|
TẬP SAN DƯỢC SƯ
-
Mãi Mãi Có Nhau
-
Nhất Quán
-
--o0o--
-
-
(tiếp
theo kỳ trước Số 029)
-
Tương tự trong cuộc sống tu học của chúng ta cũng vậy. Có những
đạo tràng hưng thịnh, mà cũng có những đạo tràng không hưng thịnh.
Đạo tràng này hưng thịnh tại vì đạo tràng kia không hưng thịnh,
đạo tràng kia không hưng thịnh tại vì đạo tràng này hưng thịnh. Sở
dĩ đạo tràng này hưng thịnh là do vì trên là các Thầy các Cô
thương mến lẫn nhau, dưới là các phật tử đồng một lòng tu học,
khuyến khích nâng đỡ lẫn nhau không chạy rong long bong hết nơi
này sang nơi khác. Khi mà trên các Thầy cô thương mến lẫn nhau,
dưới các Phật tử đồng một dạ thệ nguyện theo Phật, thì đạo tràng
đó hưng thịnh. Chúng ta đã không làm được như vậy mà còn đứng
ngoài la lối phê phán, thì muôn đời chỉ có tạo thêm đổ vỡ chứ
không làm nên tích sự gì cả. Nếu chúng ta có tinh thần không trách
nhiệm như vậy thì dầu cho chúng ta có mang nhiều cái nhãn hiệu:
-
- Phật tử tốt phật tử xuất sắc đi nữa
-
Vẫn trở thành là kẻ phá hoại như thường, bởi vì theo nguyên lý:
-
- Cái này có thì cái kia có.
-
Sỡ dĩ phật tử nơi đó có được hạnh phúc êm ấm, là do có một đạo
tràng tươi mát. Huynh đệ thương mến lẫn nhau thì cá nhân của mỗi
người phải biết cách chế tác tình thân. Nếu với thái độ đứng ngoài
phê phán hay là chỉ trích, thì tinh thần này chư tôn đức thường
gọi là:
-
- Tiêu nha bại chủng.
-
Tức là:
-
- Tuy là hạt giống có đó, nhưng mầm sống đã bị thúi, không mọc
được.
-
Nếu trong tâm tư chúng ta không có tinh thần phục vụ, chỉ biết
đứng ngoài la lối chỉ trích, phê phán ... Nếu một người có những
tâm tư như vậy, có lẽ nên đổi, phải đổi, để đời sống của chính
mình được thăng hoa hơn. Còn nếu nói về tổ chức, thì mỗi cá nhân
phải tập dấn thân phục vụ để tổ chức của mình càng ngày càng tươi
mát hưng thịnh thêm.
-
Từ khuynh hướng này, nếu chúng ta có duyên nơi nào, thì xin đừng
vô tình quyên lãng, xin đừng quay lưng bằng kiểu cách đứng ngoài
chỉ trích mà chúng ta phải vào cuộc. Vào cuộc bằng cách nếu đạo
tràng đó tươi mát hưng thịnh thì chúng ta chỉ làm cho đạo tràng đó
càng ngày càng hưng thịnh thêm. Nếu đạo tràng đó chưa tươi mát,
chưa được hưng thịnh thì phải ý thức, chúng ta là một phần tử
không thế thiếu trong công cuộc làm cho đạo tràng đó tươi mát hưng
thịnh. Đừng có một thái độ thấy cái đạo tràng đó èo uộc, chúng ta
đạp cho nó dẹp luôn, hay là thấy cái đạo tràng đó chưa hưng thịnh,
mình đứng ngoài mình chỉ trích:
-
- Đạo tràng đó như thế đó, như thế kia ...
-
Chúng ta càng la lối um xùm, càng chỉ trích thì càng trở thành
người vô tích sự và tạo thêm đổ vỡ. Đó là sự thật. Đó là quy luật
của xã hội của vũ trụ vạn hữu. Đó là quy luật tất cả là một, hay
một là tất cả, hoặc là mãi mãi bên nhau là như vậy. Nhưng dầu cho
quy luật nào đi nữa thì cũng giống y như khi nhìn vào chiếc lá.
Cho nên chúng ta phải cẩn thận, đừng tự làm khổ bản thân, cũng
đừng để bị giam hãm trong ý niệm, đừng để tự cô lập rồi đến một
lúc nào đó chúng ta giật mình. Lúc đó mới biết tại sao người ta
lại xa lánh tôi. Lúc nào đó chúng ta thấy mình là một người sống
cô độc. Chúng ta phải thấu triệt lý tương quan tương duyên, mọi
thứ có mặt và mãi mãi trong nhau.
