TẬP SAN DƯỢC SƯ

Quân Bình Trong Cuộc Sống
Thông Trí
---o0o---
 
Sự sinh hoạt của con người trong xã hội ngày nay không giống như ngày xưa. Nghĩa là con người đã và đang thừa hưởng một nền văn minh kỷ thuật khoa học tột đỉnh, cho nên cuộc sống vật chất gần như không thiếu thốn thứ gì, chính vì vậy mà trong mỗi con người cũng có nhiều thay đổi. Trong chiều hướng tốt đẹp của đời sống sung mãn của vật chất chúng ta cũng thấy có sự phân hóa xã hội và những hệ quả tiêu cực từ sự phát triển kinh tế và xã hội. Vì vậy đứng trước sự thành tựu và khuyết điểm của sự phát triển đó, chúng ta không thể không góp công sức để tạo sự quân bình trong cuộc sống, tìm ra giải pháp tốt đẹp để làm tăng trưởng mặt tốt của phát triển và giảm thiểu những sai lầm, tội phạm và thói tranh danh, đoạt lợi, tham sân đố kỵ của con người.
Tôn giáo và nhất là Phật Giáo có mặt trên thế gian nầy đều nhằm một mục đích thoả mãn nhiều mặt của sự tìm tòi đó. Quả thật từ giáo thuyết cho đến phương diện thực hành của Phật giáo, mỗi khía cạnh đều đóng một vai trò rất thực tế, nếu như không muốn nói giáo lý Phật Giáo là phương thuốc thần diệu để chữa trị nhiều căn bệnh của xã hội và nơi tâm trí của con người.
Nhiều người đã ghi nhận, và liệt kê hàng loạt mặt ưu trội của nó, cùng  với sự đồng thuận trong cuộc sống xã hội do thiếu vắng cơ sở đạo đức, vì thế mà xã hội không thể nào ổn định thật sự. Một sự ổn định thật sự cần dựa trên cơ sở của sự hiểu biết và đạo đức. Điều chắc chắn không thể có một sự ổn định từ trong lòng xã hội nếu sự hiểu biết và đạo đức là hai đường song song theo đuổi hai mục tiêu khác nhau. Do vậy mà cần phải làm cho sự thông cảm và đạo đức thực hiện một cách nhịp nhàng, để từ sự nhịp nhàng ấy mà giải quyết các vấn đề của xã hội một cách triệt để.
Điểm chúng ta cần lưu ý là hiện nay trên phương diện đạo đức gần như đang ngủ yên trong môi trường xã hội biến động liên tục. Do vậy những giá trị tự thân đạo đức của mỗi người cần phải được khai thác triệt để, và đồng thời áp dụng đúng mức để tạo sự quân bình trong xã hội. Vì dầu sao đi nữa, và cho dù trong xã hội nào đi nữa thì trên phương diện đạo đức trong xã hội nào cũng cần thiết. Quả thật sự hiểu biết đưa con người đến chỗ thương mến nhau. Đạo đức giúp cho con người sống trong niềm tin trọn vẹn và tạo cho con có cuộc sống hạnh phúc. Vậy hạnh phúc sẽ chỉ tồn tại khi mà con người ngày nay ai cũng biết sống theo nguyên tắc nầy. Khi đã biết chấp nhận nguyên tắc nầy thì con người không còn sống trong giả tưởng, ước vọng xa vời và phi lý nữa. Tuy là đạo đức rất cần cho sự quân bình trong cuộc sống, nhưng phải được xây dựng trên căn bản trí tuệ và sự tăng trưởng vật chất, có ba loại hiểu biết:
1-   Lắng Nghe
Trước hết là sự hiểu biết bằng việc lắng nghe. Đây là loại hiểu biết chúng ta có được sau khi nghe giảng giải bằng lời, hay đọc trong sách. Đây là loại hiểu biết hời hợt nhất mà chúng ta có thể có, là sự hiểu biết mà chúng ta chấp nhận sự vật dựa trên sự tin tưởng vào lời nói của một người khác.
