-
Bát Phong Xuy Bất Động
-
Trúc Giao
- ---o0o---
-
-
- Bát phong nghĩa là tám ngọn gió
-
- Xuy có nghĩa là thổi
-
- Bất động có nghĩa là không lung lay
-
Như vậy, bát phong xuy bấy bất động, có nghĩa là tám
ngọn gió thổi mà không lay chuyển. Như thế nào gọi là bát phong
xuy bất động đó chính là nội dung bài viết chúng tôi giới thiệu
hôm nay.
-
Tất cả mọi người trên thế gian, ai ai cũng đều phải đối diện và
đương đầu với những bước thăng trầm của cuộc đời, không một ai
có thể tránh khỏi, cho nên trong sách có câu:
-
- Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí.
-
Nghĩa là:
-
- Trên cõi đời này những việc may mắn, còn gọi là có phước, được
phước, hưởng phước, thường không đến hai lần, chỉ đến một lượt
thôi. Ngược lại, những tai họa, những chuyện không may, bất
trắc, bất như ý, thường gọi là xui xẻo, lại đến dồn dập, triền
miên, bất tận. Chuyện này vừa xong thì chuyện khác xảy ra. Có
khi chuyện này chưa dứt thì nhiều chuyện khác đã đến.
-
Với những người tinh thần yếu đuối, bạc nhược, cầu an, hoang
mang, sợ sệt, thì những thăng trầm của cuộc đời sẽ nhận chìm họ
trong biển khổ đau, ngập tràn nước mắt. Trái lại, với những
người tinh thần mạnh mẽ, dũng kiện, tìm hiểu đạo lý, thực tâm tu
học, thì những thăng trầm của cuộc đời chính là những thử thách,
những rèn luyện, để nâng cao cuộc sống nội tâm của họ ngày một
sung mãn hơn, nghị lực của họ ngày một vững vàng hơn, dũng tiến
trên bước đường đời đạo mạnh mẻ hơn. Sự giác ngộ và giải thoát
chắc chắn sẽ đến với những người như vậy một ngày không xa. Ích
lợi của việc tìm hiểu đạo lý, thực tâm tu học, chính là chỗ này
vậy.
-
Trong kinh sách, những bước thăng trầm của cuộc đời được gọi là
Bát Phong. Bát phong gồm có bốn điều phước lành và bốn điều bất
trắc như sau:
-
- Thịnh và suy,
-
- Hủy và dự,
-
- Xưng và cơ,
-
- Khổ và lạc.
-
Ðó là tám ngọn gió thường tình của thế gian, lúc nào cũng không
ngừng thổi, hết cơn gió này rồi đến cơn gió khác, có lúc gió
thổi hiu hiu, nhẹ nhàng, mát mẽ, có khi gió thổi mãnh liệt,
khủng khiếp, tàn khốc, như trong các cơn giông bão. Trong đời
sống của mọi người trên thế gian, không ai không gặp những bước
thăng trầm, lúc được lúc thua, lúc vinh lúc nhục, lúc vui lúc
khổ, lúc sướng lúc cực, lúc lên voi lúc xuống chó, lúc danh dự
lúc nhọc nhằn, lúc lạc quan lúc bi quan, lúc bước lên xe lúc ngã
xuống ngựa ... Những bước thăng trầm như vậy làm cho con người
phải phiền não khổ đau. Con người còn sống là còn động, còn động
là còn khổ, vì cuộc đời sống động sôi nổi, vì những bước thăng
trầm đó. Cho nên, nếu chịu khó tìm hiểu đạo lý, thực tâm tu học,
quán chiếu tự tâm, thì chắc chắn chúng ta sẽ có an lạc và hạnh
phúc.
-
1- Ðược và Thua
-
Thịnh và suy là hai ngọn gió thường xuyên trên thế gian, mà ở
trên trần đời, ai cũng thường gặp phải cả hai điều: được và
thua, lời và lỗ, thắng và bại.
-
Các doanh nghiệp, theo nguyên tắc, phải lệ thuộc vào cả hai
điều:
-
- Lỗ và lãi.
