TẬP SAN DƯỢC SƯ

Giới Thiệu Tứ Nhiếp Pháp
Trúc Giao
---o0o---
 
Theo quan niệm của Đạo Phật, chúng ta không nên quá chú trọng đến mình mà quên người, không nên chỉ lo giác ngộ cho mình mà không tìm cách giác ngộ cho người. Bởi vì chúng ta với người tuy là khác nhau về thể chất, nhưng trên tinh thần tu tập, tự giác, giác tha thì không khác. Lý do, càng lo tự lợi chừng nào, thì chúng ta lại càng đi ngược lại với sự tu hành chừng ấy. Trái lại, càng hy sinh cho người, càng chú trọng đến hạnh lợi tha, thì chúng ta lại càng mau chứng ngộ chừng ấy.
Phật Pháp có vô lượng phương pháp tu học, chúng ta muốn thực hành phương pháp nào cũng được. Bởi vì trong vô lượng pháp môn tu theo đạo Phật, không pháp môn nào không nhằm mục đích lợi sanh. Hạnh lợi sanh luôn luôn là hạnh của mười phương chư Phật, chư vị Bồ Tát thị hiện ra đời, thực hành, để đem lại ích lợi, đem lại lợi lạc, cho tất cả chúng sanh. Một trong những hạnh lợi tha được chư tổ đức liệt kê vào loại căn bản cho hàng hậu học thực tập đó là Bốn Nhiếp Pháp. Bốn Nhiếp Pháp là pháp môn căn cứ vào lòng từ bi để khuyến hóa chúng sanh bỏ tà theo chánh, có công năng nhiếp phục và giác ngộ chúng sanh.
Pháp môn này không những dành cho Phật Tử xuất gia là các bậc tu sĩ, hay dành cho các Phật Tử tại gia cư sĩ, mà bất cứ ai cũng có thể áp dụng, tu tập, thực hành, để có cuộc sống an lạc và hạnh phúc hiện đời, để được giác ngộ và giải thoát.ÕBốn Nhiếp Pháp có giá trị cao đẹp, biểu lộ ý chí cao thượng của chư Phật, và chư Bồ Tát. Bốn phương pháp đó là:
1- Bố Thí Nhiếp
2- Ái Ngữ Nhiếp
3- Lợi Hành Nhiếp
4- Ðồng Sự Nhiếp
          I- Bố Thí Nhiếp.
Trong một xã hội tốt đẹp hay xấu xa, hòa bình hay hỗn loạn không phải là không nguyên nhân. Có thể nói, nhân loại hiện nay đang quằn quại trong khổ đau, những cảnh nồi da xáo thịt, tái diễn hằng ngày, tuy là có rất nhiều nguyên nhân, nhưng xét cho kỹ thì nguyên nhân của hỗn loạn đó chính là lòng ích kỷ. Do lòng tham lam, con người không bao giờ thấy đủ. Lòng tham lam luôn luôn thúc đẩy con người đấu tranh, giành giựt, bất chấp thủ đoạn, cho nên cuộc sống thực sự không được an lạc và hạnh phúc. Người biết tri túc, biết an phận với những gì đang có, biết cần kiệm, biết sống một cuộc sống đơn giản, an nhàn, trong sạch là người được an lạc và hạnh phúc lớn nhất.
Ðạo Phật là đạo từ bi, hay nói cách khác là Đạo cứu khổ ban vui. Mà những nỗi khổ lớn của con người là sự thiếu thốn về vật chất, sự mê mờ về tinh thần, và lòng lo sợ về đủ mọi thứ. Như lo sợ mất tiền của, mất thân mạng, gặp tai biến ..v.v...  Vậy chúng ta là người có lòng từ bi, muốn cứu khổ ban vui thì trước tiên chúng ta phải xả bỏ tánh ích kỷ. Nghĩa là chúng ta phải thực hành hạnh bố thí hay thân thương hơn thì gọi là hiến tặng. Do sự hiến tặng đó mà chúng ta cảm phục được người chung quanh, và người chung quanh mới gần gũi thân mến chúng ta và mong cầu học đạo giải thoát.
