TẬP SAN DƯỢC SƯ

Lợi Ích Sự Lắng Nghe
Chơn Đức
---o0o---
 
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường gặp nhiều người mắc phải cái tật nói nhiều, khi muốn cho người khác tin mình, và biện minh cho hành động của mình. Nhất là trong giới buôn bán thường mắc phải cái tật đó nhiều hơn cả, vì để quảng cáo những sản phẩm của mình. Từ công ăn việc làm cho đến đời sống trong gia đình, cứ thế rồi quen dần, đến một lúc nào đó rồi sẽ trở thành thói quen, là chỉ thích nói nhiều hơn là lắng nghe.
Ngoài xã hội chúng ta có quyền nói nhiều để quảng cáo những sản phẩm của mình, ai thích thì tìm tới không thích thì họ tránh xa. Ðiều nầy nó không quan trọng. Nhưng trong phạm vi nếp sống gia đình, nơi mà chúng ta phải có bổn phận chia ngọt xẻ bùi, cùng chung gánh chịu những vinh, nhục, những thăng trầm với nhau trong cuộc đời thì lại khác. Nghĩa là chúng ta không những không nên nói nhiều mà còn phải nói ít và làm nhiều, đồng thời phải nhận diện được cái Lợi Ích Của Sự Lắng Nghe, vì người đời thường nói:
- Ít nói là bạc, không nói là vàng.
Công dụng của sự lắng nghe là để cho người kia, những người đó rất có thể là chồng, vợ, con, cái, anh em, bậu bạn, hàng xóm láng giềng ... có cơ hội trình bày những gì họ muốn nói. Bởi vì chính họ biết rõ những gì họ muốn, và vấn đề khó khăn của họ hơn chúng ta nhiều lắm.
Trong chiều hướng lợi ích của sự lắng nghe, chúng ta có thể hỏi họ vài câu rồi để họ mặc ý diễn thuyết. Nghĩa là chúng ta học hạnh lắng nghe như chúng ta đã từng thực tập:
- Lạy đức Bồ Tát Quán Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Ngài, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe, và tất cả những điều không nói. Chúng con chỉ cần biết lắng tai nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi.
          Chúng ta phải biết rằng, nếu chúng ta không đồng ý với họ, tất nhiên chúng ta sẽ muốn ngắt lời họ. Nhưng xin đừng, nguy hiểm lắm. Khi họ chưa được thỏa lòng bày tỏ hết những ý của họ, thì họ không nghe chúng ta đâu. Chúng ta hãy kiên tâm, và không thiên vị, chịu khó chú ý nghe họ, và nếu cần chúng ta có thể khuyến khích cho họ bày tỏ hết tư tưởng sâu kín của họ ra. Nếu chúng ta thực hành được như vậy chắc chắn chúng ta sẽ thành công, không những có thể duy trì hạnh phúc tương quan với những người thân trong gia đình mà còn có thể thành công mỹ mãn trong vấn đề làm ăn nữa là khác. Theo như kinh nghiệm của một nhà sản xuất da ở tại Hoa Kỳ cho biết: Một trong những hãng sản xuất xe hơi lớn nhất ở Mỹ yêu cầu các nhà sản xuất da cho mẫu để làm nệm xe. Vụ làm ăn đó lớn lắm, vì giao kèo sẽ thi hành trong một năm. Mỗi nhà bán da đều cho người thay mặt mang mẫu hàng lại. Hội đồng quản trị hãng xe hơi xem xét kỷ các mẫu hàng, rồI mời các người thay mặt đó lại một lần cuối cùng để trình bày, quảng bá hay bênh vực hàng của họ. Ðó là cơ hội tốt nhất để được mối hàng hay mất mối hàng. Lẽ tất nhiên ai cũng trình bày những ưu điểm về hàng hóa của mình. Tới phiên ông Great một trong ba người bán hàng. Nhưng buổi sáng hôm đó khi thức dậy, ông thấy cuống họng đau lắm, ông ta kể lại:
- Tôi mất hẳn tiếng. Chỉ có thể nói khàn khàn, nho nhỏ không ai nghe rõ được cả.
