|
TẬP SAN DƯỢC SƯ
-
Gieo Nhân Vào Ruộng Phước
-
Nguyên Châu
-
---o0o---
-
-
Hôm nay là ngày 20 tháng 12 năm 2008
-
Bài pháp chúng tôi xin được giới thiệu đến đại chúng hôm nay đó
là: Gieo Nhân Vào Ruộng Phước
-
Đức Phật đã dạy rằng tất cả nhân quả thiện ác trên thế gian đều
theo nhau như bóng với hình, không sai chạy chút nào. Tuy nhiên,
những kẻ không tin tưởng vào luật nhân quả thì cho đó là lời nói
đe dọa. Ngoài ra, nhiều người do tin tưởng thuyết An Phận Thủ
Thường của Khổng Tử thì lại đổ trút tất cả cho số mạng, và chỉ cầu
phước báo, cùng thích nghe những điều tốt lành mà bỏ ngoài tai
những việc xấu xa tai hoạ.
-
Thật ra, cuộc đời giống như giấc mộng, giống như hôm nay và ngày
trước. Và trong cuộc sống hằng ngày, cuộc sống của kiếp nhân sanh,
những việc thọ mạng dài ngắn, gia sản tài vật, sự nghiệp công
danh, cùng phú quý bần tiện đều tuỳ thuộc vào nghiệp nhân đã trồng
trong tiền kiếp. Những sự thọ dụng trong đời nay đều không phải từ
bên ngoài mang đến, mà hoàn toàn là do tự làm tự hưởng. Vì vậy cổ
nhân đã có câu:
-
- Muốn biết nghiệp nhân đời tiền kiếp, hãy nhìn báo ứng đang thọ.
Muốn biết quả báo đời vị lai, hãy xem đang làm những gì.
-
Đa số người đời ỷ vào tài năng, học thức để đạt công danh phú quý,
nhưng không biết rằng do nhân lành đã tự trồng trong tiền kiếp,
kết hợp với khả năng tài trí trong hiện tại mới tạo dựng được. Do
đó, nếu vui mừng hớn hở khi được công danh phú quý thì rất sai
lầm. Lúc mất cũng vậy, khi bị người khác phá mất công danh phú
quý, liền khởi tâm oán hận, mà chẳng biết rằng phần phước mình chỉ
có thế thôi. Phần phước báo bị người khác phá mất thật ra chẳng
phải là của mình, mà chính vì thiếu nợ người đó nên phải trả. Vì
vậy, đau khổ ưu sầu, oán trời trách đất, thậm chí kết thành cừu
oán không thể xả bỏ, thì cũng là sai lầm. Do đó, chúng ta phải nên
biết:
-
- Giàu nghèo, sang hèn. được mất ..
-
Đều tuỳ thuộc vào nhân xưa, vốn tự làm tự thọ. Nghèo cùng hay hiển
đạt, mạng ngắn hoặc dài, đều do nhân đời tiền kiếp chủ định. Thật
vậy, nếu hiểu rõ và tin tưởng quy luật nhân quả, thì sẽ chấp nhận
rằng tất cả sự thọ dụng trong hiện tại đều phát xuất từ những
nghiệp nhân đã trồng vào đời tiền kiếp, chớ không phải do người
khác đem đến, hay nhờ tài trí mới đạt được. Dẫu có đạt được bằng
tài trí, thì đó chẳng qua là phần phước của mình. Cho nên chúng ta
cũng không nên khổ sở đắm chấp, lao tâm nhọc sức, lo lắng ưu sầu
những việc được mất, ngay cả cừu oán hận thù cũng vậy. Nếu là
người thông minh sáng suốt, thì chúng ta phải hiểu lẽ nhân quả báo
ứng, mà không chấp trước vào những việc được thua trong hiện tại,
chỉ nên căn cứ theo điều kiện hiện hữu, để trồng nhân lành vào
ruộng phước cho tương lai. Ví như người nông dân, phải biết chọn
đất phì nhiêu để gieo trồng giống tốt, rồi siêng năng cấy cày, thì
nhất định sẽ thu hoạch được đầy ắp lúa mạ trong mùa thu hoạch. Đây
là việc hiển nhiên. Có khác biệt chăng trong sự thu hoạch là do
việc phân bón tưới nước ít nhiều. Về việc gieo nhân lành, Đức Phật
đã từng dạy:
-
- Cúng dường Phật, Pháp, Tăng thì gọi là gieo nhân lành vào ruộng
phước thù thắng.
-
- Hiếu thảo với cha mẹ thì gọi là gieo nhân lành vào ruộng phước
cung kính.
-
- Cứu giúp những kẻ nghèo cùng khốn khổ thì gọi là gieo nhân lành
vào ruộng phước tâm thức.