Chúng ta phải thực tập hạnh bố thí để kiến tạo nghiệp lành, một kho tàng phước báu có công năng tiêu trừ đau khổ, làm cho tâm trí được an vui, thảnh thơi, hạnh phúc. Tu hạnh bố thí tất nhiên được người đời thương mến, dễ thu phục lòng người, phát triển lòng từ bi. Bố thí là gốc rễ của tất cả các thiện pháp. Bố thí là pháp tu mà những người kém phước đức và trí huệ cần noi theo. Chư vị hiền thánh từ ngàn xưa cho đến ngày nay đều trải qua các hạnh tu bố thí.
          Ngày nay nếu chúng ta ai cũng theo gương của các Ngài thì cuộc đời đâu còn gì gọi là khổ đau. Như vậy cái biết đủ, thực ra rất cần thiết, rất quan trọng cho cuộc đời, nhưng chúng ta không bao giờ đạt được cái đủ, cái nhàn, nếu không có biết đủ, biết nhàn. Bởi vậy, cho nên Ðức Phật dạy pháp bố thí hay hiến tặng, để dẹp bớt lòng tham lam, bỏn sẻn, keo kiệt, bần tiện của con người. Pháp hiến tặng gồm có ba thứ: Hiến tặng tài sản, hiến tặng pháp, hiến tặng sự không sợ hải.
1- Hiến Tặng Tài Sản  
Là muốn nói đến việc chúng ta có thể cho những gì bên ngoài thân thể, như là tiền bạc, của cải, cơm gạo, quần áo, thuốc men, vật chất nói chung. Khi thực hành hiến tặng trên phương diện vật chất, chúng ta cần chú ý các yếu tố đúng người, đúng thời và đúng lượng. Chẳng hạn như người nào cần tiền bạc, chúng ta giúp tiền bạc, người nào cần thuốc men, chúng ta giúp thuốc men và chỉ giúp lúc cần thiết với số lượng hợp tình, hợp lý mà thôi. Nhiều khi giúp đỡ tiền bạc quá nhiều, có thể làm cho người nhận sanh tâm ỷ lại, sanh lòng lười biếng, không thích làm việc, không thích chịu cực, không kham nổi những khó khăn trong cuộc sống. Nhiều khi giúp đỡ tiền bạc đưa đến chuyện hại người, nếu chúng ta không biết người nhận sử dụng số tiền đó với mục đích sai lạc, mục đích xấu.
          Bên cạnh những của cải vật chất bên ngoài, chúng ta có thể đem cho những gì thuộc về thân thể, chẳng hạn như:
- Mắt, tim, gan, phổi, thận ...
Ðiều này, khi còn sống thì khó thực hiện được, nhưng chúng ta có thể làm được khi vừa mới tắt thở. Có rất nhiều người không theo đạo Phật, không hiểu giáo lý đạo Phật, nhưng họ đã ký sẵn giấy cam đoan cho các bộ phận trên cơ thể của họ hoặc cho luôn thân xác của họ, cho bất cứ ai cần đến, hoặc cho các viện y khoa, để giải phẩu nghiên cứu, học hỏi, tìm hiểu, ngay khi họ vừa mới tắt thở.
          Ðiều này giúp chúng ta hiểu rằng, trong tận cùng thâm tâm của mỗi con người, thiện tâm đều giống nhau, ai ai cũng có, không phân biệt con người theo bất cứ tôn giáo nào trên thế gian này. Trong cuộc sống hiện tại, khi còn sống ít người thực hành nổi hạnh bố thí thân mạng như sách vở đã dạy. Tuy nhiên, chúng ta có thể dùng thân mạng để làm những việc ích lợi cho người, như công quả trong chùa, góp công sức trong các cuộc lạc quyên cứu giúp người gặp nạn bão lụt, gặp hỏa hoạn ...
