-
Cách Chế Tác Tình Thân
-
Bạch Y Thư Sinh
-
--o0o--
-
-
Tình thân, là một chất liệu không thể thiếu trong mọi gia đình,
có tình thân cho dù có xa lạ cũng trở thành người quen, có tình
thân cho dù là người năm châu bốn biển cũng trở thành anh em một
nhà, có tình thân chúng ta sẽ không còn coi nhau như là một kẻ
thù. Như vậy, tình thân là một chất liệu hết sức cần thiết trong
cuộc sống hằng ngày của chúng ta, vì lý do đó chúng ta cần phải
hiểu, cần phải biết cách để tạo tác tình thân. Nếu chúng ta vô
tình làm mất, chúng ta thực tập cách tái tạo. Nên cố gắng giữ
đừng để nó bị hủy diệt, hay là bị bào mòn theo thời gian năm
tháng. Phương pháp Chế Tác Tình Thân, trước hết chúng ta phải
ghi nhận có hai loại duyên sinh, một gọi là Vọng Tâm
Duyên Sinh hai Chân Tâm Duyên Sinh.
-
- Vọng Tâm Duyên Sinh:
-
Tức là tâm còn chất chứa sự sai lầm, hận thù đối kỵ lẫn nhau, do
vậy thế giới, xã hội, cũng như con người, vì được duyên sinh tạo
thành con người, vì được duyên sinh tạo thành căn cứ trên vọng
tâm đó, cho nên có nhiều đau khổ, nhiều phiền não và đồng thời
chúng ta còn có khuynh hướng vung vãi những cái đau khổ và phiền
muộn đó lên những người chung quanh.
-
- Chân Tâm Duyên Sanh:
-
Nói trên phương diện tích cực, thì chúng ta có Chân tâm duyên
sinh. Chân tâm là tâm phản chiếu thực tại mầu nhiệm, tâm của Tứ
Trí. Thế giới, cũng như xã hội loài người, được tạo dựng ra trên
chân tâm duyên sinh sẽ là thế giới loài người hạnh phúc, an lạc.
Đây là cách mà chúng ta cần phải ghi nhận và thực tập để chế tác
tình thân trong cuộc sống hằng ngày.
-
Muốn phát triển loại chân tâm duyên sinh trong việc chế tác tình
thân, trước và trên hết là chúng ta phải biết hộ trì sáu căn của
mình. Sáu căn đó là: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Quả thật
như vậy, chúng ta hãy tưởng tượng 1000 người mà tâm trí đầy dẫy
những ganh tỵ, giận hờn và vô minh tụ họp lại để sống chung với
nhau, thì chắc chắn họ sẽ tạo nên một địa ngục nhỏ. Khung cảnh
nơi họ sống có tính cách địa ngục rõ ràng, bởi vì chắc chắn sẽ
không có ngày nào yên, chắc chắn sẽ không có ai nhường nhịn ai.
Cuộc sống hằng ngày của họ, và liên hệ giữa họ với nhau cũng có
tính cách địa ngục. Bởi vì không chịu tha thứ và nhìn nhận người
đó là anh chị em của mình thì chắc chắn sống trong cảnh địa ngục
rồi. Như thế, các vọng tâm tạo thành một cộng nghiệp làm đau khổ
cho nhau. Chỉ cần hai người hiểu lầm nhau thôi cũng đã có thể
tạo nên một địa ngục nhỏ rồi, huống hồ là 1000 người hay là
10,000 người hoặc nhiều hơi thế nữa. Muốn chuyển hóa địa ngục ấy
thành ra một thiên đường, chúng ta biết chỉ có một cách là
chuyển hóa nội tâm.
-
Người có thể chuyển hóa được nội tâm của 1000 người hay 10,000
người đó phải là một vị đạo sư tài đức, hay một tăng thân lớn.
Sự chuyển hóa đó thực ra nói khó thì nó rất là khó, nhưng mà nói
nó dễ thì cũng rất là dễ. Theo kinh nghiệm của chư tôn đức, các
ngài khuyến khích chúng ta rằng, nếu mà chuyển hóa 1000 người
hay là 10,000 người hay là nhiều hơn nữa, thì sự chuyển hóa đó
bắt đầu từ một người, rồi hai người, rồi bốn người, đến sáu
người, rồi đến tám người .., cứ như vậy tiếp tục gia tăng. Nhưng
trước tiên là phải bắt đầu từ một người để cho chất vọng bớt đi,
bắt đầu từ hai người thì chất vọng đó bớt đi càng nhiều, bắt đầu
từ bốn người thì nó càng giảm hơn nữa và để cho chất chân bắt
đầu có mặt. Bây giờ ta hãy tưởng tượng 1000 người kia có hiểu
biết, có thương yêu không ganh tỵ không đố kỵ lẫn nhau, họ có
thể tạo ra một cộng đồng hạnh phúc, đó gọi là chân tâm duyên
sinh, cho nên vốn liếng của chúng ta là ở tâm mà nếu tâm còn
nhiều vọng, còn nhiều sự hiểu lầm, thì cái tâm đó còn gây đau
khổ cho nhau. Khi một người có cái tâm sáng, cái tâm không hiểu
lầm, thì người ấy đã có một thiên đường nhỏ cho chính mình. Và
nếu hai người như vậy thì hai người ấy có thể tạo ra một thiên
đường nhỏ cho nhau. Và khi người thứ ba tới ở với mình thì hai
cái chân tâm có sẵn đó hy vọng sẽ chuyển hóa được cái vọng tâm
kia một cách từ từ. Như vậy có 1000 người với tâm nhẹ nhàng
thanh thoát là có Niết Bàn hạnh phúc, là có thế giới Hoa Nghiêm
ngay.