-
Là người đệ tử Phật, chúng ta không nên ưu sầu về những sự được
thua còn mất trong quá khứ, mà chỉ lo gieo nhân lành vào ruộng
phước trong hiện tại hoặc cho tương lai. Nếu chúng ta giảm bớt
tiêu xài vào những việc phung phí vô ích, và biết hạn chế chi tiêu
trong việc ăn mặc, rồi dùng những phần được tiết kiệm trồng trong
ba loại ruộng phước ở trên, thì không những đời vị lai được tăng
phước đức trang nghiêm, mà hiện đời thân an tâm lạc, và trở thành
người có phước lành bậc nhất. Nếu thường gieo giống lành vào ba
loại ruộng phước bên trên, lại còn biết lưu tâm về Phật Pháp như
dùng:
-
- Cách niệm Phật để dẹp trừ tâm vọng tưởng,
-
- Dùng từ bi để chuyển hoá sân si,
-
- Dùng nhu hoà để cảm hoá cường bạo,
-
- Dùng khiêm tốn để chiết phục ngã mạn, thì đó là hạnh của bậc Bồ
Tát phát đại tâm.
-
- Biết dùng tín tâm chân thật, thì xứng đáng được gọi là đại
trượng phu dũng mãnh tối thắng.
-
Những điều đó là những điều chúng ta nên làm, còn ngoài ra dẹp hết
những thứ khác, bởi vì những điều gì đó nó cùng chỉ là vụn vặc,
không có khả năng giúp chúng ta làm được điều gì cả, mà nó có tính
cách quậy rối làm cho chúng ta loạn.
-
Điều mà chúng tôi xin được xác định ở đây, một khi mà chúng ta đã
gieo nhân vào ruộng phước, đã có ý định một ngày nào đó chúng ta
sẽ sanh về cảnh giới của chư Phật, đặc biệt là cảnh giới của Đức
Phật A Di Đà. Vì muốn sanh về cảnh giới Tây phương Tịnh Độ của Đức
Phật A Di Đà, chúng ta niệm Phật cộng thêm biết gieo trồng vào
ruộng phước điền, thì Tây Phương Cực Lạc là đó. Hơn nữa pháp môn
Tịnh Độ cầu vãng sanh về Tây Phương Cựa Lạc là pháp môn tối thắng
có khả năng cắt đứt dòng sanh tử luân hồi. Vì vậy người Phật Tử
chúng ta thường được chư tôn đức nhắc nhở, chỉ cần niệm một danh
hiệu của Đức Phật A Di Đà thì có thể diệt trừ được tám mươi vạn ức
kiếp trọng tội. Đó là điều xác định rõ ràng không nghi ngờ, nếu
chúng ta biết phát tâm niệm Phật, mà còn biết gieo nhân vào ba
loại phước điền, còn biết nhận thức được tất cả những gì mà chúng
ta có ở đây là do vì chúng ta đã tu tạo, dốc tâm xây dựng mà có,
thì Tây Phương Cực Lạc là ngay trong hiện tiền. Điều mà người phật
tử chúng ta cần phải biết thêm, sở dĩ mà chúng ta có sanh tử luân
hồi là do vì ái dục, cho nên nếu mà niệm Phật hay tu tạo phước
lành, gieo nhân vào ruộng phước mà không biết cội nguồn của sanh
tử mà cứ niệm Phật, thì cuối cùng chúng ta sẽ không biết đi về
đâu. Do vậy nếu niệm Phật mà không đoạn được cội gốc của sanh tử
thì không thể nào cắt đứt được dòng sanh tử. Cội gốc của sanh tử
đuợc gói ghém trọn vẹn trong câu nói:
-
- Nghiệp bất trọng bất sanh Ta Bà.
-
Ái bất đoạn bất sanh Tịnh Độ.
-
Nghĩa là:
-
- Nếu không có nghiệp chướng nặng nề thì không sanh vào cỏi Ta Bà.
-
Nguồn ái dục mà không đoạn diệt thì không thể sanh về cõi Tịnh Độ.
-
Vì thế mà trong mười hai Nhân Duyên, Đức Phật đã xác định:
-
- Ái dục là cội gốc của sanh tử.
-
Vì ái dục mà khiến tất cả chúng sanh thọ khổ trong sanh tử luân
hồi. Cội gốc ái dục này không phải chỉ hiện hữu trong một, hoặc
hai, ba, bốn đời, mà nó đã tự có sẵn từ đời vô thỉ cho đến ngày
nay. Sanh tử, tử sanh, xả thân thọ thân, đều do lưu chuyển theo ái
dục. Vì thế mà chư tôn đức cứ nhắc nhở chúng ta:
-
- Phải thường xuyên suy nghĩ nhìn lại, xem coi lúc nào có một niệm
tạm rời cội gốc ái dục này không.