Tôi được đưa vào phòng ở tại đó có viên kỷ sư coi xưởng dệt, viên chủ sự coi việc mua bán, và ông hội trưởng công ty. Tôi gắng hết sức để nói nhưng chỉ phát ra tiếng khàn khàn. Chúng tôi ngồi chung quanh một cái bàn tròn. Tôi liền viết lên tờ giấy câu nầy:
- Thưa các Ngài, tôi xin lỗi các Ngài, tôi đau cuống họng nói không ra tiếng.
Ông hội trưởng nói:
- Được, tôi sẽ giúp để trình bày sản phẩm của ông.
Thế là, Ông ta nói thay tôi, Ông đưa những mẫu hàng của tôi ra và khoe nó tốt. Một cuộc bàn cãi hăng hái nổi lên vì ông hội trưởng thay lời cho tôi, cho nên ông bênh vực hàng của tôi. Tôi chỉ dự vào cuộc thảo luận đó bằng cách mĩm cười, nhún vai và làm một vài điệu bộ để tán thành. Kết quả cuộc tranh luận lạ lùng đó, là hãng xe ký giao kèo với hãng của tôi và xin cho bạn hàng hay rằng giao kèo ký mua tới một triệu thước da, đáng giá một triệu sáu ngàn mỹ kim. Chưa bao giờ tôi lãnh được một mối hàng quan trọng như vậy.
Sự kiện nầy, chúng ta Thấy rằng nếu Ông Great mà không bị đau cổ họng, và nói được như thường, thì có lẽ Ông Great đã mất mối hàng đó, vì trong cuộc đời có rất nhiều người ghét nhất là những ai tự khoe mình vì họ quan niệm:
- Quảng cáo nói láo ăn tiền.
Sau nầy Ông Great nói rằng:
- Tôi có một quan niệm hoàn toàn lầm lẫn về cách mời hàng. Nhờ trường hợp bất ngờ đó mà tôi thấy rằng im lặng để người khác nói, họ nói tốt về mình do đó tôi đã thành công.
Nói chung, là nói tốt về mình hay về những sản phẩm của mình cũng tương tự như thế, Nghĩa là những cái gì về mình, tuyệt đối mình không nên nói nhiều, như thế mà lại lợi nhiều cho chúng ta. Chúng ta thấy đây chính là cái hay mà chúng ta không nên nói về mình nhiều, nếu người khác nói về chúng ta thì người đối diện nghe sẽ thích hơn. Do vậy chúng ta nên thực tập sự lắng nghe thì sẽ đạt được nhiều kết quả hơn là chúng ta phô bày cái của mình. Và đây là một kinh nghiệm khác vào thời kỳ Ông Josepth thanh tra công ty điện khí ở Michigan, cũng tìm thấy chân lý đó khi ông đi thanh tra tại Holland. Ông cùng viên đại lý tại miền đó đi thăm một khu có nhiều người Hòa Lan làm chủ trại. Khi đi qua một gian nhà sạch sẽ ông hỏi:
- Tại sao những người nầy không dùng điện?
Viên đại lý trả lời bằng giọng chản nản:
- Họ keo bẩn lắm, tôi có giới thiệu nhưng vô phương kế để thuyết phục họ. Hơn nữa họ lại còn ghét công ty của chúng ta nữa. Tôi đã thử đủ cách nhưng vô hy vọng.
Ông Josepth nói:
- Mặc dầu vậy, chúng ta cứ thử nữa coi sao!
Thế là Ông Josepth gỏ cửa. Cửa he hé mở, để thò cái mũi của một bà già ra. Bà ấy tên là Drucke. Ông Josepth sau nầy kể lại:
- Khi trông thấy chúng tôi, bà Drucke đóng mạnh cửa lại một cái rầm. Ngay trước mũi chúng tôi.
