|
TẬP SAN DƯỢC SƯ
-
Tìm Vui Trong Đau Khổ
-
Nguyên Hải
- ---o0o---
-
-
Thiền sư Thiện Hội trong khi thuyết pháp đã nói:
-
- Mục đích quan trọng nhất của người xuất gia là vượt thoát sinh
tử.
-
Lúc đó thiền sinh Vân Phong mới hỏi:
-
- Bạch thầy, tìm sự vượt thoát sinh tử ở đâu?
-
Thiền sư Thiện Hội trả lời:
-
- Tìm ngay ở trong sinh tử.
-
Bảo rằng tìm cái không sinh tử ở ngay trong sinh tử nhiều người đã
có vẻ hoài nghi, nhưng mà sự thật là như vậy. Như chúng ta thấy,
sóng không thể tách rời khỏi nước, và không có nước thì lẽ tất
nhiên là không có sóng. Cũng tương tự như vậy, giải thoát an vui
không thể tách rời khỏi cuộc sống hiện thực của chúng ta, trong đó
có những khổ đau mà chúng ta đã và đang trải qua. Bởi vì giải
thoát an vui cũng không phải từ trên trời rơi xuống đất, mà là
những chất liệu chúng ta tìm ra ngay trong hoàn cảnh đau khổ. Nếu
không có hoàn cảnh đau khổ của chúng ta thì không có an vui giải
thoát. Điều này cho thấy, nguyên tắc duyên khởi và bất nhị của đạo
Phật. Nếu không nhìn vào cuộc đời thực tại với những đau khổ, với
những vấn đề của nó, thì chúng ta không thể tìm ra đạo, không tìm
ra được giải thoát an vui.
-
Cho nên khi nói về tìm vui trong đau khổ, tức là phương pháp hành
trì liên hệ mật thiết đến những khổ đau có thực của chúng ta. Là
người tu chúng ta phải tiếp xúc với đau khổ, không được trốn tránh
đau khổ, phải trực diện với đau khổ. Cũng như hoa sen không có thể
mọc trên đá mà phải mọc trong bùn, đạo giải thoát phát sinh từ
vũng lầy của đau khổ. Cái ghi nhận nầy, cái nhìn nầy gọi là chánh
kiến là một trong tám sự hành trì chân chính, hay còn gọi là bát
chánh đạo.
-
- Kiến là cái nhìn, cái thấy.
-
- Chữ Chánh trong tiếng Hán Việt có nghĩa là thẳng.
-
- Chánh kiến là cái thấy, cái nhận thức xác thật.
-
Trong Tám Chánh Đạo thì chánh kiến được đề cập trước nhất. Bởi vì
phải có chánh kiến mới nhìn rõ rệt về bốn sự thật căn bản. Bốn sự
thật căn bản đó là:
-
- Khổ, tập, diệt và đạo.
-
Tu tập chánh kiến để có cái thấy phản ảnh chân lý tương đối và có
cái thấy phản ảnh chân lý tuyệt đối. Tuy nhiên chúng ta phải ghi
nhớ câu:
-
- Nhị đế dung thông tam muội ấn.
-
Đây câu Kinh được ghi trong nghi thức tụng niệm hàng ngày chúng ta
thường đọc.
-
- Nhị đế có nghĩa là Tục Đế và Chân Đế
-
- Dung có nghĩa là chứa đựng được, có thể bao trùm được, bao dung
lẫn nhau, trong cái nầy có cái kia, trong cái kia có cái nầy.
-
- Thông có nghĩa là cái này truyền với cái kia.
-
Phải thấy được tính cách dung thông của nhị đế trong mỗi giáo lý
củaÕđạo Phật. Nói rằng chánh kiến là cái thấy đúng đắn về Bốn Sự
Thật, nhưng cái thấy tới mức nào mới là đúng đắn? Sự hiểu biết và
nhận thức của chúng ta gần với chân đế nhiều hay ít là tùy theo sự
tu tập của chúng ta. Trong sự tu tập, học hỏi, chúng ta có ba giai
đoạn: văn, tư, tu.