Như vậy tài thí là đem tiền của mà bố thí, để cứu vớt người đồng loại thoát khỏi đau khổ. Cảnh khổ của chúng sinh về vật chất không thể kể xiết: Người thiếu cơm, kẻ thiếu áo, người thiếu thuốc thang, kẻ thiếu nơi nương náu ... Ðứng trước những cảnh khổ ấy, người Phật tử không thể nào an nhiên hưởng sự sung sướng riêng được, mà trái lại thấy mình có bổn phận xuất của, ra công giúp kẻ nghèo khổ, thiếu hụt.
Ðừng viện cớ, hay tự an ủi nghèo không có của tiền giúp đỡ người chung quanh. Thật ra miễn là chúng ta có từ tâm hay không, chứ không phải mình hoàn toàn thiếu phương tiện để giúp đỡ người khác. Một chén cơm vẫn có thể chia hai được, một manh chiếu vẫn còn đủ chỗ cho thêm một người nằm được. Người ta thường nói:
- Chật bụng chớ chật chi nhà.
Người triệu phú đem cho năm, bảy ngàn đồng không làm cho người ta cảm phục, quý mến bằng người nghèo chỉ có hai bộ quần áo, mà đem cho bớt đi một bộ.
2- Hiến Tặng Pháp
Hiến tặng pháp, chẳng hạn như chúng ta có sở học, có tài năng, có kiến thức, có sự hiểu biết về một vấn đề nào đó, về một phương diện nào đó, về một ngành nghề nào đó, chúng ta có thể đem ra chỉ bảo, hướng dẫn, truyền dạy, giúp đỡ cho người, một cách bất vụ lợi, không mong cầu báo đáp, không kể lể ơn nghĩa. Việc này bất cứ ai cũng có thể làm được, chỉ cần tấm lòng vị tha, chỉ cần tấm lòng vì người quên mình mà thôi.
          Ðối với hàng tu sĩ xuất gia hay cư sĩ tại gia có học hiểu giáo pháp của Phật, đem ra giảng giải cho mọi người được biết để áp dụng, để xây dựng cuộc sống an lạc và hạnh phúc hiện đời. Theo nghĩa này, hiến tặng pháp là điều quan trọng hơn cả.ÕBởi vì khi chúng ta hiến tặng cho người về vật chất như:
- Tiền bạc, cơm gạo..,
Có thể làm cho người được qua cơn khó khăn ngắn hạn, trong một thời gian nào đó mà thôi. Nhưng chúng ta giúp người về tinh thần, như dạy chữ, chỉ dạy nghề, hướng dẫn cách sống đúng phép vệ sinh chẳng hạn, có thể làm cho người được qua cơn khó khăn trong một thời gian nào đó, thậm chí có thể giúp họ sống còn, sống khỏe một đời này mà thôi. Còn nếu chúng ta có học hiểu giáo pháp của Ðức Phật, còn gọi là Phật Pháp, đem ra giảng giải cho mọi người được biết, để áp dụng trong cuộc sống, thì có thể giúp con người được an lạc và hạnh phúc ngay hiện đời, ngay kiếp này, cao hơn nữa là giúp con người được giác ngộ và giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi khổ đau vĩnh viễn muôn kiếp. Bởi vậy, cho nên Ðức Phật dạy hàng Phật Tử tại gia pháp cúng dường chư Tăng Ni, để các vị xuất gia yên tâm tu hành, không phải lo chuyện sinh sống, chuyên tâm nghiên cứu kinh điển, rồi đem ra giảng giải cho mọi người biết, để tu hành theo đúng Chánh Pháp. Pháp cúng dường như vậy là thanh tịnh nhất, dành cho các bậc chơn tu thực học.
          Tuy nhiên, không phải giáo pháp luôn luôn cần hơn cơm gạo, hoặc ngược lại. Việc này chúng ta gọi là tùy duyên. Chúng ta không thể đem giáo pháp cao siêu ra giảng dạy cho những người đang đói khổ, đang cần cơm gạo trước hết. Cũng như không thể đem giáo pháp cao siêu dạy ngay cho người sơ cơ, mới học đạo. Chúng ta phải biết rằng nhu cầu tại thế gian của con người đi từ vật chất đến tinh thần, rồi sau đó mới bàn đến chuyện tâm linh xuất thế gian.
