Thư Viện Chùa Dược Sư
PHẬT HỌC CƠ BẢN
(04)
Luận Giải Về
Pháp Thiền Quán Dzogchen
Tác giả : Gyatrul Rinpoche
Việt dịch : Nguyễn Hòa
--o0o--
 
          Chính là qua việc thể nghiệm tuệ giác mà Trí Tuệ ban sơ của tâm được thực hiện bằng hành động. Có bốn giai đoạn cho sự phát triển này. Thứ nhất là có tín tâm về tri kiến đó. Thứ hai  là thực nghiệm việc thiền quán. Thiền quán phải được thực nghiệm; nó không thể chỉ là sự tìm hiểu bằng tri thức. Bằng không, nó sẽ giống như một mảnh giấy đặt lên cái lỗ để giúp che đậy. Một lúc nào đó, mảnh giấy sẽ rớt ra. Sự hiểu biết bằng tri thức là vô thường và sẽ phải thay đổị Sự thực hiện đạt được qua thiền quán là thường hằng. Giai đoạn thứ ba là giữ sự liên tục trong các sinh hoạt của đời sống hằng ngày. Giai đoạn thứ tư là thực hiện được cái kết quả rốt ráo.
Trước hết, thực hiện tín tâm về tri kiến có ba phần. Đầu tiên là   lập dựng bản chất của những vật thể được nhận biết là ở bên ngoài tâm (cái được biết). Thứ hai là xây dựng ý thức về bản chất của tâm là khả năng nhận biết bên trong (cái biết). Thứ ba là hiểu biết vững chắc tri kiến vềbản chất của thực tại. Phần đầu tiên lập dựng  bản chất của các vật thể được nhận biết thuộc ngoại giới liên hệ đến cái ý thức về việc tâm đã nắm giữ như thế nào những ngoại vật đó và coi chúng như thực sự hiện hữu. Điều này muốn nói về  các pháp hiển hiện khách quan được nhận thức là ở bên ngoài cái ngã. Tất cả sự hiển lộ đó được  cái tâm chủ thể nắm bắt như là có thật. Do đó, nhiều học giả đã chia cắt vật thể khách quan thành những hạt nguyên tử rất nhỏ, rồi thành cái không còn gì hết, như vậy để đi tới chỗ hiểu biết bản chất của vật thể là không có hiện hữu thật sự. Theo cái hệ thống nhận thức đó, những hiện tượng khách quan khởi lên trong tâm, và hiện hữu trong tâm của người nhận biết. Mặc dù bạn nghĩ   những hiển hiện khách quan là có thật, cái thế giới vô tri giác và hữu tình sẽ không hiện hữu , nếu như nó không hiện hữu cho cái tâm. Khi không nhận biết được bản chất của tâm và cho phép tâm cứ nằm mãi trong những cảm nhận hư ảo, bạn sẽ thật sự tin những hiển hiện khách quan là có thật như chúng được cảm nhận. Rồi sau đó sẽ rất khó khăn để chấp nhận những hiển hiện khách quan là không thật, không vốn có, mà đều  do tâm tạo ra.
Vấn đề đầu tiên là tâm của bạn đang trong kinh nghiệm về những cảm nhận hư ảo. Kế đó là chân lý về vô thường, là không có gì mà cái tâm cảm nhận được, kể cả chính nó, là thường hằng và đáng coi như  là  chân, là có thật. Vì mọi vật đều đổi thay, đều này được hiểu là không có sự hiện hữu vốn có thật, vì bản chất của mọi hiện tượng là vô thường. Giấc mơ bạn có tối hôm qua không còn là thật
cho ngày hôm nay.Vào lúc bạn nằm mơ, nó dường như là rất thật, có thật. Bây giờ nó ở đâu? Đã xảy ra điều gì? Tất cả các vật hiển hiện khách quan đều không có gì khác hơn là những nhãn hiệu của tâm trí. Bạn có thể nói :" Đây là cái bàn. Đây là cái nhà."  Mỗi vật có cái tên vì nó hiện ra với bạn là cái vật đó. Do đó bạn có một nhãn hiệu dành cho nó. Thật ra, bản chất của nó là hư ảo, và nó không thực sự hiện hữu gì khác hơn là những trò hư ảo của nhà ảo thuật. Do đó, bạn phải tin vào  thức giác của trí tuệ về bản chất hư ảo của mọi vật hiển hiện .Qua đó bạn có thể lập nên bản chất của vật thể được nhận biết ở bên ngoài tâm. Điều này dẫn bạn đến bước thứ hai trong việc thực tập để phát sinh tuệ giác , nó đang xây dựng bản chất của tâm như là chủ thể nhận biết ở bên trong. Kẻ sáng tạo ra vật thể khách quan là chủ thể, là chính cái tâm. Nếu bạn thử đi tìm chỗ ở của tâm, bạn có thể định được vị trí của nó không ? Bạn có thể xác định được những đặc tính của tâm không ? Phải là nó có thực chất và sờ mó được không? Theo nhiều trường phái trong tư tưởng Phật giáo, có vô số phương thức có thể được dùng vào sự phát hiện nguồn gốc của tâm để xác định là nó có hiện hữu hay không.
