TU BA NGHIỆP
HT. Thích Thanh Từ
---o0o---
Chúng ta tu Phật ai cũng nhắm đến chỗ giải thoát
sanh tử. Muốn cầu giải thoát sanh tử thì phải biết nguyên
nhân dẫn chúng ta đi trong luân hồi sanh tử. Vì vậy hôm nay
chúng tôi nói về đề tài Tu ba nghiệp, bởi ba nghiệp chính là
nguyên nhân dẫn chúng ta trôi lăn trong sanh tử.
Trước khi đi sâu vào vấn đề, tôi dẫn một ít câu
thơ của thi hào Nguyễn Du trong truyện Kiều:
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách cứ trời gần trời xa.
Thi hào họ Nguyễn có cái nhìn rất thấm nhuần đạo Phật, ông
đã hiểu đã nắm vững tại sao con người phải chịu khổ vui.
Điều đó xưa kia Tổ tiên ta cứ ngỡ do Thượng đế cả, Ngài ban
vui hoặc phạt khổ. Nhưng với cái nhìn của đạo Phật thì không
phải vậy, mà đó là do nghiệp. Chúng ta đã tạo nghiệp nào thì
nó sẽ lôi dẫn mình đi tới chỗ an vui hoặc đau khổ. Từ ngàn
xưa, những nhân vật đại diện cho các tư tưởng lớn Việt Nam
đã có tầm hiểu biết về đạo Phật sâu rộng như thế.
Đến như quần chúng Việt Nam, mỗi khi thấy người
thân quen gặp khổ nạn, thường hay thốt câu “Tội nghiệp anh (chị)
quá!” Hai chữ Tội nghiệp đơn giản mà chứa đầy đủ ý nghĩa.
Tội là sự xấu ác, Nghiệp là sức mạnh lôi dẫn người tạo tội
đi tới chỗ thọ khổ. Như vậy, khổ không phải bỗng dưng có mà
do nghiệp mình tạo, nên ngày nay mới thọ quả.
Nhiều người cho rằng kẻ ấy hồi xưa xấu ác nên
bây giờ chịu khổ là đáng kiếp. Nghĩ như vậy không phải là
Phật tử, vì người con Phật lúc nào cũng chứa chan lòng từ
bi. Thấy người khổ, dù ở hoàn cảnh nào cũng thương hết. Dù
xưa kia họ có tạo nghiệp ác, nhưng ngày nay thấy họ khổ ta
đều xót xa, không nỡ bỏ qua. Vì vậy dùng từ “Tội nghiệp” với
lòng chân thành hiền hòa, ai khổ mình cũng thương.
Chữ “Nghiệp” nguyên tiếng Phạn là Karma, Trung
Hoa dịch là Nghiệp. Nghiệp là thói quen do ta thực hành liên
tục một công việc nào đó trong một thời gian dài. Người Việt
Nam dùng chữ “Nghiệp” rất đúng. Thí dụ hai người cùng làm
nghề thợ mộc, họ gọi nhau là bạn “đồng nghiệp”. Hoặc thầy
giáo cô giáo gặp nhau, giới thiệu với bạn bè mình: “Đây là
bạn đồng nghiệp của tôi”.
Nói tới nghiệp thì tôi đi xa hơn một chút. Có
nhiều người nghĩ rằng làm ra tiền của để lại cho con cháu nó
hưởng. Nhưng trên thực tế, điều đó không phải lúc nào cũng
đúng như ý muốn. Bởi vì tiền của là vật bên ngoài, dễ bị mất
mát. Ngày nay nó đang là của mình, nhưng bất cứ lúc nào có
sự chuyển biến thì nó thành của người khác. Chỉ có tạo
nghiệp lành hoặc nghiệp dữ, cái đó mới trung thành với chúng
ta.
Thí dụ như có ba người, một thợ mộc, một thợ hồ
và một bác sĩ cùng qua sông trên một chuyến đò. Cả ba đều có
mang theo những vật dụng của mình. Khi ra tới giữa sông đò
bị chìm, đồ đạc mang theo mất hết, chỉ ba người còn sống sót.
Họ bắt đầu gầy dựng lại của cải bằng nghề nghiệp của mình.
Như vậy, của cải bên ngoài có thể bị mất mát, nhưng nghề
nghiệp không bao giờ mất.
Chúng ta muốn để lại cho mai sau không mất thì
phải tạo nghiệp lành. Nghiệp lành không ai lấy được, còn của
cải có khi bị ăn cắp, hoặc mất do nạn lửa nước v.v… Cho nên
nghiệp hết sức quan trọng, quyết định dòng luân hồi sanh tử
của chúng ta, nó là sợi dây cột trói con người rất chặt, khó
có thể thoát ra được.