2-   Suy Tư:
Mức độ hiểu biết thứ hai là trí tuệ hay hiểu biết nhờ suy tư, sự sáng suốt do con người tạo cho bản thân mình mà qua đó là việc suy niệm liên tục về một đề tài đặc biệt nào đó. Loại hiểu biết bằng suy tư thì cao hơn sự hiểu biết nhờ nghe một người khác, hay đọc một cuốn sách.
3-   Ứng Dụng Trong Đời Sống:
Mức độ hiểu biết thứ ba là trí tuệ hay sự hiểu biết được phát huy nhờ thực hành. Đây là loại hiểu biết sâu sắc nhất mà chúng ta có thể có, một sự hiểu biết không chỉ về sự vật chúng ta được nghe, cũng không phải chỉ là một tư tưởng có trong đầu óc, mà là đưa sự vật hoàn toàn thấm sâu vào trong cái tâm của chúng ta, vì thế mà mỗi suy nghĩ, hành động, hay tri giác đều luôn luôn được thấm nhuần sự hiểu biết mới của mình. Hơn nữa, bậc hiểu biết cao nhất này chỉ có thể đạt được nhờ tích cực thực hành những gì nghe và suy nghĩ mà có.
Sở dĩ chúng ta cần phải có tuệ giác là khi đối mặt với nội tâm của chính mình, thì chúng ta cần phải có trí tuệ ở nơi mỗi con người. Nhưng với đối tác xã hội thì chúng ta phải luôn luôn có sự hiểu biết và chấp nhận chuẩn mực theo quy lệ của xã hội đặc ra. Chuẩn mực đó sẽ tương tác với sự hiểu biết của từng cá nhân, để tạo nên sự cân bằng từ mỗi con người và đối tác xã hội đó. Tiêu chuẩn đó chính là sự hòa ái mà con người trong xã hội ngày nay cần phải học hỏi và vận dụng trong đời sống hằng ngày.
Trong chiều hướng để thích hợp với trào lưu tiến hóa của xã hội,  chúng ta cũng phải biết rằng, dù đã trưởng thành trong thể chế dân chủ, trong một nền kinh tế năng động và đa dạng, trong tri thức khoa học khiến con người có cảm tưởng đã làm chủ vũ trụ vạn hữu. Nhưng thực tế, hơn bao giờ hết con người trong xã hội ngày nay vẫn bị phân hóa một cách sâu sắc nhất, đến mức nó rất khó khăn để thiết lập một sự truyền thông giữa con người với nhau, giữa các thế hệ và ở mức rộng hơn là giữa các dân tộc, và quốc gia khác cũng tương tự như vậy. Nói như thế để chúng ta thấy rằng, hiện nay trong xã hội vẫn còn sự bất bình đẳng, mặc dầu đã trải qua không biết nhiêu năm tháng, con người đã tốn không biết bao nhiêu tiền bạc, công sức để hô hào cổ võ tinh thần bình đẳng, bác ái và công lý. Nhưng cho đến nay vẫn còn trong khác vọng, hay vẫn như bóng mờ trong sa mạc.
Sở dĩ mà nhân loại đã hô hào rất nhiều về bình đẳng, bác ái .. mà chưa có thành tựu là vì con người còn tham, sân si, chấp ngã. Theo quan niệm Phật Giáo cho rằng:
- Tham, sân và si
Nơi con người vẫn đã và đang thật sự giày vò, và gặm nhấm đời sống con người như một chứng bệnh nan y không thuốc chửa. Để thoa dịu sự gặm nhắm nầy nhiều nhà xã hội học cho rằng cần phải có luật pháp tốt, có một nền chính trị công khai và nền tài chính minh bạch thì sẽ làm giảm đi sự dối trá, bất công và tội ác. Nhưng dẫu sao thì đó vẫn là những yếu tố phụ thuộc bên ngoài, không phải xuất phát tận đáy lòng. Yếu tố nội tại vẫn là yếu tố cần thiết nhất, vì yếu tố nội tại vượt ra khỏi khuôn khổ của danh lợi, tham lam, giận hờn và ích kỷ. Do vậy chúng ta cần phải học hỏi ở nơi Phật Giáo về chủ đích xây dựng nguồn nội tại một cách hữu hiệu, trước hết là sự hòa ái. Sự hòa ái mà Phật giáo quan niệm và đem áp dụng trước hết là trong đời sống tu tập của tăng già. Đó là tư tưởng Lục Hòa. Lục Hòa hay gọi theo quốc ngữ thì gọi là Sáu Pháp Hòa Kính, bao gồm:
1-   Thân Hòa Đồng Trụ
Cùng nhau ở dưới một mái chùa, tu học, nên các sư tương kính nhau. 