Cho nên chúng ta phải chịu trách nhiệm về mọi việc xảy ra chung
quanh chúng ta. Nếu tất cả mọi người ai cũng thấy mình có một
trách nhiệm thì chúng tôi bảo đảm với quý vị, không ai chỉ trích
ai cả, không ai lên án ai cả, không ai chỉ trích người này độc tài
người kia ganh tỵ, người kia xấu kẻ nọ tốt ... Mà thấy trách nhiệm
là trách nhiệm chung. Theo tinh thần này, người Việt Nam chúng ta
có một câu rất hay đó là:
-
- Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách.
-
Nghĩa là:
-
Trong lúc nước nhà ly loạn, một người hữu dõng vô mưu cũng phải có
trách nhiệm. Phải biết kề vai gánh vác.
-
Hay nói một cách thực tế hơn nữa:
-
- Giặc tới nhà đàn bà cũng đánh.
-
Phải có trách nhiệm như vậy thì quốc gia mới hưng thịnh được, còn
nếu chúng ta còn tự đặt mình ngoài vòng kiểm soát, ngoài vòng
trách nhiệm thì chúng ta thấy muôn đời chỉ thích chỉ trích hơn là
làm việc, còn nếu không chỉ trích nhưng với tinh thần thụ động thì
cũng chẳng ra sao cả. Trong một xã hội nào đó mà đầy dẫy những
thành phần này, thì xã hội này chắc chắn mất nước. Nếu trong một
tổ chức đầy dẫy những thành phần này thì tổ chức đó có nguy cơ
không phát triển. Cho nên chúng ta phải chịu trách nhiệm, phải
nhận một phần trách nhiệm. Nếu chúng ta đã thấy được trách nhiệm
này, thì chúng ta là con người xứng đáng là con người, mạnh dạn
sống trong trời đất không sợ ai cả.
-
Đây là những đau nhức của cả thế gian chứ không phải chỉ của riêng
những người nghèo đói hoạn nạn. Nếu một khi mà chúng ta thông được
cái lý này rồi, trong khi đó chúng ta thấy những thành phần cứ
đứng ngoài chỉ trích thì đau nhức thật. Cho nên phải làm thế nào
đó, nếu trong tâm tư chúng ta chưa ý thức được tinh thần trách
nhiệm, thì chúng ta nên học nhận lấy một trách nhiệm lớn nhỏ gì đó
cho cộng đồng cho quốc gia, cho tổ chức cũng được. Chúng ta phải
thấy tự thân có trách nhiệm. Và khi muốn giúp thật sự, chúng ta
phải thấy được chính ta trong hoàn cảnh của mọi người, và mọi
người có trong chúng ta. Lúc đó chúng ta mới có thể chia sớt với
mọi người tất cả gian truân của cuộc đời này, chúng ta có thể làm
được việc đó khi đã có tinh thần trách nhiệm.
-
Lối suy tư này tuy đơn giản thật, nhưng nếu hằng ngày chúng ta
không biết sống đời sống có chánh niệm, thì chúng ta cũng sẽ khó
nuôi dưỡng được sự vững chãi đó. Như vậy chúng ta phải thực tập
thiền quán trong mọi sinh hoạt của đời sống để giúp chúng ta có đủ
sáng suốt, ý chí và kiên nhẫn để đối diện với mọi thăng trầm. Làm
được như vậy thì chúng ta là những nhân tố trung kiên cho việc xây
dựng hòa bình an lạc. Lúc đó đi tới đâu chúng ta cũng gieo trồng
và tưới tẩm những hạt giống hiểu biết và thương yêu đến đó, thay
vì gieo tưới những sự hiểu lầm, hận thù, nghi kỵ, và chửi bới lẫn
nhau.
-
Để thực hành việc này, trước và trên hết khi muốn hiểu một điều
gì, chúng ta không thể đứng ngoài và quan sát nó. Chúng ta phải đi
sâu và hòa nhập làm một với nó, thì chúng ta mới có thể hiểu được.
