Thư Viện Chùa Dược Sư
PHẬT HỌC CƠ BẢN
Lý Luân Hồi
Phúc Trung
--o0o--
 
I.- Dẫn nhập : Câu hỏi mà ai cũng muốn được biết: - Nguyên nhân đầu tiên là gì ? Con người do đâu mà sanh ra ? Chết rồi đi về đâu ? Tôn giáo thường cho rằng có một đấng tối cao sinh ra vạn vật và con người, câu trả lời ấy thuộc về tôn giáo, mà tôn giáo thì có sự đòi hỏi nơi đức tin, tin ở đấng thần quyền ban phúc, giáng họa, cai quản và sinh hóa muôn loài. Đức Phật ngài không giảng đáp về thắc mắc nầy nhưng trong Kinh Bách Dụ ngài có dạy : Một người bị tên độc, khi thấy người ta bảo rút mũi tên ra, thì ngăn lại, bảo : " Khoan, để tôi hỏi xem ai bắn mũi tên nầy, người đó tên họ là chi, ở xứ nào, và thuốc độc nầy lấy ở đâu, công hiệu ra sao đã ". Nếu tìm cho ra những thắc mắc ấy thì người đó đã chết rồi. Nhưng mà giáo lý của đức Phật như Lý Nhân duyên, Nhân quả, Luân hồi nghiên cứu sâu xa hơn, chúng ta sẽ hiểu rõ vấn đề nầy được trình bày trong Nhân sinh quan và Vũ trụ quan Phật giáo.
II.- Những sự  hiểu  lầm về nhân sinh : Nói một cách ngắn gọn, đạo Phật chủ trương không có nguyên nhân đầu tiên, một vật sinh ra do trùng trùng duyên khởi, có nhân, có quả, có những biến chuyển không ngừng trong từng hơi thở, những biến chuyển ấy là luân hồi. Người đời thường cố chấp vào bốn loại sau đây:
          1 ) Chấp đoạn : Cho rằng còn người chỉ có trong khoảng sinh ra và cho đến chết, chết là hết. Có phải vậy không? Chẳng hạng như một cái cây, thân mục biến thành đất, đất ấy lại nuôi lên cây khác...
          2 ) Chấp thường : Cho rằng con người sau chết, thể xác tan rã nhưng linh hồn còn mãi. 
          3 ) Chấp thân trước không can hệ gì với thân sau :  Có người cho rằng thân nầy chết sanh ra thân sau, nhưng thân trước và thân sau không can hệ gì tới nhau.
          4 ) Chấp luân hồi theo luật tiến hóa :  Người ta công nhận rằng có Luân hồi, nhưng theo luật tiến hóa, từ loài hạ đẳng chết rồi biến dần thành thượng đẳng.
III.- Ý nghĩa  danh từ Luân hồi và mục đích đạo Phật : 
          1) Định nghĩa :  Luân là bánh xe, Hồi là quay tròn; con người sống rồi chết, chết rồi sinh ra lại trong 6 cõi phàm, cứ như vậy mãi mãi nên gọi là luân hồi. Sáu cõi đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, nhân, thiên, nếu tu sẽ vượt lên bốn bậc thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật.
          ) Mục đích của đạo Phật : Mục đích của đạo Phật là giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, tiến dần lên bốn bực thánh từ Thanh văn lên Duyên Giác rồi lên Bồ Tát và cuối cùng là thành Phật, một bậc hoàn toàn giác ngộ.
IV.- Sự  Luân hồi của mọi vật : Lý luân hồi là định luật chung, mọi vật đều có luân hồi, chẳng hạn như :
          1) Các loài thực vật : Hạt bắp gieo xuống đất lên cây, trổ hoa thành trái, trái bắp có hạt, lấy hạt đó gieo xuống đất lại lên cây bắp, cứ thế mà tiếp tục.
          2) Mưa : Nước nóng bóc hơi thành mây, mây gặp lạnh thành nước, nước mưa xuống đất, núi, chảy ra biển gặp sức nóng mặt trời bóc hơi thành mây, mây gặp lạnh thành nước, nước mưa xuống đất ... cứ thế tiếp tục.
     3) Đất : Hạt bắp gieo xuống, nó hút chất bổ của đất làm thành thân, thành lá cây bắp, thân lá cây bắp đốt thành tro hay bỏ nó lâu ngày, mụt rã thành đất lại.