2-   Khẩu Hòa Vô Tranh:
Cùng học và thi hành giáo pháp của Đức Phật nên các sư nói hòa kính nhau.
3-   Ý Hòa Đồng Duyệt
 Các Thầy, cô, sư chung một tôn chỉ là giải thoát nên ý là một.
4-   Giới Hòa Đồng Tu
Các sư cùng tu chung với nhau theo giới luật nên không có sự khác biệt.
5-   Kiến Hòa Đồng Giải:
Các sư cùng một cách nhìn về thế giới và con người.
6-   Lợi Hòa Đồng Quân:
Được cúng dường mọi thực phẩm và vật dụng, các sư cùng nhau thụ nhận.
Sáu điểm trong lục hòa từ ngàn xưa tuy đã và đang gắn liền với cuộc sống tập thể tu sĩ, tuy nhiên ngày nay trong xã hội kỷ thuật khoa học, và nhất là cuộc sống tinh thần con người đang bị giao động trầm trọng, chúng ta cũng có thể áp dụng được trong mọi tầng lớp của sự sống. Bởi vì, những tác động từ nơi ba cơ quan:
- Thân, miệng, và ý
Ai cũng có, lẽ tất nhiên là không riêng tư của bất cứ một cá nhân nào, dù là tu sĩ hay không phải tu sĩ. Dĩ nhiên, người tu sĩ Phật giáo phải nghiêm cẩn học và thực hành giữ gìn thân miệng ý theo giáo pháp. Nhưng người ngoài cũng có thể áp dụng, bởi vì không có một ai mà không có nghiệp duyên từ nơi thân, miệng, và ý. Đặc biệt là ý nghiệp. Nhận thấy rằng mọi sự khởi đi từ ý, vì từ ý mà thân, khẩu sẽ có thái độ hành xử theo sau, cho nên đặc biệt phải coi chừng ý. Thực vậy, trước hết là từ ý, một con người có thể được hướng đến hành vi tốt hay xấu cũng đều do ý nghĩ được kiểm soát hay không kiểm soát. Do vậy nếu đem tinh thần lục hòa của Phật giáo áp dụng trong xã hội thì khả năng xây đắp một xã hội lành mạnh sẽ có kết quả một cách hữu hiệu. Bởi vì nhường nhịn, nhẫn nại, khiêm cung và từ bi luôn luôn là các yếu tố cơ bản của sự xây dựng trên nền của tuệ giác. Và từ đó con người sống trong xã hội sẽ luôn thấy lợi ích khi thực hiện lục hòa, vì con người không còn lo lắng cho riêng mình, kiếm lợi cho riêng mình và rốt cuộc là một sự liên đới trách nhiệm, bổn phận và lòng thương người.
Như mọi người đều biết quả địa cầu mà chúng ta đang sống luôn xoay chuyển, cũng như xã hội luôn thay đổi, nếu có một nền đạo học thích nghi với thực tế cuộc sống, chắc chắn sẽ tạo sự thăng hoa của con người là điều hiển nhiên.Õ
Lịch sử cho thấy Đức Phật hành đạo vào thời kỳ mà xã hội Ấn Độ phân chia bốn giai cấp một cách vỡ vụn. Nhưng Đức Phật đã chủ trương bình đẳng tuyệt đối, với lời tuyên ngôn bất hủ rằng:
- Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn.
Và Ngài cũng đã thực hiện tinh thần bình đẳng ấy trong chính cuộc sống giáo hóa độ sinh, nghĩa là lời nói và việc làm của Ngài đi đôi với nhau, nên Đức Phật được tôn kính là bậc Minh Hạnh Túc. Thật vậy, Đức Phật từ bỏ ngôi vị đế vương để sống cuộc đời của một người khất sĩ thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn thời bấy giờ. Và Đức Phật đã chuyển hóa được thành phần nghèo khổ nhất trong xã hội như Sunita hốt phân, hay sát nhân Vô Não, hoặc Bàn Đặc nổi tiếng kém thông minh, giúp họ trở thành bậc Hiền Thánh trong xã hội đương thời.