Như vậy, hiến tặng pháp là đem những giáo pháp đã học hỏi mà bố thí, giảng dạy cho chúng sinh. Chúng ta đừng viện cớ mình còn kém Phật pháp, không thể làm công việc thí pháp được. Như trên đã nói, Pháp Phật có vô số lượng pháp môn, nếu không biết được pháp môn cao thâm, thì cũng biết được pháp môn thông thường. Mỗi Phật tử ít ra cũng biết tụng kinh, niệm Phật, lễ Phật, ăn chay. Chúng ta đem những điều ấy chỉ bảo cho người, như thế cũng là thí pháp rồi. Nếu làm những điều ấy với tấm lòng chân thật, hoan hỷ, cố mong sao cho người chung quanh đi đến với đạo để được lợi ích, thì sự thí pháp ấy còn đáng quí hơn là giảng những giáo lý cao siêu với một thái độ dửng dưng hay tự cao tự đại. Hiến tặng pháp càng lan rộng, thì lòng người hướng về với Phật pháp càng nhiều và cõi đời càng bớt đau khổ.
3- Hiến Tặng Không Sợ Hãi
Hiến tặng không sợ hãi là làm sao giúp đỡ cho con người bớt sự lo lắng, sợ sệt, sợ hãi, hay phiền muộn. Hiến tặng không sợ hãi cũng có nghĩa là giúp người qua cơn sợ hãi mọi thứ, bớt sự lo lắng mọi điều trong tâm trí trong các biến cố, trước các điều hiểm nguy, và còn có nghĩa là chúng ta không nên gây não phiền, không nên gây bực dọc cho bất cứ ai, khiến họ được an vui, yên ổn.
          Con người sống trên thế gian này có rất nhiều điều lo âu, sợ hãi hay phiền muộn. Nào là sợ thiếu tiền, sợ thiếu ăn, sợ thiếu mặc, sợ bệnh hoạn, sợ thiên tai, sợ mất công ăn việc làm, sợ mất hạnh phúc gia đình, sợ đủ mọi thứ chuyện trên đời. Nhưng nỗi lo sợ lớn nhất của con người, chính là sợ chết!
          Tự cổ chí kim, từ người nghèo hèn cho đến người sang trọng, từ người bình dân cho đến người học thức, từ người trẻ cho đến cụ già, từ người thường dân cho đến vua quan, hay hàng quí tộc. Từ giới phàm phu tục tử cho đến các bậc hiền triết thánh nhơn, không một ai tránh khỏi sự chết, mặc dù con người vốn là ham sống sợ chết!
          Thực ra, con người có thể chết bất cứ lúc nào, bất cứ cách nào, bất cứ nơi nào. Để đối lại với sự sợ chết, chúng ta khuyến hóa mọi người tu hành, phát tâm tìm hiểu đạo lý và cầu đạo giác ngộ giải thoát. Bởi vì chỉ có giáo pháp của Ðức Phật mới có thể chỉ bày cho con người hiểu rõ ràng, tường tận pháp vô sanh, tức là chỉ dạy đường lối tu hành để giác ngộ và giải thoát, không còn sanh phiền não và khổ đau, không còn sanh tử luân hồi nữa. Thực hành hạnh hiến tặng không sợ hãi còn có nghĩa là giúp chúng sanh khắc phục được tư tưởng sợ hãi, khiếp nhược yếu hèn, tự ti mặc cảm, giúp chúng sanh hiểu được ngoài cái thân bảy đại giả tạm này, chúng ta còn có cái không hề chết, không hề bị tiêu diệt, đó chính là con người chân thật bất sanh diệt của tất cả chúng ta vậy.
          Chúng ta thực hành hạnh hiến tặng với tất cả tấm lòng rộng rãi, với tất cả tấm lòng vì người quên mình, với tất cả tấm lòng từ bi, cung kính, không cầu danh, không cầu báo đáp, không vì hơn thua, không vì mê hoặc lòng người đó chính là sự bố thí thanh tịnh, trong sáng, không phân biệt già trẻ trai gái, tu sĩ hay người đời, như vậy sẽ đem lại phước báo vô lượng, vô biên. Hiến tặng đến giai đọan nầy được gọi là hiến tặng ba la mật.
