Thư Viện Chùa Dược Sư
PHẬT HỌC CƠ BẢN
Phật Pháp Là Lương Dược
Ajahn Chah
Tỳ Kheo Khánh Hỷ chuyển dịch
--o0o--
 
Vỏ chuối khô
Khi thấy được mọi sự trên thế gian này chẳng khác nào những vỏ chuối khô vất bỏ thì bạn sẽ không còn bị dao động, chán nản, và đau khổ trước vô vàn sự đến và đi của mọi sự vật trên thế gian -- dầu là vui hay buồn. Nhận thức được điều này bạn sẽ thong dong trên đường giải thoát.
Người mù
Cả thân và tâm chúng ta đều không ngừng sinh rồi diệt. Các pháp hữu vi hay mọi sự vật trên thế gian này đều luôn luôn biến đổi. Sở dĩ chúng ta không biết được chính xác, đúng thực các hiện tượng đổi thay của thế gian vì chúng ta tin tưởng và chấp trước vào những cái giả tạo không thực. Chẳng khác nào chúng ta được một người mù dẫn đường. Làm thế nào chúng ta đi được một cách an toàn dưới sự hướng dẫn của một người không sáng mắt. Người mù có thể đưa ta vào rừng rậm um tùm vì họ không thấy đường. 
Cũng vậy, khi tâm bị mê mờ dính mắc, bám víu vào các pháp thế gian, thì thay vì đi tìm hạnh phúc ta lại gặp khổ đau, thay vì đi tìm an bình ta lại gặp khó khăn. Có một tâm như thế thì chỉ gặp gian nguy và khốn khổ mà thôi. Chúng ta muốn thoát khỏi đau khổ và khó khăn, nhưng chúng ta lại tạo ra khó khăn và đau khổ. Thế rồi, ta than trời trách đất. Ta đã tạo ra nhân xấu, và nguyên nhân của các việc làm tệ hại này là do ta không biết rõ thực tướng của sự vật, không biết rõ các pháp hữu vi luôn luôn biến đổi, cứ khư khư chấp giữ chúng, nghĩ rằng chúng sẽ ở mãi với mình.
Lọ thuốc
Chúng ta có thể ví sự tu hành của chúng ta với một lọ thuốc mà thầy thuốc phát cho bệnh nhân. Nếu không uống thuốc mà chỉ đọc cách dùng ghi trên lọ thuốc thì dầu có đọc hàng trăm lần lời chỉ dẫn bịnh nhân cũng không chữa được bệnh, và vĩnh viễn không hưởng được chút lợi lộc nào do thuốc đem lại. Thấy không khỏi bệnh, bệnh nhân có thể oán trách thầy thuốc thiếu năng lực, hoặc lọ thuốc chẳng có chút tác dụng nào. Bệnh nhân chẳng hề biết rằng mình chỉ xem xét chai thuốc và đọc cách dùng mà không chịu uống theo lời chỉ dẫn của thầy thuốc. Nếu bệnh nhân biết tuân theo lời chỉ dẫn và uống thuốc đều đặn thì đã khỏi bệnh. Thuốc dùng để chữa bệnh của cơ thể. 
Giáo pháp của Đức Phật chữa bệnh tâm và đưa tâm về trạng thái khỏe mạnh tự nhiên. Đức Phật là bác sĩ chữa tâm bệnh của chúng sinh và Phật pháp là lương dược để trị bệnh phiền não. Chúng ta, mỗi người đều có tâm bệnh. Vậy hãy mau tìm về nương tựa nơi Phật pháp.
Trẻ con nô đùa
Quan sát bản chất của tâm nhiều lần ta sẽ hiểu rõ rằng tâm chỉ là tâm không có gì khác. Đường lối của tâm cũng chỉ là như vậy, như vậy mà thôi. Đó là bản chất tự nhiên của tâm. Nếu thấy được điều này một cách rõ ràng thì ta không còn chấp trước vào sự suy nghĩ và cảm giác. Ta sẽ không thêm gì vào đó nữa nếu ta luôn luôn tâm niệm rằng "đó chỉ là đường lối của tâm thôi." Khi tâm thật sự hiểu rõ thì tâm sẽ xả bỏ tất cả. Suy nghĩ và cảm giác vẫn còn đó nhưng chúng mất hết tác dụng. 
Chẳng hạn lúc đầu bạn thấy khó chịu khi gặp một đứa trẻ hiếu động, chạy nhảy la hét ồn ào; bạn có thể la mắng quở phạt nó. Nhưng khi đã hiểu rõ rằng bản tánh tự nhiên của trẻ con là hiếu động và đùa nghịch thì bạn sẽ không còn phiền trách chúng nữa. Khi xả bỏ thì mọi khó chịu sẽ tan biến. 
