|
- Thư Viện Chùa Dược Sư
- PHẬT HỌC CƠ BẢN
-
LỜI KHAI ĐẠO GIỚI
- CỦA
HÒA THƯỢNG TUYÊN LUẬT SƯ
-
THƯỢNG THIỆN HẠ SIÊU
-
Vào ngày 11-3 Qúy Dậu
-
-
NAM MÔ BỒN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
-
Các giới tử thân mến,
-
Các vị có nghĩ rằng, hiện chúng ta đang ở đây không? Các vị có
nghĩ rằng, ta đang sắp sửa làm gì không? Đây không phải là một
đại trai đàn làm chay, đây không phải là nơi hội hợp thường lệ,
mà đây là Đại Giới Đàn Thiện Hòa và các vị đến đây để chuẩn bị
lãnh thọ giới pháp của Phật. Đó là một điều hết sức quan trọng
với Phật Pháp, là một người xuất gia như các vị đã biết, không
phải chỉ ra khỏi nhà thế gian đến ở chùa là đủ, nếu ra khỏi nhà
thế gian đến ở Chùa là đủ, nếu ra khỏi nhàthế gian đến Chùa ở
thì chỉ là mới xuất được thế tục gia. Còn hai điều quan trọng
khác là xuất phiền não gia và xuất tam giới gia chưa thành tựu
được, mà chưa thành tựu hai điều sau thì điều xuất gia trước
không có công đức bao nhiêu, không có giá trị bao nhiêu. Bởi vì
có bao nhiêu người, dẫu người ta không phải đầu tròn áo vuông
nhưng họ có thể bỏ nhà đến ở Chùa công quả được, nếu như theo
hình thức các vị đó, cũng có thể gọi là xuất gia được. Nhưng
mà đó chỉ là xuất thế tục gia mà thôi. Cho nên muốn xuất phiền
não gia, xuất tam giới gia thì phải bước thêm một bước nữa, đó
là phải thọ giới Pháp của Phật.
-
Là một người Phật tử, dù tại gia hay xuất gia có hai điều cơ
bản, thành tựu được hai điều cơ bản này thì mới thành tựu được
một người Phật tử tại gia hay xuất gia, đó là chánh kiến và tịnh
giới. Người tại gia thọ trì tam quy, tin Phật, tin Pháp, tin
Tăng một cách đúng đắn sâu sắc, bền vững, kiên cố đó là thành
tựu Chánh kiến. Một người Phật tử tại gia sau khi đã quy y Tam
Bảo và thọ trì Ngũ giới, giữ gìn theo năm điều luật giới tại gia
của Phật chế, đó là thành tựu được Tịnh giới. Một người Phật tử
tại gia thành tựu được Chánh kiến, thành tựu được tịnh giới thì
mới gọi là đệ tử của Phật, nếu không thành tựu được hai điều đó,
dẫu xưng là Phật tử cũng chưa phải là Phật tử đúng đắn, đúng
danh nghĩa. Tại gia đã vậy, thì xuất gia cũng vậy, cũng có hai
điều căn bản đó là thành tựu được Chánh kiến và thành tựu được
Tịnh giới. Thành tựu Chánh kiến thì người xuất gia, tại gia
điều y như nhau, cũng lấy Tam Bảo làm Thầy, tôn thờ Phật, tôn
thờ Pháp, tôn thờ Tăng là lý tưởng cao cả của đời mình. Nhắm
vào đó, hướng vào đó làm mục đích để bước tới, đó là thành tựu
Chánh kiến. Nhưng mà còn phải thành tựu được Tịnh giới nữa, nếu
không thành tựu được Tịnh giới thì người xuất gia cũng không làm
tròn được bổn phận của người xuất gia. Giới tại gia chỉ có 5
giới, giới xuất gia Sa Di 10 giới, Tỳ Kheo 250 giới, Tỳ Kheo Di
350 giới, đó là những giới Pháp mà Phật đã quy định cho người đệ
tử của Phật, khi muốn bước chân vào làm đệ tử của Phật trong
hàng xuất gia. Cho nên thành tựu giới Pháp Tịnh giới thì thành
tựu được điều kiện quan trọng thứ 2 để thành tựu được một người
xuất gia. Ngay hôm nay, các vị ở Chùa nhiều ngày, nhiều năm,
nhiều tháng tức các vị đã thành tựu được cái xuất thế tục gia.
Nhưng hôm nay các vị bước lên một bước nữa để thọ trì giới Pháp
của Phật, mong thành tựu được xuất phiền não gia và Tam giới
gia, bấy giờ mới trọn vẹn được chí nguyện xuất gia của mình.