-
Chúng ta thường học, thường giảng về 12 nhân duyên, trong 12
nhân duyên đó người ta đã chú trọng về vọng tâm duyên sinh. Và
nói rất ít về chân tâm duyên sinh. Do vậy nhiều người trong
chúng ta đã hiểu lầm than thở, buồn khổ vì tính chất tiêu cực
của vọng tâm duyên sinh. Nhưng chúng ta chưa học, chưa thực tập
đủ về phần tích cực của chân tâm duyên sinh, cho nên chúng ta
lại khó bước chân vào phật điện. Bây giờ thế hệ của chúng ta và
đặc biệt trong kỷ nguyên mới này chúng ta phải mở ra một kỷ
nguyên mới sự tu học Phật pháp. Thay vì nói nhiều về 12 Nhân
Duyên dẫn tới khổ đau thì quý vị phải nói nhiều, phải học nhiều,
và phải đưa ra những phương pháp thực tập cụ thể về chân tâm
duyên sinh. Chúng ta phải biết căn cứ vào giáo nghĩa Mười Hai
Nhân Duyên để tạo dựng một thế giới của hạnh phúc, một thế giới
của an lạc.
-
Do vậy chúng ta hãy vẽ ra một đồ hình, phía trong có mười hai
chi phần của Thập Nhị Nhân Duyên, gồm có:
-
- Vô Minh,
-
- Hành,
-
- Thức,
-
- Danh Sắc,
-
- Lục Nhập,
-
- Xúc,
-
- Thọ,
-
- Ái,
-
- Thủ,
-
- Hữu,
-
- Sinh,
-
- Lão Tử.
-
Phía ngoài chúng ta vẽ Chân Tâm Duyên Sinh. Vòng duyên sinh
ngoài có Minh duyên sinh Bồ Đề tâm tức là Đại nguyện. Bồ đề tâm
là một thứ năng lượng rất lớn rất cần thiết để thúc đẩy chúng ta
làm việc độ sanh. Với tâm Bồ đề đưa tới trí, và trí được biểu
hiện ra bốn loại tương ưng với tám thức, đó là: Nhãn, Nhĩ, Tỹ,
Thiệt, Thân, Ý, Mạt Na Thức, A Lại Da Thức.
-
1- Loại Trí Thứ Nhất:
-
Khi chưa biết phòng hộ thì năm căn nó dẫn chúng ta đi vào con
đường sai lầm, đau khổ sầu muộn. Nhưng một khi mà biết phòng hộ
năm căn, tức là: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, lúc bấy giờ nhờ có
cái phòng hộ đó với công năng soi chiếu và tạo tác đúng, cho nên
bây giờ nó trở thành các trí tuệ viên mãn. Với cái trí tuệ do
phòng hộ năm căn nó sẽ thành gọi là Thành Sở Tác Trí.
-
2- Loại Trí Thứ Hai
-
Là phải nói đến Ý. Lúc bình thường ý như con vượn chuyền cây,
như ngựa hoang ngoài đồng nội, nhưng khi đã có phòng hộ thì thức
thứ sáu tức là Ý thức này chuyển thành Diệu Quan Sát Trí.
-
3- Loại Trí Thứ Ba:
-
Mạt Na Thức hay còn gọi là thức thứ bảy, nó có khuynh hướng chứa
nhóm, nhưng mà thay vì trước khi chưa biết phòng hộ năm căn và ý
thì chúng ta luôn luôn nghi nhận chứa nhóm những thứ không thanh
tịnh. Vì chứa nhóm những thứ không thanh tịnh, cho nên nó có
khuynh hướng làm cho ta đau khổ phiền muộn nhiều. Bây giờ đây
chúng ta đã có phòng hộ, cho nên cái sự chứa nhóm đó nó có cái
khuynh hướng thanh tịnh vì chứa nhóm thanh tịnh thì Mạt Na Thức
này sẽ trở thành Bình Đẳng Tánh Trí.
-
4- Loại Trí Thứ Ba:
-
Một khi A Lại Da Thức thuộc về vọng tâm thì nó biểu hiện ra thế
giới thiên nhiên và chúng sanh. Gọi theo thuật ngữ Phật Giáo là
Khí Thế Gian tức là hoàn cảnh trong đó chúng ta đang sống, hay
còn gọi là Y báo. Chính con người chúng ta là Chánh báo, tức là
danh sắc. Khi mà Mạt Na Thức hoàn toàn thanh tịnh, tức sự ghi
nhận thanh tịnh trong sáng thì A Lại Da Thức hay còn gọi Dị Thục
Thức hiển hiện để soi sáng, với cái trí soi sáng đó là Đại Viên
Cảnh Trí.
-
Chúng ta đừng hiểu lầm Trí là trí năng, sự thông minh, hoặc trí
là trí thức. Bốn trí mà chúng ta vừa giới thiệu đến đại chúng đó
là bốn bản chất tạo tác ra một thế giới an lạc. Hay nói một cách
ngắn gọn:
-
- Thức tạo ra hữu, tức là cuộc sống nhiều khổ đau, nhiều đày
đọa, ưu sầu. Còn trí tạo ra Tịnh Độ, tạo ra Phật Độ.
-
Hai cái nó khác nhau, nhưng mà trí nó khác với thức, thức nó có
khuynh hướng tạo ra đau khổ phiền muộn, còn trí nó có khuynh
hướng tạo ra hạnh phúc an lạc cho mọi người.