V.- Nguyên nhân luân hồi của con người : Sự sanh tử luân hồi của con người do những nguyên nhân sau :
          1) Sức mạnh của nghiệp : Con người sống ở đời từ ý tưởng, lời nói đến việc làm dù thiện hay ác đều tạo ra nghiệp, có bốn thứ nghiệp :
          - Tích lũy nghiệp : Là những nghiệp tạo ra từ nhiều đời nhiều kiếp trước, tích chứa lại.
          - Tạp quán nghiệp : Là những nghiệp trong đời sống hàng ngày, luôn luôn tiếp diễn thành thói quen, tạp quán.
          - Cực trọng nghiệp : Là nghiệp quan trọng, có năng lực mạnh mẻ hơn hết, nên chi phối tất cả.
          - Cận tử nghiệp : Là những nghiệp khi sắp lâm chung, nó có năng lực dễ dẫn dắt người ta đi đầu thai.
          2) Lòng tham sống sợ chết và sự luyến ái của con người : Ai cũng tham sống sợ chết, khi cái chết gần kề có ước muốn sự sống mãnh liệt, là một yếu tố để tái sinh, thứ nữa là lòng ham muốn dục lạc, ăn uống, luyến ái trong tình thương con cái, vợ chồng cũng là yếu tố luân hồi.
          3) Do sự mê mờ chấp trước : Người ta có khi tin vào lý luân hồi nhưng mà cho rằng sống chết là lẽ tự nhiên, kiếp sau giàu nghèo mặc kệ, họ chấp nhận và buông trôi cuộc sống của mình trong vòng sanh tử luân hồi, không chịu tu tập để thăng hoa, vượt qua luân hồi, tiến lên bậc thánh, đạt đến chỗ an lạc miên trường.  
VI.- Sự  luân hồi của  con người : Con người khi sống làm những điều thiện, ác gì, đến khi chết rồi đầu thai lại, chắc chắn sẽ được hưởng những việc tốt lành và phải trả những quả xấu của nhiều kiếp trước.
          Đây là những cảnh giới mà chúng sanh bị hay được nhập vào tuỳ theo nghiệp đã tạo ra từ trước :
          1) Địa ngục:  Tạo ra nhân sân hận, độc ác làm nhiều tội lỗi vừa hại mình hại người, phải chịu vào địa ngục để chịu cực hình khổ sở.
          2) Ngạ quỷ: Nhân do tham lam, bỏn xẻn không có lòng từ bi thương xót những người khác để bố thí tài vật, giáo pháp, thân mạng, trái lại còn có những mưu kế hiểm độc, để cướp của, đoạt vật của người khác, khi chết thành loài quỷ đói.
          3) Súc sanh:  Tạo nhân si mê tham đắm trong dục tình, tửu sắc không biết hay dở, tốt xấu ở trên đời, sau khi chết sẽ sanh làm súc sanh.
          4) A tu la:  Gặp việc nhân nghĩa thì làm, gặp việc tàn bạo cũng không tránh, vừa cang trực, vừa độc ác. Như thế dù có làm những việc phước thiện, nhưng tánh tình hung ác, nóng nảy lại thêm si mê, theo tà giáo. Tạo nhân như vậy nên thành A tu la sống vui sướng cũng có mà buồn khổ cũng nhiều.
     5) Người:  Tu nhân tích đức, cần nhất là phải quy y Tam bảo, giữ cho được trọn vẹn ngũ giới : không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không dối trá, không uống rượu. Đời sau sẽ trở lại làm người.
          6) Cõi trời: Bỏ mười điều ác, tu theo mười điều thiện : không sát hại các loài vật mà phóng sanh, không tà hạnh mà tu hạnh trinh chánh, không trộm cắp của cải người mà bố thí, không nói dối mà nói lời thành thật, không nói thêu dệt mà nói lời đúng đắn, không nói phân rẽ mà nói lời hòa giải, không nói thô ác mà nói lời dịu ngọt, không tham dục mà quán bất tịnh, không giận hờn mà quán từ bi, không tà kiến mà quán nhân duyên. Tu giữ được theo muuời điều thiện nầy, sau khi chết sẽ được sanh vào cõi trời. Nên nhớ cõi trời cũng trong vòng phàm tục, vẫn chịu cảnh sanh tử luân hồi.