Cho nên giờ phút này, giờ phút sắp đến đây là giờ phút hết xuất
quan trọng đối với đời xuất gia của các vị, cũng như hết sức
quan trọng đối với Phật Pháp. Nếu các vị không thọ giới tức các
vị không hoàn thành được một vị Sa Di, không hoàn thành được một
vị Tỳ Kheo, tự mình không hoàn thành Sa Di không hoàn thành Tỳ
Kheo thì không thể gọi là xuất gia, mà đã là không hoàn thành
được người xuất gia thì không thể nào đảm đương Phật Pháp thì
bấy giờ Phật Pháp cũng không thể tồn tại được, cho nên sự thọ
giới này chẳng những quan trọng đối với Phật Pháp. Như trong
giới, trong luật Đức Phật đã dạy: khi nào ở đâu mà có 10 Thầy
truyền thọ giới Pháp, có người thọ giới Pháp, hoặc có 5 Thầy
cùng nhau truyền thọ giới Pháp, có người thọ giới Pháp và giữ
gìn giới Pháp thì bấy giờ Phật Pháp được tồn tại (Tỳ Ni Pháp
trụ, Phật Pháp Diệt Trụ). Hễ mà Tỳ Ni Tạng còn đương trụ nghĩa
là còn có người thọ giới, truyền giới và còn có người giữ giới,
tức nhiên giới luật còn, mà giới luật còn tức nhiên Phật Pháp
còn, cho nên việc thọ giới là một việc hết sức quan trọng, quan
trọng cho mình, quan trọng cho Phật Pháp. Vì vậy, trong giờ
phút này các vị nên xét lại tâm nguyện của mình, phát một lòng
chí thành chí kính hết sức, xả hơi tất cả, bỏ hết tất cả, quên
hết tất cả những gì vướng bận đến việc xuất gia và hành đạo giải
thoát. Các vị hãy đem một lòng hết sức thanh tịnh, trang
nghiêm và cung kính để rồi đây các vị lãnh thọ giới Pháp. Tâm
của các vị được như vậy, thì giới Pháp, giới thể mới thành tựu
trọn vẹn viên mãn ở nơi các vị. Ngược lại tâm các vị không được
như thế, không được chí thành, và không được thấy đây là một
điều quan trọng cho cá nhân xuất gia của mình, một điều quan
trọng đối với Phật Pháp, thì bấy giờ dẫu có ở trước Thập Sư, dạ,
thưa cũng không làm sao trọn được giới thể vào nơi các vị.
-
Cho nên trước khi các vị đăng đàn lãnh thọ giới pháp, các vị hãy
gạn lọc tâm tư, xét lại lòng mình, phát một lòng hết sức dõng
mãnh, hết sức tinh tấn và quí báu đối với giới pháp thì lúc bấy
giờ giới thể của các vị mới lãnh thọ được viên mãn. Vì sao phải
lãnh thọ giới pháp? Đức Phật dạy: Giới luật của Phật có những
công đức hết sức lớn lao, trong luật Đức Phật đã nêu lên 10 điều
lợi ích của một giới Phật. Khi Phật chế mỗi giới nào thì Ngài
đều nêu lên 10 điều ích lợi đó, để cho các đệ tử thấy rằng, giới
của Phật chế không phải là chế suông, là không có ý nghĩa, nhưng
mỗi giới Phật chế rất có ý nghĩa, rất có lợi ích cho người nào
phát tâm muốn thọ trì.
-
Mười điều đó là gì? Theo trong luật gọi là 10 cú nghĩa. Mỗi cú
nghĩa tức là 10 điều ích lợi của mỗi giới luật. Khi Phật chế
mỗi giới luật Ngài điều nêu lên 10 điều đó, để cho các người thọ
giới biết rõ giới luật của mình thọ có sự quý báu lợi lạc như
vậy. Chứ không phải một điều vui, một điều hời hợt nói suông.
-
Điều lợi ích thứ nhất:
-
"Nhiếp thụ ư Tăng" (ghép vào hàng Tăng). Có thọ trì giới Phật
thì mới được nhiếp thụ vào nơi Tăng đoàn của Phật, có thọ trì
giới luật thì mới được Tăng Đoàn của Phật nhiếp trì cho, cho nên
điều lợi ích thứ nhất là "Nhiếp thụ ư Tăng". Nếu người ở Chùa
10 năm, 20 năm mà không thọ giới thì vẫn là một người cư sĩ,
hoặc thọ giới Sa Di, chứ không thể gọi là Tỳ Kheo được. Khi nào
có thọ giới Tỳ Kheo thì mới được nhiếp thuộc vào Tăng Đoàn của
Phật, mới nhập vào Tăng số để trở thành một trong ba ngôi Tăng
Bảo, trở thành một vị trong chúng Trung Tôn. Cho nên giới Pháp
chính là dắt dẫn ta đi vào Tăng Đoàn, đi vào ngôi vị chúng Trung
Tôn, nếu không thọ giới Pháp thì mặc dù có cạo đầu, mặc áo đi
chăng nữa, cũng không đi vào Tăng Đoàn, không thuộc vào chúng
Trung Tâm được. Cho nên điều ích lợi thứ nhất của giới Pháp làm
cho người xuất gia thọ giới được nhiếp thụ ư Tăng. Đó là điều
lợi ích thứ nhất.
-
Điều lợi ích thứ hai:
-
"Linh Tăng hoan hỷ" (làm cho chúng Tăng hoan hỷ). Nghĩa là mỗi
điều giới luật của Phật chế ra, khiến cho người thọ trì được
hoan hỷ. Khi một người thọ giới, người khác thọ giới, tuy đã
thọ giới Tỳ Kheo của Phật rồi, dẫu là người thọ giới 1 năm, 2
năm, 3 năm, cho đến thọ giới 80 năm đi nữa, thì người thọ giới
80 năm cũng như thọ giới lần đầu, đều có một tâm thể giống như
nhau. Cho nên mỗi lần Bồ Tát giữa chúng Tăng gọi là Đại Đức
Tăng, Đại Đức Tăng không phân biệt là ông Tăng 70 hạ, 60 hạ, 50
hạ, 40 hạ… hay là ông Tăng mới thọ giới cũng nằm ở trong Đại Đức
Tăng, không phân biệt gì hết. Bởi vì, giới thể là một, 250 giới
là một đối với Tăng, 350 giới là một đối với Ni, thì người mới
thọ giới cũng thọ 250 giới. Vậy mới thọ cũng chừng ấy, thọ 30
năm cũng chừng ấy, cho nên Tăng thể ấy, nó giống như nhau. Một
người đã thọ giới giống như vậy rồi, giữ giới giống như vậy rồi
thì thấy người khác thọ giới đều vui mừng hoan hỷ. Cho nên một
người đi tu mà thấy người khác đi tu, một người thọ giới mà cũng
thấy người khác thọ giới cũng thọ giới như mình, thì lấy làm
hoan hỷ. Khi đã thọ giới rồi, nếu cố gắng giữ giới, người này
thấy người kia gắng giữ giới được thanh tịnh, thấy họ như vậy,
mình rất hoan hỷ, người kia thấy mình thọ giới mà giữ giới được
thanh tịnh, người kia cũng hoan hỷ lắm. Đó là một sự hoan hỷ
với nhau, thấy được sự tiến bộ và sự tu hành của nhau, chứ không
phải là một sự hoan hỷ vì thấy nhau làm những việc sai trái mà
ta thường để ý với nhau, các vị nên để ý chỗ này. Cho nên mỗi
khi đã thọ giới rồi, phải tôn trọng giới, quí trọng giới, người
nào cố giữ chừng nào thì công đức lớn lao chừng đó. Người nào
vì nghiệp duyên không giữ được nhiều, thì người đó phạm giới của
họ đã thọ. Mặc dù, họ đã phạm giới, nhưng đối với người Phạm
giới ta không thể khinh, và ta cũng không hoan hỷ với họ. Nếu
khi thấy một người phạm giới mà hoan hỷ theo với họ, tức có
nghĩa là mình đã phụ họa theo sự phạm giới của họ. Cho nên sự
hoan hỷ này là một sự hoan hỷ đối trước những người cùng chung
lãnh thọ giới pháp, thì giới được thanh tịnh như nhau, đó là sự
hoan hỷ của Tăng, một sự hoan hỷ đúng nghĩa, là một vị Tăng hoan
hỷ trước những sự thọ trì giới được thanh tịnh. Đó là điều ích
lợi thứ hai.
