Thư Viện Chùa Dược Sư
PHẬT HỌC CƠ BẢN
 
NĂM MỚI
Thu Linh Sokei Shigetsu Sasaki - Diệu Liên Lý
---o0o--- 
            Ngài Sokei Shigetsu Sakaki, một trong những thiền sư Nhật Bản đã đến Mỹ hoằng pháp rất sớm, và đã cống hiến cả cuộc đời mình để giới thiệu Thiền đốn ngộ (Sudden Awakening Zen) cho người Mỹ.  Thiền sư bắt đầu thuyết giảng ở Manhattan từ những năm 1930. 
            Lúc ấy hẳn là Thiền sư Sokei cũng không chắc rằng những lời Ngài dạy có được ai nhớ đến không, nói chi đến việc sau này chúng được in thành sách.  Mang Thiền đến với nước Mỹ, Thiền sư Sokei nói, là một việc làm mông lung giống như cắm một cánh hoa sen vào vách đá, với hy vọng rằng nó sẽ cắm rể.
            Thiền sư mất vào tháng 5 năm 1945.
            Bài này trích trong The Zen Eye (Con Mắt Thiền) là tổng hợp các bài pháp thoại của Thiền sư.
            Mỗi đầu năm, chúng ta luôn có cảm giác như mình được làm mới trở lại.  Những người không có tín ngưỡng thường không cảm thấy sự bắt đầu làm mới lại cuộc đời là có ý nghĩa gì lắm.  Nhưng người Phật tử chúng ta cảm thấy hạnh phúc vì đã hoàn thành công việc của năm cũ và sẽ bắt đầu công việc của năm mới.  Chúng ta cảm thấy như mình phải bắt đầu cuộc đời mới lại từ gốc rễ.  Giống như khi dọn dẹp nhà cửa.  Ta phải dở chiếu, dở thảm lên, quét dọn bụi bặm từ dưới sàn nhà trở lên.  Người không có tín tâm sẽ không thể hiểu được sự dọn mình này.  
            Khi chúng ta thực sự có tín tâm, ta sẽ nương tựa vào dharmakaya (body of dharma –Pháp thân), ta đặt nền tảng trên dharmakaya.  Chúng ta không chấp thủ, không thành kiến đối với dharmakaya, và nương trú vào đó.  Nương trú vào tâm thức hiện tiền.  Dầu bạn có tin vào điều đó hay không, nó vẫn thực sự hiện hữu, vì thế ta cũng nương trú trong giây phút hiện tại.  Chúng ta được có một giáo lý mang đến cho ta một nền tảng vững chải, chân chánh.  Không nương theo giáo lý của Đức Phật, cuộc sống của ta sẽ mất bao ý nghĩa.
            Tôi biết một diễn viên –anh ta là bạn tôi.  Khi đã trở thành một Phật tử, thì trước khi lên sân khấu, anh đều trì chú.  Cách hành xử của anh hoàn toàn đổi khác.  Đó là tín ngưỡng.  Chỉ đến nơi thờ tự, quỳ lạy, đọc tụng “Ôi, Thượng đế ở trên trời”, và cầu mong được ban phước lành thì đó không phải là tín ngưỡng chân chánh.  Trong mỗi giây phút sống, dầu bạn làm gì, bạn cũng mang trong lòng niềm tin, chân lý vô bờ này.  Lúc đó bạn mới có thể chú tâm vào công việc mình làm, trong từng phút giây.
            Đến bữa ăn, tại sao bạn phải trang trọng trải khăn bàn, và dọn thức ăn trong những chén sứ dĩa bạc khác nhau?  Có thể bạn không nghĩ đến, nhưng đó cũng là tín ngưỡng.  Tín ngưỡng ở trong tâm bạn, và bạn trở thành một người thuần tịnh, nhất tâm.
            Chuyện rằng có một người đốn cũi đi vào rừng, gặp một chú sói con, ông mang về nhà và nuôi dưỡng nó.  Sói con đi theo người tiều phu như một chú chó con.  Một ngày kia, nó theo ông vào rừng, và ông lỡ tay giết nó.  Vì ông đang đốn cây, sói con đi ngang qua, cây đổ trên người nó, đè chết nó.  Người tiều phu cảm thấy ân hận, nhưng bỏ xác sói lại đó và đi về nhà.  Sói mẹ đã tìm thấy xác con.  Rồi từ trong rừng, đổ ra một bầy sói hung dữ vào làng để trả thù dân làng.  Đàn sói vào làng, ăn thịt trẻ con, giết hại gia súc. 