Tôi lại gõ cửa nữa, bà ta lại hiện ra, nhưng lần nầy để mạt sát chúng tôi và công ty chúng tôi:
- Cái đồ mắt dịch, ai quen biết với các ông mà các ông lại đây, tôi không muốn ai làm phiền tôi cả. Còn về điện đó hả, đụng tới bà thì đừng hòng, bà không thèm một cái gì của công ty các ông hết, đừng có làm phiền bà đó nhá.... 
Theo như Ông Josepth kể lại. Sau khi Nghe bà Druck chưởi một hồi, Ông mới ôn tồn cho bà Drucke hay rằng:
- Thưa bà, tôi ân hận đã làm phiền bà. Tôi lại đây không phải vì để quảng cáo điện, mà chỉ vì muốn mua của bà vài cái trứng gà thôi.
Bà Druck hé cửa rộng thêm một chút nữa, rồi nhìn chúng tôi từ đầu đến chân, với một vẻ nghi ngờ. Ông Josepth nói tiếp:
- Tôi thấy những con gà ấp của bà tốt quá, giống gà Tàu phải không thưa bà? Tôi muốn xin bà bán cho chúng tôi một chục trứng mới.
Nghe có người hỏi về việc mua bán, có lợi, thế là tánh tò mò của bà Druck bị kích thích cho nên đến giây phút nầy Bà Druch mới mở toang cửa ra hỏi:
- Sao ông lại biết gà Tàu?
Ông Josepth nói:
- Chính tôi cũng nuôi gà, và tôi chưa từng thấy gà nào tốt như gà của bà.
Sau khi nói chuyên qua lại Bà Drucke liền tiến hẳn ra ngoài cửa, vẻ mặt dễ chịu hơn. Trong lúc đó tôi ngó chung quanh và thấy một gian nhà làm bơ, phó mát, trông có vẻ sạch sẻ. Tôi liền nói tiếp:
- Tôi dám cá với bà rằng, bầy gà của bà có lời nhiều hơn là số sửa của ông nhà.
Như đúng vào tâm sự của Bà Drucke, thế là Bà ta vinh hảnh tuyên bố rằng:
- Trứng lời hơn là bơ. Nhưng mà ông chồng tôi, ông biết không? Tôi không thể nào nói cho lão cứng cổ và ngu xuân đó nghe được điều gì hết ... Thế là lại một màn bà chưởi cái ông chồng ngu dốt của bà cho mọi người nghe ...
Bà ta mời chúng tôi coi chuồn gà. Tôi thấy bà ta chế ra nhiều đồ rất tài tình và tôi tỏ lời khen. Tôi chỉ cho Bà vài món trộn cho gà ăn và những nhiệt độ không khí có lợi nhất cho gà. Tôi lại nhờ bà bảo cho Tôi vài điều. Rồi chúng tôi trở thành bạn tri kỷ, kể lể tâm sự với nhau. Ðược một lúc, Bà ta nói sang việc có vài người hàng xóm đã cho mắc điện vào chuồng gà, và thấy kết quả mỹ mãn. Bà xin tôi thành thực cho biết ý kiến có nên bắt chước họ không? Không nói chắc mọi người đã biết, câu trả trả lời của tôi là:
- Nên đưa điện vào chuồng gà.
Vì mục đích của tôi tôi đến đây để quảng bá việc xử dụng điện chứ không không phải mua trứng gà. Thế là tôi đà thành công trong việc thuyết phục Bà Drucke xử dụng điện. Sau khi cho điện vào, hai tuần lễ sau, đàn gà Tàu của Bà Drucke cúc cúc và bới đất dưới ánh sáng của đèn điện. Tôi được thêm một khách hàng nữa mà Bà Drucke cũng được nhiều trứng thêm vì gà đẻ nhiều hơn. Cả hai chúng tôi đều hài lòng.