-
Điều ích lợi thứ ba:
-
"Linh Tăng an lạc" (khiến cho chúng Tăng được an lạc). Giới Pháp
nó khiến cho Tăng được an lạc, nếu Tăng không có giới thí làm
sao có thể an lạc được. Một người không trì giới thì làm sao có
thể an lạc được. Một người không trì giới thì chính người đó
tâm đã có tội lỗi, khẩu đã có tội lỗi, thân đã có tội lỗi, mà
khi thân khẩu ý đã có tội lỗi thì không thể an lạc cho chính
người đó được. Người đó đã không an lạc, thì không thể làm an
lạc cho người khác. Cho nên trong một chúng Tăng người này giữ
giới thân, khẩu, ý được thanh tịnh, an lạc, tạo thành một chúng
hội, một Tăng đoàn mà ai nấy cũng đi trong một giới Pháp thanh
tịnh của Phật, đều được an lạc như nhau. Lấy sự thọ trì giữ
gìn giới thanh tịnh mà an lạc. Không phải lấy điều hơn thua,
không phải lấy vật chất, không phải lấy địa vị… mà an lạc, nhưng
ở đây lấy điều giữ giới pháp thanh tịnh của Phật, mà tạo thành
một chúng Tăng an lạc với nhau. Ta thử hỏi ở trong đám đông
người, từ 4 người trở lên hàng trăm, hàng ngàn người mà nếu như
không có giới pháp, không có giới luật, chúng Tăng đó không thể
nào an lạc, chúng Tăng đó sẽ vô kỷ luật, chúng Tăng đó sẽ vô
hạnh. Khi đã là trong chúng Tăng có người vô kỷ luật, có người
vô hạnh thì chúng Tăng đó không thể nào an lạc được, không thể
nào an lạc cho cá nhân, cũng không thể nào an lạc cho cả đoàn
thể. Cho nên giới của Phật có một sự ích thiết lợi vô cùng, làm
cho chúng Tăng được an lạc. Đó là điều ích lợi thứ ba.
-
Điều ích lợi thứ tư:
-
Linh vị tính giả tín" (làm cho người chưa được tin sẽ được tin)
Chúng ta biết rằng, Tăng là một trong Tam Bảo, Tăng là một hình
dung, một hình ảnh của Đức Phật ở tại thế gian. Tăng có trang
nghiêm, Tăng có thanh tịnh thì khi bấy giờ Tăng mới trở thành
một Tăng Bảo. Khi đã trang nghiêm thanh tịnh trở thành một Tăng
Bảo thì mới là chỗ quy ngưỡng cho tín đồ, chỗ phát lòng tin cho
tín đồ, không làm khởi lòng tin cho tín đồ được. Cho nên nhờ
giới Pháp mà làm cho một ông Tăng được thanh tịnh chính là hình
ảnh của Đức Phật hiện ra ở thế gian.
-
Đức Phật đã diệt đồ rồi, xa rồi, Ngài còn lưu lại cái tượng ở
trên Chùa, nhưng cái tượng đó, nó có lợi lạc cho chúng sanh một
mặt, còn một mặt khác cần phải có một hình ảnh của Đức Phật sống
động ở trong một vị Tăng. Trong một vị Tăng có giới, có kiến,
trong một vị Tăng giữ giới thanh tịnh nghiêm trang đó là một
hình ảnh Đức Phật sống động trong một vị Tăng. Chính vị Tăng đó
là một biểu hiện, dẫu không hoàn toàn như Đức Phật đi nữa, thì
cũng một phần biểu hiện Đức Phật, mà khi đã là biểu hiện của một
Đức Phật, thì mới là cái nơi phát khởi lòng tin cho những người
chưa tin. Vậy thì khi một vị Tăng không tu hành, một vị Tăng
không đúng đắn, một vị Tăng không nghiêm trang, một vị Tăng
không thanh tịnh, một vị Tăng không có kiến thức đúng đắn, không
có lòng chánh tín, chắc chắn vị Tăng đó sẽ phá hoại lòng tin của
kẻ khác, chứ không thể làm cho người ta chưa tin sẽ phát lòng
tin được. Đối trước một vị Tăng mà không nghiêm túc, không
thành một vị Tăng như vậy, thì chẳng những người chưa tin đã
không tin mà người đã có tin rồi cũng thối thất. Đó là điều ích
lợi thứ tư.
