Thư Viện Chùa Dược Sư
PHẬT HỌC CƠ BẢN
 
ĐỊNH NGHĨA NIỆM
MINDFULNESS DEFINED
Tỳ Khưu Thanissaro, Việt dịch: TN. Chân Giải Nghiêm
---o0o---
                 Chánh niệm về hơi thở nghĩa là sao? Rất giản dị: luôn đặt hơi thở trong tâm. Luôn nhớ đến hơi thở mỗi khi thở vào, mỗi khi thở ra. Học giả người Anh dùng từ “mindfulness” để dịch chữ sati từ tiếng Pali ra tiếng Anh có lẽ đã chịu ảnh hưởng bởi lời cầu nguyện trong Anh Giáo “to be ever mindful of the needs of others” – nghĩa là luôn nhớ đến nhu yếu của kẻ khác. Cho dù từ “mindful” – trong cách dịch của người Anh - có thể đã được rút ra từ văn cảnh Thiên chúa giáo, Đức Phật đã đích thân định nghĩa sati (niệm) là khả năng nhớ qua việc cắt nghĩa chức năng của niệm trong việc tu tập thiền bằng bốn satipatthanas, hay niệm xứ.
                “Và thế nào là niệm (sati) căn? Trường hợp một tì khưu, một đệ tử của bậc thánh, có chánh niệm, kỹ càng từng chút nhỏ nhiệm, nhớ và có khả năng gợi lại trong tâm những việc đã làm và nói từ lâu. (Và từ đây bắt đầu công thức tu tập satipatthana (tứ niệm xứ)J Vị ấy duy trì sự quán thân trong chính thân - nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm - gạt sang một bên những tham ưu đối với thế gian. Vị ấy duy trì sự quán thọ trong chính thọ… quán tâm trong chính tâm… quán các tâm sở (phẩm chất của tâm) trong chính tự thân của chúng - nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm - gạt sang một bên những tham ưu đối với thế gian.” - SN 48.10
                Bài kinh đầy đủ về satipatthanas (DN 22) bắt đầu bằng các hướng dẫn về phép niệm hơi thở. Các chức năng như “nhận diện đơn thuần hơi thở,” hay “chấp nhận hơi thở,” v.v… mà các vị thầy đương đại bảo với chúng ta là vai trò của niệm, kỳ thực là những chức năng của các phẩm chất khác của tâm (tâm sở). Các phẩm chất này không tự động nằm trong niệm (sati), nhưng ta phải tùy chỗ đưa chúng vào.
               Một phẩm chất luôn luôn thích hợp trong việc củng cố niệm là sự tỉnh thức hay tỉnh giác. Sự tỉnh giác, tiếng Pali là Sampajañña, là một thuật ngữ khác cũng thường bị hiểu lầm. Từ này không có nghĩa là nhận thức thụ động về hiện tại, hay hiểu về hiện tại một cách thụ động, không có sự chọn lựa. Các ví dụ trong Kinh Tạng cho thấy sampajañña có nghĩa là là nhận thức về những gì mình đang làm trong các hành động (nghiệp) về thân và về ý. Nói cho cùng, nếu ta muốn đi đến cái hiểu về chuyện ta đang tạo khổ như thế nào, thì chỗ chú tâm chính của chúng ta bao giờ cũng phải là: ta đang thực sự làm gì lúc này. Đó là vì sao chánh niệm và tỉnh giác phải luôn đi kèm với nhau trong lúc hành thiền.
                Trong Kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthana Sutta), hai phẩm chất này được kết hợp với phẩm chất thứ ba là nhiệt tâm. Nhiệt tâm có nghĩa là luôn chuyên chú nơi những gì mình làm, cố gắng hết lòng để làm việc ấy một cách hay nhất. Điều này không có nghĩa là lúc nào mình cũng phải căng thẳng, cực nhọc, nó chỉ có nghĩa là mình không ngừng phát triển các thói quen tốt và từ bỏ các tập khí xấu. Nên nhớ rằng, trong bát chánh đạo, chánh niệm phát sinh từ chánh tinh tấn. Chánh tinh tấn là nỗ lực để hoàn thiện. Niệm đi theo hỗ trợ cho nỗ lực ấy bằng cách nhắc ta kiên trì, không thối thất giữa chừng.