          Muốn thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi của sáu cõi trên, thì chúng ta phải có nguyện lực tu giải thoát tiến từ Thanh văn, Duyên Giác, Bồ Tát rồi cuối cùng chứng thành Phật quả.
VII.- Những chứng nghiệm về luân hồi : Người Tây phương nói chung và người Mỹ nói riêng, hàng ngàn năm qua họ đã Chấp thường, không tin có luân hồi, có lẽ muốn chứng minh có luân hồi, năm 1994 đài truyền hình Mỹ ở Washington DC, vào buổi trưa trong nhiều tuần, chiếu những chuyện có thật đã xảy ra về luân hồi, năm ấy tôi sang đó, đã được nhà văn Nguyễn Hữu Hiệu dịch giả những sách Tinh Hoa và Sự Phát Triển của Đạo Phật, Chí Tôn Ca ... do Viện Đại Học Vạn Hạnh ấn hành, anh đã chiếu cho xem một cuốn băng do anh thu lại của TV, đại khái câu chuyện như sau :
          Ở bên Anh Quốc, có một người đàn bà kia, tuổi ngoài ba mươi, bà ta cứ bị ám ảnh mãi về một hải cảng kia, vừa như trông đợi một cái gì, vừa hồi hộp lo âu, bà ta cũng bị ám ảnh về một ngôi giáo đường nọ. Để giải quyết về ám ảnh đó, người ta mới vẽ ngôi giáo đường đăng lên báo, cuối cùng qua báo chí người ta đã tìm ra được ngôi giáo đường đó, rồi bà ta cũng nhớ được tên của bà kiếp trước.
          Theo đó người ta tìm thấy ở giáo đường ấy, có tên của người đàn bà đó đã thành hôn với một người đàn ông, rồi người ta lần dò tìm ra người đàn bà ấy đã chết cũng vào trạc tuổi ba mươi, bà ta có mấy người con trai, vì nhà nghèo nên họ đã đi tha phương cầu thực hoặc cho làm con nuôi những người khác, bấy giờ người ta mới tìm những người con của người đàn bà đã chết, họ vẫn còn sống đủ, tất cả tuổi tròn trèm trên dưới 70. Khi gặp lại họ, bà ta nhớ lại được  những người con lúc còn bé, bà ta kể từng những vết thẹo của mỗi người con đã bị lúc nào, có người ở chỗ kín đáo bà ta cũng kể rõ, mọi người quyết chắc rằng bà ta kiếp trước là mẹ của những người con nầy, nay bà ta trẻ mà các con già đã 70. 
          Người con trưởng hồi nhỏ chừng 14 , 15 tuổi, đã phải đi theo các thuyền đánh cá để kiếm tiền về nuôi gia đình, người mẹ chiều chiều phải ra hải cảng trông về biển khơi chờ đón con về, những hôm biển động, mưa to, gió bão, bà mẹ hồi hộp lo âu cho tánh mạng của con, vì vậy mà người đàn bà sau nầy, đã thường bị ám ảnh về một hải cảng kia.
          Nhiều sách vở ở Việt Nam cũng như báo chí ngoại quốc lâu lâu có đăng tin về một chuyện thuộc luân hồi. Riêng Việt Nam ta có chuyện ông Thủ Huồng, nay vẫn còn dấu tích ngôi chùa Thủ Huồng, ở thành phố Biên Hòa và địa danh Nhà Bè, phát xuất từ cuộc đời của ông, chuyện như sau :
          Ngày xưa, có lẽ chừng trên 300 năm trước, tại Cù Lao Phố  có ông Võ Thủ Hoằng làm chức Nha lại, giàu có nỗi tiếng nhờ cho vay tiền lấy lời nhiều. Vợ mất sớm, chưa con cái, cảnh quạnh hiu nên ông đi thiếp xuống Âm phủ, lúc đi thiếp, dọc đường ông thấy có một cái gông thật lớn, hỏi người khác, họ cho biết gông ấy dành cho ông Thủ Huồng, vì ông ta ở dương trần làm nhiều điều ác đức, nghe vậy sợ quá, ông ta hỏi thêm phải làm sao để khỏi bị đóng gông đó, người ta dạy là phải ăn hiền ở lành, tu nhân tích đức. Khi trở về, ông ta bèn lấy tiền của ra bố thí cho người nghèo, thuở xưa không có tàu bè, đi lại trên sông, biển bằng ghe, ở cửa ba sông nơi Nhà Bè bây giờ hồi xưa không có nhà cửa, đến đó mà không có gạo, nước ngọt, củi phải đi vào sông Sàigòn, đến Bến nghé ( Gia định ) mới mua củi, gạo xin nước ngọt được, thấy sự  bất tiện đó, cực nhọc cho những người nghèo, chèo ghe đi lại khó khăn, ông ta mới làm một cái bè ở giữa ngã ba sông, trên ấy cất một cái nhà để sẳn gạo, củi, muối, nước ngọt cho những ai qua lại cần cứ lấy mà dùng, thứ nào hết ông cho người tiếp tế thêm, nơi có cái nhà trên cái bè ấy, dần dần nó trở thành địa danh Nhà Bè cho đến ngày nay.