-
Điều ích lợi thứ năm:
-
"Tín giả linh Tăng trưởng" (người đã có tin, khiến họ được tăng
trưởng). Đối với vị Tăng giữ giới hạnh nghiêm túc, oai nghi đỉnh
đạc, ngôn ngữ đàng hoàng, tâm tư rộng rãi, hiểu biết đúng đắn,
vị Tăng đó chắc chắn người khác nhìn vào, tín đồ nhìn vào đâu
phát khởi lòng tin, vì ai đã tin rồi chắc chắn sẽ được tăng
trưởng thêm, kiên cố thêm, chứ không bị thối thát. Chúng ta
cũng thấy, nhiều tín đồ lúc đầu đến chùa hăng hái lắm, tin tưởng
lắm, nhưng cũng có thời gian bị thối thất. Thối thất vì gặp lẽ
chuyện nọ, chuyện kia một phần, nhưng thối thất cũng vì gặp
những vị sư không chững chạc, không đứng đắn, không đàng hoàng.
Khi một vị sư như vậy, chẳng như không lợi cho mình, cũng không
lợi cho tín đồ, mà đã là không lợi cho mình, không lợi cho tín
đồ cũng có nghĩa là không lợi cho Phật Pháp.
-
Vì vậy, mà biết rõ rằng, giữ gìn giới luật nghiêm trang thanh
tịnh là một hình ảnh sống động của Đức Phật, dẫu chưa được toàn
diện, nhưng hình ảnh ấy cũng đủ làm cái nơi cho những người tin
rồi lại (được tăng trưởng) càng tin thêm, càng kiên cố vững chắc
hơn, khi một tín đồ đã tin một cách kiên cố vững chắc, thì đó
làm một điều tốt lành để cho Phật Pháp được phát huy, được tồn
tại. Đó là điều ích lợi thứ năm.
-
Điều ích lợi thứ sáu:
-
"Nan điều giả linh điều" (đắc điều) (Người khi điều phục được
điều phục). Đối với người Nan điều phục mà đem giới luật ra thì
có thể điều phục được họ. Nếu không có giới thì không biết căn
cơ vào đâu để nói người này có lỗi, người kia có tội, người nọ
không lỗi, người đó thanh tịnh, không căn cứ vào đâu mà nói như
vậy được. Nhưng mà khi đã có giới luật rồi, có mực thước rồi thì
chính đó là cái thước để đo cái hành vi, ngôn ngữ sự tu hành,
thanh tịnh của mỗi người. Đã có giới luật rồi thì biết được
người đó phạm tới đâu, phạm giới nào, xử trị như thế nào, rõ
ràng phân minh. Khi đã rõ ràng phân minh có điều phục như vậy
rồi, thì dẫu có người dẫu ngoan cố đến đâu, ngương ngạch đến
đâu, nan điều nan phục đến đâu, cũng phải điều phục và được điều
phục. Nếu trường hợp không điều phục được thì theo như trong
luật tức là chúng Tăng sẽ cử tội mạt tận, không cho nhập vào
trong Tăng đoàn. Như vậy trong Tăng đoàn sẽ có người nhu thuận,
Tăng đoàn không có người nan điều, nan phục nữa. Cho nên giới
luật có lợi ích làm cho người nan điều, nan phục được điều
phục. Đó là điều lợi ích thứ sáu.
-
Điều lợi ích thứ bảy:
-
"Tàm quí giả đắc an lạc" (Người tàm quí sẽ được an lạc) Ngược
lại, người nan điều nan phục bị điều phục bằng giới luật. Nhưng
người nào biết tàm quí, thì biết giữ gìn từng ly từng tí để cho
giới luật được trang nghiêm thanh tịnh, giữ gìn từng ly, từng
tí, phạm lỗi nhỏ cũng hết sức sợ hãi huống chi phạm lỗi lớn,
người đó làn người biết tàm quí. Người biết tàm quí mà giữ gìn
giới như vậy, thì chính tự họ tâm được an lạc, mà họ cũng làm
niềm an lạc, niềm vui cho cả chúng, và cũng không được an lạc
với họ. Cho nên người biết tu, biết thanh tịnh, biết tàm quí là
một điều quan trọng. Như trong luận đã có nói. "Cái tự tánh ác
là THAM, SÂN, SI là vô tàm vô quí đó- là ba cái ác thuộc về bản
tính, tự tánh. THAN, SÂN, SI là ba cái độc mà Phật đã nói khắp
trong các kinh, đó là ba cái độc nằm sẵn trong chúng sinh, nó
gây cái tai họa cho chúng sinh, cho cá nhân người đó, chứ không
phải chúng cho gia đình xã hội. Nhưng mà còn thêm hai thứ khác
nữa là VÔ TÀM và VÔ QUÝ, nghĩa là không biết hổ và không biết
thẹn, thì chính đó cũng là một cái ác, ác ngay trong bản tính.
Người vô tàm, vô quý thì người đã phạm, dẫu có biết phạm đi nữa
cũng không lấy làm hổ thẹn thì người đó không làm sao giữ gìn
giới luật được thanh tịnh được. Cho nên, người đó tàm quí, tức
là thấy mỗi giới nào, dầu nhỏ nhặt tới đâu cũng nghiêm trang để
giữ gìn không dám phạm, mà không dám phạm được như vậy, tức
nhiên tâm được an lạc, an lạc cho mình và an lạc cho cả chúng
Tăng. Một người có tàm quí giữ giới thanh tịnh, an lạc cho
mình, an lạc cho chúng Tăng, thế thì ngược lại với một người vô
tàm, vô quí, không biết hổ không biết thẹn, phạm giới, phá giới,
thì chắc chắn không tạo nên cái an lạc cho mình và an lạc cho
chúng Tăng. Cho nên, giới luật là một điều hết sức thiết thực,
cần thiết để cho chúng ta tu hành, cho những người biết tàm quí
giữ gìn giới luật thì được an lạc, được hạnh phúc. Đó là điều
ích lợi thứ bảy.