Chẳng hạn như khi muốn hiểu một người, thì chúng ta phải ở trong
da thịt họ, đau nỗi đau của họ, có cái oan ức như cái oan ức của
họ, và vui niềm vui của họ thì chúng ta mới hiểu họ trọn vẹn. Như
vậy, muốn thấy rõ mọi việc, chúng ta cần phải nhìn sâu vào lòng sự
vật.Như khi chúng ta bơi lội trong dòng sông trong mát, chúng ta
muốn cuộc bơi lội đó đẹp tươi mát thoải mái, thì chúng ta phải có
khả năng nhìn thấy mình và dòng sông. Nếu chúng ta muốn tắm gội
trong dòng sông, uống nước dòng sông hay đi dạo chơi ven sông thì
chúng ta phải biết nhìn dòng sông như nhìn chính chúng ta để cảm
được những vui buồn, thất vọng hay thiếu sinh lực của dòng sông.
Nếu chúng ta không cảm được những gì sông núi cảm, thì những cỏ
cây hay chim muông cầm thú dần dần sẽ chết và lúc đó chúng ta sẽ
mất an lạc.
-
Cũng vậy sống và tu học trong một đạo tràng mà không hiểu được
Thầy dạy đạo, không thấy thân thiện với những bạn đạo của mình,
trái lại nay còn nghe lời người này, mai nghe sự khuyến dụ của
người khác, thì trước nhất chính bản thân của mình mất điểm tựa.
Bởi vì chúng ta đã không tin ông Thầy dạy đạo rồi thì tin ở ai, mà
chúng ta đã không có thể thân cận với những người bạn đạo, thì
chúng ta còn sống được với ai? Như thế là không có sự hỗ trợ, nuôi
dưỡng sự trưởng thành và phát triển của tổ chức mà trái lại còn bị
bào mòn những gì được coi là tươi mát thánh thiện, mà qua đó tình
Thầy trò, đạo bạn vốn được coi là cao quý thì rất là khó sống cho
an lạc. Nếu không có sự hiểu biết và dấn thân tích cực thì chính
chúng ta đã tự tàn phá hoàn cảnh thánh thiện chung quanh. Tự chôn
mình trong cái vỏ chật hẹp của mình chỉ vì chúng ta mãi lo trau
chuốt cái thiển cận nhỏ bé của mình, để cuối cùng tự chúng ta phá
hủy cái đạo lý an lạc giải thoát, điều mà mọi người ưa chuộng.
-
Đã đến lúc chúng ta phải trở về con người thật của chính mình, một
con người hòa đồng trong đại thể, mà qua đó hình hài nhỏ bé nhưng
mà hội đủ cả sông núi, rừng cây, ánh mặt trời, bầu khí quyển...
Chúng ta phải hành động gấp rút để còn có hy vọng cho ngày mai,
đừng chờ đừng hẹn.
-
Ý thức như vậy thì chúng ta mới thấy tất cả mọi con người trong xã
hội, ai cũng là người thân của mình, và thiên nhiên là bà mẹ của
chúng ta. Chỉ vì sống xa người thân cho nên chúng ta thấy cô độc,
chỉ vì xa thiên nhiên tức là bà mẹ muôn thuở cho nên chúng ta sinh
bệnh.Một số chúng ta sống trong những appartement làm bằng xi măng
và thép cứng, nên không còn cơ hội tiếp xúc với trời đất, không có
cơ hội tiếp xúc với cây cối, núi rừng thiên nhiên. Và như vậy màu
xanh tức là diệp lục tố, nó thiếu trong cuộc sống của chúng ta,
cho nên cả thành phố ảm đạm. Nếu mà thành phố đó không có cây xanh
tươi. Kể cả con người của chúng ta cũng thấy héo mòn khi thiếu
những cây cảnh. Tuy nhiên điều đáng mừng, chúng ta có phước duyên
sống ở tại tiểu bang Washington State đặc biệt là thành phố
Seattle nơi được mệnh danh là cao nguyên tình xanh. Ở nơi đây cây
cối luôn luôn xanh tươi quanh năm suốt tháng. Mọi người ai cũng
đẹp, ai cũng tươi tại vì cây cảnh tốt đẹp tươi mát quá. Như vậy
đối với thành phố mà không có cây cối màu xanh thì thành phố đó
trở nên ảm đạm thê lương. Con người không có màu xanh con người
cũng trở nên khô cằn.