                Ba phẩm chất (chánh niệm, tỉnh giác, nhiệt tâm) này đều đặt trọng tâm vào cái mà đức Phật gọi là yoniso manisikara, như lý tác ý - sự chú ý thích đáng (phù hợp với lẽ đạo.) Xin lưu ý: chú ý thích đáng, chứ không phải chú ý đơn thuần. Đức Phật khám đã khám phá ra rằng cách chúng ta để ý đến sự vật được quyết định bởi những chuyện chúng ta xem là quan trọng: những câu hỏi ta mang vào việc tu tập, những vấn đề ta muốn giải quyết qua sự tu tập. Không có sự chú ý nào có thể gọi là đơn thuần hay không không cả. Nếu trên đời không có vấn đề gì cả, thì mình có thể chạy theo bất cứ những gì đi tới, không cần chọn lựa gì cả. Nhưng sự thật là có một vấn đề lớn nằm ngay giữa mỗi việc mình làm, đó là: cái khổ đến từ việc hành động trong vô minh. Đây là lý do vì sao Đức Phật không bảo mình hãy nhìn mỗi phút mỗi giây bằng con mắt của một người mới bước vào đời. Mình phải luôn đặt trong tâm vấn đề khổ và sự chấm dứt khổ.
                Bằng không, phi như lý tác ý - sự chú ý không chính đáng - sẽ len vào gây chướng ngại, chẳng hạn như chú tâm vào những câu hỏi như “Tôi là ai?”, “Tôi có ngã hay không?” - những câu hỏi dính dáng đến sự hiện hữu và bản ngã. Những câu hỏi ấy, Đức Phật nói, đưa mình vào rừng rậm của kiến (quan niệm), và làm cho mình vướng vào gai nhọn. Những câu hỏi đưa mình đến giải thoát đặt trọng tâm vào sự hiểu biết về khổ, sự buông bỏ nhân khổ, và sự hành trì con đường đưa đến sự chấm dứt khổ. Ước muốn tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này là điều khiến mình tỉnh giác với những hành động qua thân, ngữ, ý của mình, và khiến mình nhiệt tâm sốt sắn làm các nghiệp ấy một cách thiện hảo.
                Chánh niệm là yếu tố giúp mình luôn nhớ đến như lý tác ý. Các nghiên cứu của ngành tâm lý học hiện đại đã cho thấy rằng sự chú ý (tác ý) không xảy ra một cách liên tục mà xảy ra trong những khoảnh khắc rời rạc. Mình chỉ có thể chuyên chú vào một cái gì đó trong một khoảng thời gian rất ngắn, và rồi mình phải tự nhắc mình, từng chốc một, quay về với đối tượng đó nếu muốn tiếp tục duy trì sự chú ý nơi đối tượng đó. Và chánh niệm là để giúp mình làm việc này. Chánh niệm giúp mình duy trì đối tượng của sự chú ý, và mục đích của sự chú ý trong tâm.
                Thế nhưng, những quyển sách bình dân đại chúng về thiền lại đưa ra những định nghĩa khác cho chánh niệm, giao cho chánh niệm những nhiệm vụ khác - nhiều cho đến nỗi danh từ khốn khổ này bị hoàn toàn biến dạng. Thậm chí, có khi chánh niệm còn được định nghĩa là sự Giác Ngộ, Tỉnh Thức, như trong câu “Giây phút có chánh niệm là giây phút của sự Giác Ngộ, Tỉnh Thức” - điều mà Đức Phật chẳng khi nào nói, bởi vì chánh niệm là pháp hữu vi, do duyên hợp, còn Niết Bàn (nirvana) thì không.