-
Điều ích lợi thứ tám:
-
"Đoạn hữu lậu hiện tại" (đoạn phiền não hiện tại). Có nghĩa là
giới luật mà dứt trừ được các hữu lậu (phiền não) trong hiện
tại. Vậy hữu lậu là gì? Tại sao gọi là hữu lậu?
-
Lậu là một tên riêng, một từ riêng của phiền não, mà phiền não
nó có tích cách rỉ chảy, nó tươm rỉ ở nơi lục căn của chúng
sinh, nó làm cho lục căn của chúng sinh bị ô nhiễm. Cho nên,
mắt nhìn là mắt nhìn, nhưng mắt nhìn là khởi tham vào trong đó,
thì con mắt kia, cái nhìn kia trở nên ô nhiễm, trở nên xấu, trở
nên nhớp nhúa đi. Tai nghe là tai nghe, nhưng nếu như cái nghe
đó mà có lòng tham ở nơi cái nghe ấy, thì nó trở thành ô nhiễm,
xấu xa đi. Lưỡi nếm là lưỡi nếm, thân cảm xúc là cảm xúc, nếu
có lòng tham thì nó phát sinh ra sự cảm xúc nhớp nhúa đi, ô
nhiễm đi. Hẳn cũng y như cái mục ghẻ tươm nước ra, phiền não nó
tươm nước ra ở sáu căn, thấy, nghe, ngửi, nếm, xác, chạm, ý
nghĩa. Nó tươm ra ở nơi lục căn như vậy, cho nên gọi là "LẬU",
cũng như nước tươm ra ở nơi cái mục ghẻ vậy. Lại nữa những thứ
đó, nó làm cho chúng sinh lọt, lọt não trong tam giới, không
thoát ra được, cũng như giọt nước lọt, chảy rớt xuống, cho nên
gọi là LẬU. Tóm lại chữ LẬU là một danh từ khác để chỉ cho
phiền não. Hai chữ "LẬU" và "HOẶC" thường ở trong Kinh Nyllaya
gọi là ‘LẬU HOẶC". Hoặc là sự mê lầm, sự mê lầm đây chỉ cho
THAM, SÂN, SI, nên gọi chung là lậu hoặc. Bây giờ gọi hữu lậu
là sao?
-
Hữu lậu tức là có sự lậu hoặc, cho nên cái "Tích thành hữu lậu
chi nhân" (chứa thành cái nhân hữu lậu), tức nhiên là cái nhân
là phiền não, vì vậy gọi là "Hữu lậu". Con người chúng ta là
con người hữu lậu, bởi vì con người chúng ta có cái phiền não ở
trong đó, cho nên cái Pháp gì thì ta nhìn thấp cái Pháp đó,
tiếng gì thì ta nghe thấy cái tiếng đó, rồi chấp vào cái tiếng
đó, nên nó làm cho ta khởi lên phiền não thì cái Pháp đó cũng
gọi là Pháp hữu lậu. Cho nên chính tự ta là Pháp hữu lậu, tâm
là tâm hữu lậu, cái Pháp hương, vị xác… nó gợi cho ta sinh phiền
não, tăng trưởng phiền não thì những Pháp đó gọi là Pháp hữu
lậu. Vậy thì cái hữu lậu đó làm sao mà trừ? Lấy chi mà trừ?
Không thể lấy tiền, bạc mà trừ được, lấy danh vọng mà trừ được ,
lấy chức vị trừ được, lấy quyền thế trừ được, muốn trừ được cái
lậu đó chỉ có giới Pháp của Đức Phật trừ được mà thôi. Chớ
không lấy chi mà trừ được hết cả, không lấy chi mà trừ được cái
tham, cái sân, cái si, chấp ngã, vô minh, cố chấp… không lấy chi
mà trừ được, tiền bạc, quyền thế, danh vọng… không thể nào trừ
được, chỉ có giáo Pháp, chỉ có giới luật của Phật mới trừ được,
nhờ giáo Pháp của Phật mới trừ được những cái hữu lậu trong hiện
tại đó, gọi là đoạn hữu lậu hiện tại. Đó là cái ích lợi thứ tám
của giới luật.
-
Điều lợi ích thứ chín:
-
"Đoạn vị lai hữu lậu" (đoạn phiền não trong đời vị lai) Chúng ta
thọ trì, giữ giới hôm nay, chẳng những trừ phiền não hôm nay, mà
trừ được phiền não tương lai, bởi vì phiền não hôm nay là mầm
mống của phiền não ngày sau, mà mình đã trừ được phiền não ngày
hôm nay, chín mình đồng thời trừ được phiền não ở ngày sau.
Nghiệp cũ không phát, nghiệp cũ bị dứt đi, nghiệp mới không tạo
nữa, đó là mục đích của người tu hành, mà cũng là mục đích của
người thọ trì giới pháp. Nhờ có thọ trì, giữ gìn giới Pháp mà
làm cho ta dứt được phiền não trong tương lai. Đó là điều ích
lợi thứ chín.