-
- Văn tức là nghe giảng, đọc sách, nghe giáo lý, học giáo lý, pháp
đàm về giáo lý.
-
- Tư là dùng trí thông minh, kinh nghiệm của mình mà chiêm nghiệm.
Không vâng tin theo một cách ngây thơ những gì mình nghe, mình
học.
-
- Tu là đem ra thực tập.
-
Thực tập bằng tụng kinh, niệm Phật, thiền hành, thiền tọa, ăn cơm,
im lặng, làm việc, nói năng ... Thực tập để có cơ hội xét nghiệm
lại, để có thể chuyển đổi tự thân cho sâu sắc hơn, đứng đắn hơn,
vững vàng hơn. Đó gọi là quá trình văn, tư, tu. Văn, tư, tu luôn
luôn bắt đầu bằng tục đế, tức là bằng sự thật thông thường, có thể
dùng óc suy luận, có thể dùng khái niệm và ngôn ngữ để diễn bày,
để chuyên chở. Càng tu tập bao nhiêu thì chúng ta càng có kinh
nghiệm trực tiếp bấy nhiêu, và dần dần chúng ta không còn bị trói
buộc bởi những danh từ và khái niệm nữa, nghĩa là bước sang lãnh
vực chân đế.
-
Trong bước đầu văn, tư và tu, tuy rằng chúng ta đang ở trong tục
đế nhưng sự tu tập đã hàm chứa chân đế rồi. Và khi đạt tới sự
chứng ngộ, có được cái thấy tuyệt đối. thì chúng ta biết rằng sự
chứng ngộ đó có chứa đựng tất cả các hạt giống, những thành quả đã
đi qua từ những bước đầu tu tập. Nói như vậy để nhắc lại một lần
nữa quy tắc Nhị đế dung thông, hai loại chân lý không chống đối
nhau. Cho nên, cái hiểu và cái biết của chúng ta về Bốn Sự Thật dù
còn nhỏ bé tới đâu, dù chưa đúng hẳn với lời Phật dạy, nhưng trong
đó đã có hạt giống của chân đế.
-
Để cho rõ tầm quan trọng của chánh kiến, trong Kinh thỉnh thoảng
Phật và các thầy có nói tới thế nào là chánh kiến. Sự diễn tả
chánh kiến luôn luôn bắt đầu ở trình độ dễ dàng để mọi người có
thể hiểu được. Ví dụ như nói chánh kiến là:
-
- Cái thấy về thiện, ác, về nhân quả. Gieo đậu sẽ được đậu, làm
lành thì sẽ có phúc, làm dữ thì sẽ bị tai họa .. v.v..
-
Tất cả đều thuộc về chánh kiến. Tất cả mọi người đều cần những ý
niệm sơ khởi như vậy thì mới biết đường đi. Như niềm tin nơi Phật,
một bậc giác ngộ; niềm tin nơi Pháp, con đường giải thoát và niềm
tin nơi Tăng, đoàn thể tu tập ... Đó là chánh kiến. Tin rằng có
thể chuyển hóa đau khổ, rằng có những bậc A la hán, nhờ tu tập mà
đã thoát được những phiền não và sinh tử luân hồi những điều đó
đều thuộc về chánh kiến. Hễ lời nói nào, ý niệm nào mà chứa đựng
được một hạt chân lý của Phật pháp trong đó là có chứa đựng ít
nhiều chánh kiến rồi, dầu chưa phải cái thấy tuyệt đối.
-
Chúng ta hãy đọc một đoạn trong Kinh Thánh Đạo dạy như thế nầy:
-
- Có bố thí, có cúng dường, có cha có mẹ, có các loài hóa sanh, có
các vị sa môn, bà la môn, có người tu học thành công, có sự tu
hành để chứng đạt được trong đời này.