-
Ðương nhiên thấy thỏa mãn nếu được hay có lãi. Trong điều này tự
nó không có gì sai cả. Lợi nhuận như vậy sinh một lô ý thích mà
một người bình thường hay săn tìm. Những giây phút lạc thú, tuy
chỉ là tạm thời, nhưng cũng đáng để sống trong giây phút ngắn
ngủi. Trong thế giới tranh đua và chao đảo này, người ta phải
được vui hưởng một loại hạnh phúc tuy là ngắn ngủi đó, nhưng
cũng làm cho con tim sung sướng. Hạnh phúc như vậy, dù là vật
chất, nhưng có thể dẫn đến khỏe mạnh và sống lâu. Lời thì cười,
nhưng thua lỗ thì không cười được. Thua lỗ làm cho tinh thần
thống khổ. Trong trường hợp trái ngang như vậy, chúng ta phải tỏ
ra có tinh thần mạnh, can đảm, duy trì tinh thần quân bình thích
hợp. Tất cả chúng ta đều có lúc lên lúc xuống trong khi tranh
đấu với đời. Cho nên phải sẵn sàng chấp nhận điều tốt cũng như
điều xấu. Như vậy ta sẽ ít thất vọng.
-
Thua lỗ chúng ta phải vui vẻ cam chịu với cái hùng của đấng nam
nhi. Bất hạnh ta phải đối đầu với chúng, và thường là cả nhóm
chứ không một mình. Ta phải trực diện với chúng với bình thản và
lấy nó làm một cơ hội để trau dồi đức hạnh cao siêu này.
-
Là người học đạo, khi gặp hoàng cảnh nầy, chúng ta có thể tự an
ủi:
-
- Ðây chỉ là một sự mất mát nhỏ nhen, không đáng quan tâm. Nhiều
người trên đời còn mất nhiều thứ to tát, lớn lao hơn nhiều.
-
Cái sự mất mát lớn lao nhứt, hầu hết mọi người đều sợ, đó chính
là:
-
- Mất mạng.
-
Nghĩa là:
-
- Mất cái mạng sống của chính mình.
-
Con người thường quan niệm lấy của che thân, có mất mát vật gì
cũng thường tự an ủi:
-
- Cái mạng này còn là tốt rồi, là có phước rồi, còn người thì
còn làm ra của, lo gì!
-
Chỉ có ít người chịu chết thay cho của cải mà thôi,, cái đó gọi
là:
-
- Ly thân che của.
-
Ðạo Phật chính là đạo giúp chúng ta bớt đi sự sợ hãi, giúp chúng
ta dứt trừ những ưu tư, lo lắng trên đây, giúp chúng ta đạt được
sự bình tĩnh, thản nhiên, tự tại, điềm đạm, trước mọi sự được
thua trong đời.
-
2- Danh Dự và Mất Danh Dự
-
Danh dự và mất danh dự là một cặp hoàn cảnh trần thế không thể
tránh được mà chúng ta phải đương đầu trong đời sống hàng ngày.
-
Danh dự hay nổi tiếng, chúng ta thích thú, mất danh dự chúng ta
ghét. Danh dự làm tim ta vui sướng; mất danh dự làm tim ta buồn
đau. Chúng ta ham thích trở nên nổi tiếng. Muốn có danh dự,
nhiều người sẵn sàng lo lót hay cho các món tiền lớn lao cho
những người có quyền hành để làm cho thiên hạ biết đến. Như khi
mất danh dự thì không khoan khoái gì cho tai nghe và tâm ý. Chắc
chắn chúng ta xao xuyến khi những lời thô lỗ hay bất kính chọc
vào tai ta.
-
Thói thường người đời hoan hỷ, vui vẻ đón mừng tiếng tốt, danh
thơm. Còn tiếng xấu, phỉ báng, khinh chê, tức nhiên con người
không thích. Danh thơm làm cho con người phấn khởi, khích lệ
tinh thần. Tiếng xấu làm cho con người bực bội, bất an. Còn
tiếng xấu thì dĩ nhiên, con người không thích nghe, không thích
bàn, không thích nghĩ đến. Khi những lời nói xấu lọt vào tai
chúng ta sẽ làm cho tâm trí bàng hoàng, khó chịu. Nỗi đau khổ
trong tâm trí càng sâu đậm hơn nữa, nếu những lời tường thuật
hay báo cáo của giới truyền thông ấy tỏ ra bất công hay hoàn
toàn sai lạc.
-
Thực ra, con người không cần phải chạy theo danh thơm, tiếng
tốt. Nếu xứng đáng, con người sẽ có danh thơm tiếng tốt, không
cần phải tìm. Sách có câu:
-
- Hữu xạ tự nhiên hương.
-
Nghĩa là:
-
- Một loài hoa có mùi thơm, có hương sắc, thì tự nhiên mọi người
đều biết.