Tại sao mọi khó chịu tan biến? Bởi vì chúng ta đã chấp nhận bản chất tự nhiên của trẻ con. Cái nhìn của chúng ta đã thay đổi. Chúng ta chấp nhận bản chất tự nhiên của mọi vật. Chúng ta xả bỏ tất cả. Giờ đây, tâm chúng ta bình an hơn, có chánh kiến, có sự hiểu biết đúng đắn.
Rắn hổ mang
Hoạt động của tâm chẳng khác nào một con rắn hổ mang độc hại có thể cắn chết người. Nếu chúng ta không động chạm gì đến rắn thì rắn tự nhiên đi theo đường của rắn. Dầu cho rắn có độc hại đến đâu cũng chẳng ăn nhằm gì đến ta. Nếu chúng ta không đến gần rắn hay đụng vào rắn thì rắn chẳng hề cắn chúng ta. Rắn hổ mang hoạt động theo bản năng của nó. Chuyện đương nhiên là như vậy. Nếu khôn ngoan, bạn hãy để rắn tự nhiên đừng đếm xỉa gì đến nó. 
Cũng vậy, hãy để mặc cái không tốt ở đó; để nó đi theo đường lối tự nhiên của nó. Cũng hãy để cái tốt nằm đó, để nó đi theo đường lối tự nhiên của nó. Đừng nắm giữ vào cái thích hay cái không thích, giống như trường hợp không đụng đến rắn hổ mang vậy. Người thông minh trí tuệ sẽ có thái độ như vậy đối với mọi cảm xúc dấy lên trong tâm mình. Khi điều tốt hiện khởi hãy để nó tốt như vậy; hiểu biết bản chất của nó. Cũng vậy, khi điều không tốt hiện khởi hãy để nó không tốt như vậy; để nó thuận theo bản chất của nó. 
Chúng ta không muốn động đến chúng vì chúng ta chẳng muốn gì cả. Chúng ta không muốn cái xấu. Chúng ta cũng chẳng muốn cái tốt. Chúng ta không muốn nặng, cũng chẳng muốn nhẹ. Không muốn hạnh phúc cũng chẳng muốn đau khổ. Khi cái muốn của ta chấm dứt thì sự bình an tĩnh lặng sẽ đến với chúng ta.
Cái gáo dừa
Ý muốn là một phiền não, nhưng trước tiên phải có ý muốn mới có thể khởi đầu việc hành thiền, giả sử bạn đến chợ mua một quả dừa và lúc ra về có người hỏi:
-- Anh mua dừa làm gì ?
-- Mua để ăn.
-- Anh sẽ ăn luôn gáo dừa sao?
-- Dĩ nhiên là không.
-- Tôi không tin, nếu không ăn luôn gáo dừa, tại sao anh lại mua nó?
Vậy đó, bạn sẽ trả lời như thế nào khi có ai cắc cớ hỏi như vậy? Chúng ta nảy ý muốn hành thiền trước khi thực hành. Nếu không có ý muốn thực hành đến trước thì sẽ không có việc thực hành. Quan sát như vậy giúp cho trí tuệ phát sinh. Bạn biết rõ điều này. Chẳng hạn, đối với trái dừa, bạn sẽ ăn luôn cái gáo dừa chăng? Dĩ nhiên là không. Vậy thì tại sao bạn mua nó? Bởi vì cái gáo bao gồm phần cơm dừa. Chúng ta không ăn gáo dừa. Nhưng bây giờ chưa phải là lúc vất bỏ gáo dừa. Trước tiên, phải giữ gáo dừa lại đã. Sau khi ăn cơm dừa xong, bạn sẽ vất bỏ gáo dừa đi.
Việc thực hành của chúng ta cũng vậy. Trước khi hành thiền, ta phải có ý định muốn hành thiền, nhưng sự muốn là một phiền não. Bởi vậy khi đã hành thiền rồi phải bỏ ý muốn đi, bỏ mọi tham ái. Nếu có người nào cho rằng chúng ta ăn cả cái gáo dừa thì đó là chuyện của họ. Chúng ta biết chuyện của chúng ta đang làm là được rồi.
Nấu nướng
Muốn thực hành giới, trước tiên phải huấn luyện thân và khẩu, không cho chúng làm điều bất thiện. Nhiều người cho rằng muốn có giới hạnh bạn phải học thuộc lòng những câu Pali và phải đọc tụng suốt ngày đêm. Nhưng thật ra, muốn có giới luật tốt đẹp thì chuyện phải làm là giữ thân và khẩu trong sạch. 
