|
- Thư Viện Chùa Dược Sư
- PHẬT HỌC CƠ BẢN
-
BẢY PHƯƠNG PHÁP
-
ĐI ĐẾN GIÁC NGỘ
-
(Thất Giác Chi)
- THÍCH
THIỆN BẢO
- --o0o--
-
-
A. DẪN NHẬP
-
Giáo lý đạo Phật được
xem là một nền giáo lý thực nghiệm, nhằm giải quyết những vấn đề
về con người, đưa con người thoát khỏi những khổ đau trói buộc
do chính con người tạo nên, và nó đã trở nên một phương tiện,
hay một phương pháp giúp cho mọi người vượt khỏi những bế tắc
trong đời sống mà con người gặp phải, hay nói cách khác, giáo lý
đạo Phật là những phương thuốc trị những căn bệnh cho mọi người,
chính vì thế mà chúng ta thường nghe : "Chúng sanh đa bệnh, Phật
pháp đa phương" (chúng sanh có nhiều bệnh, Phật pháp cũng có
nhiều phương thuốc trị cho nhiều căn bệnh khác nhau). Thất giác
chi là bảy phương pháp nhằm giúp cho chúng sanh thoát khỏi những
vọng niệm mê lầm để đạt sự tỉnh giác trong đời sống.
-
B. NỘI DUNG
-
I- Định nghĩa
-
Thất giác chi (Satta
sambojjhanga) = The Seven factors of Enlightenment, còn gọi là
Thất bồ đề phần, Trung Hoa dịch là Giác đạo (con đường đưa đến
giác ngộ), một trong những thắng pháp (paramattha dhamma) của 37
phẩm trợ đạo được Đức Phật đề cập ở phần Đạo đế. Thất giác chi
là bảy phương pháp tu tập nhằm giúp cho hành giả đạt được giác
ngộ, thành tựu đạo quả giải thoát.
-
II- Nội dung của Thất
giác chi
-
1)- Trạch pháp giác
chi (Dhammavicaya sambojjhanga) :
-
Trạch là sự chọn lựa,
pháp là pháp môn, trạch pháp là sự chọn lựa pháp môn tu tập sao
cho phù hợp với trình độ căn cơ của chính mình. Nó còn giúp cho
mọi người nhận thức một cách sáng suốt để phân biệt, lựa chọn
một cách chính xác những phương thức khế hợp với chính mình, vì
thế cho nên các vị Tổ sư thường dạy : "Thuốc không có quý-tiện,
lành bệnh là thuốc hay, Pháp không có đốn-tiệm (mau, chậm), hợp
cơ là pháp diệu". Chọn được hướng để đi đúng với chánh pháp là
chúng ta đã thực hiện tinh thần trạch pháp giác chi. Trong kinh
Sa Di Thập Giới nói : "Cái khổ ở địa ngục, của con lừa, con lạc
đà chở nặng chưa phải là khổ, không tìm thấy được hướng đi mới
thực sự là khổ". Người muốn có một chánh tư duy (suy tư một cách
chân chánh) phải thực hành trạch pháp, vì chính đây là một
phương pháp phân tích, suy luận nhận chân các giá trị hiện thực.
Đạo Phật xem sự tự giác trong niềm tin phải được qua gạn lọc của
trí tuệ được gọi là chánh kiến (sự thấy biết một cách chân
chánh), điều này Đức Phật nói : "Tin ta mà không hiểu ta là phỉ
báng ta". Trong kinh Kamala (Tăng Chi I), Đức Phật nói : "Đừng
vội tin tưởng một điều gì dù điều đó thường nghe nhắc nhở đến
luôn. Đừng tin tưởng điều gì mà điều đó là một tập tục đã qua cả
ngàn xưa để lại. Đừng tin tưởng những điều sáo ngữ hay bất cứ
một điều gì mà người ta thường nói đến nhiều quá. Đừng tin tưởng
bất cứ điều gì, dù cho điều đó là bút tích của thánh nhân xưa để
lại bảo ta phải tin. Đừng tin một điều gì dù điều đó ở dưới mãnh
lực của ông thầy hay nhà truyền giáo. Tất cả những sự thật, theo
suy nghiệm riêng của mình và sau khi xác nhận rõ ràng, phù hợp
với lẽ phải, tạo thành hạnh phúc riêng cho mình và hạnh phúc cho
tất cả mọi người thì chính đó là sự thật và ta cố gắng sống theo
sự thật ấy". Người xưa cũng thường dạy : "Thà ngàn năm không
ngộ, còn hơn một phút sai lầm". Tổ Lâm Tế nói : "Nhất niệm hào
ly, thiên địa huyền cách" (Một niệm lìa xa, đất trời xa cách).