-
Đó là một cách trình bày chánh kiến để mọi người thấy và có đức
tin. Với đức tin, người ta sẽ đi theo con đường chuyển hóa, bỏ
những hành động sai lầm gây khổ đau, bắt đầu tạo an lạc và hạnh
phúc. Nhưng chánh kiến trước hết là thấy bốn sự thật mầu nhiệm,
tại vì đó là căn bản của Phật pháp. Mà thấy được bốn sự thật cho
rõ ràng thì điều này không phải là chuyện dễ. Công nhận sự thật về
khổ, tập, diệt và đạo, tức là chấp nhận tứ diệu đế. Nhưng chúng ta
cần có công phu học hỏi, tư duy và công phu thực tập rất nhiều mới
có thể có được cái nhìn sâu sắc và vững chãi về tứ diệu đế. Sau
đây chúng ta thử tập chiêm nghiệm để có một cái thấy về tứ diệu
đế.
-
Chúng ta biết rằng con đường thoát khổ mà chúng ta tìm, con đường
đưa tới sự an lạc mà chúng ta tìm, chúng ta phải tìm ngay ở trong
cái khổ. Đó là nguyên tắc thực tập, phải trực tiếp đối diện với
khổ. Cái khổ:
-
- Có thể là nỗi sợ hãi,
-
- Có thể là niềm lo âu,
-
- Có thể là nổi bất an.
-
- Có thể là mối hận thù, giận dữ, là buồn rầu, chán nản hay tuyệt
vọng.
-
Do vậy chúng ta phải trở về tiếp xúc và tìm hiểu những nỗi khổ đó
với tất cả sự can đảm của mình. Chúng ta quán chiếu sâu xa vào nó.
Nếu không làm được chuyện đó thì không dễ gì chúng ta thấy được sự
an vui giải thoát
-
Khi quán chiếu về khổ, trước hết chúng ta thấy một sự thật là
nhiều người đang khổ mà không biết là mình khổ. Họ luôn luôn tìm
cách trốn chạy, tìm cách lãng quên cái khổ của họ.
-
Nhiều người mang một niềm thất vọng, một nỗi đau khổ quá sâu kín
trong lòng mà không tự biết. Họ chỉ cảm thấy không an lạc, cảm
thấy không muốn đối diện với chính mình. Vì thế họ tìm sự quên
lãng, vùi lấp đời họ trong những quán rượu, vũ trường, bài bạc,
hay chôn nỗi khổ của mình trong những phim video ..v.v.. Thấy được
đều đó cho nên Đức Phật dạy rằng:
-
- Cái khổ của con lạc đà hay con lừa phải chở hành lý nặng nề trên
lưng, cái đó chưa phải là khổ. Ngu si không biết mình là khổ,
không biết có đường đi thoát khổ, đó mới là cái khổ thật.
-
Đó là tình trạng của người không tu, không biết tu. Bắt đầu vào
con đường văn, tư, tu là chúng ta nhận diện cái khổ, quán chiếu
cái khổ, gọi tên cái khổ của mình mà không còn sợ hãi nữa. Và nhờ
đó chúng ta thấy được bản chất của cái khổ, thấy được nguyên nhân
của khổ, thấy được cần phải diệt khổ và thấy được phương pháp dùng
để diệt khổ.
-
Thấy nguyên nhân của khổ tức là thấy được những gốc rễ gần xa,
nguyên do của cái khổ. Chúng ta đã sống như thế nào, đã ăn uống
như thế nào, đã sống đời sống cá nhân và xã hội của chúng ta như
thế nào? Chúng ta nhận diện cái khổ, gọi tên nó, quán chiếu và
thấy được bản chất của nó. Và khi thấy được bản chất của khổ thì
ta sẽ thấy nguyên nhân sanh ra. Những nguyên nhân có thể là do xa
gần, trong quá khứ và trong hiện tại. Cái thấy đó chỉ có thể đạt
được bằng sự chiêm nghiệm. Chúng ta có những phương pháp để quán
chiếu. Chúng ta cần sự yên lặng, cần có thì giờ, chúng ta cần tu
hành, chúng ta cần bạn tu để giúp đỡ, chúng ta cần thầy để hướng
dẫn. Chúng ta phải can đảm tiếp xúc với cái đau khổ của mình. Phải
tìm ra những nguyên nhân của khổ đau hàng ngày. Như vậy, không
những chúng ta thấy được nguyên nhân của đau khổ, mà chúng ta còn
thấy được lý do phải diệt khổ nữa.