-
Thành ra Thức là vọng tâm, Trí là chân tâm. Chân tâm tạo ra thế
giới danh sắc của người Giác Ngộ, của Thân Thị Hiện, gọi là báo
thân. Báo thân này vẫn còn có lục nhập, là sáu căn và sáu trần.
Nhưng căn và trần này nó có khuynh hướng có khả năng mang hạnh
phúc đến cho người, được gọi là Thọ Dụng Thân. Thọ Dụng là tiếp
nhận và sử dụng. Lục nhập thì đầy dẫy những mê mờ vọng tưởng
trong khi đó thì Thọ Dụng Thân tràn đầy tính hạnh phúc và nhẹ
nhàng của người giải thoát. Có Thọ Dụng Thân này thì Xúc có
chánh niệm. Xúc thanh tịnh. Xúc này luôn luôn được sáu căn hộ
trì. Với cái Xúc được coi là thanh tịnh được coi là sáu căn hộ
trì, với cái sự tiếp xúc này nó luôn luôn có chánh niệm. Đến với
một ai chúng ta nói chuyện về vấn đề gì chúng ta ý thức được
chúng ta nói chuyện vấn đề đó. Cho nên sau buổi nói chuyện,
chúng ta cũng vui, người nghe nói chuyện cũng vui. Còn trong khi
đó một khi mà Xúc không có chánh niệm, khi chúng ta tiếp xúc với
ai chúng ta gặp gỡ, lúc mới gặp gỡ thì chúng ta vui lắm, nhưng
mà lúc chia tay rồi, chúng ta ai cũng mang cái mối hận lòng, bữa
khác gặp lại nhất định chửi cho một trận mới đã, thì cái Xúc này
là Xúc không có chánh niệm. Với Xúc luôn luôn có sáu căn hộ trì
thì nói khi:
-
- Sáu căn tiếp xúc sáu trần
-
Với người trần thế lắm điều thị phi
-
Nhưng người có đủ oai nghi
-
Tinh chuyên phòng hộ việc gì cũng thông.
-
Nghĩa là đối với một người có tinh chuyên phòng hộ sáu căn của
chúng ta, đến đâu dù cho nơi đó có khó khăn, nơi đó có như thế
nào đi nữa, nhưng mà chúng ta có thể hài hòa với mọi người, vẫn
có thể sống hạnh phúc và đồng thời cũng đem hạnh phúc an lạc đến
cho mọi người.
-
Đó là cách sử dụng sáu căn và sáu trần của người giác ngộ Xúc
thanh tịnh. Xúc chánh niệm sẽ tạo tác ra Thọ thanh tịnh. Thọ
chánh niệm. Đó chính là Chìa khóa của sự chế tác tình thân là ở
xúc và thọ. Nếu Xúc và Thọ không được chánh niệm hộ trì thì sẽ
không có sự chuyển hoá. Cho nên bí quyết thành công của sự chế
tác tình thân là trong đời sống hàng ngày ta biết dùng chánh
niệm để rọi vào Xúc và Thọ để sáu căn và sáu trần được tiếp xúc
trong chánh niệm, do vậy cái cảm thọ trong chánh niệm. Đó là cửa
đi vào sự hành trì giải thoát. Nếu không tức là không có mặt của
sự tu tập đích thực. Thành ra vì vậy chúng ta có Tụng Kinh mười,
hay mười hai giờ đồng hồ một ngày mà không thực tập chánh niệm
hay là không hộ trì sáu căn thì có thể không có kết quả gì cả.
Quả thật như vậy, xin kể cho đại chúng một câu chuyện:
-
- Bà Năm là người tu học nhiều năm... Mỗi buổi sáng nào bà cũng
đến trước bàn Phật thắp nhang cúng Phật rồi bắt đầu niệm Phật
theo nhịp mõ tiếng chuông. Nhưng phải cái tánh của cụ bà này khó
chịu quá, cho nên mặc dầu ở trong xóm của bà ở không có bao
nhiêu người, nhưng mà bà không không có thuận hòa với ai hết.
Một hôm có Ông Bảy hàng xóm muốn chơi khăm bà cụ, cho nên lúc cụ
bà vừa lễ Tam Bảo xong, ngồi xuống niệm Phật, là bắt đầu ông ở
ngoài ngõ gọi:
-
- Bà năm, bà năm ơi, bà năm ạ, bà đang làm gì đó.
-
Lúc bà cụ nghe có người gọi tên mình, bà giận lắm, bà nghĩ trong
bụng:
-
- Chắc thằng cha này điếc, không biết người ta niệm Phật hay sao
mà cứ kêu tên người ta hoài.
-
Vì nghĩ như thế, cho nên cụ bà niệm to hơn, đánh chuông mõ cũng
lớn hơn, nhiều hơn. Tuy niệm lớn tiếng, chuông mõ cũng rộn ràng,
nhưng tiếng kêu réo của ông Bảy ở ngoài ngõ cũng lại càng lớn
hơn. Cứ ông Bảy ở ngoài thì kêu to tiếng chừng nào thì Bà Năm ở
trong nhà cũng niệm Phật to theo chừng ấy ... Cuối cùng bà Năm
đuối sức, tức mình quá buông chuông, buông mõ xuống đi ra trước
ngõ đứng chống nạnh hai tay chửi:
-
- Thằng cha mắt dịch, bộ không biết người ta niệm Phật sao mà cứ
gọi réo làm động niệm tâm người ta.