                Đây không phải là những vấn đề vụn vặt để tranh cãi của các học giả bới lông tìm vết. Nếu ta không phân biệt được các phẩm chất mà mình đưa vào trong thiền tập, thì chúng dính chùm lại với nhau, khiến tuệ giác đích thực khó phát khởi. Nếu ta quyết định cho rằng một trong những nhân tố trên con đường đưa đến Giác Ngộ chính là tự thân sự Giác Ngộ, thì cũng giống hệt như đi ra đến giữa đường rồi ngủ ngay tại đó. Ta không bao giờ đi đến chỗ rốt ráo của con đường, và đồng thời thế nào cũng bị cán bẹp bởi già, bệnh, và chết. Vậy, ta cần phải nắm cho rõ đường hướng, mà muốn được như vậy, bên cạnh những thứ khác, ta cần phải biết đích xác cái gì là niệm, cái gì không phải niệm.
                Tôi từng nghe niệm được định nghĩa là “sự để ý đến một cách ưu ái” hay “sự để ý đến một cách từ bi,” nhưng ưu ái và từ bi không đồng một nghĩa với niệm. Chúng là những pháp khác nhau. Nếu muốn mang sự ưu ái và từ bi vào thiền tập, thì hãy nhận diện cho rõ rằng những yếu tố mà mình đưa vào đó là những thứ tác động thêm vào với niệm, bởi vì trong thiền tập, mình phải có khả năng thấy được khi nào những phẩm chất như từ bi là có ích, và khi nào thì không. Vì như Đức Phật nói, có những lúc sự ưu ái là nguyên nhân của khổ, cho nên mình cần phải coi chừng.
                Có khi, chánh niệm được định nghĩa là trân quý giây phút hiện tại với những niềm vui nhỏ có được trong giây phút ấy: vị ngọt của một trái nho khô, cảm giác ấm áp của ly trà trên tay. Chữ mà Đức Phật dùng để gọi sự trân quý ấy là: tri túc, bằng lòng với những gì mình có. Tri túc có ích khi ta gặp phải những hoàn cảnh khó khăn, cực nhọc về thân, nhưng không phải bao giờ cũng có ích lợi trong lĩnh vực tâm. Trên thực tế, Đức Phật đã có lần nói rằng bí quyết của sự Giác Ngộ của Ngài là Ngài đã không cho phép mình dừng lại bằng lòng với bất kỳ một sự chứng đạt nào của mình. Ngài tiếp tục vươn tới những chỗ đắc cao hơn cho đến khi không còn chỗ nào cao hơn nữa. Cho nên sự bằng lòng, tri túc phải biết chỗ, biết thời của nó. Chánh niệm - nếu không bị dính chùm với sự bằng lòng, tri túc – có thể giúp mình giữ sự thật ấy trong tâm.
                Có những vị thầy định nghĩa chánh niệm là “không phản ứng” hay “sự chấp nhận một cách sâu sắc” (radical acceptance.) Nếu tìm các từ này trong ngôn ngữ của Đức Phật, ta sẽ tìm được hai từ gần nhất là xả và nhẫn. Xả có nghĩa là tập bỏ qua một bên những ưa ghét của mình, để có thể quán sát những gì đang thật sự có đó. Nhẫn là khả năng không để cho mình bị bực bội bởi những gì mình không thích, kiên trì với những tình huống khó khăn cho dù chúng chưa giải quyết được mau chóng như mình mong muốn. Nhưng trong khi củng cố chánh niệm, ta ở lại với những pháp không dễ chịu không phải là để chấp nhận chúng như vậy rồi thôi, mà là để quán sát và hiểu chúng. Một khi đã thấy rõ rằng một phẩm chất - như ghét bỏ hay tham ái - là có hại cho tâm, mình không thể kiên nhẫn hay thản nhiên với chúng. Mình phải làm những gì cần làm để dẹp bỏ chúng, và để nuôi dưỡng những phẩm chất thiện thay vào chỗ đó, bằng cách đưa vào những yếu tố khác của thánh đạo: chánh chí (quyết tâm đúng) và chánh tinh tấn (nỗ lực đúng.)
