NGỒI GIỮA GÍO XUÂN
Hạnh Chi
---o0o---
Nhà thiền có danh từ “Tọa Xuân Phong” để diễn tả
hạnh phúc khi thầy trò, đồng môn, được ngồi yên với nhau,
không cần làm gì, nói gì mà như đang cho nhau rất đầy, rất
đẹp. Danh từ đó, tạm dịch là “Ngồi Giữa Gió Xuân”
Mùa Xuân chẳng phải là mùa tiêu biểu cho những
gì hạnh phúc nhất trong bốn mùa ư?
Hạ vàng nắng cháy, vui chơi hối hả như đàn ve
sầu ca hát suốt mùa để cuối mùa kiệt lực!
Thu êm ả hơn, nhưng nhìn mây xám giăng ngang, lá vàng lả tả,
tâm- động nào mà không bùi ngùi tưởng tới kiếp nhân sinh?
Đông lạnh lẽo gió mưa, kẻ trong chăn ấm, người
ngoài phong sương, tấc lòng tương ái băn khoăn nào dứt?
Chỉ mùa Xuân, người người tìm nhau đoàn tụ, muôn
hoa tặng người thời kỳ mãn khai rực rỡ nhất để nhắc nhở
người biết đến với người bằng Từ Bi Hỷ Xả.
Có món quà cao quý này, chúng ta chỉ cần ngồi
xuống bên nhau thì lập tức nắng hạ, mưa thu, đông rét mướt
cũng trở thành gió xuân dịu dàng; Vì sân hận, oán trách, ác
độc, bất công không thể tồn tại trong Từ Bi Hỷ Xả.
Thời kỳ sắp đạt thành Đạo Cả, sa-môn Gotama đã
dừng lại trong khu rừng bồ-đề râm mát bên giòng sông Ni-Liên-Thuyền,
nơi đó sa-môn đã nhận bát sữa cúng dường của một cô bé trong
làng, đã gặp chú bé chăn trâu tặng cỏ non êm mát làm tọa cụ.
Dưới tàng bồ đề đại thụ, sa-môn đã dũng mãnh lập nguyện:
“Nếu không đạt thành Đạo Cả, ta thề không rời khỏi nơi này.”
Lúc đó, đất trời đang giao mùa, dăm cành sầu
đông khẳng khiu cựa mình thức giấc chờ đón ngọn gió xuân
thoảng tới. Giữa bao la vạn hữu, Sa-môn ngồi kiết già, thinh
lặng, thảnh thơi quán chiếu luân hồi để phát hiện tự ngã,
đạt tới Bình Đẳng Tánh Trí.
Ngọn gió nào thổi qua khu rừng bồ-đề ven thôn
nghèo Ưu Lâu Tần Loa, hướng đông nam Ấn Độ vào canh ba của
một đêm mầu nhiệm cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm, có
phải là ngọn xuân phong đã hớn hở bay khắp mười phương tám
hướng báo tin Đạo Cả vừa tựu thành? Gió đã mang tin vui đi
khắp vạn hữu, nhưng người đắc đạo vẫn lặng yên ngồi giữa gió
xuân sau khi đã đạt Túc Mệnh Minh, thấy hết đoạn đường sinh
diệt của mình trong các kiếp quá khứ, hiện tại, vị lai; đạt
Lậu Tận Minh, cái thấy vượt thoát sinh tử; đạt Tha Tâm Minh,
Thiên Nhãn Minh, Thiên Nhĩ Minh, Thần Túc Minh, do nắm vững
bí quyết của chánh niệm mà thấy hết, nghe hết, tới hết với
trầm luân của mọi loài.
Khi ánh dương rạng rỡ ở phương Đông, vị sa-môn
mới chậm rãi đứng lên. Ngài đi về phía bờ sông Ni Liên
Thuyền. Cũng con sông ấy nhưng nước sông như trong hơn, mát
hơn khi bước chân Bậc Giác Ngộ chạm vào giòng chảy. Có lẽ
con sông biết, từ đây, nó đã đi vào lịch sử vì người vừa
xuống tắm sẽ là bậc đạo sư vĩ đại của nhân loại.
Còn ngọn xuân phong? Nó đã thông minh, chuyển
hóa thành sương mai buổi sáng, nắng ấm buổi trưa hay mây nhẹ
lãng đãng buổi chiều để theo dấu chân vị đạo sư suốt bốn
mươi chín năm du hóa. Bất cứ thuyết giảng nơi đâu, vị đạo sư
cũng tĩnh tọa an nhiên, tự tại như đêm đắc đạo tại rừng
bồ-đề, làm sao ngọn xuân phong có thể thiếu vắng để mang
những lời thuyết giảng đi xa, thật xa, tới tận ngọn thông
trên bao đầu non, hay cuối bờ cát cháy những mịt mù sa mạc.