02- Ái Ngữ Nhiếp
Lời nói dịu dàng, êm ái, ngọt ngào, dễ nghe, gọi là ái ngữ phát xuất từ lòng từ bi, thương người chứ không phải là lời nói đầu môi chót lưỡi, không phải lời nói hoa mỹ, khách sáo, cốt sao cho đẹp lòng người nghe. Lời nói ái ngữ là lời nói dịu dàng có tác dụng đem lại an vui, bình yên, thanh thản cho người nghe, có tác dụng an ủi vỗ về những người đang bị đau khổ, âu lo, sợ sệt. Sách có câu:
- Lời nói không mất tiền mua.
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
          Trong cuộc sống trên thế gian này, nếu mọi người đều nhớ nằm lòng câu trên đây, thì cuộc đời hạnh phúc biết là bao nhiêu. Trong gia đình, vợ chồng con cái, trên thuận dưới hòa, không có tranh cãi, không có xào xáo. Trong xã hội, không có chuyện mất trật tự, an ninh vì những cuộc cãi vã, đưa đến ấu đả và án mạng có thể xảy ra. Trong quốc gia hòa bình chắc chắn được bền vững, lâu dài.
          Chúng ta cũng biết rằng, ngoài danh và lợi, trên thế gian này con người thường hay tranh chấp vì lời nói. Khi nói chuyện với nhau mà không biết nhường nhịn nhau, thì thường đưa tới sự tranh cãi. Vì vậy chúng ta là người Học Phật cần luôn luôn khắc chế, khắc phục tâm niệm lăng xăng, lộn xộn, chúng ta phải luôn luôn giữ hạnh nhẫn nhịn, không tranh cãi, dù chuyện lớn chuyện nhỏ cũng vậy, đó chính là đức độ của của người Phật Tử chúng ta vậy.
          Lời nói đôi khi có những tác dụng không thể lường trước được. Có những lời nói có thể đem lại an vui, hạnh phúc cho người. Có những lời nói có thể đem lại ly tán, đổ vỡ hạnh phúc của người khác, đôi khi tan nát hạnh phúc của chính người nói nữa. Có những lời nói làm cho người nghe mỉm một nụ cười tươi tắn, vui vẻ, khỏe khoắn. Có những lời nói làm cho người nghe ngất xỉu, hay đau đầu, nhức óc, nhói tim, mất ngủ. Có những lời nói có thể cứu người, cũng có những lời nói có thể hại người một cách dễ dàng. Do đó chúng ta cần phải thực tập cách ăn cách nói.
Phải biết rằng giọng nói, tiếng cười có khi gây được cảm tình tốt đẹp, cũng có khi gây nên ác cảm, oán thù giữa con người với nhau. Chỉ cần lỡ một lời nói có khi hư hỏng việc lớn. Chỉ cần lỡ một lời có khi bị vạ lây, ngay cả bị tù tội, chỉ vì người nghe không vừa tai. Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:
- Dù nói hàng ngàn lời vô ích,
Không bằng chỉ nói một lời đúng Chánh Pháp,
Có ích lợi làm cho người nghe được an tịnh.
          Ở những xứ có nhiều sắc dân khác nhau cùng chung sống. Người ta có thể không hiểu người khác nói gì, vì bất đồng ngôn ngữ, nhưng người ta có thể đoán được người khác muốn nói gì qua sắc mặt và giọng nói. Cho nên sắc mặt và giọng nói của chúng ta cũng đóng một vai trò quan trọng qua ngôn ngữ, trong các cuộc giao thiệp, tiếp xúc hằng ngày. Một giọng nói êm ả, lễ độ, ngọt ngào, từ tốn, dễ thu phục lòng người, hơn là giọng chanh chua khế chát, the thé khó nghe. Lời nói từ hòa, thân mật, thành thật, ngay thẳng, rõ ràng, rất dễ cảm hóa lòng người, có thể hướng dẫn người vào chánh đạo. Trong Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật có dạy:
- Không nên nói lời vô nghĩa. Phải giữ gìn lời nói.
