|
- Thư Viện Chùa Dược Sư
- PHẬT HỌC CƠ BẢN
-
(05)
-
Luận Giải Về
-
Pháp Thiền Quán Dzogchen
-
Tác giả : Gyatrul Rinpoche
-
Việt dịch : Nguyễn Hòa
-
--o0o--
-
-
Bạn đã
có thể quen thuộc với sự kiện là khái niệm khởi lên từ tâm. Bây
giờ bạn phải tìm coi tâm bắt đầu từ đâu, nó hiện hữu chỗ nào, và
cuối cùng nó chấm dứt nơi đâu. Tương tự như vậy, bạn thử tìm
hiểu nơi mà các vọng niệm nổi lên, nơi nó hiện hữu, và nơi nó
chấm dứt. Kinh nghiệm về giác ngộ bắt đầu, hiện hữu, và chấm dứt
nơi đâu? Còn đâu là chỗ khởi nguyên, tồn tại, và chấm dứt của
kinh nghiệm thế gian? Ai kinh nghiệm về an lạc và đau khổ? Nếu
bạn đi đến kết luận là chính cái tâm kinh nghiệm về giác ngộ và
thế gian, thì từ đâu mà cái tâm bắt đầu, hiện hữu và chấm dứt?
Tâm có thể sờ chạm được hay không? Nó không có hình sắc? Nếu
bạn xác định là tâm có hình sắc, thì nó có hình dạng, màu sắc
như thế nào? Nếu nó có thể sờ chạm được, nó phải có vài đặc
tính. Nếu bạn nghĩ nó không có thực chất, thực thể nào, thì bạn
thử xem cái kinh nghiệm đó là gì. Điều cốt yếu là phải có một
đạo sư đã nhận thức được bản tánh của tâm để có thể giúp hướng
dẫn bạn một cách đúng đắn đi qua cái kinh nghiệm này.
-
Một đạo
sư có đủ phẩm cách ở mức tu tập này là người đã hiểu biết rõ bản
chất của tâm. Tại Tây Tạng có nhiều trường hợp mà các đệ tử bị
những ông thầy không có thực chứng dẫn đi lạc đường. Ở mức tu
tập này, có nhiều nguy hiểm và cạm bẫy. Nếu, bằng tiến trình xem
xét, bạn hoàn toàn không thể tìm thấy tâm và thay vào đó, cái
điều mà bạn tìm thấy chỉ như một khối cầu không gian, mở rộng,
giống như khi nhìn vào một khoảng không gian trống, rộng lớn,
thì tuy bạn không thể diễn tả được nó, bạn đã đi đúng đường. Tuy
nhiên, kinh nghiệm về cái không này không phải là phủ định mọi
thứ, để rơi vào chỗ cực đoan của chủ nghĩa hư vô, tin là không
có gì hết. Nó chính là kinh nghiệm rất mở rộng; và bên trong chỗ
khai mở đó, có rất nhiều khả năng. Điều quan trọng nữa là phải
rất cẩn thận về mức thâm sâu của lời giảng dạy nàỵ Nếu bạn hiểu
nó hời hợt theo ngôn từ, không có kinh nghiệm quán chiếu nào,
thì bạn có nguy cơ bị lầm lẫn về thực tại, và trở nên mất trí
khôn. Đó là tại sao thật quan trọng khi nhận lời giảng dạy
dưới sự chỉ bảo của một ông thầy có phẩm cách theo như truyền
thống. Qua truyền thống này, sự giác ngộ được thực hiện trong
thân và trong một đời người, bởi vì lời dạy này có sức mạnh đặt
hành giả vào tình trạng giải thoát, nơi mãi mãi không còn có
dấu vết của nhận thức sai lầm . Biết được bản tánh của tâm là
điểm cốt lõi trên suốt con đường hành đạo; tuy nhiên, cũng có
thể là rất nguy hiểm nếu bạn không tiếp cận nó một cách cẩn thận
và đúng đắn. Bước thứ ba là có được vững vàng cái nhìn đúng về
bản chất thực tại. Để nhận thức về bản chất này, bạn không cần
tìm kiếm nơi nào khác hơn là bên trong của bạn. Cái bản chất
này là tinh yếu của tâm và là kinh nghiệm tự khởi sinh. Nhận
thức này là tâm bao trùm khắp cả mọi thứ tạo nên cõi ta bà và
niết bàn.Tâm của tất cả Phật, của chính bản tánh vốn có của bạn,
thoát khỏi tính nhị nguyên, chiếu sáng, từ bi vô ngại. Sau khi
bạn có tự tín ở tri kiến, thì bạn có thể đạt được kinh nghiệm
thiền quán khi đi sâu vào tri kiến. Giữ đừng nghĩ đến quá khứ,
hiện tại và tương lai, giữ thăng bằng trong trạng thái giác tỉnh
tươi mới, không trung gian (trực giác), cũng được gọi là thiền
quán. Cái kinh nghiệm mở khai, sáng tỏ, là bản tánh tự khởi sinh
của tâm, không cần được tìm kiếm như một kinh nghiệm thiền quán
riêng biệt. Bạn không nên coi là bạn đang thử tạo ra một kinh
nghiệm giả tạo. Chỉ nhận thức và cứ trực tiếp đi vào bản tánh
tâm của chính bạn. Đây là ý nghĩa của pháp thân (biểu hiện thực
tại sau cùng). Hơn nữa, trong kinh nghiệm về pháp thân, cảm thọ
từ giác quan vẫn có và chỉ được quan sát vô tư, không có sự nắm
bắt hay vướng mắc (chấp thủ) nhị nguyên . Sự khai mở này sáng
chiếu và bao trùm mọi vật, không gây đau khổ vì không có tính
nhị nguyên. Nó không thể tạo ra lợi ích , và không thể tác hại.