-
Cũng vậy, một người thực tốt, khỏi cần khoe tốt, ai ai cũng cảm
nhận được. Mọi người thường cảm thấy an lạc, bình yên khi sống
bên cạnh một vị thánh hiền. Bất cứ người nào đã làm được một
việc thiện, cũng đều đáng được tán dương! Chúng ta tức nhiên cảm
nhận vui sướng, hạnh phúc vô cùng, khi thanh danh bay xa, lan
rộng. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận định rằng danh thơm, tiếng
tốt, danh vọng, vinh quang, rồi nó cũng tan biến thành mây, ra
khói. Tất cả cũng chỉ là những ngôn từ lời nói, dù là kim ngôn,
là ngân từ, là mỹ ngữ, có thể làm êm dịu đôi tai con người trong
một thời gian ngắn mà thôi, chứ không thể tồn tại mãi mãi.
-
Danh dự thường phải mất một thời gian khá lâu để kiến tạo, xây
dựng một công trình vật chất hay tinh thần nào đó. Nhưng, chỉ
trong nháy mắt con người có thể tàn phá mọi thứ một cách dễ
dàng. Lắm khi con người phải mất nhiều năm hay trọn cả một kiếp
sống để gầy dựng thanh danh. Bao nhiêu công lao khó nhọc ấy có
thể tàn rụi trong khoảnh khắc. Cho nên chúng ta không cần phung
phí thì giờ vô ích để đính chính những lời đồn đãi sai lạc, nếu
hoàn cảnh không bắt buộc phải làm sáng tỏ vấn đề. Kẻ thù nghịch
sẽ lấy làm thỏa thích khi thấy chúng ta bực bội vì lời nói của
họ. Nếu chúng ta bình tĩnh, thản nhiên, như không có chuyện gì
xảy ra, thì những lời vu oan đó sẽ tan biến vào quên lãng. Chúng
ta chỉ nên dành thì giờ tập trung lo chuyện tu tâm dưỡng tánh
cho đến khi được giác ngộ và giải thoát mà thôi. Bởi vì các
chuyện thế gian thường là những chuyện:
-
- Nhơn ngã, thị phi, phải quấy, đúng sai, tranh chấp hơn thua
.., còn các loại tin đồn thường là vô căn cứ, không xác thực,
khó kiểm chứng được, chỉ làm hại thanh danh người khác, tất cả
đều làm cho tâm trí chính mình bất an, giao động mà thôi, chẳng
ích lợi gì. Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:
-
- Không nên nhìn lỗi người. Không nên quan tâm người có làm hay
không làm. Nên tự nhìn thân mình, có làm hay không làm.
-
Ðối với lỗi lầm của người khác, chúng ta phải làm như người mù,
không thấy gì cả, không biết gì cả, để khỏi bực mình, để khỏi
bận tâm. Ðối với lời chỉ trích người khác, chúng ta phải làm như
người điếc, không nghe, không tin, không rao truyền. Ðối với
chuyện nói xấu người khác, chúng ta phải làm như người câm,
không tham dự, không bàn cãi, không thêm bớt. Không ai có thể
ngăn cản những lời buộc tội, những lời tường thuật hay đồn đãi
sai lầm do những người cố ý hay ác ý. Thế gian này đầy chông gai
và đá nhọn rất nhiều, nhưng nếu bắt buộc phải đi trên đó, không
thể nào tránh né, hơn nữa chúng ta không thể dời gai và dẹp đá
được, thì tốt hơn hết chúng ta nên mang một đôi giày thực chắc
và thận trọng đi từng bước. Như vậy chúng ta sẽ được an toàn.
Chúng ta nên biết rằng:
-
- Nếu chấp nhận trở ngại thì sẽ được thông suốt.
-
Nếu mong cầu thông suốt thì sẽ thấy trở ngại.
-
Vì thế mà giáo pháp của nhà Phật dạy chúng ta:
-
- Hãy như sư tử, không run sợ trước tiếng động. Hãy như luồng
gió, không dính mắc trong màn lưới. Hãy như hoa sen, từ bùn nhơ
nước đục mọc lên, nhưng không bị nước đục và bùn nhơ làm ô
nhiễm. Hãy như hải đảo sừng sững trước mọi phong ba bão táp. Hãy
vững bước một mình như con tê giác.
-
Là chúa sơn lâm, sư tử không sợ hãi run rẩy, hay giựt mình khi
nghe tiếng kêu của các loài thú khác. Trong kinh sách thường ví
lời thuyết pháp của Ðức Phật, có công năng dẹp tan mọi si mê lầm
lạc vô minh của chúng sanh, làm khiếp sợ ma quân, như tiếng rống
của chúa sơn lâm trong cõi rừng sâu giữa muôn thú.