Lời nói phải chân thật, đúng lúc, hợp Chánh Pháp, ích lợi cho mình cho người. Sửa đổi được lời nói, sửa đổi được giọng nói, sửa đổi được cách nói, tức là chúng ta đã đổi được tâm tánh, giảm bớt khẩu nghiệp rất nhiều. Thực hành được lời nói ái ngữ là lời nói dịu dàng là chúng ta đã làm tăng trưởng tâm từ bi của chính mình. Thực hành được lời nói dịu dàng là chúng ta dẹp được tâm sân hận, tâm ganh ghét, tâm đố kỵ, tâm ganh tị, tâm hiềm khích, tâm tật đố, tâm hơn thua. Thực hành được dịu dàng là chúng ta tu tập theo hạnh nguyện đại từ đại bi của Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát.
Chúng sanh đau khổ vì những lời nói của nhau. Thực hành được lời nói dịu dàng là đem lại an lạc và hạnh phúc cho mọi người chung quanh, đem nước cam lồ trong bình thanh tịnh của Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát, rưới vào những tâm hồn đang nhiệt não, rót vào tai những người đang phiền muộn. Những âm thanh dịu dàng, êm ái, có công năng chuyển hóa tâm hồn những con người đang khổ não, thành tâm hồn an vui, tự tại. Thực hành được lời nói dịu dàng tức là chúng ta đang tiến trên đường giải thoát.
Vậy Phật tử chúng ta muốn cảm hóa, dẫn dắt người chung quanh về con đường chánh, trước tiên phải áp dụng cho được lời nói ái ngữ, nghĩa là luôn luôn và trong mọi trường hợp, phải dùng lời dịu dàng, êm ái, thương yêu trong khi tiếp xúc với mọi người. Nhất là khi người ta đang ở trong cảnh khổ, thì những lời khuyên lơn, vỗ về lại càng vô cùng quí báu, vì có thể thoa dịu được vết thương lòng và làm cho người ta vô cùng cảm kích, khó mà có thể phai mờ được.
III- Lợi Hành Nhiếp
Lợi hành là hành động có ích lợi cho người. Nếu con người có lời nói dễ nghe ngọt ngào, có vẻ từ bi bác ái, nhưng hành động không tốt, lợi mình, hại người, thì những lời nói trên chỉ là thứ:
- Năng thuyết bất năng hành.
Nghĩa là:
- Nói được mà không làm được.  
          Lợi hành là hành động có lợi theo đúng lời Ðức Phật dạy trong các kinh điển. Thí dụ như chúng ta khuyên người làm lành lánh dữ, tụng kinh niệm Phật và chúng ta cũng hành động đúng y như lời nói của chúng ta vậy. Khi nào lời nói và hành động của con người nói sao thì làm vậy, và làm sao thì nói vậy, thì người đó đã có công phu tu tập khá rồi, trong kinh điển gọi là:
- Ngôn hạnh tương ưng.  
Chỉ khi nào lời nói của chúng ta đi đôi với hành động có ích lợi cho người về mọi phương diện thế gian, và xuất thế gian thì chúng ta mới nhiếp phục được lòng người mà thôi, chứ nói lý thuyết suông, chẳng đem ích lợi thiết thực gì cả.
Thiện hữu tri thức là người bạn hiền, có học hiểu giáo pháp, và biết khuyên bạn mình hành động đúng như lời Ðức Phật dạy, chứ không phải hành động theo những lời nói sai trái, xằng bậy, phi pháp. Lợi hành trong công việc hằng ngày là hành động trực tiếp đem lại ích lợi cho mọi người về vật chất và tinh thần. Nhưng lợi hành trong việc tu hành là hành động giúp người tiến tu, trên đường học hiểu giáo pháp, để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, cho đến khi đạt được giác ngộ và giải thoát. Nói cách khác, lợi hành là hành động có ích lợi cho mọi người ngay trong hiện tại, về vật chất cũng như tinh thần, và hành động ích lợi cho chúng sanh, trong tương lai gần, trong kiếp này, và tương lai xa, nhiều kiếp về sau, qua hành động khuyến tu giải thoát. Có khi chỉ cần một ý nghĩ tốt, một lời giới thiệu tốt cũng có thể giúp cho người chung quanh có công ăn việc làm.