Nghiệp từ đâu mà có? Trong nhà Phật nói nghiệp
đến từ ba chỗ: thân, miệng và ý. Thân làm điều tốt điều lành
gọi là tạo nghiệp lành, làm điều xấu dữ gọi là tạo nghiệp ác.
Miệng nói lời tốt lành là tạo nghiệp lành, nói lời ác dữ là
tạo nghiệp ác. Ý nghĩ điều hay lẽ phải là tạo nghiệp lành,
nghĩ điều xấu dở là tạo nghiệp ác.
Chúng ta tạo nghiệp, để rồi bị nghiệp dẫn trở
lại, xoay vần như thế mãi. Đúng như lời cụ Nguyễn Du nói “đã
mang lấy nghiệp vào thân, thì đừng trách lẫn trời gần trời
xa”. Trời không chen vào cái khổ vui của mình, mà chính
nghiệp lành nghiệp dữ của mình đưa đẩy ta tới chỗ khổ vui.
Ví dụ cụ thể như những người tập uống rượu, mỗi ngày uống
một ly, hai ly, uống lâu thành ghiền. Ghiền gọi là nghiệp.
Hoặc người tập đi chùa, tụng kinh mỗi ngày quen rồi, bữa nào
không đi thấy buồn, vì nó đã thành nghiệp. Nghiệp uống rượu,
nghiệp đi chùa. Nhưng uống rượu là nghiệp xấu, còn đi chùa
nghe kinh học đạo là nghiệp lành. Cả hai đều là nghiệp,
nhưng một bên đưa tới chỗ thanh thản sáng suốt, một bên đưa
tới chỗ si tối hiểm nguy.
Rõ ràng chúng ta tạo nghiệp, rồi nghiệp dẫn
chúng ta đi trong luân hồi sanh tử. Cho nên Phật dạy phải
tránh những nghiệp dữ ác. Phật tử sau khi qui y rồi, Phật
cấm không được làm năm điều: không sát sanh, không trộm cướp,
không tà dâm, đó là tránh nghiệp ác của thân, chặn đứng cho
ta khỏi rơi vào chỗ hiểm nguy đau khổ. Như vậy thì ba cái
này mình không làm là mình giữ được thân không tạo tội ác.
Phật cấm uống rượu và nói dối, đó là tránh nghiệp ác của
miệng. Nói đủ miệng có tới bốn điều: nói dối, nói hai lưỡi,
nói hung dữ, nói thêu dệt. Khi tu khá Phật tử giữ luôn cả
bốn điều trên. Đến ý có ba: tham lam, nóng giận, si mê. Phật
dạy người biết tu phải bớt tham lam, bớt nóng giận và bớt si
mê. Đó là tu để ba nghiệp của mình càng ngày càng tốt.
Như vậy giai đoạn thứ nhất Phật dạy chúng ta
đừng làm những điều đó, tức không tạo nghiệp ác thì khỏi rơi
vào đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Không rơi vào ba
đường này, khi nhắm mắt ít nhất chúng ta cũng trở lại làm
người. Đời này làm người, đời sau cũng trở lại làm người,
không thua thiệt gì hết. Chúng ta giữ trọn vẹn những điều
này là giữ được vị trí con người.
Tiến lên nữa chúng ta muốn được phước cao hơn
con người thì phải thêm: không nói dối, không nói lời hung
dữ, không nói lời đâm thọc, không nói thêu dệt. Ba nghiệp
của ý bớt tham, bớt sân, bớt si. Tu như thế chúng ta sẽ vượt
lên hơn người, sanh lên các cõi trời. Như vậy càng không làm
những điều tội lỗi, càng hưởng được quả lành. Nếu tạo những
tội ác nhiều thì phải chịu khổ đau nhiều. Khổ đau và an lạc
do chính chúng ta là chủ nhân tạo ra và hưởng lấy, chứ không
có thánh thần nào can dự vào hết.
Nhưng Phật tử khi gặp khổ thì kêu trời, kêu Phật,
chứ không kêu mình. Chúng ta tạo nhân thì chịu quả, tại sao
lại kêu trời, kêu Phật? Như thanh niên còn trẻ mà tập hút á
phiện, xì ke, ma túy đến nghiện ngập, khi hết tiền thì ụa
mửa vật vã. Cái khổ bị ụa mửa, bị hành hạ đó do ai bày ra?