-
Lúc đó ông bảy đứng ngoài ngõ cười hả hả hả và nói:
-
- Chèn đéc ơi! tui mới kêu tên bà một chút xíu mà bà đã sân si
lên rồi. Vậy mà mỗi buổi sáng ngày nào bà cũng kêu tên Đức Phật
A Di Đà hoài như vậy! Đức Phật A Di Đà mà nghe bà kêu cỡ đó chắc
ông tức lắm.
-
Khi nghe nói tới đó, bà Năm mới biết ông Bảy chơi khăm mình. Tức
quá không nói nên lời, bà Năm bỏ đi vô nhà đóng cửa lại không
dám lên tiếng nữa.
-
Qua câu chuyên này cho chúng ta thấy rằng, nhiều khi sự tu học
của chúng ta tuy có nhưng chỉ là phần hình thức, chớ thực sự
chưa thấm nhuần thật sự, nên chưa thật sự chuyển hóa những tập
khí xấu, thành ra đến khi đụng việc thì chúng ta vẫn sân si như
những người chưa bao giờ biết tu học. Điều mà chúng tôi nói chưa
được thấm nhuần là vì nhiều người cứ tưởng niệm Phật như vậy là
Đức Phật A Di Đà sẽ rước mình về Tây Phương Cực Lạc, sau
khi bỏ cái thân giả tạm trên cuộc đời này. Nhưng mà không biết
rằng chúng ta tu là chúng ta có an lạc ngay trong hiện tại.
Chúng ta niệm Phật không phải chỉ để cầu sau khi chết chúng ta
được đức Phật A Di Đà tiếp dẫn về Tây Phương cực lạc, mà niệm
Phật là để cho tâm càng ngày càng thanh tịnh hơn, càng ngày càng
dễ thương hơn, và chúng ta có thể hài hòa với mọi người nhiều
hơn. Vì hiểu sai và làm sai rồi cuối cùng chúng ta thấy rằng tu
nhiều, mà không biết phương pháp không biết hộ trì sáu căn thì
khổ thọ vẫn cứ khổ hoài hoài. Bởi vì khi mà chúng ta không biết
hộ trì sáu căn, thấy người ta làm chuyện gì cũng chướng con mắt,
nghe người ta nói một cái gì cũng đã chướng lỗ tai, cứ thế mà
chúng ta muốn nhảy vô can thiệp ngay. Nói bằng miệng chưa đủ mà
tay cũng muốn thoi người ta nữa. Thoi bằng tay sợ người ta không
đau, còn muốn lấy chân đạp người ta nữa, thì như vậy là không
xong. Đó là trạng thái tu mà không biết hộ trì sáu căn thì càng
tu chúng ta càng thêm đau khổ.
-
Một yếu tố khác nữa Ái dục nó có cái khuynh hướng kéo lôi, nếu
không biết phòng hộ sáu căn thì Ái dục nó lôi kéo chúng ta cũng
không phải là ít đâu. Thành ra vì vậy phải ý thức rằng Ái là
tham đắm, thèm khát, cho nên nếu mà Xúc và Thọ được đặt trong sự
hộ trì của chánh niệm thì sẽ không đi tới Ái, mà đi tới Xả, tức
là tự do. Vì Xả có nghĩa là tự do, không phe phái, là có khả
năng buông bỏ không vướng mắc. Khi Xả có mặt thì Xúc và Thọ liền
hướng dn theo tiến trình đến Từ, Bi, Hỉ, và Xả.
-
Như vậy, Ái thuộc về tình cảm, nhưng đó là thứ tình cảm bệnh
hoạn đam mê, vướng mắc. Từ, Bi, Hỉ, và Xả cũng là tình cảm,
nhưng đây là thứ tình cảm giải thoát, nhẹ nhàng. Tình cảm là
loại năng lượng có thể thực hiện được nhiều phép lạ. Khi người
ta thương, người ta có thể làm được những việc mà người không
thương không sao làm được. Tình thương vướng mắc nặng nề hay
tình thương của chân tâm cao quý cũng đầy năng lượng như vậy. Có
tình thương, có Từ, Bi, Hỉ, và Xả, chúng ta có thể làm được
những chuyện mà người không thương không thể nào làm được. Nói
một cách ngắn gọn, một khi mà chúng ta biết hành trì phương pháp
này thì chúng ta có thể làm được những cái mà người đời không
làm được, và chúng ta không làm những gì mà người đời đã, đang
và sẽ làm được. Những cái mà người đời làm được đó là ăn miếng
trả miếng nhưng mà chúng ta không làm được bởi vì tu nên phải
nhịn. Còn chúng ta là người thành công cái mà người đời không
thể làm được, là bởi vì chúng ta chịu dấn thân, tu học trau dồi
bản thân, với tâm nguyện làm an vui hạnh phúc cho người khác
cũng giống như bản thân mình. Chúng ta có thể chịu đựng được khổ
đau, và có thể hy sinh thân mạng, có thể làm mọi cách để cứu độ
chúng sanh, là vì chúng ta có tình thương lớn. Đạo lý Từ Bi Hỉ
Xả là đạo lý về tình thương trong đạo Phật để thay thế tình
thương vướng mắc, và hệ luỵ, gọi là khát Ái. Biết bao nhiêu
người lặn hụp trong bể khổ vì Ái, vì tình thương vô minh. Biển
Ái đã nhấn chìm giết chết không biết bao nhiêu người là do thứ
tình này. Từ Bi Hỉ Xả cũng là tình thương nhưng là thứ tình có
thể cứu vớt và đưa con người đến bến bờ giác ngộ. Thành ra vì
vậy người học Phật chúng ta có sự lựa chọn, cũng là tình thương
nhưng tình thương nào đáng được chúng ta lưu ý.
