TẬP SAN DƯỢC SƯ

Cùng Nghe Pháp Thuyết
Tịnh Nghiêm
---o0o---
 
          Sau bốn mười chín ngày đêm tư duy dưới gốc cây Bồ Đề, Đức Phật thấy chân lý bằng tuệ giác chứ không qua ngôn ngữ thông thường. Chân lý Đức Phật thấy thuộc về Đệ Nhất Nghĩa Đế, nhưng khi chuyển pháp luân, ngôn ngữ mà Đức Phật thuyết pháp cho những người bạn đồng tu nghe thuộc về ngôn ngữ của Tục Đế. Về sau, trên đường hoằng dương giáo pháp, vì chúng sanh không thấy được chân lý nên Đức Phật vẫn phải tiếp tục dùng phương tiện ngôn ngữ để chỉ bày. Theo phương tiện nầy, những vị giảng sư thuyết pháp cũng dùng ngôn ngữ tương đối để chỉ bày chân lý, cho thế nhân nương theo đó mà tu tập. Do vậy là người phật tử sau khi nghe các bậc Thầy thuyết pháp thì phải biết suy tư mà tu tập, nghĩa là không nên lệ thuộc vào ngôn ngữ, mà chỉ nương vào ngôn ngữ để hiểu đạo và áp dụng trong mọi lãnh vực để thấy chân lý.
Tuy nhiên theo thông thường, con người chỉ biết lắng nghe các bậc Thầy thuyết pháp và ngôn ngữ người ấy thuyết tìm những khuyết điểm để chỉ trích chứ không chịu tìm lắng nghe, tìm hiểu ý nghĩa cao siêu chính cái pháp mà ngôn ngữ ấy muốn chỉ bày. Nên nhớ là chân lý tự nó luôn luôn hiển hiện sự thật mà không cần ngôn ngữ, đó là cách mà chân lý hay các Pháp tự thuyết minh chính mình. Ai biết lắng nghe sự tự thuyết ấy của chân lý thì người ấy biết nghe pháp thuyết.
Trong chiều hướng cùng lắng nghe pháp thuyết chúng tôi xin đưa đại chúng đến một nơi rất là xa để cùng nghe pháp thuyết. Theo ở trong Kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca có giới thiệu:
          - Từ đây đi qua phương Tây, cách khoảng mười muôn ức cõi Phật, có một thế giới gọi là Cực Lạc, trong cõi ấy có một vị Phật tên là A Di Đà, hiện đang thuyết pháp.
Nhưng thực ra ở cảnh giới Tây Phương Cực Lạc không phải chỉ có một Đức Phật A Di Đà đang thuyết pháp mà còn có các loài con chim như là:
- Bạch hạc, Khổng Tước, Anh Vũ(Chim Két), Xá Lợi(Chim Cò), Ca Lăng Tần Già(Loài chim có tiếng hót rất là êm dịu, loài chim nầy thường sống có cặp với nhau không tách rời), và Cọng Mạng(một mình mà hai đầu) ... cũng đang thuyết pháp
Và giọng hót của những con chim đó rất hòa nhã. Những con chim đó thay phiên nhau hót ra tiếng pháp, mỗi một ngày đêm sáu lần. Những con chim này biết rằng dân chúng mỗi ngày đều thực tập sáu thời cho nên bắt đầu mỗi thời là hót lên, và trong khi chim hót lên thì chúng ta nghe được tiếng pháp trong đó. Có thể khi chim hót thì đức A Di Đà ngừng thuyết pháp và khi đức A Di Đà thuyết pháp thì chim ngừng hót. Cũng có nghĩa là Phật A Di Đà và cả các loài chim, cây và gió khi nói chỉ có thuyết pháp mà thôi.