Vậy mà tới chừng khổ lại trách trời trách đất trách xã hội.
Trách như thế có đúng không? Đó là vì khi quá khổ rồi nói
bướng, chứ không có lẽ thật.
Chúng ta biết tu thì tự chọn lấy con đường để
tiến lên, chứ không ai chọn thay cho mình hết. Một chữ
Nghiệp cũng đủ để nói lên rõ ràng sự khổ vui do chúng ta tạo
thì chúng ta hưởng, chứ không ai khác. Hiểu như vậy ta mới
quay lại tu sửa chính mình. Khi gặp cảnh trái ý nghịch lòng,
ta tự biết “bởi tôi ngu si nên tôi phải khổ!” Cho nên hiểu
rõ ý nghĩa của Nghiệp rồi, chúng ta trở thành người cứng cỏi,
mạnh mẽ, dám chịu trách nhiệm về cuộc đời, về những gì mình
đã gây tạo. Cho nên tu Phật là tạo cho mình một cơ hội để
được tu sửa, dở sửa thành hay. Đã hay thì tiến thêm nữa. Đó
là ý nghĩa tu.
Riêng nghiệp ý tôi nói “bớt” chứ không nói “hết”,
bớt tham, bớt sân, bớt si. Tất cả quí vị có thấy “bớt” là
khó không? Ai cũng biết tham lam, nóng giận, si mê là xấu,
nhưng không chịu bỏ tức là chấp nhận xấu. Vậy mà có người
nói xấu thì giận. Cuộc sống thế gian quả thật mâu thuẫn vô
cùng, giữ cái xấu mà ai nói xấu thì không chịu! Cho nên
chúng ta phải nhìn thấu đáo được lẽ thật.
Tham, sân, si là cội gốc gây ra đau khổ. Ta biết
nó xấu hại, mà không chịu bỏ thì chắc chắn cuộc sống không
an ổn. Ví dụ trong nhà, vợ chồng cãi nhau một chút liền nổi
nóng lên. Từ việc rất nhỏ, nhưng khi nổi nóng đùng đùng thì
nó thành lớn, nhiều khi đi tới tai họa phải ly dị nhau. Như
vậy, nóng giận là nhân đau khổ, ta đã biết rõ sao không chịu
bỏ bớt? Bớt được một phần là giảm thiểu một phần khổ đau.
Cho nên người tu theo đạo Phật là người tìm về nguồn hạnh
phúc, nguồn an lạc. Muốn thế, những gì thuộc nhân khổ đau,
ta phải trừ bỏ. Trừ bỏ những nhân đó gọi là tu.
Nhiều Phật tử cứ cho rằng tu là ăn chay. Nghe ai
ăn chay một tháng hai ngày liền khen “bạn biết tu rồi đó”.
Cứ nói ăn chay là tu, mà gốc nóng giận, tham lam, si mê lại
không chịu sửa. Đó là tu cái ngọn chứ không phải tu cái gốc,
nên tu mà không hết khổ. Nhiều người ở chùa ăn chay mười năm
hai chục năm, mà ai nói trái ý cũng la hét um sùm, vậy có tu
chưa? Ăn chay trường mà còn nóng giận là chưa phải tu. Chúng
ta tu đúng nghĩa tu, chứ không phải tu trên hình thức. Tu
hình thức sẽ tạo cho mình nhiều tật xấu lắm. Thí dụ mình ăn
chay trường, tới nhà người ăn mặn, ta cầm chén đũa lên ngửi
và chê “Tanh quá!” Thế là mất lòng chủ nhà rồi! Ta cho mình
tu hay, khi dễ người khác, như vậy đâu phải tu hay.
Trong ba nghiệp, chủ động là ý. Ý nghĩ tốt thì
miệng nói tốt, thân làm tốt. Ý nghĩ xấu thì miệng nói xấu,
thân làm xấu. Tội lỗi hay phước đức đều gốc từ ý mà ra. Cho
nên tu bớt tham, bớt sân, bớt si là nhắm ngay gốc của ba
nghiệp. Chúng ta biết tu phải cố gắng làm chủ phần nào ba
độc tham, sân, si. Làm chủ được chúng thì đời sống bình an,
không làm chủ được chúng thì đau khổ liên miên không dứt.
Nếu để tham lam chồng chất trong lòng thì được
một đòi mười, được mười đòi trăm, được trăm đòi ngàn, được
ngàn đòi triệu v.v… cứ thêm hoài, không biết chừng nào mới
đủ. Muốn mà bị ngăn trở thì sân, nên nói từ tham sanh sân.