Ðối với người giàu có, nhiều phương tiện thì phạm vi hoạt động cho hiến tặng hành động lại càng rộng rãi. Họ có thể xuất tiền của ra làm nhà dưỡng lão, nuôi người tuổi già sức yếu, để tuổi già của họ bớt đen tối. Hay họ xây viện nuôi trẻ mồ côi cha mẹ, cho chúng học hành và có nghề nghiệp, huấn luyện cho chúng thành những công dân hữu dụng. Hay dựng trại tế bần, cấp dưỡng cơm ăn áo mặc cho kẻ đói khó, hay dựng bệnh xá để cứu chữa những kẻ bệnh tật. Hay xây trường học giúp con em có nơi học hành. Có rất nhiều công việc vô cùng lợi ích, vừa cho đời vừa cho đạo. Những công việc lành ấy sẽ cảm hóa lòng người và hướng họ trở về con đường giải thoát là con đường của đạo Phật.
IV- Ðồng Sự Nhiếp:
Ðồng sự là tùy theo căn cơ, hoài bão, địa vị, nghề nghiệp của người mà chúng ta tham gia vào công việc của họ, cộng tác với họ, để một mặt giúp đỡ họ trong nghề nghiệp, một mặt nêu cao gương lành, làm cho họ cảm mến mà theo chúng ta đến gần đạo cả.
Chẳng hạn như khi cùng làm việc trong một công sở, trong một xí nghiệp, trong thương trường hay trong nông nghiệp, mà từ việc lớn cho đến việc nhỏ, từ ý nghĩ cho đến câu nói, chúng ta luôn luôn nêu gương đạo đức, tận tâm tận lực làm việc, sẵn sàng hy sinh quyền lợi mình cho bạn đồng nghiệp, dần dần những người cộng sự, sẽ tiêm nhiễm những đức tánh tốt đẹp của ta, sẵn sàng nghe theo, làm theo những điều ta khuyên bảo.
Ðồng sự nhiếp là một phương pháp có hiệu quả nhất để nhiếp hóa người chung quanh quay về con đường đạo. Bố thí nhiếp, ái ngữ nhiếp hay lợi hành nhiếp, mặc dù đều cảm hóa được người, nhưng không thường trực và không có ảnh hưởng sâu xa như đồng sự nhiếp. Chẳng hạn như người được chúng ta bố thí, hay lợi hành, thì không phải lúc nào cũng ở bên cạnh chúng ta, mà chỉ thỉnh thoảng mới được ân huệ ấy. Còn ái ngữ thì chỉ hạn cuộc trong lời nói, mà lời nói dù có hay ho êm dịu bao nhiêu, cũng không thể biến thành cơm thành áo, thành những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống đau khổ, thiếu thốn của những người chung quanh được.
Nhưng với đồng sự nhiếp, chúng ta có thể giúp đỡ một cách thiết thực và thường xuyên cho những người cùng sống trong một hoàn cảnh, một nghề nghiệp. Chúng ta luôn luôn gần gũi chung đụng, cho nên chúng ta thấu rõ những hoài bão, tâm trạng, nhu cầu của họ. Nhờ thế mà chúng ta có thể giúp ích cho họ và có thể nhiếp hóa họ dễ dàng, sâu xa hơn. Một sự nhận xét thông thường là ở đâu, công sở hay tư sở, trong nhà máy hay nông trường, hễ có một Phật tử chân chính, thuần thành, gương mẫu, thì ở đó số người theo Phật càng ngày càng đông, càng mạnh.
          Chư Tổ ngày xưa vì muốn độ nhiều hạng người trong xã hội, cho nên các Ngài cũng phải hòa mình sống chung cuộc sống cực khổ với họ, mới có thể giáo hóa họ được.