Trong cuộc sống hiện tại, chung quanh ta cũng đang có rất nhiều loại chim. Nếu sống trong chánh niệm và có định thì chúng ta cũng có thể nghe trong tiếng gió và tiếng chim có tiếng nói pháp. Tiếng nói pháp này có thể được xem như là tiếng nói pháp của đức Phật A Di Đà hay là của những con chim ở cõi Cực Lạc. Nếu có niệm và định thì tất cả những gì chúng ta thấy và nghe trong đời sống hàng ngày đều là những bài pháp thoại. Một chiếc lá rụng, một bông hoa nở, một con chim bay ngang hay một tiếng chim hót. Chúng đều là những bài thuyết pháp mà chỉ có những ai biết lắng nghe pháp thuyết mới hiểu được.
Trong chiều hướng lắng nghe pháp thuyết, chúng ta phân biệt ra ba thân của Phật, tức là pháp thân, báo thân và hóa thân.
- Pháp thân là bản thể trong sáng bất sinh bất diệt.
- Báo thân là thân tướng tốt đẹp của những người đã tu học, đã tạo ra rất nhiều công đức.
- Và hóa thân hay ứng thân là cái thân bình thường của ta.
Đức Thích Ca cũng có một thân như vậy, gọi là ứng thân hay hóa thân. Khi đức Phật Thích Ca ngồi ở trên núi Thứu mà thuyết pháp thì đó là ứng thân Phật hay hóa thân Phật đang thuyết pháp. Ứng thân thì có khi ngủ, có khi thức dậy, có khi đi tắm, có khi đi ăn cơm. Còn pháp thân của Phật thì lúc nào cũng có mặt để thuyết pháp. Vì vậy, nếu có chánh niệm thì chúng ta có thể nghe pháp bất cứ lúc nào trong tiếng gió, tiếng chim, trong khi cành trúc lay, bông hoa nở và người đang thuyết pháp là pháp thân của Phật. Ứng thân hay hóa thân của Phật thì chỉ nói tiếng người, còn pháp thân có thể nói tiếng chim tiếng hoa, tiếng gió và tất cả mọi thứ tiếng. Nếu có niệm và định thì chúng ta có thể nghe pháp trong khi chim hót, thông reo và hoa nở ... Pháp chúng ta đã và đang nghe đó là:
- Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Năm Căn, Năm Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Chát Đạo ...
Và phương pháp niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng. Trong cõi Cực Lạc, dân chúng thực tập pháp môn ba mươi bảy phẩm trợ đạo và phương pháp niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng. Chúng ta là những Phật Tử giỏi thì đừng đợi đến giờ pháp thoại mới nghe thuyết pháp, mà phải biết nghe pháp thuyết trong khi nhìn hoa nở, trong khi nghe thông reo, chim hót và khi nhìn trúc lay, vì Pháp Thân của Phật chưa bao giờ ngừng thuyết pháp. Do vậy, nhìn một bông hoa và thấy được sự mĩm cười một cách mầu nhiệm là chúng ta đã biết nghe pháp thuyết. Nhiều người đã không thấy được, vì không có chánh niệm. Nhưng nếu ai đã thấy thì chính trong giây phút đó đã tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của những bông hoa, hay bất cứ đối tượng nào cũng đều trở nên những biểu hiện nhiệm mầu của pháp thân Phật. Lúc đó chúng ta thấy những bông hoa hay bất cứ đối tượng nào cùng đều chưa bao giờ ngưng hát ca, chưa bao giờ ngưng thuyết pháp như trong bài sám đã diễn tả:
- Nước reo pháp Phật
Gió khua nhạc trời
Di Đà có thệ một lời
Mở ra cửa ấy tiếp người độ sanh
Mười phương ai phát lòng lành
Nhất tâm mà niệm hồng danh của Ngài
Hằng ngày cho chí hôm mai
Niệm từ vài tiếng đến vài ba trăm
Khi đi, khi đứng, khi nằm ...