Nếu bớt được tham thì không ham muốn nhiều, nên cũng không
bị ngăn trở, không sanh sân hận. Chỉ cái tham mà tạo ra bao
nhiêu duyên cớ để chúng ta khổ liên tục. Nên bớt tham thì
bớt sân. Đó là sự liên hệ giữa tham và sân. Hai thứ này tuy
thấy mạnh nhưng gốc của nó là si, nên tôi gọi khác một chút:
si, tham, sân.
Ví dụ người nam thấy người nữ có sắc đẹp nên mê
đắm. Nếu ai ngăn cản không cho tới lui cưới hỏi thì họ hận
thù. Như vậy, vì mê sắc đẹp, muốn chiếm hữu, nếu bị ngăn cản
thì oán thù muốn giết hại nhau. Đó là gốc từ si, mới tới
tham sân. Người tu Phật phải làm sao đầy đủ trí tuệ để phá
dẹp si mê trước. Phá được si rồi thì tham, sân theo đó hết.
Trong nhà Phật có nhiều cách trừ si mê. Thường
nhất chúng ta tụng Bát-nhã Tâm Kinh, mở đầu là câu Quán Tự
Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến
ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. Nghĩa là Bồ-tát
Quán Tự Tại khi thực hành sâu trí tuệ Bát-nhã rồi, Ngài quán
thân năm uẩn tự tánh là không, liền qua hết tất cả khổ nạn.
Chúng ta tụng kinh Bát-nhã bao nhiêu biến rồi? Khổ nạn có
qua hết chưa? Tụng thì rất nhiều mà khổ nạn còn nguyên,
chẳng lẽ lời Phật dạy không đúng?
Bởi vì trong Bát-nhã có chia làm ba phần: Văn tự
Bát-nhã, Quán chiếu Bát-nhã và Thật tướng Bát-nhã. Văn tự
Bát-nhã tức là chữ lời trong kinh, được dụ như một con
thuyền. Quán chiếu Bát-nhã tức là xét kỹ. Kinh Bát-nhã dạy
phải chiếu kiến ngũ uẩn giai không, tức là soi xét thấu đáo
năm uẩn không có tánh thật, mới qua hết khổ nạn. Quán chiếu
Bát-nhã được dụ như dầm chèo để bơi. Chúng ta chỉ tụng kinh
mà muốn qua hết khổ nạn, chẳng khác nào người muốn qua sông,
xuống thuyền ngồi đó không chịu chèo bơi thì chừng nào mới
qua sông được. Cũng vậy trước chúng ta đọc văn tự, kế phải
quán chiếu mới có thể đến chỗ thật tướng, là chỗ rốt ráo
viên mãn. Tóm lại Văn tự dụ như con thuyền, Quán chiếu dụ
như chèo dầm để bơi, Thật tướng tức đến bờ bên kia. Thế mới
gọi là tu Bát-nhã.
Chúng ta tu chỉ có chặng đầu, hai chặng sau bỏ
quên. Như vậy chừng nào mới hết khổ? Nên cần phải xem xét
lại việc tu của mình cho thấu đáo. Bát-nhã là chữ Phạn,
Trung Hoa dịch là trí tuệ. Dùng trí tuệ soi thấy thân năm
uẩn không thật thì mọi khổ nạn đều qua hết. Như khi ta quán
sát lại mình, thấy thân tạm bợ giả dối, đủ duyên thì còn,
thiếu duyên thì mất. Biết thế rồi có ai khen hoặc chê mình
không mừng cũng không giận. Đó là qua hết các khổ. Ngược lại
nếu thấy thân thật, người ta khen mình mừng, chê mình giận
tức là khổ.
Như vậy muốn phá si mê phải dùng trí tuệ, chứ
không phải đọc tụng. Nhưng phần đông Phật tử thích đọc tụng,
không chịu dùng trí tuệ quán chiếu. Vì tính cách quan trọng
ấy của Bát-nhã nên trong tất cả các chùa, chư Tăng Ni tụng
kinh nào, cuối cùng cũng kết thúc bằng bài kinh Bát-nhã.
Nhiều người thấy vậy hiểu lầm, cho rằng Bát-nhã là bổ khuyết
tâm kinh. Bổ khuyết tức là bù vào chỗ thiếu. Tại sao phải bù?
Họ giải thích khi tụng kinh có lúc nhanh quá nên nhiều khi
có chỗ thiếu, có chỗ nhầm nên cuối cùng phải tụng bài kinh
Bát-nhã để bù lại. Quan niệm đó thật là ngây thơ, không hiểu
gì hết.