-
Diệt khổ, nghĩa là sự vắng mặt của khổ. Hôm nay cái khổ có mặt
cũng có nghĩa là ngày hôm qua, hay trong quá khứ, nó đã từng không
có mặt. Nếu chúng ta biết chuyển hóa thì ngày mai nó có thể cũng
không còn có mặt nữa. Đó là sự ước ao của chúng ta. Diệt tức là
khổ không còn nữa, có nghĩa là an lạc, hạnh phúc. Chúng ta thấy là
ngày xưa có những trạng thái vô tư, an lạc, có sức khoẻ, nhưng
chúng ta đã không biết quý, không biết hưởng và không biết bảo hộ.
-
Tìm vui trong đau khổ là thực tập diệt khổ, trước hết là tiếp xúc
với cái hạnh phúc bình thường trước khi nó mất. Ví dụ như chúng ta
có người bạn đường rất dễ thương mà không biết đó là hạnh phúc nên
không hưởng niềm vui hạnh phúc, khi người bạn đường chia tay rồi
thì thấy khổ. Vì vậy khi nhìn vào khổ thì thấy được thế nào là
diệt. Thấy tập rồi là thấy diệt. Có người bạn đường tốt tượng
trưng cho biết bao nhiêu là an lạc mà mình đã dẫm đạp, đã tàn phá
bằng sự quên lãng và dại khờ của mình. Khi hai chân mình đang còn
khoẻ, còn chạy được, còn đi được thì mình không biết hưởng, mình
không có hạnh phúc. Đến lúc già yếu, chân đi không vững, mình mới
thấy rằng có hai chân khoẻ là hạnh phúc lớn.
-
Tình trạng khổ mà không biết là mình khổ cũng tương tự như tình
trạng diệt, có yên vui mà không biết là mình yên vui. Đó là vì
chúng ta không có khả năng tiếp xúc với hạnh phúc. Có hai con mắt
mở ra để thấy trời xanh, nhưng chúng ta không biết rằng đó là hạnh
phúc. Có hai bàn tay đẹp mà không biết vận dụng bàn tay đẹp để làm
việc có ý nghĩa, đến khi không còn vận dụng được nữa thì mới thấy
là mình khờ dại. Khi khổ đau mà quán chiếu cái khổ và tiếp xúc với
cái khổ, chúng ta thấy được cái diệt.
-
Trong một ngày, nếu thực tập quán chiếu bằng chánh niệm, chúng ta
sẽ thấy mình có sẵn rất nhiều điều kiện của hạnh phúc ngay trong
đau khổ hiện tại. Nhưng vì không tu tập chánh niệm, chúng ta tự
dẫm đạp lên trên những điều kiện hạnh phúc. Sống trong một tâm
trạng chán nản rồi để cho tâm trạng đó làm cho chúng ta không còn
khả năng tiếp xúc được với bất cứ sự mầu nhiệm nào trong đời sống
hiện tại.
-
Chúng ta có thể nhận ra rằng cái khổ bắt nguồn từ sự quên lãng và
những tri giác sai lầm. Quên lãng tức là không có chánh niệm. Khi
ganh tị, khi giận hờn, chúng ta khổ đau. Mà những ganh tị và giận
hờn đó bắt nguồn từ vọng tưởng. Có thể người khác không có chủ ý
làm khổ, nhưng chúng ta cứ nghĩ rằng người ấy có chủ ý. Nếu thấy
nguyên do đó không đáng cho ta khổ, thì cái khổ tan biến, và tự
nhiên chúng ta có nụ cười và an lạc.