Đứng trước một sự biểu hiện nhiệm mầu như vậy, tiếp xúc được với pháp thân của Phật thì chắc chắn chúng ta là người có hạnh phúc nhất đời. Tại vì bông hoa đó là pháp thân của Phật. Đó là biểu tượng của pháp thân. Và khi thấy được sự mầu nhiệm đó rồi, chúng ta nhận thấy rằng bất cứ nụ hoa nào, hạt sỏi và ngọn lá nào cũng đang thuyết pháp và đang thuyết giáo pháp đại thừa, thuyết kinh Pháp Hoa ...
Nếu chúng ta chăm chú, sống có giới và có định thì chúng ta tiếp xúc được với pháp thân và được liên tục nghe thuyết pháp, chứ không phải cần bỏ băng giảng vào trong máy bấm một cái nút rồi mới được nghe. Chúng ta có thể nghe pháp bất cứ lúc nào. Đọc đoạn kinh này, như có lần đã nói, chúng ta đã thấy được rằng ở cõi Cực Lạc, không những Đức Phật A Di Đà đang thuyết pháp mà chim chóc, hoa lá cũng đều thuyết pháp cả. Và chúng ta có thể thấy rằng Phật A Di Đà cũng như chim chóc ở đây đều là biểu hiện của pháp thân. Trong Kinh A Di Đà có đoạn nói:
- Thầy Xá Lợi Phất! Ở nước Cực Lạc kia, thường có nhiều loại chim đủ màu rất kỳ diệu như hạc trắng, khổng tước, anh vũ, xá lợi, ca lăng tần già và cọng mạng ... Những con chim ấy, sáu buổi mỗi ngày, thường hót lên những thanh âm hòa nhã. Trong giọng hót của chúng, người ta nghe được tiếng diễn xướng các pháp môn ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần ... Dân chúng trong nước nghe được những pháp âm như thế đều nhiếp tâm trở về thực tập niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng.  
Một điều cần để ý là ở ngay đây, trong giây phút hiện tại, chúng ta cũng có thể thừa hưởng được những tiện nghi của cõi Cực Lạc. Nghĩa là ở đây trên trái đất nầy chúng ta cũng có gió thổi, thông reo, hoa nở và cũng có Đức Phật A Di Đà. Những yếu tố hấp dẫn được nói đến trong kinh A Di Đà, chúng ta ở trên cuộc đời nầy cũng đều đang có đủ. Chúng ta không cần đi đâu hết, không cần đợi tới sau khi chết rồi mới đi về thế giới Cực Lạc:
 - Xá Lợi Phất, Thầy đừng tưởng rằng các loài chim ấy đã được sinh ra trên căn bản nghiệp báo. Tại sao? Tại vì ở nước Phật kia không có ba nẻo đường đen tối là: Địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Thầy Xá Lợi Phất! Ở nước ấy danh từ ác đạo mà còn không có, thì huống hồ là sự thực về ác đạo. Những con chim kia đã được Phật A Di Đà biến hóa ra với mục đích là làm cho pháp âm được tuyên lưu rộng rãi trong xứ của ngài.
Nếu có lúc bên Tây Phương Cực Lạc dân chúng có các loài chim thuyết pháp, thì ở đây chúng ta ngồi trong phòng và mở video cassette ra nghe pháp được, nếu muốn thì ra ngoài đi thiền hành, lắng nghe tiếng chim, tiếng suối, nghe thông reo, hoặc nhìn hoa nở ta cũng có thể nghe pháp thuyết. Không có ngọn lá nào, hạt sỏi hay nụ hoa nào mà không đang thuyết pháp cả.