Đức Phật dạy rằng không có giai cấp và bản thân Ngài đã thể hiện nếp sống bình đẳng, cũng như Ngài đã phát huy khả năng của những người tu theo Ngài tiến lên quả vị Hiền Thánh. Tinh thần bình đẳng, không phân biệt giai cấp của Phật giáo đến nay vẫn còn giá trị tuyệt đối. Như vậy, nói đến đạo Phật là phải nói đến tinh thần bình đẳng mà hầu như nhiều quốc gia ngày nay cũng chưa thực hiện được, và sự bình đẳng vẫn còn là mục tiêu mà nhân loại mong muốn đạt được.
Nhìn ở mặt nào đó, chúng ta thấy Phật Giáo là chất liệu đóng góp vào sự hưng thịnh cho xã hội nhờ tinh thần tùy duyên tiếp thu cái mới. Tư tưởng phát xuất từ thành Tỳ Da Ly là nơi tư tưởng Đại thừa manh nha, chủ trương một số thay đổi đời sống chư Tăng, chúng ta nên suy nghĩ và sống theo tinh thần tùy duyên, cân nhắc xem chúng ta hành đạo ở đâu, vào thời kỳ nào và đối tượng là ai để có sinh hoạt tương ưng thích hợp. Căn cứ trên tinh thần tùy duyên, Phật giáo Đại thừa đã hội nhập vào mọi tầng lớp của xã hội rất dễ dàng. Từ cái nôi canh tân ở thành Tỳ Da Ly, tinh thần đổi mới được tiếp tục phát triển. Điển hình như việc gắn liền sự sinh hoạt của đạo pháp qua những sinh hoạt của người cư sĩ tại gia.
Bước theo dấu chân Phật, vai trò của người tu sĩ là hướng dẫn quần chúng sống sáng suốt và an lạc. Vì thế, Phật Giáo phát triển cân nhắc trước vấn đề, nếu chỉ khất thực và ngồi dưới gốc cây tu hành thì có còn sức cảm hóa được quần chúng không, hay là phải đổi mới sinh hoạt để đáp ứng được yêu cầu của xã hội mới tồn tại. Tất nhiên những người có tinh thần canh tân đã sinh hoạt theo hướng phát triển để cùng nhịp bước đi với sự đi lên của xã hội và phục vụ quần chúng. Xây dựng trên tinh thần phát triển, kinh Duy Ma chủ yếu đề cao Bồ Tát Văn Thù và Cư Sĩ Duy Ma là hai vị Bồ tát tiêu biểu cho hàng xuất gia và tại gia ở tầng cao mới của xã hội. Nói cách khác, Phật giáo luôn đi trước một bước, mở ra con đường sáng cho xã hội. Kinh Pháp Hoa dạy rằng chúng sinh nghĩ gì, cần gì, làm gì, và chúng ta đáp ứng được ba điều này, chúng ta tồn tại, nếu không thì bị mai một.
Việc thứ hai lớn hơn là ở thế kỷ XXI, vấn đề tâm linh được quan tâm rất nhiều và việc truyền bá Chính pháp cần được thực hiện trên phương diện kỷ thuật điện toán. Ở giai đoạn nầy, Phật giáo có mặt, nhưng còn rất khiêm tốn, chỉ có một số ít tu sĩ trẻ tham gia, trong khi chất độc xã hội đã thâm nhập vào đây quá nhiều. Các giảng sư trẻ có học thức cần nghiên cứu, thực tập tinh thần Phật dạy và cân nhắc xem thời đại chúng ta yêu cầu cái gì để đưa các bài giảng thích hợp vào hệ thống truyền thông trên mạng, tạo điều kiện cho Phật tử thời hiện đại phát tâm, tu học dễ dàng. Đó là điều rất cần thiết.