-
Đạo, là con đường chánh niệm phá tan quên lãng, là con đường chánh
kiến phá tan vọng tưởng. Cái khổ của chúng ta vốn chứa hạnh phúc
trong tự thân của nó, nhưng vì cách nhìn sai lầm cho nên chúng ta
không thấy hạnh phúc. Hạnh phúc của mình, chính mình vứt bỏ nó chớ
không ai có quyền bỏ cả . Biết bao nhiêu thanh thiếu niên đã dại
dột như vậy. Trong một cơn giận dữ, trong một phút đam mê, họ
không còn nhìn thấy được hạnh phúc lớn lao sẵn có, và họ tự chấm
dứt đời họ mà qua đó câu sự kiện vừa mới xảy ra trong siêu thị:
-
Sự kiện bắt đầu từ một Việt Kiều ở Úc Châu về thăm quê nhà, cô ta
đi mua sắm trong một siêu thị có tầm vóc quốc tế. Tại đây các nhân
viên đã yêu cầu cô Việt Kiều Úc cởi áo khoát cất vào tủ. Tuy nhiên
vì tủ không còn chỗ máng áo, cho nên cô Việt Kiều Úc không bằng
lòng cởi chiếc áo đẹp của mình để hớ hỉnh bên ngoài. Thế là cuộc
cải vã bắt đầu:
-
- Áo của tôi là áo đắt tiền, tôi không muốn để bên ngoài vì sẽ lẫn
lộn với những chiếc áo khác của siêu thị.
-
Nghe cô Việt Kiều Úc nói thế, các nhân viên trong siêu thị, không
phải chỉ có một mà là nhiều nhân viên xúm lại trả đủa:
-
- Áo chị là áo dỏm, trong siêu nầy có nhiều chiếc áo đẹp và đắt
tiền hơn nhiều.
-
Cô Việt Kiều Úc thấy mình thất thế, nên gọi điện thoại nhờ người
quen đến trợ giúp. Từ việc cải cọ lý lẽ áo quần tốt xấu, dẫn đến
động thủ ấu đả. Kết cuộc người quen cô Việt Kiều Úc đã dùng dao
đâm nhiều nhân viên siêu thị. Một chết tại chỗ, ba người nằm bệnh
viện, và người quen của cô việt Kiều Úc, và chính bản thân cô ta
cũng đi tù. Như vậy, cái mà chúng ta gọi là khổ có thể đang chứa
đựng cái không khổ, cái mà chúng ta cho là không khổ có thể chứa
đựng cái. Nếu ý thực chúng ta chỉ cần một thực tập nho nhỏ là có
thể tự chuyển hóa, khôi phục được tình trạng không khổ.
-
Phương pháp khôi phục đôi khi rất đơn giản. Khổ hay an vui đều tùy
theo cách chúng ta nhìn. Một người bạn tu là một người có thể giúp
chúng ta nhìn lại và thấy được những gì chúng ta chưa thấy. Quán
chiếu trực tiếp vào cái khổ chúng ta thấy ở trong khổ có tập, có
diệt và có đạo. Có người tưởng rằng đạo phải do thầy dạy, phải
được học trong Kinh. Tuy nhiên nếu chúng ta biết nhìn sâu vào
trong nỗi đau khổ thì chúng ta đã có thể thấy đạo rồi.
-
Đức Phật cũng làm như vậy. Ngài chỉ quán chiếu cái khổ của mình mà
tìm ra con đường và Ngài đã dạy chúng ta. Chúng ta cũng phải nhìn
vào sự thật khổ đau, không nên tìm cách quên lãng, trốn chạy, che
dấu, xô đẩy, chống đối lại khổ đau. Chỉ có cách tìm vui trong đau
khổ, thì khổ đau mới giúp chúng ta tìm ra được những nguyên do
khiến cho chúng ta không hạnh phúc, rồi sau đó tìm ra con đường
chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc. Một cái chứa đựng tất cả các
cái khác.