                Chánh niệm, xét cho cùng, là một phần của con đường rộng hơn, được vạch ra bởi như lý tác ý. Mình phải luôn nhớ mang tấm bản đồ lớn ấy để để quy chiếu cho những gì mình làm. Chẳng hạn: ngay lúc này mình đang tập nhớ đến hơi thở, vì mình biết rằng định – như một yếu tố của thánh đạo – là cái mình cần phải phát triển, và chánh niệm về hơi thở là một phương tiện tốt để tu tập định. Hơi thở cũng là một chỗ đứng tốt để từ đó mình có thể trực tiếp quan sát những gì đang xảy ra trong tâm, để nhận diện những phẩm chất nào nơi tâm đang mang đến những kết quả tốt và những phẩm chất nào không.
                Thiền tập đòi hỏi nhiều phẩm chất nơi tâm, và mình phải biết rõ chúng là những phẩm chất nào, đâu là chỗ để phân biệt chúng, và mỗi phẩm chất có thể làm được những gì. Như vậy, khi mất quân bình, mình có thể nhận diện phẩm chất nào đang thiếu, và có thể nuôi dưỡng những yếu tố cần thiết để bổ túc. Giả sử mình đang bối rối và khó chịu, hãy thử đem vào một tí dịu dàng và tri túc (hoan hỷ.) Khi dãi đãi (làm biếng), hãy phát khởi ý thức về những hiểm nguy của sự vụng về và tự mãn. Đây không phải chỉ là vấn đề cứ tích tập thêm chánh niệm. Mình cần phải tích tập những phẩm chất khác nữa. Trước hết, mình có đủ chánh niệm để nối kết các việc lại với nhau, duy trì các vấn đề căn bản trong lúc thiền, và quán sát sự vật trong suốt khoảng thời gian. Rồi mình lại thử nhận diện - tức là tỉnh giác – xem xem mình có thể gia thêm những gì khác nữa.
                Cũng giống như việc nấu ăn. Khi mình không hài lòng với vị của nồi canh mình đang nấu, mình không phải chỉ có tra thêm muối hoài. Có khi mình cho thêm hành, có khi thêm ớt, có khi thêm tiêu – tùy theo mình muốn có vị gì. Chỉ cần nhớ rằng mình có cả kệ gia vị để dùng.
                 Và hãy nhớ rằng việc nấu ăn của mình có mục đích của nó. Trong bản đồ thánh đạo, chánh niệm không phải là điểm kết thúc. Chánh niệm phải đưa mình đến chánh định.
                Chúng ta thường được nghe giảng rằng niệm và định là hai hình thức hành thiền riêng biệt, nhưng Đức Phật chưa bao giờ vạch ranh giới rõ rệt giữa hai pháp này. Trong các bài pháp của ngài, niệm chuyển dần sang định; định tạo nền tảng cho mức niệm vững vàng hơn. Tứ niệm xứ cũng là các đề mục của định. Mức định cao nhất là khi niệm trở nên thanh tịnh thuần nhất. Như Ajaan Lee, một vị thầy lớn trong truyền thống Lâm Tăng của Thái Lan, đã có lần cắt nghĩa, chánh niệm phối hợp với nhiệt tâm sẽ trở thành một chi phần của định có tên là vitakka (tầm) hay “ý nghĩ có hướng,” chúng ta giữ cho các ý nghĩ của mình trước sau đều nhắm vào một đối tượng. Sự tỉnh giác phối hợp với nhiệt tâm sẽ trở thành một chi phần khác của định: vicara (tứ), hay “sự cân nhắc, thẩm định.” Ta thẩm định (đánh giá) những gì đang xảy xa với hơi thở của mình. Có thoải mái không? Nếu có, thì cứ giữ như vậy. Nếu không, thì ta có thể làm gì để làm cho hơi thở dễ chịu hơn? Hãy thử làm cho hơi thở dài hơn một chút, ngắn hơn một chút, sâu hơn, cạn hơn, nhanh hơn, chậm hơn. Và xem chuyện gì xảy ra. Khi đã tìm ra cách thở như thế nào để nuôi dưỡng cảm giác đầy đủ & khoan khoái, ta có thể làm cho cảm giác đầy đủ & khoan khoái đó lan toả khắp toàn thân. Hãy học liên hệ với hơi thở như thế nào để nuôi dưỡng năng lượng tốt khắp châu thân. Khi toàn thân đều cảm thấy khoan khoái & dễ chịu như vậy, ta có thể lắng lại một cách dễ dàng.