Và một kinh nghiệm khác chúng tôi cũng xin cống hiến đến quý vị rằng là:
- Mới rồi trong tờ New York Time, một hãng nọ có đăng quảng cáo cần một người có tài năng và kinh nghiệm đặc biệt. Ông Richard viết thư xin việc, vài ngày sau nhận được giấy mời. Không để mất một phút, ông tìm cách tìm hiểu tất cả những tài liệu về người sáng lập và ông chủ hảng hiện tại. Và ngày phỏng vấn đã đến, trong khi nói chuyện với ông chủ đó, ông Richard nói:
- Tôi sẽ lấy làm hân hạnh lắm, nếu được giúp việc một hảng có quá khứ rực rở như hảng của ông ... Hình như ông bắt đầu ganh đua trên trường thương mại hồi từ năm 28 tuổi, và vốn chỉ vỏn vẹn có một phòng giấy nhỏ và người giúp việc chỉ có mỗi một thư ký đánh máy. Có phải như vậy không thưa ông?
Chúng ta biết phần nhiều những người thành công, đều thích nhớ lại những khó khăn trong lúc ban đầu. Thì lẽ tất nhiên Ông chủ hảng nầy cũng không ngoài cái thông lệ đó. Quả thật như vậy, Ông chủ hảng đã mở hãng với cái vốn 450 mỹ kim và một ý mới trong đầu. Ông đã thắng hết những nổi thất vọng, những lời châm chọc cay chua, làm việc từ 12 đến 16 giờ một ngày, Chủ Nhật hay ngày lễ cũng vậy. Và bây giờ tất cả những nhà đại tư bản ở New York đều nhờ ông chỉ bảo những kinh nghiệm mà ông đã từng trãi. Ông đắc chí lắm về chỗ có quyền hành như vậy, mà thật tình ông đắc chí là phải, do vậy khi kể lại những chuyện đó ông hoan hỷ vô cùng.
Đáng lý ra ông chủ hảng nọ phỏng vấn ông Richard, nhưng ông Richard đã khéo léo chuyển đổi câu chuyện, thành ra ông là người phỏng vấn ông chủ hảng chớ không phải ông chủ hảng phỏng vấn ông. Kết quả sau cùng ông chủ hảng chỉ hỏi qua loa lý lịch ông Richard rồi mời ông phó hội trưởng lại nói:
- Tôi nghĩ ông Richard sẽ giúp việc cho chúng ta đắc lực.
Ông Richard đã chịu khó kiếm tài liệu về ông chủ mà ông muốn được giúp việc. Như vậy ông tỏ ra rằng ông quan tâm tới ông chủ đó và xí nghiệp của ông ta. Ông lại khuyến khích cho ông chủ nói về cái quá khứ hào hùng, những kinh nghiệm thành công đắc giá . Vì vậy mà ông gây được thiện cảm rất dễ dàng, và cuối cùng ông Richard được việc.
Qua những mẫu chuyện nầy, cho chúng ta bài học một kinh nghiệm lớn là:
- Về trường hợp của ông Great, thì chúng ta nên để người ta nói nhiều về mình hơn là tự mình nói, vì thế mà ông đã thành công.
 - Trường hợp của ông Josepth. Nếu ông Josepth không để cho Bà Druck chưởi cho Ông một trận, và để cho Bà Druck nói cho thỏa thích, thay vì ông Josepth tự tin rằng mắt điện vào nhà là có lợi, thì chắc chắn Ông Josepth sẽ không bao giờ có thêm khách hàng.
- Cũng vậy, nếu Ông Richard không chịu tìm hiểu, và lắng nghe ông chủ hảng lớn của mình thì ông Richard sẽ không bao giờ ông kiếm được một địa vị trong một hảng lớn nọ.
Do đó trong chúng ta, những ai đã thấy được giá trị của sự lắng nghe thì người ấy mới thu hoạch được cái lợi ích của sự lắng nghe. Chúng ta phải biết rằng, trên đời nầy có những người như vậy, họ rất ghét cay ghét đắng những người ép buộc nài nỉ, khi mà họ chưa thấy cái lợi. Do đó cái vấn đề ở đây là chúng ta phải làm sao để cho họ thấy cái lợi, rồi tự họ muốn chứ chúng ta không thể ép buộc. Cũng vậy sự quan hệ trong gia đình cũng tương tự như vậy. Cái móc nối tình thân giữa chồng và vợ là yếu tố quan trọng để tạo dựng một hạnh phúc lâu dài, tuy nhiên có nhiều hoàn cảnh cũng rất là thương tâm để cuối cùng phải chia tay, chỉ vì không ai chịu lắng nghe ai, và cũng không ai có khả năng để thấy được cái tánh tốt và khả năng, cũng như thiện chí tươi mát của người mình thương.