-
Điều ích lợi thứ mười:
-
"Linh Chánh Pháp cửu trụ" (khiến cho Chánh Pháp được tồn tại lâu
dài) Nếu như không có giới luật thì Phật Pháp không thể tồn tại
lâu dài ở thế gian. Nếu như không có giới luật thì Tăng cũng
không thành Tăng, Cư Sĩ cũng không thành Cư Sĩ, mà Tăng không
thành Tăng, Cư Sĩ không thành Cư Sĩ nghĩa là Phật giáo không có
tín đồ, không có người truyền giới thì làm sao Phật Pháp tồn tại
ở thế gian được. Cho nên điều ích lợi cuối cùng là khiến cho
Chánh Pháp, được tồn tại, như các vị đã thấy. "Giới luật là thọ
mạng của Phật Pháp", khi nào giới luật còn là Phật Pháp còn, khi
nào giới luật không còn là Phật Pháp không còn, đúng là câu Giới
luật là thọ mạng của Phật Pháp. Đó là điều ích lợi thứ 10, mà
một lần nữa Đức Phật chế một giới nào thì Ngài cũng nêu ra 10
điều ấy, đã chỉ rõ cho người thọ giới thấy, biết và kính trọng,
quí báo giới của Phật chế là như vậy.
-
Cho nên, việc thọ giới là một bước quan trọng, một bước vững
chắc trên con đường giải thoát. Bao nhiêu Pháp môn của Phật
dạy, tóm lại không ngoài ba thứ GIỚI, ĐỊNH, TUỆ mà giới là bước
thứ I, bước cơ bản, bước đầu tiên, có Giới mới bước tới Định, có
Định mới bước tới Tuệ. Khi Giới Định Tuệ đã thành tựu rồi, thì
chính trong giới có Định, trong giới có Tuệ, trong Định có Giới,
trong Định có Tuệ, trong Tuệ có Giới, trong Tuệ có Định. Ba thể
là một, người có đủ Giới Định Tuệ hoàn toàn như vậy, là một
người viên mãn, một người có thể đoạn trừ được lậu hoặc trong
hiện tại và tương lai. Một người có thể làm cho Chánh Pháp của
Đức Phật thường trú ở trong thế gian. Đức Phật thường dạy rằng:
"Các ngươi hãy cố gắng tu hành, đừng làm kẻ tối hậu trong giáo
Pháp ta". Đừng làm kẻ hậu trong giáo Pháp ta nghĩa là sao?
Nghĩa là đừng cho giáo Pháp Đức Phật chấm dứt ngay nơi mình.
Thế nên chúng ta phải truyền bá, mà truyền bá bằng cách giữ gìn
giới luật nghiêm trang, tạo thành một hình ảnh Đức Phật ở giữa
thế gian, giữ gìn tâm niệm được thanh tịnh, sáng suốt đem Chánh
Pháp của Đức Phật truyền bá giữa thế gian. Được như vậy, thì
Chánh Pháp sẽ không chấm dứt ngay nơi ta, cho nên Đức Phật dạy,
các ngươi đừng làm kẻ tối hậu trong giáo Pháp là như vậy.
-
Lời căn dặn của Đức Phật thật là thắm thiết. Vì sao Đức Phật lại
căn dặn như vậy? Bởi Phật thấy rằng chính giáo Pháp của Phật
mới đem lại sự lợi ích chân thật cho chúng sinh. Mà giáo Pháp
của Phật là do bao nhiêu công lao nhiều đời nhiều kiếp của Đức
Phật tu hành mới phát minh được, mới giác ngộ được, mà dạy bảo
lại nên mới có một giáo Pháp quí báu như vậy, mà một người để tử
của Phật không biết tôn trọng, không biết giữ gìn để nó mất đi,
đó là một điều hết sức uổng, cho nên, Đức Phật lại căn dặn như
vậy, lẽ tất nhiên ai có tâm, thành tâm làm đệ tử Phật, thì thấy
lời dạy đó là mặn nồng, là thấm thiết và quí báu vô cùng. Vì
vậy mới thấy rõ giới luật là một điều quan trọng, một người muốn
thọ giới của Phật không phải đem cái tâm niệm tầm thường mà thọ,
và không nên coi đó như là một chuyện hời hợt, thì không sao có
thành tựu viên mãn được, nhưng ngược lại, phải có một khí tiết
trượng phu mới có thể thọ giới của Phật được. Chắc vị nào đã
thọ Sa Di rồi thì biết:
-
Năng liều thế vô thường
-
Khí tục thú nê hoàn
-
Công đức nan tư nghì
-
Vị hình thủ chí tiết
-
Cát ái tự sở thân
-
Xuất gia hoằng Phật đạo
-
Thế độ nhất thiết nhơn.
-
Khi một vị Bổn Sư mà lấy cái dao cạo chỏm tóc trên đầu mà truyền
giới Sa Di cho đệ tử thì đọc lên câu đó, tán thán bằng câu đó.
Một người mà có cái chí xuất gia như vậy, thật là một người đại
trượng phu mới nhận rõ được cuộc đời là vô thường, nhờ nhận rõ
được cuộc đời vô thường, nên không sống với cuộc đời vô thường
đó, mà biết tìm con đường giải thoát khổ đau trong cuộc đời vô
thường đó. Đó là bậc đại trượng phu. Cho nên người xuất gia,
người tu sĩ trong luật cũng gọi là một chiến sĩ. Chiến sĩ đánh
với ai? Chiến sĩ đánh với giặc. Giặc phiền não, là phiền não
ma, là Thiên ma là giặc Ba tuồng, Ngũ âm ma là giặc ngũ ấm và tử
ma là giặc chết, đó là bốn thứ giặc. Người xuất gia giữ gìn
giới luật là một chiến sĩ đánh lộn với bốn thứ ma đó, mà nếu như
phạm giới tức là thua. Cho nên khi phạm giới chính là một
chiến sĩ bại trận, bại trận trước bốn thứ ma đó.