-
Trên thế gian nầy, mọi người có thể nghe thuật lại những chuyện
trái tai bất lợi, những lời buộc tội giả dối, những tiếng vu oan
phỉ báng, Trong khi đó là đại trượng phu không màng tới danh dự
hay mất danh dự. Họ không rối trí khi bị công kích hay phỉ báng
vì họ làm không phải muốn có tên tuổi hay danh dự. Họ không màng
tới người khác công nhận hay không công nhận sự phục vụ của họ.
Làm việc, họ có toàn quyền nhưng không phải là để hưởng cái quả
của việc làm ấy.
-
3- Khen và Chê
-
Khen và chê là hai hoàn cảnh trần thế có ảnh hưởng nhân loại.
Ðiều tự nhiên là chúng ta hãnh diện khi được khen và buồn phiền
khi bị chê. Về khen và chê, Ðức Phật dạy, người trí thờ ơ trước
khen và chê. Giống như tảng đá vững chắc, không bị lung lay bởi
gió, người đó vẫn đứng vững không lay chuyển. Xưng và cơ còn gọi
là tiếng khen và tiếng chê ngay trước mặt, một cách trực tiếp,
là hai ngọn gió trên thế gian, là một cặp thăng trầm khác mà
người đời phải thường xuyên đối phó.
-
Lẽ dĩ nhiên, con người ai ai cũng nở mặt nở mày, hân hoan, thỏa
thích khi được ca tụng, tán dương, khen ngợi. Còn lúc bị khiển
trách, chê bai, chỉ trích, tinh thần người đời thường hay suy
sụp, ủ dột, buồn rầu. Những người học hiểu giáo lý đạo Phật đều
nên biết rằng:
-
- Giữa những lời ca tụng hay khiển trách, người thiện trí không
thỏa thích cười vui, cũng không ủ dột chau mày. Hãy tựa hồ như
tảng đá vững chắc, không lay chuyển dưới các cơn bão táp phong
ba của cuộc đời.
-
Khen, nếu đáng giá thì rất bùi tai. Nếu không đáng giá, như
trường hợp nịnh bợ, tuy thích thú mà là lừa bịp. Nhưng có tất cả
những vang vọng không tạo ảnh hưởng gì nếu chúng không đến tai
chúng ta. Người có văn hóa không cần đến nịnh bợ, và cũng không
mong muốn được người khác nịnh bợ. Cái đáng khen, họ khen không
đố kỵ. Cái đáng trách, họ trách không khinh thường mà vì muốn
sửa đổi người.
-
Khen thì như vậy, còn về chê thì ra sao, Ðức Phật nói:
-
- Người nói nhiều bị chê. Người nói ít cũng bị chê. Người im
lặng cũng bị chê. Trong thế giới này không ai là người không bị
chê!
-
Chê dường như là một di sản chung của nhân loại. Kẻ lừa dối và
ác độc chỉ tìm kiếm cái xấu mà không bao giờ tìm cái tốt và cái
đẹp của người khác. Trừ Phật ra không có ai hoàn toàn tốt. Không
một ai hoàn toàn xấu. Có cái xấu trong cái tốt nhất của chúng
ta. Có cái tốt trong cái xấu nhất của chúng ta. Người tự giữ
được lặng thinh giống như một cái chuông nứt rạn khi bị tấn
công, chửi bới, và lạm dụng, Ðức Phật tán thán:
-
- Người đó đang ở ngay tại Niết Bàn, dù rằng chưa đạt được Niết
Bàn.
-
Chúng ta có thể làm với những động cơ tốt đẹp nhất. Nhưng thế
giới bên ngoài thường hiểu sai người đó và đổ cho người đó lý do
mà người đó chưa từng bao giờ nghĩ tới. Chửi bởi là một sự
thường tình trong nhân loại. Chúng ta càng làm việc bao nhiêu,
càng trở nên vĩ đại, càng phải chịu đựng chửi bới và sỉ nhục.
Khi bị chửi bới, chúng ta nên nghĩ rằng đây là những dịp để
chúng ta thực hành kiên nhẫn. Thay vì bực mình, chúng ta nên
biết ơn kẻ thù.