Nếu chúng ta chọn sai con đường đi không đúng chánh pháp thì
muôn kiếp khó tìm lại được. Cho nên trạch pháp giác chi là yếu
tố để giúp người học Phật nhận thức một cách sáng suốt tỉnh táo
trên con đường chọn lựa pháp môn tu tập.
-
2)- Niệm giác chi
(Sati sambojjhanga) :
-
Niệm là nhớ nghĩ,
giác là sự tỉnh giác. Niệm giác chi là luôn luôn nhớ đến sự tỉnh
giác. Đây là phương pháp được Đức Phật đề cập nhằm giúp cho con
người phát triển tuệ giác, đồng thời có công năng làm cho các
vọng niệm không dấy khởi. Như chúng ta biết, tạp niệm là nguyên
nhân làm cho con người kinh nghi và thoái hóa, nó là bước trở
ngại đáng kể cho tuệ giác phát triển, làm phân tán sức mạnh của
tâm thức.
-
Trái lại, chánh niệm
giúp cho chúng ta nhận thức một cách rõ sự vật hiện tượng qua
các pháp vô thường, khổ, vô ngã trong đời sống, những đổi thay
của những dục niệm, cho chúng ta cái nhìn xét đoán chuyển biến
của tâm thức trong từng sát na sanh diệt, thấy rõ các tà niệm,
có nhận thức đúng đắn (chánh kiến) và nhờ đó chúng ta nhận thức
rõ sự thật của các pháp. Niệm giác chi giúp cho chúng ta luôn
tỉnh táo trong mọi hoàn cảnh khi đối diện với thực tế của đời
sống.
-
3)- Tinh tấn giác chi
(Virya sambojjhanga) :
-
Tinh tấn giác chi là
nỗ lực chuyên ròng hướng đến tỉnh giác để loại trừ các tư hoặc,
thực hành chánh pháp làm cho tuệ giác được phát triển, dù chúng
ta có một lý tưởng cao đẹp nhưng thiếu chuyên chú, nỗ lực và bền
bỉ (tinh tấn) thì khó thành tựu được chí nguyện. Nhà triết gia
Huxley đã nói : "Mục đích tối cao trong đời người là sự hành
động, không phải là sự hiểu biết suông". Vì thế cho nên tinh tấn
là yếu tố tối quan trọng trong việc thực hiện lý tưởng giải
thoát giác ngộ ; thiếu sự tinh tấn, nỗ lực của tự thân để tạo
thành sức mạnh nội tại thì không thể chiến đấu chống giặc phiền
não. Hình ảnh đầy sinh động dưới cội cây bồ đề khi Đức Bổn Sư
Thích Ca dùng bát sữa của Sujàta, xong Ngài quăng bát đựng sữa
xuống dòng sông Ni Liên Thuyền và phát đại nguyện : "Dù thân ta
có khô, máu ta có cạn, nếu không thành đạo, ta nguyện không rời
khỏi chỗ ngồi này".
-
Qua đó, chúng ta nhận
thấy trong tu tập hay đời sống thường nhật của con người, bao
giờ sự thành công cũng dành cho những con người siêng năng và
chăm chỉ (tinh tấn), thiếu chuyên cần thì dù có thông minh đến
đâu cũng khó thành tựu được sự nghiệp. Đức Phật dạy : "Hết ngày
này qua tháng khác, hết giờ nọ sang giờ kia, người thợ vàng phải
nỗ lực công phu mới lọc được vàng ròng. Con người muốn cho thân
tâm trong sạch cũng phải cố gắng rèn luyện như thế" (Pháp Cú).
-
4)- Hỷ giác chi (Piti
sambojjhanga) :
-
Hỷ giác chi là sự vui
có tỉnh giác, khi tu tập, chúng ta luôn luôn cảm nhận niềm an lạ
trong đời sống hàng ngày, không bị phiền não trói buộc, tùy hỷ
với những thiện pháp mà mọi người xung quanh đã đạt được. Vì thế
cho nên người tu tập phải biết khởi tâm hoan hỷ trong mọi hoàn
cảnh để vượt qua mọi chướng duyên, trở ngại trên bước đường tìm
cầu sự an lạc giải thoát. Nếu như trong đời sống không có sự vui
tỉnh giác thì việc tu tập của hành giả khó mà đạt được cứu cánh
của sự giác ngộ. Trong nền giáo lý của đạo Phật, tâm hỷ là yếu
tố cơ bản, có công năng chuyển hóa và hóa giải các cấu uế phiền
não, nó là nhân tố giúp cho người thực hành pháp cảm nhận phấn
khởi trên bước đường tu tập, giúp cho hành giả có một niềm tin
mãnh liệt để đi đến thành tựu đạo quả Bồ đề. Mục đích chính của
đạo Phật là "chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc" (chuyển sự mê
mờ làm cho chúng sanh giác ngộ, lìa khổ được vui).