Nó vượt qua lãnh vực của lợi và hại, chấp nhận hay bác bỏ. Bạn
không còn cần phải nghĩ :"Ổ, tôi không thể làm điều đó; tôi
không phải làm điều đó". Bước thứ ba là duy trì sự liên tục khi
hành xử chuyện bình thường. Thái độ xử xự phải giống như lúc
thiền quán, và thiền quán phải giống như tri kiến. Thường bạn
xem hành xử là kinh nghiệm có sau khi thiền quán, xảy ra sau
buổi toạ thiền. Để duy trì sự liên tục hành xử, phải tổng hợp
tri kiến, thiền quán, và hành xử thành một không thể phân chia.
Vì sự quân bình trong thiền quán chỉ là duy trì trong tính giác
khai mở, không trung gian, không bị sự chấp thủ làm ô nhiễm,
hoàn toàn sáng tỏ và thư giãn, khi bạn từ kinh nghiệm này đi
lên, bạn nên nhận thức là mọi hiển hiện và kinh hiệm đều giống
như sự phô bày hão huyền của tính giác bên trong. Tất cả sắc
tướng đều mang vẻ thiêng liêng. Bạn có thể nghe bản chất của mọi
âm thanh là âm thanh của lời chú man tra. Mọi niệm đều được hiểu
là trò chơi của tánh giác thanh tịnh. Bạn cũng có thể xem những
hiển hiện trong đời sống hằng ngày như là mộng, ảo giác, không
có tự tánh chân thật. Ở mức tu tập này không còn có sự phân biệt
giữa thiền quán và cách hành xử. Kinh nghiệm thiền quán được đưa
vào thể cách mà hành giả cảm nhận những hiển hiện của đời sống
hằng ngày, và vào cách hành xử lúc bình thường. Điều này có
nghĩa là những vọng niệm được dùng để làm hiển lộ con đường hành
đạo hơn là làm ngăn trở nó. Khi sự chấp thủ chấm dứt, niệm sẽ
khởi lên như một ảo giác để tô điểm cho con đường hành đạo.
Nếu, bạn có thể còn nghĩ là vọng niệm làm hại bạn, đem lại đau
khổ hay vấn đề khó khăn, bạn chỉ cần đi vào vọng niệm và nhận ra
bản chất vọng niệm là trống không , thì nó sẽ tan mất. Nếu bạn
theo đuổi niệm, và như vậy cho phép nó kiểm soát tâm, thì bạn sẽ
mất tri kiến (cái thấy về con đường đạo). Bằng không, nếu bạn
chú tâm vào niệm, bạn sẽ thấy bản chất nó là không, và nó sẽ tan
mất, giống như ngọn sóng nổi lên trên mặt biển, rồi biến mất vào
trong biển. Không có gì sai quấy với một vọng niệm khởi lên, khi
bạn nhận thức là nó khởi lên từ tánh giác thanh tịnh, và tan
vào tánh giác. Khi bạn có thể nhận ra những vọng niệm là không
có gì khác hơn sự phô bày của chính tánh giác, trống không và
không có thực thể, bạn sẽ để vọng niệm đi và nhìn chúng tan vào
lại cái nguồn trống không của chúng. Tóm lại, bạn phải cẩn thận,
trong khi thực tập về hành xử như hành đạo, đừng để bị sự xao
lãng quấy phá và bị thói quen chấp thủ khuất phục. Là hành giả,
bạn nên thực tập như một dòng sông trôi chảy, đều đặn, không
ngừng.
-
Bước
thứ tư và là bước cuối là cách đạt được thành quả sau cùng. Đạt
đạo là nhận ra bản thể của tánh giác ban sơ, thanh tịnh, vốn
có của mình, thoát khỏi mọi phiền toái, lầm lẫn. Kinh nghiệm
này vốn là kết quả của tri kiến, thiền quán, và hành xử, là
kinh nghiệm của giác ngộ, hay là giải thoát cứu cánh vượt ra
khỏi vòng luân hồi hỗn mang. Nếu sự tu tập của bạn kiên
mãnh, thì ngay cả trước khi chết, bạn nhận ra được bản tánh của
tâm, và thể hiện nó qua thực hành bốn bước kể trên, bạn sẽ được
giải thoát. Bằng không, giải thoát sẽ đến vào lúc bạn chết, hay
trong trạng thái bardo. Nhờ ở phúc lạc khi hoàn thành việc tu
tập này, chắc chắn là sự giải thoát sẽ đến vào một trong những
thời điểm trên. Điều đòi hỏi bắt buộc là phải có lòng tin mạnh
mẽ vào vị thầy chủ yếu của mình, vị thầy dẫn đưa bạn vào bản
tánh của tâm, để bạn nhận ra được bản tánh của chính mình. Đây
là những lời giảng dạy cốt yếu để thành công trong việc tu tập
này. Mục tiêu tối hậu của tĩnh lặng, trí tuệ, Đại Thủ ấn,
mahasandhi, cũng không khác gì điều đó.
- --o0o--
|
|