-
Vì vậy, trong Tứ Ba La Di Giới, có khi gọi là "Tứ Khí" (4 giới)
mà phạm vào trong cũng như đồ bỏ. Có khi gọi 4 giới đó là
"Đoạn đầu", ai phạm vào 4 giới đó thì cũng như cây Sa La, cây
Dừa, cây Cau bị chặt ngang không mọc lên được nữa. Nhưng cũng
có chỗ gọi 4 thứ Ba La Di này là "Tha Thắng", cho nên ai phạm
một trong bốn giới đó thì gọi là Tha Thắng. Tha Thắng có nghĩa
là sao? Đó là 4 thứ ma, mà khi phạm một trong 4 giới đó tức là
thua nó, hễ khi người bại trận thua nó, và nó trở nên kẻ thắng,
cho nên gọi là Tha Thắng. Do đó một người chiến sĩ phải chăng
là một đại trượng phu. Đại trượng phu mới đánh lộn với 4 thứ ma
đó. Nhưng mà, có được đại trượng phu chăng, là khi nhận rõ cuộc
đời là vô thường, thật sự là nhận rõ cuộc đời là vô thường, có
đó, không đó, cuộc đời của chúng ta chỉ trong nháy mắt, trăm năm
trong nháy mắt, 80 năm trong nháy mắt, mới lọt lòng ra chết đi
cũng trong nháy mắt, quay đi quay lại chỉ trong nháy mắt, nếu
người biết rõ tất cả đều trong nháy mắt như vậy, mà với tinh
thần giác ngộ rõ ràng thì người đó sẽ tìm cách giải thoát cái vô
thường đó. Cho nên có lần Đức Phật nói rằng: Có những người
cũng biết cảnh già đau chết, nhưng họ không tìm đường để thoát
sanh, già, đau chết. Ta biết sanh, già, đau chết nên ta ra, ta
muốn tránh sanh già đau chết đó, cho nên ta xuất gia thành đạo.
Ngộ rõ lý vô thường cho nên ta mới xuất gia tầm đạo được, nếu
người xuất gia tầm đạo mà không một chút nào nhận thức được lẽ
vô thường đó, thì thứ chi cũng cố chấp, thứ chi cũng bám chặt,
thứ chi cũng ham muốn chắc chắn không thể làm sao hơn các thứ ma
được, không thành đại trượng phu xuất gia tầm đạo được. Cho nên
người xuất gia tầm đạo là đại trượng phu hiểu rõ đời vô thường,
mới khí tục thú nê hoàn (bỏ tục đến với Niết Bàn), đó là công
đức khó nghĩ lường, không có chi mà bằng được. Vị hình thủ chí
tiết. Cạo tóc hủy hình, ăn đạm bạc hủy hình, ngủ đạm bạc hủy
hình, không trang sức như thế gian. Hủy hình để thủ chí tiết,
chí tiết xuất gia tầm đạo, xuất gia để tu hành, để hoằng đạo
Phật. Thệ độ nhất thiết nhân (thệ độ tất cả mọi người), đó là
chí nguyện lớn lao, chỉ có người có chí tiết, đại trượng phu mới
có chí nguyện xuất gia hoằng đạo Phật, thệ độ nhất thiết nhân.
Đó là một lời tán thán khi một vị Sư, Bổn Sư cầm dao cạo cái
chõm tóc trên đầu để truyền giới Sa Di, đọc lên lời tán thán
đó. Trong khi tán thán chí trượng phu của người xuất gia như
vậy, vậy chúng ta tự hỏi tại sao chúng ta có được một trượng phu
như vậy không? Việc xuất gia này, ở nơi quí Ngài thường nhắc đi
nhắc lại nhiều cách để ca ngợi, để khuyến khích, để nâng đỡ và
chỉ ra cho người xuất gia phải biết như thế nào. Quí vị đã học
trong các sách, quí vị cũng nhớ, khi nói về xuất gia có câu như
thế nầy: "Phù xuất gia giã, phát túc siêu phương, tâm hình dị
tục, Thiện Long thánh chủng, chấn nhiếp mà quên, dung báo tứ ân,
bạt tế tam hữu. Nhược bất như thứ, lạm xí tăng luân, ngôn hạnh
hoang sở, hư triêm tính khí, tích niên hành xứ, thốn bộ bất di,
hoảng hốt nhất sanh, tương hà băng thị?" Phú xuất gia giả (người
xuất gia). Người xuất gia là người như thế nào. Người xuất gia
là người phát tâm cất bước đi đến phương trời cao rộng để làm
gì? Để tu hành giữ giới, truyền bá chánh pháp. Thiện Long thánh
chủng, nghĩa là làm cho giống Phật đừng mất đi, và được tồn tại,
phát huy tăng trưởng. Chấn nhiếp ma quân là chấn nhiếp 4 thứ ma
như nói ở trước (Thiên ma, Phiền não ma, Ngũ ấm ma, tử ma), chấn
nhiếp quân ma là đè bẹp 4 thứ ma đó, để vượt lên trên nó, trở
thành một người giải thoát, một người đại diện cho Phật hoằng
dương chánh Pháp. Có Thiện Long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân
như vậy, mới là báo được tứ ân (ân Cha Mẹ, ân Quốc gia, ân Tam
Bảo, ân Sư Trưởng), bạt tế tam hữu (cứu giúp ba cõi). Nhược bất
như thử, nếu không được như thế, thì lạm xí tăng luân, lạm xen
vào hàng tăng. Ngôn hạnh hoang sở nghĩa là ngôn và hành sơ sài,
ngôn hành chỉ qua loa, tu cũng tu qua loa, học thì học qua loa,
nói cũng nói qua loa… nghĩa là cái chi cũng đơn sơ. Như vậy nó
không thiết thực, không thành tựu chỉ là hư triêm tín thí, huống
dụng quả tín thí mà thôi. Tích niên hành xứ, thốn bộ bất di,
hành xứ là nơi hành động là sự nói năng ngôn ngữ tâm tư suy
nghĩ, cái gọi là tư tưởng, việc làm của ngày trước, của ngày xưa
khi chưa xuất gia. Lúc chưa xuất gia tu tập như thế nào, thì
bây giờ y nguyên như thế đó, hắn không nhúc nhích chút nào,
không biến chuyển đi chút nào, nên gọi thốn bộ bất di là một tấc
nó cũng thay đổi. Nếu như một người xuất gia ở Chùa như thế,
thì hoảng hốt nhất sanh, tương hà bằng thị nghĩa là chỉ sống
trong một đời hoảng hốt. Một cuộc đời hoảng hốt bộc bông, buông
lung một đời như vậy, không có chi nắm chắc trong tay cả, thì
lấy chi mà để nương nhơ, nương nhờ trong khi sống và nương nhờ
trong khi nhắm mắt.