-
Trong truyền thống tu học có nhiều người sợ không dám nói tới
tình. Làm như đi tu là phải bỏ hết tất cả các thứ tình cảm, điều
đó không đúng. Những người đi tu là những người phải có rất
nhiều tình: Tình Từ, tình Bi, tình Hỉ, và tình Xả. Trong thiền
đường Chùa Trúc Lâm ở Huế, có hai câu đối:
-
Câu bên phải là:
-
- Bất tục tức tiên cốt.
-
Nghĩa là:
-
- Bản chất của người tiên là không vướng ở cõi tục.
-
Và vế bên trái kia là:
-
- Đa tình thị Phật tâm.
-
Nghĩa là:
-
Tâm đa tình, tâm nhiều tình cảm là tâm của Phật.
-
Tình cảm ở đây chính là: Từ Bi Hỉ và Xả. Chứ không phải tình cảm
bi lụy mà qua đó một vị giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo là đức Huỳnh
Giáo Chủ có một bài thơ rất hay khi nói về tình:
-
- Tôi có tình yêu rất đượm nồng
-
Yêu đời yêu đạo lẫn non sông
-
Tình yêu không chỉ riêng ai cả
-
Không chỉ yêu riêng khách má hồng
-
Nếu khách má hồng muốn được yêu
-
Thì cho tâm tưởng phải xoay chiều
-
Hướng về hạnh phúc cho nhân loại
-
Mới thấy tình ta trong khối yêu.
-
Tình cảm con người cũng có và ai cũng thích cả, nhưng mà thứ
tình cảm người tu phải lựa chọn đó là loại:
-
- Tình Từ, tình Bi, tình hỉ, tình Xả.
-
Vì những mối tình này có thể chế tác tình thân, có thể hướng dẫn
con người đến chỗ an lạc và giác ngộ. Còn loại tình cảm thương
mà buổi sáng làm cho người thân mình đau khổ, chiều làm cho
người thân mình khóc, tối làm cho người thân mình ngủ không
được. Thứ tình cảm nên đem đi đổ sông đổ biển cho rồi, đừng nên
giữ loại tình cảm này mà làm khổ người khổ mình và khổ đời.
-
Cho nên khi học đạo giải thoát mà nặng về tri thức, thì chúng ta
có cảm tưởng đạo Phật khô khan. Do vậy có nhiều khi chúng ta cứ
mãi nói về giới, Định, Tuệ, về Trạch Pháp ... cái gì cũng là trí
tuệ. Chúng ta đã nghiêng về Trí mà lơ về Từ, Bi, Hỷ Xả. Trong
khi đó, Phật là Trí và Bi viên mãn. Cho nên trí không thể thiếu
Bi mà Bi không thể thiếu Trí. Phần trí tuệ và phần tình cảm phải
phát triển song song với nhau, và lúc nào cũng giữ quân bình.
Nếu mà bi không có trí là bi nhu nhược, mà trí không Bi tức là
trí xảo, trí cuồng, thành ra hai yếu tố này phải quân bình với
nhau. Vì vậy đạo lý Từ, Bi, Hỉ, Xả cần phải được đề cao, cần
phải được phát triển, cũng không phải phát triển không mà còn áp
dụng trong mọi lãnh vực của sự sống. Thực tập Từ, Bi, Hỉ, Xả thì
sự sống có thêm hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Vì vậy,
cách chế tác tình thân là phương cách thương như thế nào mà
chúng ta có hạnh phúc, nhưng người được ta thương cũng có hạnh
phúc, chứ không phải thương mà mình làm cho người chúng ta
thương mất đi tự do không có hạnh phúc, thì thương đó là tình
thương ích kỷ. Vì vậy nói đến tình thương thì chúng ta phải đánh
giá lại coi có bao nhiêu phần chúng ta thương thực sự, và bao
nhiêu phần trăm trong đó có ích kỷ hẹp hòi.
-
Tu học đích thực luôn luôn mang tới hạnh phúc, niềm tin và niềm
vui. Phật nói đi nói lại nhiều lần là giáo pháp của người là để
thực tập và có hạnh phúc ngay trong khi thực tập, chứ không phải
ngài nói suông. Cũng không phải thực tập xong rồi năm bảy năm
sau mới có hạnh phúc. Đó là phương pháp Hiện Pháp Lạc Trú:
-
- An lạc ngay trong giờ phút hiện tại.
-
Nghĩa là chúng ta thực tập ngay trong phút nào, thì chúng ta có
an lạc và hạnh phúc, trong giây phút đó, mà qua đó trong đạo lý
Bảy Giác Chi tức là bảy yếu tố giác ngộ đã nhắc đến. Bảy yếu tố
giác ngộ gồm có:
-
- Trạch Pháp,
-
- Tinh Tấn,
-
- Hỉ,
-
- Khinh An,
-
- Niệm,
-
- Định và
-
- Tuệ
-
Trong bảy yếu tố đưa tới giác ngộ có hai chi về hạnh phúc, đó là
Hỉ và Khinh An. Nói như vậy trong khi mà chúng ta thực tập pháp
là chúng ta phải hoan Hỉ, chúng ta cảm thấy trong người chúng ta
nhẹ nhõm. Nếu trong lúc thực tập pháp mà chúng ta trở nên cau có
khó chịu, hay khi mà chúng ta thực tập pháp thấy đầu óc nặng nề,
cực khổ, mệt mỏi quá thì đó là dấu hiệu chứng tỏ trong sự tu học
hàng ngày chúng ta đã sai. Nói cách khác khi thực tập pháp, dù
cho chúng ta thực tập bất cứ phương pháp nào đi nữa, nhưng trong
lúc thực tập phải có chất liệu chế tạo tình thương, phải có chất
liệu hoan hỉ và nhẹ nhàng là đúng, còn không có là sai.