-
Trong quá trình tìm vui trong đau khổ, nhận diện và gọi tên như
vậy, chúng ta thấy được bản chất của khổ. Nhờ chúng ta nhìn thấy
an vui trong khổ, tự nhiên khổ sẽ giảm bớt, các nguyên do tạo
thành tự ngưng, thì đạo hiện ra. Thí dụ thấy do vì uống rượu mà
đau gan thì chúng ta sẽ tự ngưng uống rượu. Thấy phổi yếu vì hút
thuốc ta tự ngưng hút thuốc. Quá trình tu tập đó là văn, tư và tu.
-
Khi mức chuyển hóa đã cao, thì cái khổ trước đây bây giờ không còn
là khổ nữa. Những cái gọi là già, bệnh, chết, hay giận, buồn,
ghen, không làm cho chúng ta sợ hãi nữa. Quán chiếu sâu xa hơn,
chúng ta sẽ thấy rằng những cái gọi là sanh và diệt chỉ là những ý
niệm trong đầu. Không có sanh cũng không có diệt, chỉ có sự biểu
hiện và sự ẩn tàng. Cho nên những cái mà thế gian gọi là khổ đã
được Phật và các vị bồ tát cho là lý đương nhiên. Một chiếc lá
sanh ra, lớn lên, ve vẩy trên cành rồi rụng xuống, đó là chuyện
thường. Những lúc tuyết rơi làm trắng xoá cả sơn hà đại địa rất
đẹp nhưng cũng rất lạnh, xong rồi tuyết tan. Chuyện chúng ta sinh
ra, lớn lên, già và chết, cũng là chuyện thường như một chiếc lá,
như những trận tuyết rơi. Nhìn sanh, già, bệnh, chết với con mắt
bình thản, chúng ta sẽ không lo sợ.
-
Các vị bồ tát dạo chơi trong biển sinh tử để cứu người. Nơi chúng
ta gọi là biển khổ thì chính là môi trường hành đạo của họ. Họ
không còn bị những đợt sóng:
-
- Còn, mất, được thua, vui buồn, tử sinh vùi dập.
-
Đó là ý nghĩa cao nhất trong việc tìm vui trong đau khổ.
-
Ranh giới giữa khổ và diệt, giữa khổ và vui đã mất đi. Chính bằng
chất liệu khổ mà chúng ta tạo ra an lạc, bằng phân rác mà chúng ta
tạo ra được bông hoa. Phiền não tức bồ đề là ngôn ngữ siêu việt
khổ vui. Chúng ta biết rằng cái khổ mà chúng ta thấy là ngược với
cái vui, nhưng sau một thời gian tu tập và quán chiếu sâu sắc, khổ
vui sẽ hổ tương cho nhau. Sau khi vượt ra, không còn sợ hãi và
trốn chạy cái khổ, không còn mê đắm trong cái vui tương đối. Chúng
ta sẽ đạt tới niềm vui chân thật và vô lậu, đó là niết bàn. Giai
đoạn quán chiếu khổ và tập tuy còn là trong cõi hữu lậu nhưng giai
đoạn đó đã chứa đựng những hạt giống của vô lậu.
-
Hàng ngày những ý tưởng, lời nói và hành động của chúng ta có thể
đang nuôi dưỡng cái khổ mà chúng ta không biết. Bây giờ tu học,
chúng ta phải nhận diện, quán chiếu, thấy được những điều chúng ta
đã làm và đã nói thường gây đổ vỡ trong đời sống hàng ngày. Phật
dạy nhiều phương pháp giúp chúng ta nhìn thấy bản chất của khổ,
thấy được bản chất của không khổ tức là hạnh phúc. Nếu làm đúng
phương pháp Phật dạy, nếu chuyển hóa thành công, chúng ta sẽ phát
khởi được cái nhìn phóng khoáng hơn, lúc đó chúng ta sẽ không còn
kẹt vào các khái niệm khổ, vui nữa.