Chẳng thế mà, hàng nghìn năm sau, bất cứ nơi đâu có bóng
dáng của hành giả biết “ngồi yên” với tâm trong veo tĩnh
lặng, nơi đó đều phảng phất hương gió xuân, bất kể khi đó
đang là mùa nào trong trời đất.
Hình ảnh Tọa Xuân Phong, đúng nghĩa cả thân, tâm,
ý, sẽ chính là Thân Giáo, biểu tượng sự thanh khiết, tinh
sạch, làm cảm động những lữ khách đang bôn ba xuôi ngược
giữa lốc xoáy của kiếp nhân sinh. Phút giao cảm đó, có kẻ đã
biết dừng lại, ngồi xuống, tạm thả buông hệ lụy, thở thật
sâu và bàng hoàng nhận ra:
“Đạo như Trời Đất,
Vận hành mang mang
Lặng thinh dũng mãnh
Rạt rào thơm ngát Kim Cang”
(1)
Dường như lần đầu, kẻ ấy nhận thức được là mình
đang thở, mình đang sống. Vậy trước kia có thở, có sống
không? Phải thở mới sống được chứ? Vậy là, trước kia vẫn thở
mà không “có thì giờ” biết là mình đang thở; vẫn sống mà
không “có thì giờ” biết là mình đang sống. Vậy thì, ta đã
từng thở như không thở, sống như không sống! Hèn chi mà ta
luôn khổ đau, quẩn quanh trong hơn thua, còn mất, giầu nghèo,
sang hèn …
Giữa bận rộn của kiếp nhân sinh, chỉ cần đôi lúc
biết ngồi yên, lắng tâm, nhìn vào bên trong, nghĩa là nhìn
vào bản ngã đích thực của kiếp người, sẽ thấy ra những vô
thường, biến dịch. Thấy được Vô Thường sẽ chấm dứt khổ đau
vì khổ đau là gốc rễ từ những cái ta ngỡ là Thường! Như
những đợt sóng khi còn, khi mất, đã lo sợ, lao xao tìm nước;
nhưng khi sóng biết mình là nước thì sóng sẽ yên vui.
Tôi đã từng được ngồi như thế, cảm nhận rõ ràng
được ngồi như thế trên những bãi cỏ ở Phương Khê, Xóm Thượng,
Xóm Hạ, Xóm Mới, trong một mùa an cư tại Làng Mai. Mỗi lần
dẫn chúng thiền hành, Thầy thường dừng lại nơi nào đẹp nhất,
khoáng đãng nhất, và thị giả sẽ trải chiếc chiếu nhỏ dưới
gốc cây. Đại chúng dừng lại theo Thầy, tự tìm chỗ ưa thích
và ngồi xuống. Thị giả mở túi vải mang theo bình trà đã pha
sẵn, lấy ra một chiếc tách đất nung, rồi chậm rãi, rót trà
dâng Thầy. Thầy đỡ lấy bằng hai tay, tỏ lòng cám ơn. Thị
giả chắp tay búp sen đáp lễ rồi lùi sang bên, vén áo, ngồi
xuống sau Thầy.
Khi ấy, đoàn thiền hành cũng đã khoanh chân ngồi
yên.
Chẳng cần một lời mà thầy trò đang cho nhau ngàn
lời.
Không gian mênh mông. Bầu trời cao, trong xanh,
lửng lơ mây bạc. Rừng cây bát ngát hương tùng, hương bách.
Chim hát trên cây. Hoa nở dưới đất. Tất cả lặng thinh thể
hiện sự kỳ diệu của:
“Đã về,
Đã tới,
Bây giờ,
Ở đây”
Thế thôi.
Không cần chi nhiều, chỉ cần từ bi với chính ta
bằng cách biết cho ta đôi lúc ngồi yên, ta sẽ hạnh phúc như
vị vua đời Trần, coi ngai vàng như đôi dép rách để trở thành
Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm, Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự :
“Thị phi niệm trục triêu hoa lạc
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn” (2)
“Phải, trái, như hoa rụng sớm mai
Lợi danh buốt lạnh đêm mưa dài
Hoa rơi, mưa tạnh, non u tịch
Một tiếng chim ca, xuân dẫu phai!”
(3)
Sau đêm mưa lạnh, hoa rụng tơi bời, ta thấy gì
khi hửng đông vừa hé rạng? Là những ngọn núi xanh rì, lặng
thinh, tươi mát mà mưa kia chẳng thể cuốn trôi, hoa kia
chẳng thể nhuộm héo. Trong tịch mịch tinh khôi ấy, mùa xuân
đã qua rồi mà con chim về muộn vẫn cất tiếng hót hân hoan,
bài ca của xuân bất tận trong tâm Bát-nhã …
Hạnh Chi
(Độc-Cư-Am, nhớ về hương xuân Làng Mai năm trước)
(1) Thơ ht
(2) Trích bài “Sơn Phòng Mạn Hứng” của ngài Điều
Ngự Giác Hoàng.
(3) ht tạm dịch
01-02-2009 11:23:14