Bát-nhã là trí tuệ, dù tu Tịnh độ, tu Mật tông
hay tu Thiền đều phải có trí tuệ. Vì vậy tu pháp nào cuối
cùng cũng phải tụng kinh Bát-nhã. Qua đó đủ thấy tất cả pháp
tu của đạo Phật đều nhắm đến mục đích cuối cùng là mở sáng
con mắt trí tuệ, để đi tới giác ngộ giải thoát. Chúng ta
hiểu được ý nghĩa đó mới khỏi lầm lẫn những gì Phật dạy.
Chúng ta bớt si thì bớt tham, bớt sân. Tu như
thế lần lần ba nghiệp thân, miệng, ý được trong sạch. Nghiệp
là một luật rất công bằng. Phật dạy ai gây nghiệp nào thì
phải đền trả nghiệp ấy, người khác không thế được. Chúng ta
muốn được an vui thì tạo nghiệp lành, muốn đau khổ thì tạo
nghiệp dữ, không ai tạo dùm hưởng dùm được cả.
Trong kinh A-hàm nói: Người tu Phật và không tu
Phật, nếu làm mười phần lành thì cùng hưởng mười phần tốt,
làm mười phần ác thì cùng chịu mười phần xấu. Không phải
người không tu Phật làm ác mới chịu khổ, còn người tu Phật
làm ác được Phật tha. Mình và người làm điều lành, làm điều
dữ đều chịu quả báo công bằng như nhau, không có ân huệ
riêng cho người nào. Bởi vì lý nghiệp báo rất bình đẳng cho
tất cả mọi loài. Cũng như ngày nay trong các nước văn minh,
mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Đạo Phật không cho người Phật tử ỷ lại ta là
Phật tử, lỡ làm tội sám hối sẽ hết. “Sám hối” nghĩa là chừa
bỏ lỗi cũ và không tạo lỗi mới. Người biết sám hối là biết
chừa lỗi cũ, không tạo lỗi mới, nhờ thế bớt tội. Người không
biết sám hối xưa làm tội nay tiếp tục làm tội, thì tội càng
thêm nặng, dù lạy vạn Phật cũng không phải sám hối, không
thể nào bớt tội được.
Phật tử không hiểu ý nghĩa hai chữ sám hối nên
vừa lạy sám hối xong, về nhà nghĩ: “Bữa nay sám hối rồi, tội
lỗi cũ ngang đây xem như xí xóa. Ta bắt đầu làm tội mới, mai
mốt sám hối nữa sẽ hết”. Nửa tháng sám hối một lần như vậy
thì tha hồ tạo tội, Phật bôi sổ đều đều, đâu phải lo. Sám
hối như vậy có hết tội không? Chẳng những không hết mà tội
ngày càng chất chồng thêm. Phải hiểu sám hối là chuyển
nghiệp của mình. Người biết tu nhận định rõ ràng nghiệp lành
đưa tới chỗ an vui, nghiệp dữ đưa tới đau khổ. Nên từ bỏ
những nghiệp dữ, tu tạo các nghiệp lành thì được sanh cõi
trời, người an vui hạnh phúc. Nếu chọn con đường sát sanh,
trộm cướp, tà dâm, nói dối… thì kết quả sẽ đi xuống địa ngục,
ngạ quỷ, súc sanh. Chúng ta là chủ nhân để chọn con đường
của mình, lên hay xuống tùy ta định liệu. Đức Phật được gọi
là đấng Đạo sư tức người chỉ đường, chứ không phải người đón
đưa mình đi lên hay đày đọa mình đi xuống.
Nếu chúng ta can đảm muốn vượt lên tới chỗ cuối
cùng thì đối với cả hai loại nghiệp đi lên và đi xuống này
đều bỏ luôn, dừng hết. Lúc đó ta đi đâu? Dừng nghiệp đi
xuống và bỏ cả nghiệp đi lên, chỗ này nhiều người sợ lắm,
không biết đi đâu? Bởi chúng ta quen mong đời này tu đời sau
hưởng phước, vì vậy thấy tạo nghiệp đi lên dễ chấp nhận. Bây
giờ Phật dạy chỗ rốt ráo không tạo nghiệp đi xuống, cũng
không tạo nghiệp đi lên, không biết phải đi đâu? Đó là giải
thoát sanh tử, còn đi đâu nữa.
Như tôi đã nói trong ba nghiệp, ý nghiệp là chủ.