-
5)- Khinh an giác chi
(Passaddhi sambojjhanga) :
-
Khinh có nghĩa nhẹ
nhàng, an là an ổn, khinh an giác chi là trạng thái nhẹ nhàng an
lạc tỉnh giác trong đời sống, luôn luôn thư thái do đạt được
niềm hỷ lạc thanh tịnh của các pháp thiện. Nó có công năng làm
cho các phiền não trói buộc bị tiêu trừ và đối trị những bất
thiện tâm sở làm dao động bất an. Khi người tu tập đạt được
khinh an sẽ cảm nhận một trạng thái nhẹ nhàng, ví như người bị
bệnh qua được cơn đau lâu ngày hành hạ cơ thể. Do đó, họ có thể
vững bước trên con đường đi tới đích vì đã đạt được sự nhẹ nhàng
của tâm.
-
Trong kinh A Hàm kể
một pháp thoại : Có một vị Tỳ kheo đang ngồi tĩnh tọa trong rừng
bỗng nhiên tâm hoan hỷ phát sanh thốt lớn lên : "Ôi, hạnh phúc
quá. Ôi, hạnh phúc quá...". Những người bạn đồng tu ngồi bên
cạnh nghe được liền đem bạch lại với Phật. Đức Phật nhân câu
chuyện đó giảng cho mọi người nghe và hỏi vị Tỳ kheo kia nguyên
nhân vì sao khi tĩnh tọa lại phát ra những lời như thế ?
-
Vị Tỳ kheo bạch Phật
: "Trong lúc ngồi thiền đạt được trạng thái an lạc, cảm nhận
thân tâm được nhẹ nhàng, con có thốt ra những lời đó vì trước
đây con làm quan trong triều, có đầy đủ cao lương mỹ vị, kẻ hầu
người hạ nhưng không ngày nào con cảm thấy yên tâm, luôn luôn lo
sợ bị người khác chiếm lấy quyền lực, địa vị của mình, đối với
nhà vua thì sợ bị khiển trách do kẻ sàm tấu tâu lên. Trái lại từ
khi con vào đây sống với đời sống phạm hạnh, con thấy không bị
những bất an sợ hãi lo lắng như ở triều đình, nên khi ngồi tĩnh
tọa dưới gốc cây, con cảm nhận có một niềm an lạc khinh an (nhẹ
nhàng) hạnh phúc tràn ngập trong lòng nên con thốt lên những lời
như thế".
-
6)- Định giác chi
(Samadhi sambojjhanga) :
-
Định là samadhi, là
giữ tâm an trụ vào một điểm, một đối tượng, không cho tâm phan
duyên phóng đi nơi khác. Định giác chi là tâm luôn luôn an định
tỉnh giác, không bị chi phối bởi phiền não vọng tưởng và các
duyên bên ngoài tác động vào tâm thức. Chúng ta biết giáo lý đạo
Phật là giáo lý nội quan, cho nên việc thực hành chánh định
không thể thiếu trong đời sống của người con Phật. Mục tiêu của
đạo Phật là giúp con người quay lại tìm về chính mình, nhận chân
giá trị của mọi giá trị không có giá trị nào bằng giá trị nơi
từng con người, vì chính hạnh phúc hay khổ đau đều do con người
tạo nên. Cho nên Đức Phật từng nói : Con người là tối thượng.
Việc tu tập để tâm định không có nghĩa là để biết người khác,
tìm tòi "soi căn, soi kiếp của người khác", hay để có thần
thông, phép lạ trị bệnh chữa tà, sai khiến quỷ thần, những điều
đó trái với tinh thần đạo Phật. Trái lại, định của Phật dạy là
để chữa căn bệnh vọng tưởng chạy theo cảnh duyên bên ngoài,
không nhận chân được giá trị của nguồn hạnh phúc của chính mình,
đây thực sự là điểm khác biệt của đạo Phật với các tôn giáo
khác.
-
7)- Xả giác chi
(Upekkhà sambojjhanga) :
-
Xả là upekkhà, do hai
từ gốc upa là đúng đắn, chân chánh, vô tư, và ikkha trông thấy,
nhận thức, suy luận. Vậy, upekkhà là trông thấy đúng đắn, nhận
định chân chánh, hoặc suy luận vô tư, không luyến ái, không ghét
bỏ, không ưa thích cũng không bất mãn. Kinh Jãtaka nói : "Trong
hạnh phúc, trong phiền não, lúc thăng, lúc trầm, ta phải giữ tâm
như đất. Cũng như thế, trên đất, ta có thể vất bất cứ vật gì,
dầu chua, ngọt, sạch, dơ, đất vẫn thản nhiên, một mực trơ trơ.
