|
- Thư Viện Chùa Dược Sư
- PHẬT HỌC CƠ BẢN
-
Phương Pháp Tu Học Hàng Ngày
- Phúc
Trung
-
--o0o--
-
-
I.-
Dẫn : Chúng ta
trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi là do Vô minh nên bị Tam
độc: Tham, Sân, Si gây ra. Là một Phật Tử, chúng ta phải có
chương trình tu học hàng ngày, cũng gọi là công phu tu tập, để
xóa bỏ Vô minh, công phu ấy không ngoài Giới, Định và Huệ.
-
II.-
Nội dung :
Giới Định Huệ cũng còn được gọi là Tam Học, chúng có liên quan
mật thiết với nhau, vì người có giữ Giới mới sanh Định, có Định
mới sanh Huệ.
-
1) Giới :
Người Cư sĩ tại gia chúng ta, Phật chế ra năm giới để tu học.
Muốn thoát khỏi luân hồi sanh tử, người Phật tử chúng ta phải
diệt trừ : Lòng dâm dục, sát hại chúng sanh, trộm cướp, nói dối
và uống rượu. Giới phải giữ trong tâm và ngoài thân cho được
nghiêm mật. Giới rất quan trọng, Phật dạy phải tôn trọng Giới
như là Thầy của tất cả những người con Phật.
-
Vì lòng
thương chúng sanh, Phật dạy chúng ta ăn chay để khỏi giết hại
những sanh vật. Trước nhất chúng ta tập ăn chay kỳ, mỗi tháng ăn
2 ngày là mồng Một và Rằm. Ăn chay 4 ngày là ngày 30 (tháng
thiếu 29) và mồng Một, ngày 14 và Rằm. Ăn chay 6 ngày là 1, 8,
14, 15, 23, 30 ( hay 29 ), ăn chay 10 ngày là 1, 8, 14, 15, 18,
23, 24, 28, 29, 30 (tháng thiếu 27, 28, 29).
-
Nếu được,
một năm nên ăn chay 1 tháng hay 3 tháng. Nếu ăn chay một tháng
thì chọn tháng Giêng hay tháng Bảy, còn ăn chay 3 tháng thì các
tháng Thượng Nguơn (Tháng Giêng), Trung Nguơn (Tháng Bảy), Hạ
Nguơn (tháng Mười).
-
Tiến lên
nữa là ăn chay trường, sẽ giúp cho thân thể ít bệnh hoạn, trí
tuệ được minh mẫn, tránh cho ta khỏi nghiệp sát sanh.
-
Vì ăn chay
là ăn ngủ cốc, rau cải, trái cây cho nên rất dễ tiêu hóa, làm
cho bụng mau đói, ăn chay kỳ nên chăm sóc bửa ăn, nên có món ăn
ngon miệng, để cho việc ăn chay được dễ dàng, không chán ngán.
Người ăn chay trường nên chăm sóc bửa ăn, đừng để thiếu chất bổ
dưỡng sanh ra bệnh tật, từ đó người khác có kết luận sai lầm :
Ăn chay hay bị bệnh tật.
-
Phải ráng
giữ đúng kỷ luật, đúng ngày chay thì ăn, dù ngày đó có tiệc tùng
chúng ta cũng vẫn giữ ăn chay, có như thế việc ăn chay của ta
mới có ý nghĩa và được nhiều lợi lạc.
-
2) Định :
Có mục đích làm cho tâm của mình được định, người ta hiểu định
có nghĩa là Thiền định hay ngồi thiền để cho tâm được thanh
tịnh. Người ta ví tâm như con vượn, ý như con ngựa ( tâm viên, ý
mã ) bởi vì sự hoạt động của tâm vừa lăn xăn, lộn xộn vừa nhanh
chóng. Nếu ta ngồi yên sẽ thấy tâm ta nghĩ chuyện nọ lại nhảy
sang chuyện kia, tưởng nhớ đến chuyện xa chuyện gần, nó vượt
trùng dương còn nhanh hơn ngựa chạy, bằng với làn sóng điện.