Như vậy đứng về phương diện hiện thực thì những con chim đó, những bông hoa, cành trúc và những đám mây đó đều có sinh diệt và luân hồi. Nhưng đứng về phương diện pháp thân thì tất cả đều là biểu hiện của pháp thân mầu nhiệm. Trong đạo Phật đại thừa, tất cả những mầu nhiệm trong thế giới, trong vũ trụ như trời xanh, mây trắng, cúc tím và mai vàng ... đều là biểu hiện của pháp thân. Khi chúng ta thấy được điều nầy là chúng ta lúc nào cũng nghe được pháp âm vi diệu. Cũng vậy, trên phương diện nghiệp thì tất cả đều do nghiệp báo mà hiện thành. Nhưng nhìn từ phía của pháp thân thì chúng ta thấy tất cả biểu hiện của vũ trụ đều từ pháp thân. Những con chim kia cũng vậy, về phương diện nghiệp báo thì thấy là nghiệp báo. Đứng về phương diện pháp thân thì là biểu hiện mầu nhiệm của pháp thân, không sinh cũng không diệt. Từ đó chúng ta thấy, cũng những hoàn cảnh đó, mà nếu chúng ta bi lụy, sầu đau, nghi ngờ và giận hờn thì đó là biểu hiện cái quả của nghiệp báo. Còn nếu tâm ta nhẹ nhàng, an lạc và giải thoát thì tất cả những cái đó trở thành biểu hiện của pháp thân mầu nhiệm. Tất cả đều do cách nhận thức nơi chúng ta.
Từ nơi nhận thức nầy cho chúng ta một khái niệm, những con chim ở Tây Phương Cực Lạc không hẳn là khác với những con chim mà chúng ta thấy và nghe mỗi ngày ở cõi đời nầy. Quả thật, đúng là những con chim đó, nhưng nếu tâm ta trong sáng, nhẹ nhàng, không có ganh tỵ, sợ hãi và kỳ thị, thì tự nhiên chúng trở thành những con bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá lợi, ca lăng tần già và cọng mạng ... ở cõi Cực Lạc. Còn nếu tâm hồn chúng ta đen tối, lo lắng, sợ hãi và kỳ thị thì chúng trở thành những con chim của nghiệp báo, của vô minh và khổ đau. Thực vậy, chúng ta muốn tiếp xúc với loài chim của đức Phật A Di Đà biểu hiện hay là chim của nghiệp báo là tùy chúng ta.
Tương tự như vậy tiếng điện thoại hay tiếng chuông đồng hồ reo. Khi nghe tiếng điện thoại có thể làm ta bực bội và lo âu, thì đó là tiếng điện thoại của nghiệp báo, của phiền não của những chủ nợ gọi để đòi nợ. Nhưng nếu chúng ta chấp nhận tiếng điện thoại là một tiếng chuông chánh niệm thì khi tiếng điện thoại reo lên, chúng ta nhiếp tâm trong chánh niệm, mỉm cười và làm cho thân tâm an lạc, thì tiếng điện thoại đó là tiếng thuyết pháp của đức A Di Đà. Tiếng điện thoại có thể làm cho chúng ta hồi hộp, lo lắng và sầu đau, mà cũng có thể làm cho chúng ta có chánh niệm, giải thoát và tự do. Tùy theo cách tiếp nhận của mỗi người. Tiếng hụ của còi xe lửa hay tiếng chuông chùa cũng vậy, có thể chúng ta đang nghe tiếng chuông mà vẫn tiếp tục buồn tủi, khổ đau và giận hờn. Nhưng nếu biết phương pháp biến hóa của đức A Di Đà, thì chúng ta cũng có thể chế tác ra được những tiếng chuông có bản chất thanh thoát và nhẹ nhàng là tiếng thuyết pháp. Khi nghe những tiếng chuông đó tất cả các phiền não đều tan thành mây khói, bởi vì khi chúng ta luôn luôn an trú trong chánh niệm là chúng ta đã đem chất liệu của sự thảnh thơi và vững chãi đi vào trong tâm hồn chúng ta:
- Nghe chuông phiền não tan mây khói
Ý lặng thên thênh miệng mĩm cười
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở xanh tươi.