Ý nghĩ ác, nghĩ lành, nghĩ đủ thứ. Bởi nghĩ ác nên đi xuống
đường dữ, nghĩ thiện nên đi lên đường lành. Bây giờ cả hai
đường dữ và lành đều dừng hết tức là dứt mầm sanh tử, giải
thoát sanh tử. Đây chính là mục đích cuối cùng chúng ta mong
muốn, sao bây giờ lại nghi ngại? Trong kinh Tịnh độ nói Tam
nghiệp thường thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương: ba
nghiệp thường trong sạch thì đồng với chư Phật về cõi Phật.
Nghiệp sạch mới về cõi Phật được chứ.
Với người tu thiền, muốn ra khỏi sanh tử luân
hồi, Phật dạy phải buông hết những vọng niệm lăng xăng xấu
ác cũng như hiền thiện. Hai hướng đó dừng hết là dứt sạch
nghiệp. Dứt nghiệp là giải thoát sanh tử. Nói tóm lại, ai
muốn được hưởng đời sau sung sướng thì tu nghiệp lành, ai
muốn hưởng sung sướng mà tạo nghiệp ác thì phải chịu quả khổ,
còn người muốn giải thoát sanh tử, ra khỏi luân hồi lục đạo
thì phải dứt sạch nghiệp. Mà chủ động của nghiệp là ý, nên
phải dừng từ ý. Chẳng những không tham, không sân, không si,
mà tất cả ý niệm đều phải sạch. Dừng được như vậy mới giải
thoát sanh tử.
Lục Tổ Huệ Năng khi được Ngũ Tổ truyền y bát rồi,
Ngài đi về phương Nam. Mọi người hay được tức giận đuổi theo
để giành y lại, vì cho rằng Lục Tổ chỉ là một gã cư sĩ quê
dốt không đủ tư cách đảm nhận y bát và làm Tổ kế tiếp. Trong
số ấy có thượng tọa Minh, xưa là võ tướng phi ngựa rất nhanh
nên đuổi kịp. Lục Tổ thấy có người đuổi theo, biết được ý họ
nên Ngài để y bát trên bàn thạch, nghĩ rằng: “Y bát là vật
biểu tín, không phải trọng tâm của sự giác ngộ, họ cố giành
thôi ta để lại”. Ngài liền trốn vô lùm cây. Huệ Minh tới nơi
thấy y bát trên bàn thạch mừng quá, xuống ngựa ôm lên nhưng
ôm không nổi. Chừng đó mới giựt mình biết đây là vật nhiệm
mầu, người thường không thể chạm đến. Ngay đó ông thức tỉnh,
đổi tâm giành y bát thành tâm cầu pháp, bèn kêu: “Hành giả!
Hành giả! Tôi tới đây vì pháp chứ không phải vì y bát”. Nghe
thế Lục Tổ mới từ trong bụi chui ra nói: “Nếu ông vì pháp
thì hãy đứng yên lặng giây lâu, tôi sẽ nói pháp cho nghe”.
Thượng tọa Minh đứng yên lặng giây lâu, Tổ nói: “Không nghĩ
thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của thượng
tọa Minh?” Ngay câu nói đó Thượng tọa Minh liền ngộ đạo.
Nghĩ thiện, nghĩ ác là hai đường lên và xuống,
bây giờ dứt hai đường đó, tâm lặng lẽ chính là mặt thật xưa
nay của mình hiện tiền. Như khi ta ngồi ngoài vườn một mình
có bóng mát và khí trời thanh thản, lòng không nghĩ suy gì
hết. Ngay lúc đó có mình không? Mình ra sao? Chúng ta cứ ngỡ
suy nghĩ hơn thua, phải quấy, tốt xấu là tâm mình, nếu không
có nghĩ suy thì không có mình. Thật ra không phải vậy. Tâm
nghĩ suy hơn thua phải quấy là tâm sinh diệt, tâm tạp nhạp,
không phải mình. Hằng ngày ta nói “tôi nhớ” hoặc “tôi thương”.
Có ai làm trái ý thì nói “tôi giận”… Như vậy, buồn thương
giận ghét cái nào là mình? Nếu cái nào cũng là mình hết thì
ta có mấy chục mình? Từ khi cha mẹ sanh ra cho tới ngày ta
nhắm mắt mình là một hay nhiều? Ai cũng biết chỉ có một
“mình” thôi, vậy tại sao lại cho cả trăm thứ buồn thương
giận ghét đều là mình? Chính vì lầm nhận như thế nên ta
không thấy được mặt mày thật của mình.