-
Nếu chúng ta xứng đáng, những lời tán tụng quả thực là êm tai
mát dạ. Nhưng nếu chúng ta không xứng đáng, như trường hợp có
người nịnh bợ, thì những lời tâng bốc ấy rất có hại và sẽ làm
cho chúng ta thất vọng mà thôi. Dù sao, đó cũng chỉ là những
tiếng động, những âm thanh, không đem lại hậu quả nào, nếu chúng
ta đừng để lọt vào tai. Chúng ta đừng nhận những lời tán tụng
hay chỉ trích thì tâm trí giữ được sự bình thản. Chúng ta biết
tu tâm dưỡng tánh, cho nên không nịnh bợ ai, cũng không tin theo
những lời nịnh bợ, và không muốn được nịnh bợ. Khi thấy ai xứng
đáng, chúng ta thành thật khen tặng, không ẩn ý ganh tỵ, không
ngụ ý mĩa mai, không hề châm biếm. Khi phải khiển trách, chúng
ta khiển trách vì lòng bi mẫn, không khinh khi, không miệt thị,
chẳng nặng lời, chẳng hằn học, trong thâm tâm chỉ muốn cải thiện
người lầm đường lạc nẻo mà thôi.
-
Nghiền ngẫm hiểu thấu suốt lời Ðức Phật dạy trên đây, chúng ta
mới có thể bình tĩnh thản nhiên trước những lời khinh chê, phỉ
báng, miệt thị của người đời, để khỏi gây thêm oán thù chồng
chất triền miên không bao giờ dứt. Nhịn được thì yên, bằng
không, sinh sự thì sự sinh, đơn giản thế thôi!
-
Không ai trăm phần trăm tốt. Không ai trăm phần trăm xấu. Trong
con người tốt nhứt, cũng có phần không hoàn hảo. Trong con người
xấu xa nhứt, cũng có điểm tốt đẹp. Như những kẻ cướp của người
khác, cũng vẫn là người tốt đối với vợ con, cha mẹ của họ. Người
biết bố thí cúng dường, tụng kinh niệm Phật, giúp đỡ kẻ khó,
thương người khốn khổ, nhưng cũng có thể vẫn còn tức giận nổi
sân, khi thấy người khác không làm như mình hoặc khi thấy người
khác làm chuyện sai trái, lỗi lầm. Tuy nhiên, con người có thể
tránh làm, tránh nói, tránh nghĩ các điều ác, làm nói nghĩ các
điều thiện, nhưng nếu chấp vào đó, thì tâm ý vẫn chưa thanh tịnh
được.
-
Người nào có thể lặng thinh, ngậm câm, thản nhiên ngoài mặt,
thanh tịnh trong lòng, khi bị người khác tấn công, thưa kiện ra
tòa, nguyền rủa chửi mắng, mà người ấy không ề than phền, đau
khổ thì người ấy đã đứng trước niết bàn, mặc dù chưa đắc quả
niết bàn. Ðó chính là triết lý cao thượng vô cùng mà chúng ta
cần phải nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi, suy tư cho thấu đáo, để
khi gặp chuyện xưng tán hay chỉ trích trên thế gian này, chúng
ta vẫn giữ được tâm trí bình thản.
-
4- Hạnh Phúc và Khổ Ðau
-
Hạnh phúc và khổ đau là cặp cuối cùng về sự đối nghịch. Chúng là
những yếu tố mạnh mẽ nhất ảnh hưởng đến nhân loại.
-
Cái gì mang thoải mái là hạnh phúc, cái gì mang khó khăn là khổ
đau. Hạnh phúc bình thường là thỏa mãn sư khao khát. Ngay khi
điều mong muốn đạt được, thì chúng ta lại mong muốn một loại
hạnh phúc khác. Cho nên lòng thèm muốn ích kỷ của chúng ta không
bao giờ thỏa mãn. Sự vui hưởng lạc thú nhục dục là thứ hạnh phúc
cao nhất và duy nhất chỉ thấy nơi những người bình thường. Chắc
chắn có những lúc hạnh phúc trong lúc mong đợi đạt được, thỏa
mãn và những kỷ niệm về lạc thú. Loại hạnh phúc này ước vọng bởi
người theo chủ nghĩa nhục dục, nhưng chỉ là ảo ảnh và phù du.
Hạnh phúc thực sự tìm thấy trong nội tâm chứ không phải tìm thấy
nơi của cải, quyền thế, danh vọng, hay chiến thắng.
-
Nếu những của cải chiếm hữu bằng vũ lực hay sử dùng vào mục đích
sai lầm, hay được nhìn bằng luyến chấp, chúng chỉ là nguyên nhân
của đau đớn và phiền não cho sở hữu chủ.
-
Cái hạnh phúc với người này có thể không hạnh phúc với người
khác. Và thịt và rượu với người này có thể là thuốc độc với
người kia. Vì thế Ðức Phật nêu lên bốn loại hạnh phúc cho người
cư sĩ:
-
- Hạnh phúc có sức khỏe, của cải, sống lâu, đẹp đẽ, vui vẻ, sức
mạnh, tài sản và con cái. vân vân...