-
Trong tinh thần mãi mãi có nhau, chúng ta phải ý thức rằng, trong
cuộc sống của chúng ta phải có sự hài hòa giữa con người và con
người, giữa con người và những sinh loại khác, cũng như giữa con
người và thiên nhiên theo nguyên tắc tương quan tương duyên để tồn
tại. Nếu không hiểu được lý lẽ này thì chẳng bao lâu chúng ta cũng
sẽ lâm vào tình huống bi thảm cô độc. Cho nên chúng ta phải thấy
rõ từng hành động của chúng ta làm để bảo vệ môi trường chung
quanh, để bảo vệ người thân của chúng ta.
-
Quả thật như vậy, xin xác định một lần nữa, khi nhìn vào thùng
rác, chúng ta phải thấy được hoa, xà lách, cà chua, dưa chuột sẽ
mọc lên từ đó. Cho nên khi vứt một cái vỏ chuối vào thùng rác,
chúng ta biết là vỏ chuối ấy sẽ được biến thành hoa và rau cải
ngay sau đó không lâu. Còn khi ta vứt một cái bao ny lông vào
thùng rác, chúng ta thấy nó rất khó tiêu. Nếu cần tiêu để biến chế
thành hoa trái thì cũng phải đợi cho tới mấy chục năm sau rồi mới
biến thành rác và thành hoa. Cho nên cái hay nhất nếu chúng ta có
vứt vào thùng rác thì vứt cái gì đó để nó dễ tiêu hóa. Điều đó
muốn nói rằng con người chúng ta không nên cứng đầu, khó chịu ...
Trái lại phải tập hài hòa với mọi người. Đừng có những luận điệu
xuyên tạc, ương ngạnh không chấp nhận hài hòa với những người
chung quanh chúng ta, thì như vậy chúng ta là loại sản phẩm khó
tiêu hóa. Mà khó tiêu thì đương nhiên chúng ta không thể nào chế
tác tình thân để làm chất liệu sống đẹp với mọi người. Hành động
này chính là sự thực tập thiền quán. Chỉ bằng sự thực tập chánh
niệm, thì chúng ta mới có thể giữ gìn và bảo vệ sự tương quan với
mọi người, để cùng nhau thể hiện chân lý một là tất cả, tất cả là
một hoặc mãi mãi có nhau.
-
Có chánh niệm trong từng hành động, trong từng giây phút là chúng
ta đã và đang xây dựng hòa bình hạnh phúc cho hiện tại và tương
lai. Cho nên đừng lên án người khác:
-
- Tại sao không ai kiến tạo hòa bình!
-
Không cần phải lên án bất cứ một ai cả. Nếu không có ai kiến tạo
hòa bình thì chúng ta là người có trách nhiệm kiến tạo hòa bình,
mà muốn tạo hòa bình là chúng ta phải có chánh niệm từng giây từng
phút. Có chánh niệm soi sáng, chúng ta trở nên dè dặt hơn trong
việc dùng những sản phẩm để bảo vệ môi trường sống chung quanh, và
dè dặt không nên lên án bất cứ một người nào một cách bừa bải, vì
đó là bước cơ bản đưa đến an lạc và hạnh phúc thật sự.Có được như
vậy là chúng ta phải luôn luôn nuôi dưỡng chánh niệm. Chính vì vậy
mà người phật tử chúng ta luôn luôn thực tập chánh niệm, điều đó
quý phật tử không lạ lùng gì khi mà mỗi khóa tu tất cả mọi người
chúng ta luôn luôn thực tập ăn cơm, uống nước chánh niệm:
-
- Phật dạy trong bát nước
-
Có rất nhiều chúng sanh
-
Nên phải luôn chánh niệm
-
Cầu tất cả siêu thăng.
-
Có nước uống, có cơm ăn chúng ta biết mùi vị của gạo thơm ngon,
nhưng mà chúng ta đừng quên rằng ai là người chịu sương gió, đắng
cay để chúng ta có được thức ăn thơm ngon này. Cho nên ngồi vào
trong bàn ăn sạch sẽ sang trọng, chúng ta phải nhớ tới những giây
phút đắng cay của những bác nông phu đã tạo ra những thức ăn này.
Chúng ta là người may mắn có đủ cơm ăn áo mặt, trong khi mỗi ngày
ở các nước Phi Châu nghèo có rất nhiều trẻ em chết vì đói hay
thiếu dinh dưỡng. Cho nên khi nhìn kỹ vào các dĩa thức ăn, chúng
ta thấy có Mẹ, có Cha, trái đất của ta, thấy những người nông dân
cần cù, thấy cả những người không có cơm ăn áo mặc, đang sống lây
lất nơi đầu đường xó chợ, và thấy tất cả.