Khi ta không nghĩ suy gì hết, gió thổi mát mình
biết mát, tiếng chim kêu mình nghe, bóng người đi mình thấy…
Như vậy ta luôn “biết” một cách rõ ràng, không nhầm lẫn chút
nào. Phật bảo tâm là cái “biết” ấy. Tuy nhiên, phải hiểu cái
biết được chia làm hai loại chơn tâm và vọng tâm. Tâm biết
sinh diệt liên tục từ cái này tới cái kia là tâm hư vọng.
Còn tâm biết không sanh không diệt, rỗng rang, không hình
không tướng là chơn tâm. Như vậy khi ta không nghĩ suy mà
vẫn biết, đó là tâm thật hiện tiền, gọi là “bản lai diện mục.”
Chỉ khi nào yên hết các thứ lăng xăng lộn xộn ta mới nhận ra
tâm thật này.
Người tu thiền hay tu niệm Phật… đều đi tới chỗ
phải lặng hết những nghĩ suy, để tâm yên tịnh, trong sáng
không dấy động, đó là trở về tâm thật hiện tiền của mình.
Mình có tâm đó mà không nhớ, không biết nên bây giờ phải cố
gắng dẹp các loạn tưởng để tâm ấy hiện ra. Do đó, niệm Phật
muốn được thành công thì phải nhất tâm. Người tu thiền phải
định mới dừng hết tán loạn. Chừng đó tâm thật của chính mình
tự nhiên hiện bày. Lâu nay ta có sẵn tâm ấy, nhưng nó bị lẩn
khuất trong đám nghĩ suy lăng xăng lộn xộn nên ta không nhận
ra.
Hiện giờ chúng ta vì dùng tâm điên đảo nên tạo
nghiệp này nghiệp nọ, sanh cõi này cõi kia liên miên không
dừng. Phật dạy muốn giải thoát sanh tử phải dừng tâm đó,
lặng nó đi thì mới giải thoát sanh tử được. Ý nghĩa này hết
sức rõ ràng, nhưng người tu Phật ít khi chú ý, ít khi nghĩ
tới.
Thiền sư Nam Tuyền - Phổ Nguyện có một đệ tử đến
xin học đạo là Ngài Triệu Châu Tùng Thẩm. Lúc đó ngài Triệu
Châu còn nhỏ, là Sa-di. Thiền sư Nam Tuyền hỏi:
- Ông là Sa-di có chủ hay Sa-di không chủ?
Ngài Triệu Châu thưa:
- Bạch Hòa thượng, con là Sa-di có chủ.
Ngài Nam Tuyền hỏi:
- Chủ ở đâu?
Triệu Châu liền chắp tay thưa:
- Mùa đông giá rét, kính chúc Hòa thượng được
trăm tuổi.
Ngài Nam Tuyền gật đầu. Hôm khác, ngài Triệu
Châu hỏi thầy:
- Thế nào là đạo?
Ngài Nam Tuyền trả lời:
- Tâm bình thường là đạo.
Ngay đó Ngài Triệu Châu liền ngộ. Câu trả lời
nghe đơn giản quá chừng! Người xưa không giấu diếm chúng ta
điều gì, chỉ tại mình không hiểu thôi. Nghe nói “tâm bình
thường” thấy dễ quá, mình cũng bình thường sao không thấy
đạo? Chúng ta có tâm bình thường chưa? Tâm chưa bình thường
tức là bất thường. Tâm bất thường là tâm điên đảo, đã điên
đảo thì làm sao thấy đạo được? Bởi vậy Phật nói chúng sanh
điên đảo, sống mà không thấy được lẽ thực, nên chịu đau khổ.
Nhưng chúng sanh có ai nhận mình điên đảo đâu?
Những nghĩ suy phải quấy, tốt xấu, hơn thua…
luôn luôn chạy vùn vụt trong đầu ta không dừng nên lẽ thật
bị che khuất. Bây giờ muốn thấy lẽ thật, thì phải dừng nó
lại. Dừng nó lại lẽ thật tự hiện, không cần tìm kiếm ở đâu
hết. Chữ “Đạo” là chân lý, cũng gọi là Phật tánh. Tánh Phật
của chúng ta sẵn đó mà mình không biết, cứ chạy tìm nơi này
nơi kia. Thật sự, chỉ cần dừng tâm niệm thiện ác hai bên thì
tánh Phật hiện ra. Như vậy, có người nào không đủ khả năng
thành Phật không? Chúng ta là Phật con, chỉ vì chưa phát
hiện được thôi, chứ đã có chủng tử sẵn rồi, nên Phật dùng từ
“Phật tử” tức Phật con.
