì vậy mà bài học của họ đến hơi muộn hơn những người khác. Tuy nhiên dù là sớm hay muộn cuối cùng nếu mà vẫn muốn trèo thì cũng tới đích thôi.
Trong chiều hướng của những người trèo núi dừng lại sớm, nhưng sau một thời gian nghỉ mệt, không còn sợ hãi nữa và tiếp tục trèo thì có ngày cũng đến đỉnh núi. Cũng vậy, bây giờ ngày hôm nay, có những Phật tử chưa chịu dấn thân vào cuộc từ bỏ tuyệt vời, còn làm phật tử tới chùa nghe pháp, nhưng ít ra quý vị cũng đã từ bỏ cháu nội cháu ngoại để về Chùa tham dự các khóa tu. Nhất là những Phật Tử có con thơ dại, dám từ bỏ đứa con của mình để đến Chùa ngồi nghe pháp, điều đó cũng đáng khích lệ, vì đó cũng là cũng là sự từ bỏ nhưng mà nhỏ. Bây giờ chúng ta làm điều nhỏ trước đi, đến khi làm được chuyện lớn là chúng ta ở Chùa luôn. Như vậy dù sớm hay muộn cuối cùng cũng tới đích thôi.
Khi leo lên trên đỉnh núi, tình huống khi đó có rất nhiều không gian, và có thể nhìn rất rõ mọi thứ, lúc đó chúng ta có thể cởi bỏ lớp áo che bên ngoài, và những hành trang mà chúng ta leo núi. Cuối cùng chúng ta đứng chạm đất, một cảm giác tuyệt vời khi mà đứng trên đỉnh. Lúc đó chúng ta thưởng thức những ngọn gió mát, ánh nắng chiếu đầu non, cảm nhận hơi ấm của mặt trời, nghe được tất cả những tiếng động mà không có một vật nào có thể làm biến đổi âm thanh của nó. Chúng ta tháo bỏ tất cả để thưởng thức một không khí trong lành, tươi mát thanh tịnh tuyệt đối. Cũng tương tự như vậy, một khi chúng ta đã từ bỏ cuộc sống thế tục một cách trọn vẹn tuyệt vời, thì hương vị đạo giải thoát chúng ta hưởng trọn vẹn. Ở nơi đó chúng ta ngửi được mùi của các hương: Hương giới, hương định, hương huệ, hương giải thoát, giải thoát tri kiến, có thể bay ngược chiều gió, và có thể gởi tới bất cứ người nào, ai cũng có thể thừa hưởng được giống như chúng ta đang thừa hưởng vậy.
Có thể nói khi chúng ta biết từ bỏ sớm thì đến đích sớm, và từ bỏ muộn thì chúng ta đến muộn. Đôi khi sự từ bỏ phải hội đủ nhân duyên, nhưng nhiều khi chúng ta cũng phải tạo một bước nhảy vọt. Chẳng hạn bây giờ chúng ta lưu luyến đứa cháu ngoại quá vì nó dễ thương quá, thì đứa cháu ngoại là cái hàng rào cản chúng ta. Khi mà chúng ta tạo một nhảy vọt trong sự từ bỏ thì cũng đừng nên lo lắng, thắc mắc nhiều quá về đời sống phạm hạnh trong lúc thực tập sự từ bỏ. Để cho đại chúng có phần nào biết thêm về đời sống tu học, xin được giới thiệu vài nét hành trì ở Chùa Dược Sư:
- Hằng ngày hai thời kinh và ngồi thiền vào buổi sáng, và buổi tối. Hằng tháng có hai lần thực tập: Tuần thứ hai thực tập quán niệm, và tuần thứ tư thì thực tập Thiền Quy Hướng Tịnh Độ. Mỗi năm có năm khóa tu, mỗi khóa tu ba ngày.
Nếu đại chúng xa gần muốn biết thì chịu khó theo dõi và thực tập. Đơn giản như vậy, tuy nhiên chúng ta cũng phải thực tập mỗi ngày  để cho tánh tình nhuần nhuyễn, sự thực tập đó linh động và làm cho chúng ta còn ít hay không còn sợ hãi nữa. Nếu không thực tập như vậy, nhiều người cứ nói rằng cuộc sống tu học của các Thầy Cô khó quá sợ theo không nổi. Có người còn phân vân:
- Không biết bây giờ chúng ta vô Chùa tu rồi những gì sẽ xảy ra! Khi đã từ bỏ cuộc sống thế tục thì vô Chùa tu, nhưng mà lỡ tu không được, rồi lại từ bỏ cuộc sống ở Chùa thì chúng ta đi đâu?