-
Ở các nước văn minh giàu có, văn minh như ở Hoa Kỳ, thực sự chúng
ta có ít người biết được cuộc sống lam lũ ở miền quê, tại vì bao
quanh chúng ta là đô thị. Nhưng mà chúng ta biết nước Mỹ hay là Âu
Châu thường thường quen ăn nhưng lúa gạo và những thực phẩm khác
nhập cảng từ các nước nghèo khổ chẳng hạn như:
-
- Cà phê từ Columbia,
-
- Gạo thơm từ Thái Lan,
-
Gần đây và có lẽ những ngày sắp tới thì tôm cá được nhập từ cảng
Việt Nam. Theo như một số dữ kiện cho hay rằng trẻ em kể cả người
lớn các nước đó rất có thể chưa bao giờ nếm những thứ bổ béo như
vậy. Tại vì những nước xuất cảng đó đa số họ xuất cảng những gì
thơm ngon béo bổ để lấy ngoại tệ, thành ra nhiều khi người dân ở
xứ đó họ không được ăn. Quả thật như vậy, chúng tôi có dịp nói
chuyện với những đạo hữu đi định cư ở Mỹ theo diện HO. Các vị nói
rất là dễ thương:
-
- Bạch Thầy, qua được bên Mỹ con mới được ăn con tôm chứ còn ở
Việt Nam con chỉ ăn đầu tôm thôi.
-
Lý do là vì họ cắt cái đầu họ đem đi bán tại các chợ địa phương,
còn mình tôm họ đem xuất cảng. Lẽ tất nhiên đối với những người ở
Việt Nam hay ở các nước trên thế giới họ có thể ăn được nhưng đối
với những người này giàu có sang trọng mới đủ khả năng, đủ điều
kiện mà mua những thức ăn béo bổ như vậy. Còn đại đa số dân nghèo
không có điều kiện. Những người nhà giàu họ ăn những thức ăn hạng
sang. Những người nhà nghèo chỉ được ăn những thứ hạng bét, còn đồ
tốt thì để dành để xuất cảng để nhà nước thu ngoại tệ. Có nhiều
gia đình phải cho con cái đi ở đợ cho những nhà giàu để chúng được
ăn uống đầy đủ.Thực trạng này, nếu quý vị xuất thân ở tại Việt
Nam, thì không ai là không biết. Có nhiều khi làm chỉ để được ăn
no chứ không có tiền, nhiều hoàn cảnh bi đát như vậy.
-
Nghĩ đến các em thiếu may mắn đó, nghĩ tới những người nghèo đói
đó mỗi khi chúng ta ngồi ăn cơm, và sống trong chánh niệm chúng ta
chắp tay lại trong mỗi bữa ăn:
-
- Ai ơi bưng bát cơm đầy
-
Dẻo thơm một hạt, đắng cay trăm phần.
-
Chúng ta ý thức được sự may mắn của mình, và một ngày kia nếu có
thể, chúng ta sẽ tìm được giải pháp để xóa bỏ nạn bất công đang
xảy ra khắp nơi.Nếu chúng ta có điều kiện chúng ta cũng nên giúp
những người thiếu may mắn đó.
-
Nhân tiện đây một lần nữa để kiên định khuynh hướng sống trong
chánh niệm. Xin nhắc lại cho đại chúng mỗi lần ăn cơm mọi người
phật tử phải thực hành năm quán:
-
- Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác cho
mọi người.
-
Chúng ta nhớ như vậy để tưởng nhớ đến giữa chúng ta và những người
lao tác cực khổ.
-
- Xin nguyện sống xứng đáng để thọ nhận thức ăn này.
-
Có nghĩa là chúng ta phải sống một cuộc sống cho đàng hoàng, đừng
rong ruổi, đừng làm con người vô tích sự trong xã hội, có như vậy
mới xứng đáng ăn để sống.
-
- Chỉ ăn và xin ngăn ngừa những tật, nhất là tật ăn uống không có
điều độ.
-
Chúng ta phải tập ăn uống có điều độ, một phần chúng ta giữ để có
chánh niệm, một phần là để chúng ta giữ cho cơ thể khỏe mạnh.