-
Khi thực tập pháp, trong cuộc sống hằng ngày chúng ta phải có
hạnh phúc, và niềm vui. Nếu không thì không phải đích thực là
pháp môn của Phật. Nghĩa là giây phút nào chúng ta thực tập là
giây phút đó chúng ta cảm thấy đời mình an lạc và thánh thiện.
Đạo lý về tình thương trong đạo Phật là một đề tài rất lớn cần
được khai thị cho thế giới bây giờ. Trước và trên hết là con
người chúng ta, nghe rồi phải thực tập, phải làm cho được đừng
hẹn đừng đợi. Con người lặn hụp trong khổ đau vì đời sống hàng
ngày tình thương của họ còn rất nhiều vướng mắc. Hơn thế nữa còn
có nhiều chất liệu của sân si và hận thù thành ra vì vậy mà họ
đau khổ. Cho nên chúng ta phải khơi mở một dòng tình thương từ
sự thực tập đạo Phật. Như có lần đã nói, nếu muốn chuyển hóa
1,000 người hay 10,000 người hay là nhiều hơn nữa, thì trước và
trên hết chúng ta phải chuyển hóa từ một cá nhân, mà một cá nhân
đó, không ai xa lạ chính chúng ta đầu tiên. Rồi đến hai cá nhân
tức là người thân của chúng ta. Cứ như thế chúng ta cứ tiếp tục
mãi như vậy, thì xã hội này sẽ chuyển hóa, đó là cách chúng ta
bắt đầu. Chúng ta phải mở, phải khơi nguồn cái dòng tình thương
từ con người của chúng ta.
-
Đối với người học Phật, giáo lý về tình thương được gọi là Tứ
Phạm Trú. Tứ tức là bốn. Phạm tức là nói đến những người phạm
hạnh. Trú tức là sống. Như vậy Tứ ở đây cũng được hiểu Từ, Bi,
Hỉ, và Xả mà chúng ta gọi là bốn vô lượng tâm. Hay nói một cách
khác đó là chúng ta sống an lạc và chế tác tình thân trong cuộc
đời hiện tại này mà qua đó bốn vô lượng tâm: Từ, Bi, Hỉ, Xả là
nền tảng cho chúng ta thực tập hằng ngày. Nơi nào chúng ta cũng
có thể thực tập giáo lý tình thương, nơi nào chúng ta cũng sống
an lạc được. Nói là nơi nào chúng ta cũng có thể thực tập giáo
lý tình thương có nghĩa là chúng ta phải hiểu nơi đó là cái Chùa
hay tu viện. Đó là nơi cư trú của chư Phật, chư Bồ Tát, chư
thánh hiền Tăng. Nếu chúng ta muốn có hạnh phúc thì hãy xin vào
ở đó để sống chung với Phật, với Bồ Tát.
-
Đi tìm Phật, đừng nói phải về Tây Phương Cực Lạc mới gặp Phật A
Di Đà, hay đừng bảo phải về Đông Phương Tịnh Độ mới gặp Phật
Dược Sư, đừng bảo phải đến Đâu Suất Viện mới gặp đức Phật Di
Lặc. Chỉ cần vào nhà Bốn Tâm Vô Lượng là chúng ta thấy Phật. Bởi
vì chúng ta biết rằng nơi nào có tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỉ, tâm Xả,
hay là tình Từ, tình Bi, tình Hỉ, tình Xả, là nơi đó có chư
Phật. Cho nên Tứ Phạm Trú, hay còn gọi là nơi cư trú của những
người sống phạm hạnh. Những người sống phạm hạnh không ai xa lạ
mà chính là: Đệ tử của Phật, Chư Bồ Tát hay là Chư Phật. Vì vậy
chúng ta có bổn phận phải xây thêm những cư xá Bốn Vô Lượng Tâm.
Vô lượng tức là không thể đo được, có thể phát huy đến vô cùng.
Bốn tâm không có biên giới là: Tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỉ, và tâm
Xả.
-
1- Trước hết là Tâm Từ, có nghĩa là khả năng hiến tặng niềm vui,
hiến tặng hạnh phúc người gọi là tâm Từ.
-
2- Thứ hai là Tâm Bi, có nghĩa là khả năng làm vơi đi nỗi khổ
đang có mặt. Nó gồm ý chí muốn làm vơi đi nỗi khổ, muốn chuyển
hóa nỗi khổ của người, gồm cả phương pháp và khả năng chuyển hóa
nỗi khổ.
-
3- Thứ Ba là Tâm Hỷ tức là niềm vui. Tình thương đích thực, có
Từ, có Bi, sẽ đem tới sự nhẹ nhõm, và niềm tươi vui. Tình thương
mà chất chứa sầu đau thì không phải là tình thương trong đạo
Phật. Cho nên ai nói rằng thương người này, thương người kia mà
cứ tạo đau khổ cho nhau thì đó không phải tình thương mà là tánh
ích kỷ hẹp hòi. Như vậy Hỷ là một yếu tố của tình thương đích
thực. Tình thương có thể đem lại cho người thương và người được
thương hạnh phúc thì mới đúng là tình thương trong đạo Phật.
Tình thương đem tới sự nhẹ nhàng hoan hỉ đó là tình thương rất
cần. Còn thứ tình thương mỗi ngày gây khổ đau và vướng mắc cho
nhau, thì không phải là tình thương của Phật. Hỉ là yếu tố của
tình thương ấy.