-
Chứng đạo rồi chúng ta không còn chấp trước nữa, dù cả vào sự tu
tập. Trong cửa thiền thường gọi là:
-
- Chúng ta đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì nghỉ mà khi làm theo
điều mong muốn, chúng ta không gây đau khổ cho chính chúng ta và
cho người.
-
Nhiều người trong chúng ta sống có hạnh phúc, an lành và thảnh
thơi mà không tự biết. Trước khi bị khổ đau trấn ngự, chúng ta đã
có tình trạng không khổ, nhưng không biết quý. Vì dại dột, chúng
ta có thể tự phá hoại hạnh phúc tự nhiên sẵn có. Nguyên do là
chúng ta sống không chánh niệm, thiếu thầy, thiếu bạn để chỉ cho
chúng ta thấy hạnh phúc đang có. Những điều kiện hạnh phúc có thể
đang có mặt trong chúng ta và xung quanh, nhưng chúng ta không có
khả năng tiếp xúc để sống hạnh phúc.
-
Tu tập cũng là quán chiếu để nhận diện hạnh phúc bằng những bài
thực tập chánh niệm. Chẳng hạn như đang làm chúng ta biết mình
đang làm. Đang niệm Kinh chúng ta biết mình đang niệm Kinh. Đó là
một trong những bài tập giúp ta tiếp xúc được với những điều kiện
hạnh phúc đang có của mình. Chúng ta là người đã tiếp nhận nhiều
điều kiện hạnh phúc từ cha, mẹ, ông, bà, tổ tiên và trời đất nhưng
lại đã không biết thừa hưởng kho tàng hạnh phúc đó. Kinh gọi đó là
người cùng tử. Đây là một điển tích trong Kinh Pháp Hoa ....
-
Trong lúc quán chiếu như vậy chúng ta thấy ngay trong lúc không
khổ cũng đã có sẵn mầm khổ. Cách sống hàng ngày của chúng ta có
thể tiêu diệt hạnh phúc của ta và tạo ra khổ đau. Khi quán chiếu
rõ ràng thì ta thấy khổ đau nằm sẵn trong ấy. Và khi thấy điều đó,
ta thấy được đạo.
-
Phật dạy phép an trú trong hiện tại, tức là sống tỉnh thức trong
từng giây phút, biết quý trọng từng giây phút của đời sống. Con
đường rõ ràng như vậy, chỉ có điều chúng ta thực tập hay không mà
thôi. Nghe Phật dạy chúng ta biết là hay lắm, cần đem ra rao giảng
cho thế gian, nhưng chính chúng ta lại không chịu học hành. Bây
giờ đây chúng ta phải quyết chí thực tập chứ không nói lý thuyết
suông, đó gọi là hạ thủ công phu. Thiền hành mỗi ngày, tụng kinh
mỗi ngày, thực tập mỉm cười và hơi thở ý thức mỗi ngày, và tập
nhìn mọi người bằng con mắt hiểu và thương. Chúng ta có làm gì, và
như thế nào đi nữa cũng phải có hạnh phúc ngay trong khi chúng ta
đã và đang làm việc đó. Đó là công phu. Trong khi làm việc chúng
ta phải quan niệm:
-
- Phải an lạc trong khi làm việc
-
Khi có sự suy tư như vậy, chúng ta sẽ không còn xem lúc làm việc
là những công tác nặng nhọc và muốn làm cho xong thì tự nhiên sẽ
tạo ra một niềm vui trong đời sống hàng ngày.
-
Ngoài việc thực tập trong cuộc sống cá nhân, chúng ta còn thực tập
trong đời sống chung với mọi người. Chẳng hạn như chỉ vì xung khắc
mà hai người cùng đau khổ. Chúng ta có cơ hội thực tập để làm giảm
bớt khổ đau:
-
- Cách thứ nhất là cả hai người cùng thực tập. Hai người đều quán
chiếu, hai người đều dùng mắt thương nhìn cuộc đời.
-
- Cách thứ hai là người này thực tập nếu người kia không thực tập.