-
- Chỉ xin ăn những thức ăn có tác dụng nuôi dưỡng bản thân và ngăn
ngừa những tật bệnh.
-
Nghĩa là chúng ta ăn không cần cầu kỳ mà chỉ ăn để mà sống, không
quá sang. Có nhiều người ăn buổi cơm như vậy năm mười ngàn đồng,
năm mười ngàn đồng đó để chúng ta làm rất nhiều việc. Ăn một bữa
cơm hai ba đồng đủ sống thì cũng được rồi.
-
- Vì muốn thành tựu sự nghiệp hiểu biết và thương yêu nên thọ nhận
thức ăn này.
-
Năm quán này mặc dầu nó đơn giản, nhưng chúng ta áp dụng trong
cuộc sống thì chúng ta thấy trong đó có một cái gì đó hay, siêu
tuyệt vượt ngoài sự suy nghĩ thông thường, mà những ai có thực tập
chúng ta mới thấy được. Trong cuộc sống gia đình, là người phật tử
hay không phải phật tử, trong chiều hướng này nếu có thể được
chúng ta nên thực tập trước mỗi bữa ăn, nếu quý vị không thuộc năm
quán thì mỗi gia đình nên cử một người đại diện, người đại diện đó
chỉ cần nâng chén cơm lên và nói.
-
- Hôm nay trên bàn có nhiều món ăn rất ngon. Con rất biết ơn mọi
người mọi loài đã cho con và gia đình con những món ngon này. Con
biết rằng có rất nhiều người đang đói khổ. Nhưng mà con và gia
đình được may mắn có được thức ăn này.
-
Phải biết rằng, chúng ta là những người may mắn đến được bến bờ tự
do, và đang ăn những hạt gạo thơm mọc từ đất Thái, trong khi đó có
thể nhiều người Thái chưa bao giờ được ăn thứ gạo này. Chúng ta
đang ăn những tôm cá thật tươi, trong khi đó có thể có nhiều người
ở tại Việt Nam chưa bao giờ được ăn những thứ này. Tương tự những
nhu yếu phẩm khác nhập cảng từ các nước trên thế giới vào Hoa Kỳ
cũng vậy. Có thể nói đối với những nước chậm tiến có nhiều người
trên thế giới chưa bao giờ được ăn những món ăn ngon và bổ như
chúng ta đã và đang thọ dụng. Cho nên trong lúc ăn chúng ta thực
hành năm quán để nhớ ơn những người đã tạo tác ra thức ăn này,
đồng thời cũng cầu nguyện cho tất cả chúng sanh được no ấm là điều
hợp lý. Vì ý thức như vậy cho nên đối với bản thân, trong đời sống
hằng ngày, cách thức ăn uống và tiêu thụ phải biết là có ảnh hưởng
lớn đến người thân của chúng ta. Quả thật, nếu trong túi tiền của
người thân có chừng đó tiền, mà chúng ta tiêu xài phung phí nhiều
hơn thì đương nhiên làm cho người thân chúng ta khổ. Là người phật
tử có tu học, hàng ngày chúng ta làm điều gì cũng phải biết là có
quan hệ mật thiết đến tình trạng an bình hạnh phúc của những người
chung quanh. Ý thức được như vậy, chúng ta sẽ có an lạc ngay trong
giây phút ta đang sống.
-
Như vậy thực tập giáo lý giải thoát giúp chúng ta nhìn sâu vào sự
vật, nhìn sâu vào chính con người chúng ta để thấy rõ chúng ta cần
phải chuyển hóa ta như thế nào, và làm thế nào để thay đổi tình
trạng bi đát của người thân và những người chung quanh. Chư tôn
đức dạy:
-
- Thay đổi cách nhìn là chúng ta thay đổi hoàn cảnh bên ngoài.