-
- Nguồn suối hạnh phúc thứ hai là tìm thấy sự vui mừng về những
của cải đó.
-
- Bình thường, nam nữ mong muốn hưởng thụ. Ðức Phật không khuyên
tất cả phải từ bỏ trần tục và rút lui sống cô đơn.
-
- Sự vui hưởng của cải không những nằm trong việc sử dụng cho
riêng mình mà cũng đem phúc lợi cho người khác.
-
- Không nợ nần là một nguồn hạnh phúc khác. Nếu chúng ta bằng
lòng với cái chúng ta có, và nếu chúng ta tần tiện, chúng ta
không mắc nợ ai. Người mắc nợ sống trong tình trạng lo âu và
phải chịu ơn người cho vay. Tuy nghèo, nhưng không nợ nần, chúng
ta cảm thấy an tâm và tinh thần sung sướng.
-
- Sống một cuộc đời không bị chê trách là nguồn hạnh phúc tốt
nhất cho người cư sĩ. Một người không bị chê trách là phúc lành
cho chính mình và cho người khác. Người đó được mọi người đời
ngưỡng mộ và cảm thấy sung sướng hơn, truyền cảm làn sóng hòa
bình sang người khác. Tuy nhiên phải nói rằng rất khó khăn để
được tiếng tốt từ mọi người. Người trí cao thượng chỉ quan tâm
đến một đời sống không bị chê trách và dửng dưng với sự tán
dương bên ngoài.
-
Phần đông trong thế giới này thích thú hưởng lạc thú trong khi
những người khác tìm sự thích thú bằng cách từ bỏ chúng. Không
luyến ái hay vượt qua lạc thú vật chất là hạnh phúc cho tinh
thần. Hạnh phúc Niết Bàn là hạnh phúc giải thoát khổ đau, dạng
thức hạnh phúc tối thượng.
-
Với người lạc quan, thế giới này tuyệt đối là tươi vui như hoa
hồng, với người bi quan, thế giới này hoàn toàn gai góc. Nhưng
với người thực tế, thế giới không hoàn toàn tươi vui như hoa
hồng mà cũng chẳng hoàn toàn gai góc. Nó đầy dẫy hoa hồng đẹp và
gai nhọn. Một người hiểu biết không say đắm bởi cái đẹp của hoa
hồng, nhưng nhìn nó như đúng nó là như vậy. Biết rõ bản chất của
gai, người đó nhìn chúng đúng là như vậy, và cẩn thận để khỏi bị
gai làm đau.
-
Tám mối bận tâm chi phối mọi sinh hoạt của con người trong xã
hội, tâm thức thường xuyên vận hành dưới một trong tám thể dạng
tương quan phát sinh từ bản năng. Nếu một cá thể bị chi phối bởi
tâm trạng mong ước những điều tốt đẹp thì tâm thức có vẻ như
tích cực, ngược lại nếu cá thể rơi vào sự lo sợ triền miên của
thua thiệt, khổ đau, ghét bỏ... tâm thức sẽ mang tính cách tiêu
cực và tán loạn nhiều hơn. Thật ra sự vận hành và sinh hoạt của
tâm thức phức tạp hơn nhiều, vì những lý do trên đây cho nên Đức
Phật khuyên người tu tập nên chọn lối sống tu tập. Thế nhưng
trong cuộc sống dồn dập và xô bồ của xã hội tân tiến ngày nay,
tám mối lo toan thế tục trở nên phức tạp và tinh vi gấp bội so
với lối sống giản dị và đơn sơ của con người từ hàng nghìn năm
trước. Đức Phật lúc nào cũng có sẵn cho chúng ta những liều
thuốc hóa giải. Thật vậy trong đời sống thường nhật rất khó cho
chúng ta vượt khỏi tám mối lo toan thế tục chúng ta không
thể làm gì khác hơn vì sự vận hành đó trong tâm thức là những gì
thật tự nhiên, liên quan đến căn nghiệp và bản năng của chính
mình, do đó chúng ta đành phải chấp nhận tác động của những xúc
cảm ấy nhưng hãy đảo ngược đối tượng của chúng. Thay vì ước mong
lợi lộc, lạc thú, vinh quang và ngợi khen cho riêng mình thì
chúng ta hãy ước mong tất cả chúng sinh đạt được những điều tốt
đẹp ấy. Thay vì lo sợ bị mất mát, khổ đau, ghét bỏ và quở phạt,
thì chúng ta quên mình và cầu mong cho tất cả chúng sinh tránh
được những cảnh huống đọa đày này. Đó là lòng từ bi vô biên mà
Đức Phật luôn nhắc nhở chúng ta hãy mang ra sử dụng như một liều
thuốc hóa giải những vướng mắc của ích kỷ và những lo toan của
thế tục.