Từ sự thành công của ba mẫu chuyện cho chúng ta cái kinh nghiệm, và chúng ta nên nhớ rằng, người thân cũng như là bạn thân của chúng ta, hay bất những ai cũng vậy, họ thích nói về những tài năng của họ hơn là thích nghe chúng ta kể những tài năng của chúng ta. Ðối với những người bạn thân hay ngoài xã hội chúng ta không thể không biết đến khía cạnh nầy, bởi vì nếu:
- Chúng ta tỏ vẻ hơn bạn thì thì bạn sẽ thành kẻ thù của chúng ta, chịu nhường bạn thì bạn sẽ liên kết với chúng ta.
Thật vậy, khi họ hơn chúng ta, họ muốn tỏ sự quan trọng của họ ra. Trái lại, nếu họ thấy kém ta thì họ sẽ ganh ghét ta. Chuyện đời là như vậy cho nên một câu phương ngôn người Ðức có nói:
- Không có nỗi vui nào hoàn toàn đầy đủ bằng cái niềm vui hiểm ác được thấy kẻ mà trước kia mình thèm muốn địa vị của họ, nay họ trở thành người bị sa cơ lỡ bước.
Thật vậy chắc chắn sẽ có nhiều bạn thân của chúng ta, thấy chúng ta lỡ làng thì họ vui hơn là thấy chúng ta giàu sang, hạnh phúc và sung sướng. Vì lý do nầy mà chúng ta phải nên kín đáo đừng nói đến sự thành công của chúng ta cho mọi người hay, như vậy những người chung quanh chắc chắn sẽ vui lòng.
Chúng ta là người học Phật cũng nên học thái độ khiêm cung, và phải nhũn nhặn vì chúng ta là phàm nhân sống trong thế giới phàm nhân. Trăm năm nữa, tất cả mọi người chúng ta đều không còn nữa, và chẳng ai còn nhớ đến chúng ta cả. Ðời người thật ngắn ngủi. Có rất nhiều việc mà chúng ta cần phải nên làm, thì thời gian đâu mà chúng ta bắt những người chung quanh phải nghe chúng ta kể lễ những đức tính, những khó khăn, cũng như những thành công của chúng ta. Vì thế chúng ta nên để cho họ nói và chúng ta chỉ cần lắng nghe thôi. Mà nghĩ cho kỹ, chúng ta có gì đáng tự hào là chúng ta thông minh, giỏi hơn hay gì gì đó, rồi chúng ta sẽ làm gì được khi mà chúng ta còn phải chịu chi phối trong cuộc sống luân hồi sanh tử nầy. Các bạn có biết:
- Ngu xuẩn và thông minh khác nhau ra sao không?
Không khác biệt nhiều lắm đâu, chỉ hơn kém nhau một chút xíu chất I-ốt trong hạch tuyến giáp trạng của chúng ta mà thôi. Nếu một y sĩ mổ hạch giáp trạng, lấy chất i-ôt trong đó ra thì chúng ta sẽ trở thành ra ngu xuẩn ngay. Chỉ nhờ vài giọt nước I-ốt mà tiệm bào chế nào cũng có bán, cho nên chúng ta khỏi phải sống trong các dưỡng đường cho những kẻ bất thành nhân. Chỉ nhờ có bấy nhiêu thôi:
- Vài giọt I-ôt! Thật chẳng có chi đáng khoe khoang hết.
Nói tóm lại, nếu muốn cho cuộc đời chúng ta an vui tự tại, muốn cho gia đình hạnh phúc, muốn cho con người không còn ghét bỏ, thù hận lẫn nhau, chúng ta nên thực tập lắng nghe, có thực tập lắng nghe chúng ta mới thấy lợi ích sự lắng nghe.
--o0o--