Những pháp môn như ngồi Thiền, niệm Phật, trì chú, tụng kinh
cũng đều làm cho tâm ta thanh tịnh hay là định tâm.
-
A.- Thiền định :
Là phương pháp định tâm hữu hiệu nhất, người ta lựa chỗ yên
tịnh, không nóng quá, không lạnh quá, ngồi kiết già hay bán già,
toàn thân buông thả, để tâm chuyên chú vào một sự vật thật đơn
giản, chẳng hạn như một vòng tròn màu vàng, theo dõi hơi thở
vào, hơi thở ra. Muốn được tường tận hơn xin đọc sách, như Thiền
Căn Bản của Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Kinh Quán Niệm Hơi Thở
của Thiền Sư Nhất Hạnh dịch, đã đăng trong Phật Học số 20, bài
Thiền đăng trong Phật Học số 15 và 16, hoặc những sách dạy Thiền
của Phật Giáo.
-
Phương pháp
Thiền áp dụng hữu ích cho những người còn trẻ cho đến khoảng 50
tuổi, bởi vì độ tuổi nầy thân thể còn khoẻ mạnh, trí óc minh mẫn
dễ định tâm, ngồi Thiền phải tu tập hàng ngày, mỗi thời phải từ
30 phút trở lên đến 1, 2 giờ, người lớn tuổi sẽ bị chân đau,
lưng mõi, do đó khó mà tu tập.
-
B.- Niệm Phật :
Pháp môn nầy tuổi nào tu cũng được, và Niệm Phật bất cứ lúc nào;
khi đi, đứng, nằm, ngồi. Ấn Quang đại sư ngài dạy cho đến đi vệ
sinh cũng niệm Phật, niệm niệm không dứt, mục đích là làm thế
nào cho tâm ta cột chặt vào danh hiệu Phật, chẳng hạn như tâm ta
khư khư chẳng chuyển với sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật. Nên đọc
những sách như Lá Thư Tịnh Độ của Ấn Quang Đại Sư do Liên Du
dịch, Niệm Phật Thập Yếu của Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, Tây
Phương Du Ký của Pháp sư Khoan Tịnh do Hữu Từ và Tâm Hảo dịch,
bài Niệm Phật đăng trong Phật Học số 17.
-
Người ta
niệm Phật to tiếng, nhỏ tiếng hay niệm thầm, có hay không lần
tràng chuỗi đều được cả, pháp môn nầy rất thích hợp cho người
già. Nên nhớ câu : Nhứt cú Di Đà vô biệt niệm, bất lao đàn khảy
đáo Tây Phương. (Một câu niệm Phật chẳng dứt, đừng lo chỉ khảy
móng tay là đến Tây Phương).
-
C.- Trì chú :
Trì chú có nghĩa là chúng ta đọc chú, người ta cho chú là linh
ngữ hay mật ngữ, tức là nó có hiển linh, đọc để trừ tà ma quỷ
quái hay nó là lời kín nhiệm không thể hiểu hay không cần hiểu,
đọc nó trúc trắc, gần như lập đi lập lại, cho nên người ta dễ
đọc câu nọ ra câu kia, câu sau đọc trước, câu trước đọc sau. Do
đó tâm phải chuyên chú vào mới không bị nhầm lẫn, đó cũng là
phương pháp định tâm. Chú Đại Bi còn ngắn, còn dễ, qua Chú Lăng
Nghiêm mới thấy là trúc trắc khó nhớ, dễ lộn nếu không định tâm.
-
Theo Mật
Tông, miệng niệm chú, tay còn phải bắt ấn, vị nào muốn nghiên
cứu xin xem bộ Hiển Mật Viên Thông của ngài Viên Đức, nhưng nếu
không có thầy chỉ dạy có lẽ không nên tập luyện thì tốt hơn.