-
4- Và sau cùng là Tâm Xả là sự nhẹ nhàng, thư thái, tự do và
không kỳ thị. Thương như thế nào mà chúng ta còn giữ được sự tự
do cho tự thân và người chúng ta thương thì mới đích thực là
tình thương trong đạo Phật.
-
Như vậy Tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả không phải là những ước muốn, những
mục tiêu xa xôi mà là sự thực tập. Từ không phải chỉ là ước muốn
đem lại hạnh phúc cho người, mà còn là sự thực tập để chế tác
Tâm Từ mới đem lại hạnh phúc cho người. Có người càng thương thì
càng làm người kia khổ. Thương như vậy chưa phải là Từ. Bởi vì
có ý chí thương, nhưng không có khả năng thương. Tâm Bi cũng
vậy, Bi cũng là ước muốn và là khả năng làm vơi nỗi khổ. Tương
tự như vậy, Tâm Hỉ là ước muốn và khả năng tạo hạnh phúc cho
mình, và cho người. Và Xả tức là ước muốn và khả năng hiến tặng
tự do và sự không kỳ thị cho người và cho chính mình.
-
Chúng ta không thể hiểu được bản chất của tình thương trong đạo
Phật, nếu không đặt tình thương đó trong Bát Chánh Đạo. Bát
Chánh Đạo đầu tiên là phải nói đến Chánh Kiến. Phải có cái nhìn
chân chánh, do vậy nếu không có Bát Chánh Đạo can thiệp vô thì
cái tình thương đó không được. Cho nên nếu không thực tập Bát
Chánh Đạo thì ta không thể thực tập được tình thương. Chánh niệm
cho chúng ta thấy được nhu yếu chuyển hóa khổ đau và nhu yếu
hiến tặng niềm vui. Vì thế chúng ta biết khi một người làm cho
chúng ta khổ thì chính người đó cũng bất an. Đó là lý do, không
có Bát Chánh Đạo can thiệp thì không có Chánh Kiến, chúng ta
vĩnh viễn không bao giờ thấy được cái bất an của người, rồi từ
đó chúng ta có phản ứng có thể làm cho người đó thêm khổ, vì thế
lại làm khổ chính ta nhiều hơn. Cái khả năng giúp chúng ta nhận
chân ra sự thật đó là chánh niệm. Lắm khi người đó chính là
chúng ta. Bởi vì một điều chắc chắn không có được bao nhiêu
người hiểu được tâm tư của người khác, cho nên có những lúc có
tâm trạng, người khác không hiểu chúng ta cũng đau khổ ghê lắm.
-
Như vậy khi nói đến cách chế tác tình thân, nói tới Từ, Bi, Hỉ,
Xả là chúng ta phải thực hiện cho chính mình trước. Nhưng đừng
bao giờ đòi hỏi người khác thực tập cho mình nhờ. Chúng ta phải
thực tập bốn loại tâm này cho tự thân nhờ, và hưởng trước đã.
Nếu không có bốn tâm đó trong ta, thì chúng ta không thể nào
hiến tặng nó cho người khác, và cũng không thể nào chế tác tình
thân được. Phải đầu tư, phải gây vốn cho bốn tâm vô lượng càng
ngày càng thêm lớn.
-
Đến Chùa Dược Sư chúng ta tham dự khóa tu, chúng ta đi thiền
hành, tụng kinh, niệm Phật là an lạc xuất hiện trong từng bước
chân một. Quả thật mỗi khi chúng ta ngồi tụng kinh, niệm Phật
hay thiền hành, là chúng ta nuôi dưỡng từng tế bào trong thân
thể chúng ta bằng hơi thở chánh niệm, đó là chúng ta đang tự
thương mình. Người ta bảo rằng:
-
- Thương người như thể thương thân.
-
Như vậy thương thân mình không phải là ăn cho ngon, ngủ cho
nhiều, mặc đồ cho sang gọi là thương, mà thương thân của mình
bằng cách nuôi dưỡng tế bào bằng hơi thở chánh niệm. Đừng bao
giờ sầu bi phiền não, vì cứ mỗi khi sầu bi phiền muộn thì mỗi
lúc chúng ta tự hủy diệt thân của mình. Chúng ta làm đau khổ
thân của mình nhiều hơn, thành ra vì vậy nói là thương thân có
nghĩa là chúng ta phải làm cho tiêu rã bớt những nỗi sầu khổ, và
đồng thời tưới vào bản thân những niềm vui, đó là cách thương
chúng ta. Nếu không tự thương chúng ta thì chúng ta không có khả
năng thương người khác. Nếu chúng ta không thể thương người khác
được thì đừng mong người khác thương chúng ta. Và nếu chúng ta
không có khả năng thương chính mình thì mình không thể nhờ ai
thương chúng ta cả.
-
Nuôi dưỡng mình và nuôi dưỡng người chung quanh bằng tình
thương, đó là sự thực tập của chúng ta. Nghe pháp là những chất
liệu để xây dựng loại tình thương này. Cần phải nghe pháp để
hiểu mới thương được. Vì thương mà không hiểu thì làm khổ người
mình thương, như vậy muốn hiến tặng niềm vui cho người, chúng ta
phải hiểu người với con mắt chánh niệm. Có thể nói rằng trong
đạo Phật, thương yêu được làm bằng một chất liệu gọi là hiểu
biết, mà hiểu biết là hoa trái của chánh niệm. Thương mà không
hiểu mà chỉ giam nhau trong ngục tù, tự giam mình trong ngục tù
và làm khổ lẫn nhau. Người này lập ra ngục tù để nhốt người kia,
người kia lập ra ngục tù để nhốt chúng ta, rồi vợ chồng, anh em,
con cái đạo bạn ... Khi mà thương nhau cứ muốn giam nhau trong
ngục tù là vì không hiểu, chỉ vì chúng ta không biết được nhu
yếu sâu xa đích thực của chính bản thân mình và những người
chúng ta thương, thành ra chúng ta có cái khuynh hướng làm đau
khổ cho nhau càng ngày thêm nhiều.