            Dân làng đi cầu cứu với một vị thiền sư.  Thiền sư bảo: “Ta sẽ đi gặp bầy sói, ngăn cản chúng vào làng, gây bao tai hại cho dân làng”.  Đêm đó, vị thiền sư chờ đợi bầy sói trên đường chúng thường đi ngang qua.  Ngài thiền tọa ngay tại đó.  Bầy sói đến -một, hai, ba, bốn con.  Chúng vây quanh thiền sư, gầm gừ.  Bất thình lình một con phóng qua người thiền sư.  Dân làng tin rằng khi một con sói phóng lên đầu ai, nó phóng uế vào mắt nạn nhân để người đó không còn nhìn thấy gì.  Lúc đó cả bầy sẽ lao vào tấn công nạn nhân.  Vị thiền sư không hề lay động, không sợ hãi, vẫn lắng sâu trong thiền định, như một cây cổ thụ trụ vững chải trên mặt đất, trong thiên nhiên vô tri giác, không bao giờ biết sợ.  Thất bại, bầy sói bỏ đi và không bao giờ trở lại làng nữa.   
            Những câu chuyện như thế thường là giả tưởng, nhưng rất phổ thông trong dân gian Nhật Bản và Trung Hoa.  Họ thường có những câu chuyện kể về các vị thiền sư bị sói lang bao vây, nhưng không thể làm hại họ.  Làm sao vị hành giả có thể giữ được bình tĩnh trong những hoàn cảnh như thế.  Họ đã đạt đến mức độ mà tâm thức họ dường như là tâm vô tri giác của thiên nhiên.  Ngày nay chúng ta không làm được như thế.  Chúng ta không làm được vì sự chú tâm của ta liên quan đến những vấn đề hoàn toàn khác với các vị thiền sư thời cổ xưa.  Tâm thức của các vị thiền sư dường như đồng bản thể với tâm thức của thiên nhiên, vạn vật.  Tâm họ không có gì ngoài thiền định.  Ngược lại, tâm của chúng ta thì lại lo nghĩ đến những vấn đề của nền văn minh hiện đại.  Nền văn minh ngày nay khác với những ngày đó.  Chúng ta không thể làm được những gì mà các vị thầy thời xa xưa đã làm, mà chúng ta cũng không muốn thể nghiệm chúng.  Chúng ta có quan điểm riêng của mình và không muốn làm theo ai.  Nhưng chúng ta cần phải có một nền tảng  -đó là tâm thức.
            Nếu có ai hỏi tôi “Tín ngưỡng của ông là gì?”  Tôi sẽ trả lời rằng: “Cuộc sống hằng ngày là tín ngưỡng của tôi”.  Chúng ta không cần phải kêu gọi “Ôi, Thượng đế!” hay bất cứ danh xưng gì.  Chúng ta chỉ cần chấp tay lại và định tâm.  Đó là tín ngưỡng. (. . . )
            Thành phố New York là một kiến trúc của tâm, một biểu hiện của tâm.  Nếu bạn về vùng quê, thì đó là thiên nhiên, nhưng thành phố New York không là gì cả, ngoại trừ tư duy.  Quán sát thành phố New York dưới cái nhìn đó cũng khá thú vị.  Tôi thích thành phố New York hơn đồng quê vì New York phản ảnh tâm thức nhân loại (human mind), trong khi đồng quê chỉ là thiên nhiên (nature mind).  Thành phố là tướng tâm nhân loại, còn đồng quê là tướng tâm thiên nhiên.
            Bước đầu của việc luyện tâm là dừng tâm loạn động, sau đó là giải phóng, buông thả nó.  Trước hết là dừng sự chuyển động của tâm, rồi quán sát sự chuyển động đó.  Ta có thể nói ngắn gọn về thiền như thế.  Suy cho cùng, không có gì trong Phật giáo ngoại trừ việc tu tập để dừng sự chuyển động của tâm lại, và quán sát sự chuyển động của tâm.  Và phải thực hành sự quán sát đó trong từng giây phút. 
            Được thế rồi thì khi bạn giao tiếp với người, khi ăn uống, hay khi bạn làm bất cứ điều gì cũng với tâm chánh niệm.  Không có gì trong Phật giáo ngoại trừ để tìm ra bí mật của sự chuyển động tự nhiên của tâm thức.  Đó không phải là triết học như ở phương Tây, sự huyền bí của phương Đông chỉ là thiền.  Người Tây phương nghĩ rằng việc quán sát từng chi tiết nhỏ của tâm,  trong từng phút giây, thật là vô ích.  Nhưng khi bạn đã tập luyện quán sát bằng cách đó trong hai, ba năm, bạn sẽ thấy là tâm bạn giống như một khu vườn đẹp đẻ, được chăm sóc kỹ lưỡng. Vì thế, hãy quán sát nó đêm ngày.  Rồi thì, không chỉ là bạn sẽ cảm nhận được chính tâm thức của mình mà bạn còn có thể cảm nhận được tâm thức của người khác nữa.  Sau khi mọi công án đã được giải, bạn sẽ tập quán sát chính tâm mình và tâm của người.  Bạn tập hướng dẫn nó và biết điều gì đang xảy ra trong đó.  Tất cả các vị thiền sư xưa kia khi không có công án nào để nghiền ngẫm, đã thực hành như thế.  Tất cả những quyền lực siêu nhiên có thể giúp ta đọc được tâm người khác cũng là do công phu tu tập như thế.
             Diệu Liên Lý Thu Linh 
            (Lược dịch theo New Year’s, The Zen Eye, NXB Weatherhill, NY 1994)
--o0o--