Ngoài ra, tuy hiện nay có thuyết pháp trên mạng, nhưng chưa tạo được món ăn tinh thần cho nhiều người ưa thích, vì không thích hợp với cuộc sống thiết thực của con người. Đưa Phật Giáo vào sinh hoạt con người đòi hỏi chúng ta phải thiết thực, đừng rơi vào không tưởng. Chẳng hạn giảng dạy Thiền, bản thân mình phải thực tập được cốt lõi của Thiền là tinh thần ổn định, sáng suốt và sức khỏe tốt, ăn ít, ngủ ít, nhưng loại trừ được bệnh tật. Được như vậy, thì không nói cũng có đủ tư cách của Thiền Sư. Trên bước đường tu, cần thuyết pháp trên quả môn là nói bằng thành quả tu tập của chính mình.
Là phật tử chúng ta phải có cái gì vượt lên trên người đời, đầu tiên là vượt trên cái nghiệp, khắc phục nghiệp, giải quyết nghiệp cho tốt. Người Phật tử lúc nào cũng hoan hỷ, sức khỏe tốt, được nhiều người quý mến, cuối đời ra đi nhẹ nhàng. Các vị Thiền Sư hay Thánh Tăng đều thể hiện cuộc sống như vậy. Mặc dầu có những điều mình tâm đắc, nhưng người xung quanh chưa thực hành được thì thôi, chờ đủ duyên mới nói. Vì thế, Đức Phật dạy rõ thực tập quá trình văn, tư, tu rồi mới thuyết pháp độ sinh. Chính Đức Phật trước khi chuyển pháp luân, Ngài đã chứng chuyển, tức diệt được phiền não trần lao, Ngài mới khuyến chuyển, là khuyên dạy người khác làm theo. Thiết nghĩ ngày nay, nếu có nhiều giảng sư thành tựu Pháp Phật trong cuộc sống, chắc chắn sẽ làm cho Phật tử phát tâm tu theo và Phật Giáo hưng thịnh.
Một điều nữa là thời hiện đại, Phật tử không có nhiều thì giờ dành cho việc tu tập. Nếu họ phải tu suốt một ngày và tụng kinh quá nhiều, mà không hiểu và không thực tập được gì, họ sẽ dễ chán, dễ bỏ cuộc. Cho nên việc thiết lập một sự cân bằng giữa xã hội và cá nhân là điều cần thiết, vì như thế sẽ tạo môi trường để phát sinh hạnh phúc số đông trên nền tảng mỗi hạnh phúc cá nhân. Nhưng hạnh phúc nào cũng không thể xây dựng trên lòng ích kỷ và bất nhẫn, cho nên Lục Hòa phải là nguồn giáo lý căn bản cốt lõi cho tiến trình xây dựng hạnh phúc. Quả thật, mục đích của lục hòa là xây dựng cái tương đồng và hài hòa chiếu theo từng cá thể. Như vậy muốn cho có sự quân bình trong cuộc sống của ừng mỗi cá nhân thì có lẽ toàn bộ mỗi cá nhân trong một xã hội đó có lẽ phải áp dụng nguyên tắc Lục Hòa trong cuộc sống của mỗi gia đình, và thực hành, học hỏi lòng từ bi và lòng nhẫn của Phật Giáo. Sự gợi ý nầy có lẽ sẽ làm cho những ai không có niềm tin chung cùng với Phật Giáo sẽ cảm thấy khó chịu, hoặc những ai thường cho những người theo Phật Giáo là trốn tránh thực tại, yếm thế trước ba động chộn rộn của xã hội sẽ bỉu môi trề miệng. Những ai đó có quyền làm vậy, nhưng thực tế nếu trong gia đình nào đó không có, hay thiếu nguyên tắc Lục Hòa, thì chắc chắn gia đình đó sẽ loạn ngay. Thiếu lòng hoan hỷ và lòng nhẫn nại, một con người đó sẽ khó thành tựu được việc gì. Hiểu được rằng Phật giáo là nguồn sống thì mới thấy Phật Giáo luôn luôn khuyến khích con người quyết tâm đi ngược với thói thường. Qua đó Tứ Đế là giáo lý hay là con đường duy nhất để biết khổ và thoát khổ, là Niết Bàn ngay nơi hiện thế, không phải chờ đợi đâu xa.