Và theo kinh nghiệm trong giới thiền học cho chúng ta thấy:
- Thiền Sư Hương Nghiêm, trước khi đạt đạo Ngài thọ pháp tu hành với Qui Sơn Thiền Sư. Sư tham thiền nhập định rất tinh tấn, đã đạt vào trạng thái định, và ở trong trạng thái nầy hơn mười năm mà vẫn chưa phá tung được để bước vào cảnh giới giải thoát tịch tịnh. Suốt thời gian nầy, Hương Nghiêm sống gần như không còn ý thức gì về thực tại nữa, mỗi ngày sư làm việc nầy việc nọ gần như chỉ theo bản năng tự nhiên từ vô thức. Một hôm, trong lúc sư đang quét lá ngoài vườn, trong trạng thái vô thức đó, Sư hất tung hòn sỏi, và viên sỏi văng trúng vào gốc tre bên cạnh mà phát ra một âm thanh vừa đủ để kích thích thính giác sư, tiếp theo đó là một tiếng nổ phát ra từ trong tâm thức Hương Nghiêm, trạng thái định vỡ tan và sư hoát nhiên đại ngộ.
Qua câu chuyện nầy và chủ đề cùng nhau nghe pháp thuyết, chúng ta thấy tiếng của viên sỏi chạm vào gốc tre phát ra tiếng động rất là bình thường, nhưng do vì cả một thời gian dài Sư Hương Nghiêm lắng nghe pháp thuyết cho nên sư đã bước vào cảnh giới siêu nhiên. Như vậy không phải chỉ có gió thổi thông reo, chim hót ở bên Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà mới phát ra những lời pháp mà là bất cứ âm thanh nào ở trên cõi đời nầy cũng đều phát ra tiếng pháp. Ý thức được điều nầy, chúng ta chỉ cần biết sử dụng những âm thanh đó cho cuộc đời bớt khổ.
Quả thật khi tâm mình nhẹ nhàng, thảnh thơi và hạnh phúc thì ba nẻo đường đen tối là địa ngục, nga quỷ và súc sanh không thể xuất hiện. Những nẻo đường đen tối đó có thể phát hiện trong chúng ta bất cứ lúc nào trong ngày nếu ta đánh mất niệm, định và tuệ. Ðịa ngục, quỷ đói hay là súc vật đang có mặt trong ta dưới hình thức của những hạt giống đen tối. Nếu chúng ta không có chánh niệm, không có tu tập, thì ba nẻo đường xấu ác đó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.ÕBất cứ lúc nào ta nổi giận lên là lửa địa ngục bừng dậy đốt cháy ta. Ðịa ngục mà phát khởi thì Tịnh Ðộ tự nhiên biến mất. Ðiều này rất rõ. Bóng tối mà phát hiện thì ánh sáng không còn. Tịnh Ðộ cũng vậy. Khi địa ngục biến đi thì Tịnh Ðộ biểu hiện. Ở trong tất cả mọi người chúng ta ai cũng có hạt giống của Tịnh Ðộ, nhưng ở trong chúng ta ai cũng có hạt giống của ba nẻo về xấu ác Nếu muốn có Tịnh Ðộ thì chúng ta có thể làm cho Tịnh Ðộ biểu hiện trong hiện tại. Và nếu muốn có ba ác đạo, chúng ta cũng có thể làm cho địa ngục, nga quỷ và súc sanh biểu hiện trong hiện tại.
Về cảnh giới Ðịa ngục. Có thể chúng ta cũng đã từng ở dưới địa ngục. Cũng đã từng cất tiếng kêu gào dưới ngục A tỳ mòn mỏi hư hao, cho nên chúng ta biết địa ngục nóng hay lạnh như thế nào rồi. Và khi mà chất liệu địa ngục ở trong chúng ta không còn phát hiện thì ta có Tịnh Ðộ.
Ngày xưa có thể chúng ta cũng đã từng làm ma đói, chạy đi chỗ này chỗ khác để mong kiếm chác một chút tình thương, một chút hiểu biết, một nơi nương tựa. Hạt giống của ma đói cũng đã nằm ngay trong tâm của chúng ta từ lâu lắm rồi. Cho nên khi nào khuynh hướng cô hồn lạc loài, phiêu lãng trong chúng ta phát khởi thì ma đói hiện ra và chúng ta trở thành một con ma đói. Khi bị sự lang thang được ngừng nghỉ thì chúng ta có tịnh độ hiện tiền.