-
Từ ngữ bát phong xuy bất động được phát xuất từ một giai thoại
về đại thi hào Tô Đông Pha và Phật Ấn Thiền Sư. Tô Đông Pha tên
là Tô Thức, tự Tử Chiêm, bút hiệu Đông Pha cư sĩ, ông là một
người tu hành uyên thâm, một thi nhân, họa sĩ và nhà thư pháp
nổi danh thời nhà Tống. Ông có làm một bài thơ tán tụng Đức Phật
rất nổi tiếng như sau:
-
- Khể thủ Thiên trung thiên,
-
Hào quang chiếu đại thiên.
-
Bát phong xuy bất động,
-
Đoan tọa tử kim liên.
-
Tạm dịch như sau :
-
- Quỳ lạy Trời ở giữa trời,
-
Hào quang chiếu rọi khắp nơi chan hòa
-
Tám gió lay động gần xa,
-
Tâm con không động ngồi tòa kim liên.
-
Tô Đông Pha làm bài thơ trên đây trong khi ông làm quan dưới
triều Tống Thần Tông. Ông là một phật tử, rất từ bi và yêu
thương dân chúng. Ông đứng về phe bảo thủ do Tư Mã Quang cầm đầu
chống lại các biện pháp canh tân của thừa tướng Vương An Thạch,
lý do ông nhận thấy các biện pháp cải cách của Vương An Thạch
quá cực đoan làm nhân dân ta thán vì không theo kịp. Tô Đông Pha
bị người nhà của Vương An Thạch dèm pha khiến ông bị giáng chức
và đày đi Hàng Châu. Thời bấy giờ Hàng Châu mang tên là huyện
Tây An, một thị trấn nhỏ bên bờ phía bắc của dòng Trường Giang
mênh mông. Trong thời gian này ông kết thân với một vị đại thiền
sư là Phật Ấn trụ trì ngôi chùa Kim Sơn tọa lạc trên bờ phía
nam. Hai ông thường cùng nhau du ngoạn trên sông đàm đạo Phật
Pháp và thi phú. Tô Đông Pha làm bài thơ trên đây trong khoảng
thời gian này. Ông rất tâm đắc khi làm xong bài thơ, vỗ đùi và
ngâm đi ngâm lại suốt mấy hôm. Sau đó ông sai người nhà lấy
thuyền đưa tên tiểu đồng vượt sang bên kia sông tìm đến chùa Kim
Sơn đưa bài thơ cho thiền sư Phật Ấn xem. Sau khi tên tiểu đồng
ra đi với bài thơ, bên này sông ông thấp thỏm đợi nó quay về với
những lời ngợi khen của Phật Ấn.
-
Khi tên tiểu đồng từ bên kia sông trở về với lời hồi âm của
Thiền Sư Phật Ấn. Thế nhưng khi mở tờ thư pháp ra và thấy bút
tích của Phật Ấn phê chữ Thí bên dưới bài thơ, Tô Đông Pha đùng
đùng nổi giận, đích thân xuống thuyền căng buồm băng ngang sông
để tìm Phật Ấn. Khi Tô Đông Pha tìm lên chùa thấy vắng lặng,
trước cửa cổng có viết dòng chữ như sau:
-
- Bát phong xuy bất động
-
Nhứt thí mã quá giang
-
Nghĩa là:
-
- Tám gió tuy không lay chuyển.
-
Mà nghe đánh rắm trương thuyền sang sông.
-
Ấy thế, những người tu tập vẫn cứ tưởng mình đã siêu thoát, vậy
mà trên thực tế tám mối lo toan của thế tục vẫn trói buộc mình
thật chặt. Tô Đông Pha sau khi làm xong bài thơ thì rất đắc chí,
mong đợi sự vinh quang sẽ đến, lo âu và hồi hộp ước mong nhận
được những lời khen thưởng và sau đó thì khổ đau và tức giận khi
bị khinh miệt ...
-
Dù sao Tô Đông Pha cũng là một người tu tập, cũng hiểu được Đạo
Pháp là gì, vì thế ông chỉ đứng ngẩn người trước cổng chùa Kim
Sơn một lúc lâu và hiểu được bài thơ của ông chỉ là những gì
phản ảnh cái tôi của chính mình, cái tâm trạng thua thiệt của
một người bị thất sủng, muốn tìm một lý do để bào chữa sự mất
mát ấy. Qua hình ảnh của Đức Phật ông tự cho mình là người khinh
bỉ lợi danh, tám ngọn gió không lay chuyển được ông, thế nhưng
lời phê của Phật Ấn đã xoáy sâu vào tâm thức giúp ông, làm ông ý
thức được tám mối lo toan của thế tục vẫn còn đang hoành hành
trong tâm thức mình. Hóa ra cái rắm của thiền sư Phật Ấn đã
khiến cho ông tỉnh ngộ.