-
Quả thật hoàn cảnh bên ngoài đều do tâm thức chúng ta tạo ra, hoàn
cảnh bên ngoài phản ảnh từ nơi tâm thức của chúng ta. Cho nên thay
đổi cách nhìn là chúng ta thay đổi hoàn cảnh. Từ đó chúng ta thấy
sống có chánh niệm, chúng ta sẽ thấy rằng bản chất lên án, phê
phán, chỉ trích là tệ hại. Là người học Phật chúng ta phải trách
nhiệm đừng để tệ hại nó xuất hiện, mà phải đem an lạc đến cho mọi
người. Khi chúng ta bắt đầu thấy được trách nhiệm của mình, thì
chúng ta cũng phải khuyến khích mọi người cùng giữ gìn bảo vệ sinh
môi và giữ gìn bảo vệ tâm thức cộng đồng, và bảo vệ tâm thức của
mỗi thành viên ở trong gia đình. Chúng ta phải tìm nơi nương tựa
tu học với những người có đời sống tâm linh vững chãi mà chúng ta
có thể tin cậy và nương tựa. Vì thế chúng ta phải thật lòng, sáng
suốt lắng nghe vị Thầy dạy đạo hướng dẫn. Sự lắng nghe này không
phải vì sự tử tế lễ phép, và vẻ hào hoa phong nhã, rộng lượng bề
ngoài mà là vì vị Thầy đang đi cùng đường với chúng ta, đó là con
đường chân thiện mỹ. Bằng vào sự hài hòa dễ dãi, nhưng không đi
cùng đường thì không thể chấp nhận được.
-
Nói tóm lại, chúng ta ai cũng cần hòa bình, cần an lạc.Trong khi
trạng thái hòa bình và an lạc tất cả đều đặt trên nền tảng ở sự
tôn trọng sự sống của mọi người và mọi loài. Do vậy mà chúng ta
cũng phải nhận thức rằng, là con người ai cũng biết vui, biết
buồn, ai cũng biết đau khổ, và ai cũng biết cần hạnh phúc. Mà
không phải chỉ có con người biết vui, biết buồn, biết đau khổ,
biết cần hạnh phúc mà kể cả cây cối, đất đá cũng biết vui, biết
buồn, biết đau, biết hạnh phúc và cũng cần sự sống.Vậy thì khi mà
chúng ta làm ô nhiễm không khí và nước, môi trường sống chung
quanh thì không những chúng ta làm hại sức khoẻ của chính mình, mà
còn làm hại các loài khác. Cũng vậy, khi mà chúng ta lên án, gieo
rắc những hận thù có tính cách chia rẽ trong cộng đồng nơi mà
chúng ta đang tu học hay là trong gia đình nơi mà chúng ta đang
sống, thì chính chúng ta đã tàn phá cuộc đời của chính mình, làm
hại sức khỏe của mình, và còn làm hại đời sống trong sạch của
người khác. Với sự suy tư đó chúng ta phải nên sử dụng phương pháp
làm vườn, cách chúng ta trồng trọt, cách chúng ta sử dụng phân
rác, nó tương tự như cách đối đãi với nhau trong cuộc sống hiện
tại, tất cả đều có tác dụng hỗ tương lẫn nhau. Do vì chúng ta
không hiểu cho nên chúng ta không làm, hay hiểu nhưng với tâm tư
cố chấp cho nên chúng ta cũng không làm. Vậy thì bây giờ chúng ta
hãy gạt bỏ hết những thành kiến, mọi cố chấp mọi sai lầm, để chúng
ta thực hiện một cuộc chuyển hóa. Nếu có lúc người làm vườn phải
chuyển hóa những phân rác để có những đóa hoa tươi đẹp, thì chúng
ta phải biết chuyển hóa những hành động xấu của chúng ta trở thành
một con người thánh thiện. Khi chúng ta biết chuyển hóa, biết bảo
vệ thân tâm là chúng ta đã biết giữ gìn sinh môi một cách sâu sắc
và rộng lớn. Biết bảo vệ thân tâm là chúng ta đã đặt sự quan hệ
tương quan tương duyên giữa chúng ta và người thân, giữa chúng ta
với cây cỏ, giữa chúng ta và những sinh vật khác kể cả hữu tình
hay vô tình trong vũ trụ vạn hữu. Chúng ta phải biết bảo vệ và giữ
gìn thân tâm, không để cho những chất độc của sân, hận, tật đố ...
lan tràn khắp nơi, mà qua đó gần nhất là đừng để đụng chạm đến
người thân của chúng ta. Làm được như vậy là chúng ta đã biết bảo
vệ và giữ gìn an lạc cho gia đình, cho cộng đồng nhân loại, cho tổ
chức nơi mà chúng ta tu học cần phải có vị Thầy, có bạn đạo để
chúng ta nương tựa trong cuộc sống tâm linh. Đây là nguyên tắc:
Một là tất cả, tất cả là một, hay là Mãi mãi có nhau.
--o0o--
|
|