-
Khi ta thực tập và nhìn người kia bằng con mắt từ bi thì không
những ta thay đổi mà người đó cũng sẽ thay đổi. Nhiều khi chúng ta
không cần hai người mới làm được, một mình chúng ta cũng có thể
làm được rồi. Trong tự tâm ta có thể hoà giải, chúng ta tự bắt đầu
trước, và sự chuyển hóa sâu xa và chân thật của ta sẽ đưa tới sự
chuyển hóa của người kia. Thành ta lúc nào ta cũng có nhiều cách
để tạo niềm thông cảm. Bất cứ tình trạng nào cũng không phải là
một tình trạng tuyệt vọng. Xung quanh ta, bất cứ một lời kinh, một
tiếng mõ, một tiếng chuông, một bước chân nào cũng nhắc rằng chúng
ta có nhiều cơ hội để thực tập. Hạ thủ công phu là việc chúng ta
có thể làm được và có thể làm ngay. Chúng ta có thể thành công
trong mấy phút đồng hồ, chứ không hẳn phải chờ ngày này sang ngày
khác.
-
Nếu chúng ta biết thay đổi cách nhìn thì tự nhiên biển khổ cuộc
đời sẽ tiêu tan. Mắt thương nhìn cuộc đời là một phương pháp rất
mầu nhiệm. Chính chúng ta có thể thay đổi được tình trạng, cho nên
đừng nói rằng nếu người kia không thay đổi thì chúng ta làm sao
thay đổi. Phương pháp tu tập này là tiếp xúc với an lạc và tạo tác
niềm vui trong mỗi giây phút của cuộc đời. Đây là thực tập hiện
tại lạc trú, thực tập phép lạ. Phép lạ là biết chúng ta đang sống.
Phép lạ ấy, chúng ta có thể thực hiện trong từng giây phút để nuôi
dưỡng và chuyển hóa, để an lạc tăng trưởng, và để thấy đạo. Đạo
không phải chỉ được thấy nhờ học Kinh và nghe giảng mà nhờ thực
tập. Càng thực tập chúng ta càng thấy rõ đạo. Theo công phu tu tập
này, những niềm vui hời hợt và giả tạo sẽ được chuyển hóa thành
những niềm vui đích thật và sâu sắc.
-
Nói tóm lại, tuy biết rằng cái gì cũng vô thường, cái gì cũng thay
đổi, nên chúng ta không còn sợ hãi, vì chúng ta đã biết cách tạo
niềm vui. Thực tập như vậy, chúng ta sẽ đạt tới mức độ vững chãi,
sẽ không sợ hãi vô thường, sợ hãi thay đổi, đó là tự do, là không
vướng bận. Không phải chờ tới một trình độ cao nào đó chúng ta mới
đạt được vững chãi và thảnh thơi. Công trình tu tập càng ngày liên
tục đem lại cho chúng ta thảnh thơi. Cho đến khi đạt tới sự vững
chãi và thảnh thơi vượt lên trên những khổ vui thông tục là chúng
ta đã tìm được niềm vui trong đau khổ thì có niết bàn. Niềm vui
lớn này, chúng ta không thể diễn tả bằng lời nói được nữa, vì nó
đã vượt ra khỏi ngôn ngữ của thế tục.
-
Tìm vui trong đau khổ, niềm vui lớn này lớn lắm. Chư Phật và các
vị bồ tát đã thực chứng được. Các Ngài có thể gật đầu xác nhận
rằng niềm vui đó có mặt, nếu chúng ta muốn hưởng trọn hạnh phúc
chính chúng ta phải tự tìm lối vào. Không có ngữ ngôn nào có thể
diễn tả được niềm vui lớn, sự vững chãi và thảnh thơi của người đã
đạt tới cái niềm vui lớn. Không những ngôn ngữ không chuyên chở
được mà các ý niệm cũng không chuyên chở được. Không suy tưởng
được, không khái niệm được, vì nó không thuộc về lãnh vực của tư
tưởng nữa.
--o0o--
|
|