Nếu các bạn thấy những gì mà chúng tôi đã gợi ý là đúng, thì tự mình thắp đuốc lên mà đi, đừng ngại gì cả. Có đi sẽ có đến, không nản lòng sờn chí. Nên nhớ là những nguyên tắc đó, không phải chỉ dành cho tu sĩ, hay cư sĩ mà là cho tất cả những ai có tâm, hay muốn theo đuổi mục tiêu giải thoát. Giải thoát không có nghĩa là trốn chạy, mà là đi tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống, tức là hạnh phúc vượt qua bờ bên kia của bờ mê.
Dẫu được trình bày thế nào, dù đơn giản hay phức tạp, thì Phật Giáo chỉ có một mục tiêu duy nhất là xây dựng một xã hội hài hòa và cân bằng trong nỗ lực giải thoát. Vì thế Phật Giáo chủ trương bất bạo động trong mọi hoàn cảnh, không chấp trước hay nghiêng ngã về bên nào trong hai cực sướng khổ, thế lực hay không thế lực.
Học hỏi và thực hành quân bình trong cuộc sống, có nghĩa là chúng ta phải học và hiểu tinh thần Lục Hòa, vì lục hòa là một trong những cách thức xây dựng cuộc sống tự tại, an nhiên, giải tỏa sức ép mà con người giờ đây phải gánh chịu trong xã hội hiện đại. Chúng ta giờ đây đã có điều kiện để nhìn nhận rõ hơn những cái gì đã có, và những cái gì đã mất do chính con người tạo ra. Nhưng chúng ta cũng sẽ không quá ngây thơ mà cho rằng Phật Giáo là phương thuốc duy nhất để chữa trị tâm bệnh con người. Phật Giáo chỉ làm cái đã làm hơn hai nghìn năm qua là hướng con người đến với những gì đuợc coi là bản chất nhất của con người. Quay trở về chính con người mà không trông chờ vào phép màu từ ngoài hay từ trên đưa lại. Lục hòa là nhắm đến điều đó, xã hội cũng là nhắm đến điều đó và chúng ta có quyền tin vào những gì tốt lành nhất mà tư tưởng này đem lại.
Nói tóm lại, Phật Giáo đã du nhập khoảng hai nghìn năm trăm năm năm mươi ba ở Việt Nam. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy đây là một tôn giáo đem lại lợi ích thực sự cho dân tộc và quốc gia, được trao truyền qua nhiều thế hệ. Đồng thời cũng chịu thử thách và sàng lọc khắc nghiệt của thời gian, và cùng với trào lưu tiến hóa của xã hội. Phật Giáo Việt Nam là nơi giao lưu của mọi hệ phái Theravada, Đại thừa, Mật thừa, đã tỏ rõ là một tôn giáo với giáo thuyết khả thi để xây dựng hòa hợp và đồng thuận trong xã hội. Sự đóng góp đã có của Phật giáo Việt Nam, đã và sẽ thích hợp với một xã hội Việt Nam đang chuyển đổi cho phù hợp với xu thế chung của nhân loại. Cho nên những gì có thể cống hiến được cho cuộc đời, làm an lạc cho nhiều người, thì người phật tử chúng ta nên sử dụng vô số phương tiện để tùy duyên hành đạo giúp con người quân bình trong cuộc sống, và giúp cho Phật giáo trường tồn. Ý này chúng ta nên tùy chỗ, tùy lúc, tùy người mà chúng ta thể hiện vô số việc làm khác nhau, nhưng dẫu cho tùy duyên như thế nào cũng được, nhưng tất cả cũng đều có cùng một mục tiêu dẫn đến cuộc sống an lạc, giải thoát cho mọi người.
Tiến bước trên lộ trình này, Phật giáo mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho nhân loại thoát khỏi thù hận, chiến tranh, khổ đau, để rồi cuối cùng tạo thành thế giới hiểu biết, thương yêu, cảm thông, chia sẻ an vui và phát triển xã hội đến chỗ toàn thịnh.
--o0o--