Điều này chẳng có gì khó hiểu. Chẳng khác nào chuyện nấu ăn. Đổ vào nồi thứ này một ít thứ kia một ít cho đến khi vừa đủ và ngon lành là được. Và khi món ăn đã ngon lành, bạn chẳng cần phải thêm gì vào nữa bởi vì các loại chất liệu để nấu nướng đã đầy đủ cả. Cũng vậy, giữ cho thân khẩu trong sạch là ta đã giữ giới luật tốt đẹp.
Thằng khùng
Giả sử một buổi sáng nào đó bạn đang đi dạo mát thì có người mắng chưởi bạn. Vừa nghe lời mắng chưởi, tâm bạn biến chuyển ngay. Bạn cảm thấy bực mình, khó chịu, bị nhục mạ và muốn trả đũa ngay.
Vài ngày sau đó, có người đến thăm bạn và cho biết rằng người mắng chưởi bạn hôm nọ là một thằng khùng. Hắn khùng nhiều năm rồi. Hắn đã mắng chưởi nhiều người như vậy. Chẳng ai thèm để tâm đến những lời mắng chưởi của hắn. Vừa nghe xong, bạn cảm thấy nhẹ nhõm ngay. Sự khó chịu, sự bực mình, sự sân hận và cái cảm tưởng mình đã bị nhục mạ đang đè nặng tâm bạn hai ba hôm nay bỗng nhiên tan biến tất cả. Tại sao vậy? Bởi vì bây giờ bạn đã hiểu sự thật.
Trước đây, vì chưa biết, bạn nghĩ rằng gã kia là một người bình thường nên bạn tức giận, và sự tức giận này dày xéo tâm bạn, khiến bạn đau khổ. Khi hiểu được sự thật thì mọi chuyện đều thay đổi: "-! hắn là một thằng khùng. Mọi chuyện xảy ra cũng do tánh khùng của hắn mà thôi! Chấp nhứt hắn làm gì." Thấu hiểu mọi chuyện bạn sẽ cảm thấy dễ chịu . Đã hiểu rõ nên bạn dễ dàng xả bỏ. Nếu không hiểu rõ sự thật thì bạn bị dính mắc ở đó. Khi nghĩ rằng người mắng bạn là một người bình thường, bạn có thể giết hắn. Nhưng khi bạn tìm ra sự thật, biết hắn là tên khùng bạn sẽ cảm thấy thoải mái. Đó là sự hiểu biết chân lý hay hiểu biết sự thật.
Nhiều người thấy được giáo pháp cũng có kinh nghiệm tương tự. Khi tham lam, sân hận và si mê tan biến thì cũng tan biến một cách tương tự như vậy. Bao lâu chưa biết rõ những điều này, chúng ta thường nghĩ: "Ta phải làm gì đây? Tức quá đi thôi!" hoặc "Ta phải làm gì đây? Ta thích quá đi thôi!" Đó không phải là sự nhận thức hay hiểu biết rõ ràng. Đó cũng giống như lúc bạn nghĩ tên khùng là một người bình thường. Cho đến khi bạn biết được hắn là một tên khùng thì sự bực dọc của bạn mới tan biến. Không ai có thể chỉ cho bạn thấy điều này, chỉ khi nào tâm tự nó nhận biết thì sự dính mắc chấp giữ mới được nhổ bỏ.
Cốc nước
Nhiều người đến gặp tôi có trình độ trí thức cao trong xã hội, trong đó có thương gia, sinh viên tốt nghiệp, giáo sư và nhân viên chính quyền. Tâm họ đầy ắp các quan điểm về sự vật. Họ quá thông thái nên khó có thể nghe người khác. Giống như một cái cốc, nếu chứa đầy nước dơ thì trở thành vô dụng. Chỉ khi nào đổ hết nước dơ đi ta mới có thể sử dụng được chiếc cốc. Cũng như phải vứt bỏ mọi quan niệm của mình thì bạn mới có thể thấy được chân lý. 
Kiến thức có được do việc thực hành của chúng ta vượt ra ngoài sự thông thái và ngu dốt. Nếu bạn nghĩ rằng mình thông thái, giàu có, quan trọng và là một nhà Học Phật Tinh Thông thì bạn đã che lấp chân lý vô ngã. Tất cả những gì bạn thấy sẽ là tự ngã, tôi, của tôi. Nhưng Phật giáo thì loại bỏ tự ngã. Những kẻ quá thông thái thì sẽ không thể nào học hỏi được. Trước tiên, phải vất bỏ sự thông thái đi. Phải làm cho chiếc cốc trống không trước đã.
Tỳ kheo Khánh Hỷ chuyển dịch
(Trích "Chỉ là một cội cây <../cl1cc/clmcc_0.htm>")
Source: Buddhasasana Homepage
--o0o--