Thư Viện Chùa Dược Sư
PHẬT HỌC CƠ BẢN
Tìm Pháp Ở Đâu
Minh Tâm
--o0o--
 
Theo Phật Học Từ Điển thì danh từ Pháp có rất nhiều nghĩa, mà rộng nhất và bao trùm nhất là định nghĩa: "Quỹ sinh vật giải, nhậm trì tự tánh" dịch nghĩa là những hình dáng cấu tạo, giải thích rõ một vật, nắm giữ tự tánh của nó, không cho lầm lẫn với vật khác. Theo định nghĩa này thì Pháp là tất cả mọi sự vật ở trên thế gian, dù có hình dáng hay không có hình dáng, dù có thật hay tưởng tượng, người, thú, cây cỏ cũng đều là Pháp, Luân Hồi Nhân Quả cũng là Pháp, Tư Tưởng, Hành Động cũng là Pháp. Nhưng theo định nghĩa được dùng nhiều nhất, dễ hiểu nhất, thì Pháp là những lời Phật dạy các đệ tử, sau đó được ghi chép bằng chữ của người đời, gọi là Kinh, Luật. Còn Luận là những lời bàn của các vị Đại Bồ Tát, đệ tử Phật làm sáng tỏ thêm những lời Phật dạy. Kinh, Luật và Luận được gọi là Tam Tạng Pháp Bảo. 
Vậy câu hỏi: "Tìm Pháp ở đâu?" thoạt nghe thật dễ trả lời: Tìm Pháp trong các cuốn kinh Phật, trong Tam Tạng Pháp Bảo, mà kinh Phật thì nhiều lắm, dễ tìm. Cứ đến các chùa, thư viện, các nhà Phật tử thì thấy ngay. Câu này thật ra chỉ đúng một phần thôi, đó là về mặt Sự, còn thiếu mặt Lý nữa. Người xưa đã dạy: "Đọc Kinh cầu Lý"; khi đọc kinh đừng đọc như con vẹt, chẳng hiểu gì cả, đừng đọc cho lấy lệ hoặc để người khác kính nể, mà còn phải tìm ra nghĩa lý câu Kinh, Lý đây là nghĩa ẩn, nghĩa bóng, chữ không phải nghĩa đen, chữ đâu nghĩa đó. 
Cuốn Kinh Phật nào cũng quý báu cũng dạy chúng sinh đường lối tu hành để được thoát khổ, được vui, được giác ngộ và giải thoát, ra khỏi vùng luân hồi trong ba cõi, sáu đường. Vì vậy, các đệ tử Phật, sau khi quy y Phật rồi, thì phải quy y Pháp là tuân theo lời dạy của Phật, hiểu rõ và thực hành những lời Phật dạy, sống theo Pháp, hòa mình trong Pháp, nhập làm một với Pháp. 
Tất cả mọi sự vật đều có hình tướng riêng biệt, nhưng đều chung một bản thể, đó là Pháp Tánh. Những ai thâm nhập được bản thể ấy, thấu hiểu Pháp Tánh thì đạt đến Sự Thật, chứng ngộ Chân Lý. Pháp Tánh đó không hình, không tướng, chỉ bàng bạc trong không gian và thời gian, và được thể hiện qua các luật thiên nhiên như Luân Hồi, Nhân Quả, Duyên Khởi. Những ai thuận với thiên nhiên, sống với luật thiên nhiên, và nhất là không làm trái với luật đó thì được coi là người thực hành Chánh Pháp; còn những ai không tuân theo Chánh Pháp mà sống ngược với luật Phật, luật thiên nhiên thì người đó thực hành Tà Pháp. Nếu đã biết cùng chung một bản thể, một nguồn gốc, thì tất cả chúng sinh đều có liên hệ với nhau, tất nhiên phải yêu thương lẫn nhau, hòa thuận với nhau, dìu bước nhau tiến đến chỗ sáng suốt an vui, không còn chia rẽ hận thù, tất cả được ví như con một nhà, chim một tổ. 
Trước khi nhập Niết Bàn, Phật có căn dặn các đệ tử cứ theo Chánh Pháp mà tu thì cũng như Phật còn tại thế. Nhưng trong kinh điển Đại Thừa Phật giáo có câu: "Chánh Pháp còn phải bỏ huống chi Tà Pháp." Như vậy có mâu thuẩn không? Tà Pháp thì dĩ nhiên phải bỏ rồi, nhưng Chánh Pháp sao cũng phải bỏ? Đây là lời Phật dạy các Đại Đệ Tử, những vị đã dày công tu hành, chứng quả, đừng chấp nê vào danh từ, ngôn ngữ, ôm chặt những gì đã có, mà còn phải vươn lên nữa, vượt qua những danh từ, ngôn ngữ là những ước lệ tương đối để đạt đến chỗ tuyệt đối, mà danh từ ngôn ngữ không sao diễn tả nổi. Chánh Pháp được ví như chiếc bè đưa người qua sông, rất quý báu và hữu ích, nhưng qua sông rồi thì không cần dùng đến bè nữa; nếu cứ ôm bè theo thì sẽ trở ngại cho việc đi đường. Người tu theo tinh thần Đại Thừa luôn luôn cố gắng vượt qua ngôn ngữ, văn tự để đạt tới lý "KHÔNG", tới chỗ nhiệm mầu của Trí Tuệ Bát Nhã, đó là phương pháp của các Thiền sư "Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, dĩ tâm ấn tâm...". 