-
Đức Phật dạy tình thương phải làm bằng hiểu biết, nhưng mà vì
hiểu rõ tâm chúng sanh cho nên đức Phật lại đi xa hơn nữa, Ngài
nói rằng trong tình thương đó phải có niềm vui, nếu không có
niềm vui thì chúng ta chưa phải là Từ chưa phải là Bi. Đây là
một phương pháp khác nữa để chúng ta nhận diện được tình thương
chân thật, sự có mặt của niềm vui vô cùng, vô cầu, vô lợi. Tu
không phải là từ bỏ niềm vui. Niềm vui của người tu không phải
chỉ phát sinh khi thấy người khác thành đạt và hạnh phúc, mà cả
khi thấy mình nhẹ nhàng, thảnh thơi mình cũng vui. Do vậy một
niệm nào mình thấy thánh thiện là mình vui, một niệm nào mình
thấy nhẹ nhàng, mình thấy rằng mình có thành tựu là mình vui.
Chẳng hạn như khi chúng ta bước những bước thiền hành thảnh
thơi, chúng ta tiếp xúc được với người mình đang nói chuyện, và
chúng ta có mặt với người mình đang nói chuyện là chúng ta thành
tựu, cho nên chúng ta cảm thấy thoải mái... Phật dạy chúng ta
phải nuôi dưỡng thân tâm bằng niềm vui, và sự nhẹ nhàng, làm như
vậy chúng ta thực tập được sự yêu thương.
-
Chúng ta cần phân biệt và chế tác loại tình thương nào là trong
sáng khỏe mạnh và loại tình thương nào là mê đắm vướng mắc. Phải
quán chiếu để nhận diện xem trong tình thương có chất liệu của
Từ, của Bi, và của Hỉ hay không. Nếu hoàn toàn trong ấy không có
chất liệu nào của Từ, Bi và Hỉ, thì tình thương đó chắc chắn
đang và sẽ tạo đau khổ của mình và đau khổ của người khác. Là
người Phật Tử tu và thực tập đạo giải thoát, chúng ta phải biết
như vậy. Khi biết không có tình thương lành mạnh thì chúng ta
phải làm cho có, nếu có quá ít thì chúng ta phải chế tác cho
nhiều. Cho nên chúng ta phải thực tập mỗi ngày để chuyển hóa các
yếu tố tiêu cực của tình thương, và nuôi dưỡng chất liệu Từ, Bi,
Hỉ và Xả càng ngày càng thêm lớn.
-
Một tình thương chân thật là một tình thương có chất liệu tự do.
Người thương có tự do, và người được thương vẫn không mất tự do.
Chúng ta không cần người kia phải hội đủ những điều kiện như thế
nào mới được thương. Mà thương anh vì anh cần, thương chị bởi vì
chị thiếu tình thương. Đến với anh, với chị, với cô, với bác có
nhu cầu cần cho nên tôi đến. Không phải vì em đẹp mà thương.
Không phải vì anh đã theo cùng một tôn giáo với tôi mà tôi
thương. Tình thương này vô điều kiện, tình thương không phân
biệt như vậy là tình thương có Xả. Trong tình thương đích thực
này, người gọi là kẻ thù cũng được thương. Tại vì người kia cũng
đau khổ, cũng cần chuyển hoá khổ đau, cũng cần được hạnh phúc.
Khi chúng ta nhìn người gọi là kẻ thù và thấy được nhu yếu đó,
thì chúng ta thương được kẻ thù của chúng ta. Mà khi đã thương
được rồi thì chúng ta không còn gọi người đó là kẻ thù nữa. Cho
nên trong tình thương đích thực không có kẻ thù. Có người chủ
trương rằng: Phải phân biệt bạn với thù, chúng ta không được
thương thù, chỉ được thương bạn thôi. Trong giáo lý của đạo Phật
không nói như vậy. Cách chế tác tình thân trong giáo lý của đức
Phật nói người nào khổ thì chúng ta thương, vì người đó cần tới
tình thương.
-
Nói tóm lại, muốn chế tác tình thân chúng ta phải ghi nhận Chân
Tâm Duyên Sinh mà qua đó chúng ta đánh giá các khả năng phòng hộ
các căn, để phát triển các loại tình cảm: Từ, Bi, Hỉ, Xả cho đến
nơi đến chốn. Vì Từ là năng lượng làm người ta vui. Bi là năng
lượng làm tiêu tan nỗi khổ niềm đau. Chúng ta chỉ có thể thực
hiện thực hiện được Từ và Bi khi quán chiếu. Từ hiểu biết mà đi
tới thương yêu, rồi biến thành hành động. Tình thương biến thành
hành động, chứ không phải chỉ có trong tưởng tượng trong giấc
mơ. Làm được như thế thì chúng ta đã thành công trong việc chế
tác tình thân giữa chúng ta và những người chúng ta thương, xa
hơn nữa là giữa chúng ta và cộng đồng hoặc giữa chúng ta và xã
hội.