Để làm theo cách thực tập chánh thức, trước hết bạn nên ngồi theo tư thế tham thiền đúng đắn. Hãy làm cho ngôn ngữ im lặng và thở tự nhiên. Đừng ép bắt tâm phải quá căng thẳng hay quá trì trệ; chỉ giữ sự thư giãn trong chính tính giác tinh tuyền của bạn. Đôi khi lúc bạn ngồi, có thể xảy ra cho bạn hai diễn tiến: là cái nhận biết của tâm và  cái nhận biết của người nhận biết. Nếu bạn lưu ý đến điều này, thì bạn hãy để cho người nhận biết nhìn vào cái tâm đang nhận biết, giống như một người đang quan sát mặt mũi thật của mình mà ở giữa hai bên không có gì khác ngăn cách . Khi bạn có ý thức được bằng cách như vậy, bạn sẽ bắt đầu nhận thức người nhận biết và tâm đang nhận biết là không phải hai (bất nhị). Kế đó, bạn sẽ nhận thức là vật thể được nhận biết bởi người nhận biết và tâm đang nhận biết là không thể phân cách, có cùng một kinh nghiệm. Do đó, bạn đi đến chỗ nhận thấy đối tượng (vật thể) và chủ thể,   sự nắm giữ và  bám chắc, không còn là nhị nguyện nữa. Đó là một kinh nghiệm, thuộc bản chất của tâm, thoát khỏi những giới hạn của hoạt động suy tưởng của tâm. Cái gì xảy ra lúc đó khi không còn có chủ thể và đối tượng ? Kế đó bạn có được điều gì? Tất cả bạn đạt được là kinh nghiệm về Phật tính hằng có của bạn. Trong giai đoạn khởi đầu của việc thực tập, bạn sẽ có kinh nghiệm về trạng thái không còn nhị nguyên trong một khoảnh khắc ngắn. Vào lúc thứ hai, sự nắm giữ và bám chắc nhị nguyên sẽ khởi sự. Bây giờ có nhiều người bỏ ra một thời gian đáng kể  ngồi lặng yên thiền quán. Nếu bạn biết cách thực tập làm phát sinh hay hoàn thiện giai đoạn này, và thật sự lập dựng  được cái tri kiến với tự tin để có thể biết rõ  tánh Không, thì việc tĩnh toạ trong một thời gian kéo dài có thể soi sáng được rất nhiềụ Tuy nhiên, nếu bạn không được huấn luyện hay không có kinh nghiệm, và chỉ ngồi đó im lặng với những vọng tưởng khuấy phá  và các niệm làm tâm xao lãng nổi lên, thì đó chỉ là một việc làm tốn mất thì giờ.
Trong lúc kinh nghiệm tính bất nhị, hãy cho phép bạn duy trì sự tươi mới của kinh nghiệm , đừng có toan tính thay đổi nào. Một hành giả với sự thông minh vượt bậc sẽ có thể duy trì kinh nghiệm này về sự tỉnh giác chân chính trong một thời gian vô hạn. Lúc bắt đầu, rất khó mà giữ được lâu.Tuy nhiên, kinh nghiệm này cũng giống với kinh nghiệm mà bạn có giữa hai cái niệm. Khi niệm đầu tiên vừa chấm dứt và trước khi niệm thứ hai bắt đầu, cái tươi mới ở khoảng giữa đó cũng giống với kinh nghiệm về tính giác chân chính. Lý do mà bây giờ bạn không có ý thức về nó là bởi vì bạn có quá nhiều niệm khởi lên nhanh quá đến nỗi cái khoảnh khắc nằm ở giữa các niệm không được nhận thấy. Có thể bạn sẽ nghĩ  cái khoảnh khắc nằm ở giữa các niệm là tình trạng trì trệ, tương tợ với kinh nghiệm về sự tĩnh lặng bất tịnh. Trong kinh nghiệm về khoảnh khắc giữa các niệm, tất cả bát thức (gồm năm thức của ngũ quan, ý thứ c, mạt na và a lại da thức) đều hoạt động bình thường. Cái tâm trở nên sáng tỏ, và có khả năng nhận biết mọi sự việc, tuy nhiên hoàn toàn thoát khỏi tính nhị nguyên bởi vì không có sự taọ thành ra niệm hay hoạt động phát sinh ra vọng tưởng.  Nếu bạn hiểu được điều này, có nghĩa là bạn có được cái nhìn thoáng qua kinh nghiệm tổng quát về tính giác chân chính.
Tại sao lúc đó, là  con người bình thường bạn lại gặp khó khăn khi nhận thức kinh nghiệm tổng quát về cái trí tuệ ban sơ ? Đây chủ yếu là do thói quen mạnh mẽ về (suy tưởng) nhị nguyên và những vọng   niệm tản mạn. Do điều đó mà thỉnh thoảng bạn lại bị đánh bại bởi khả năng tạo thành khái niệm của chính bạn.  Thêm vào đó, trong quá khứ bạn đã nghe những lời giảng dạy về bản tánh của tâm, nhưng không chịu thực tập. Vậy thì,  bạn có thể dùng phương pháp nào khi bạn bị chính cái tâm của mình làm cho phân tâm đến như thế? Phương pháp phải dùng là cố gắng tìm kiếm nguồn gốc của tâm, là kẻ sáng tạo ra các vọng niệm , là gốc rễ gây ra các vấn đề phiền phức cho bạn.
--o0o--