Đất không giận cũng không thương". Dùng tuệ quán đối trị với
chấp thủ của tâm, không để cho bóng dáng của vọng tưởng lưu lại
nơi tâm thức, luôn luôn để tâm đạt được sự an tịnh, đó là chúng
ta thực hành tâm xả. Không một đối tượng nào có thể làm cho
người có tâm xả bị lay chuyển. Thuận và nghịch cảnh không làm
cho người có tâm xả cảm thấy bất an trước những thuận nghịch của
ngoại duyên. Bát phong không làm cho người thực hành pháp xả bị
cuốn theo. Người thực hành tâm xả không chấp thủ vào các pháp
mình đã tu, đã đạt được. Kinh Kim Cang Sớ nói : "Người tu tập
phải như thuyền qua sông, khi thuyền đã cập bến, nếu ta không bỏ
để lên bờ thì đừng hòng đi đến đâu và biết được gì".
-
IV- Một số ý niệm khi
thực hành pháp giác chi
-
1)- Khi thực hành
trạch pháp giúp cho người con Phật nhận thức một cách độc lập,
tự do, tự chủ, có tỉnh giác, không bị những tín điều, giáo điều,
những xu hướng ỷ lại vào những quyền năng thần lực gia hộ, phù
trì, làm đức tin bị mù quáng, thủ tiêu hết mọi ý chí suy tư tự
chủ cá nhân của con người.
-
2)- Con người luôn
luôn bị những tà niệm, tạp niệm chi phối không giữ được chánh
niệm, phân tán sức mạnh nội tại, làm tiêu tan ý chí với những
hoài nghi tìm cầu viển vông không thiết thực. Thực hành niệm
giác chi là chúng ta đã điều chỉnh tâm sinh lý về mặt tự thân.
-
3)- Thực hành pháp
tinh tấn giác chi là chúng ta loại trừ tính biếng nhác, do dự và
bất nhất trong đời sống khi gặp nhiều chướng duyên trắc trở. Có
thể nói tinh tấn là yếu tố phát triển đức tính kiên trì giúp cho
con người thành công trên bước đường lập nghiệp.
-
4)- Những lo âu phiền
muộn là nguyên nhân gặm nhấm thiêu đốt con người trở nên héo tàn
theo thời gian, cho nên người ta thường nói : "Nụ cười hơn mười
thang thuốc bổ". Thật vậy, ứng dụng hỷ giác chi là chúng ta có
nụ cười trong tỉnh thức. Ngài Dhammanda nói : "Bí quyết của một
đời sống hạnh phúc và thành công là cố gắng làm những điều đáng
làm trong hiện tại không lo âu,tương lai không phiền muộn về quá
khứ".
-
5)- Mọi sự chấp trước
bất an, sợ sệt đều là những nguyên nhân làm cho thân tâm chúng
ta nặng nề không thoải mái trong đời sống, bực dọc trong sinh
hoạt. Thực hành khinh an giác chi là chúng ta có một thân tâm
nhẹ nhàng, trút bỏ gánh nặng của lo âu, sợ hãi. Thảnh thơi tự
tại ung dung trong công việc là chúng ta đã thể hiện người con
Phật hưởng được pháp vị của Phật.
-
6)- Oán thù, chiến
tranh, tranh chấp quyền lợi hơn thua, phải quấy làm khổ mình,
khổ người. Mọi sự đổ vỡ hạnh phúc, bạn bè thân thuộc, trong gia
đình đều bắt nguồn từ nguyên nhân không làm chủ được tâm. Hành
pháp định giác chi là người con Phật học pháp làm chủ mình, phát
triển sức mạnh tinh thần, không bị những tác duyên bên ngoài sai
khiến.
-
7)- Những đố kỵ ganh
ghét, bỏn xẻn đều bắt nguồn từ chỗ thiếu tâm xả mà ra, cho nên
phiền não khổ đau cũng từ nơi đất này phát sinh trổ quả. Thực
hành xả giác chi là chúng ta đã mở rộng lòng từ, buông xả, tiêu
trừ hết mọi tâm lý nhỏ hẹp, ích kỷ, đập tan tường thành cá nhân
chủ nghĩa. Vì thế cho nên muốn cho đời sống của mình và người có
hạnh phúc an vui, phải thực hành xả giác chi : chỉ có lòng
thương yêu chân thật đặt trên tư tưởng bình đẳng mới đem lại ý
nghĩa cho cuộc sống.
-
C. KẾT LUẬN
-
Qua những yếu tố
trên, cho chúng ta một nhận thức : chỉ có con đường thực hành
bảy phương pháp đưa đến giác ngộ (Thất giác chi) mới đem lại đời
sống an vui hạnh phúc, thoát khỏi khổ đau mà Đức Phật đã tuyên
bố : "Nước của bốn biển chỉ có một vị duy nhất, đó là vị mặn của
muối ; giáo pháp của Như Lai cũng thế, chỉ có một vị, đó là vị
giải thoát".
-
- --o0o--
|
|