-
Đời con người giống như ngoài biển khơi lúc nào cũng có gió
thổi, tùy theo sức gió, mặt biển sẽ gợn sóng nhỏ hay nổi sóng to
tương ứng. Cũng vậy, tâm của chúng ta ví như mặt biển, khi có
chuyện xảy ra, ví như tám gió thổi đến, thì lập tức nổi sóng
ngay:
-
- Lúc gặp ngọn gió suy sụp thổi đến, thời cuộc làm tán gia bại
sản, sự nghiệp điêu tàn, thì tâm trí của chúng ta sẽ nổi sóng
buồn rầu ngay, có người tiếc của quá nên tự tử chết!
-
- Lúc gặp ngọn gió hủy báng thổi đến, bị chê bai, bị bôi lọ, bị
nói xấu thì tâm trí của chúng ta sẽ nổi sóng bực dọc ngay.
-
- Lúc gặp ngọn gió danh dự thổi đến, được người ta viết sách đề
cao, khen tặng, thì tâm trí của chúng ta sẽ nổi sóng vui vẻ
ngay.
-
- Lúc gặp ngọn gió xưng tán thổi đến, được tâng bốc, nêu tên
ngợi khen, thì tâm trí của chúng ta sẽ nổi sóng khoái chí ngay.
-
- Lúc gặp ngọn gió cơ bài thổi đến, bị chỉ trích, bài bác, đích
danh phê bình, thì tâm trí của chúng ta sẽ nổi sóng sân hận
ngay.
-
- Lúc gặp ngọn gió khổ đau, hoạn nạn thổi đến, chẳng hạn như
người thân qua đời, thì tâm trí của chúng ta sẽ nổi sóng tiếc
thương ngay.
-
- Lúc gặp ngọn gió hoan lạc thổi đến, thì tâm trí của chúng ta
sẽ nổi sóng hân hoan ngay.
-
Nói tóm lại, chúng ta ai ai cũng muốn tâm trí được bình yên,
thanh thản, thơi thới, nhưng cảnh đời không ngừng tác động, làm
cho tâm trí rối bời, chao đảo, bấn loạn, bất an. Ðạo Phật không
những chỉ có hình thức cầu nguyện long trọng, lễ nghi trang
nghiêm mà thôi, mà mục đích cứu kính của đạo Phật chính là giúp
đỡ con người vượt qua những phiền não và khổ đau do cảnh đời gây
ra. Giữa những cảnh được và thua, danh thơm và tiếng xấu, ca
tụng và khiển trách, hạnh phúc và đau khổ, chúng ta hãy giữ tâm
bình thản. Ðó chính là mục đích cứu kính của đạo Phật vậy.
-
Như vậy, chúng ta muốn có cuộc sống an lạc và hạnh phúc thì nội
tâm không nên nổi sóng tham, sân, si mỗi khi tám gió thổi đến.
Còn nếu có lỡ nổi sóng rồi thì hãy giác ngộ ngay, hãy biết ngay
là nội tâm đang nổi sóng. Khi biết được như vậy, cơn sóng sẽ
lặng đi. Hãy mỉm cười thật tươi! Quên hết mọi chuyện! Thế là
xong! Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy:
-
- Cũng như trên đất chúng ta có thể vứt bất luận vật gì, dù thơm
dù hôi, dù sạch dù dơ, đất vẫn thản nhiên, một mực trơ trơ,
không thương cũng không giận. Cũng như thế, trong hạnh phúc,
trong phiền não, lúc thăng lúc trầm, hãy luôn luôn giữ tâm bình
thản.
-
Thiền sư Hoàng Bá có dạy:
-
- Nhược bất nhứt phiên hàn triệt cốt.
-
Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương.
-
Nghĩa là:
-
- Nếu không một phen sương thấm lạnh.
-
Hoa mai đâu nở ngát hương thơm.
-
Sau khi trải qua cơn lạnh thấu xương của mùa đông, hoa mai mới
nở rộ, tỏa mùi hương thơm ngát khắp nơi nơi. Cũng vậy, con người
không trải qua phong sương, không trải qua những cơn thử thách
lớn lao, cam go, cay đắng, phủ phàng, khó trở thành tài ba lão
luyện, khó trở thành bậc đại nhân được.