          Sau một thời gian, ông ta lại đi thiếp, thấy cái gông đã nhỏ lại nhưng vẫn còn, đã thấy kết quả như vậy, ông ta về dương thế lại đem hết của cải ra bố thí thêm và cất một ngôi chùa Phật, ngày nay vẫn còn, tên là Chùa Thủ Huồng, ở Cù Lao Phố, cách Cầu Gành chừng 2 cây số ngàn.
          Một vị thái tử của Tàu mới sanh ra trong lòng hai bàn tay có chữ " Thủ "," Huồng ", bên Tàu không hiểu nghĩa là gì ? ( Vì chữ Huồng là chữ Nôm, người Tàu đọc không được ). Sứ Việt Nam được hỏi đến, chỉ biết đọc chữ " Thủ Huồng " nhưng cũng không biết ý nghĩa. Trở về Việt Nam Sứ tâu lên vua ta, vua cho dò hỏi ra tông tích mới trả lời, đó là tên ông Thủ Huồng người Việt Nam đã chết, nay còn ngôi chùa ở đất Biên Hòa. Về sau vị thái tử ấy lên ngôi vua là vua Đạo Quang, nhà vua có ban cho chùa Thủ Huồng 3 pho tượng Phật.
          Chuyện nầy liên quan đến Lý Luân hồi, chắc vua Đạo Quang kiếp trước chính là ông Thủ Huồng, đã tu nhân tích đức, nay đầu thai lại làm vua để hưởng phước, cũng nói lên Lý Nhân quả vậy.
          Năm 1990, tôi có đi tới chùa Thủ Huồng, tiếc rằng vào buổi trưa, người trong chùa cho biết, trưa chùa đóng cửa, quý Thầy nghỉ trưa, nên tôi không vào được bên trong lễ Phật và tìm dấu tích 3 tượng Phật xưa. 
VII.- Kết luận : Lý Luân hồi mới giải đáp thỏa đáng vì sao người ta giàu, nghèo, sang, hèn..., khi đã hiểu Lý Luân hồi rồi, chúng ta không nên Chấp đoạn, chấp thường, chúng ta tin giáo lý của Phật là chân lý :
          - Nguyên nhân chính của sự luân hồi là do mê lầm, nó tác động nghiệp lực để dẫn dắt tái sanh.
          - Con người sanh trong sáu đường là do nghiệp nhân mà thọ quả báo, lộn lạo trong sáu đường, có khi là người mà kiếp khác là sanh ở cõi khác, cho nên con người phải luôn luôn tu nhân, tích đức. Tự mình gieo nhân nào thì phải hưởng quả nấy, chẳng sớm thì chầy.
          - Chúng ta đã biết Lý Luân hồi, chúng ta phải gìn giữ về tư tưởng, lời nói, hành động của mình luôn luôn được hướng thiện, khi nghiệp ác không còn, những quả lành đầy đủ, lúc bấy giờ chúng ta thoát khỏi luân hồi, sanh tử đạt đến cảnh giới Niết Bàn của A la hán, Bồ Tát và Phật.
Sách tham khảo : 
Thích Thiện Hoa Phật Học Phổ Thông, Khóa I & II, THPGVN, TP. HCM, 1989.
Minh Châu, Thiên Ân, Chơn Trí, Đức Tâm, Phật Pháp, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, Sàigòn, 1951.
--o0o--