-
Hạt giống ái căn, đã không biết bao nhiều đời kiếp tích luỹ sâu
dày, cho nên khiến sanh tử không cùng tận. Do vậy khi phát tâm
niệm Phật, muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc, thì trước hết chúng ta
phải thấy cái khổ của tham ái, và sau đó là phải quyết tâm đoạn
trừ ái dục.
-
Ngược lại nếu chúng ta không biết cội gốc của sanh tử, trong khi
chúng ta cứ hành trì một bên niệm Phật, một bên không biết rõ cội
gốc sanh tử vì thế mà cả hai việc niệm Phật và cội gốc sanh tử
chẳng quan hệ với nhau. Cho nên chúng ta có niệm cách nào đi nữa,
thì đến lúc lâm chung, chúng ta cũng chỉ thấy sanh tử ái căn hiện
tiền. Khi đó lại cho rằng Phật hoàn toàn không có thần lực, nên
oán trách niệm Phật không linh nghiệm. Vì vậy, chư tôn đức thường
khuyên người niệm Phật thời nay, trước tiên là phải biết ái dục là
cội gốc của sanh tử. Sau đó là dốc lòng niệm Phật, thì chắc chắn
mỗi niệm, mỗi niệm đều có thể đoạn trừ ái căn. Cho nên khi ở nhà
niệm Phật, mắt thấy vợ con cháu chắt, gia duyên tài sản, nếu có
phải vui với cuộc đời trần thế thì cũng nên vui trong giới hạn, và
biết lúc nào phải dừng lại. Không nên đắm trước ái nhiễm, và cùng
lúc bất cứ làm việc gì và niệm nào cũng đều vì sự thoát ly sanh
tử, và phải có cảm giác như toàn thân đang đứng trong hầm lửa,
mong muốn ra khỏi hầm lửa càng sớm càng tốt.
-
Lúc chưa biết cách chân chánh niệm Phật, thì những niệm ái dục
trong tâm không thể xả bỏ. Vì chánh niệm không đủ mạnh, mà cũng
không biết ái dục là nguyên nhân của sanh tử, cho nên chỉ niệm
Phật ngoài da. Nếu như thế thì Phật chỉ nghe niệm, còn ái dục thì
lại tăng thêm. Ngược lại nếu niệm đủ mạnh thì cứ mỗi một danh hiệu
Phật là đoạn trừ một niệm ái dục, nhờ vậy mới có thể đoạn trừ được
ái căn. Không cắt được ái dục thì không thể đoạn được sanh tử luân
hồi.
-
Do tập khí của duyên ái trong nhiều đời kiếp đã chín mùi mà nay
chỉ mới bắt đầu niệm Phật, lại không thiết tha niệm Phật, thì
không thể chuyển hóa nghiệp chướng được. Nếu trước mắt không thể
kềm chế được ái cảnh, thì khi lâm chung quyết định không thể tự
làm chủ được. Do đó, là người hành trì niệm Phật, việc trước nhất
là phải biết vì sanh tử mà thiết tha niệm Phật, tức là phải có tâm
thiết tha cắt đoạn sanh tử, và phải dùng niệm niệm mà đoạn diệt
cội gốc sanh tử. Lúc niệm niệm đều dứt được sanh tử thì không cần
đợi thời gian để vãng sanh. Vì vậy, trước mắt phải luôn luôn nghĩ
đến sanh tử đại sự. Trước mắt phải thấy danh lợi tình ái vốn
không. Niệm niệm liên tục, dụng tâm như thế, thì lo chi mà không
vượt khỏi sanh tử luân hồi.
-
Như thế dù là người xuất gia hay tại gia, biết rõ tâm sanh tử tức
là biết rõ thời tiết xuất ly sanh tử, thì không cần gì đến những
diệu pháp nào khác.ÕHơn thế nữa trong Pháp Môn Tịnh độ, chúng ta
còn có có giáo lý Đới Nghiệp Vãng Sinh, nghĩa là người đã vãng
sanh về cõi Tịnh độ mà còn mang nghiệp đi theo. Đây là giáo lý rất
đặc biệt và rất khoáng đạt của Tịnh độ. Giáo lý ấy đã chuyển tải
chất liệu đại bi và đại trí của Phật Giáo Đại Thừa. Và chính giáo
lý ấy đã khẳng định rằng, Tịnh độ là quê hương của tất cả mọi
người, và là giáo lý đáp ứng nhu cầu tu tập cũng như sống đời giải
thoát cho mọi thành phần xã hội.
-
Như thế, nếu sự tu tập Tịnh độ của chúng ta hằng ngày chưa đủ năng
lực để chuyển hóa những tạp niệm, hoặc chưa đủ năng lực để chuyển
hóa những tập khí phiền não lâu đời của chúng ta thành chất liệu
Tịnh độ ở trong tâm,. Nhưng đến khi lâm chung do đức tin Tịnh độ
của chúng ta phát khởi một cách mãnh liệt, và dẫn đạo tương ứng
với tâm, nguyện và cảnh Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà, nên ngay
trong giây phút ấy, dù chúng ta đang còn nghiệp, nhưng vẫn có thể
mang nghiệp sinh lên cảnh giới Tịnh Độ của Ngài một cách dễ dàng.