                Ta có thể đã nhặt được ở đâu ý niệm rằng không bao giờ nên uốn nắn hơi thở, nó làm sao thì mình phải chấp nhận nó như vậy. Thế nhưng, thiền tập không phải đơn thuần là một tiến trình thụ động, có mặt một cách không phán xét đối với bất cứ những gì đang có đó, và không làm gì để thay đổi cả. Chánh niệm, trong suốt thời gian, liên tục nối kết mọi thứ lại với nhau, nhưng chánh niệm cũng luôn nhớ rằng có con đường phải tu tập, và làm cho tâm ý lắng lại là một phần của con đường ấy.
                Đó là vì sao sự thẩm định (tứ) – cân nhắc xem đâu là cách tốt nhất để nâng lạc thọ của hơi thở lên đến mức tối đa – là thiết yếu trong sự thực tập. Nói khác hơn, ta không bỏ khả năng phán xét, thẩm định của mình khi tu tập chánh niệm. Ta chỉ tập cho chúng bớt tính chất quan toà và có nhiều tính chất sáng suốt hơn, để chúng mang lại những kết quả rõ ràng cụ thể hơn.
                Khi hơi thở đã thật sự tròn đầy & khoan khoái khắp toàn thân, ta có thể buông sự đánh giá (tứ) và chỉ cần là một với hơi thở. Cảm giác hợp nhất[1] này có khi cũng được người ta gọi là mindfulness (niệm), theo nghĩa đen: mind-fullness (sự tròn vẹn, no đủ của tâm), cảm giác hợp nhất tràn ngập khắp toàn bộ phạm trù ý thức của mình. Ta hoà làm một với cái ta đang chuyên chú tới, làm một với những gì ta đang làm. Hoàn toàn không có ‘chủ thể’ riêng biệt. Đây là loại định nghĩa chánh niệm dễ dàng bị nhầm lẫn với sự Giác Ngộ (Tỉnh Thức) bởi vì nó có thể có vẻ rất giải thoát, nhưng Đức Phật không gọi đó là chánh niệm hay Giác Ngộ (Tỉnh Thức.) Nó được gọi là cetaso ekodibhava, sự hợp nhất của tâm ý hay nhất tâm - một yếu tố của định, có mặt trong mỗi bậc thiền kể từ nhị thiền cho đến thức vô biên xứ. Cảm giác đó thậm chí chưa phải là mức tột cùng của định, huống nữa là sự Giác Ngộ.
                Điều này có nghĩa là vẫn còn việc phải làm thêm nữa. Đây là chỗ chánh niệm, tỉnh giác, và sự nhiệt tâm cần tiếp tục đào xới sâu thêm. Chánh niệm nhắc ta rằng dù cảm giác toàn nhất này có mầu nhiệm đến đâu đi nữa, mình vẫn chưa giải xong vấn đề khổ. Sự tỉnh giác tìm cách tập trung vào những gì tâm ý vẫn đang còn làm trong trạng thái nhất toàn ấy - những chọn lựa ngấm ngầm nào mình đang làm để duy trì cảm giác toàn nhất này, những mức độ căng thẳng (khổ) vi tế nào đang được gây nên bởi những chọn lựa đó – trong khi nhiệt tâm thì cố tìm thử cách nào để bỏ được cả những chọn lựa vi tế đó để dứt được sự căng thẳng (khổ) kia.