Có thể chúng ta cũng đã từng là súc sanh. Chúng ta là một con thú vật, một con heo, một con bò, chỉ biết ăn, chỉ biết chạy theo tình dục, nếu tâm hoang dã tham dục được trấn ngự thì tịnh độ có mặt ...
Nếu cõi Tịnh Ðộ biến mất trong đời sống của chúng ta, đó là vì những hạt giống của địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh đang biểu hiện trong lời nói, hành động và sự suy nghĩ của chúng ta, ngược lại những hạt giống của Địa ngục, ngã quỷ, súc sanh không còn thì tịnh độ có mặt.
Vì thấy những nguy hiểm từ nơi tâm thức, cho nên ước muốn cao nhất của quý thầy là chỉ muốn kiến thiết một Tịnh Ðộ thôi! Tâm nguyện xây dựng Tịnh Ðộ để mời những người dễ thương đến sống chung và làm chỗ nương tựa cho nhau. Trong tâm chúng ta nếu có Tịnh Ðộ thì ta đi đâu Tịnh Ðộ cũng hiển bày. Những người có Tịnh Ðộ trong tâm là những người có phẩm chất nhân cách rất cao. Người nào có phẩm chất như vậy thì được gọi là thượng thiện nhân hay là đạo cao đức trọng, là những người lúc cũng biết nghe pháp thuyết, nên những người này có tâm trí vượt khỏi danh lợi. Có một vị thượng thiện nhân là có một người dễ thương, nhiều vị thượng thiện nhân là nhiều người dễ thương.ÕTrong Kinh A Di Đà có nói:
- Cõi Cực Lạc là nơi mà các bậc thượng thiện nhân lưu trú rất đông.
Ðây không phải là một câu kinh ước mơ mà là một câu kinh xác định sự thật rõ ràng, tại vì điều thích thú và hào hứng nhất của người tu, là lập được một đạo tràng để những người dễ thương trên thế gian quy tụ lại, sống với nhau một cách rất hạnh phúc và để làm nơi nương tựa cho không biết bao nhiêu người khác. Vì vậy trong ước muốn của chúng ta cũng có hạt giống của Phật A Di Ðà. Hạt giống đó chính là ước muốn thành lập một trú xứ dễ thương, một hoàn cảnh thuận lợi cho sự tu học. Có nhiều vị thượng thiện nhân đến sống chung, thì tự nhiên chúng ta không cầu Tịnh Ðộ mà Tịnh Ðộ cũng vẫn hiển bày. Ðược ngồi gần bên một người dễ thương, chúng ta cảm thấy sung sướng biết bao. Huống hồ là mình được bao bọc bởi không biết bao nhiêu người dễ thương. Những người dễ thương ấy đến với nhau, tuy chưa làm gì hết mà cảnh trí đã là cảnh Tịnh Ðộ rồi. Trong khi đó những người không dễ thương, chỉ cần một hai người ngồi bên nhau khoảng mười lăm phút thì không khí đã thấy ngột ngạt. Ðịa ngục hiện ra ngay khi những người không dễ thương tụ họp nhau không cần đông, chỉ cần năm bảy người thôi cũng đủ làm cho chúng ta chết ngột. Vì vậy, cảnh Tịnh Ðộ và cảnh Ðịa ngục đều có thể phát hiện từ lòng chúng ta.
Cho nên mỗi người tu đều có sự thích thú và ước muốn thành lập một Tịnh Ðộ trong đó có các loài chim thuyết pháp cho mọi người nghe và mọi người cùng nhau nghe pháp thuyết để kiến tánh thành Phật. Tuy thế, Tịnh Ðộ không phải là công trình của một người, mà là công trình của rất nhiều người, và những người đó được gọi là thượng thiện nhân. Chúng ta thấy cõi Cực Lạc không phải là công trình riêng của một người, dù người ấy là Đức Phật A Di Ðà. Cho nên chúng ta đừng nghĩ với tư cách cá nhân chúng ta có thể tạo lập được Tịnh Ðộ. Phải nhớ là chúng ta tạo lập Tịnh Ðộ bằng công sức Tăng thân. Nếu chúng ta không dễ thương, không có khả năng lắng nghe, không có khả năng nói lời ái ngữ, không biết làm việc tập thể thì không ai có thể cọng tác với chúng ta. Như thế, thì không thể nào chúng ta có thể tạo ra được Tịnh Ðộ.