          Nếu ta thực hành đúng theo tứ nhiếp Pháp ta sẽ thấy những kết quả đẹp đẽ sau đây:
1- Về Phương Diện Cá Nhân:
Chúng ta sẽ là một con người gương mẫu, bởi vì mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói, mỗi hành động của chúng ta đều là những hạt giống thiện gieo vào ruộng phước mà sau nầy chúng ta sẽ gặt được những kết quả quý báu, tốt lành. Những gì của chúng ta nói ra, chúng ta làm ra đều được thông cảm, tán thành, mến phục. Chúng ta có thể thu hút nhân tâm một cách dễ dàng, và mỗi khi đi đến đâu, chúng ta đều được tiếp đón một cách chân thành, nồng nhiệt. Do đó, chúng ta sẽ dễ dàng thành công trong mọi việc.
2- Về Phương Diện Gia Đình:
Một khi chúng ta là một con người gương mẫu thì cha mẹ, vợ con, anh em cũng do ảnh hưởng tốt đẹp và uy tín của chúng ta, cho nên mọi người trong gia đình đều trở thành thuần lương, đức độ cao cả. Và một gia đình gồm những phần tử như thế, thì đó là một gia đình có hạnh phúc nhất.
3- Về Phương Diện Xã Hội:
Một người biết tu hạnh tứ Nhiếp pháp cũng đã gây được ảnh hưởng tốt lành và hoán cải được một phần nào hoàn cảnh xã hội. Vì thế nếu mọi người trong xã hội ai cũng biết tu Tứ Nhiếp Pháp thì xã hội đó sẽ được cải tiến, và trở thành thuần lương, thiện mỹ vô cùng tốt đẹp.
Một cách tổng quát chúng ta thấy, Tứ Nhiếp Pháp là một pháp môn lấy lợi sanh làm căn bản, lấy hạnh phúc của chúng sanh làm mục đích để cải tiến xã hội. Cho nên là người phật tử chúng ta phải quyết tâm thực hiện:
1- Trong khả năng và điều kiện sẵn có, chúng ta hãy đem của cải giúp cho người túng thiếu, tật nguyền, đem Phật pháp giảng nói để cho mọi người cải ác tùng thiện, đem dũng lực tinh thần hay vật chất để che chở cho người chung quanh khỏi lo sợ.
2- Thực tập lời nói ôn hòa nhã nhặn, để cảm hóa con người trong xã hội đi theo con đường lành.
3- Cố gắng làm lợi ích cho mọi người trong mọi trường hợp.
4- Cùng hòa mình trong cuộc sống, trong công việc của người chung quanh, để nhận rõ được những nhu cầu thiết tha của họ, hầu giúp đỡ họ một cách có hiệu quả, và đưa dần dần họ về con đường chính.
Nói tóm lại, tứ nhiếp pháp là một pháp môn rất cụ thể, rất thực tế, rất cần thiết, rất dễ áp dụng, đúng với mọi hoàn cảnh, đúng với mọi nơi, mọi thời, mọi lứa tuổi, mọi trình độ, mọi hoàn toàn vì mục đích lợi sanh. Ðó là nền tảng của các nghiệp lành, giúp con người sống trong chánh đạo, dẹp bỏ được ba độc: tham lam, sân hận, si mê. Những người muốn có cuộc sống thực sự an lạc và hạnh phúc, hiện đời phải luôn luôn quán tứ nhiếp pháp một cách tường tận, sâu sắc và luôn luôn áp dụng tứ nhiếp pháp trong cuộc sống hằng ngày, chắc chắn cuộc đời này sẽ giảm bớt nhiều khổ đau và phiền não.  
          Pháp môn này là pháp môn mà mọi người ai ai cũng có thể thực hành được, nhưng muốn thực hành cho đến mức độ cao thâm rốt ráo, trong kinh sách gọi là ba la mật, thì chúng ta phải phát tâm bồ đề kiên cố, dũng mãnh hướng về phía trước:
- Đường mây rộng thênh thang cứ bước
Đạo Bồ Đề sẽ đạt chắc không xa.
--o0o--