Đó cũng là diệu nghĩa của câu "Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan". Nếu y như kinh, chữ đâu nghĩa đó mà giảng giải ý nghĩa thì oan cho ba đời chư Phật, vì những bài kinh, những câu chuyện chỉ là nghĩa đen, là những tỷ dụ (Paraboles) dẫn dắt đến những nghĩa bóng ẩn đằng sau, đó mới là Chân lý mà chư Phật muốn đề cập đến. Cũng như chúng ta thường được đọc các câu chuyện cổ tích hoặc ngụ ngôn của La Fontaine, nếu cứ chấp nhận con cáo và con quạ biết nói, con rùa chạy nhanh hơn con thỏ... thì thật là ấu trĩ và không có lợi bao nhiêu. Nhưng nếu suy ra những bài luân lý ẩn sau những câu chuyện ngụ ngôn, rồi thực hành bài luân lý đó, thì chắc chắn được lợi ích rất nhiều. 
Trong truyện Tây Du, có tiểu thuyết hóa sự tích ngài Huyền Trang sang Tây Trúc thỉnh kinh, bị ngài A Nan đưa cho những bộ kinh không có chữ (Kinh Vô Tự), sau phải xin đổi lấy những bộ kinh có chữ. Kinh Vô Tự chính là Sự Thật tuyệt đối mà không ngôn ngữ, văn tự nào có thể diễn tả nổi, đó mới là chân lý vượt qua ra ngoài vòng tương đối và phân biệt. Đấy mới chính là Chánh Pháp mà ngài Duy Ma Cật lặng thinh, ngài Ca Diếp mỉm cười, ngài Đạt Ma quay vào vách chín năm không nói. Chánh Pháp này chỉ có thể dùng Tâm mà chứng, dùng Tánh mà nhập, chứ không thể dùng văn chương, chữ nghĩa mà diễn tả, trình bày. Nhưng đối với chúng sinh còn mê muội, có mắt như mù, có tai như điếc, thì chư Phật phương tiện dùng lời nói và danh từ để giảng giải, mở rộng và chỉ bày (Khai, Thị) cho chúng sinh thấu hiểu sâu vào (Ngộ, Nhập) Chân Lý; vì vậy cho nên ngài Huyền Trang phải thỉnh kinh có chữ để đem về truyền bá tại Trung Quốc. 
Tụng đọc kinh Phật cần phải vượt qua nghĩa đen, bỏ qua danh từ tầm thường để thâm nhập nghĩa bóng, tìm ra Sự Thật ẩn náu bên trong, rồi đem ra thực hành, thuận theo lời Phật dạy, hòa hợp với luật thiên nhiên, quên mình, lợi người, tự giác giác tha, thì đó là người đã tìm ra Pháp và sống với Pháp.  
Vậy trở lại câu hỏi "Tìm Pháp ở đâu?", chúng ta có thể tìm ra Chánh Pháp của Phật, nghĩa là Chân Lý, ở khắp mọi nơi, chứ không bắt buộc chỉ tìm trong kinh điển, Luật thiên nhiên đã có từ vô thủy, dù Phật ra đời hay không thì luật vẫn có, vô thường vẫn hiển nhiên, nhân quả vẫn rõ ràng. Trong thời kỳ không có Phật ra đời, những ai thấy lá rụng hoa rơi mà suy gẫm ra lẽ vô thường, theo đó mà tu hành giác ngộ thì được gọi là Độc Giác Phật, những vị đó tìm ra Chánh Pháp, mặc dù không được nghe lời Phật dạy. Như vậy thì Chánh Pháp sẵn có từ ngàn xưa, lá rụng hoa tàn, trăng tròn rồi khuyết, lửa cháy, nước trôi, sinh lão bệnh tử, hợp rồi lại tan... tất cả đều là những hình tướng của luật hiên nhiên, của Pháp.Tìm ra Pháp rồi thì phải sống theo Pháp, nghĩa là phải tu, phải sửa sao cho thuận với Pháp, từ lời nói đến việc làm đều đúng với Chân Lý, hợp với bản thể của muôn loài, thì chắc chắn sẽ được giác ngộ và giải thoát. 
 
Ghi Chú: 
Trích: Minh Tâm, "Tìm Phật Ở Đâu?", NXB Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ.
Chân thành cảm tạ anh Nguyễn Quang Trung đã có thiện tâm đánh máy lại bài nầy.
Source: Buddhasasana Homepage
--o0o--