-
D.- Tụng kinh :
Cũng là cách để cho chúng ta định tâm, bởi vì nếu chúng ta không
định tâm, tụng xong thời kinh, ta sẽ không hiểu gì cả. Chúng ta
nên tụng kinh gì ? Kinh gì tụng cũng được nhưng có một số kinh
được tụng trong những trường hợp đặc biệt, thí dụ khi Cầu siêu
để hóa độ cho người chết, người ta tụng kinh A Di Đà; để Cầu an
cho người bệnh hoạn, nạn tai người ta tụng Phẩm Phổ Môn; gặp khi
đau yếu, người ta tụng kinh Dược Sư; một người đau lâu trở bệnh
nặng, người ta tụng kinh Địa tạng ... , ngày nay nhiều người hay
tụng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa hay gọi tắc là Kinh Pháp Hoa.
-
3) Huệ :
Huệ là sự phát chiếu của Trí huệ sau khi được tẩy sạch phiền não
và vô minh, Huệ có được do tâm tịnh thì trí huệ sanh hoặc do tu
theo phương pháp mở mang trí tuệ : Văn, Tư, Tu.
-
Văn huệ là
do tai nghe âm thanh, mắt thấy kinh điển Phật mà hiểu được nghĩa
lý, cho nên chúng ta cần phải thường xuyên đọc kinh điển, những
người sơ cơ hay những người muốn có căn bản về Phật Pháp nên đọc
quyển Phật Pháp (do quý Đại Đức nay đều là Hòa Thượng Minh Châu,
Thiên Ân, Chơn Tri, Đức Tâm soạn theo chương trình dạy Đoàn sinh
Gia Đình Phật Tử, nhưng ai đọc cũng hữu ích), hoặc bộ Phật Học
Phổ Thông của Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, bộ nầy tuy soạn cho
đại chúng nhưng viết ở trình độ cao hơn, phải đọc từng bài theo
thứ tự từ thấp tới cao, đọc xong 2 bộ sách nầy, người đọc sẽ có
trình độ hiểu biết Phật Pháp khá vững, sau đó đọc sang kinh Pháp
Hoa, Niết Bàn ... Muốn hiểu rõ Phật và các đại Đệ Tử của Ngài,
nên đọc Phật và Thánh Chúng của Cao Hữu Đính, hay quyển Đức Phật
và Phật Pháp của Đại Đức Narada, về sử Phật Giáo Việt Nam, nên
đọc Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang (Cũng là bút hiệu
của Thiền Sư Nhất Hạnh), nên có Bộ Phật Học Đại Từ Điển của ông
Đoàn Trung Còn, bộ nầy tuy không đầy đủ nhưng tạm giúp cho chúng
ta tìm kiếm những danh từ Phật Học thông thường nhanh chóng.
Những sách nầy Phật Học Viện Quốc Tế , 9250 Columbus Ave. North
Hills, CA. 91343 - Tel. (818) 893-5317 có phát hành, có thể gửi
thư xin danh mục để biết giá cả và những sách khác. NXB Lá Bối
P.O. Box 781 San Jose CA. 95106-0781. Phone : (510) 686-2908.
-
Tư huệ là
do suy tư nghĩa lý kinh điển mà thấu đáo chân lý,
-
Tu huệ là
do tu hành thể nghiệm và thể nhập mà chứng ngộ được chân lý.
-
III.-
Kết luận :
Phật dạy có 8 vạn 4 ngàn pháp môn tu tập, mỗi người chúng ta tùy
theo căn cơ phù hợp với pháp môn nào nên theo pháp môn ấy, điều
cần nhất là phải tinh tấn chuyên cần, giờ giấc công phu không
nên trễ nãi. " Tu nhất kiếp, ngộ nhất thời ", chỉ cho những
người có căn cơ, họ là những bậc xuất gia hay những vị vào trong
thâm sâu cùng cốc tu hành, là điều khó đạt được ở một người Cư
sĩ, nhưng mà hạ thủ công phu tu trong 5 năm, 10 năm chúng ta sẽ
thấy những gì mà chúng ta đã đạt được. Xin nhớ lời Phật dạy "
Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi".
-
30-11-1996
&
27-11-1997
-
Sách
Tham khảo :
MINH CHÂU, THIÊN ÂN, CHƠN TRÍ, ĐỨC TÂM Phật Pháp, THPGVN.
Sàigòn. 1951
- --o0o--
|
|