Sự kiện này không bị hạn chế bởi không gian và không bị hủy diệt
bởi bất cứ thời gian nào, nên chúng ta có thể về Tịnh độ trong
từng giây phút của sự quán chiếu tự tính A Di Đà nơi bản tâm chúng
ta. Hoặc chúng ta đi về Tịnh độ bằng sự nhất tâm chấp trì danh
hiệu của Ngài, nhưng dù sao đi nữa, thì trước hết chúng ta phải có
đức tin Tịnh Độ. Chúng ta tin rằng tâm là Tịnh độ, tâm chúng ta có
Phật tính và có khả năng tạo thành thế giới Tịnh Độ của chư Phật.
-
Chúng ta cũng tin rằng, ngoài đức Phật Thích Ca còn có vô số đức
Phật quá khứ, có vô số đức Phật trong hiện tại và chúng ta sẽ có
vô số đức Phật thị hiện ở trong tương lai nữa. Như thế không phải
chỉ có một cõi Ta bà mà chúng ta có rất nhiều cõi Ta bà đã có mặt
trong quá khứ, đang có mặt trong hiện tại và sẽ tiếp tục có mặt
trong tương lai nữa.
-
Không những vậy, mà chúng ta còn tin rằng có vô số thế giới Tịnh
Độ của chư Phật quá khứ, trong hiện tại và chư Phật trong tương
lai ở khắp mười phương. Chúng ta cũng tin rằng, A Di Đà là tự tính
vốn sẵn ở tự tâm của mỗi chúng ta, chúng ta có thể tiếp xúc với tự
tính ấy mỗi ngày và mỗi ngày làm cho tự tính ấy hiển lộ trong đời
sống của chúng ta.
-
Mỗi thế giới Tịnh độ đều có mỗi nét đặc thù, do công hạnh tu tập
cũng như bản nguyện của các Ngài và những người cùng hạnh nguyện
tạo nên, cho nên gọi đây là ruộng phước thù thắng nhất.
-
Chúng ta sinh ra trong cõi Ta Bà, nhằm thời đại kiếp trược, nghĩa
là thời đại mà sự hủy diệt càng lúc càng tăng, đời sống ô nhiễm
càng lúc càng nặng nề, con người càng lúc càng sa đọa vào đời sống
vật chất, sự thanh cao giảm thiểu, mạng sống ngắn lại, những nhận
thức của chúng ta thì lại quá thô thiển, cạn cợt và nhiều sai lầm.
Thời đại sa đọa, chúng dẫn ta đi theo những sự sa đọa về nhận thức
và tâm hồn, cho nên tâm hồn của chúng ta đầy dẫy những tham dục,
những hận thù, những si mê cố chấp, những kiêu mạn và nghi ngờ,
khiến cho chúng ta không còn thanh cao trong sự đối xử với nhau.
Trong khi đó đời sống của chúng ta lại được nuôi dưỡng bằng chính
những xảo trá và lừa đảo, chính những chất liệu ấy đã tạo nên thế
giới của chúng ta và chính ác nghiệp của chúng ta đã tạo ra thế
giới ấy.
-
Cái gì được tạo nên bởi nghiệp, cái ấy hoàn toàn không có tự do.
Muốn có tự do ở trong cõi Ta Bà thì trước hết chúng ta phải tu tập
để chuyển hóa nghiệp lực thành nguyện lực. Chúng ta phải chuyển
hóa những hạt giống Ta Bà ở trong tâm thức ta thành hạt giống Tịnh
Độ. Chúng ta phải tịnh hóa những ước muốn của ta thành những bản
nguyện Tịnh độ. Chúng ta phải tịnh hóa mọi hoạt động của ta thành
những hoạt động Tịnh độ và quan trọng hơn hết là ta phải biết
chuyển hóa tâm thức ta thành linh tâm Tịnh độ.
-
Nói tóm lại, một khi chúng ta đã chuyển hóa, tịnh hóa được những
căn trần, thức của chúng ta thì Tịnh Độ Tây Phương của đức Phật A
Di Đà dù xa cách thế giới Ta Bà khoảng mười muôn ức cõi Phật, cũng
đều có mặt trong đôi mắt và tâm hồn của ta. Để trợ duyên trong
việc kiến tạo một cảnh Tịnh Độ trong tâm tư, chúng ta cần phải tu
tập nhân duyên lành, và luôn luôn tạo điều kiện gieo nhân vào các
ruộng phước.
--o0o--
|
|