Thực sự không cần phải lo cả. Khi chúng ta thực tập nhuần nhuyễn, linh động và đã quen rồi thì chúng ta không còn sợ hãi nữa. Hơn thế nữa, tất cả mọi việc trong cuộc đời này đương nhiên không có gì bằng phẳng như chúng ta nghĩ, mà chúng ta phải đặt ra vấn đề chướng ngại chông gai đầy thử thách nó giăng bẩy suốt cuộc đời, tương tự như người leo núi vậy. Bằng cách đó, nếu chúng ta không có thái độ từ bỏ dứt khoát, và ngưng hẳn thì chúng ta dậm chân tại chỗ không thể tiến được nữa. Đây là một tinh thần rất hay mà Chư Tôn Đức thường dạy:
- Cuộc sống xuất thế gian thì rất là hay, và cao quý. Nhưng muốn thành tựu sự cao quý này, chúng ta phải thường đùa giỡn với những gian nguy thử thách để có một sự từ bỏ tuyệt vời.
Như vậy thực tập việc dấn thân trong sự từ bỏ tuyệt vời cũng tương tự như con chim ưng đùa giỡn với gió. Đặc tính của loài chim ưng là khi thời tiết càng dữ gió thổi càng mạnh nó càng thích. Có một vị Thầy kể lại một hôm Thầy thấy một con chim ưng trong cơn bão dữ dội nó thả mình buông xuôi và bay lượn như một màn xiếc vậy. Từ đó chúng ta có thể hiểu, những ai đã hiểu và chấp nhận sự từ bỏ, là những người có tâm nguyện lớn. Một tâm nguyện tuyệt đối phục vụ mọi người với một nguồn cảm hứng của một con người thương đời mến đạo, thì người đó là anh hùng. Được coi là anh hùng bởi vì con người như vậy dám đùa giỡn với gian nguy thử thách. Nhưng nói cho cùng thì trên cuộc đời này những người càng sợ khó thì lại càng gặp khó, những người càng sợ đau khổ nó lại đau khổ. Cho nên mọi việc đừng bao giờ quan trọng quá. Càng quan trọng quá thì nó làm cho chúng ta không phát triển nổi khả năng của mình. Càng đặt vấn đề quan trọng, thì chúng ta càng không làm nổi một con người anh hùng, tính chất cao thượng của mình. Quả thật, như Thái Tử Tất Đạt Đa nếu không đang đêm vượt thành đi tìm đạo thì làm sao thoát khỏi hoàng cung, và nếu không đùa giỡn với phong ba bão tố trong cuộc đời thì Ngài không bao giờ thành đạo. Lý do từ bỏ cuộc đời, bởi vì Ngài thấy con người trong xã hội đau khổ quá. Người cai trị người, người bóc lột người, có những người sống trên những xương máu của con người, cho nên một người có tâm thương người như Thái Tử Tất Đạt Đa thì không thể nào chịu nổi. Ngài làm một cuộc từ bỏ tuyệt vời để đi tìm đạo, đó là một thử thách lớn, một sự đùa giỡn lớn với chướng ngại phong ba trong cuộc đời, mà trước đó có nhiều Tôn Giáo chưa có người làm được. Đó là một sự dũng cảm, cho nên đã được mọi người đáp ứng. Đây là một minh chứng hùng hồn: Nếu một Thái Tử Tất Đạt Đa làm vua thì chỉ có dân chúng Ấn Độ biết thôi, nhưng Ngài là một vị Phật thì không phải chỉ dân tộc Ấn Độ biết, mà cả năm châu bốn biển ai cũng biết đến tên Thái Tử Tất Đạt Đa-Đức Phật Thích Ca. Đó là một sự đáp ứng hết sức nhiệt thành.
Chúng ta biết rằng con người sinh ra đời ai cũng đều lương thiện, nhưng cuộc đời gây niềm phấn khích để rồi trau dồi tính quả cảm và một trái tim dịu dàng trong sáng hay là hung dữ. Như vậy nếu bất cứ lúc nào mà chúng ta nhận thấy được mục tiêu thánh thiện, và cần phải thực hiện sự từ bỏ, điều đó chứng tỏ rằng chúng ta đã cởi bỏ rất nhiều lớp vỏ thành kiến, vô minh, tham vọng đang bao vây quanh chúng ta. Một người mà không có những thành kiến, vô minh, tham vọng thì khi chuyện gì không may xảy ra trong cuộc đời, chúng ta sẽ không bao giờ buồn phiền, than thân trách phận, mà trái lại còn ghi nhận: May mắn lắm mới gặp xui. Bởi vì, không có xui thì trí óc chúng ta không có thông minh. Gặp một lần xui, thì đầu óc chúng ta thông minh hơn, thì lần khác chúng ta không xui nữa. Cho nên khi gặp một việc gì đó, đừng tưởng nó là xui, mà phải nghĩ còn có cái nó xui hơn, vì nếu không có nhận thức như vậy, và nếu không may gặp những cái xui hơn thì chúng ta chịu không nổi. Cho nên phải coi những gì xảy ra trong cuộc đời, nhờ nó mà chúng ta khôn, hay nhờ đó mà chúng ta có được một bài học để đời. Thật sự chúng ta thấy có rất nhiều việc xảy ra trong cuộc đời, đôi khi chúng ta phải trả một giá đắt, mà qua đó Cụ Nguyễn Du cũng đã từng nói:
- Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.