-
Tương hà bằng thị, mình đã không biết lấy chi là làm bằng thị
rồi, thì Phật Pháp dựa vào đâu, bằng thị vào đâu để cứu trụ thế
gian, tồn tại ở thế gian lâu dài được. Cho nên nói đến việc
xuất gia nó lớn lao lắm, nghĩa nó rất rộng rãi, to tát lắm, cao
thượng lắm mà nếu như trong mỗi người Phật tử, trong hàng Tăng
Ni của chúng ta mà tâm tâm niệm niệm phát nguyện và tự vấn, cảnh
tỉnh với lòng mình để có một chí hướng như vậy, thì chúng ta
không hổ để làm một người đệ tử xuất gia của Đức Phật, khi đã
thọ trì giới Pháp. Cho nên, tôi mong rằng, các vị coi cái dịp
thọ giới hôm nay là một điều quan trọng, một điều quý báu của
đời mình. Một điều quan trọng, một điều quý báu để cho mình
phụng sự Tam Bảo, để cho mình báo ân Sư Trưởng, báo ân Cha Mẹ,
để cho mình báo đền tứ ân, để cho mình bạt tế tam hữu. Chính
giờ phút này là giờ phút quyết định, giờ phút quyết định cái
ngày hôm mai của chúng ta trở thành một vị Tăng, góp một phần
chánh đáng trong việc truyền bá chánh pháp.
-
Cho nên, giờ phút thọ giới của chư vị, chính là giờ phút quí vị
đem hết tâm niệm thanh tịnh, tinh tấn, quí trọng việc thọ giới
Pháp chừng nào, thì chính đó là cái mầm mống để tương lai các vị
sẽ trở nên một vị Tăng đứng trong hàng Tăng Bảo, góp vào một
phần phát hay chánh Pháp, duy trì chánh Pháp cửu trụ thế gian,
mà nếu không thì ngược lại. Khi ngược lại lẽ tất nhiên làm một
vị Tăng không có ích lợi, nếu tệ hơn nữa mà với tâm niệm hời
hợt, không tu hành thì có thể góp được một phần cho Phật Pháp
mau suy vong. Cho nên, chúng ta thường nên băn khoăn, hay tự
hỏi, không biết Phật Pháp tương lai như thế nào? Lắm khi chúng
ta cũng có cái ưu tư như vậy, không biết Phật Pháp tương lai như
thế nào, nếu như mà câu hỏi đó, mà để hỏi lại ngay chính chúng
ta thì sẽ có một câu trả lời rất thiết thực, Phật Pháp tương lai
sẽ như thế nào? Ta cũng nhìn lại ta làm một vị Tăng như thế
nào. Nếu một vị Tăng thấy mình như thế nào, một vị Cư Sĩ thấy
mình như thế nào, thì Phật Pháp tương lai cũng sẽ như thế đó.
Nếu mình là một vị Tăng hư hỏng thì Phật Pháp tương lai cũng là
Phật Pháp hư hỏng. Ngược lại nếu như một vị Tăng chính đáng,
một vị Ni chính đáng, một Cư Sĩ chính đáng thì Phật Pháp tương
lai là Phật Pháp sẽ đàng hoàng, rực rỡ chính đáng. Đó là một
điều thiết thực, một điều ta luôn luôn băn khoăn, nghĩ tới với
một ưu thế hết sức quý báu, là cứ nghĩ Phật Pháp như thế nào?
Tương lai ra làm sao? Chúng ta vẫn biết, mọi việc đều nhờ
nhiều duyên mà thành tựu, nhưng mà trong đó có một duyên chính
yếu nhất, từ nơi Tăng, từ nơi Ni và cũng từ nơi Cư Sĩ. Đó là
câu trả lời và cũng là cái duyên chính đáng nhất.
-
Cho nên tôi mong rằng, cái giới đàn quí báu như thế này, lập tại
nơi cơ sở của một vị Đại Hòa Thượng THIỆN HÒA, một vị Đại Hòa
Thượng quý báu như thế này mà các vị có duyên hội ngộ đến đây,
trước thập sư lãnh thọ giới pháp, thì mong rằng các vị nên phát
một cái tâm hết sức dũng mãnh, hết sức đại trượng phu, hết sức
chi tiết xuất gia hoằng Phật đạo, thệ độ nhất thiết nhân, để báo
đáp lại công ơn Tam Bảo, báo đáp lại chí nguyện xuất gia của
mình, cũng để trọn vẹn cái tâm xuất gia của mình khi đã có duyên
lành đến Chùa gặp Phật.
-
Bấy nhiêu lời mong các vị chuẩn bị tâm tư, thu gọn tâm tư cho
thanh tịnh, trang nghiêm kiên cố để ngày mai trước Thập Sư các
vị lãnh thọ giới Pháp cao cả của Đức Phật, làm tròn một vị Tăng,
một vị Ni, một vị Cư Sĩ xứng đáng là người đệ tử của Phật.
-
NAM MÔ BỒN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
-
Hòa Thượng Thích Thiện Siêu Tuyên Luật Sư.
-
- --o0o--
|
|