                Vậy thì ngay cảm giác toàn nhất này cũng là một phương tiện để đưa đến một chỗ cao hơn. Ta đưa tâm đến một trạng thái toàn nhất vững vàng để buông bỏ thói quen chia cắt thực tại mà mình trải nghiệm ra làm hai cái: ta và không phải ta, nhưng ta không dừng lại ở đó. Ta lại mang trạng thái toàn nhất đó ra, tiếp tục soi chiếu nó dưới mọi yếu tố của chánh niệm. Đó là lúc những thứ thật sự quý giá bắt đầu tự hiển lộ ra. Ajaan Lee dùng hình ảnh của quặng kim trong tảng đá. Dừng lại nơi cảm giác toàn nhất thì cũng giống như bằng lòng với chỗ hiểu biết rằng trong tảng đá của mình có thiếc, bạc, và vàng: Nếu chỉ làm có bấy nhiêu thôi, thì mình sẽ không bao giờ sử dụng được chúng. Nhưng nếu mình nung tảng đá lên đến nhiệt độ nóng chảy của các chất kim loại này, thì chúng sẽ tự tách riêng ra.
                Cái thấy giải thoát đến từ sự thử nghiệm. Đó là cách đầu tiên để chúng ta tìm hiểu thế giới. Nếu chúng ta không phải là những sinh vật linh hoạt, thì chúng ta đã chẳng hiểu chút gì về thế giới cả. Mọi sự cứ trôi qua, và chúng ta chẳng biết được chúng liên hệ với nhau như thế nào, bởi vì chúng ta không có cách nào tác động lên chúng để xem những hậu quả nào xảy ra khi các nhân tố nào thay đổi. Chính vì chúng ta có làm, có tác động trong thế giới mà chúng ta hiểu được thế giới.
                Điều này cũng đúng với tâm. Mình không thể nào chỉ ngồi đó trông đợi rằng một tâm sở độc nhất - như niệm, nhẫn, tri túc, hay nhất tâm - sẽ làm tất cả mọi việc. Nếu mình muốn tìm hiểu các tiềm năng của tâm, mình phải sẵn sàng xoay sở với các cảm thọ nơi thân, và các phẩm chất nơi tâm để thử nghiệm. Đó là lúc mình đi đến cái hiểu về nhân và quả.
                Và điều này đòi hỏi toàn bộ trí tuệ của mình - chứ không phải chỉ có trí tuệ sách vở. Nghĩa là mình phải có khả năng nhận diện những gì mình đang làm, hiểu được kết quả của việc mình làm, và tìm ra những cách làm khéo léo hơn để càng lúc càng tạo ít khổ hơn, ít căng thẳng hơn: sự khéo xoay sở (lanh lợi) trên con đường thánh. Chánh niệm cho phép ta thấy được những mối liên hệ này, vì nó luôn nhắc ta cố thủ với các vấn đề này, bám trụ với các nguyên nhân cho đến khi ta thấy được các hệ quả của nó. Nhưng một mình chánh niệm không thể làm tất cả mọi việc. Mình không thể nêm canh bằng cách chỉ trút thêm tiêu vào. Mình phải tùy theo cần gì mà cho thêm các vật liệu khác.
                Do vậy, tốt nhất không nên chồng chất lên danh từ chánh niệm quá nhiều ý nghĩa hay gán cho nó quá nhiều chức năng. Nếu không, ta sẽ không thể nào nhận diện rõ ràng bao giờ một phẩm chất - chẳng hạn như tri túc – là có ích và khi nào thì không, khi nào ta cần làm cho các thứ hợp nhất lại với nhau, và khi nào nên tháo chúng riêng ra.
                Vậy ta hãy gọi tên, dán nhãn các món gia vị trên kệ của mình cho thật rõ ràng, và học qua sự thực hành gia vị nào thì tốt cho mục đích nào. Chỉ khi ấy ta mới có thể phát triển hết khả năng của mình với tư cách một người nấu bếp.
                [1] Sự hợp nhất (hay toàn nhất) của tâm ý chứ không phải là ‘nhất như.’ Thời nay có người dịch oneness là ‘nhất như’, nhưng ‘nhất như’ là một thuật ngữ có nghĩa hoàn toàn khác. Nhất là chẳng hai, như là chẳng khác. ‘Chẳng hai, chẳng khác thì gọi là Nhất Như, tức là lý chân như’ (Tam Tạng Pháp Số, quyển 4.) [GN]
                03-14-2009 12:23:46
 
--o0o--