Hiểu chỗ này rồi chúng ta mới thấy tu là chuyển
dần từ con người phàm tục si mê, thành con người giác ngộ
sáng suốt. Chứ không phải tu đứng khựng một chỗ, chờ hết năm
hết tháng chết rồi, đời sau sanh ra sướng hơn đời này một
chút, thế là hài lòng. Có những người giàu sang bằng năm
mười lần mình nhưng họ vẫn kêu khổ như thường. Bởi khổ đã
nằm sẵn nơi thân tạm bợ này rồi, sanh lão bệnh tử khổ. Cuối
cùng tất cả đều là một thây thối. Gầy cũng thối, mập cũng
thối, đen cũng thối, trắng cũng thối, giàu cũng thối, nghèo
cũng thối, chứ có người nào khác hơn đâu. Con đường đi tới
của mọi người đều giống hệt nhau, không có sự khác biệt. Chỉ
ai biết tu, biết chuyển nghiệp, dứt nghiệp thì mới đổi khác.
Nghiệp do tâm nghĩ lành hoặc nghĩ dữ tạo ra, lâu
nay chúng ta lầm tưởng nó thật. Sự thật không phải vậy. Tổ
Đạo Tín, đệ tử tổ Tăng Xán Ngài còn là Sa-di, đến đảnh lễ
thưa với tổ Tăng Xán:
- Bạch Hòa thượng, xin Ngài dạy cho con pháp môn
giải thoát.
Tổ Tăng Xán nhìn thẳng vào mặt ngài Đạo Tín hỏi:
- Ai trói buộc ngươi?
- Thưa không ai trói buộc con.
- Đã không ai trói buộc, cầu giải thoát làm gì?
Ngay đó ngài Đạo Tín ngộ đạo.
Chúng ta thấy nghiệp là từ ý niệm, mà ý niệm
không thật nên nghiệp cũng không thật. Ngài Đạo Tín tưởng có
một cái gì thật trói buộc khiến mình không giải thoát. Khi
Tổ hỏi: “Ai trói buộc ngươi?” Ngài Đạo Tín nhìn lại, thấy
không ai trói buộc nên thưa với Tổ: “Không ai trói buộc
con”. Tổ bảo: “Đã không ai trói buộc, cầu giải thoát làm gì?”
Ngay đó Ngài được tự tại.
Nhìn lại chúng ta có nhiều lầm lỗi đáng thương.
Thí dụ thấy người đó dễ thương ta liền khởi niệm thương.
Niệm thương ấy lôi kéo, khiến mình đuổi theo người kia. Nếu
họ không thương lại thì mình khổ, rồi đổ thừa tại nghiệp tôi
nó vậy. Đáng cười nhất là trong chùa, mấy thầy trẻ trẻ gặp
bổn đạo dễ thương, thế là rủ nhau ra đời. Nếu ai hỏi tại sao
đang tu mà ra đời, thì trả lời tại nghiệp lôi. Nghiệp không
thật, làm sao lôi mình được, nhưng vì mình theo nó nên nó
thành thật. Vì vậy ngài Khuê Phong nói: “Nghiệp” thể không
mà thành sự. Thể tức bản chất của nghiệp là không, nhưng khi
ý khởi tốt xấu, rồi nói làm theo đó nên thành nghiệp. Biết
bản chất của nghiệp không thật, chúng ta không theo nó,
không gây tạo thì dứt nghiệp. Còn nếu theo nó, gây tạo thì
nó kéo chúng ta đi hoài.
Mọi người ở thế gian đều đi theo nghiệp. Nghiệp
giống như sợi dây xỏ mũi, nó lôi đâu mình đi đó, không cưỡng
lại được nên trầm luân muôn kiếp. Ngày nay, chúng ta tu theo
Phật thì phải dứt sạch nghiệp, chuyển mê lầm thành giác ngộ.
Khi không nghĩ thiện không nghĩ ác chúng ta vẫn hiện tiền
chứ không mất. Chúng ta là chủ đi trong luân hồi sanh tử
chúng ta cũng là chủ để giải thoát luân hồi sanh tử. Biết rõ
như vậy là chúng ta biết tu.
Chúc tất cả dứt sạch ba nghiệp để được an vui tự
tại ngay giữa cõi đời đau khổ này. Đó là mục đích cuối cùng
của người tu Phật chúng ta vậy.
(Thiền Viện Thường Chiếu)
03-24-2009 07:23:16