Trong lòng của mọi người phật tử, ai cũng muốn thiết lập một trung tâm Tịnh Ðộ, nhưng nếu không khéo những người đến với chúng ta sẽ bỏ chúng ta và chúng ta sẽ là người cô đơn. Nếu tình trạng nầy xảy ra, phải ghi nhận là chúng ta mặc dầu có chí nguyện thiết lập Tịnh Ðộ, nhưng chỉ tại chúng ta chưa có đủ hạnh phúc, chưa có đủ sự bao dung, chưa có đủ khả năng lắng nghe, chưa có đủ khả năng nói lời ái ngữ, chưa biết nguyên tắc làm việc chung, chúng ta chỉ muốn mọi người làm theo ý của mình. Nơi đây chúng ta phải ghi nhận, với cách sống như vậy vĩnh viễn không có khả năng nghe pháp thuyết và lại càng không có khả năng thành lập Tịnh Ðộ. Tịnh Ðộ không phải là công trình của một anh hùng cá nhân.
Trong những nổ lực hằng ngày, chúng ta luôn luôn lúc nào cũng tu tập để có thể sống cuộc sống an bình và hạnh phúc. Ý thức được rằng lúc sơ cơ vào đạo thì chúng ta phải nên thường nghe thuyết pháp với sự hướng dẫn của chư tăng ni, nhưng khi đã hiểu rồi thì phải biết đem ra áp dụng vào trong mọi lãnh vực của sự sống, đó chính là lúc chúng ta nghe pháp thuyết. Khi biết nghe pháp thuyết thì ở đâu cũng là Tịnh Độ, ở đâu cũng có các loài chim: Bạch Hạt, khổng tước, anh võ ... ở đâu chúng ta cũng nghe trong tiếng chim có tiếng thuyết pháp, cho nên chúng ta không cần đi đâu ở một phương trời xa lạ nào cả. Chỉ cần an trú trong hiện tại với tâm có niệm và có định là chúng ta nghe được tiếng chuông mầu nhiệm, và tiếng chim đang thuyết pháp. Những tiếng chim hót ở cõi Cực lạc, ở đây mình cũng có. Sang bên đó thì chúng ta cũng nghe pháp thoại và cũng sẽ học những điều y hệt như chúng ta đang được học trên cõi Ta Bà này, nghĩa là ba mươi bảy phẩm trợ đạo ..
Nói tóm lại, trong chiều hướng cùng nghe pháp thuyết, ngoài ngôn ngữ âm thanh ra, chúng ta còn thấy bất cứ động tác, âm thanh nào cũng đều là bài pháp không lời, cho nên chúng ta không lạ khi thấy trong giới phật tử chúng ta mỗi khi gặp nhau, chúng ta chắp tay lại thành búp sen để xá chào nhau, thì sự chắp tay xá đó không phải chỉ là lễ phép mà là thực tập chánh niệm giống Ngài Thường Bất Khi Bồ Tát:
- Tôi không dám khinh Ngài
Ngài là vị Phật tương lai.
Bởi vì khi đứng nghiêm chỉnh và chắp tay xá người trước mặt thì trong thời gian đó chúng ta có an lạc và hạnh phúc. Vì vậy, chắp tay búp sen và xá bất cứ đối tượng nào cũng là có mục đích đem lại an lạc và hạnh phúc cho tăng thân.
Cách hành xử như thế là chúng ta đã, đang, và sẽ cùng nhau nghe pháp thuyết.
--o0o--