Đối với người học Phật, nhất là chúng ta có khuynh hướng thực tập sự từ bỏ, thì chúng ta phải coi tất cả mọi thứ đều là bài học cần thiết. Cho nên nếu là cảnh khổ thì phải vứt bỏ đừng cho nó đeo đẳng hoài, vì đeo đẳng hoài thì ăn không ngon, ngủ không yên. Sự lựa chọn hay nhất vẫn là sự từ bỏ tuyệt vời, đừng bao giờ suy nghĩ buông lung, mà chúng ta phải coi tất cả những gì xảy ra trong thời gian hiện tại, là những kinh nghiệm, nhờ nó mà chúng ta hiểu biết thêm, nhờ nó mà chúng ta biết làm thế nào để thăng tiến trong cuộc sống đúng mức. Phần còn lại, tốt hơn hết là chúng ta phải có một tâm hồn hòa dịu để nối kết con tim của mình với hoàn cảnh hiện tại, để tạo ra một thái độ rộng lượng từ hòa cơ bản đối với chính mình, đừng khe khắt, đừng đau khổ, đừng bị vướng vào hoàn cảnh chung quanh trong cuộc sống hiện tại.
Hành trình của sự từ bỏ để sống đời tỉnh thức là hành trình của một anh hùng huyền thoại, là một sự đối đầu liên tục với những thử thách lớn, là một quá trình thực tập để chúng ta trở nên kinh nghiệm hơn, dịu hiền hơn, cởi mở hơn. Nói một cách khác, tính cách hèn yếu dường như con người ai cũng có, và tính cách hùng hồn trong con người chúng ta ai cũng có. Vậy chúng ta là người anh hùng hay là người yếu mềm. Đương nhiên chúng ta phải làm người anh hùng, dám buông bỏ những trạng thái tâm không cần thiết, trên đường đi để thực hiện sự từ bỏ toàn bích phải lót bằng tâm nguyện. Nếu không lót bằng tâm nguyện để đạt đến mục đích thì chúng ta không thành tựu được. Vì thế chúng ta hãy nên để cho chính mình hòa điệu với mọi thứ, mọi hoàn cảnh trong cuộc đời, với cảm giác phiền toái đó, hay là cảm giác hỷ lạc đó, để chúng ta có thêm hiểu biết và kinh nghiệm.
Muốn cho sự từ bỏ tuyệt vời có ý nghĩa trong việc thực tập hằng ngày, chúng ta nên lưu ý đến hai đức tính cần phải nuôi dưỡng. Không phải chỉ nuôi dưỡng không, mà chúng ta cần phải khai thác và phát huy nó. Khi chúng ta đã thực sự có những đức tính này rồi chúng ta phải thực tập một cách nhuần nhuyễn. Hai đức tính đó: Dịu dàng và cởi mở.
Nói về sự dịu dàng và tính cởi mở, khi Đức Phật nói pháp, Ngài không khen chê vấn đề, mà Ngài chỉ dạy:
- Khi có sự hiểu lầm ở mỗi chúng ta, chúng ta đều có điều kiện chung là có thể thông cảm và thay đổi.
Quả thật, khi có sự hiểu lầm là do vì chúng ta vô minh, nên mới tạo đau khổ cho nhau. Tương tự như một căn phòng tối chúng ta không thấy gì cả, nhưng mà khi chúng ta bật đèn lên thì chúng ta có thể thấy mọi thứ. Trong cuộc đời chúng ta cũng vậy, mặc dầu ban ngày sáng đó nhưng mà mình vẫn cứ u mê, u mê vì vô minh cho nên chúng ta mới bị gạt, mà bị gạt cho nên mới khổ và cũng muốn cho người khác cùng khổ. Bây giờ thắp sáng ngọn đèn chánh niệm lên, chúng ta thấy được nguyên do, thấy được sự thật của cuộc đời, chúng ta có thể nhìn ngắm và thấy được tất cả. Và đồng thời cũng nhận thấy những hạn chế của nó một cách sáng suốt, một cách dịu dàng hòa nhã. Khi chúng ta nhận thức một cách đầy đủ rồi, và biết cởi mở thì chúng ta không có vướng vào cái gì cả. Nói một cách khác, chìa khóa để nhận thức một cách hoàn hảo và ít thiển cận chính là khả năng hiểu biết một cách rõ ràng chúng ta là ai, chúng ta đang làm gì.
Nói tóm lại, muốn thực hành sự từ bỏ tuyệt vời, trước tiên chúng ta hãy hân hoan chấp nhận đối đầu với hoàn cảnh mới. Ngoài ra chúng ta cũng phải học cách vui đùa với chông gai chướng ngại, như con chim ưng đùa giỡn với gió. Khi mà chúng ta biết, và có thể đùa giỡn với chông gai chướng ngại của cuộc đời, thì chính là lúc chúng ta biết xử lý thỏa đáng với những chông gai chướng nếu có xảy ra, cuối cùng chúng ta vượt qua dễ dàng để đạt đến thành công viên mãn.
--o0o--